KHANG PHẠM

PHẠM KHANG 

THẦN GIẢI VÀ HUYỀN GIẢI TRONG THƠ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI XƯA 



Thần giải-Huyền giải: Nôm na đây là những lối giải thần tình, huyền diệu. Về Thần giải Mã Kỳ Sưởng đời Thanh có nói: “Cái tinh thần đầy thú vị của người xưa ngụ ý trong văn tự, cho nên chưa có thể bắt gặp ngay được, chỉ có đọc mãi rồi thì lòng ta mới hợp được với lòng của người xưa, mà thường phải qua một sự giải thích thần diệu (thần giải) độc đáo, chứ không phải bằng những lối nói linh tinh trong đời thường.(Bảo Nhuận Hiên văn tập). Bí quyết nằm ở chỗ, chưa đi sâu vào nội dung cụ thể đã cảm thấy đây là câu chuyện tài năng, thể hiện ở chỗ có thể giải thích được cái mà với người khác là bất khả giải. Không những giải được mà còn giải rất hay. Hay ở chỗ nó mới lạ không ai nghĩ đến, cho nên dễ có cảm giác chưa hẳn là tác giả đã nghĩ như vậy, nghĩa là chưa chắc đã là chân lý, nhưng ngẫm cho cùng cách giải thích đó là hợp lý, rất hợp lý. Ví như bài thơ “Thề non nước” của nhà thơ Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu đã một thời xôn xao dư luận về cách hiểu nghĩa của bài thơ này; người thì nói ông ngụ viết về đất nước, về lòng yêu nước thiết tha, người lại nói đây là bài thơ phong tình trai gái. Hàng loạt bài đăng trên Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn học…đã thể hiện về cách hiểu nghĩa khác nhau, thậm chí đối lập nhau của các tên tuổi lớn trong giới nghiên cứu, lý luận phê bình, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đối với bài thơ này. 
 
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời nguyện ước thề non,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa.
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.”


Người ta buộc phải tôn trọng văn bản học và như vậy hình ảnh NON và NƯỚC là đối tượng trữ tình của bài thơ, nó quyến luyến, bịn rịn trong cái thâm tình tha thiết, thủy chung không thể tách rời nhau, nó đau đớn và ngóng trông như ta ngóng trông bóng người thương yêu từ nơi xa khuất mênh mang chân trời của nhớ thương. Không thể khác được. Và đó là cái tình tri kỷ được viết đến cạn lòng, là khát vọng của nhà thơ Tản Đà đối với đất nước, quê hương trong đêm trường nô lệ, khi các trào lưu mới mẻ hơn đang dần thay lối tư duy lẫn tư tưởng Nho học, cả văn hóa và cách ăn vận nữa…! 

 
Diên Quân Thọ cho rằng: “Đại thể thì làm thơ phải có chủ đề, nhưng với người đọc sành sỏi thì không có chủ đề. Không phải nói vốn thơ không có chủ đề, mà vì trải qua hàng ngàn năm, người đọc không thể nào dựng người thiên thu lên mà thỉnh giáo, sự việc xa xăm mờ mịt, mà cứ gán chủ đề vào, rồi tự ràng buộc, thì có chủ đề đấy mà không có thơ, chi bằng không có chủ đề mà lại có thơ…Cho nên bây giờ ta cứ bám vào những cái thông thường của thơ mà giải thích để làm tham khảo cho những ai muốn giải thích thêm nữa…” (Theo “Lão sinh thường đàm”). Ý kiến của ông Thọ ta thấy phảng phất giải thích học hiện đại phương Tây mà H.G.Gadamer chủ trương: “Chỉ cần tác phẩm vẫn thực hiện thiên chức của nó thì nó sẽ mang tính đồng đại với bất cứ thời đại nào…Như thế, chúng ta sẽ giải thích lại tác phẩm theo thời đại của mình. (Chân lý và phương pháp).
Phạm Khang

Ảnh
Ảnh động