Đường về qua Mẹ Thiêng Liêng> 5-6-7-8-9


5.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 19 tháng 9 năm Mậu-Tý (21-10-1948)

 

CỰC-LẠC THẾ-GIỚI & HÌNH ẢNH PHẬT-MẪU


Đêm nay chúng ta rủ nhau dục-tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, trước Bần-Đạo đã đắt chư Hiền-Hữu, chư Hiền-Muội vào Bát-Quái-Đài chung chịu với các bậc Quỉ-Nhân, hay Nguyên-Nhân, tưởng khi chúng ta vào đó mỗi đứa chắc hẳn rằng sẽ được gặp nhiều người bạn quen có thâm tình yêu mến chúng ta. Trước khi chúng ta ra khỏi Bát-Quái-Đài rồi không còn hình-thể nhơ-nhớp như trước nữa, bỏ bảy khí chất tạo thành hình-thể chúng ta, nhờ đi ngang qua Bát-Quái-Đài, bước Thiêng-Liêng ấy, Bần-Đạo tả cho chúng ta rõ con đường đi ấy không phân biệt Nam-Nữ, còn cả thảy hình-hài thể-chất chúng ta nhờ huyền-diệu ấy mà tiêu hủy, nó biến thành đạo hào-quang. Chúng ta dòm lại, Bần-Đạo quả quyết rằng chúng ta tưởng như thể xác này là gió bụi, chúng ta không còn mặc một mảnh áo, hay mảnh vải gì khác nữa, chúng ta trở nên trầm lộn với đạo hào-quang vinh diệu kia che phủ, khi chúng ta ra khỏi Bát-Quái-Đài rồi thấy vui sướng chúng ta không tả được, phải chăng nơi ấy là nơi chúng ta đã đoạt đặng Thánh-Thể ta, nhà Phật gọi "Tiên-Phong Đạo-Cốt", khi ra khỏi Bát-Quái-Đài, các bạn chúng ta ở trong Bát-Quái-Đài không có người nào là không bạn với chúng ta, chẳng bao lâu nữa các vị ấy là thân nhơn của chúng ta, đây rồi chư Hiền-Hữu, chư Hiền-Muội còn ba điều vui hơn nữa, ba hạnh phúc mà chúng ta không bao giờ hưởng được nơi mặt thế này. Chúng ta đi, chúng ta dục tấn tới con đường Thiêng-Liêng ấy, con đường này là con đường chúng ta phải đi. Duy có một điều đi trên con đường chúng ta đã đi, con đường quen này chưa gặp trong Bát-Quái-Đài có người nào ác hết,dầu biết hay không biết chẳng hạn, khi về cảnh ấy không Đấng nào xa lạ với chúng ta, không phải một loài với chúng ta, mà lại trong Bát-Quái-Đài có cả thân nhân chúng ta đó vậy.

Một điều chúng ta sẽ ngạc nhiên hơn hết là: Chúng ta đi trên con đường Thánh này thấy những hạng lãnh-đạm ấy cũng mừng rỡ cũng vui thấy nhau vậy, nhưng không bằng những người đi qua cầu Bát-Quái-Đài rồi, khi chúng ta tưởng-tượng các Đấng ấy thì họ sẽ nghinh tiếp mừng rỡ chúng ta, mừng rỡ một cách nồng-nàn như người thân nhân của họ vậy, và họ còn ứa lụy nữa. Trong Đài tiếp rước mừng rỡ tôn trọng ấy, chúng ta chưa thấy vị Đế-Vương nào tại thế-gian này mà hưởng được đặc ân ấy.

Chúng ta tự hiểu rằng: Cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống kia không phải để rước những vị Chí-Thánh mà thôi, mà cảnh Thiêng-Liêng vinh diệu kia thoảng chúng ta biết tự tu thân giải oan nghiệt, tội chướng, thì đoạt đặng chơn huệ tinh-thần của chúng ta vậy. Một điều chúng ta đừng tưởng họ ganh-ghét chúng ta, sự vinh-hiển của họ có bao nhiêu thì mình cũng được vui hưởng bấy nhiêu như họ vậy, tới cửa đó hết sự ganh-ghét, giành-giựt, hiềm thù với nhau, cảnh đó là cảnh vui hưởng hạnh-phúc chung với nhau, chúng ta thấy vật loại cũng có tình đời với chúng ta, có một cảm-tình không thể gì tả đặng, như loài chim chóc, thú cầm, cây cối, đều có để (*1) trong tinh-thần của chúng ta một thâm tình quen biết nồng-nàn đặc-biệt với nhau, con người ở thế gian này gọi Nam thanh, Nữ tú, nhưng Bần-Đạo quả quyết rằng: thế gian này không có, nếu có thì cũng chẳng đẹp bằng, ở trên đó không người nào không xinh, nơi cảnh ấy không cần gì ăn mặc, họ muốn thì hiện tượng có, tỷ như mình muốn cái gì đẹp thì có cái nấy, nhứt là mấy cô nhỏ muốn chi đặng nấy, cái kiếp chúng ta nơi cảnh này là cảnh giả, chúng ta đoạt ý muốn một điều vui hơn nữa là những người thiếu-thốn nơi mặt thế này nếu họ đoạt vị được thì ngày đó họ vui hưởng biết bao nhiêu. Chúng ta đến nữa xa xa dòm tới một phương trời xanh thấy một Vân-Động đẹp vô- biên, vô-giới, không tả bằng mực hay bút nghiên được, Vân-Động ấy hữu tình nồng- nàn với chúng ta làm sao đâu!

Chúng ta thấy xa xa kia phất-phới một cây phướn theo chiều gió phất-phơ, màu chiếu diệu, đầy hào-quang, mà cây phướn ấy lại quen, phướn ấy là tình cố hữu với chúng ta nữa.

Bần-Đạo dám nói chắc rằng những kẻ nào gốc-gác ở Tây-Ninh này đã lìa khỏi xứ sở lâu rồi, đến khi về tới Trảng-Bàng trực lên ngó thấy hình dạng Núi Bà xanh ngắt kia, bắt nhớ lại mọi cảnh đáo để. Bần-Đạo nói cái tình của mình đối với cây phướn trước mặt kia, có muôn triệu sự mến yêu. Bởi vậy nên chúng ta ngó thấy, thấy rồi dường như kẻ ấy muốn chạy sao cho mau đến Tây-Ninh, đến đặng thấy Tòa-Lầu nguy-nga chớn chở đẹp đẽ vô cùng. Tại đó cũng biến hóa vô biên nào nhà nghề, nào nhà kiến-trúc, làm cho cả tinh-thần phải gẫm nghĩ xem mê man, không có họa đồ nào vẽ được hết. Chúng ta thấy bước qua nền bên kia chúng ta đi đó chẳng phải cát đất, nó là hào-quang chiếu diệu, chúng ta vô Tòa-Lầu-Các ấy đủ các hạng người chúng ta quen thuộc hồi trước.

Bần-Đạo chẳng cần nói cả thảy cũng đều biết, nội bao nhiêu đó chúng ta sẽ biết cảnh đó thế nào, chúng ta được gặp bạn thân yêu không còn e lệ Nam Nữ, kìa bạn ôi! bạn thân mến, không có gì ngần-ngại nữa, tình thương chúng ta sống lại, ân-ái chập chồng, anh em xác thịt đối với cảnh ấy nó không nghĩa lý gì hết.

Bần-Đạo nói rằng cái luật thương yêu ấy nó hiện tượng ra không phải vô nhơn-đạo, nó hiện tượng tình hạnh-phúc lớn lao làm cả mấy người dòm thấy hiểu hạnh-phúc, vui hưởng cái tình ấy, họ để cái thâm tình nơi cảnh ấy, có một điều quyền-năng vô tận mà chúng ta không hưởng được, chúng ta không thể hưởng được cảnh ấy nơi thế-gian này. Ngộ-nghĩnh thay tỷ như chúng ta đã lưu-lạc cõi xa, khi Bần-Đạo về đến, thấy cảnh ấy, thấy nó nồng-nàn thâm-thúy biết bao nhiêu, họ mừng rỡ tiếp rước, Bần-Đạo nói, nơi cảnh ấy chúng ta muốn gì đều có trước mắt, nên giờ khắc này, chúng ta vừa tưởng muốn người bạn nào thì sẽ có người bạn ấy ngay. Bần-Đạo căn dặn một điều, đặng ngày sau về cõi Thiêng-Liêng khỏi ân-hận là: vợ chồng với nhau, Bần-Đạo nói đồng ý-kiến hay không, là về tâm-lý để về đến cõi ấy rồi ân-hận.

Bần-Đạo khó tả được vì sự thương yêu của họ còn mặn nồng yêu ái hơn nữa, những hạnh-phúc đã qua họ rớt giọt nước mắt đau thương, trong thế-gian làm người một trăm năm, còn cảnh kia đời đời kiếp kiếp. Chúng ta đi tới, vô cửa, họ sẽ dắt chúng ta đi tới nữa thấy vui hớn hở vào thân ta, không biết vui hưởng thế nào có phải chăng là nhờ nơi cửa Đạo.

Gọi là Cực-Lạc Thế-Giới, ngoài cảnh đó ra Bần-Đạo chưa tìm được cảnh nào hơn cảnh ấy, chỉ có nơi đó mà thôi Phật gọi là Cực-Lạc Thế-Giới.

Chúng ta vào trong cũng thấy một cái Ngai, đến trước Ngai vinh diệu ấy, chúng ta vừa dòm lên dường như có một Đấng, Đấng ấy chúng ta có thể gọi là Bà Già, nếu chúng ta tưởng một vị Tiên-Nữ thì có một vị Tiên-Nữ, muốn thấy già thì già, muốn thấy trẻ thì trẻ, rất huyền-diệu, chúng ta được vào, vô thấy bà mẹ mình.

Ông Nội, dòm lên cũng thấy Mẹ, cháu nội dòm lên cũng thấy mặt Mẹ, bởi vậy cho nên cả tình ái của mình đều thấy cả nghiệp năng yêu-ái của mình. Ở thế-gian này, Mẹ hay chửi mắng, rầy la, khi chúng ta về cảnh ấy thấy người Mẹ có nhơn tình làm sao đâu, chớ không phải như các Bà Mẹ ở thế-gian này vậy.

Hễ khi thấy Bà rồi cả tình ái xưa không thể gì tả ra hình-trạng được, rồi tình ấy buộc chúng ta dầu đứa nào cứng đầu bao nhiêu mà khi thấy cái thâm-tình cao trọng của Bà Mẹ cũng phải đổ lệ, rơi châu, Bần-Đạo dám chắc có nhiều người tin Đạo, hiểu Đạo mà chưa biết. Thử hỏi Đức Di-Lạc Vương-Phật, dầu Ngài đến bực cao trọng bao nhiêu cũng là con, nghe ra dường như Chưởng-Quản các nơi, do quyền của Đức Di-Lạc. Còn Phật-Mẫu nơi Cung Tạo-Hóa-Thiên là Mẹ của chúng ta, có một điều Bần-Đạo chẳng dám nói. Muốn biết cái tình Mẹ yêu con thế nào? Chúng ta thấy tượng của Phật-Mẫu, Đức Di-Lạc quì đằng sau lưng chấp hai tay đưa lên đó, dầu Bần-Đạo không tả hai nghĩa lý ấy cả thảy cũng đều hiểu quyền-năng bực nào, nghĩa là "Mẹ cũng vẫn là quyền Mẹ".

Trái ngược lại cầm quyền vi chủ mà Bần-Đạo làm con phải hiếu hậu vi tiên, quyền năng ấy cũng để là Mẹ./.

--------------------------------
6.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 26 tháng 9 năm Mậu-Tý ( 28-10-1948 )

 

DO QUYỀN-NĂNG PHẬT-MẪU
MỖI KHI THẤY NGƯỜI
THÌ Y NHƯ HÌNH ẢNH CỦA MẸ TA


Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Trước khi tiếp Bần-Đạo nói rõ cái chí hướng của Bần-Đạo thế nào mà từ trước đến nay Bần-Đạo giữ căn bản đặng rủ các bạn đi cùng Bần-Đạo trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Cả thảy các bạn Nam cũng vậy Nữ cũng vậy, có một điều làm cho Bần-Đạo ái ngại lo-lắng hơn hết. Trước khi mở nền Đạo đã có định phận đặng đi độ những chơn-hồn Thánh-Thể của Đức Chí-Tôn, nhứt là đối với mấy anh mấy chị niên cao, kỷ trưởng. Bần-Đạo lo-lắng với nhiều điều hơn hết, vì cớ cho nên Bần-Đạo giảng dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, cốt yếu là để cho có địa vị trước mặt cả Thánh-Thể Đức Chí-Tôn, nhứt là mấy anh mấy chị lớn biết con đường đi, hiểu rõ thấy trước mặt dường như mình đã biết rồi, định tinh thần, đừng mờ mệt, áy náy, sợ sệt, ngập ngừng, đường mình đi quen tức nhiên mình đặng, đặng mình đi mạnh bước trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Bần-Đạo cùng các bạn kỳ trước đã ghé nơi Tạo-Hóa-Thiên tức Tòa Thiên-Cung Phật-Mẫu là Diêu Trì Cung. Bần Đạo có nói một điều làm cho chúng ta nên suy nghĩ nhiều là: "Huyền-bí vô biên của Phật-Mẫu".

Bần-Đạo nói sơ lược huyền năng thế nào, mà khi chúng ta vào kiến diện Ngài, ta ngó trên mặt Ngài ta thấy mặt Bà Mẹ ta, sanh ta, đương như buổi sống, đương lo buổi trở về, Bần-Đạo tưởng ngó thấy Bà Mẹ sanh Bần-Đạo, tưởng cả thảy cũng đều ngó thấy người Mẹ của họ vậy.

Nếu lấy theo cái trí học tưởng-tượng không biết con mắt Thiêng-Liêng có chiếu hình Mẹ ta chiếu diệu ra không? Hay là huyền-diệu vô biên của Phật-Mẫu cho chúng ta thấy như vậy.

Bà Mẹ hình hài chúng ta đây, là nhơn-viên của Đức Phật-Mẫu bên phái Nữ đó.

Phái Nữ rán để tâm nghe điều ấy, là nhân-viên mật thiết của Đức Phật-Mẫu, trước khi đã để tại thế-gian này một hình-hài vào lòng mình sản-xuất, tức nhiên là Phật-Mẫu đã giao quyền năng Tạo-Đoan trong tay mình đó vậy.

Chẳng cần nói cái vinh-diệu của người đàn bà khi người con ấy nên người, biết dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Mình về tại Cung Diêu-Trì dòm lên thấy tượng ảnh của mình, không vinh-diệu nào bằng, cái vinh-diệu ấy, có điều trọng hệ là dầu Nam, Nữ cũng vậy rán giữ một điều này, coi chừng đừng thất hiếu với cha mẹ. Ngày mình ngó thấy hình ảnh của Đức Phật-Mẫu thì thấy người Mẹ nhơn từ, hiền-hậu vô cùng, hạnh-phúc mình được hưởng đó, còn trái ngược lụng lại nếu ta thất hiếu, ta dòm vào hình ảnh của Phật-Mẫu, ta thấy nét mặt nghiêm-nghị và lãnh đạm, chúng ta sẽ hết sức đau khổ đó.

Bây giờ, chúng ta đi vô đến cảnh ấy, muốn cái gì đặng cái nấy, vì cớ cho nên Đức Phật Kim-Cang, khi đoạt Đạo có đi vào cảnh ấy để một câu "Thơ tượng hành khúc" là chơn-thần ấy vậy. Bởi nơi cảnh ấy, hễ mình tưởng cái gì, muốn cái gì, thì được cái nấy. Nếu mình chưa thỏa mãn trong mấy ngàn kiếp sanh thuở trước mà khi mình được hữu hạnh, hữu phước, về đến Phật-Mẫu được, thì chừng ấy chúng ta muốn cái gì nó sẽ hiện ra để làm cho chúng ta thỏa mãn cái tinh thần, cũng như cái hạnh phúc ở thế gian này vậy.

Loài người tìm mãi hạnh-phúc của kiếp sanh, mà trong kiếp sanh, không bao giờ đoạt được, chúng ta có thấy, khi trước trong Đạo-Sử để lại nếu chúng ta muốn biết Đạo Minh-Châu chúng ta đều ngó thấy trước mắt, có một điều kẻ nào có đi thì mới biết, còn tánh tọc mạch nghe nói nơi Diêu-Trì-Cung có Vườn Ngạn-Uyển mà Vườn Ngạn-Uyển ấy ra sao? Trong kinh luật có nói mỗi mạng sanh con người đều có hiện tượng một bông nở trong Vườn Ngạn-Uyển, mỗi khi bông ấy héo rụng tức nhiên là có một người chết, tại thế này gọi là chết chớ không phải chết. Loài người không bao giờ chết cả, chết ấy là chúng ta thay một cái áo để ngoài, vào nhà tắm, tắm rồi ta mặc lại nữa, sự sống chết như thay đổi cái áo kia vậy thôi.Trước mắt chúng ta, hiện-tượng hào quang chiếu diệu một vườn hoa, đẹp-đẽ đủ màu, vườn hoa ở cảnh Thiêng-Liêng ấy, không phải như vườn hoa ở thế-gian này đâu. Bông hoa Thiêng-Liêng ấy sẽ sống một triệu lần, do nơi quyền-năng biến hóa của nó, và nó sẽ hiện-tượng biến hóa trước mặt ta vô cùng tận vậy. Bởi vì nó thay đổi màu sắc rực- rỡ vô biên, cho nên mỗi phen kiếp sanh tại thế này, đường tấn hóa trên con đường trí-thức tinh thần, mỗi khi nhơn-loại tấn triển lên thì Vườn Ngạn-Uyển nó sẽ đổi hình đổi tướng một cách đẹp-đẽ vô ngần.

Nghe trong kinh luật nói: Nơi ấy là nơi Vạn-Linh hay nơi Ngọc-Hư-Cung hoặc là nơi Cực-Lạc Thế-Giái, nếu chúng ta tưởng-tượng thì nó sẽ hiện-tượng ra trước mặt chúng ta, có một điều là kẻ tọc mạch muốn đi tới đặng biết cái hướng của mình thế nào?

Khi dòm lại thế-gian phía sau lưng hiện-tượng trước mặt chúng ta dường như con sông đại-hải và thấy bờ sông bên kia người ta đứng muôn trùng thiên số không thể nào đếm được. Còn phía xa mù tịch bên bờ sông đông đảo vô cùng, mắt ta không thể nào trông thấy và đếm được, chúng ta thấy xa xa thiên hạ vô số bên kia bờ họ đương khóc than đau khổ vô cùng, có một điều làm người tọc mạch ngạc nhiên hơn hết là: không biết họ sao mà đông đảo. Bên bờ sông bên nây Nam cũng có, Nữ cũng có, bên bờ sông bên kia Namcũng có Nữ cũng có, nhưng họ cứ dòm chừng nhau ở bên mé Thiên-Cung, họ buồn rầu như lo lắng, như đợi chờ ngày tái kiếp, muốn đi nữa đặng mà sống. Thương thay người mé bên kia sông dòm qua mé bên nây sông, thấy họ thảm đạm khóc lóc, buồn rầu, không biết bao nhiêu mà kể.

Nam cũng vậy Nữ cũng vậy, rán để tâm mà nghe một điều này là một điều bí-mật trọng yếu cho kiếp sanh, nên hiểu kìa. Ở mé bên nây thiên hạ hào-quang chiếu diệu đẹp- đẽ vô cùng, còn ở mé bờ bên kia sông, thấy hình thể họ khô khan đau thảm tiều-tụy và buồn rầu.

Hỏi vậy bên này làm gì dòm bên kia lại khóc, bên kia dòm qua bên nây lại đau khổ, đó là luật thiên-nhiên vẫn có một, vì luật thương yêu mà những người đứng bờ sông bên kia dòm qua, bên nây dòm lại, là những người trước kia đã có tình thương yêu với nhau mà những khi có sự trắc trở nhơn tình nên họ bị quả kiếp mà họ phải tự sát lấy họ. Người đàn bà nào tự vận hay người đàn ông nào tự sát rồi người nào có thiệt lòng thương yêu chơn thật ấy, trước đã xuống Uổng-Tử-Thành để đầu kiếp mà trở lại căn quả vì không trọn căn số của mình còn niên kỷ bao nhiêu cũng phải trở lại đầu kiếp, vừa đến tuổi cập kê Nam Nữ đôi bên vừa có tình-dục đã phát động ra thì là chết, làm cho chết, dầu hai đàng đứng trước mặt nhau cũng không khi nào làm chồng vợ với nhau đặng. Chừng ấy người trọn lòng thương yêu chơn thật thì Đức Phật-Mẫu siêu độ cầu rỗi với Đức Chí-Tôn đem vào cảnh Thiêng-Liêng Hằng-Sống, còn người nào không biết tình thương, thương bằng tình giả dối xảo trá phải đầu kiếp trao lại từ người.

Kiếp người hữu-hình, đời người vô-hình, xây nhau cả năm mười kiếp, thiên trùng đau đớn đáo để. Nếu biết con đường Thánh vào ở nơi đó, thì trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống là con đường Đạo hay là con đường giác-ngộ mà thôi.

Chúng ta dòm bên kia thấy họ đau khổ họ chỉ mong cái ước vọng của họ đoạt thành, nhưng tuyệt vọng! Họ cũng phải đành chịu vậy thôi. Chúng ta ngó thấy tình-trạng này làm cho kẻ ấy ngày đêm mơ-mộng, họ ước mong sao qua khỏi con sông ấy. Bần-Đạo tưởng là Ngân-Hà sông đó vậy. Chúng ta dòm xuống mặt sông bờ bên nây giữa con đường khi chúng ta phải đi ngang qua đó dòm lại thấy Bát-Quái-Đài đứng giữa không trung.

Con sông ấy có tám đạo hào-quang mù-mịt chiếu ra tám cửa, chúng ta dòm tiếp trong các hào-quang đều có tượng hình ảnh vạn-vật cả thảy.

Bên bờ sông kia có một chiếc thuyền, thuyền ấy của Đức Phật-Quan-Âm Bồ-Tát đã vâng lịnh Đức Di-Lạc-Vương-Phật đi độ sanh, thuyền ấy thường qua qua lại lại, vì cớ cho nên bờ bên nây ngó bờ bên kia như mơ-mộng để trông chờ, tôi tưởng bài học này ai biết được quyền-năng vô biên ấy, ngó lại kiếp sống của mình, ngó thấy cả trạng thái đương nhiên, nó không phải là cảnh phàm này vậy. Mà mãi từ thử đến giờ, làm người ai có biết kiếm chỗ thật của mình không?

Hại thay, họ không biết họ sống, họ không biết kiếp sanh của con người khổ não là thế nào./.

------------------

7.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 29 tháng 9 năm Mậu-Tý (31-10-1948)

SÔNG NGÂN-HÀ & 
THUYỀN BÁT-NHÃ CỦA ĐỨC QUAN-THẾ-ÂM



Ngày nay chúng ta lại tiếp tục tiến bước trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Kỳ rồi Bần-Đạo rủ cả thảy các bạn đi Cung Diêu-Trì, chúng ta lại còn rủ nhau ra trước Cung Diêu-Trì dòm trở lộn lại xem cảnh tục của chúng ta, vừa thoát qua coi thế nào? Bần-Đạo chỉ nói nơi xa-xăm của chúng ta đi qua, chúng ta thấy hình-trạng Bát-Quái-Đài, dưới chân có Thất-Đầu-Xà, và dưới mình của Thất-Đầu-Xà là khổ hải tức là cảnh trần của chúng ta vậy. Bên kia có liên tiếp mật thiết vô một nẻo sông Ngân-Hà, rồi Bần-Đạo chỉ cho hiểu rằng, từ khổ hải ấy về cảnh Thiêng-Liêng Hằng-Sống phải đi ngang qua Ngân-Hà, có một chiếc thuyền Bát-Nhã của Đức Quan-Âm Bồ-Tát, vâng lịnh Đức Di-Lạc Vương-Phật chèo qua lại sông Ngân-Hà và khổ hải đặng độ sanh thiên-hạ.

Có một điều chúng ta để ý ngó lại tám cửa Bát-Quái-Đài xuất hiện ra tám hào-quang chiếu diệu rực-rỡ và xây tròn trong tám hạng sanh linh, đều có đủ tám cửa có Bát-Hồn hiện ra đủ hết: Vật-Chất, Thảo-Mộc, Thú-Cầm, Nhơn-Loại, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Chúng ta thấy các Đẳng chơn-hồn ấy rải khắp trong Càn-Khôn Vũ-Trụ, có điều đặc-sắc chúng ta để ý dòm coi người ta thế nào? Chúng ta ngó thấy các vật loại, nhứt là hạng bất động-vật cũng vẫn bình-tịnh trong đạo hào-quang ấy, xuất hiện ra mà không xao-xuyến dữ tợn, ra khỏi một phần ba đường, bề xa xuôi của nó chúng ta không thế gì đoán đặng, tỷ như ra khỏi cửa ấy ba bực, chơn-hồn ấy vẫn còn có thứ-tự, ra ngoài nữa thì lộn-xộn. Phải chăng nơi ấy Đạo-Giáo cho là Kim-Bàn đó vậy, tức nhiên là nơi các chơn-hồn hiện ra, còn các chơn-hồn nữa, chúng ta ngó thấy trên đầu mỗi người có một đạo hào-quang, đặc sắc hơn nữa là, trong ấy hiện ra một điểm linh-quang hiển hiện chơn-tánh kiếp sanh họ tức nhiên là vị Phật, chúng ta quan-sát tìm hiểu ngó thấy trong mỗi người chúng ta có ba món đặc-sắc mà Đức Chí-Tôn đã để vào hình ảnh con người là: Tinh, Khí, Thần, thật ra thì ba vật là: Thú, Người và Phật. Thỉnh-thoảng có dịp Bần-Đạo sẽ giảng-giải điều ấy cho biết nguyên-căn của người xuất-hiện nơi nào, đến đây để làm gì, và chết rồi đi đâu?

Phải chăng cái cảnh của Đức Phật Kim-Cang đã đoạt vị (Vô thọ thường thức Diêu-Trì) chúng ta đến đó ngó thấy tinh-thần tư-tưởng hiện-tượng, chúng ta thấy bất quá là tin- tưởng Đạo-Giáo, Bần-Đạo dám chắc người nào đi tìm Đạo mà có tâm định tưởng là thấy ngay, chớ nếu đi theo Đạo Chí-Tôn dìu-dắt tới đâu thì hay tới đó, thành ra không phải tin tưởng, thì cái thế-giái vô-hình là con đường đã mở để dìu-dắt cả toàn nhơn-loại trong Càn-Khôn Vũ-Trụ, không thấy được.

Chúng ta thiết nghĩ Đức Chí-Tôn mở Đạo cho chúng ta biết phân biệt Bí-Pháp chơn-truyền đặng đi theo Ngài, hay là theo thú, vì thi hài chúng ta là thú không thể gì chối cãi được.

Nếu chúng ta quan-sát trong cái bí-mật huyền-vi của Thiêng-Liêng Tạo-Hóa từ trong phẩm Tiểu-Hồi đến Đại-Hồi, tới phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật, thì con đường ấy đi không biết bao nhiêu thời gian mà nói, thật sự từ hồi mới tạo trái địa-cầu này, tức nhiên mỗi địa-hoàn mới phôi thai, chúng ta có thể tính nó là 700 triệu năm. Tiểu-Hồi đã đến tại mặt thế gian này tạo hình ảnh vật loại thú cầm, cho nên cốt cách nhơn-phẩm, từ trong giác-hồn đi cho đến linh-hồn, tính ít nữa cũng 100 triệu năm. Con thú chúng ta đang mang nơi mình đây là con kỵ vật nó lăn-lóc, chết sống nơi mặt địa-cầu này, tới chừng nào nó có đặng nhứt điểm linh-tâm, thì Đại-Hồi chúng ta đến nhập thể-phách của nó là thú thì nó tranh sống đủ điều, phải ăn phải mặc, đồng sanh dưới mặt địa-cầu này đặng bảo tồn sanh mạng, phải đối phó với áp-lực Tạo-Đoan như: lửa, nước, gió, mưa, nóng nực, thú dữ v.v...

Loài người cũng dữ đã bảo tồn sanh mạng thì chiến-đấu không biết bao nhiêu là chiến-đấu, với tánh đức thú đã qua chẳng biết bao nhiêu thời gian chiến-đấu đặng sống. Con người giữ được nhơn-phẩm thì đừng để con thú ấy nó dữ đặng nó bảo-tồn mình, tức nhiên nó sẽ đày đọa mình. Mình ở giữa trên kia là Chí-Tôn, dưới đây là thú, hỏi mình có đủ linh-tánh bảo tồn danh-thể khỏi phải theo ai chăng? Không lẽ mình theo thú, thú là cái khí, cái khí là sự sáng-suốt khôn ngoan là linh-tâm mình vậy.

Nơi trí mình đây, đương nhiên bây giờ, chúng ta thấy cả huyền-vi bí-mật của Tạo-Đoan, một ngày kia không khỏi trí óc của loài người có điểm quang-minh cực kỳ, họ sẽ đoạt được huyền-vi ấy, bởi trí họ quá khôn ngoan, vì vật-chất, trí ấy dục họ vô Đạo, phản loạn lại linh-tâm và dục tánh, phản lại Tạo-Đoan. Chính mình đứng trong hạng quyền-năng, tức nhiên khí ấy là quyền-năng khôn ngoan ấy, do Đấng Tạo-Đoan ban cho, mà Đấng Tạo-Đoan, tức nhiên là Đức Chí-Tôn vậy. Chí-Tôn ban cho chúng ta hưởng cái khôn ngoan hơn vạn loại mà loài người thường phản lại với Tạo-Hóa, trở nên tự-kiêu, tự-đắc, sách Thánh, sách Phật nói: "Cái khôn ngoan của người là quỉ". Hèn chi Ông Bà mình nhất là An-Nam, hễ khi nào thấy đứa nào xảo trá ngang ngược họ nói: "Thằng đó quỉ quái",Cái khôn ngoan của mình là quỉ nếu nó dìu đường mình đi theo nó thì mong gì đoạt được ngôi vị cao trọng đối phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật mà Chí-Tôn đã hứa.

"Nếu các con có thể hơn Thầy, thì Thầy cũng hạ mình cho các con đoạt được ngôi vị", ấy là hàng phẩm của Đức Chí-Tôn đối cả Chơn-Thần.

Hại thay, họ không muốn nghe và không muốn biết, bởi không dám biết mình sợ e cho họ không biết, nên Quỉ tánh họ dục theo con đường thú, thành thử ra cái tấn tuồng tương-tàn, tương-sát nhau tại thế-gian này đương nhiên, chúng ta thấy tình-trạng khổ sở trước mắt là do nơi loài người mất nhơn-phẩm mà theo tùng phục con thú, làm nô-lệ cho nó rồi họ chiến-đấu sát hại nhau như con thú rừng. Tương-tàn, tương-sát nhau mà giành sống, đó là bài học để cho chúng ta biết, và Bần- Đạo còn thuyết nhiều nữa, hôm nay chỉ nói sơ lược đặng mở trí để kỳ tới chúng ta có thì giờ đặng dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống./.

--------------------

8.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 5 tháng 10 năm Mậu-Tý (5-11-1948)

 

BÍ-MẬT HUYỀN-VI CỦA BÁT-QUÁI-ĐÀI & 
SỰ VẬN-CHUYỂN CỦA BÁT PHẨM CHƠN HỒN


Ngày nay Bần-Đạo giảng tiếp cuộc dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Hôm trước Bần-Đạo rủ các bạn đình lại nơi Bát-Quái-Đài để xem cái bí-mật huyền-vi của cơ tạo. Chỗ ấy là toàn cả chơn-thần của vạn loại, biến tướng ra tạo thành Càn-Khôn Vũ-Trụ.

Bần-Đạo không cần tỏa, duy lấy cái bí-mật huyền-vi mà làm bài học, ngày nay Bần-Đạo tỏa hình tướng nó ra cho rõ-ràng coi có phải Phật-Giáo gọi Kim-Bàn là đó chăng? Chúng ta day mặt ngó lại nơi cõi trần là khổ hải, liên hệ với sông Ngân-Hà, cõi Thiêng-Liêng thì giòng Ngân-Hà, có chiếc thuyền Bát-Nhã, người ngồi dưới thuyền ấy là Đức Phật Quan-Âm Bồ-Tát, vâng lệnh Đức Di-Lạc Vương-Phật, để đưa rước các chơn-linh đoạt Đạo. Bần-Đạo xin tỏa Đài Bát-Quái ấy nó huyền-vi bí-mật làm sao. Trong tám cửa xuất hiện ra 8 phẩm chơn-hồn, nó xây tròn như bánh xe, chúng ta thấy chẳng khác cây đèn pha nơi mé biển, hễ có xây thì thấy 8 đạo hào-quang chiếu diệu khắp cả Càn-Khôn Vũ-Trụ. Cái tôn nghiêm không thể tỏa, mặt Thiêng-Liêng huyền-bí vĩ-đại làm cho kinh khủng sợ-sệt, bởi hào-quang chiếu diệu ấy nó lẫn lộn trong khối sanh-quang. Cái hình-trạng các chơn-thần như chúng ta thấy ở mặt thế-gian này vậy. Dầu thú-cầm, nhơn-loại, thảo-mộc, chơn-thần hình tượng nó vẫn tốt đẹp như thường, không phải như xác thịt thú-chất chúng ta vậy. Hễ 8 đạo hào-quang ấy soi tới đâu thì 8 phẩm chơn-thần đều cuồn-cuộn chiếu diệu ra, lớp thì đi, lớp thì về, lớp vô, lớp ra, muôn trùng vạn điệp không thể gì tưởng-tượng được.

Vả chăng, trong Càn-Khôn Vũ-Trụ có nhiều Tam-Thiên Thế-Giái, Tứ-Đại Bộ-Châu, Thất-Thập Nhị-Địa, ngoài cảnh giới ấy, thế-giái này qua thế-giái kia, có nhiều thế-giái chưa biến hình-tướng cả thế-giái, chưa có Vạn-Linh Vũ-Trụ. Chúng ta lấy sự so-sánh gọi là chủ quyền hơn hết là trong phần 72 trái địa-cầu có nhơn-loại ở, chúng ta tưởng-tượng trái đất này bề ngang có 10 ngàn cây số, chúng ta chỉ lấy một tấm ban-gian chúng ta cân thử thế giái chỉ xa chúng ta 280 cây số, mà xa trái đất có một tấc thôi. Chư Hiền-Tỷ, chư Hiền-Muội tưởng-tượng Càn-Khôn Vũ-Trụ lớn vĩ-đại, lấy mặt Thiêng-Liêng mà thấy càng sợ-sệt, thì ngoài ra không thể nào chúng ta thấu đáo đặng những chơn-hồn biến hóa ra Vạn-Linh. Chúng ta ngó lại coi, trước Diêu-Trì-Cung, nguy-nga đẹp-đẽ vô cùng, bên mặt có thế-giái, bên trái cũng có thế-giái chẳng khác, nơi cung giữa cũng chiếu diệu hào-quang như trước mặt chúng ta đó vậy.

Tưởng cả thảy muốn biết trước Diêu-Trì Cung, ba Cung ấy là gì? Bần-Đạo nói rõ: Cung giữa trước Diêu-Trì-Cung, là Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, bên mặt là Cực-Lạc Thế-Giái, bên trái là Ngọc-Hư-Cung.

Tuy vân chúng ta thấy, với con mắt Thiêng-Liêng Bần-Đạo nói quả quyết rằng: Đường xa muốn đoạt đến muôn trùng xa thẳm chúng ta thấy đặng là vì tại Cung-Diêu-Trì chúng ta muốn cái gì thì được cái nấy. Muốn đoạt đến Bát-Quái-Đài như chúng ta thấy khi nãy chẳng phải dễ. Kim-Bàn chúng ta thấy con đường muôn trùng mà không thể gì quan-sát và tưởng-tượng được, bây giờ chúng ta chung vô cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, rồi lần-lượt qua hai Cung kia. Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, Đức Chí-Tôn để ở thế-gian này cho chúng ta hiểu biết hai chữ Hiệp-Thiên đem để trong cửa Đạo, tức nhiên đem hình-tượng để nơi mặt thế-gian này. Ấy là nơi ngự của Tam-Trấn Oai-Nghiêm, là nơi của các Đấng Trọn Lành đóng đô tại đó. Chẳng phải nơi mặt địa-cầu này thôi, trong Tam-Thiên Thế-Giái, Thất-Thập-Nhị Địa-Cầu cũng vậy, đều có đại-diện của mình nơi đó đặng để bào chữa tội cho Vạn-Linh sanh chúng.

Bần-Đạo nói nơi đây chẳng khác gì ở nơi cõi trần này, như các chỗ Tòa-Án để làm việc vậy. Các Đấng Trọn-Lành mới được về đó làm đại-diện cho Vạn-Linh, phải có đặc quyền mới vào được Cung ấy.

Dầu Thần vị, Thánh vị, hay Tiên vị, Phật vị cũng phải đoạt được cấp bằng Trọn-Lành mới vào Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa. Cung ấy đặc biệt để binh vực Vạn-Linh sanh chúng.Bần-Đạo tưởng Đức Chí-Tôn lập Hiệp-Thiên-Đài tại thế này rất ngộ-nghĩnh thay! Có một điều là khi Bần-Đạo vào thì thấy họ niềm-nỡ, Bần-Đạo dám chắc nơi miệng họ, khi thấy mình đến đó hiểu được và biết được như có lời yếu thiết, họ muốn nói với mình rằng: Về nếu có thể nói lại với sanh chúng tức là nhơn-sanh, hiểu rằng cái án của kiếp sanh họ nơi Hiệp-Thiên Hành-Hóa đã có nhiều, chúng ta đã đảm nhiệm nhiều nỗi khó khăn, ước ao sao các bạn hiểu luật nhơn-quả Thiêng-Liêng, quyền Thiêng-Liêng thưởng phạt là gì? Định quyền Thiêng-Liêng đặng về nói lại, thuyết lại dỗ-dành họ cho biết rằng nơi cõi Hư-Linh còn có kẻ chí thân vẫn hằng ngày cầu nguyện và xin tội cho mọi người. Nơi Ngọc-Hư Cung rất nghiêm khắc, nơi Cực-Lạc Thế-Giới khó khăn mà các bạn đều có binh vực và dìu đường mở lối cho họ đi, đặng các bạn có một điều tu tỉnh đặng nối gót theo Đức Chí-Tôn, tận hiếu với Ngài tận trung cùng Thánh-Thể Ngài.

Cả anh em nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa đủ phương chước, đủ quyền hành để bảo tồn con cái Đức Chí-Tôn, họ biết tự-trọng họ, thì chẳng quyền-năng nào ép họ đặng.

Bần-Đạo tưởng, từ thử tới giờ, chưa có nền Tôn-Giáo nào công-chánh, nhơn-từ và đặc sắc công-bình là quyền Thiêng-Liêng vô cùng, vô tận. Tưởng lại tiếng hứa của Đức Chí-Tôn "Tận độ" chúng-sanh không phải quá đáng vậy. Có lẽ phương-pháp khó khăn ấy, Đức Chí-Tôn định quyền năng dầu thế-giái vô-hình cũng vậy mà thế-giái hữu-hình cũng vậy.

Các bạn duy có tu mà thành, tu hành thì không ai có quyền-hành nào biếm nhẻ các bạn, và không có quyền-hành nào bỏ rơi các bạn. Nhớ hằng ngày tưởng-tượng tới lẽ ấy, để tâm hăng-hái đặng làm bửu-bối mà theo chơn Chí-Tôn cho trọn Đạo./.

---------------------------

9.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 8 tháng 10 năm Mậu-Tý (8-11-1948)

 

LONG-HOA-HỘI
ĐỊNH VỊ CHO CÁC CHƠN-LINH



Bần-Đạo ngày nay thuyết vấn-đề có liên-hệ với Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa.

Chúng ta kỳ trước đã ghé nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, đã hội đàm cùng các Đấng Trọn-Lành, các Đấng cứu rỗi nhơn-loại toàn cả Càn-Khôn Vũ-Trụ.

Có một điều trọng hệ, đương buổi này là buổi náo nhiệt, tại sao? Tại mãn Hạ-Ngươn Tam-Chuyển, Thiên-Thơ đã định Long-Hoa Hội, Thánh-Giáo Chí-Tôn nói: "Các con phải chung cùng nhau, tức nhiên lập Long-Hoa Hội, định vị cho các chơn-linh trong kỳ Hạ-Ngươn Tam-Chuyển này, định vị cho họ đặng mở Thượng-Ngươn Tứ-Chuyển cho các chơn linh". Ngài mở Long-Hoa Hội ấy, tức nhiên là Ngài định chấm rớt đậu cho các chơn-linh vậy. Vì cớ cho nên chúng ta ngó thấy có huyền-vi bí-mật nơi mặt thế này, Đức Chí-Tôn đến mở Đạo ngày nay, chúng ta có thấy oan-gia nghiệp-chướng phải trả liền buổi này, không cho thiếu, trả mãn mới thôi.

Bần-Đạo đã thuyết-minh dầu cho một cá nhân, một quốc-gia, hay cả toàn thiên hạ, mỗi nơi đều có quả kiếp của mình, đương hiện-tượng, tấn tuồng chúng ta thấy than thở, nạn nồi da xáo thịt, cốt nhục tương tàn, sát hại lẫn nhau, nguyên do không có gì lạ, cái tấn tuồng loạn Tây Sơn buổi nọ thế nào, tấn tuồng này cũng vậy. Quả kiếp của nước Việt-Nam vay trả đó là xong. Vì cớ cho nên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa nắm quyền nhơn-loại cả Càn-Khôn Vũ-Trụ nhiều trái địa-cầu, duy có trái-địa cầu 68 này các chơn-linh ở Hiệp-Thiên Hành-Hóa, khổ tâm hơn hết là lo trái địa-cầu này phải chịu oan gia của Hạ-Ngươn Tam-Chuyển. Ấy vậy Bần-Đạo đã thuyết-minh từ buổi mới khởi đoan, chúng ta dắt nhau đi trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

Bây giờ chúng ta để dấu hỏi (?) Vì cớ nào cả toàn cầu nhơn-loại buổi này sanh hỗn loạn, náo nhiệt, tương-tàn, tương-sát nhau? Vì có tấn tuồng ấy mà cả nền chánh-trị thế- giới Quốc-Gia nào cũng chinh nghiêng, xiêu đổ. Nguyên do tại chỗ nào? Ta tìm hiểu trước rồi mới để ý truy nguyên căn nhơn-quả của trái địa-cầu 68 này, mới có thể hiểu được con đường tấn bộ trong cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Con vật nó còn chung sống cùng xã-hội, tức nhiên hiệp-chủng cùng nhau đặng sống . Loài thú có nhiều giống, nó tự-chủ lấy nó, dầu cho côn trùng, thú vật, hay ngư điểu, có nhiều loại đã sống tự-chủ lấy nó được. Nhơn- loại là người, chẳng hề khi nào sống riêng mình được, tại sao? Tại cái thương yêu ràng buộc trong phương sống, con người chỉ lấy trí khôn ngoan tức nhiên cái thiên-lương mình đặng chung hiệp.

Nói về mưu trí bảo vệ sanh mạng mình là cái mưu trí con người không đủ, lấy luật sống để làm căn-bản, thì con người thua nhiều hơn con thú lắm. Bần-Đạo thường nói thua mà sợ, nào kêu là Ông Cọp, Ông Voi, Ông Sư Tử v.v...

Nhiều con thú mà con người sợ như vậy, nên lập xã-hội đặng bảo vệ cho nhau, tức nhiên có lập luật xã-hội, quây-quần chung sống cùng nhau, mới có tinh-thần vững chắc. Mà con người bao giờ cũng vậy, họ chẳng hề khi nào định phận họ phải đối trả lại xã-hội nhơn quần. Trái lại, trí khôn ngoan để mâu-thuẫn, lường gạt xã-hội mà thôi. Ăn gian xảo mị, con người có thể qua mặt xã-hội được, nhưng luật công-bình Thiêng-Liêng căn quả chẳng hề khi nào chúng ta qua mặt đặng. Vì cớ trái-chủ, oan-gia là tự chúng ta tạo nghiệp nơi kiếp sanh của chúng ta đã nương theo đặng sống, đặng bảo vệ sanh mạng mình mà ra. Mình còn mượn cái sống cả vật loại đặng làm phương sống, phải ăn mới sống, phải mặc mới lành, nếu nhơn-loại trần-lổ thì dở hơn con thú nữa, con thú không có manh quần tấm áo, nó tìm phương thế che để sống, mà hễ nương sống, tìm sống tức giết nhau đặng giành sự sống. Con người nếu giành sống như con vật tức nhiên phải sát nhơn đặng bảo vệ sanh mạng mình. Tấn tuồng ấy chúng ta thấy hiển nhiên trước mắt. Bần-Đạo chức-vụ Thiêng-Liêng là Hộ-Pháp, Bần-Đạo vấn-nạn các Đấng Thiêng-Liêng buổi ban sơ, không thể gì con người có thể đầu kiếp làm thú. Các Đấng Thiêng-Liêng trả lời dè-dặt: Khi tôi tưởng có nhiều chơn-linh không đáng địa-vị nhơn-phẩm, Chí-Tôn vẫn ban ơn cho, làm thế nào cho có sự tấn-hóa toàn-thể. Còn nhơn-phẩm trở lại, tấn tuồng ấy có hai lẽ, hoặc đứng chựng phẩm người tấn tới mà hễ ta đứng không đặng phải thối bộ, mà con người đã thối bộ, tức nhiên con người trở lại thú rồi!

Chơn-lý ấy để lại có lẽ thiên-hạ quả quyết không xứng đáng bảo thủ. Kỳ dư nếu buổi Hạ-Ngươn này định Long-Hoa Hội, Chí-Tôn đã đau khổ về con cái của Ngài biết bao nhiêu, Đấng Cha Lành Thiêng-Liêng ấy đã thảm khổ dường nào vì con cái của Người. Ta tưởng-tượng từ tạo-thiên-lập-địa tới giờ không có nhơn-loại nào nơi mặt địa-cầu nào được hưởng hồng-ân đặc-biệt như chúng ta ngày nay vậy.

Nhơn quần xã-hội đồng sống cùng nhau tức nhiên ta phải có định chủ-quyền, từ lúc còn ăn lông, ở lổ dĩ chí ngày nay, muốn bảo vệ phương sống, cất nhà trên ngọn cây, rồi tạo ra hang ổ, rồi thỉnh-thoảng làm nhà. Hồi buổi ấy duy có sợ thú dữ, ở trong hang coi chừng không thấy thú gì dữ mới dám chạy ra bưng, ra ruộng tát cá đem nấu ăn. Rồi coi chừng không có con gì dữ hại đến tánh mạng, chạy ra cuốc đất trồng khoai đặng nuôi sống. Có nhiều khi sợ thú dữ, không dám chung ra khỏi hang, bị ba thằng điếm nó lén ăn cắp của mình, rồi mình yếu hơn nó, không thể gì bảo vệ sanh mạng được phải chịu thua, rồi cập bầy, cập bọn, hễ nó làm được bao nhiêu củ thì tao mầy hiệp nhau giành lấy. Một mình mầy đánh không lại nó, tao hiệp với mầy đánh nó, đứa này kiếm hai, ba người, đàng kia tìm bốn năm người hiệp nhau đánh giết tàn phá. Thành ra Mán, Mọi kia chưa chắc bảo thủ cả sanh mạng đặng, duy sợ chúng đánh trước rồi cùng phương, hết thế mới chịu thua, rồi phải phục lụy làm tay chơn nô lệ, bọn này làm chủ bọn kia, tổng-số lại làm xã-hội, quốc-gia nguyên do là vậy.

Từ thử tới giờ, muốn giữ trật-tự công-bình, bảo vệ mạng sống chung cho nhau có phương công-lý, tức nhiên có định chủ-quyền. Chủ-quyền hồi trước, mỗi nơi có một vị đủ trí-thức, đủ tài tình, đủ mạnh mẽ làm chủ nơi Mán, Mọi. Khi lập quốc phải tôn sùng, cung kỉnh vị làm Chúa của nước, tức nhiên chúng ta đã thấy sau này vậy. Nhờ kiến-thiết, nhờ định phận có nghiêm-luật, như ở Nhật Bổn có khuôn khổ buổi ban sơ, bảo vệ sanh mạng nhân dân, cân giữ công-chánh, cái khuôn khổ làm chúa của Mán, Mọi, dĩ Chúa quốc-gia, làm chủ sanh mạng toàn-thể quốc dân, nó đã định vận của toàn quốc-gia Mán, Mọi vậy. Tấn tuồng ấy chúng ta thấy hiển nhiên bây giờ còn dấu tích mà buổi đó theo Mán, Mọi một quốc-gia không có khó như bây giờ, nhơn-trí buổi ấy hiền lương, Thánh-Đức của họ không xảo trá, không hung ác, không như vào thế-kỷ hai mươi này, chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo, trí-lự khôn ngoan của nhơn-loại đi quá xa, không phương thế trị an đặng. Vì cớ cho nên chánh quyền thường bị đánh đổ. Họ nói gì công chúng kêu gọi đại đa số nhân-dân cướp chánh-quyền lập lại chánh-trị.

Ngày nay chúng ta thấy cả toàn mặt địa-cầu này đều xu hướng theo dân-chủ, dân-chủ là gì? Là đại đa số dân chúng tổng họp lại nắm chủ-quyền, mà ảnh-hưởng cũng do đại đa số đó cầm vận mạng mặt địa-cầu này. Hại thay có nhiều hạng người không đủ tinh-thần học-thức hay không đủ tâm-đức cầm sanh mạng nhơn-loại, thảo nào ta trông thấy phương tranh-đấu ai mạnh là hơn, làm Chúa thiên-hạ với phương xảo mị, không phải làm chúa loài người theo phương-pháp tối cổ. Nhơn-loại để lại cái giống loạn, cả tinh-thần toàn-thể trên mặt địa-cầu này đều loạn, chỉ vì không có quyền vi-chủ.

Vì cớ cho nên vận mạng nước nhà không chủ-quyền đặc biệt, không quyền vi-chủ, tức nhiên phải loạn. Có loạn đương nhiên bây giờ họ mới biết, họ tự hiểu có quyền vi-chủ ấy, mới cầm vững quốc vận, nhưng quyền vi-chủ họ đã đập tan nát hết rồi. Bây giờ họ tìm-tàng phương thế đào tạo chủ-quyền ấy mới ra tấn tuồng ngày nay, chúng ta ngó thấy nhơn-loại đương mong chiếm đoạt quyền ấy đặng bảo tồn vận mạng cho nước được tồn tại.

Bây giờ nhơn-loại đương chạy kiếm chủ-quyền, chủ-quyền ấy dầu nó thế nào, nó cũng không thể tồn tại được. Vì cớ cho nên Đức Chí-Tôn đến, Đức Ngài nói: "Phương-pháp tạo quyền của nhơn-loại không thể gì bền vững được. Ta coi các người đập tan tành hết. Ta đến cho lại. Ta chỉ đường cho".

Đường Đức Chí-Tôn chỉ là con đường Pháp-Chánh vậy.

Ngày giờ nào trên mặt địa-cầu này, quốc-gia xã-hội nhơn-quần biết tìm chủ-quyền đặc-sắc vĩnh-cửu, công-chánh, tức phải đồ theo Pháp-Chánh của Đạo Cao-Đài, tạo hình tướng chánh-thể quốc-gia, có lẽ ngày giờ đó thiên-hạ mới thấy, chủ-quyền Đạo Cao-Đài định thật quyền cho quốc-gia, và cho toàn nhơn-loại, Bần-Đạo nói Pháp-Chánh có năng lực đào tạo quyền hành cho nhơn-loại. Khá sửa lại, chỉnh đốn lại, ít nữa muốn đoạt được món báu ấy, nhơn-loại phải tự-tỉnh, định vi-chủ trước lấy mình; dầu cho cá nhân, quyền sở-hữu tự-chủ của họ cũng do nơi đạo-đức tạo thành vậy.

Ấy vậy ngày giờ nào nhơn-loại trở lại con đường đạo-đức đặng giải kiết, gầy dựng phương-pháp sống, mới sống vinh-quang, sống ôn tồn hạnh-phúc, ngày giờ nào tiêu diệt được quả kiếp hung tàn, trở lại con đường đạo-đức, ngày giờ ấy quốc-gia mới yên ổn, ngày giờ ấy thiên-hạ mới hưởng hồng-ân đặc-biệt của Đức Chí-Tôn ban cho./.




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả