Song Nhị

ÐỌC TÂY DU KÝ





ĐỌC TÂY DU KÝ

THỜI HAI NGHÌN LẺ HAI



THƠ THƯỜNG QUÂN







Thường Quân, một tên tuổi không mấy xa lạ với làng thơ trong nước và cũng khá quen thuộc với giới yêu thơ tại hải ngoại. Ông là người khách thơ của San Jose, nhưng hôm nay tôi lại là khách của ông, trong buổi gặp gỡ lần đầu tại nhà Bảo Lực, một “Hoàng phái” mà tôi vốn có thân tình từ nhiều năm nay. Chúng tôi, khoảng cách tuổi tác tuy xa, nhưng tâm hồn thì gần như gang tấc. Tôi lọng ngọng trong xưng hô, vì lâu nay trong sinh hoạt văn chương thơ phú tại đây, nhà thơ Hà Thượng Nhân, tuổi ngoài bát tuần nhưng vẫn rất bằng lòng khi được gọi bằng Anh . Ông nói: “trong Thơ không có già có trẻ, bởi thơ đâu có tuổi bao giờ”. Tôi thì thâm tâm vẫn muốn gọi những bậc đại huynh này là “lão ông” và rất ấp úng khi phải chào các lão ông này bằng hai tiếng:Thưa anh!

Quả thật, Thơ không bao giờ già. Thơ luôn luôn trẻ, luôn luôn hồn nhiên. Luôn luôn nhân ái, đôn hậu.

Khi tôi bước vào nhà, tiến lại phòng khách, thấy tôi, lão ông liền đứng dậy, choàng tới bắt tay tôi, cái xiết tay như có khoảng đợi chờ từ lâu, lâu lắm. Tôi nghĩ thầm, biết đâu không phải từ ở kiếp này. Cái huyền nhiệm của thơ là như thế ấy. Sau vài câu hỏi chào, lão ông mở chiếc cặp da, lấy trao cho tôi bản thảo tập “Tây Du Ký”. Tôi thắc mắc với lão ông: thiếu gì chữ nghĩa mà lấy cái tựa này, cũ quá và phổ biến quá! Lão ông nói: “Tây Du Ký ấy à? Chữ của Người, cứ để trong ngoặc kép, nhưng “Nghĩa” của tôi. Thầy Tam Tạng đi Tây du thỉnh kinh, tôi di Tây du thỉnh tình – tình gia đình, tình thân thuộc, tình bạn bè, tình Thơ, tình đồng loại, tình người...” Những con người mà ông gặp gỡ nơi nơi trên một đất nước mà ông cho rằng đẹp quá, bao la quá, vĩ đại quá! Nhưng ông cũng nói có nơi nào hơn quê cha đất tổ. Trong thơ, ông nhắc nhiều lần đến hai tiếng tìm về nguồn cội.



Rồi, Ông bắt đầu kể, đủ thứ chuyện từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ Việt Nam sang Mỹ. Tất cả đều là Thơ. Với Thường Quân hình như Thơ là lẽ sống. Có lẽ vì vậy mà tâm hồn ông khi nào cũng trẻ, trẻ cả trong thơ. Đọc thơ Thường quân, người ta cứ tưởng tác giả là một gã thanh niên tràn đầy nhựa sống:

Nầy sức ghì cương giữ vững yên

Nầy chèo bát cạy vạn con thuyền

Cả nghe hơi cuốc lồng sương gió

Đến tuyến thần thông dậy bút nghiên...



Không gian trầm tĩnh thở thành thơ

Tiếng nấc chen trong tiếng cợt đùa

Trào lộng cho vơi tình lãng bạt

Để cùng thầm hội lý thiên thư...

Trong tình yêu, Thường Quân không có cái chất tình già như ở Phan Khôi. Với lão ông, Thơ và Tình Yêu bao giờ cũng trẻ, trẻ cả trong tình chồng vợ. Nửa đêm đang ở Việt Nam nghe điện thoại từ Mỹ gọi về, nhà thơ nói với hiền thê thế này:

... Bừng sáng chuông reng bên tai

Nửa vòng trái đất nghe lời mà thương

Trời trăng âu cũng vợ chồng

Đời em giá lạnh mà lòng ấm lên

Không gian tỏa ánh dịu hiền

Vườn hòe luống quế đầu hiên mượt mà

Gió lành thổi nhụy đơm hoa

Thế gian chung mối chan hòa hồng duyên

Sự cách chia và tái hợp của đôi Ngưu Lang Chức Nữ này không còn là huyền thoại trong văn chương, mà là một “hồng duyên” rất thật, một ở trời Đông, một ở trời Tây, đôi ba năm một lần hội ngộ.

Chúng mình chung một đường dây

Liền nhau tính tháng tính ngày thành năm

Đừng hờn trong cõi xa xăm

Cũng không mừng vội ăn nằm có nhau

.........

... Ngắt lời điện thoại một khi

Hãy chờ giờ phút anh về với em.

Thường Quân là con người từng trải. Đã đi qua “thất thập cổ lai hy” gần một vòng thập tuế. Trên thi đàn, ông là bạn của rất nhiều nhà thơ, cũng như nhiều nhà thơ là thi hữu của ông, mến ông và ưa thích thơ ông. Tôi hân hạnh là một trong những người bạn thơ vong niên ấy. Cảm ơn lão ông đã viết:

Giữa trưa hè chim nước

Càng gọi nghe càng buồn

“VỀ LỐI ĐI XƯA”... ấy

Song Nhị tiến vào truông.

..........

Bút cài hoa thành kiếm

Huơ trận đồ tâm linh

Dừng bên hông ngựa chiến

Say tâm tư chân tình.

Và viết về Cao Mỵ Nhân, về nhà thơ Khang Lang/ Bảo Thái, một người cùng trong Hoàng phái với ông:

Cao Mỵ Nhân thèm nước

Mơ nhìn lụt tràn bờ

Họa trời còn ao ước?!

Hoàng Liên Sơn thành thơ...

.......

Thảo nào trang tuấn kiệt

Bảo Thái nòi Hoàng gia

Hòa máu vào mực viết

Chuyện nhà kể sa đà...

Đúng là như tôi đã nói từ đầu, Với Thường Quân, chỉ có Thơ, ngoài ra danh lợi đều là phù du. Nhà thơ “Nhìn nóc nhà chọc trời. Không ham bằng đọc sách”. Và ngoài tình thơ, tình bạn, tình nhà còn một thứ tình chung, dù kẻ Tây người Đông, nhưng đâu phải là đồng sàng dị mộng:

Dấu chân nửa mờ dần

Nửa hiện thành dấu ấn

Qua từng trang thi phẩm

Lòng mình cũng lâng lâng.



Tội thay cho ngòi bút

Hóa kiếm huơ trời hoang

Đối phương nhìn ngơ ngác

Ra chính ta đồng sàng!

Khi lão ông trao cho tôi cái hân hạnh đọc và viết đôi dòng cảm nghĩ về tập thơ này, tôi không biết mình có... đủ sức viết kịp hay không, nhưng đành là gật đầu “vâng dạ”.

Tối nay tôi đọc một mạch hết hơn 20 bài thơ. Để kịp giao cho người đánh máy, lại sẵn nguồn thụ cảm từ những bài thơ vừa thấm vào, tôi thức luôn ngồi (gõ phím keyboard) mà... viết. Đôi dòng thô thiển của một kẻ hậu sinh nghĩ về bậc tiền bối tôi e có điều gì nếu là thất lễ, xin lão ông xá quá.

Để kết đoạn bài viết này, điều mà tôi biết, xin thưa cùng các bạn yêu thơ rằng: lão Thường Quân làm thơ nhiều, từ lâu lắm. Thơ ông rải đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, từ Nam ra Bắc, từ trong nước ra hải ngoại, nhưng tôi tin tập Tây Du Ký này, gộp thêm những bài thơ ông đang viết và sẽ viết cho đến cuối chuyến “Tây du” sẽ là một tập thơ quý, giá trị trên dòng chảy thơ Việt đến mai sau. Tập thơ cô đọng tâm tư, tình cảm, ước vọng chung cục của một đời người sống trọn với Thơ. Xin chúc Ngưu lang một chuyến du hành lịch sử tràn đầy niềm vui và hạnh phúc cùng Chức nữ trên xứ Cờ Hoa.

sn.





Xin trích dẫn vài bài thơ Thường quân cống hiến cùng bạn đọc yêu thơ.





BÀI THƠ NĂM CHỮ



Ngay cả người giữa nắng

Ruồng rẫy bạn cùng ô

Níu đầu nhau mà quát

Dằn vặt đến điên rồ...



Giữa trưa hè chim nước

Càng gọi nghe càng buồn

“VỀ LỐI ĐI XƯA”... ấy

Song Nhị tiến vào truông.



Hà Tĩnh về xem lại

Đường Thạch Hà rộng ra

Núi Nài ngưng tiếng đạn

Nỏ ai còn bắn bia.



Bút cài hoa thành kiếm

Huơ trận đồ tâm linh

Dừng bên hông ngựa chiến

Say tâm tư chân tình.



Thảo nào trang tuấn kiệt

Bảo Thái nòi Hoàng gia

Hòa máu vào mực viết

Chuyện nhà kể sa đà...



Cao Mỵ Nhân thèm nước

Mơ nhìn lụt tràn bờ

Họa trời còn ao ước?!

Hoàng Liên Sơn thành thơ...



Cái ông trùm thư pháp

Nguềnh ngoàng nét thỏ đen

Múa hồn vào thi tập

Vũ Hối sầu cô miên.



Thương ông già cắn bút

Bày đặt dệt chuyện buồn

Mang theo về thiên cổ

Bản tường trình xuyên sơn...



Nguyễn Vạn An, Linh Điểu

Các bạn chừ ở mô?

Bậu mình thưa: muốn hiểu

Mời qua ngay nhà mồ!



Ừ, sao buồn thế nhỉ!

Chuyện với cháu bằng tay

Mắt trao tình huyền thoại

Chim Việt vào rừng Tây!



Nhìn nóc nhà chọc trời

Không ham bằng đọc sách

Tìm người cũ xa xôi

Tính lần theo tung tích



Dấu chân nửa mờ dần

Nửa hiện thành dấu ấn

Qua từng trang thi phẩm

Lòng mình cũng lâng lâng.



Tội thay cho ngòi bút

Hóa kiếm huơ trời hoang

Đối phương nhìn ngơ ngác

Ra chính ta đồng sàng!



Tưởng giương đông kích tây

Nhè bút xoáy vào tay

Vết đau u thành thẹo

Chừ vô tình máu vây...



Thương nhọt lòng nhức nhối

Bạn lần tên nhắc dần

Nhớ ai liền ghi vội

Thét làm bầm ruột gan!



Nói là chuyến du hành

Mang theo tình Đất Nước

Cờ Hoa làm ngơ ngác

Mình tâm sự với mình!



Thường Quân

TÂM TƯ NGƯỜI HÀ TĨNH



tặng tác giả

ếTiếng Hờn Chiến Mã

ếVề Lối Đi Xưa





Vó mất trớn ngựa lồng tung cát bụi

Kịp ghì cương chuyển tay kiếm dừng chân

Phương trời hứa ánh trăng xua bóng tối

Đứng thừ người nghe gió cuộn hồng vân



Cười đắng miệng vuốt mồ hôi lưng ngựa

Sương trời tây hòa dịu ngấn sầu mi

Ngẩng nhìn tới thấy mắt hoa nở nụ

Thầm vui theo triển vọng mỗi chu kỳ...



Hờn Chiến Mã khi quay nhìn lối cũ

Áo hồng ai heo hút hiện bờ hoang

Thơ ý nhị cả hai cùng một bóng

Bước song hành hồn lữ khách miên man...(*)



Về cội nguồn thác cao sơn chót vót

Ngược dòng lên chấp khó quyết tồn sinh

Qua bản chất trời ban cho đặc tính

Bầy cá hồi vượt thác chí công thành. (*)



Người của xứ cày bừa trên sỏi đá

Đau cảnh nghèo truyền kiếp đét chân tay

Vẫn gay ghét nghe những lời mặc cả (...)

Dẫm cơ hàn tưởng hóa cải chua cay.



Thuở ấy nước nhà xơ xác quá

Lòng từng trăn trở quyết đơm hoa

Nay nhìn quê mẹ hờn dâng ngập

Như tiếng người trên ngựa trệch đà...



Nhìn lên mái tuyết đấng nghiêm đường

Cằn cỗi da mồi thậm xót thương

Vóc hạc dẫu nay còn đẹp dáng

Tình nhà như đã đổi thay rường

Thấy con trăn trở sinh lòng chạnh

Quyết dạ kiên trì dựng chí cương

Núm ruột miền Trung càng luận tới...

Ngùi trông Hà Tĩnh thốn can trường!



Thường Quân



(*) Tám câu thơ của đoạn 3 và 4 là mô tả nỗi

lòng SN qua tranh bìa tập thơ Về Lối Đi Xưa.