KHANG PHẠM

PHẠM KHANG:bong::bong:

KÝ SỰ BÁ THƯỚC

Là miền đất cổ của xứ Thanh, mây bám núi, núi bám trời, non xanh nước biếc, trùng trùng điệp điệp, sản vật phong phú nức danh trong cả nước…Bá Thước vào thời Lý là huyện Đô Lung, sau đó là huyện Vô Biền…buổi ấy xứ này chỉ duy nhất có người Mường sinh cơ lập nghiệp. Năm Khải Định thứ 10 (1925), thành lập châu Tân Hóa. Đến năm 1947, đổi Tân Hóa thành Bá Thước. Tên gọi Bá Thước gợi nhớ tới cuộc khởi nghĩa của Cầm Bá Thước trên đất quế Trịnh Vạn, châu Thường Xuân, hưởng ứng chiếu Cần Vương của nhà Nguyễn đứng lên chống Pháp.

Bá Thước mãi mãi tự hào vì trên mảnh đất này có những người như Hà Văn Mao ở Điền Lư và nghĩa quân yêu nước sát cánh chiến đấu cùng với Cầm Bá Thước trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Thanh Hóa. Còn phải nhắc tới Hà Công Nguyệt hay còn gọi là Lĩnh Nguyệt, người mường Khô, Điền Lư nữa. Ông chính là con trai của Hà Văn Mao. Ông theo cha cùng nghĩa quân chống Pháp. Sau khi phong trào Cần Vương lắng xuống, Hà Công Nguyệt trở về quê. Lợi dụng thế nhà và uy tín của ông, thực dân Pháp phong cho ông làm Lãnh binh, sai cầm quân đi đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Đến nơi, ông đem quân giao cả cho Hoàng Hoa Thám và quay lại chống Pháp quyết liệt. Năm 1904, ông bị Pháp bắt và bị kết án tù khổ sai 12 năm, đày ra đảo Guyane. Non sông, con người và tinh thần Bá Thước đã được ông ghi lại qua cảm hoài trên đường xa quê đi chống Pháp:
Một cánh bè trôi rợp khúc sông
Nước non rạng vẻ mặt anh hùng
Thang ấp ngàn thu còn vọng mãi
Dòng thần cháu thánh với Vương Công
(Phạm Văn Công sưu tầm- Rút từ “Thơ văn yêu nước”)

Đất đẹp, vượng khí núi sông chung đúc kỳ vĩ thì sinh ra người giỏi. Bá Thước là cái hồn đậm đặc nhất của vùng cao Thanh Hóa. Chỉ cẩn đặt chân đến Son Bá Mười, cao chất ngất trên non cheo leo ta như có cảm giác chung chiêng cái cầu vồng giữa Thanh Hóa và Hòa Bình. Còn như đến với Pù Luông, khu bảo tồn thiên nhiên, vùng sinh quyển nổi tiếng được xếp hạng trong Sách đỏ của Liên hợp quốc ta như lạc chốn thần tiên có thật ở trên đời. Vũ trụ ca, trời đất giao hòa là đây. Tình Bá Thước cũng là đây. Tha thiết và níu kéo bao chân lữ khách, tiêu dao đi vào thơ ca nhạc họa, làm nên cả một vườn thí nghiệm động thực vật khổng lồ của xứ Thanh và vùng Đông Nam Á.

Bá Thước ngày nay, với diện tích tự nhiên lên tới 777,2 km2, dân số trên 100 ngàn người, chủ yếu là người dân tộc Mường, Thái, Kinh. Đơn vị hành chính gồm có 23 xã và 1 thị trấn ( Đã triển khai khu đô thị mới Đồng Tâm thành trung tâm văn hóa, kinh tế trong tương lai của huyện), Bá Thước vẫn còn là huyện miền núi khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều, kết cấu hạ tầng kém phát triển. Khó khăn thì ai cũng biết, nhân dân biết, lãnh đạo biết. Cái quan trọng là biết vượt khó, năng động và sáng tạo để đi lên xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động, biến đất đai, rừng núi, bản làng thành động lực mới, nhân tố mới để xây dựng và phát triển trong giai đoạn HĐH- CNH của đất nước.

Diện mạo Bá Thước đang từng giờ, từng ngày thay da đổi thịt, chất lượng cuộc sống ngày một được nâng cao. Sôi nổi nhất, thành tựu dễ nhìn thấy nhất là chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Bá Thước đã có một bước tiến mạnh về chất, thành động lực, thành men xúc tác để nhà nhà thi đua, bản làng này thi đua với bản làng kia, xã này thi đua với xã kia, quyết xây dựng Bá Thước thành điểm sáng mạnh về phát triển kinh tế, đẹp đẽ khang trang xóm thôn, làng bản, văn hóa và dân trí được nâng cao. Những xã đạt nhiều tiêu chí Nông thôn mới như, Điền Lư, Lương Trung, Tân Lập, Điền Trung…và nhiều xã khác trong huyện là ví dụ sống động cho phong trào xây dựng Nông thôn mới của Bá Thước. Làm được điều đó là do lãnh đạo huyện biết khéo léo sử dụng đầu tư của Nhà nước với mượn sức dân. Dân vi bản. Lấy dân làm gốc vẫn là cái căn bản của vấn đề. Dân tin, dân nghe, dân đồng lòng…thì việc khó đến mấy cũng thành công là vậy. Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Quy, trong số 33 chỉ tiêu của năm 2012 huyện đã hoàn thành và vượt mức kế hoạch 26 chỉ tiêu như: sản lượng lương thực, trồng mía nguyên liệu, thu ngân sách, giảm tỉ lệ nghèo, xây dựng nông thôn mới, an ninh quốc phòng, phát triển văn hóa, giáo dục, đời sống nhân được cải thiện và nâng cao…

Lịch sử bao cấp gò bó, quan liêu, cộng với thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún của người nông dân là một trở ngại lớn dai dẳng trong một thời gian dài ở Bá Thước. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt để đưa cung cách làm ăn mới, kết hợp với KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi đến với từng xóm thôn làng bản đã tạo nên những kết quả thật đáng khích lệ. Năng suất lúa năm 2002 bình quân chỉ đạt 38,96 tạ/ ha, năm 2012 đã đạt 47,8 tạ/ha; Tổng sản lượng lương thực năm 2002 đạt 29.423 tấn, năm 2012 đạt 33.848 tấn; Số hộ nghèo năm 2002 là 40%, năm 2012 chỉ còn 29,27%. Biểu thời gian chỉ là 10 năm. Mười năm không ngắn mà cũng không dài, nhưng sự đổi thay quả thật là mạnh mẽ, có ý nghĩa lịch sử chứ chẳng chơi. Trên đây là những con số liệt kê, nhưng dễ nhận ra đó là những con số biết nói. Những con số mà nhân dân và lãnh đạo của Bá Thước kiên định con đường đổi mới, phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi mới có thể có được. Những con số nói lên một Bá Thước đang đi đúng hướng, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới hợp với ý Đảng, lòng dân.

Hái lượm và săn bắn là công việc thường nhật của người nguyên thủy. Loài người từ khi tìm ra lửa và rượu đã phải đi một chặng đường rất dài. Vẫn biết cuộc sinh nở nào mà chẳng đớn đau, nhưng loài người vẫn kiên trì bám nhau, nối tay nhau tiến về phía trước. Bá Thước bây giờ đã có sắc áo, sắc mặt của một vùng cao đổi mới. Người Bá Thước ngày nay tự ý thức và làm chủ để bước vào mô hình sản xuất nông- công nghiệp. Tiềm năng chẳng phải ở đâu xa. Đó là bãi mía, đồi ngô, nương sắn, những thửa lạc, thửa đậu, thửa vừng, những rừng tràm, rừng luồng ngút ngàn xanh ngăn ngắt, Pù Luông nguyên sinh và trầm tích…Đó sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để chế ra dầu ăn, dầu hỏa, xăng sinh học, tinh bột, đường trắng tinh khiết, thức ăn chăn nuôi, hương liệu cho ẩm thực…Con sông Mã đổ vào Thanh Hoá qua cửa ngõ Tén Tằn, rồi xồng xộc chảy vào Bá Thước như một con ngựa bất kham, men qua Pù Luông, La Hán…Những địa danh sẽ còn sống mãi trong lòng người đọc bao thế hệ qua khúc tráng ca Tây tiến của Quang Dũng. Sông Mã ôm Bá Thước vào lòng với bao ghềnh thác, lúc xanh trong hiền hòa, khi nổi sóng đỏ ngầu giận dữ. Người xưa khi bất lực thường nhìn sông mà khóc. Ấy là lúc con người chưa biết chinh phục thiên nhiên. Nay thì ở đây sừng sững hai nhà máy thủy điện Bá Thước 1 và Bá Thước 2. Những con đập do con người tạo ra để ngăn dòng sông hung dữ và làm ra điện phục vụ sản xuất công – nông nghiệp, hòa vào lưới điện quốc gia, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tạo ra cơ man việc làm.

Có người bảo hôm nay Bá Thước đã vào phom, chỉ những đổi thay đến chóng mặt ở huyện vùng cao này trong mấy năm gần đây. Trên quê hương của Hà Văn Mao đã hiện diện cụm công nghiệp Điền Trung đa ngành nghề. Trai Mường, gái Thái…đã trở thành những ông chủ, bà chủ, anh công nhân, chị công nhân trong nhà máy, phân xưởng làm ra của cải cho chính mình và cho xã hội, làm giàu cho quê hương, đất nước. Cái ước mơ ngàn đời của người dân nơi đây đã thành hiện thực, không còn là chuyện thần thoại, viễn tưởng nữa. Mường Thiết Ống nổi tiếng là mường lâu đời và có văn hóa đặc sắc không hòa lẫn của Bá Thước, ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI đã có nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu. Sắn bây giờ không phải cất giữ trên chái bếp nhà sàn cháy đen cháy thui nữa mà là để dành cho xuất khẩu. Quê hương đã có sự lạ như lời của các già làng trưởng bản ở nơi đây nói với tôi. Nay mai thôi, một khu công nghiệp, dịch vụ thương mại mới sẽ hình thành ở ngã ba Đồng Tâm là cú hích để Bá Thước tiến bước vững chắc trên con đường đổi mới. Với vị trí là cửa ngõ của miền tây Thanh Hóa, có đường thông thương với nước bạn Lào, với ba huyện trải dọc biên giới là Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, phía dưới là Lang Chánh, Ngọc Lặc, chếch phía Đông Bắc là Cẩm Thủy…khu đô thị mới Đồng Tâm xứng danh là cửa ngõ yết hầu của vùng kinh tế mới này, vừa là tụ điểm phát triển kinh tế, vừa tạo thế trong an ninh- quốc phòng và bang giao với nước bạn trong tương lai. Hoạt động đối ngoại với hướng ưu tiên là xúc tiến đầu tư đã được Bá Thước làm rất tốt, sáng tạo và năng động. Với tầm nhìn xa, lãnh đạo huyện chỉ đạo quyết liệt công tác vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng gắn kết với xúc tiến thương mại và du lịch. Bá Thước là huyện có tiềm năng to lớn về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái ở Pù Luông và Văn Nho.

Bá Thước trước cách mạng tháng Tám cả huyện chỉ có một số ít người biết chữ. Thân nô lệ, lại ở vùng sâu vùng xa, nghèo nàn lạc hậu, cái đói cái rét đeo bám đến tàn tạ con người nơi đây. Người Bá Thước có thể ăn đói, mặc rét nhưng ham học. Đất này vẫn có tiếng là đất văn. Thời nay khối người làm cán bộ huyện, cán bộ xã, công chức nhà nước, nông dân, công nhân sáng tác văn học, nghệ thuật có lưu dấu ấn đối với xã hội và địa phương. Ấy cũng là xuất phát từ gốc rễ của tình người Bá Thước, hồn người Bá Thước đằm thắm và gắn bó thủy chung với quê hương, với bản làng mà ra cả. Chủ tịch huyện Bá Thước Nguyễn Văn Quy nói với tôi: Trước năm 2002, toàn huyện chỉ mới có 3 trường tiểu học đạt Chuẩn quốc gia, năm 2012 đã có 18 trường đạt chuẩn. Đài phát thanh và truyền hình của huyện đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh kịp thời những gương người tốt việc tốt, những đơn vị cơ quan có sáng kiến hay, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên địa bàn huyện…đã góp một phần tích cực vào việc nâng cao sự hiểu biết của nhân dân về pháp luật, về cung cách làm ăn mới, truyền bá KHKT, nâng cao dân trí trong cộng đồng các dân tộc ở làng bản xóm thôn. Số con em Bá Thước thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng ngày một tăng. Đó là nguồn nhân lực có chất lượng được đào tạo bài bản sẽ là động lực và tiền đề cho Bá Thước tiến lên xây dựng quê hương đổi mới, giàu đẹp.

Tôi biết, Bá Thước trong mấy năm gần đây gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong tất cả các lĩnh vực then chốt là do Huyện ủy có cái nhìn đúng, Chủ tịch UBND huyện đã điều hành các hoạt động quản lý Nhà nước một cách chặt chẽ, khoa học. Nắm bắt và vận dụng vào thực tiễn một cách kịp thời, hiệu quả thiên thời, địa lợi, nhân hòa và mở rộng bang giao trong xu thế hội nhập toàn cầu nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng hành cùng với Bá Thước hôm nay rất dễ nhận ra sự có mặt của nhiều ông lớn: Tổ chức Chương trình phát triển vùng Bá Thước; Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam; Ngân hàng NN và PTNT tỉnh Thanh Hóa; Dự án CARE; Tập đoàn viễn thông Quân đội…Đủ thấy Bá Thước không đơn độc, không tự trói tay trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, hạ tầng, an ninh –quốc phòng trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước.

Tạm biệt anh Quy, tôi và nhà viết kịch Huy Quang đi ngược sang phía tây cầu La Hán. Không hiểu sao tôi lại nhớ day dứt cái phà La Hán xưa. Cầu bê tông cốt thép to rộng bắc qua sông ai mà chẳng thích, đó là ước mơ bạc tóc bao đời người dân nơi đây mới có. Thế mà tôi vẫn thấy nhớ, bâng khuâng cái phà xưa đến nôn nao. Thì ra con người ta luôn có sự níu kéo, truy xét quá khứ và hiện tại. Phà La Hán, nơi chứng kiến bao bàn chân, bao phận người, bao tiếng nói, bao khuôn mặt, bao tấm gương hy sinh anh dũng của một thời xa lắc xa lơ. Ở đó ngời lên sự bền bỉ, kiên trung, nhẫn nại, anh hùng của lịch sử dân tộc, lịch sử Bá Thước; khi những đoàn quân Tây tiến, những đoàn dân công xe thồ, quang gánh ngày đêm đội nắng, dầm mưa hành quân tiếp tế lương thực, đạn dược cho chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Đường đã rộng thênh, bên dưới là Cành Nàng, cái thị trấn đẹp trong óng ả nắng chiều lọt thỏm giữa bốn bề mây núi, lũng thấp thung cao. Cành Nàng như tên gọi một nàng tiên giáng trần. Một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của Bá Thước đang lột xác từng ngày đi lên trong đổi mới. 
PK…


Ảnh