Phụng Thánh

 

CHƠN PHÁP LÀ ĐÂU ?

 

I.- Bối Cảnh Lịch Sử Của Phong Trào Truyền Giáo Hải Ngoại

Từ sau cuộc chính biến 1975 tại miền Nam Việt Nam, một làn sóng người Việt di cư đi tìm cuộc sống mới nơi các nước tự do. Trong làn sóng di dân này, có một số người theo tín ngưỡng Cao Ðài đã trở thành hạt nhân bùng nổ phong trào truyền giáo Cao Ðài nơi hải ngoại. Hầu hết họ là những di dân đi tìm lẽ sống cá nhân, chỉ một số rất ít vì lý do tín ngưỡng.

Thế nhưng sau khi định cư xong, họ lại trở thành những nhà truyền giáo không chuyên, hòan cảnh xã hội đưa họ đến vị thế ấy. Bởi không chuyên nghiệp, nghĩa là tài năng và đạo đức trong lãnh vực này chịu nhiều khiếm khuyết, họ đã hoạt động một cách hăng say theo những tác động của tư duy và tình cảm mang nhiều tính cách hòan cảnh nhất thời và hậu quả đương nhiên nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra, mà đáng lẽ  nó không xảy ra mới đúng. Vậy chơn pháp là đâu? cái gì dã thôi thúc người tín đồ Cao Ðài có  những bước đưa chân như thế?

Trước nhất, trở về chỗ sâu kín trong tâm hồn con người thì nhu cầu tín ngưỡng là nhu cầu chính đáng bởi nó biểu hiện đức háo sanh của Thượng Đế. Vũ trụ biến hình từ không ra có. Thượng Đế tự phân mình từ Hư Vô khí đến vạn loại. Trong hình thể vạn loại có cái sống của tánh Linh. Vì vậy khi con người sống với  vật là sống với vạn loại, sống với tâm là sống với vạn linh. Đôi từ ngữ bao hàm ý nghĩa cả về hình chất lẫn tâm hồn. Trong cuộc sống cõi  trần này, ai chẳng từng mơ ước có một ngày mai tươi sáng, dầu đó là giàu sang danh vọng, tuổi thọ kéo dài, cháu con lưu hậu... Thế nhưng đời là quán trọ, là cõi tục chứ nào phải cõi Thiên đàng nên cuộc sống vẫn đầy dãy những khổ đau bất hạnh. Tâm lý con người buộc phải nghĩ đến kiếp lai sinh tái tạo..

 Ý niệm tín ngưỡng nơi một linh hồn bất diệt đã tạo thành nếp sinh hoạt tôn giáo của nhơn loại. Vì thế, tự cổ chí kim, tín ngưỡng vẫn tồn tại bởi nó là một phần sự sống của con người. Từ chối hay hủy diệt nó là đưa con người lùi lại cái sống chỉ biết có hai bữa ăn mà sống. Hình thức tín ngưỡng thay đổi theo thời gian nhưng niềm khát vọng sâu xa hướng về chỗ vẹn toàn bất diệt. Là một tiểu linh quang của Thượng Đế, linh hồn vẫn luôn tồn tại trong tâm trí con người, dù họ hung bạo đến đâu cũng sẽ có nhũng giây phút cảm nhận được điều ấy. Những giây phút mà con người đối đầu với đau khổ, chết chóc, bất hạnh, họ hi vọng ở một cái gì mong manh khó tả. Họ cố bám vào  đó để tìm một điểm tựa và nghị lực kéo dài sự sống trước những thực tại bất toàn đang phủ vây tứ phía...

Tín ngưỡng là sự sống của con người, sự sống của tâm hồn ẩn tàng trong hình thể vật chất của xác thân. Sự sống là biểu hiện đức Hóa sanh của Thượng Đế. Loài người có tín ngưỡng mới tìm đến Chí Linh. Bước nối liền ấy là sự sinh hoạt phần hồn sau cái sống của xác phàm chỉ biết  kiếm tiền rồi ăn uống, vui chơi hưởng thụ là chính. Nhu cầu tâm lý và nhu cầu vầy đoàn đã thôi thúc đoàn người di dân có tín ngưỡng trở nên rộn rịp với những sinh hoạt truyền giáo ở xứ người.

Thứ đến, ta phải kể đến nhu cầu vầy đòan để tìm hơi ấm của những cánh chim bạt gió. Ðặt chân lên đất khách quê người, tâm hồn kẻ di dân tránh sao khỏi cảm thấy lòng mình giá lạnh, lạc lõng bơ vơ. Những cánh chim bạt gió ấy tìm lại gần nhau, để bảo tồn sự sống của mình, tìm chút hơi ấm cho tâm hồn bớt giá lạnh. Cộng đồng người Việt đã thành hình trên đất khách cũng vì lý do ấy. Trong cộng đồng đó, có cộng đồng tín hữu Cao Đài. Hội tín hữu Cao Đài ra đời rải rác từng nhóm đó đây, làm sống lại sinh hoạt thờ phượng, cúng kiến, truyền bá đức tin của đoàn người tín hữu trên khắp các nước:Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức...

Nếu như tín ngưỡng chỉ đơn thuần là chuyện của tâm linh thì chưa đến nỗi phải nhọc lòng để tâm phân giải. Đàng sau cái bóng dáng của sinh hoạt truyền giáo hải ngoại vẫn thập thò những ý tưởng của các chính khách đã vì đời nặng mang đế nghiệp hay chút công danh phù phiếm còn vướng đọng trong tâm đã vẽ nên cảnh Chùa chiền, Thánh thất một bức tranh mây nổi nhuốm màu tang thương. Hễ có hợp quần tất nhiên gây sức mạnh, có quyền bính tất phải có đua tranh. Từ đó xảo thuật của đời đã len vào cửa từ bi. Giục lên tiếng chuông rộn rã, cảnh tỉnh  lòng người đang mưu tìm hạnh phúc bằng sự chơn thật của mình.

Ôi...tuy vân Đại Từ Phụ đã vì đời mà mở cơ qui nguyên phục nhứt  cho con cái của người gom về một mối, anh trước em sau dìu nhau về đường Chí Thánh, mà hại thay cái bóng vẽ hình tôn giáo và con mắt Cao Đài nơi đất khách dường như nghiêng đổ nhạt nhòa bởi  tâm lý nhơn sanh bất hóa trong việc truyền giáo.

Do đâu? Vì đâu nên nỗi?