PHẠM KHANG:bong::bong:

NHÀ VĂN HOÀNG TRÚC LONG VIẾT VỀ PHẠM KHANG

THƠ PHẠM KHANG – QUA MỘT GÓC NHÌN

Đọc thơ Phạm Khang không dễ, bởi về hình thức nó đã phần nào muốn thoát ra lối thơ ca truyền thống để đến với thơ ca hiện đại mà nhiều nhà thơ đã và đang theo đuổi. Sự đổi mới văn chương nói chung với thơ ca nói riêng là cả một quá trình vận động không ngưng nghỉ của tài năng, trí tuệ và không phải tác giả nào cũng thành công. Trên văn đàn cả nước những năm gần đây xuất hiện một số thơ tương tự như những bức tranh siêu thực, ngôn ngữ rối rắm, mù mờ khó hiểu. Một số khác lại trần trụi, thô tục…rất xa lạ với đông đảo bạn đọc, nhưng lại vỗ ngực khoe khoang là thơ cách tân, thơ hậu hiện đại.

Thơ Phạm Khang lại khác. Anh lặng lẽ đi trên con đường “cách tân”, ít ra là của riêng anh, không những về hình thức mà cả nội dung. Dù viết về đề tài tình yêu đôi lứa, về làng quê, trời đất và rộng hơn là nhân tình thế thái…thơ Phạm Khang cũng bộc lộ được tâm trạng, tình cảm của mình trước hiện thực đa chiều. Tách riêng số thơ xuất bản hơn chục năm trở lại đây của anh, ở một góc nhìn thôi cũng có thể nhận thấy khá rõ phong cách của Phạm Khang:

Ngọn đèn ấy đêm đêm vẫn thức 
Soi rõ những ý nghĩ chìm khuất của nhà văn 
Những trang bản thảo định mệnh của ông sắp hoàn thành 
Nhân vật cãi nhau và đấm đá 
Sao sự đểu giả lại có nhiều khuôn mặt đến thế 
Nhà văn tô vẽ để làm gì?...

Trong bài “Bản nguyên của nghệ thuật” (Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn, trích tập “Lối về ánh sáng”) có những vần thơ như thế. Phạm Khang nói với đồng nghiệp đã khuất, phải chăng cũng là điều tự ngẫm, tự vấn, tuyên ngôn cho con đường sáng tác của chính mình? Qua khá nhiều câu thơ, bài thơ trong tập “Lối về ánh sáng” và “Trên những mảnh vỡ của thời gian” tác giả đã bộc lộ được khả năng của một cây bút có bản lĩnh, có trách nhiệm trước cuộc sống. Tránh được sự hời hợt, thơ Phạm Khang đã có nhiều sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn, khiến người đọc khó có thể thờ ơ. Cách cấu trúc câu chữ, nội dung mà tác giả phản ánh lôi cuốn người đọc bởi nội hàm của của chữ nghĩa hơn là hình thức của nó.


Nhà văn ôm đầu tự vấn 
Những trang viết của ông đã bi kịch quá rồi 
Không có lối thoát nào lại không chạy qua nước mắt 
Nước mắt của sinh tồn và của sự hóa thân… 
(Bản nguyên của nghệ thuật)

Lý giải về cái “bi kịch”, cái “nước mắt” trong thơ Phạm Khang được trải rộng ở khá nhiều bài thơ về số phận con người một khi đã rơi vào vòng thao túng của vật chất. Đó là những tờ giấy bạc trong cuộc đỏ đen, những tờ bạc giấu trong xu chiêng và cả gấu quần, những tờ bạc đã khóc òa lên tức tưởi sau cuộc ngã giá đua chen thật giả, những tờ bạc đã rơi vào túi tham vô đáy của lương tâm nhàu nát đang chờ thời gian treo cổ, những tờ bạc định giá vinh quang, quyền uy ham hố, những tờ bạc bước ra cuộc đời từ tay nải của người hành khất…

Một bài thơ có đến mười lăm lần lặp lại “những tờ giấy bạc”, khi như tiếng thét phẫn nộ, khi lại chua chát xót xa, cảm thông với số phận con người. Cái sự thật của bài thơ “Phía sau triết học” đã được tác giả phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật qua những câu thơ rắn rỏi, không chút màu mè.

Cũng trong mạch thơ viết về số phận con người, ta dễ dàng nhận biết về những nhân vật như hề chèo, người đàn bà bị phụ tình, em bé đánh giày, cô gái làm tiền, chàng trai quê ly hương…Có thể dẫn ra đây một số câu thơ về đề tài này trong thơ Phạm Khang: “Son phấn lả tả phận người/ Đời như giấc ngủ dài ma mị/ Hề chèo cợt đùa một thôi sân khấu/ Câu chuyện ngứa tai xô đổ trận cười/ …Bỏ son phấn thương cuộc đời da thịt/ Với bữa cơm pha phất hề chèo” (Hề chèo). “Mũi tên của thần ái tình sao oan nghiệt thế/ Nơi người mẹ khốn khổ phải tự cứu mình/ Bằng bản năng mãnh liệt của loài có vú/ Đứa bé đỏ hỏn như mặt trời liếm mép…/ Vá víu nỗi bồn còn lại” (Hạnh phúc khép mở). “Em bé đánh giày/ Tuổi thơ đã bị đánh cắp/ Thế mà tôi bất lực/ Cuộc đời này còn nhiều cơ cực/ Trước lương tâm rách nát của tôi…” (Em bé đánh giày). “Chữ nghĩa là đây ta vợ dại hai con/ Sấp mặt mãi xuống đồng không đủ sống…Có người mãi tận quê Thanh/ Căn lều bạt quán thuốc lào Quảng Định/ Cay nồng xoa mặt hào hoa kinh thành” (Góc chợ Hôm).

Thơ Phạm Khang chan chứa những nỗi đời, nỗi người chìm khuất, nhiều khi là cáo trạng hiện thực đến độ đau đớn. Bởi bên cạnh những cuộc đời khốn khổ lại không thiếu những kẻ sống xa hoa, kệch cỡm. “Nỗi buồn hoang dã” là một trong những bài thơ viết về đề tài này như một tấm gương phản chiếu những nghịch cảnh trong hiện thực cuộc sống: “ Sa lông và con mèo/ Thiu thiu ngủ căn phòng lạnh hơi người…”. Chẳng có gì đáng nói- Một hình ảnh tưởng như “vớ vẩn” nhưng lại gợi đến trí tò mò khiến người đọc không thể bỏ qua và càng đọc càng thấy sự thâm trầm trong thơ của tác giả. Con mèo thiu thiu ngủ giữa lúc “Tiếng điện thoại gọi réo liên hồi/ Nó đã quen rồi cái điệp khúc nhàm tai và chán ngắt…” nên không thèm để ý tới tiếng động xung quanh vì nó biết rằng “Cô chủ đi vắng suốt ngày/ Những cuộc chơi miết mài điện thoại/ Lời hẹn hò nơi cuối bến đầu sông/ Những xấp tiền đếm mỏi tay/ Những suất cơm sang trong hộp nhựa…Sa lông xịt nước hoa/ Con mèo thấy nó không phải là nó nữa…Im lặng chết mòn theo thời khắc/ Cô chủ làm sao mà biết được/ Sẽ đến một ngày mèo hóa cáo/ Cáo hóa người ngự trị chốn sa lông”.

Hai câu thơ cuối của bài thơ vận dụng câu thành ngữ dân gian quen thuộc một cách đắc địa làm cho toàn bộ bài thơ thêm sức ám ảnh. Một ám ảnh quằn quại đến day dứt hay phải chăng đó là sự tha hóa có khuôn mặt của thời đại. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: “Quy luật lớn của thơ là nội tâm, là cảm xúc, ý nghĩ của con người” (1).

Hoàng Trúc Long-Hội viên Hội VHNT Nam Định
Số 122-VĂN CAO-P.NĂNG TĨNH-TP.NAM ĐỊNH

(1) Bài viết của Xuân Diệu trong sách “Bốn mươi năm văn học” –NXB Tác phầm mới –Hội Nhà văn Việt Nam-1986-trang 55.

Ảnh





Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả