Phụng Thánh

CD THƠ – ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI

Thơ Cao Quỳnh Tuệ Lâm

-----------------------

16.- Một Mình

Một mình buồn muốn khóc
Vì công trình tu tiến chẳng ra chi
Nhiều lúc muốn chết đi,
Nhưng sợ tội trốn đời khó nhọc.

Lòng sực nhớ, đời là trường học
Để tu hành thăng tiến hồn linh
Có ưu tư mới nhận rõ bao tình
Cả chân thật lẫn dối gian xảo trá !

Nhiều khi viết chưa xong đã xóa
Viết như mình ai thông cảm mà xem
Đời còn lắm bon chen
Ai rảnh rổi mà đọc thơ vớ vẩn.

Một mình buồn suy tư ngớ ngẩn
Trên đời này ai hiểu lòng ta ?
Vợ con chung sống một nhà,
Công ai việc nấy thật là . . . cô đơn.

Cao Quỳnh Tuệ Lâm
(3-7-AD – 7-8-05)

------------------------

 

17.- Một Lời Hiến Dâng

Anh muốn sống bên em trọn đời
Nhưng lý nhơn sinh không cho phép
Có phải lòng trời nhỏ hẹp
Hay tình ta lại quá tham lam ?

Anh muốn sống bên em trọn đời
Nhưng sự chết đã cận kề đây đó
Tuổi bảy mươi có gì là nhỏ
Muốn sống lâu có phải tham lam ?

Anh muốn sống bên em trọn đời
Nhưng hai ta, rồi đây ai chết trước
Người ra đi có sai hẹn ước ?
Kẻ còn đây có phải tham lam ?

Anh muốn sống bên em trọn đời
Nhưng sanh tử nào ai biết trước
Sống trăm năm đời khen hữu phước
Nhưng tử sanh là việc trời ban

Anh chết trước, ấy em tham ?
Còn em chết trước, anh ham sống đời ?
Tử sanh là việc của trời
Chúng ta đã sẵn một lời Hiến Dâng . . .

Cao Quỳnh Tuệ Lâm
(25-1-AD – 5-3-2005)

-----------------------

 

18.- Mừng Xuân Đại Đạo

 

Là tín đồ tôi mừng Xuân Đại Đạo

Rằm tháng Mười âm lịch hằng năm

Đạo có Một, nhưng lại nhiều tôn giáo

Chọn phương tu có đúng có lầm

 

Đạo vô hình có qui trình Đạo Luật

Từ Hư vô vận chuyển Càn Khôn

Còn tôn giáo có Hiến chương phương thức

Dạy môn sinh trau luyện linh hồn

Đạo Cao Đài có phải là tôn giáo ?

Lẽ dĩ nhiên trần thế như nhau

Đạo nhập thế không còn là Đạo

Bởi kèm theo từ ngữ phía sau

 

Đạo trọn vẹn vô hình là Một

(Từ Hư vô vận chuyển Càn Khôn)

Các tôn giáo dạy làm lành sống tốt

Mọi pháp tu dị biệt danh ngôn

 

Từ lẽ đó khiến sinh nhiều bất ổn

Gây lắm điều khủng khiếp đớn đau

Khắp năm châu hằng ngày xáo trộn

Thảm cảnh kia người tôn giáo chen vào !

 

Tôi xin lỗi ! càng nhìn ra lệ ứa

Chuyện trần gian bất tận xô bồ

Người biết đạo nên nhìn vào để sửa

Điều mình sai với đạo lý Hư vô

 

***

Mừng Xuân Đạo đừng quên ơn Tiền bối

Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt qui Thiên

Mười ba tháng Muời cùng nắm tay tựu hội

Dâng hiến tấc lòng lên Đức Đại Tiên

 

Hầu chuẩn bị tâm bình an đón lễ

Lễ Hạ nguơn lễ Khai sáng Đạo Vàng

Tôi phấn khởi suốt ba ngày liên hệ

Mừng mùa Xuân Đại Đạo vinh quang

 

Cao Quỳnh Tuệ Lâm

[4:oo 22-11-2007 – 13-10-ĐH]

------------------------

 

19.- Mừng Lễ Giáng Sinh

 

Mừng Giáng sinh thơ ta chưa viết,

Viết một bài kỹ niệm lễ nhơn sanh,

Đọc thơ ban, bài thơ hay thiệt,

“Con kính dâng lên Đấng Trọn Lành”

 

Trần gian nay sao nhiều hiểm họa,

Từ thiên tai, chinh chiến lan tràn,

Xin Chúa dụng oai linh chuyển hóa,

Cho mọi nhà vui hường vinh quang.

 

Đại Đạo hoằng khai, Chúa còn trọng trách,

Trong Ngũ Chi Thượng Đế dành ngôi.

Dùng phép lạ, dạy đàn Chiên trong sạch,

Về với Cha Trời kêu gọi mòn hơi.

 

Chúa ơi, nhơn loại quên lời,

Một lần Chúa hứa, đúng thời Kỳ Ba.

Chúa về ngồi dưới chân Cha,

Dó là biểu tượng hiệp hòa Thương Yêu.

Chúa ơi, nhơn loại khổ nhiều …

 

3: 10am – 25-12-2012

Cao Quỳnh Tuệ Lâm

-----------------------------

 

20.- Mừng Giáng Sinh

 

Mừng Giáng sinh tỏ tấc lòng kính Chúa

Trên cao nhìn chắc Chúa không vui

Khắp trần thế hoa đăng giăng bủa

Người dâng hương chen lấn không lùi.

 

Chúa không cần nhơn sanh quỳ lạy

Chúa mong sao người biết thương nhau

Hai ngàn năm lắm điều sai trái

Sẽ có ngày Chúa phán xét vàng thau.

 

Chúa đã dạy thương yêu hoà hiệp

Cùng nắm tay truyền bá khắp nhân sanh

Sống công bình không ai bị hiếp

Hãy thương người để chấm dứt chiến tranh.

 

Chữ viết đơn sơ mà hành không trọn

Là “thương người như thể thương thân”

Tục ngữ Việt nam ngôn từ ngắn gọn

Là giáo điều văn hóa vạn dân.

 

Nay Giáng sinh con quỳ lạy Chúa

Xin Chúa thương những kẻ đê hèn

Vì yếu đuối quỉ vương cám dỗ

Phản nghịch lời Chúa dạy. A men !

 

Cao Quỳnh Tuệ Lâm

[21-12-2007]