Phụng Thánh

THI VĂN ĐỨC THƯỢNG PHẨM

Do Cao Quỳnh Tuệ Lâm

Sưu tầm

---------------------

 

Ngày mùng 6 tháng 6 năm Ất Sửu (26-07-1925), vong linh Cụ cố CAO QUỲNH TUÂN, tức là Cụ thân sinh của Ông CAO QUỲNH CƯ (Ðức Cao Thượng Phẩm) giáng cho trong cuộc "xây bàn" bài thi sau đây:

THI

Ly trần tuổi đã quá năm mươi,
Mi mới vừa lên ước đặng mười.(*)
Tổng mến lời khuyên bền mộ chép,
Tình thương căn dặn gắng tâm đời.
Bên màn đôi lúc trêu hồn phách,
Cõi thọ nhiều phen đặng thảnh thơi.
Xót nỗi vợ hiền còn lụm cụm,
Gặp nhau nhắn nhủ một đôi lời.

Ký tên: Cao Quỳnh Tuân

(*) Mi tức là Ô Cư.

Bài thơ này có một sự tích khá dài thú vị : Theo Ông Cao Quỳnh Đức Trưởng Nam của Ngài Cao Quỳnh Diêu (Bảo Văn Pháp Quân) Bào Huynh của Đức Cao Thương Phẩm kể rằng : Tổng mến lời khuyên bên mộ chép {bên mộ, vì lúc này Cụ Đức và Đức Hộ Pháp chơi trò xây ma tại nghĩa trang và ngồi bên mộ}, người sau thấy từ bên mộ không văn chương nên sữa lại bền mộ : bền là cố gắng (bền bỉ) – mộ là phục (mến mộ) – Nói về Đường thi mộ là trạng từ không đối với tâm là danh từ; mà mộ đối với tâm chuẫn hơn, vì danh từ mộ đối với danh từ tâm.

Thứ đến, bài thơ này làm hai đêm mới xong, cững theo lời Cụ Đức, việc tiếp xúc với vong linh chỉ có Đức Hộ Pháp tin thôi, còn Đức Thượng Phầm không tin cho là vô lý . Trong lúc thí nghiệm Đức Hộ Pháp thường rủ Cụ Đức đi theo, hai chú cháu cầu hoài mà không có kết quả chính sát. Rồi một hôm, có một vong linh về cho 4 cầu thơ :

 

Ly trần tuổi đã quá năm mươi,
Mi mới vừa lên ước đặng mười.
Tổng mến lời khuyên bên mộ chép,
Tình thương căn dặn gắng tâm đời

 

Thì trời sáng.

 

Sáng ra, Ngài Bào Văn hỏi cụ Đức : Có gì không ?

Trong khi Cụ Đức chưa kịp trà lời, thì Đức Hộ Pháp cũng vừa đến kể các việc xảy ra. Đức Thượng Phẩm nói với Ngài Bào Văn, việc nầy sao giống hoàn cảnh của mình, nên đêm sau hai anh em Ngài Bảo Văn cùng đến. Vong linh hôm trước cho tiếp 4 câu :

 


Bên màn đôi lúc trêu hồn phách,
Cõi thọ nhiều phen đặng thảnh thơi.
Xót nỗi vợ hiền còn lụm cụm,
Gặp nhau nhắn nhủ một đôi lời.

 

Khi ký tên : Cao Quỳnh Tuân, thì hai Ngài Bảo Văn và Thượng Phầm hòa lên khóc giữa đêm khuya ngoài nghĩa địa.

 

----------------

 

 

Qua đêm mùng 10 tháng 06 Ất Sửu (30-07-1925), nghĩa là bốn đêm sau, ba ông cũng họp lại tại nhà ông Cao Hoài Sang mở cuộc xây bàn nữa, kỳ này cái bàn lay chuyển một cách khoan thai, dịu dàng đoán chừng như bóng dáng của một vị Tiên Nga hạ trần, thì ra lời đoán không sai vì đó là vong linh một Nữ linh giáng Ðàn cho thi.

Thi

Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?
Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,
Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.
Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,
Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
Dồn dập tương tư oằn một gánh,
Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?

Ký tên: Ðoàn Ngọc Quế

Cũng trong đêm nầy chúng tôi hỏi cô Ðoàn Ngọc Quế đau bệnh chi mà thác, cô cho hai bài thi tiếp theo:

Trời già đành đoạn nợ ba sinh,
Bèo nước xẻ hai một gánh tình.
Mấy bữa nhăn mày lâm chước quỉ,
Khiến ôm mối thảm lại Diêm Ðình.

***

Người thời Ngọc mã với Kim đàng,
Quên kẻ dạ đài mối thảm mang.
Mình dặn lấy mình, mình lại biết,
Mặc ai chung hưởng phận cao sang.

Ba ông họa bài thi bát cú của Ðoàn Ngọc Quế dưới đây:

Họa vận

Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai,
Trời xanh vội lấp nữ anh tài.
Tình thâm một gánh còn dương thế,
Oan nặng ngàn thu xuống dạ đài.
Ðể thảm xuân đường như ác xế,
Gieo thương lữ khách ngóng tin mai.
Hềm gì chưa rõ đầu đuôi thế,
Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai.

Phạm Công Tắc

***

Rằng liễu khóc oanh có mấy ai,
Mộ người quốc sắc đấng thiên tài.
Nhìn văn độ phẩm hàng khuê các,
Xót bạn tri âm cõi dạ đài.
Ngàn dặm hoa trôi sầu cụm trước,
Một mồ cỏ loáng ủ nhành mai.
Cửu tuyền hồn Quế linh xin chứng,
Rằng liễu khóc oanh có mấy ai.

Cao Quỳnh Cư

***

Nửa chừng xuân gãy tủi thân ai,
Nông nổi nghĩ thôi tiếc bấy tài.
Ngọc thốt dám bì trang tuấn kiệt,
Vàng rơi riêng chạnh khách Chương đài.
Những ngờ duyên thắm trao phòng Bích,
Hay nỗi xương tàn xủ giậu mai.
Một dải đồng tâm bao thuở nối,
Nửa chừng xuân gãy tủi thân ai.

Cao Hoài Sang

Ngày 14 tháng 7 năm Ất Sửu (31 Aôut 1925)

NHÀN ÂM ÐẠO TRƯỞNG

Thi

Rừng tòng ngày tháng thú quen chừng,
Nhướng mắt dòm coi thế chuyển luân.
Rượu cúc một bầu trăng gió hứng,
Non sông dạo khắp lối đêm xuân.

CAO XUÂN LỘC
Giáng họa nguyên vận bài thư trên:

Sống thác từ xưa đã có chừng,
Nơi trần mãn tính trọn nhơn luân.
Ðò đưa phút chịu vùi ba tấc,
Tay trắng phủi rồi một tuổi xuân.

 

Ngày 15 tháng 7 năm Ất Sửu (01-09-1925)

CAO QUỲNH CƯ
Họa nguyên vận hai bài thi trên:

Cõi thọ là đâu khó độ chừng,
Ẩn tàng lội lạc bậc kinh luân.
Buổi già ước đặng đem thân gởi,
Biển Thánh rán dò lúc tuổi xuân.

 

LỤC NƯƠNG làm thi hai câu, còn sáu câu nhượng cho ba ông làm:

Lục Nương:

Trót đã đa mang cái nợ đời,
Gánh đời nặng lắm khách đời ơi!

Cao Quỳnh Cư:

Oằn vai Thần đạo non sông vác,
Chịu kiếp trần ai gió bụi vùi.

Phạm Công Tắc:

Thương hải tang điền xem lắm lúc,
Công danh phú quý nhắm trò chơi.

Cao Hoài Sang:

Ở đời mới hẳn rằng đời khó, 
Khó một đôi năm dễ khó đời.

 

 

Lục Nương:

Ở thế sao chê tiếng thế buồn,
Buồn vui hai lẽ lấy chi đong.

Cao Quỳnh Cư:

Cân đai tuế nguyệt trêu hồn bướm,
Tên tuổi phong ba lắm bụi hồng.

Phạm Công Tắc:

Chiếc bách dập dồn dòng Bích Thủy,
Phồn hoa mờ mệt giấc Huỳnh Lương.

Cao Hoài Sang:

Bờ dương chừ đặng phong trần rảnh,
Quảy gánh thơ đàn dạo bốn phương.

 


Ngày 13 tháng 11 năm 1925

QUÍ CAO (xướng)

Thương nhau nhớ lúc xướng thơ hòa,
Sinh tịch đôi đàng phải cách xa.
Chén rượu đồng tâm nghiêng ngửa đổ,
Biệt ly nầy trách bấy Trời già.

THUẦN ÐỨC (họa) Quí Cao

Ðêm khuya tịch mịch gió thu hòa,
Chạnh nghĩa kim bằng dạ xót xa.
Ðạo lý những mong vầy một cửa,
Ngừa đâu rời rã buổi chưa già.

CAO QUỲNH CƯ (họa) Quí Cao

Mừng bạn hôm nay đặng hiệp hòa,
Âm dương đường gẫm chẳng bao xa.
Nhìn văn mà chẳng trông hình dạng,
Gặp mặt còn mong đợi tuổi già.

 

BÁT NƯƠNG

Ðộng đình chạnh lúc tạm chia đường,
Bốn giọt nhìn nhau lối rẽ cương.
Trời thảm mây giăng muôn cụm ủ,
Biển sầu nước nhuộm một màu thương.
Cờ Thần nhớ buổi vầy đôi bạn,
Tiệc Ngọc nào khi hội nhứt trường.
Mượn vận lương nhân xin nhắn nhủ,
Vườn xưa tiếng nhạn luống kêu sương.

 

THẤT NƯƠNG

Bạc tình chi lắm hỡi ai ơi!
Bảy tháng chung vui đã mất rồi.
Khi hứng trăng thơ khi gió sách,
Ðèn khua nay luống một mình thôi.

27-1-1927

Giải nghĩa: Thất Nương nói thử với ba ông, vì khi Phật Mẫu và Cửu Vị Nữ Phật đến độ ba ông trong bảy tháng, xong rồi thì giao lại cho Ðức A.Ă. và quí cô phải đi phổ độ nơi khác, nên bà Thất Nương lâu giáng buồn mới có bài thi trên đây.

Mme Cư hỏi: - Hôm nọ chiêm bao ngó thấy em ló mắt dòm chị và cười, phải quả vậy chăng? Xin nói lại cho chị mừng.

Thất Nương: - Ðại Tỷ sẽ nghe em nói riêng.

Cao Quỳnh Cư: - Thôi em nói với Ðại Tỷ.

Thất Nương: - Không nói, anh nghe khính.

 

Ông CAO HOÀI SANG (Hòa nguyên vận bài thi của Thất Nương trên đây)

Phải nào bạc bẻo hỡi em ôi!
Vì phận nghĩa kia xử khó rồi.
Tuy chẳng gần nhau như buổi trước,
Lòng kia quyết giữ đến cùng thôi.

Hay lắm! Cám ơn Tam Ca, Còn Ðại Ca và Nhị Ca.

CAO QUỲNH CƯ

Chạnh lòng Hiền Muội xót thương ôi!
Nhắc nhở khôn nguôi những chuyện rồi.
Bảy tháng gấm thêu lời nhỏ nhẹ,
Ghi tâm khắc cốt trọn đời thôi.

Em tưởng ba anh quên em rồi chớ, buồn quá! Trước sao thì sau vậy, lòng thương tưởng ba anh em chẳng quên, Em buồn là từ đây ít đặng gần gũi nhau nữa.

Em mắc lo cứu độ nơi khác, phận sự phải vậy.

Em xin kiếu.

Ðêm 30 tháng chạp Ất Sửu (dl. 12-02-1926)

THẦY cho ông Cao Quỳnh Cư

Sắp út thương hơn cũng thế thường,
Cái yêu cái dại mới là thương.
Thương không nghiêm trị là thương dối,
Dối dạ vì chưng yếu dạ thương.

Cư, Tắc, Sang! Trong năm mới này Thầy trông mong ba con rõ thấu đạo đức hơn nữa, gắng chí nghe!

KHỔ TÂM HÀNH ÐẠO CỦA ÐỨC CAO THƯỢNG PHẨM

 

Kể từ Rằm tháng 10 Bính Dần (1926) tới Rằm tháng Giêng Ðinh Mão (1927) là đúng kỳ hứa trả chùa Từ Lâm Tự (Gò Kén) là ba tháng, nhưng tới tháng hai năm Ðinh Mão, đã quá hạn kỳ một tháng mà Hội Thánh chưa trả chùa lại được, vì chưa kiếm được đất để mua, còn ông Huề Thượng Giác Hải thì cứ đòi chùa lại hoài.

Vì sự đòi chùa ấy nên Ðức Lý Giáo Tông giáng dạy quí ông Hiệp Thiên Ðài, Cửu Trùng đi kiếm đất mua đặng dời chùa.

Ðức Lý dạy: " Mai này chư Hiền Hữu lên đường trên gọi là đường dây thép (là đường từ Mít Một chạy tới cửa Hòa Viện bây giờ) nhắm địa thế dài theo cho tới ngã ba Ao Hồ, coi Hiền Hữu có thấy đặng chăng cho biết. Lão đã nói rằng: Mỗi sự chi chi đều bày trước mắt nhơn sanh hết".

Qua ngày sau, quí ông đi tìm đất. ông Thái Thơ Thanh cho mượn một chiếc xe, Bà Nữ Ðầu Sư Lâm Hương Thanh cho mượn một chiếc.

Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng ngồi trên hai chiếc xe hơi thì có Ðức Hộ Pháp, Ðức Cao Thượng Phẩm, Anh cả Thượng Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt, Anh Thái Thơ Thanh, Anh Thượng Tương Thanh, Anh Ngọc Trang Thanh.

Khi xe chạy tới Cửa Số Hai hồi trước còn rừng rậm cạnh góc ngã ba có cây vừng, Ðức Cao Thượng Phẩm ngó thấy nơi cây vừng có tấm bảng treo đề tên Cao Văn Ðiện. Ông nầy là bạn học của Ðức Thượng Phẩm hồi thuở nhỏ.

Trong lúc bối rối kiếm đất không được, bất ngờ thấy tên bạn mình đứng tên trên miếng đất nầy, nên Ðức Cao Thượng Phẩm nói với Hội Thánh rằng: Ðể tôi đi tìm ông Cao Văn Ðiện nhờ bạn tôi điềm chỉ giùm chủ đất nầy. Và cũng nhờ ông Cao Văn Ðiện điềm chỉ mới biết ông chủ đất nầy là ông Kiểm lâm người Pháp tên Aspar.

Khi kiếm được đất rồi, tối lại quí ông cầu Ðức Lý về dạy coi Hội Thánh đi kiếm đất như vậy có trúng không. Ðức Lý giáng dạy như vầy:

"Lão khen Thái Thơ Thanh, phải đó đa tưởng chư Hiền Hữu không thấy nữa. Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh Ðịa. Sâu hơn ba trăm thước như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa sáu nguồn làm như 6 con Rồng đoanh nhau. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi gọi là Lục Long Phò Ấn. Ngay miếng đất đó đặng ba đầu; một đầu ra Giếng Mạch Ao Hồ; hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia. Người Lang Sa chỉ đòi có hai mươi lăm ngàn đồng".

Khi phá đám rừng nầy thì Ðàn Thổ (*1) xuống cả ngàn người để phá rừng, làm cho ông Chánh Tham Biện người Pháp nghi ngờ mời Ðức Cao Thượng Phẩm ra Tòa Bố. Ông hỏi Thượng Phẩm chớ làm cái gì mà đông đảo như vậy. Ðức Thượng Phẩm trả lời rằng: Tôi mua miếng đất đó đặng trồng cao su. Ông Tham Biện hỏi trồng mấy mẫu? Ðức Thượng Phẩm trả lời: Tôi trồng hết sở đất tôi mua phá tới đâu tôi trồng tới đó, nên ngày nay trong Nội Ô có cây cao su là do nơi đó.

Khổ tâm hơn hết là Ðức Thượng Phẩm bị người Pháp cật vấn đủ điều cho đến đổi tới giờ cúng cũng không vô Chánh Ðiện cúng được, buộc phải rào song ly ngăn lại. Trong Chánh Ðiện chỉ có một mình ông Lễ Sanh Thượng Xường Thanh cúng mà thôi, còn ở ngoài thì vài ba ông thợ mộc quì trên dăm bào lạy vô Bửu Ðiện; vì lúc nầy Chánh Phủ Pháp nghi ngờ bắt Ðạo và bó buộc không cho tụ họp đông , như vậy mà ông Tham Biện người Pháp còn mời Ðức Thượng Phẩm ra Tòa Bố ngày một.

 

Lúc bấy giờ, Ðạo phải trải qua nhiều lối chông gai, nhiều đường khổ hạnh, nhưng người chủ trương việc Ðạo nhứt là ông Cao Quỳnh Cư đem hết dạ nhiệt thành, hết bầu tâm huyết mà sắp đặt trật tự bên trong và chống trả với phản động lực bên ngoài (thời Pháp thuộc).

Ðức Cao Thượng Phẩm vâng lịnh Ðức Chí Tôn phá rừng xong, xây cất Tòa Thánh tạm, Hậu Ðiện, Ðông Lang, Tây Lang, Trường Học, Trù Phòng (đều bằng tranh) và đào giếng (mà hiện giờ còn di tích mấy cái giếng gần Tòa Nội Chánh đó).

Thảm thay!

Trời đương thanh, 
Biển đương lặng,
Gió đương êm.

Bỗng đâu đất bằng sóng dậy, nước lã khuấy nên hồ đem đến gieo ác cảm cho Ðức Cao Thượng Phẩm, làm cho Ðức Ngài phải về Thảo Xá Hiền Cung. Ðức Ngài quá buồn, vì vâng lịnh Ðức Chí Tôn về Tây Ninh mở Ðạo, Ngài phải bỏ sở làm chưa hưu trí, con còn đang du học tại Paris.

Nhớ lại lúc bỏ sở làm thì anh em bạn nói rằng: Thầy Tư, sao Thầy quá tin dị đoan; con còn đang học bên Pháp mà Thầy đi như vậy thì việc học của con phải dở dang sao?

Nhưng Ngài nhứt quyết nghe lời Ðức Chí Tôn dạy mà thôi, nên Ngài thu xếp gia đình, bỏ sở làm về Tây Ninh lo Ðạo, chịu biết bao nhiêu cảnh gian nguy vì xưa đến đây đầy những bụi cây, thú dữ phải ăn vác nằm sương mới tạo thành Tòa Thánh tạm và xây cất đủ mọi nơi thành khoảnh thì lại bị thiên hạ đuổi đi!!!

Ðức Ngài về Thảo Xá, vì buồn rầu, vì xấu hổ với anh em bạn, mặt mũi nào trở về sở làm được nữa, thế nên Ngài thất chí ước nguyện của Ngài không thành.

Vì khi ra đi Ngài quyết chí đem thân này làm con tế vật cho Ðức Chí Tôn sai khiến, nhưng cơ đời rất nên cay nghiệt, xảy đến nhiều nỗi tang thương cho gia đình Ngài. Ðức Ngài quá đau khổ có làm một bài thi tự thán như vầy:

Thi

Công trình gầy dựng Thất Tây Ninh,
Bằng địa sóng xao khiến rập rình.
Tà mị phàm rung rinh chất Thánh,
Mùa màng sâu phá hoại hồn kinh.
Xưa Tòa Thánh dập dìu lai vãng,
Nay Bửu Ðình hiu quạnh lụy nhìn.
Thương Ðạo mến Thầy xin sớm liệu,
Cộng tâm chung trí chớ làm thinh.

THẤT NƯƠNG

(cho Ðức Thượng Phẩm một bài thi như dưới đây)

Nghĩ giận mà ra bắt nực cười,
Nhờ ai an vị lại an nơi.
Trăm năm chưa giữ bền thân sống,
Một kiếp đã gây lắm tội đời.
Phẩm Phật ngôi Tiên ai dẫn nẻo,
Ngai Thần vị Thánh kẻ toan dời.
Nhắn lời nói với phường đen bạc,
Ðến cửa Thiêng liêng ngó mặt Trời.

TÌNH TRẠNG ÐỨC CAO THƯỢNG PHẨM

 

Ðức Cao Thượng Phẩm từ ngày về Thảo Xá Hiền Cung xem Ngài hình thể hao mòn, sức yếu thân gầy, sắc diện âu sầu buồn bã.

Sự nhận thức có lẽ Ngài thọ bịnh thất chí, vì hành Ðạo không được y theo sở nguyện trong nền Ðạo buổi sơ khai lo truyền giáo phổ độ nhơn sanh, mà Ngài lại an ổn tại tư gia, nên Ngài bực tức, vì Ðạo vì Thầy mà bị họ ngăn trở bước đường hành Ðạo.

Thiết tưởng những người có đủ đức tin nơi Chí Tôn thì dầu có sản nghiệp triệu phú cũng không thể ngồi an hưởng riêng cho được, huống chi Ðức Thượng Phẩm là Môn Ðệ tin tưởng Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu buổi đầu tiên.

Khi Ðức Chí Tôn giáng trần khai Ðạo, giáng huyền diệu cơ bút thâu Môn Ðệ dạy thờ Thiên Nhãn trước hết cũng tại nhà của Ngài, nên lòng thành kính Ðạo thật là đầy đủ. Các Ðấng Thiêng Liêng giáng cơ dạy Ðạo, thì Ðức Thượng Phẩm cùng Ðức Hộ Pháp phò loan, hai Ngài lãnh hội giáo lý nhiều hơn hết.

Ðức Thượng Phẩm là người cương quyết thi hành trọn Ðạo phế Ðời, thu xếp gia đình nghỉ làm việc Cò Mi, không màng danh lợi, trọn tin theo lời Thánh giáo của Chí Tôn về ở chùa Gò Kén thường xuyên hành Ðạo. Khi dời về Tòa Thánh thì Ngài cũng trọn tâm lo xây dựng cơ nghiệp Ðạo.

Ðến khi gặp cơn khảo đảo, bị nhơn sanh bạc đãi buộc lòng lui về tư gia, thì dầu đủ nghị lực tinh thần cũng phải buồn lòng thất chí, nên lâm bịnh, lương y khó phương điều trị cho lành mạnh. Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài, Cửu Trùng Ðài lo cuộc lễ tiếp rước Ðức Thượng Phẩm về Tòa Thánh và tạo lập Tịnh Thất cho Thượng Phẩm nhập tịnh.

Cả Chức Sắc Hội Thánh đồng tâm tuân lịnh Ðức Chí Tôn tức cấp lo tạo Tịnh Thất tại nơi cụm rừng (chỗ Báo Ân Từ hiện nay).

 

Ngày 15 tháng 10 năm Mậu Thìn (1928)

Bảy giờ sáng một đoàn xe hơi Chức Sắc Ðại Thiên Phong Hiệp Thiên, Cửu Trùng đến Thảo Xá Hiền Cung rước Ðức Thượng Phẩm thì Ngài cũng vui lòng lên xe về Tòa Thánh nhập Tịnh Thất. Hội Thánh có chọn Chức Sắc phụng sự mọi việc thường thức cho Ngài.

Ðức Thượng Phẩm nhập Tịnh Thất một thời gian, bịnh tình cũng chưa thuyên giảm, hằng ngày kém ăn thiếu ngủ, Thánh thể xem đã gầy mòn.

 

Ngày 26 tháng Chạp năm Mậu Thìn (1928)

Ngài tỏ với người bạn thân là Bà Giáo Sư Hương Hiếu lo sắp đặt 6 giờ chiều trở về Thảo Xá, Ngài không cho Chức Sắc hay trước.

6 giờ chiều, Giáo Hữu Thượng Trí Thanh kêu một cổ xe ngựa lót nệm để Ngài nằm, đi theo xe hộ vệ chỉ có người bạn thân của Ngài và Giáo Hữu Thượng Trí Thanh, đưa Ngài về Thảo Xá.

7 giờ rưỡi, tới nơi đỡ vào phòng nghỉ ngơi, xem được khỏe như lúc mới lên xe. Từ đây, ở yên nơi Thảo Xá.

ÐỨC THƯỢNG PHẨM ÐĂNG TIÊN

 

Ngày 01 tháng 03 Kỷ Tỵ (1929)

11 giờ trưa, Ðức Thượng Phẩm cho mời Ðức Hộ Pháp, cùng ông Bảo Văn Pháp Quân, bà Giáo Sư Hương Hiếu, Giáo Hữu Thượng Trí Thanh, Giáo Hữu Thượng Kỳ Thanh, Lễ Sanh Thượng Ngươn Thanh.

Ðức Thượng Phẩm nhìn Ðức Hộ Pháp trối rằng: Nay Qua về chầu Ðức Chí Tôn, em ở lại hiệp với Chức Sắc chung lo nền Ðạo của Thầy cho được vẹn toàn mọi sự.

Anh dầu có nhắm mắt thì sự mất cũng như còn. Nói rồi tuôn hai hàng nước mắt, kế day qua nói với bạn thân của Ngài căn dặn để trọn tâm lo tròn phận sự; nói dứt lời thì Ngài xuất linh hồn êm ái, gương mặt cũng như người đương ngủ. Có một điều phi thường là lời trối Ngài nói có hàng có chấm cũng như lúc mạnh khỏe. Cả Chức Sắc có mặt đều cảm động ngùi ngùi thương tiếc.

Khi Ngài dứt hơi thì đỡ ngồi dậy thúc xác ngồi kiết tường trước mặt lập bàn hương án chưng bông hoa trà quả. Ðức Hộ Pháp ra kiểu cho thợ mộc đóng Liên Ðài hình Bát Quái; thời Tý 12 giờ đại liệm, rồi thành phục tế lễ theo nghi tiết. Hội Thánh thông tri cho toàn Ðạo các tỉnh đều hay đặng hành lễ cầu nguyện cho Ðức Thượng Phẩm được tiêu diêu nơi miền Tiên cảnh.

Quàn tại Thảo Xá 3 ngày, Chức Sắc và Ðạo Hữu nam nữ điếu tế rất đông . Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài cầu cơ bút, Ðức Thượng Phẩm giáng cơ tỏ vẻ vui mừng, được về bái mạng Ðức Chí Tôn cùng Phật Mẫu nơi Bạch Ngọc Kinh và Diêu Trì Cung, đều ban ơn công nghiệp buổi khai Ðạo tròn sứ mạng, Ngài tiếp cho một bài thi tứ tuyệt:

Thi

Cao thanh miệng thế mặc chê khen,
Thượng trí màng chi tiếng thấp hèn.
Phẩm cũ ngôi xưa dầu rõ giá,
Từ bi tập tánh được thường quen.

Ngài tỏ vẻ vui mừng nay đã thoát khỏi biển trần, về cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống.

 

Ngày 3 tháng 3 Kỷ Tỵ (1929)

Hội Thánh rước Liên Ðài về Tòa Thánh, sự sắp đặt thứ tự theo chương trình dưới đây:

1/. Tấm bảng Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, kế tiếp là phướn Thượng Phẩm.

2/. Bàn Hương án để Bửu Ảnh có dàn hầu, lổ bộ và các tràng hoa.

3/. Nhạc Ta, nhạc Tây, nhạc Tiều, nhạc Thổ.

4/. Bàn đưa, phúng, vãng, trên một trăm tấm tiếp theo đồng nhi đọc kinh đưa.

5/. Thuyền Bát Nhã chở Liên Ðài tiếp sau tang gia hiếu quyến.

6/. Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài: Hộ Pháp, Thượng Sanh, cùng Thập Nhị Thời Quân, kế tiếp Chức Sắc Cửu Trùng Ðài Nam Nữ và Chức Việc, Ðạo Hữu, đi đầu vào đến Ðền Thánh mà đoạn chót còn ở tại Thảo Xá, đường dài 4.000 thước.

Cuộc rước Liên Ðài rất tôn nghiêm long trọng. Khi thuyền Bát Nhã đến Tòa Thánh, di Liên Ðài vào Bửu Ðiện an vị nơi phẩm trật của Hiệp Thiên Ðài.

Ðêm mùng 3 hành lễ Ðức Chí Tôn, dâng sớ cầu nguyện Ơn Trên ban ân huệ cho chơn linh Ðức Thượng Phẩm tiêu diêu cõi thọ.

Ngày mùng 4 tháng 3 Kỷ Tỵ: Chức Sắc và toàn Ðạo các Tỉnh tế lễ phúng điếu rất đông đảo, cùng thân bằng cố hữu phúng điếu, quàn Liên Ðài tại Bửu Ðiện tế lễ cầu siêu....

Tới ngày mùng 8 tháng 3, sớm mai 8 giờ, di Liên Ðài lên thuyền Bát Nhã đưa ra Bửu Tháp. Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài đọc ai điếu; Cửu Trùng Ðài Ðức Thượng Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt đọc ai điếu, trạng tỏ công nghiệp hành Ðạo của Ðức Thượng Phẩm trong buổi sơ khai, đủ nghị lực tinh thần đối phó với quyền đời, nào là ngăn cấm áp chế không muốn cho mở mang căn bản nguồn cội của Ðại Ðạo nơi vùng Thánh Ðịa.

Bà Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh, thay mặt cho Nữ phái đọc ai điếu tỏ lòng mến tiếc Ngài vội đăng Tiên, Hiệp Thiên Ðài thiếu người phò loan đủ huyền diệu.

Khi đọc ai điếu xong, Chức Sắc, Chức Việc và Ðạo Hữu nam nữ thành tâm kĩnh lễ cầu nguyện cho Ðức Thượng Phẩm được siêu thăng Tiên cảnh. Cuộc lễ long trọng an bài.

Thợ hồ lo xây Tháp cho Ngài, có gắn cẩm thạch mạ chữ vàng nơi Bửu Tháp Bát Giác; sau lưng có khắc bài kỷ niệm để tỏ dấu cảm hoài và roi truyền hậu thế.

Sau đấy Ðức Cao Thượng Phẩm có giáng cho hai bài thi khi di Liên Ðài ra Bửu Tháp:

Xủ áo trần hoàn đã rảnh tay,
Thung dung nhờ núp bóng Cao Ðài.
Rừng tòng nhựt rọi khi mờ tỏ,
Sớm lạc trăng lồng kẻ tỉnh say.
Phi thị mặc đời nơi quán tục,
An nhàn rảnh dạ khách Thiên Thai.
Ngậm cười nêu quạt chờ sanh chúng,
Biển khổ ngày qua đếm một ngày.

***

Ngảnh lại mà đau cảnh đoạn tràng,
Cõi Thiên mừng đặng dứt giây oan.
Nợ trần đã phủi lòng son sắt,
Ngôi vị nay vinh nghĩa đá vàng.
Cỗi tấm chơn thành lòa nhựt nguyệt,
Phơi gan chí sĩ nhuộm giang san.
Bốn mươi hai tuổi sanh chưa phỉ,
Ðể mắt xanh coi nước khải hoàn.