Nhân sinh quan của Đạo Cao Đài

+ Bài số 1/2

Nhân sinh quan của Đạo Cao Đài là một Nhân sinh quan triết học Duy Linh Duy Nhất, vượt lên trên hai quan niệm Duy Tâm và Duy vật vừa kể trên, mà còn dung hợp được hai khuynh hướng nầy. Nhân sinh quan của Đạo Cao Đài sẽ giải đáp một cách minh bạch các vấn đề sau đây:

·         Nguồn gốc của loài người. Con người từ đâu tới?

·         Con người có Linh hồn không? Linh hồn là gì?

·         Khi thể xác chết, Linh hồn xuất ra đi về đâu?

·         Con người đầu thai xuống cõi trần bằng cách nào?

·         Thượng Đế là ai? Sự liên hệ giữa Thượng Đế và người.

·         Mục đích của cuộc sống.

·         Thiên đàng và Địa Ngục.

1. Nguồn gốc của loài người:

Đạo Cao Đài xác nhận rằng, loài người nguyên thủy có được là do sự tiến hoá của loài động vật cao cấp khỉ vượn mà thành. Điều nầy được chứng minh bằng Định luật Tiến hóa của chúng sanh và của Bát hồn.

a) Luật Tiến hóa của chúng sanh:

Chúng sanh là các loài vật có sự sống được sanh ra trên mặt Địa cầu nầy. Lớp chúng sanh đầu tiên chưa có loài người, gồm: Vật chất Kim thạch, Thảo mộc, Côn trùng và Thú cầm.

Khởi thủy,quả Địa cầu của chúng ta chỉ là một khối lửa văng ra từ Mặt Trời. Theo thời gian, khối lửa ấy nguội dần, tạo ra một lớp vỏ đất đá bao bọc bên ngoài. Lúc nhiệt độ hạ xuống khá thấp, lớp hơi nước bao quanh Địa cầu, gây ra những đám mưa lớn rơi xuống, tạo nên các sông ngòi và biển cả.

Nước của biển và sông làm ổn định nhiệt độ của Địa cầu, nên sanh vật bắt đầu xuất hiện trong nước.

Sanh vật đầu tiên là loài Thảo mộcđơn giản chỉ có một tế bào (đơn bào). Dần dần nó sanh sản thêm bằng cách phân bào, rồi tiến hóa lên thành các loại nấm, rong rêu, tiến hóa tiếp thành cây cỏ, và cây cối. Càng tiến hóa, Thảo mộc càng to lớn, rắn chắc và phức tạp.

Một thời gian dài tiếp theo, loài động vật bắt đầu xuất hiện. Động vật đầu tiên xuất hiện trong nước, có cơ cấu đơn giản chỉ một tế bào. Dần dần nó sanh sản và tiến hóa lên thành các loài sứa, loài cá, rồi tiến hóa thành các loài động vật sống trên cạn có chân, tiến hóa lên nữa thành loài thú chạy, thú bay. Loài động vật có trình độ tiến hóa cao cấp là loài khỉ vượn.

Trong loài khỉ vượn, ở cấp thấp thì chúng có thân hình nhỏ và có đuôi. Chúng tiến hóa thành loài khỉ vượn cao cấp gọi là vượn-người (giả nhơn), có thân hình to lớn và không có đuôi.

Một thời gian dài tiếp theo, vượn-người tiến hóa thành người-vượnrồi tiếp tục tiến hóa thành người nguyên thủy. Vượn-người còn di chuyển bằng 4 chi, tiến hóa lên thành người nguyên thủy thì đi bằng 2 chân sau, 2 chi trước trở thành 2 tay để cầm bắt và hái lượm trái cây. Hình vóc cũng lần lần biến đổi, tướng đi đứng thẳng, lông trên thân thể rụng dần, đầu nở to ra, bộ óc lớn hơn.

Sự tiến hóa của chúng sanh tóm tắt bằng hình vẽ sau đây:

·         Đầu mũi tên là gốc, là cái đầu.

·         Đuôi mũi tên là ngọn , là cái đuôi, là chân.

·         Vật chất kim thạch, chưa phân biệt được cái nào là gốc, cái nào là ngọn, cái nào là đầu, cái nào là đuôi.

Description: https://www.daotam.info/booksv/CaoDaiTuDien/CaoDaiTuDien(v2012)/gra-cdtd/cdtd-NhonSanhQuan-1-1.gif

·         Thảo mộc có gốc có ngọn, gốc là đầu mũi tên, ngọn là đuôi mũi tên, tượng trưng bằng mũi tên chúc xuống thẳng đứng.

·         Động vật có đầu và có đuôi ngang nhau, thân mình nằm ngang, được tượng trưng bằng mũi tên nằm ngang.

·         Nhơn loại có đầu hướng lên Trời, chân đạp xuống đất, thân hình thẳng đứng, được tượng trưng bằng một mũi tên thẳng đứng hướng lên trên. Như vậy, sự tiến hóa đến phẩm nhơn loại thì đã thuận theo Thiên lý.

Sự trình bày như trên đây là trình tự Tiến hóa về mặt hình thể, thuộc về vật chất hữu hình.

Sau đây là sự Tiến hóa về mặt khôn ngoan hiểu biết.

■ Loài Kim thạch có sự sống chưa thể hiện rõ rệt, nó chỉ là sự liên kết của các tế bào tạo thành tinh thể rắn chắc. Loài kim thạch hoàn toàn không có tri giác.

■ Loài Thảo mộc, được Thượng Đế ban cho một điểm nguyên hồn để làm Sanh hồn, tạo nên sự sống. Điểm nguyên hồn nầy được Đấng Thượng Đế rút ra từ khối Đại hồn của Ngài.

Loài Thảo mộc chỉ có sự sống mà chưa có tri giác. Loài Thảo mộc ở cấp cao hơn thì lá biết khép lại khi đêm xuống hay khi bị đụng chạm, như cây so đũa, cây mắc cở; vài loại Thảo mộc có những cánh hoa tiết ra mùi thơm để dụ côn trùng bay đến rồi khép những cánh hoa ấy lại đặng bắt côn trùng mà hút thịt và máu. Như thế, chúng đã có chút ít tri giác nhưng rất thô sơ, gần như chỉ là những phản xạ tự nhiên.

■ Tiến lên là loài Động vật, được Thượng Đế ban thêm cho một điểm nguyên hồn nữa để làm Giác hồn, tạo ra sự hiểu biết, như đau đớn biết rên la, sợ hãi biết chạy trốn, biết đi tìm thức ăn thích hợp, biết tìm chỗ ẩn trú an toàn, biết nuôi con, có chút ít trí nhớ nhưng rất sơ sài.

■ Tiến lên đến phẩm Nhơn loại, là đẳng cấp cao nhứt của chúng sanh, được Thượng Đế ban thêm một điểm nguyên hồn nữa để làm Linh hồn, lúc đó sự hiểu biết mới được hoàn toàn.

Con người có được sự hiểu biết, sự suy nghĩ, sự phán đoán, biết được lẽ phải trái và có tánh linh. Đến đây, con người có đủ Tam Hồn: Sanh hồn, Giác hồn và Linh hồn.

Description: https://www.daotam.info/booksv/CaoDaiTuDien/CaoDaiTuDien(v2012)/gra-cdtd/cdtd-NhonSanhQuan-1-2.gif

TÓM TẮT: 

"Luật Tấn hóa của Thảo mộc, Thú cầm, Nhơn loại, nó từ từ tăng tiến mãi, nhưng nó cũng có thối hóa vậy.

Các con nghe: Như loài Thảo mộc cũng có thọ nơi Thầy một điểm nguyên hồn. Nó cũng sống, nhưng trí hóa khờ ngây. Các con coi đó, từ Thảo mộc bắt đầu lên cho chí loài người, có 3 cái Pháp:

Như Thảo mộc, cái gốc trở xuống, ngọn day lên. (Gốc là đầu, ngọn là chơn). Rồi nó tấn hóa lên đến bực Thú cầm thì cái đầu với cái đuôi ngang nhau. Thú cầm qua Nhơn loại thì cái đầu trở lên, cái chơn xuống dưới.

Ấy là 3 Pháp. Vậy từ Thảo mộc có một phần Hồn.

Thảo mộc tấn hóa mãi, muôn vàn kiếp mới bước sang qua Thú cầm đã đặng 2 phần Hồn.

Thú cầm mới dần dần tấn hóa mãi, trăm muôn ngàn kiếp, lên đặng làm Người, thiệt là trăm đắng ngàn cay, muôn thảm vạn sầu, biết bao nhiêu là công phu khổ hạnh, xả thân giúp đời một cách khó khăn cực nhọc, nhưng cũng vui lòng, mãn kiếp nọ sang kiếp kia, cứ lập công quả mãi. Vàn vàn muôn muôn lần đầu thai mới qua đặng phẩm bực loài người.

Khi tấn hóa đến loài người thì đủ Tam Hồn, Thất Phách.

Những con thú mới qua làm người thì còn khờ khạo ngu ngây, tánh tình độc hiểm, nếu biết khôn xá thân giúp đời thì chuyển kiếp đôi ba chục lần cũng đặng minh mẫn khôn ngoan."

b) Luật Tiến hóa của Bát hồn:

Tất cả Chơn linh trong CKVT, gọi là Vạn linh, được chia làm 8 bực tiến hóa cao thấp khác nhau, gọi là Bát hồn hay Bát phẩm Chơn hồn, kể từ thấp tiến hóa dần lên cao: 

1. Kim thạch hồn.

2. Thảo mộc hồn.

3. Thú cầm hồn.

4. Nhơn hồn.

5. Thần hồn.

6. Thánh hồn.

7. Tiên hồn.

8. Phật hồn.

■ Sự Tiến hóa trong giai đoạn đầu từ Kim thạch hồn lên đến Nhơn hồn là sự Tiến hóa tự nhiên, do sự thúc đẩy của Luật Tiến hóa, và sự tiến hoá đi lên dần dần theo từng cấp bực, không có sự nhảy cấp và cũng không có sự thoái cấp.

■ Sự Tiến hóa trong giai đoạn tiếp theo, từ Nhơn hồn lên đến Phật hồn là do sự tu luyện của Nhơn hồn, nên Nhơn hồn có thể tiến hóa rất nhanh, một kiếp tu có thể vượt lên 3 hay 4 cấp, để đến Phật hồn; nhưng cũng có thể thoái hóa xuống loài Cầm thú khi Nhơn hồn không tu mà lại phạm tội đại ác.

Description: https://www.daotam.info/booksv/CaoDaiTuDien/CaoDaiTuDien(v2012)/gra-cdtd/cdtd-NhonSanhQuan-2.gif

■ Con người nhờ có trí não khôn ngoan hiểu biết, phân biệt được điều hay lẽ dở, thiện ác, chánh tà, có lương tâm kềm chế, có lục dục thất tình xúi giục. Nếu biết bỏ ác theo lành, cải tà qui chánh, chế ngự lục dục thất tình và chuyển hóa chúng theo đường Thiên lý thì con người sẽ tiến hóa đi lên, tùy theo công đức nhiều ít mà đạt được các phẩm: Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.

■ Nếu ngược lại, con người bỏ chánh theo tà, bỏ lành làm ác, đi theo vật dục thấp hèn, thì Nhơn hồn sẽ bị thoái hóa xuống loài Cầm thú, mang lông đội sừng mà đền tội lỗi.

Sự Tiến hóa đi lên của Nhơn hồn, khi đã đến Phật hồn rồi thì chưa phải là đến mức tối cao của nấc thang tiến hóa. Phật hồn còn phải tiếp tục tu luyện để tiến hóa lên mức tận cùng tối cao là Thiên hồn, tức là Đại hồn của Thượng Đế.

Tới đây mới giáp một chu trình tiến hóa của của Chơn linh, bởi vì Chơn linh xuất phát từ Thiên hồn (Đại Hồn, Đại Linh Quang, Thái Cực), đi chu du một vòng tiến hóa, trải qua Bát hồn, nay trở về hiệp nhập vào Đại hồn của Thượng Đế là đúng một chu trình tiến hóa.

Đức Cao Thượng Phẩm giáng cơ giảng giải về sự tiến hóa của Bát hồn, trong Luật Tam Thể, trích ra như sau:

"Từ lúc Hỗn Độn sơ khai, Âm Dương biến hóa, trong Khí Hư Vô đã sẵn các tế bào. Sau tiếng nổ, Âm Dương phân tách: Khí Dương quang là khí nhẹ nhàng bay lên trên, còn khí Âm quang là khí chất chứa các tế bào nên lóng xuống dưới.

- Sau một Chuyển, các chất khí trên liên đới với tế bào mà tụ lại thành chất khí và biến thành vạn vật. Khi chưa thành hình thể hữu vi, thì chất khí vẫn là một cục lửa do khí Dương quang đốt cháy, sau đó, nơi Diêu Trì Cung thâu Thập nhị Địa Chi mà biến khí Dương quang và chất khí làm Ngũ Hành. Vậy cho nên, Đất, Nước, Sắt, Đá, và Lửa được nẩy sanh trước hết, đó là Kim thạch hồn.

- Sau một Chuyển nữa, Nước, Đất, Đá, Sắt và Lửa mới tiêu ra một chất khí và liên đới với các tế bào lại mà tạo nên cây cỏ, đó là Thảo mộc hồn.

- Sau một Chuyển nữa, các cây cỏ chia tế bào mà liên đới với Ngũ Hành tạo nên Bách Thú, trong đó phần ở khô gọi là Cầm thú, còn phần ở nước gọi là Ngư thú, đó là Thú cầm hồn. Cầm thú đều là Bách thú.

- Sau một Chuyển nữa,Ngũ hành hiệp với Thảo mộc mà nuôi Thú cầm. Trong Thú cầm, chơn hồn đã bước vào Cơ Tấn hóa, tạo nên Thỉ Tổ loài người là La Hầu, tức là người khỉ đó.

La Hầu lần lần sanh hóa và nhờ điểm Linh quang của Chí Tôn mà lần đến loài người như hiện giờ, đó là Nhơn hồn."

"Nhơn hồn nào được trọn Trung, ấy đã vào Thần vị.

Biết được nghĩa chánh, bồi bổ đạo Nhơn luân, tức là Thánh vị. Đến Thánh hồn thì tự nhiên phải thông suốt phần Thế Đạo đó vậy. Trong phần Thế Đạo mà tạo được Bí pháp đặng bước qua mặt Thể pháp Thiên Đạo, tức là Tiên vị.

Đã lập được Thể pháp Thiên Đạo mà tầm nên Bí pháp Thiên Đạo, tức là đắc pháp, ấy là Phật vị."

Như vậy, theo lời dạy của Đức Cao Thượng Phẩm, La Hầu tiến hóa lên phẩm người thành Thỉ Tổ loài người.

Điều nầy rất phù hợp với sự khám phá của các nhà khoa học và khảo cổ với chứng tích là các bộ xương hóa thạch của vượn-người (có hình dáng hao hao giống người), rồi người-vượn (có hình dáng còn hao hao giống vượn), và tiến hóa thành người nguyên thỉ.

Nhiều người phủ nhận nguồn gốc con người là sự tiến hóa từ La Hầu, cho rằng như vậy là hạ thấp phẩm giá của con người, nhưng đây là sự thật đúng theo luật Tiến hóa của Càn Khôn, đúng theo Luật Tiến Hóa của Bát Hồn. Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ Phật giáo, có thuật lại cho biết rằng Ngài có những tiền kiếp là Thú cầm như: Voi, thỏ, nhạn, rắn, nai, quạ, sư tử, khổng tước, rùa, rận, ngựa, cá ông, nhĩ hầu, v.v...

c) Con người từ đâu tới? Ba hạng người:

Nhơn loại được chia làm 3 hạng người, căn cứ theo nguồn gốc: Đó là Hóa nhơnNguyên nhơnQuỉ nhơn.

1. Hoá nhơn:Hóa nhơn là những người do sự tiến hóa đi lên từ loài Thú cầm. Đa số trong nhơn loại đều là Hóa nhơn. Tuy Hóa nhơn có đủ Tam Hồn, nhưng ý thức còn rất ngu khờ, lại mới thoát thai từ loài Cầm thú, nên tánh tình còn hung dữ thô lỗ, hình dáng còn thô kệch xấu xí, chưa đủ khôn ngoan và kinh nghiệm để xây dựng một đời sống tiện nghi tốt đẹp.

Đó là loài người nguyên thủy, còn trong tình trạng ăn lông ở lỗ. Thời gian nầy kéo dài khá lâu.

Thượng Đế thấy vậy mới cho các Nguyên nhơn khôn ngoan và tốt đẹp giáng trần để khai hóa các Hóa nhơn.

2. Nguyên nhơn:Chơn linh của các Nguyên nhơn được Thượng Đế sanh ra từ lúc Khai Thiên. Thượng Đế cho các Nguyên nhơn đầu kiếp xuống trần, nhập vào bào thai của các Nữ Hóa nhơn, sanh ra làm người, gọi là Nguyên nhơn.

Các Nguyên nhơn lớn lên có hình dáng tốt đẹp, giữ được Thiên tánh, chưa nhiễm trược trần, trí não thông minh sáng suốt, đứng ra lãnh đạo và giáo hóa các Hóa nhơn cho được hiểu biết, tiến bộ, thoát khỏi đời sống dã man, ăn lông ở lỗ, xây dựng một xã hội trật tự tiến bộ.

Theo sử sách xưa để lại, chúng ta biết:

■ Hữu Sàodạy dân kết cây làm tổ để ở, tránh nguy hiểm do thú dữ gây ra.

■ Toại Nhândạy dân khoan cây lấy lửa, dùng lửa nấu chín thức ăn.

■ Phục Hydạy dân nuôi thú vật để sai khiến làm lụng, chế ra lưới để bắt cá bắt chim, chế đàn cầm đàn sắt để dạy dân lễ nghĩa, qui định phép gả cưới để tạo thành gia tộc, chế ra Bát Quái để chỉ cái lẽ Âm Dương biến hóa của Trời Đất cho dân biết thuận tùng Thiên lý.

■ Thần Nôngdạy dân cày bừa, phát triển nghề nông, gieo trồng Ngũ cốc, tổ chức họp chợ để dân hội họp trao đổi hàng hóa, chế ra lịch để dân biết năm tháng mà gieo cấy, nếm thử các thứ cây cỏ để chế thuốc trị bệnh cho dân.

■ Huỳnh Đế(Hoàng Đế) chế ra xe thuyền để đi lại và vận chuyển hàng hóa, chế ra áo mão để phân định tôn ti trật tự, chế ra văn tự để ghi chép.

Những vị vừa kể trên chỉ là những điển hình của các Nguyên nhơn có công lao giáo hóa dân chúng, đem lại nhiều lợi ích cho nhơn sanh, nên được nhơn sanh tôn lên làm vua.

Theo Thánh giáo thì có tất cả 100 ức Nguyên nhơn giáng trần ở khắp nơi, trong đủ các sắc dân nơi cõi trần . Đã có 8 ức Nguyên nhơn làm xong nhiệm vụ, giữ được bổn tánh thiên lương, nên đã trở về cùng Đức Chí Tôn, còn lại 92 ức Nguyên nhơn bị nhiễm nhiều thứ ô trược nên vẫn còn trầm luân nơi cõi trần. (1 ức = 100 ngàn; 92 ức = 9 triệu 200 ngàn)

3. Quỉ nhơn:Những Hóa nhơn và những Nguyên nhơn ác hành, vi phạm Thiên điều, linh hồn bị đọa vào Quỉ vị, thành ra các Quỉ hồn. Các Quỉ hồn đầu kiếp lên làm người nơi cõi trần để trả quả, được gọi là Quỉ nhơn.

Vậy, nhơn loại trên Địa cầu nầy đến với 2 nguồn gốc:

■ Một là từ Thú cầm tiến hóa lên phẩm Người, gọi là Hóa nhơn, đó là người nguyên thủy, Thủy tổ của loài người.

■ Hai là từ cõi Trời, được Thượng Đế cho giáng sanh xuống làm người nơi cõi trần, gọi là Nguyên nhơn.

Phần lớn trong nhơn loại đều là Hóa nhơn. Số Nguyên nhơn hiện nay còn lại nơi cõi trần là 92 ức tức là 9.200.000 người. Số Quỉ nhơn trong nhơn loại cũng khá nhiều, vì đây là thời Mạt Kiếp sắp chấm dứt để bước vào Đại Hội Long Hoa, nên Đức Chí Tôn cho tất cả các Quỉ hồn đầu kiếp để thực hiện sự trả quả gấp rút và rốt ráo. (còn tiếp)




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả