KHANG PHẠM

PHẠM KHANG
THIÊN TÀI NGUYỄN DU QUA TRUYỆN KIỀU

Ảnh động

Trong “Từ điển các tác phẩm của mọi thời đại và của mọi xứ sở” tập hợp nhiều cách nhìn nhiều cách đánh giá của các học giả phương Tây về TRUYỆN KIỀU và NGUYỄN DU có nhận xét khá thú vị: “Ở thời kỳ mà người Việt Nam đang thoát dần khỏi sự lệ thuộc về văn tự viết bằng chữ Hán để trở về với tiếng mẹ đẻ thì công lao vĩ đại của NGUYỄN DU là ông đã biết phát huy nghệ thuật chỉ riêng ông có là làm cho ngôn ngữ dân tộc đã phong phú, giàu chất nhạc, được nâng lên tột đỉnh của nghệ thuật mà trước đó và cả đến hôm nay chưa có tác giả nào vươn tới được.”
Thật vậy, NGUYỄN DU đã mượn câu chuyện Thúy Kiều xảy ra ở Trung Hoa phong kiến để sáng tạo nên một thi phẩm thơ lục bát bất hủ làm cho các thế hệ người Việt Nam đã hơn 250 năm vẫn luôn say đắm trong những câu thơ KIỀU giàu nhạc điệu, mượt mà và tha thiết quyến rũ đến lạ lùng…
Mượn cấu tứ, mượn cốt truyện của ngoại quốc để tạo nên tác phẩm riêng biệt của mình xưa nay vốn cũng là câu chuyện bình thường trong văn học thế giới. Đơn cử như những tác phẩm bất hủ Roomeo và juliets, hay Hamlets của Sechxpia ở Anh Quốc, Le Cid của Coocnay, Lão hà tiện của Molie, Truyện ngụ ngôn của La Fontaine ở Pháp…vẫn lấy cốt truyện của nước ngoài nhưng vẫn luôn đậm bản sắc văn hóa dân tộc và rất nổi tiếng qua mọi thời đại…TRUYỆN KIỀU của NGUYỄN DU cũng không là một ngoại lệ…
Đối với TRUYỆN KIỀU, NGUYỄN DU vẫn giữ nguyên câu chuyện, giữ nguyên tên đất, tên người, giữ nguyên không gian và thời gian như trong KIM VÂN KIỀU truyện của THANH TÂM TÀI NHÂN, song các nhân vật văn học trong TRUYỆN KIỀU của NGUYỄN DU lại mang tâm hồn Việt, dáng dấp Việt, cách hành xử của nhân vật Việt với nhân tình thế thái của một xã hội Việt nên tác phẩm sống mãi với dân tộc Việt…
Học giả người Pháp Jooc Jơ Budarel viết: “Với nhà sử học thì các nhân vật của TRUYỆN KIỀU là người Tàu, song với người Việt thì Thúy Kiều, Kim Trọng, Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến …đều là người Việt…
Thế là đã rõ, sáng tạo của thiên tài NGUYỄN DU là tái tạo lại cấu trúc nghệ thuật của cốt truyện, thổi hồn Việt, thổi nhân văn Việt vào trong các nhân vật, vào trong cách đối nhân xử thế giữa các quan hệ xã hội của câu chuyện làm cho người Việt thời nào cũng thế thấy được bóng dáng cuộc đời của những người sống quanh mình, trong không gian xã hội nước mình…
Và không phải ngẫu nhiên mà người đọc nhận ra rằng TRUYỆN KIỀU là cuốn sách của muôn vàn tâm trạng con người ở xã hội Việt. Ở đâu trong tác phẩm ta cũng có thể tìm thấy bóng dáng thực của cuộc đời, đến mức độ có thể lấy câu thơ KIỀU làm lời giải cho thực tế cuộc sống, tìm lời an ủi tinh thần cho cuộc đời…

Và người ta yêu KIỀU, người ta sẽ còn thương mãi thương mãi không thôi cái bóng dáng khuynh thành tuyệt mỹ kia đến muôn năm trong niềm cảm thán lúc mê say, lúc ngậm ngùi, lúc giận, lúc hờn..vì nàng “Là một tấm gương oan khổ, một câu chuyện bi thảm về vận mệnh của con người trong xã hội cũ…Mười lăm mười sáu tuổi đầu nàng đã ra đi xa nghìn dặm trên đất nước Trung Quốc mênh mông bao la thời trước bên mình chỉ có một lũ bất nhân…” (Hoài Thanh – Phê bình và tiểu luận) …
PK ..


Ảnh

Ảnh động