Q.4/16: CÁI LẼ SỐNG CỦA CHÚNG TA NƠI CÕI TRẦN NÀY.

 

Đền Thánh đêm 29-07 năm Tân Mão (1951)

 

Đêm nay Bần Đạo thuyết cái lẽ sống của chúng ta nơi cõi trần này, mỗi người của chúng ta có một cái thắc mắc, từ thử đến giờ con người bao giờ cũng tìm hiểu. Chúng ta thấy ta có nơi cõi trần này không phải chúng ta muốn, có nhiều lý do làm cho chúng ta phải tìm hiểu là cái định mệnh của chúng ta, chúng ta không có làm chủ, dầu cho bực trí thức cao siêu thế nào chưa chắc mình làm chủ định mệnh của mình đặng. Ôi! Cái thắc mắc của đường đời, kiếp sống của chúng ta, chúng ta đã thấy nhiều lý lẽ làm cho chúng ta phải uất hận, nhưng không biết nguyên do thể nào loài người phải thọ lãnh, có nhiều kẻ uất hận ấy không có phương thế giải quyết đặng, đến đổi xô đẩy họ đến một phương pháp chót của họ, là họ tự sát lấy họ mà thôi.Định mạng của chúng ta, chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta phải sống? Sống nơi cõi trần để làm gì? Khi biết được lý lẽ ấy chúng ta có phương thế an ủi được mà nếu chúng ta không biết lý do ấy, chúng ta không biết mạng sanh của chúng ta, hay là con người của chúng ta, giá trị sống của nó do nơi đâu, thì không có phương thế nào an ủi được.

Có hai lẽ sống, hoặc ta đến cõi thế gian này để trả nợ sống, bởi chúng ta trả nợ sống ấy mà chúng ta mất hạnh phúc hưởng an nhàn cực lạc nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống ta đến đây trả nợ sống đặng đạt hạnh phúc nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, cái lý do đầu tiên hết. Hễ chiếu theo lý do ấy, chúng ta ở trong thế gian này do tại quả kiếp. Lý do thứ nhì nữa là chúng ta đến đây đặng chia khổcùng các bạn chúng ta đã chịu khổ nơi cõi thế gian này, chúng ta đến đặng tìm bạn. Đức Chí Tôn đã nói: Biết đâu trong cánh hoa kia không phải là một vật mà là một chơn linh giáng kiếp, biết đâu trong vạn linh, trong vật loại mà trong ấy lại không có người bạn yêu ái của ta vô cùng vô tận nơi đó, bởi lẽ ta thiếu nợ sống chúng ta phải trả. Ấy vậy chúng ta phải trả, đến đặng trả tức nhiên ta đến đặng phụng sự cho vạn linh. Còn lý lẽ sau nữa. Nếu chúng ta đến tìm bạn, thì phải xót thương họ nhưng không biết bạn ta là ai? Tới trong sự mơ hồ nên chúng ta không biết bạn chúng ta đã đến nơi nào? Ở nơi thân một đứa bé, ở nơi thân của người tôi đòi tàn tật, ở nơi người phụ nữ, ở nơi thân của người nam kia mà đã bần hàn đói khó, hay là sống trong sang trọng vinh hiển chúng ta không biết. Vì lẽ không biết ấy mà định lẽ sống của chúng ta sống đặng phụng sự vạn linh. Văn minh Âu châu người ta đã nói : "Chacun pour soi" tức nhiên mỗi người mình lo cho mình duy có Trời lo cho cả thảy thiên hạ.

Mấy bạn đứng trong hàng Thánh Thể Đức Chí Tôn chúng ta mấy em nam nữ, mấy đứa thư sinh nam nữ các em đã đặng hạnh phúc ngồi trong lòng yêu ái vô tận vô biên của Đức Chí Tôn, cả thảy mấy em cùng nói: Tôi đến nơi lòng Ổng đặng tôi mong mỏi làm thế nào đặng đứng địa vị phần tử Thánh Thể của Ổng, mà giá trị phần tử Thánh Thể của Ổng, tức nhiên làm Trời tại thế gian này thay thế cho Ổng làm mà làm Trời, chúng ta thấy "thùy từ mẫn khổ" của Ổng vô tận vô biên, từ thử đến giờ, thùy từ mẫn khổ nó buộc ta rằng: Cái lẽ sống của ta không phải sống trong hạnh phúc của ta, mà ta sống trong hạnh phúc của toàn thể con cái của Ngài.

Nếu các bạn thấy mình đặng mạnh mẽ hơn người em người bạn của mình, tức nhiên Đức Chí Tôn định cho cái mạnh của ta, để đặng gánh vác sự nặng nề cho em cho bạn. Nếu chúng ta thấy trong đầu óc của chúng ta có khôn hơn em ta, cái khôn của chúng ta ấy là Đức Chí Tôn ban cho để bênh vực sự dại dột của nó, nếu chúng ta thấy chúng ta sống trong vinh hiển, thì chúng ta nói rằng Đức Chí Tôn ban cho sự vinh hiển không phải để dành riêng cho ta hưởng, mà ta có phận sự đem cái cái sang trọng vinh hiển ấy chia cho cả toàn thể em, bạn của ta; lẽ sống của chúng ta là lẽ sống của toàn thể, lẽ sống của chúng ta là để lau giọt nước mắt của kẻ khổ não, lẽ sống của chúng ta là nắm cho chắc Bình Cam Lồ Thủy của Ngài chan rưới cho đồng đều đặng hưởng. Ngày giờ nào trong phần tử Thánh Thể của Ngài làm như thế ấy, thì tới ngày về nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, tôi dám bảo kiết rằng: Cả thảy gặp được mặt Đức Chí Tôn là ngày vui hứng của mình, gặp được Ngài và cả thảy Thần, Thánh, Tiên, Phật đều mừng mà thấy rằng Đức Chí Tôn có phúc hạnh được bầy con chí hiếu của Ngài thay thế Ngài tại mặt thế gian này xứng đáng phận của Ngài đã định, ấy là lẽ sống của chúng ta đó vậy.

Toàn thể con cái của Ngài xin mỗi ngày, mỗi giờ mỗi phút đều để tâm thực hiện cho được. "Thùy từ mẫn khổ" là điều mong mỏi của Ông cha vô hình chúng ta đem tất cả sự yêu ái vô tận vô biên và đại tạo đại từ bi của Ngài mà rưới chan nơi thế gian này. Giờ phút nào trong tay của chúng ta phân phát cho đồng đều đó là lẽ sống của chúng ta hoàn toàn đó vậy. Nếu chúng ta không biết phân phát để hao hớt đi thì cũng uổng một kiếp sanh vô lối.

-----

Q.4/17: LẼ SỐNG CỦA CHÚNG TA NƠI CÕI TRẦN NÀY. (tiếp theo)

 

Đền Thánh đêm 15-08 năm Tân Mão (1951)

 

Đêm nay Bần Đạo giảng tiếp lẽ sống của chúng ta nơi cõi trần nàyBần Đạo thuyết minh rằng: Chúng ta có sanh tại thế, nguyên do tại sao và ta đương sống đây cả cái sống chung cùng cái sống của vạn linh đặng làm gì? Bần Đạo đã thuyết về phương pháp Bần Đạo đã chỉ rõ rằng: Cái thi hài của chúng ta đồng sanh với vạn vật là con kỵ vật của chúng ta đến cõi trần này đặng tìm bạn hay trả quả kiếp của chúng ta, Bần Đạo đã thuyết minh hai lần. Hôm nay thuyết 2 cái lẽ sống, vả chăng, chúng ta đã đồng sanh cùng vạn vật tức nhiên chúng ta cũng có đủ năng lực, đủ trí thức khôn ngoan để định phận bảo vệ sanh mạng của chúng ta, và ta phải nhìn rằng: Cái sống của chúng ta không khác cái sống của bạn đồng sanh với chúng ta. Bần Đạo nói, bạn đồng sanh của chúng ta không phải là nhơn loại mà thôi, mà cả vạn vật hết, bởi chúng ta thấy hiển nhiên trước mắt nơi cõi trần này, chúng ta đã sống chung cùng họ và họ đã giúp cho chúng ta sống, chúng ta đã ngó thấy trong khuôn khổ cái sống của đời tạo ra hai lẽ; từ thượng cổ đến giờ, Bần Đạo tưởng có loài người tới giờ họ đã định tìm hai lẽ sống ấy, đặng họ quyết định họ sống với thái bình hay sống với loạn lạc, hai lẽ sống ấy nơi mặt địa cầu này nhường sống thì thái bình, tranh sống tức nhiên loạn lạc. Nhường sống là gì?Chúng ta đã hiểu rằng: Chúng ta đã chịu cùng một định luật chung sống với vạn vật, chính mình ta phải tôn sùng kính trọng cái sống ấy, chúng ta phải liệu phương nào định cái sống của chúng ta trong mực thước không phạm đến cái sống của Vạn linh, tức nhiên không phạm đến cái sống của kẻ khác, mà nói họ có phương pháp nhường sống cho nhau, từ thử đến giờ, các nhà triết học các Đạo Giáo, tìm lý thuyết đạo đức tinh thần dầu cho Nho, Thích, Đạo hay là các Tôn Giáo khác chỉ có tìm mực thước bày ra phương pháp để tạo cho nhơn loại biết kính trọng cái sống cho nhau tại mặt địa cầu này, làm một cái định luật đặng họ biết cung kính biết nhịn nhường, tức nhiên có hòa bình an tịnh, được an ủi, được thỏa mãn, được hạnh phúc. Còn trái lại nếu như cái sống của chúng ta đã khó khăn bởi chúng ta sống trong thuyết Tứ Diệu Đề của nhà Phật là sanh, lão, bịnh, tử, chúng ta đã ngó thấy trường đời chẳng buổi nào tìm đặng chơn hạnh phúc, cái sống ấy bảo tồn khó khăn lắm, nếu không có đạo đức làm phương thuần tâm đặng định chí hướng của mình thì khó sống, tức nhiên cái khó ấy giục cho người ta tranh sống, tấn tuồng đời chúng ta đã ngó thấy, dầu cho cá nhân, dầu cho xã hội, dầu cho toàn thể nhơn quần, họ chỉ vì cái tranh sống mà tiêu diệt lẫn nhau, nếu chúng ta nói người biết nhường sống của người trong cái khó khăn, mình phải có một tâm hồn cao thượng ái tuất thương sanh, mới có phương thế chúng ta chịu khổ có tâm đức nhượng sống cho kẻ khác. Muốn cho đặng có tâm đức ấy ít ra phải có đạo đức và lấy tinh thần làm căn bản, nếu bỏ tinh thần làm căn bản là xu hướng về duy vật, chỉ chạy theo thuyết tranh sống với nhau mà thôi, tranh sống thì cơ tận diệt lẫn nhau vẫn tiếp tục mãi mãi, chẳng hề buổi nào nhơn loại trên địa cầu này trọng hưởng hạnh phúc hòa bình đặng.

Ấy vậy nhượng sống cho nhau thì tồn tại, mà tranh sống với nhau là tự diệt đó vậy./-

 




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả