Phạm Doanh

Vùng Tối - Phạm Doanh -

Phần 1

Quán Ngọc Huơng nằm trên đường Võ thị Sáu được mở dưới dạng mới và theo luật hiện hành. Mấy năm trước, sau một thời gian các quán Karaoke ôm vì quá vi phạm thuần phong mỹ tục nên chính phủ hạ lệnh đóng cửa, lý do vì dân đi hát ngồi trong phòng riêng có máy lạnh, đóng kín cửa, tắt hẳn đèn chỉ còn ánh sáng từ màn ảnh TiVi không đủ soi đến chỗ ngồi. Khi hết một bản chờ sang bản khác thì tối như hủ nút, trong phòng chỉ có vài khách cùng tiếp viên khiến khách chơi tha hồ mà quậy. Nhiều chỗ biến thành ổ điếm trá hình, có nơi còn lộng hành đến nỗi tiếp viên chui xuống gầm bàn mà... đánh giày cho khách.

Bây giờ chính phủ cho thư giãn trở lại nhưng cấm ngăn phòng riêng kín mít và tối bưng, nghĩa là tất cả mọi khách và tiếp viên cùng ở trong một vài phòng lớn, đèn thì mờ mờ chứ không được tắt. Dĩ nhiên chuyện khách bốc hốt hay sờ soạng là điều khó tránh nhưng ở quán này chủ yếu tiếp khách sang nên để đèn sáng hơn, trang trí nhã nhặn hơn và tuyển tiếp viên mặt mũi sáng sủa hơn, nói chung thì cũng có cô chịu theo đi khách, vào hotel hay đi đâu không biết, nếu khách trả nhiều tiền; nhưng chui xuống gầm bàn thì chưa xảy ra bao giờ, một phần vì khung cảnh không dung túng, che đậy các hành vi thiếu vệ sinh đó. Trên nguyên tắc thì chủ quán không can hệ gì đến chuyện không xảy ra trong quán mình.

Tiếng nhạc dần dần tắt, Giám Đốc Phú cầm micro hồi hộp nhìn vào màn ảnh Karaoke chờ máy chấm điểm bài hát của mình. Ông ta muốn biểu diễn với bàn tiệc hôm nay nên đã tập đi tập lại bài "Chuyện Ba Người" cả tuần nay. Màn ảnh chớp chớp vài cái, các con số trên khung điểm quay loạn lên, kéo dài sự chờ đợi của khán thính giả một lúc rồi ngừng ở mức 75 trên 100 và hàng chữ "Good" nhấp nháy.
Phú tiu nghỉu về lại bàn trong tiếng vỗ tay cò mồi của đàn em và nhân viên. Hòa, Phó Giám Đốc Tài Chính muốn nâng bi xếp

- cái máy này chấm điểm sai bét, hôm trước anh hát bên Hồng Dạ cùng một bài này được tới 90 và "ve ri gút" mà.

Lệ Thảo ngồi cạnh Hòa cũng hùa vào

- Dạo này anh hát hay hơn trước nhiều rồi. Chắc máy hư làm sao đó anh Phú, ít có ai được trên 90 lắm.

Thành, Trưởng ban nhân sự sau khi vỗ tay bôm bốp, chuồn vào phía sau kiếm Hằng, chủ quán hỏi

- Nè chị chủ nhà, có cách nào cho cái máy chấm điểm cho Giám Đốc tui khá khá hơn không? mỗi lần ổng đi hát ở đây, toàn là dưới 80 điểm, làm ổng và tụi này quê cơ quá. Coi chừng chị mất khách đó, tui dã nói cho chị một hai lần rồi.

Hằng vừa thở dài vừa xum xoe:

- Anh Thành ơi, bộ máy này mới mua một tháng vì mấy anh chê bộ máy cũ đó. Tôi gửi tận bên Nhật tốn cả hai mươi ngàn đô la, thằng cháu mua giùm nói bộ này chưa tới kịp Hồng Kông nữa đó anh. Lần trước sau khi anh than phiền vụ chấm điểm, tôi có bảo mấy thằng nhỏ coi có cách nào nâng điểm anh Phú không, vì máy hiện đại quá nên tụi nó mày mò cả tuần rồi mà không được, lúc nãy ảnh hát là có đứa điều chỉnh âm thanh theo sát giọng ảnh đó. Tôi có thuê một kỹ sư tin học đến xem rồi, anh ta hứa là có thể viết chương trình lại để điều khiển chuyện chấm điểm được. Tuần sau thì xong.

- Chị làm sao thì làm, ổng quê lắm đó.
- Dạ để tụi tôi gắng hết sức, cám ơn anh đã cho biết.

Hằng dúi vào tay Thành một phong bì nhỏ, tiền phần trăm cho công của Thành mang bữa tiệc lớn này lại quán bà ta. Chuyện kẻ có cơm người có cháo là phổ thông và đương nhiên ở cái xứ này. Từ người tài xế lái xe đưa khách du lịch vào quán nghỉ chân dọc đường, hay chỉ mối khách sạn, hay đưa Việt Kiều đến các nơi mua sắm, đâu đâu cũng phải biết luật chơi, ngay cả xe đò chỉ chở khách nghèo khổ vào quán ăn xập xệ bên đường, chủ quán không trả nổi tiền phần trăm thì cũng dọn cho tài xế và lơ xe một bàn riêng, thức ăn thịnh soạn và chén bát sạch sẽ ngon lành hơn bàn cho khách đi xe buôn thúng bán bưng chỉ dám gọi vừa đủ túi tiền.

Phú rút khăn lau trán, ngồi xuống bàn cạnh Mai Ly, chờ phản ứng của nàng, Mai Ly chỉ mỉm cưòi, vỗ tay lấy lệ, rít một hơi thuốc lá Kool rồi thổi khói ra mà không nói gì làm Phú càng bực mình, nốc cạn ly rượu rồi dằn mạnh xuống bàn. Lúc nãy Phú yêu cầu Mai Ly hát chung với hắn mà Mai Ly từ chối, viện cớ không quen bài này, thật ra thì Mai Ly chán mấy cái bài rề rề đó lắm. Trong lúc Giám Đốc Phú lên hát thì Mai Ly ngồi lơ đãng, tâm tư xáo trộn với những suy nghĩ không sao kiểm soát được. Mai Ly không ngờ đời mình có lúc lại xuống chỗ bùn lầy như thế.

Mai Ly chưa thuộc vào hạng bất cứ ai bỏ tiền ra cũng mua được thân thể nàng, nàng cũng đã ngủ với nhiều người, nhưng nếu tên nào đòi trả tiền để ngủ với nàng thì chỉ nhận được sự từ chối thẳng. Còn những khách đã có công theo đuổi nàng, tặng quà, tặng tiền bo và nàng thấy thích hắn hay ít ra không cảm thấy lợm giọng khi gần hắn thì có thể có lúc nàng chiều ý. Trong thâm tâm Mai Ly cũng biết mình chưa là gái điếm thì cũng là gái bao, bồ nhí của các tên Giám Đốc, Sĩ Quan. Có những thời gian ở với người nào đó, nàng không cần đi làm cũng đủ tiền bao. Nhưng những quan hệ vợ bé nửa chừng xuân này cũng chẳng bền gì. Mai Ly chỉ còn chút tự an ủi mình là nhờ có chút nhan sắc và giọng hát hay nên dù có phải bán thân xác mình thì cũng còn có quyền chọn khách. Sự tự an ủi đó cũng là sự tự mình lừa dối mình thôi.
Mới đây mà đã ba năm, lúc đó cô bé Hương Tảo, tên thật của nàng, còn đang học trung học phổ thông lớp mười hai....


... Hương Tảo ôm cặp ra khỏi lớp, đầu óc mệt mỏi vì những con số toán học không tiêu hóa nổi, nàng không có khiếu về toán nhưng bố mẹ bắt học ban Toán để sau này học kỹ thuật. Hương Tảo chỉ thích đọc sách và ca nhạc, trong thâm tâm nàng mong được vào Viện Âm Nhạc nhưng dù có năng khiếu mà không có cơ hội để phát triển nên khi đi thi sơ khảo họ đã cho nàng biết là chưa đủ trình độ kỹ thuật cần phải học thêm trước khi thi thật.

Chợt có ai giật tay áo, Hương Tảo quay lại thấy Hoàng Liên, cô bạn cùng lớp, cười cười

- Tảo lại nhà Liên chơi không? có mục này hay lắm.
- Mục gì vậy Liên ?
- Thì cứ đến rồi biết.
- Thôi đi, mày lại tính giới thiệu chàng cả quỷnh nào cho tao chứ gì , chán bỏ xừ.
- Không có đâu. mày khó tính quá ai mà dám giới thiệu hoài. Lần trước anh Luân sáng sủa như thế, lại Sinh Viên Phú Thọ, một năm nữa là ra trường, mà mày cứ tỉnh bơ đi.
- Dân kỹ sư khô như vỏ cau, cả buổi chỉ đực mặt ra, chả nói được câu nào ra hồn.
- Thật ra tao cũng không muốn cà cho mày, nhưng ông Thịnh anh tao, chơi với chàng thân lắm, chàng cứ nói mãi làm ông Thịnh bảo tao tìm cách cho hai người gặp nhau đấy chứ.
- Vậy thì lần này có gì ?
- Bảo đảm mày sẽ thích, coi chừng mai mốt lại đuổi cũng chẳng về.
- Gớm, cái gì mà kinh thế! nào thì đi nào.

Hoàng Liên đưa Hương Tảo về nhà ở một khu chung cư đường Cao Thắng. Liên gửi xe tại một nhà ở tầng chệt. Thường thì chung cư nào cũng có ít nhất một nhà ở tầng dưới đất làm nghề giữ xe cho các gia đình ở các từng trên, vì ít ai muốn mang xe mình lên cầu thang để cất vào nhà, mà để dưới sân thì không yên bụng, nhất là qua đêm; Ở Vietnam chiếc xe Honda, xe gắn máy Nhật được gọi chung là Honda, là cả một tài sản lớn và là phương tiện di chuyển phải có. Xã hội Saigon hay Vietnam nói chung có thể tạm chia làm hai, giai cấp có xe Honda và giai cấp không có xe Honda, dạo sau này có lác đác xuất hiện giai cấp xe hơi, là các tay doanh nghiệp hay cán bộ cao cấp. Vả lại khoảng sân chung thường hay bị các hộ tầng chệt lấn chiếm, hoặc bán hàng hoặc để lu khảm. Các gia đình giữ xe rút vào phòng trong mà ở, để phần ngoài chứa xe, ban ngày người gửi lấy xe đi làm gần hết, cái nào còn thì mang ra sân, giằng dây xích với nhau, và luôn luôn có người trông chừng.

Hoàng Liên chỉ cái ghế salon, bảo Hương Tảo
- Mời em đặt đít xuống, chị bật TiVi cho xem.

Hương Tảo nghĩ thầm

" Chắc nó lại thuê được bộ phim nào mới nên rủ mình coi chung đây, có vậy mà cũng làm ra vẻ bí mật"

Liên bấm đầu máy video, cảnh bãi biển hiện ra với từng làn sóng bạc đầu vỗ vào ghềnh đá, một người nam ngồi lặng lẽ trên mỏm đá, mắt nhìn xa xa, rồi một dòng chữ mầu trắng xuất hiện

"Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại"

Dòng chữ này từ từ chuyển sang màu đỏ, từ chữ thứ nhất dến chữ cuối, rồi câu khác lại hiện ra;

"Cuộc tình nào đã ra khơi"...

Rồi cứ thế, từng câu từng câu cho đến hết bài. Trong khi bài mới được giới thiệu, Hoàng Liên nhìn Hương Tảo cười tủm tỉm

- Sao ? Hay không ?
- Sao cái gì ? Hay chỗ nào ? bộ đây là chương trình ca nhạc cho người điếc hả ? Chẳng ai hát và chẳng có nhạc gì cả.
- Muốn có nhạc hả ? dễ quá mà.

Liên bấm một nút ở cái remote control, tiếng nhạc đệm không lời trổi lên, cùng với những dòng chữ đổi màu.

"Ta thấy em trong tiền kiếp"...

Liên lại nhìn Hương Tảo, lại tủm tỉm cười. Hương Tảo nói:

- Nhạc thì hay, cảnh thì đẹp, nhưng chỉ vậy thôi hả. Chắc là để dạy đánh vần Việt ngữ bằng các bài hát phải không ? Tao thì thuộc lòng như cháo các bản này rồi. Có vậy mà cũng rủ với rê.

Hoàng Liên phá lên cười

- Em nhà quê quá em ơi, cái này là Karaoke đó.
- Karaoke là cái gì ?
- là ca ra thì OK, mà ca hổng ra thì hổng OK, hihihi. Thôi không chọc mày nữa, chờ tí nhé.

Liên mở trong tủ ra một cái microphone, quấn dây chung quanh như dây thắt cổ trong các phim cao bồi, và phía đầu tròn bọc một miếng vải nhỏ. Liên cố tình làm cho Hương Tảo sốt ruột, tháo dây thật từ từ rồi cắm vào máy khuếch thanh, cầm micro lên nói "A lô, A lô".

Tảo thấy micro ngờ ngợ máy để làm gì nhung cũng chưa hiểu được hết thì thấy Hoàng Liên mắt dán vào màn ảnh TiVi, cầm micro hát theo các dòng chữ

"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Trên bước chân em reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu...."

Hương Tảo ngây người ra mà nghe mà xem, Tảo không ngờ lại có cái chuyện hay ho thích thú này, dù giọng hát Liên ngày thường chẳng khá gì nhưng khi vào trong máy nghe vang vang cũng ra trò lắm. Ngoài balcony đã có thập thò vài người hàng xóm đứng xem. Có lẽ nhà Liên là một trong những nhà có bộ máy này trong chung cư.

Liên say sưa hát liền mấy bản, rồi đưa micro cho Tảo:

- Hát đi nhỏ.

Tảo ngập ngừng

- Thôi, tao chưa hát Karaoke bao giờ cả, không biết đâu.
- Thì vậy mới gọi là ca ra thì OK, mày có giọng tốt, cứ tập là thích ngay.

Tảo cầm micro mà run run, liếc ra ngoài cửa thấy mấy người đứng coi lại càng mắc cở, trả lại micro cho Liên

- Thôi, người ta nhìn kỳ quá.

Liên cười, lại càm micro mà hát. Tảo nghĩ thầm "Nó hát dở vậy mà chả sợ gì cả", dần dần Tảo cũng nhấp miệng, hát khẽ theo những dòng chữ và cảm thấy mình muốn thử xem giọng mình vào micro thì ra sao.

Liên hát xong một bài lại đưa micro cho Tảo, Tảo ngượng ngập cầm, bắt theo dòng chữ mà hát nhưng cứ vào hụt đứng ngớ ra, làm Tảo lại phải quay băng lại. Khi đã quen sơ Tảo vào nhịp đúng lúc nhưng giọng cao quá nên lạc bè với nhạc. Liên nói:

- Stop, stop! mày hát xuống 1 tông đi, cứ như Thái Thanh ấy, máy tao đâu có chỉnh cao thấp dược.

Thế là lại làm lại. Nhưng chỉ một lát sau Tảo đã thông hiểu vấn đề, hát rất hay, toàn là nhũng bài khó mà Liên chịu thua như "Tuổi Mười Ba" hay "Rồi từ giọng hát em" của Ngô Thụy Miên. Giọng Hương Tảo cao vút lại được micro trợ lực vang ra ngoài, cứ sau mỗi bài lại có tiếng vỗ tay của hàng xóm đứng xem đã dần dần đông.
Liên và Tảo thay đổi nhau, hát cả giờ không chán. Bỗng từ ngoài cửa Trí, bạn trai của Liên và Thụ, bạn anh ta, rẽ người xem bước vào nhà, Trí nói, giả giọng Huế:

- ủi chu choa, ai hạt mà hay rửa ?

Thụ cũng chêm vào:

- Điệu này thì mình hết dám cầm micro rồi.

Liên cười:

- Gớm hai cái ông quỷ này, hôm nay Liên định làm giờ riêng tư, sao lại đánh hơi được mà đến thế này.

Thụ làm bộ hơi hưóng mũi về phía Tảo, hít hà vài cái

- Thơm quá, thơm quá, làm sao mà không đánh hơi được người đẹp Xạ Hương.

Tảo đỏ mặt, gặp Thụ mấy lần rồi mà vẫn chưa quen lối tán cải lương đó. Tuy không lấy làm phấn khởi với sự có mặt của Thụ cho lắm, nhưng vì quá thích trò giải thích này, lại hợp với lòng yêu mến ca nhạc nên Tảo vẫn nán lại. Bốn người thay phiên nhau mà hát, mỗi lần đến phiên Thụ, hắn lại vặn âm thanh lến hết cỡ mà tra tấn cả chung cư. Ngược lại khi Tảo hát những bài tình ca thật hay thì ở bên ngoài mà nghe chắc tuởng ca sĩ hát. Có lúc Trí ngây người ra mà ngắm Tảo hát, Liên ngồi bên nhéo một cái vào đùi Trí

- Này, anh coi chừng đó nghe, không có dê bậy bạ mà chết với em đó.

Trí vừa xuýt xoa vừa chối bây bẩy.

Buổi tối đến lúc nào không biết, Thụ chạy ra ngoài mua bánh mì thịt nguội làm bữa cơm tay cầm. Chơi mãi đến lúc mẹ Liên phải xua cả bầy về mới rã đám.

Hương Tảo ngồi sau lưng xe Thụ chở về nhà mà lòng háo hức, chỉ mong mau đến thứ bảy cuối tuần để lại được đến Liên hát.



Phần 2:

Từ lúc mê hát Karaoke Hương Tảo sao lãng học hành, cuối tuần nào cũng phải lại nhà Liên hay nhà bạn khác để hát, nhất là vì được mọi người, ai cũng khen nức nở giọng hát của nàng nên nàng hãnh diện và vui thích. Khi không có dịp đi hát nhà bạn thì tập khô ở nhà một mình không có máy. Sắp thi hết lớp 12 mà Tảo chẳng có hứng thú gì để học, khi đi chơi nhà bạn thì vờ mang tập vở theo, nói là đi học chung nên bố mẹ Tảo không nghi ngờ gì cả.

Trưa nay định đến nhà Liên nhưng trời mưa như thác đổ, Tảo trong nhà sốt cả ruột, cứ đi ra đi vào. Trận mưa hạt nặng vỗ ào ào trên mái nhà, nước mưa đổ như xối làm ngập cả đường phố. Hệ thống cống rãnh ở Sàigòn bị quá tải, không đủ sức thoát nước, khu đường nào thấp lại còn bị nước cống đùn lên, đẩy sình đen tràn lên mặt đường. Nhà Tảo dù đã xây một dãy gạch chắn ngăn cửa vào, cao nửa đầu gối mà nước cứ đe dọa tràn vào nhà làm trong nhà phải di tản đồ đạc có thể hư hại lên cao. Cả bầu trời xám lại, mưa mờ mịt phố phường. Trên mặt đường, nước mưa hạt nặng đập xuống làm thành những bong bóng to gần bằng trái quất. Lũ con nít trong xóm đứa thì trần truồng, đứa thì chỉ quần xà lỏn tụt lên tụt xuống, ùa ra tắm mưa, đuổi nhau la hét, chẳng biết lạnh là gì. Nhiều đứa còn đứng ngay dưới máng xối mà tắm dưới dòng nước đổ từ trên máng xuống như thác lũ , đứa thì bò lăn giả bộ bơi trên mặt đường phía trong lề là chỗ trũng nước cao hơn giữa đường. Đến lúc nước từ cống đùn lên, đẩy theo cá rô cá sặc thì lũ con nít mang rổ rá ra bắt cá. Hiên nhà Hương Tảo tương đối là cao nên đứa nào ụp được con cá trong rổ là rà theo mặt đường mang cá vào chỗ cạn mà thò tay vào bắt. Có lần có cả con rắn bơi ngoằn ngèo, làm con nít thất kinh chạy tứ tán. Có lẽ rắn trong bụi cây bị nước lụt nên trôi ra; thỉnh thoảng Tảo chạy xe trên đường gần nhà vẫn thấy xác rắn bị đập chết quăng ra ngoài đường cho xe cán nát bét.

Tảo có muốn rời nhà đến đâu chăng nữa mà gặp trận mưa này cũng đành chịu thua. Không có áo mưa nào mà chịu nổi đừng nói gì đến dù, họa chăng chỉ có quần áo kín như phi hành gia thì mới giữ cho người khỏi ướt. Những người lái xe gắn máy có việc gấp không chịu trú vào, cố thục mạng mà chạy; nhưng chỉ được vài phút sau, nước ngập đến máy, bít cả ống khói làm tắt máy, xe nằm vạ đầy đường. Một vài chiếc xe hơi cũng cùng số phận.

Mãi đến hai giờ sau mưa mới bớt nặng hạt và dần dần tạnh hẳn. Sinh hoạt đường phố lại hối hả trở lại, ai cũng muốn kéo lại cái thì giờ bị mất vì trận mưa. Đám nữ sinh bên trường bên cạnh, tan học nãy giờ mà không về được, bây giờ túa ra, thỉnh thoảng lại có tên du côn phóng xe ào qua, bắn nước vào mấy cô bẩn cả áo dài trắng hay tạt ướt áo làm lộ cả đồ lót bên trong coi thật tội nghiệp. Tảo đợi cho trên đường mực nước xuống thấp rồi lấy xe đi. Dù đã tạnh nhưng Tảo cũng mặc áo mưa vì phải qua những con đưòng như Nguyễn Du với hai hàng me mọc gần như chạm vào nhau, mỗi lần có gió là nước đọng trên lá lại rơi xuống cũng đủ làm ướt ngườị Các con đường lớn có được sửa sang về sự thoát nước nên sau cơn mưa trở nên sạch sẽ hơn. Không khí dịu hẳn và bụi nước trên cành lá cũng giữ được hơi mát một lúc.

Hôm nay đến nhà Liên, Tảo thấy một gương mặt lạ, một người đàn ông khoảng 26, 27 với khuôn mặt xương và đôi kính tròn. Người đó thấy Tảo khẽ mỉm cười và gật đầu chàọ Tảo cũng chào lại và cố lục trong trí nhớ xem có gặp người này ở đâu chưa. Liên cười nói

- Ấy, ca sĩ tương lai Hương Tảo đến kìa!
- Liên chỉ được cái nói nhăng thôi, ca sĩ hồi nào đâu.

Tảo ngượng vì có người lạ nên lúc đầu chỉ ngồi nghe đám bạn hát; người đàn ông cũng không tham dự mà lơ đãng hút thuốc, thỉnh thoảng lại thổi ra 1 vòng tròn thật tròn, thật khéo, vòng tròn đặc khói bay lãng bãng trên không rồi biến dạng và tan đi làm Tảo thấy cũng hay hay. Trí hát xong dưa micro qua lại phía Tảo và người đàn ông

- Hai người hát hay nhất mà lại ngồi yên thế kia, nào anh Thế Phương hay Tảo hát đi nào!

Cái tên Thế Phương hình như Tảo có nghe ở đâu một lần rồi mà không nhớ, Tảo nhìn tay Trí hết chỉa micro về Phương rồi lại về nàng mà chỉ cười không nói gì. Thế Phương cầm lấy micro

- Ừ để anh hát trước rồi cô Tảo hát sau nhé.

Mọi người vỗ tay rào rào khiến Tảo cũng bớt e dè. Phương liếc nhìn sơ qua tựa bài hát rồi chẳng chú ý gì vào các dòng chữ hiện ra nhưng chỉ theo tiếng nhạc mà vẫn rất đúng nhạc điệu, giọng thật ấm và kỹ thuật thật điêu luyện khiến Tảo không tự chủ được cứ liếc nhìn Phương. Hết bản nhạc mà lời ngân kết thúc của Phương vẫn còn ngân nga trong đầu Tảo. Mọi người lại vỗ tay tán thưởng, Liên nói:

- Đúng là nhạc sĩ mà. Tại Anh Phương không thích đi hát đó thôi, chứ không chẳng thua gì các ca sĩ hạng nhất đâu.

Phương trả lại micro, chỉ cười mà không nói gì; bấy giờ Tảo mới nhớ ra tên nhạc sĩ Thế Phương của một vài bài nhạc. Các bài của Phương vì quá khó và mang âm hưởng nhạc cổ điển Tây phương nên không được phổ biến rộng rãi.
Tới phiên mình, Tảo không từ chối được nữa nhưng bắt hụt nhịp mấy lần, phải luớt vài chỗ cho kịp các nốt nhạc sau. Phương ngồi nghe và quan sát Tảo rất chăm chú.

Lúc sau cả hội rủ nhau đi ăn đặc sản Huế ở quán Ngự Bình. Quán đông khách, người ra vào từng loạt. Đám bạn bè Liên vào trước ngồi chật một bàn nên Tảo và Phương ngồi sang một bàn nhỏ có hai ghế cách hội Karaoke vài bàn. Không biết mọi người vô tình hay cố ý như thế. Trong lúc chờ gọi thức ăn, Phương nói;

- Anh là người gốc Huế nên hay ăn ở đây.
- Ồ, sao giọng anh nghe không thấy Huế lắm.
- Anh vào Saigon từ nhỏ chơi với người Bắc nhiều nên nói giống người Bắc, chỉ trong nhà hay gặp đồng hương thì tự động chuyển giọng.
- Tảo hy vọng có lúc được nghe anh nói giọng Huế.
- Tảo thử bún bò Huế ở đây chưa ?
- Chưa anh, Tảo mói đến đây lần đầu.
- Thế hả, thế thì anh gọi bún bò nhé ?
- Vâng
- Và Tảo còn phải thử bánh lá nữa.
- Thôi anh ạ, em sợ ăn không hết, thấy mấy tô bưng ra to tướng kìa.
- Để anh bảo họ làm tô bún nhỏ cho em, còn bánh thì ăn chơi vài cái thôi.
- Trời, bánh mà ăn vài cái lận ? Bụng đâu mà ăn bún nữa anh Phương ?


Phương chỉ cười mà cứ đặt thức ăn. Hương Tảo thấy lòng xao xuyến nhè nhẹ trước phong thái hay hay, đầy nét nghệ sĩ của Thế Phương, nàng chợt thấy Phương có những nét giống Trịnh công Sơn.
Bánh lá được dọn lên, Phương vừa bóc vừa nói

- Để anh bày cho Tảo ăn nhé, Tảo thấy không, bánh chỉ toàn là lá, chỉ có tí bột gạo và nhân thịt cùng mộc nhĩ xay nát ở giữa, dầy như hai lớp lá thôi. Bánh này cô Liên mà ăn thì phải hai chục cái mới no.

Vừa ăn Phương vừa bóc cho Tảo, món lạ miệng và ngon nên Tảo rất thích, ăn khoảng 3 cái thì nhà hàng bưng bún bò lên. Tuy gọi là tô nhỏ mà Tảo nhìn cũng khiếp đảm, còn tô của Phương thì như tô xe lửa của phở Tàu Bay. Nước lèo áng đỏ au do màu cà chua và ớt, các miếng thịt bò có gân nấu nhừ, cắt mỏng, màu nâu xếp trên mặt bún sợi to màu trắng tinh, điểm hành ngò xanh ngắt lại thêm một miếng giò heo trông thật ngon mắt. Tảo vừa ăn vừa xuýt xoa vì cay, trong khi Phương ăn tỉnh queo, lại còn cho thêm ớt. Thế mới quả như người ta nói, người Huế ăn cay khủng khiếp. Bún cay làm mặt Tảo hồng lên, môi đụng ớt đỏ ửng làm vẻ mặt của Tảo càng xinh đẹp. Ăn xong Phương lại mời Tảo và đám bạn vào quán cà phê gần đó, nhưng mọi người ngồi một chút rồi nháy nhau đi cả nên chỉ còn hai người ở lại chuyện trò , Phương uống cà phê đen đặc không có đường, Tảo múc thử một thìa nhỏ đưa lên môi nhấp:

- Ôi chao đắng thế này mà anh uống được à ?

Tảo hất chỗ cà phê còn lại trên thìa xuống đám cỏ bên cạnh. Phương hít một hơi thuốc rồi nói

- Uống như thế mới thấm hết hương vị cà phê đấy Tảo, chứ ai lại uống cà phê sữa với số lượng sữa đặc bằng cà phê. Như thế thì thành chè cà phê rồi.

Quán cà phê này nằm trong khung viên một biệt thự, các bàn bày ngoài vườn, dưới các gốc cây trông rất thơ mộng và ấm cúng như ở nhà riêng.

- Anh Phương biết chỗ này hay quá.
- Biệt thự này ngày xưa của một Chánh Văn Phòng. Nghe nói gia đình vượt biên nên cán bộ cao cấp vào tiếp thu.
- Chánh Văn Phòng là gì anh ?
- Là chức vụ cao thứ ba sau bộ trưởng và phó bộ trưởng của một bộ.

Tiếng nhạc cổ điển nhè nhẹ từ các loa gắn kín đáo trên cây ngân nga, Hai người ngồi yên một lúc lâu , Phương như thả hồn theo tiếng nhạc còn Tảo nửa muốn về nửa muốn ở lại. Có 1 lần Phương lơ đãng nhả ra một vòng khói thật đặc, vòng khói bay xuống bàn về phía Tảo, Tảo chụm hai tay đón lấy, tay Tảo còn hơi lạnh từ ly nước cam nên vòng khói đọng lại một lúc mới tan. Phương nhìn Tảo mỉm cười, dụi tắt thuốc rồi nói :

- Xin lỗi Tảo nhé, anh muốn bỏ thuốc mà chưa được đó, đang cố bớt được điếu nào hay điếu đó.
- Thế anh còn hút nhiều không ?
- Khi trước thì hai bao một ngày, bây giờ anh giảm được xuống một bao.
- Eo ôi hai bao thì nhiều quá.

Tảo nghĩ thầm "Anh ấy đẹp trai nhưng gầy quá, chắc tại hút nhiều".
Phương chỉ cười, không nhắc đến vấn đề thuốc lá nữa.

- Tảo có cái tên đẹp quá, chắc bố biết chữ Nho hở ?
- Vâng anh, một phần nhà em lại thanh đạm, không giàu có gì, bố dạy học môn Việt Văn, lương chẳng được bao nhiêu; mẹ phải làm việc buôn bán nhiều để lo gia đình. Bố thương mẹ tần tảo nên đặt tên cho chị em là Ngọc Tần. Còn em là Hương Tảo.
- Ngọc Tần, Hương Tảo... Ngọc Tần, Hương Tảo tên khéo đặt quá. Anh mong chị em em không phải tảo tần như mẹ em.
- Cám ơn anh nhưng người Huế đặt tên cũng hay lắm chứ, em có cô bạn tên là Công Huyền Tôn Nữ Lũy Tâm Vi Lan đó.
- Ôi mấy cái nhà Tôn Thất Thế, Tôn Thất Vọng, Tôn Thất Đảm đó chuyên môn đặt tên thật kiểu cách cho con gái.

Tảo buồn cười khi nghe Phương chế các tên bình thường thì hay nhưng khi đi với họ Tôn Thất thì lại có ý nghĩa rất hoạt kê. Phương lại nói

- Anh thấy Hương Tảo có giọng rất tốt.
- Cám ơn anh, nhưng em hát còn thiếu kỹ thuật lắm phải không anh ? Hôm đi thi thử ở Viện Âm Nhạc Nhân Dân họ cũng bảo thế.
- Đúng đấy Tảo ạ, em theo nhạc còn chưa vững và giọng hay chưa được điêu luyện, chưa biết cách tiếp hơi hay láy, chưa biết cách xử dụng micro cho đúng.

Tảo nghe Phương phê bình dù biết là đúng nhưng cũng buồn nên ngồi xịu mặt.

- Tảo giận anh hở ?
- Em không giận anh, em chỉ buồn vì mình kém thôi.
- Tảo như hòn ngọc còn ẩn trong đá, anh muốn mài dũa thành viên kim cương sáng đẹp.
- Anh nói vậy là sao? - Tảo hồi hộp hỏi -
- Em có muốn anh luyện cho em không?
- Thật không anh, anh chịu dạy em à, thế học phí là bao nhiêu hả anh.
- Em không cần trả học phí. Sau này nổi danh mà không quên anh là được rồi.

Tảo mừng quá vì thấy có cơ hội phát triển tài năng của mình.

- Ồ, anh tốt quá, cám ơn anh nhiều. Em chẳng mong thành ca sĩ đâu, bố em khó lắm. Được anh chỉ bảo để vững vàng thêm là em thích lắm rồi. Thế bao giờ mình bắt đầu hở anh ?
- Tuần sau nhé.
- Vâng.
- Địa chỉ anh đây này
- Thế trong lớp có mấy người hở anh?
- Chỉ có mình Tảo thôi.

Tảo ngập ngừng muốn hỏi, muốn biết Phương đã có gia đình chưa mà không biết nói như thế nào.

Phương đưa Tảo về đến đầu ngõ, Tảo vào nhà mà lòng vui như sáo. Vào phòng lại lấy các bản nhạc ra tập hát. Ông bố ở phòng ngòai cằn nhằn với vợ

- Con gái mà chẳng lo học hành gì cả, hễ về nhà là cứ hát với hỏng suốt ngày, bộ muốn thành đồ Xướng ca vô loại hay sao ?

Tảo nghe dược lời bố không dám hát lớn chỉ thầm trong miệng, các ngón tay đập khẽ theo nhịp. Thỉnh thoảng lại nghĩ về Phương và những ngày sắp đến.



Pham Doanh