Cuộc thiết chiến > 10-11-12-13-14


10.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 12 tháng 10 năm Mậu-Tý (12-11-194
8)

 

TRIẾT-LÝ BÍ-YẾU CỦA NỀN ÐẠO 
& CHƠN-THẦN LÀ GÌ ?


Bần-Đạo giảng tiếp con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống, bởi vì có chơn-lý triết-lý bí yếu về phần hồn của chúng ta.

Buổi chúng ta đương hội đàm cùng Thần, Thánh, Tiên, Phật đã đoạt-vị trọn lành làm đại-diện bào chữa cho chúng ta nơi Ngọc-Hư Cung và Cực-Lạc Thế-Giái.

Bần-Đạo hôm nay giảng qua ảnh-hưởng với các triết-lý của nền Đạo, đặng mở con đường trí-thức cho cả toàn-thể theo bước, đặng thấu đáo chơn-truyền. Bần-Đạo nói, chúng ta đi tìm triết-lý này, hồi lúc chúng ta còn sanh tiền, tức nhiên chúng ta đi tìm con đường Thiêng-Liêng tối cao trước mắt, chúng ta không thể gì tìm học triết-lý đặng dạy dỗ chúng ta được, cho nên từ thử đến giờ, Bần-Đạo muốn dìu-dắt con cái của Ngài, đi trên con đường chơn thật; nếu cả thảy đều để tâm nghe và suy nghĩ tìm tàng, Bần-Đạo nói một cách chơn thật, cái triết-lý chơn thật nó không có giả dối. Bần-Đạo cần chỉ điều trọng yếu, nên tầm hiểu để ý, đặng vô Cung Diêu-Trì, đặng tìm hiểu chơn-lý của họ. Nền Chánh-Giáo của Đức Chí-Tôn, các bạn đã ngó thấy, nơi Kim-Bàn Bát-Quái-Đài xuất hiện ra Bát-Phẩm chơn hồn, chánh-thể của họ thể nào? Cái phách của họ thể nào? Bần-Đạo đã minh tả kỳ trước cái Chơn-Thần của chúng ta như xác thú chúng ta vậy.

Chơn-Thần ấy là gì?Bần-Đạo chỉ sơ qua đó thôi, nó là một khối linh-quang (bởi vì khối linh-quang tạo Chơn-Thần) thì hình-thể nó là xác thân, thọ linh-hồn chúng ta vậy, hình-thể chúng ta mang ngày nay là xác thú. Bần-Đạo đã có dắt các bạn ngoạn cảnh sanh-hoạt của hình-thể và thể-chất. Bần-Đạo đã dìu-dắt các bạn đi trên con đường mới sơ sanh, cái thể của con người tức nhiên là con thú hữu-hình chúng ta đương mang, đương lập là nhờ nơi khối thiên-lương Đức Diêu-Trì Kim-Mẫu đã tạo. Quyền năng chơn-linh chúng ta có hai con thú trong chơn-linh chúng ta, để bảo vệ tánh mạng chúng ta, ngày nay loài người còn tồn-tại nơi mặt thế này chẳng phải vì mạnh mẽ mà thắng cả vạn-vật nơi mặt địa-cầu này để bảo tồn mình đặng.

Nếu các bạn hiểu số cộng lịch-sử của trái đất, các bạn sẽ thấy, trái đất này từ mới phôi thai, duy trì cho đến ngày nay biết bao nhiêu thế-kỷ có thế lực, bảo sanh mạnh-mẽ, mà có phương thế nào bảo trọng cho đến ngày nay chăng? Nếu một kiếp, chúng ta tưởng-tượng được, thì thấy luật sanh hóa ngày nay, nó dữ tợn lắm, ngày nay các vật loại cầm thú, nó mạnh lụng lại, đặng bảo vệ cả sanh mạng của nó, còn loài người yếu ớt, bạc nhược. Muốn bảo-vệ sanh mạng mình được tồn tại, thì phải làm sao mới đặng? Chúng ta đến nhờ khối sanh-quang ấy tạo chơn-thần, ấy là nhứt điểm linh của Đức Chí-Tôn đó, mình nương nhứt điểm linh đó, nên con người mới bảo tồn sanh mạng cho được đến ngày nay, không thể gì mình diệt nhứt điểm linh-quang này đặng.

Bây giờ, chúng ta đã thấy giáp vòng Càn-Khôn Vũ-Trụ, phải chung vô Hiệp-Thiên Hành-Hóa, coi đại-diện mình bảo vệ mình về phương diện nào? Vả chăng, trong Càn-Khôn Vũ-Trụ, chư Hiền-Hữu, Hiền-Muội, Hiền-Tỷ, Hiền-Huynh đã ngó thấy, hằng hà sa số nhơn-loại, chớ không phải một số hệ-định mà hết trong Càn-Khôn Vũ-Trụ này.Trái đất này chúng ta sánh lại với Càn-Khôn Vũ-Trụ, dám chắc không có bằng hàng xóm láng giềng chớ đừng nói đến một thành-thị hay một xã-hội gì được. Bởi vậy cho nên, các Đấng Trọn Lành đại-diện chúng ta, đã tạo thành hình-thể, trong trái địa-cầu này, chưa biến tướng ra sao, vì nó còn định một ở trong như mặt trăng, nó đủ bảy phần của nó, nó biến thể này ra hằng-hà chơn-linh của trái địa-cầu.

Hồi nhứt kiếp của nó đoạt biết bao nhiêu vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, các Đấng Trọn Lành đã tạo trước kia dám chắc danh-thể trái địa-cầu 68 này, Bần-Đạo nói quả quyết với các bạn, hình thể của nó cao trọng lắm, vì sao nó là một hạng địa-cầu chót hết trong 72 mà đứng vào hàng 68. Nói đến chót mà danh-thể nơi đó, nó đã tạo ra. Chúng ta có được đoạt phẩm-vị, là nơi cửa Hiệp-Thiên Hành-Hóa, Bần-Đạo nói quả quyết, các Đấng Đại-Diện cho chúng ta có một danh-thể đặc biệt, danh-thể cao trọng lắm đó vậy.

Chúng ta vấn nạn, chúng ta vào nơi ấy ngó thấy các Đấng Thiêng-Liêng hằng hà sa số, đối phẩm một cách vinh-quang cao trọng. Bần-Đạo tưởng cả thảy lấy làm ngạc nhiên lắm. Nếu chúng ta tọc mạch tìm coi trái địa-cầu ở trước làm thế nào, mà tạo các Đấng Trọn-Lành được? Tạo vinh-quang cao trọng được? Chắc cả thảy đều tọc mạch như Bần-Đạo, cũng muốn biết như Bần-Đạo. Loài người do ai sanh ra thì Phật Kim-Cang trước kia đã có triết-lý buổi sơ sanh cái nguyên-căn tạo ra Tứ Khổ, mối khổ sanh kia còn tạo ra chúng ta ba cái khổ nữa. Tại sao phải sợ? Cái sợ phải hay quấy, chúng ta để ý theo dõi, chúng ta sợ khổ lắm, triết-lý các Đấng Trọn-Lành đại-diện chúng ta nơi cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa sợ phải, sợ mà tránh khỏi, thì cái sợ ấy hữu lý, sợ mà tránh không khỏi, thì cái sợ ấy vô lý, lại còn khuôn mẫu, sửa ra tánh đức chơn thành, hồn phách còn hèn hạ tại sao ai cũng vậy. Hết thảy chúng ta quan-sát như thế này: Tại sao chúng ta phải làm? Phải ở đây? Tại sao chúng ta phải mang Tứ Khổ? Bằng cớ đã có hiển nhiên, chúng ta không thể gì chối cải được. Sự thật phải tìm cái sự thật chớ, tại sao sợ? Bần-Đạo đã thuyết: Dầu cho cá nhân, dầu cho thôn lân, dầu cho xã-hội, dầu cho toàn-thể thiên-hạ nơi mặt địa-cầu này cũng vậy, cũng đều có quả kiếp, quả kiếp ấy gầy dựng ra, sản-xuất ra do cơ sanh-hóa của nó, vì cớ cho nên Bần-Đạo dắt chư Hiền-Hữu đi trên con đường ấy.

Chúng ta sanh tại mặt thế này, vừa lọt lòng mẹ phải chịu mấy muôn quả kiếp rồi. Thánh-Giáo Gia-Tô đã gọi là: Tội Tổ-Tông chúng ta đó vậy, thì thân thể này mới làm sao đây? Bởi vì chúng ta vừa có thì khóc tu oa, cái tiếng ở trong lòng mẹ mới ra mà có tất cả các nợ, nợ trái chủ, nợ quả kiếp đủ thứ, không biết bao nhiêu món nợ. Cửa Hư-Linh các Đấng Trọn-Lành đại-diện chúng ta biết bao nhiêu Đấng đã gớm-ghiết quả kiếp ấy, vì sợ giựt giành quyết thắng không nổi phải chịu muôn triệu năm trong quả kiếp.

Họ mãi ngồi trong địa-vị họ thôi, không tấn thối được, phải chăng là mối nợ mình biết để tìm phương thế đặng mình trả, mà hễ trả rồi mình lại giàu thêm nữa mới là lạ chớ! Cái nợ nó thiết yếu nó trọng hệ, nó mắc mỏ lắm, chừng nào mình trả được mối nợ ấy, rồi thì nó sẽ vinh diệu cho mình lắm. Nếu chúng ta sợ, như người chiến-sĩ ra mặt trận mà sợ chết thì không có giá-trị gì hết, phải quyết thắng mới đáng mặt Tướng-Quân, Tướng Soái, đáng mặt anh-hùng, còn chiến-sĩ mà sợ chết, trốn lính thì có danh-vọng gì đâu?

Trái Địa-Cầu 68 này, nó có danh-thể đặc-biệt của nó nơi Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Cũng nói sợ mà các Đấng Trọn-Lành đến cư ngụ, cũng do nơi đó mà ra, các Đấng ấy quyết thắng, lập vị mình một cách khó khăn, nhưng vinh-diệu lắm. Chơn-lý ấy, chúng ta không khi nào đặng mờ hồ, duy có một điều là những trái chủ, quả kiếp nặng-nề của chúng ta từ thử đến giờ, làm sao mà trả cái quả kiếp ấy cho rồi, đừng để nó theo ràng buộc cái khối Thiên-Lương của chúng ta, buộc nhứt điểm Linh-Quang của chúng ta, tức là nó ràng buộc lấy ta, chẳng khác nào mang theo một thây chết. Làm sao bỏ được cái thây chết thúi tha ấy, thì mới thong thả, nhẹ-nhàng, nhưng không thể bỏ được!

Cái tình trạng khổ não ấy, làm người ta ai cũng đều biết, không cần gì tả hình-tướng nó ra, cái sanh-hoạt của con thú này, Bần-Đạo tưởng Đạo Phật gọi nó là con kỵ vật, con thú cỡi của chúng ta, vì cớ nên triết-lý của Đạo Phật nói ví-dụ như: Đức Từ-Hàng cỡi con Kim-Mao-Hẩu, Đức Phật Kim-Cang cỡi con Đề-Thính giải kiếp họ một cách vinh diệu. Con vật này nó làm cho ta thiếu chịu kiếp sanh của nó, nó làm ta phải biểu nó trả cho đặng. Phương-pháp nó phải trả thế nào? Là nó phải nương theo cơ-quan hữu-vi này, mà nó sống nó tạo, nó gây ra quả kiếp tồn tại, nó mới nương theo xã-hội nhơn quần, nương theo mặt địa-cầu này mà sống, nó nương theo mối nợ riêng của nó, để nó trả nợ riêng cho nó. Nó có phần đoạt được cái triết-lý cao thượng rồi, nó không nương theo mặt địa-cầu xã-hội mà sống nữa. Nó quyết định làm tôi tớ cho xã-hội, làm tôi cho mặt địa-cầu này, để trả nợ tình của nó. Ngày giờ nào nó không làm tôi tớ cho cơ-quan hữu-hình này, thì mối nợ ấy vẫn còn vậy. Cái triết-lý cao thượng hơn hết là mình không sống cho mình, mình sống cho xã-hội nhơn quần, tức nhiên chung sống trên mặt địa-cầu này, thì cơ-quan giải khổ của chúng ta ngày nay, chắc-chắn không ai là không đoạt được đó vậy./.

----------------------------------

11.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo tại Đền Thánh
Đêm 4 háng 11 năm Mậu Tý (4-12-1948)

HẠNH PHÚC THẬT CỦA LÒAI NGƯỜI
VÀ PHƯƠNG THỀ THẮNG KHỔ


Trước khi giảng trên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, chúng ta còn một vấn-đề rắc rối giữa
các cuộc thiệt chiến của các chơn-linh đã tạo thành Đạo, có một vấn-đề rắc rối hơn hết là vấn-đề con người trong "Tứ-Khổ". Các chơn-linh đến trần này, mang cái xác phàm, tức nhiên xác thú của họ, nương với cái hình-luật tấn-hóa của các chơn-linh để lập Thiêng-Liêng vị của mình, có một điều mâu-thuẩn hơn hết là muốn đoạt Thiêng-Liêng vị xứng đáng thì phải giải quyết vấn-đề "Tứ-Khổ". Đã đành sanh trong vòng Tứ Khổ, định lại cả tinh-thần, chúng ta không thể gì từ chối cái tinh-thần ấy đặng. Mang xác phàm phải chịu khổ với phàm, mới đoạt được Thiêng-Liêng vị. Ngài nói có một điều là tấn tuồng theo mặt luật tấn-hóa trong kiếp sanh, trong hành khổ, khổ thì ai cũng thế, kỳ dư các chơn-linh đoạt đến Tiên-Phật vị họ dám có can đảm, dám có nghị lực, dám có oai quyền, họ ngó ngay Tứ Khổ để quyết thắng. 

Bởi vì họ có năng lực đủ tinh-thần, mà hại thay các Đấng Trọn Lành không đủ oai quyền, không đủ năng lực của họ, các Đấng Trọn Lành vì sợ hải. Bởi cớ muốn trọn lành thì họ phải tìm hạnh-phúc, họ tìm hạnh-phúc trong cảnh khổ ấy, chúng ta đều ngó thấy như vạn loại:
Con cá bị nhốt trong chậu, con chim bị nhốt trong lồng, con người bị nhốt trong Tứ-Khổ, bao giờ cũng tìm kiếm phương thế đặng thoát ngục, thoát ngục nơi mặt Càn-Khôn Vũ-Trụ này. Thật tướng nó, ta là cái lồng, cái khám, nhốt cái chơn-linh, như con thú kia nó còn vùng-vẫy thoát cảnh khổ dầu thoát không đặng mà nó vẫn tìm thế vùng-vẫy để thoát cho đặng. 

Cái chơn-linh đầu kiếp mang lấy xác phàm nơi Càn-Khôn Vũ-Trụ này, họ đã hiểu "Tứ Diệu-Đề Khổ", họ phải tìm phương thế đặng thoát khổ, nhưng Luật Thiêng-Liêng định vậy. Chúng ta ngó thấy đễ hiểu, nhứt là Bần-Đạo đã hiểu tấn tuồng ấy rồi. 

Con người bị đầu kiếp trong cảnh khổ, trong ngục hình, bao giờ cũng tìm phương kế hoạt động để giải khổ, tìm phương thế giải khổ không đặng, cũng kiếm phương thế an-ủi lấy mình, tức nhiên tìm mảy may hạnh-phúc để gỡ khổ cho mình. Ngặt nổi muốn tìm phương thoát ngục ấy, nhưng than ôi!!! biết bao nhiêu là "khổ hải". Có nhiều khi chưa tìm đặng hạnh-phúc để giải khổ, nó làm cho mình thêm tội nữa mà chớ. 

Ấy vậy một vấn-đề không đồng năng-lực với nhau, các chơn-linh cao siêu ấy cũng không dám đứng ra với Tứ-Diệu-Đề Khổ ấy, để kiếm phương thế tạo hạnh-phúc mảy may trong kiếp sống đặng đỡ khổ. 

Bây giờ chúng ta cũng nên ngừng bước lại, đặng quan sát cái thiệt hạnh-phúc của loài người, có phương thế nào thắng cảnh khổ đặng chăng? 

Hạnh-phúc trong cảnh trần họ là gì? Chúng ta nên kiếm hiểu, có kiếm hiểu đặng mới giải quyết vấn-đề thắng khổ đặng, chúng ta chỉ ngó thấy từ thử đến giờ thiên hạ chỉ mơ ước của mình. Bần-Đạo nhớ Đạo-Giáo của chúng ta có một triết-lý rất hữu hình, rất ngộ nghĩnh, rất cao siêu. 

Có một chơn-linh đó đi xuống địa ngục đến chừng trả tội xong rồi ở dưới Diêm-Vương cho đi đầu kiếp, chơn-linh ấy cự nự lắm xin Diêm-Vương phải cho mấy điều xin thì chơn- linh mới chịu đi đầu kiếp. 

Diêm-Vương hỏi: Ngươi muốn xin điều gì? Chơn-linh ấy nói: Cho tôi xin 4 điều, rồi đọc lên 4 câu thơ: 

Cha Thượng-Thơ, 
Con Trạng-Nguyên, 
Quanh nhà ngàn khoảnh nhứt hạng điền, 
Trai tơ gái lịch, vợ tốt hầu xinh thảy thảy đều. 

Diêm-Vương nói chưa chắc nếu có cho người cũng chưa đủ hạnh-phúc, chưa đủ vinh- hiển đâu. Cha Thượng-Thơ, con Trạng-Nguyên tức nhiên linh-hồn ấy muốn làm Trạng-Nguyên con của vị Thượng-Thơ. 

Chưa chắc gì vị Trạng-Nguyên ấy gặp được vị quan thanh-liêm, đủ đạo-đức, đủ cường lực, đủ hạnh-phúc để làm cha mẹ cho dân. Thoảng gặp vị Thượng-Thơ gian ác, gian tham, hối lộ, chung vô đầu-kiếp có nên hay chăng? 

Chơn-linh ấy vẫn cầu xin cho mình được làm quan, nhứt định làm quan Trạng- Nguyên. Nếu thi đậu đặng Trạng-Nguyên rồi cũng chưa chắc gì có hạnh-phúc. 

Làm quan Trạng như ông Tam-Phương ba kỳ thi đậu Trạng gặp ông Minh-Mạng làm ba khoa thi, ông Tam-Phương chiếm hết. Mới 14 tuổi mà đã ba lần đậu Trạng, nhưng tuổi còn nhỏ lắm không xuất-sĩ đặng, đợi tới 20 tuổi mới xuất-sĩ ra triều, nhưng đến 25 tuổi lại chết, thử hỏi ông Tam-Phương có hạnh-phúc hay chăng? Dám chắc chưa có. 

Câu thứ ba: Quanh nhà ngàn mẫu nhứt hạng điền, nghĩa là, quanh nhà ấy ruộng nhứt hạng ngàn khoảnh đặng sau này làm giàu, mà thử hỏi có hạnh-phúc chăng? Bất quá tham của thôi, chớ chưa có hạnh-phúc. 

Câu thứ tư: Trai tơ gái lịch, vợ tốt hầu xinh thảy thảy đều. Trai tơ gái lịch tức nhiên đệ nhứt trong thiên-hạ hết, mà sao, có tạo hạnh phúc đặng hay chăng? Chưa chắc. 

Câu thứ năm: Vợ tốt hầu xinh thảy thảy đều. Vợ tốt hơn mình thì nó ăn hiếp mình, nó cậy sang, nó biết nó đẹp hơn mình, vì mình thương nó quá nên nó cậy thế nó đè đầu mình xuống nó dọi đầu mình. Duy có câu thảy thảy đều hơn hết thảy là câu chót, mà cũng chưa chắc tạo hạnh-phúc được. 

Ấy vậy từ thử đến giờ cả thảy đều hiểu dầu cho bực Đế-Vương cũng chưa chắc kiếp sanh đoạt được hạnh-phúc. Các nhà Hiền-Triết của nước Việt-Nam ta, Nho-Tông của chúng ta có để 3 câu trọng yếu, muốn lập quốc, muốn tạo hạnh-phúc cho dân, quốc dân phải có 3 điều kiện: "Thiên-thời, địa-lợi, nhơn-hòa". Ấy vậy chúng ta kiếm thử coi trong ba điều kiện để tạo cho dân coi có phương thế gì giải khổ hay chăng? Thuận lợi, Thiên-Thời, Địa-Lợi, Nhơn-Hòa. 

1- Thiên-thờitức nhiên theo mạng Trời, Trời đã định cho mình tức nhiên mình phải tùng mạng Trời, tùng mạng Trời tức nhiên tùng Đạo. Thiên-thời tức nhiên tùng Đạo, không thể gì chối được. 

2- Địa-lợi là gì? Là cả thảy địa-dư toàn trong nước dân đều hiện, đất sung túc được hay chăng? Bực thượng-lưu, trí-thức cần nên tưởng lại câu ấy, mà câu ấy là của ai? Quốc- Vương, Thủy-Thổ, Địa-Lợi, dầu không đặng hưởng địa-lợi nó cũng biến địa-lợi, mà phải có đạo-đức có nhơn tài tạo mới được. 

3- Nhơn-hòa đặng chi?Nếu cả thảy không có hòa thì loạn-lạc, hễ loạn-lạc thì có giặc giã chiến-tranh. Ấy vậy có ba điều từ thử đến giờ đặng tạo hạnh-phúc cho quốc dân, mà có phương-thế tạo đặng hay chăng? Tạo có thể đặng chớ, nhưng chúng ta thử nghĩ đương giờ phút này nhơn-loại bị dọa nạt trận giặc thứ ba. Đã hai phen rồi, hai trận chiến tranh thiên-hạ chết muôn trùng vạn điệp. 

Nhơn-loại sắp bị dọa nạt trận giặc thứ ba nữa, nhơn-loại sống làm gì mà phải chịu nạn ấy, có phải nhơn-loại đeo đuổi tìm hạnh-phúc chăng? 

Đây một bằng cớ hiển nhiên toàn cả quốc-dân Việt-Nam đương vì của, đương tìm hạnh phúc của họ ở trong lý-thuyết mơ-mộng mà thôi, như chánh-phủ Hồ-Chí-Minh đương tìm hạnh-phúc trong lý-thuyết chớ không có gì hết. 

Cả toàn-cầu đương khởi chiến-tranh, tìm hạnh-phúc cho nhơn-loại, Bần-Đạo dám chắc là không có. Có là chỉ lòe-loẹt các yếu điểm để lên nạn chiến-tranh giết lẫn nhau, để hai phen thất bại cũng vì muốn tạo hòa-bình hạnh-phúc cho nhơn-loại. 

Hại thay tinh-thần của nhơn-loại bây giờ đang thống khổ, dám chắc dầu không khổ nhơn-loại cũng không biết nghe theo tiếng Thánh, đặng tự-giác sửa mình, tìm hạnh- phúc chơn thật. Họ cứ nương theo cái hạnh-phúc giả dối, nên vị Thánh Gandhi bị chúng giết, mà vị Thánh Dalagadot cũng bị kẻ ác tâm ám-sát, để tranh sống. Đương nhiên bây giờ nhơn- loại bị thống khổ nhiều mà nó hiện-tượng ra, đặng kiếm thế giải quyết cơ-quan thống trị cả tinh-thần hạnh-phúc của loài người, họ lập Vạn-Quốc-Liên-Minh mà Hội-Quốc-Liên đã làm nên chưa? Cũng chưa gì hết. Bởi vì có nhiều nguyên căn cho nên Garry Davis anh đã tượng trưng tinh-thần của loài người được, phải có người đến giữa Hội-Quốc-Liên đặng hỏi: Có thể bảo trọng hòa-bình cứu nhơn-loại đặng chăng? "Garry Davis" chiến tướng biểu nhơn-loại theo anh, mà nhơn-loại nghe không? Chính mình Bần-Đạo cũng theo nữa. 

Đúng theo lý-thuyết mờ ám theo lý-thuyết Cộng-Sản thuyết này thuyết nọ, đặng tìm hạnh-phúc cho loài người, mà càng tìm, càng đi sâu chừng nào thì càng đau khổ cho nhơn-loại chừng nấy, để cho thiên-hạ suy nghĩ, suy gẫm tìm thử hạnh-phúc chơn thật thế nào? 


-------------------

12- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo tại Đền Thánh
Đêm 5 háng 11 năm Mậu Tý (5-12-1948)

QUYỂN NĂNG BẢO VỆ PHẦN HỒN
CHÚNG SANH CỦA TÔN GIÁO


Chúng ta ngưng bước từ hổm rày nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, Cung ấy có liên-quan tới phần hồn của nhơn-loại nhứt là về Đạo-Giáo tinh-thần, nên chúng ta ngưng lại đó đặng quan-sát cả hành-tàng của Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa như thế nào? 

Ta gặp các Đấng Trọn-Lành nơi Cung ấy lãnh đảm-nhiệm trọng yếu là bào chữa cho các đẳng linh-hồn được siêu-thoát. 

Chúng ta hỏi về năng-lực của các Tôn-Giáo, đương nhiên sanh-chúng đang theo dõi đặng tạo tâm hồn của mình, các Tôn-Giáo ấy có đủ quyền-năng bảo vệ tương-lai phần hồn của sanh-chúng chăng? Ta sẽ thấy các Đấng ấy cười và nói rằng:
Thoảng nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa này đòi phen mời các vị Giáo-Chủ ấy đến hiện-diện đặng chứng kiến một án-tiết gì của các Tông-Đồ họ thi thố tại thế, đương nhiên tôi xin chư Hiền-Hữu đừng lấy làm lạ. 

Vả chăng các vị Giáo-Chủ, lập giáo đều nương nơi một tinh-thần của họ, tinh-thần hữu-định ấy có căn nguyên trong tinh-thần của toàn nhơn-loại. Họ chỉ lấy một thuyết trọng yếu đặng làm triết-lý Đạo-Giáo của họ, tỷ như Thánh-Giáo Gia-Tô lấy tâm làm căn bản, Lão-Giáo lấy thân làm căn bản, Hồi-Giáo lấy tín-ngưỡng làm căn bản, mỗi Giáo-lý đều có sở năng làm trung-tâm điểm đặng vi-chủ tinh-thần của con người trong chỗ khuyết-điểm của họ. 

Thoảng có một vị tu chơn theo Phật-Giáo, chẳng noi theo tánh đức nhà Phật là Từ-Bi Bác-Ái, chỉ biết một điều trọn kiếp sanh đem thân phụng sự cho nhơn-loại, cho chúng- sanh. Sang, trọng, vinh, hiển họ coi như nước chảy, như giọt sương đầu cỏ. Sang trọng như Phật, xuất thân nơi nhà Đế-Vương mà còn bỏ hết, mang Bình-Bát đi hành-khất đặng mà chi, để làm gì? Ngài hành-khất đặng của bố-thí, tạo Cấp-Cô-Độc-Viên nuôi kẻ nghèo đói. Mảnh áo Ngài không muốn mặc sang trọng hơn kẻ khó khăn. Tánh-đức của Phật là ăn mày, mà ăn mày như thế ấy siêu thoát tinh-thần làm sao! 

Thoảng một vị Giáo-đồ nhà Phật lấy căn bản hành-khất ấy đặng tạo một cảnh chùa rồi ngồi đợi chúng-sanh đem của bố-thí tới đặng ăn mà sống, ngoài ra nữa, còn lường gạt tâm-lý của các Tín-Đồ, đem cả mầu-nhiệm Thiêng-Liêng của Phật dạy làm một món khí cụ đặng dọa nạt, hù nhát kẻ Tín-Đồ, duy có một phương hù nhát mà thôi. Lập ra cửa Phong-Đô có hình khảo ghê sợ đặng dụ-dỗ họ nơi Niết-Bàn mà kỳ trung chưa hề phụng-sự chúng-sanh như Phật, đến khi về cửa Thiêng-Liêng nói:
Tôi theo tôn chỉ nhà Phật, mà Phật đã đoạt-vị, tôi cũng phải được đoạt-vị như Phật vậy chớ! Hỏi vậy chớ Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa mới đem lý-thuyết nào, bằng cớ nào đặng bảo-vệ cho kẻ ấy nơi Cực-Lạc Thế-Giới và Ngọc-Hư-Cung đặng. 

Nói về Tâm:Đức Gia-Tô truyền Thánh-Giáo tại thế, Ngài lấy tâm làm căn bản, vì lòng yêu-ái vô tận của Ngài đối với chúng-sanh. Ngài nói với một mảnh tâm chơn thật của Ngài, Ngài có thể làm con vật hy-sinh đặng tế-lễ Chí-Tôn, Ngài xin mang cả tội tình của loài người vào mình cũng như con dê hy-sinh (Le bouc Emissaire) mang cả tội tình cho nòi giống. Ngài đã mang cả tội tình ấy mà chịu chết trên cây Thánh-Giá đặng cứu rỗi nhơn-loại. Vì một mảnh tâm yêu-ái vô cùng tận mà Ngài chỉ biết sống với tình thương vô tận đó mà thôi, Ngài chỉ biết sống đây, mạng sống để trong tay của chúng-sanh, đặng làm con vật tế Đức Chí-Tôn, và vì Đức Chí-Tôn mà thôi, chơn-lý của Ngài là vậy, tâm Thánh của Ngài vô cùng tận. 

Thoảng các môn-đệ của Ngài về tới Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa nói: Tôi thương chúng-sanh như Thầy tôi, tôi noi theo chơn-truyền của Thầy tôi tức là Đức Chúa Jésus Christ, tôi cũng đem mảnh tâm đặng hiến cho Chí-Tôn vậy, nhưng tinh-thần của họ không mảy may yêu-ái chúng sanh, trái lại họ cầm quyền-năng gọi là nhơn danh Đức Chúa Trời tha tội cho nhơn-loại, cầm quyền ấy đặng vi-chủ tinh-thần loài người. Nơi cửa Hiệp-Thiên Hành-Hóa ấy chúng Tín-Đồ nói: Tôi theo dõi chơn Chúa, làm tôi cho Chúa, gìn chính-sách của Chúa, đem mảnh tâm làm môi giới đặng cứu khổ chúng-sanh, mà kỳ thật xét đoán chơn-lý cao siêu của Đức Chúa Jésus Christ, hành-tàng của họ thi thố không ăn thua chi cả, hỏi vậy, nếu Ngọc-Hư-Cung và Cực-Lạc Thế-Giái vấn nạn các Đấng Trọn Lành nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về những hành-tàng của các Tín-Đồ trái ngược lại Đạo-Giáo của Thầy họ, các Đấng Trọn Lành ấy trả lời thế nào với hai quyền năng Trị-Thế và Giác-Thế. 

Nói đến Trí:Khổng-Giáo lấy Trí làm căn bản, Trí thực muôn hình ngàn trạng, đem cái triết-lý cao siêu ra tạo xã-hội nhơn-quần không phải dễ. Đức Khổng-Phu-Tử phải dùng Trí đặng tự-tu kỳ thân. Có tự-tu kỳ thân đặng mới đủ quyền-năng yêu-ái giáo-hóa các chơn-linh tức là các nhơn-loại đặng trọn lành, đến tột bực lành là Chí-Thiện. Trái ngược lại môn-đồ của Ngài nương nơi trí-giác ấy làm căn bản, học nhiều thấy rộng, nói cho hay cho khéo, lấy cả tinh-thần cao thượng đặng hài-hước nơi lỗ miệng, còn thật chơn-lý không ai làm đặng. Những kẻ ấy về Ngọc-Hư-Cung kêu nài nói, tôi theo Đạo-Giáo của Đức Khổng-Phu-Tử, đào luyện trí-thức, tôi biết trọng nhơn-luân phẩm-cách, biết giữ-gìn luật-lệ của Thánh-Giáo di-truyền, tôi cũng có quyền đứng vào phẩm Thánh, Tam-Thập-Lục Thánh thế nào, tôi cũng phải được thế ấy, chớ có lý do nào tôi về đây lại bài-bác tôi ra khỏi cửa Khổng-Giáo đặng chăng? Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa tính lẽ nào đây? Nó noi theo Đức Khổng-Phu-Tử đào tạo tinh-thần, tôn trọng Thánh-Giáo, phục tùng giáo-lý của Ngài, sự thật chẳng thực-hành gì cả mà trái ngược lại, họ lấy trí-thức để giục loạn làm cho xã-hội điên đảo, lấy trí-thức ngồi liếm bút lông mèo xúi thiên-hạ kiện cáo nhau, lấy văn-chương làm cho ly-dị chồng vợ người ta, dùng miệng lưỡi lường-gạt kẻ dốt nát, mượn ngòi bút nó dám bán cả sanh mạng của con người, hỏi những kẻ đó Đức Khổng-Phu-Tử có nhìn không? Chắc chắn không nhìn, khi Ngài đến Cung Hiệp-Thiên-Hành-Hóa đặng vi-chứng vụ án đó. 

Trong ba bằng cớ vừa kể đó Bần-Đạo quả quyết rằng, các vị Giáo-Chủ đã tạo ra các nền Tôn-Giáo, tinh-thần của họ cũng chỉ biết phụng-sự cho nhơn-loại. Mà hại thay! hại thay! Cơ- quan của họ đào tạo tinh-thần của loài người với tinh-thần trí-thức của họ, họ chịu khổ hạnh, muôn cay ngàn đắng, trọn kiếp sanh đào tạo cho đời, rốt cuộc cả triết-lý Đạo-Giáo thay vì tạo hạnh-phúc cho nhơn-loại, trái ngược lại đã làm khí cụ cho kẻ vô tâm lợi dụng đặng lường gạt tinh-thần nhơn-loại hơn nữa.
Thay vì làm phước họ đã làm tội.Tội nghiệp thay, nếu Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa chiếu luật "Tội vi trưởng" thì các vị Giáo-Chủ ấy chưa chắc ngồi yên trên Liên-Đài của họ đặng, và nếu như nơi cửa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa ấy là Tòa-Ngự của các Đấng Trọn-Lành, đặng bào chữa cho các đẳng linh-hồn siêu thoát, mà các Đấng ấy nếu còn chút phàm tâm, thì chưa chắc gì các vị Giáo-Chủ ngồi yên, cứ hầu tòa mãi-mãi thôi. Tín đồ các Đạo-Giáo tạo thành, thay vì làm cho Giáo-Chủ của họ thêm danh-dự, lại gây tội tình thêm nữa. 

Lời tục nói: Không ai hại mình nhiều hơn là kẻ thân yêu của mình. Có một điều Bần-Đạo xét đoán lấy làm sợ-sệt hơn hết là nền Tôn-Giáo của Đức Chí-Tôn lấy Tinh-Thần làm căn- bản, hỏi vậy, tinh-thần của nhơn-loại hiện ở dưới quyền áp bức của văn-minh vật-chất, tinh-thần ấy có đủ quyền-năng tự-vệ lấy họ chăng? Tinh-thần họ có đủ lực lượng chiến thắng chăng? Nếu thoảng tinh-thần của nhơn-loại không quật khởi lên, tự-quyết, tự-chủ, tự định phận đặng mà phải chịu làm nô-lệ cho văn-minh vật-chất, thì tương-lai của Đạo Cao-Đài sẽ ra sao? Mà chẳng những phải tự bảo vệ chiến thắng mà thôi, mà còn phải bảo vệ chơn tướng của đạo-đức tinh-thần của loài người trở mặt ra đối với tinh-thần cường liệt của Chí-Tôn, thì tương-lai nơi mặt thế này sẽ như thế nào? Chúng ta cũng nên để có một câu hỏi. 

Có một điều ta nên để mắt nhìn coi Chí-Tôn tạo hình thể nào đặng bảo trọng tinh-thần đạo-đức ấy. Ấy là một phương-pháp ta nương theo đó đặng tạo dựng khối đức tin vững chắc bền-bĩ vậy./.

 

---------------

13.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo tại Đền Thánh
Đêm 13 tháng 11 năm Mậu Tý (13-12-1948)

QUYỀN TRỊ THẾ CỦA NGỌC HƯ CUNG
VÀ QUYỀN GIÁO HÓA CỦA CỰC LẠC THẾ GIỚI

 

Hôm nay, Bần-Đạo giảng tiếp cuộc thiệt chiến giữa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về "Đức-Tín". 

Có nhiều điều rắc rối giữa quyền-năng binh vực các chơn-linh trong Càn-Khôn Vũ-Trụ đối với quyền trị thế của Ngọc-Hư-Cung và quyền giáo-hóa của Cực-Lạc Thế-Giới. Về mặt triết-lý, có nhiều triết-lý đã gây nên một trường ngôn luận sôi nổi giữa các nền Tôn-Giáo và tín-đồ của họ. 

Về đức tin ta ngó thấy phần nhiều hạng thượng-lưu trí-thức trước mặt ta hiện giờ này, nhứt là các văn-sĩ của Á-Đông ta, tức là các nhà Nho, còn ở Âu-Châu có các nhà tự do ngôn-luận, tự do tư-tưởng, phần đông hạng tự do ngôn-luận ở Âu-Châu đều là vô tín-ngưỡng cả thảy. Họ còn đi quá nữa là bọn Anarchistes là bọn chẳng có phương châm tôn chỉ thờ phượng chi hết, chớ chẳng phải nói vô tín-ngưỡng mà thôi đâu. Các nhà ấy tới chừng trở về Thiêng-Liêng vị rồi phải buộc mình quì trước mặt luật Thiêng-Liêng chịu khảo dượt tinh-thần. Họ muốn tránh mà làm sao tránh khỏi quyền-năng vô đối của Càn-Khôn Vũ-Trụ, muốn tránh luật Thiêng-Liêng ấy mà làm sao tránh khỏi đặng. Các nhà ấy họ miệng lưỡi lắm, họ phản đối kịch liệt với nhiều lý-thuyết đến đổi quái gở ta không thể tưởng-tượng được. Tỉ như giữa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa họ nói như thế này: "Mấy nhà triết-học cao siêu đại-giác đến thế lập-giáo dạy Đạo cho nhơn-sanh họ đã lập quyền sở-hữu của họ, điều đó có thật, nhìn nhận, song quyền sở-hữu ấy đối với phương sanh sống của đời không có quyền-năng chi hết, trái lại làm cho trở ngại bước đường tranh-đấu và tấn hóa của loài người mà chớ. Chớ chi quyền-năng Thiêng-Liêng mà người ta nói là quyền vô cùng tận, năng lực vô biên, quyền lực ấy thường nơi miệng nhơn-sanh, gọi là quyền-năng tạo-đoan của Càn-Khôn Vũ-Trụ, có thế cho chúng tôi đức tin, lấy oai-quyền mà tạo đức tin cho chúng tôi thấy hiện-tượng trước mặt. Hay là quyền-năng ấy có bảo trọng đặng mạng sanh của loài người thì ai không muốn tu, ngặt một nổi cả triết-lý ấy còn bóng dáng mờ hồ, thì chúng tôi mới mượn nơi đâu mà tạo đức-tin theo Đạo-Giáo cho được? Các vì Giáo-Chủ khuyên chúng tôi làm lành lánh dữ, chúng tôi thấy trường đau khổ trước mắt, chúng tôi muốn làm lành ngặt thiên-hạ không muốn lành, giục thúc chúng tôi phải dữ, vì chúng tôi nhịn thì sẽ bị cái dữ của thiên hạ tàn hại. Muốn nhẫn-nhục vì lòng thương yêu nhịn cái sống của mình đặng tạo cái sống cho người, mà nhơn-loại không nhơn tay, thay vì tôn sùng sự cao siêu như chúng tôi, họ không chịu vậy, chớ mạng sống của chúng tôi nào có quản chi. 

Các Ngài cũng ngó thấy, thế-gian kìa bao nhiêu bực đạo-đức phải chịu khuất thân dưới quyền cường-bức của thế gian, chịu mai một thiệt thòi, chịu ăn xin ở tạm, bây giờ mấy Ngài biểu nương nơi họ mà tạo đức-tin, cái đức-tin trọn cả kiếp sống của các vị đạo-đức ấy tôi chưa hề thấy hình ảnh nó, xin các Ngài tả hình nó cho chúng tôi thấy thử coi . 

Các Đấng Trọn-Lành nơi cửa Thiêng-Liêng kia mới lấy lý-thuyết nào đặng đối-đãi với lời nói ấy. Các Ngài nói:"Các ông bất quá là đa-văn quảng-kiến, tìm phương-thế đặng chữa mình, chớ chơn-lý không phải như mấy ông bày đặt ra đó đâu. Cái chơn-lý là các ông không biết tin mình thì còn tin ai, còn tin triết-lý Đạo-Giáo sao được. Đức Chí-Tôn sai các vì Giáo-Chủ đến tạo Tôn-Giáo nơi mặt thế này chẳng phải cầu nhơn-loại thờ phượng Ngài, mà chính Ngài đến, hay Ngài sai Người đến chỉ để tạo Đền-Thờ, thờ đức-tin của nhơn-loại tức là tạo Đền-Thờ cho nhơn-loại thờ nhơn-loại, không phải thờ Ngài đâu. Mấy ông phản đối, nói rằng: Lấy đạo-đức đặng làm môi-giới tạo phương-pháp bảo trọng mạng sanh một cách bền vững kiên cố, chỉ thử coi. Không có! Chính mình các ông còn nương nơi triết-lý Đạo-Giáo đặng tạo cái sống của các ông kia mà. Nếu triết-lý Đạo-Giáo không có thì nhơn-loại sẽ thuộc vào hàng thú-cầm như voi, cọp, beo, khỉ, dộc trên rừng kia, các ông đã nương nơi Đạo-Giáo đặng bảo trọng mình đó. Hỏi các ông nương lý-thuyết nào mà biết mình cao trọng, mà biết mình hơn vạn loại, mà biết mình tối linh, biết mình là Thần-Linh của thế-gian này, mà biết chính mình các ông là điểm chơn-linh củaTrời? Làm sao các ông biết tự-trọng mình là phẩm cao trọng tại thế? Tối linh hơn vật loại? Các ông tính muốn chối phẩm-vị cao trọng của mình đặng nạp cả mạng sanh và tâm hồn vào chỗ đê tiện, thì bảo tinh-thần phải nương nơi đâu? Chính mình các ông không tin mình thì tin ai? 

Không, không bao giờ các vì Giáo-Chủ gạt ai! Mấy ông nói triết-lý Đạo-Giáo gạt-gẫm tâm-lý của nhơn-sanh, chính triết-lý đó là cái mặt kiếng để trước mắt nhơn-sanh coi theo, các ông không coi, vì sợ, mà tránh đi thì các ông tạo đức-tin ở chỗ nào? Tấn tuồng sanh sống giục thúc nhơn-loại tàn hại nhau như thế nào? Bực trí-thức tinh-thần trong nhơn-loại, tìm hạnh-phúc trong cái sống vật-chất, tức là cái sống của con vật. Loài người đã đào óc não mưu cầu hạnh-phúc cho kiếp sống của loài người đã nên chưa? Đã thành hình chưa? Hay còn đang tìm tàng, còn đang chiến-đấu, mà còn chiến-đấu chừng nào, tức là còn mê-man trong phương-pháp tàn hại, làm tàn khổ cho kiếp sanh nhơn-loại mà thôi, chớ không mảy may đắc lợi. Các ông trách quyền Thiêng-Liêng, không để một oai-quyền nào trước mắt không đủ năng-lực định đức-tin cho thiên-hạ. Dám chắc dầu chính Đức Chí-Tôn hiện hình biểu nhơn loại theo Ngài đi nữa, con vật của họ biểu hạnh-phúc của con vật mà thôi, tại họ không theo, chớ có phải hiện ra cho thấy mà theo đâu? 

Đức-tin nơi ta đó, trước hết ta biết ta, có biết ta rồi mới biết thiên-hạ, có biết thiên-hạ rồi mới biết đến Chí-Tôn là ngôi Chúa-Tể Tạo-Đoan Càn-Khôn Vũ-Trụ, biết Đấng ấy là biết rõ mình vậy, nếu chưa biết Đấng ấy thì đừng trông mong biết mình, mà chính mình không biết mình thì không còn ai biết hết. Sống không đức-tin, nghĩa là không tự biết mình, khác nào cây cỏ vật loại kia, thì không có nghĩa gì hết, sống ấy vô giá-trị. 

Bây giờ hỏi vậy, vô trong trường khoa-mục kia, các giám-khảo hỏi Tứ-Thơ, Ngũ-Truyện, Kinh-Điển, tức là các triết-học Nho-Giáo của mình đã học rồi, tới chừng nhập thi không đem theo gì hết, mà trả-lời các vấn-đề hạch-hỏi được trúng, thì khoa-mục ấy mình đậu. Đạo-Giáo cũng vậy, các Tôn-Giáo để tại thế-gian cho mình thi hành triết-lý ấy ra hiện- tượng, tại không đức-tin rồi không làm, biểu các phẩm Thần, Tiên nơi cõi Hư-Linh tôn sùng mình trọng hậu với giá-trị nào? Nói thật kẻ đánh bông dụ kia, đánh trúng thì ăn tiền, nếu để chén ngữa ra thì thiên-hạ nói trúng hết. 

Đức-tin có ở con người tự biết, tự-trọng, tự thờ mình, mình thờ mình đặng, tức là thiên-hạ thờ mình đặng, đức-tin do nơi mình tin mình; mình tin mình đặng, thiên-hạ mới tin mình, còn mình chưa tin mình, mà biểu thiên-hạ tin mình làm sao đặng? Mình không tin mình, mà biểu nhơn-loại tin tưởng Đức Chí-Tôn là Đấng tạo sanh Càn-Khôn Vũ-Trụ, sản-xuất ra linh-hồn ta sao đặng? Nếu chưa đủ đức-tin làm bằng chứng vô đối, thì chưa xứng đáng làm phần-tử trong Thánh-Thể của Đức Chí-Tôn, tức là Hội-Thánh của Ngài đó vậy./.

 

---------------------

14.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 15 tháng 11 năm Mậu Tý (15-12-1948)

PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH CỦA NGŨ CHI TUY KHÁC NHAU NHƯNG ĐỀU CÓ CHUNG MỤC ĐÍCH LÀM CHO CON NGƯỜI THÓAT KHỔ

 

Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp cuộc thiệt chiến giữa các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Hiệp Thiên Hành-Hóa và các Chơn-Linh có trí-thức tinh-thần cao siêu mà không dung nạp một tín-ngưỡng nào hết, tức là các tinh-thần vô đạo-đức. 

Vấn nạn về tín-ngưỡng Đạo-Giáo, họ hỏi các Đấng Trọn-Lành: Nếu quả nhiên như các Ngài buộc chúng tôi phải có đức-tin đặng tu, phải có đức-tin mới tu kỳ thân đặng, và dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống vô-biên vô-giới trong hàng phẩm các Đấng Thiêng-Liêng, tức là các chơn-hồn trong Càn-Khôn Vũ-Trụ; chúng tôi xin hỏi: Nơi thế-gian này, biết bao nhiêu Tôn-Giáo, mà các vị Giáo-Chủ đã tạo thành, đương giáo-hóa nhơn sanh nơi mặt thế; chúng tôi không công-kích gì các Đạo-Giáo ấy, nhưng làm cho tinh-thần nhơn-loại mờ hồ, mất cả tín-ngưỡng Đạo-Giáo là do lẽ ấy. Chúng tôi cũng không công-kích rằng:
Các vị Giáo-Chủ đã để các triết-lý Đạo-Giáo nơi thế-gian này là không thật bổ ích cho tinh-thần nhơn-loại, song chúng tôi làm chứng quả-quyết một điều là triết-lý của các nền Tôn-Giáo đã phản khắc nhau, tinh-thần triết-học tín-ngưỡng không đồng, làm cho tinh-thần trí-thức loài người hoang mang không biết nên để đức-tin nơi nào cho đặng. 

Về nhơn-đạo, ta thấy ai rủi sanh làm người tại thế-gian này tự nhiên biết mình đến một cảnh khổ, và kiếp sống của mình là kiếp khổ, ai cũng hiểu cả Tứ-Khổ mà Đức Phật Thích-Ca đã để tại thế gian, không phải là không chí lý, để cho tinh-thần loài người nhận thấy, bởi trọn kiếp sanh làm con người, phải biết cái khổ ấy do nhiên, không chối cải được, nhưng mỗi Đạo-Giáo có mỗi phương-chước tu hành, đặng dục tấn về mặt tinh-thần trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống. 

Nhơn-Đạo dạy nhơn loại Tùng-Khổ, 
Thần-Đạo dạy nhơn loại Thắng-Khổ, 
Thánh-Đạo dạy nhơn loại Thọ-Khổ, 
Tiên-Đạo dạy nhơn loại Thóat-Khổ, 
Phật-Đạo dạy nhơn loại Giải-Khổ.


Thành ra chỉ có một triết-lý, chỉ vì muốn diệt khổ mà các Tôn-Giáo để mỗi điều, mỗi nẻo, mỗi triết-lý. Chúng ta thấy các triết-lý ấy đều chơn thật đều bổ ích, chơn-lý ấy chúng tôi không phản đối, nhưng chúng tôi thấy vì lẽ phải, toàn-thể Tôn-Giáo ấy làm cho tinh-thần loài người không biết chọn cửa nào cho đặng. Vì cớ nên nhiều kẻ nếu trí-thức tinh-thần được đầy-đủ đặng suy đoán, tìm hiểu, biết quan-sát các triết-lý đạo-đức, thì sự mờ-hồ như chúng tôi đã nói là chơn thật, quả quyết đáng gọi là mờ-hồ.
Nó mờ-hồ có nhiều lẽ.Thoảng có một triết-lý nào mà tìm chưa tận cùng chỉ sợ một điều nếu nhẹ tín, đem để đức-tin mình nơi nào rồi, sợ thiên-hạ bàn tán trích điểm ấy, sợ xấu hổ, biết đáng tín-ngưỡng lại sợ miệng lưỡi thế-gian trích điểm, rồi làm bộ mình cũng coi không chịu có tín-ngưỡng gì hết. Phần nhiều các bậc có học, các triết-học-gia tại thế-gian này có tánh ấy . 

Đã biết mà lại sợ, biết mình tín-ngưỡng là đáng mà không quyết thắng tâm-lý của mình, và của người đặng định-quyết sự tín-ngưỡng, sợ thiên-hạ cười rồi làm màu-mè không tín-ngưỡng. Phần nhiều hạng hữu-học như vậy. 

Như thế thì các Đấng Trọn-Lành trả-lời ra sao?
Nói: Các ông đủ trí-thức tinh-thần, đủ học-thức kiến-văn đặng chủ định tinh-thần tâm-lý của mình, mà các ông không đủ can đảm quyết làm cái điều phải làm ấy. Các ông chán thấy một kẻ có tâm hồn cao thượng, điều gì học hỏi quyết nhận thấy là cao thượng, phải lẽ, thì họ cũng dám hy-sinh tánh mạng làm cho nên tướng điều ấy. Từ tạo-thiên lập-địa đến chừ, bao nhiêu bực hiền-triết đã hủy mình làm theo lẽ phải ấy. Chúng tôi hỏi các ông: Các nền Tôn-Giáo hiện-tượng nơi thế-gian có Tôn-Giáo nào dạy thiên-hạ làm quấy chăng? Nếu quả nhiên không có Tôn-Giáo nào, dầu Tả-Đạo, Bàn-Môn đi nữa, không dám dạy nhơn-loại điều quấy, vẫn dạy điều phải mà thôi. Bởi vì với lẽ phải ấy, không có Tôn-Giáo nào đã gọi là Tôn-Giáo mà dám dạy làm quấy, tức nhiên dạy làm phải. Nếu bực trí-thức như các ông thấy phải không dám làm thì là bạc nhược tinh-thần lắm vậy. 

Một điều nữa, lấy tín-ngưỡng làm căn bản, từ thử đến giờ các ông đã thấy nó làm môi giới, định phương-châm cho nhơn-loại sống, như thế nào các ông chối đặng? Nếu thoảng nói các Tôn-Giáo tại thế này làm cho tinh-thần nhơn-loại không thế chủ-định nơi nào mà để tín-ngưỡng, chúng tôi xin nói như thế này:
Người ta dọn một bữa cơm có đủ món ăn, nào thịt, nào muối, nào rau, nào tương, nào chao, mà mấy người nói nhiều món quá, cứ cầm đủa quơ hoài, không ăn rồi chịu đói sao? Phải ăn chớ! 

Các Tôn-Giáo để tại thế-gian này miêu tỏa tánh nết của loài người, làm phương-châm đặng dìu-dắt tinh-thần loài người. 

Trong một cái nhà cũng có chỗ cho mấy người ở, không lẽ không có một nơi nào cho mấy người đến, người ta đem nhiều món ăn mà không biết lựa chọn mà ăn, không phải không món nào bổ ích đặng định phần sống, tại dở không biết lựa, hay là tại làm màu, chê rẻ, trề nhún thà chết đói không thèm ăn. Lời tục nói: "Làm cách sạch ruột, ắt phải đói". 

Các nền Tôn-Giáo có thể ví như một gia-đình, người này tranh hơn thua công-kích người kia, không lạ mỗi gia-đình nếu có Ông Bà, Cha Mẹ, Cô Bác, phải có con cháu, như đám thiếu-sinh kia, nếu dạy anh mầy phải phục tùng Mẹ mầy, Mẹ mầy phải phục tùng Cha mầy, Cha mầy phải phục tùng Ông Nội mầy, Ông Nội mầy phải phục tùng Ông Cố mầy, định quyền hạn trong gia-đình không phải là chuyện dối giả hay là không có thật. Nhưng có một điều là khi đứa trẻ đã nên người, không cần nói đến những điều trên mà nói như vầy: Trong gia-đình mầy có Ông, Bà, Cha, Mẹ và anh em mầy, mà mầy là một phần tử, mầy là người ở trong gia-đình ấy. Các nền Tôn-Giáo đã để tại mặt thế này tùy theo trí-hóa, tánh-đức của nhơn-loại tiến tới địa-điểm nào, để Tôn-Giáo cho vừa chừng địa-điểm ấy. 

Còn hiểu Tôn-Giáo là gì, lẽ ấy Tôn-Giáo nào cũng dạy ta cho sáng đạo-đức tinh-thần, tổng-số các Tôn-Giáo ấy đáng tạo ra thiệt tướng của đạo-đức, chớ không phải sanh ra cho nhiều đặng trích-điểm nhau, tàn diệt nhau, không có phương-thế gì mà Tôn-Giáo này tàn diệt Tôn-Giáo kia, dầu có ganh-ghét nhau không khi nào Tôn-Giáo này có thể giết được Tôn-Giáo khác, bởi không có năng-lực, lực-lượng gì diệt tiêu nhau được cả. Bởi chơn-lý chỉ là một chơn-lý, là sống trong cái sống của tín-ngưỡng, sống trong con đường hằng sống và làm cho được hằng sống vô-biên vô-giới, tạo tinh-thần cho biết nguồn cội của Tôn-Giáo là chỉ hằng sống mà đi tìm thôi.
Dầu cho một trăm đường đi, ta chỉ cần biết một nẻo là đủ, chớ đi một ngàn ngỏ cuối cùng cũng đến một địa-điểm là cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Đó là thiệt cảnh mà ta cần tìm chớ không phải cảnh phàm này. 

Ta mang thi hài thú-chất, chịu khổ sở đủ đầy, ta tìm chơn-lý của Tôn-Giáo thì có Tôn- Giáo nào mà không chỉ đường, họ chỉ nhiều chừng nào thì con đường chắc đến chừng nấy. Nếu không chỉ được con đường Hằng-Sống ấy không phải là Tôn-Giáo nữa, ta không cần nghe mà cũng không nên theo dầu bị dụ-dỗ buổi mê-tín đị đoan, chừng ấy không phải chơn-tướng Thiêng-Liêng Hằng-Sống, mà nhơn-loại muốn tìm thì họ từ-giã ngay, không hề khi nào gạt đến tận cùng, đến diệt tiêu cả sở-vọng của tinh-thần loài người đặng./.




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả