Vó Trúc Phương
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


Món Quà Đón Xuân

Món Quà Đón Xuân

-"Bố ơi, thời bây giờ có nàng công chúa ngủ trong rừng không nhỉ?" Cô công chúa của tôi khẽ hỏi với giọng ngái ngủ.
-"Có chứ ! Nàng công chúa ngủ trong rừng ... đây này !"
-"Ừm! Bố này!!! Chọc con hoài!." Con gái tôi lại sà vào lòng tôi nũng nịu.
...
Tối nay đọc ‘Nàng Công Chúa Ngủ Trong Rừng’ làm tôi nhớ đến một ngôi nhà trùm kín bởi hàng râm bụt mình đã đến và một người con gái phi thường mình đã quen. Tôi nhớ đến một món quà xuân đặc biệt nàng đã trao tôi. Câu chuyện cổ tích của đời tôi không có kết thúc rằng "họ sống hạnh phúc với nhau mãi mãi"; mà chỉ để lại trong tâm trí tôi hình ảnh một người con gái da ngâm phi thường và một kỷ niệm khó quên thời mới lớn.

Tôi còn nhớ năm đó tôi mười tám tuổi...

Mới chiều hai mươi tháng chạp mẹ tôi đã bảo đem quà Tết đến biếu cho gia đình của con nhỏ dạy kèm Tường Vi. Đúng là Trời phạt tôi mà! Khi không còn cách nào để trốn tránh, tôi phải nói với mình rằng "quà của mẹ cho chứ không phải của mình" mấy chục lần mới bớt thấy nhục vì tôi cứ có cảm giác như đang "đầu hàng địch" vậỵ Ông Trời ạ! Ông đang đập nát chí nam nhi của con!

Người con gái ấy là người đầu tiên mà tôi ghét, mà tôi thương. Nó tên là Phi Lan. Phi Lan có nước da ngâm ngâm và có mái tóc demi garcon ngắn ngủn không ra giáng một "cô nương" cho lắm. Tôi nhớ là mình đã ghét nó lắm. Con gái gì mà không để tóc dài, xấu quá. Ngoài cái xấu "răng tóc" bên ngoài nó có vẻ rất "lạnh lùng" làm tôi ghê! Đôi mắt sắt bén, long lanh nhưng vì lúc nào cũng nghiêm túc quá, cứ như ra vẻ ta đây và kênh kiệu. Mặt mày nó cứ như băng đá, như có đám ma! Tôi nghĩ đầu năm mà gặp phải nó thì xui xẻo đến nỗi phải đi xông mà thôi.

Tuy nhiên, bố mẹ tôi rất thích nó, thương nó như là con ruột; thậm chí còn hơn con ruột. Ông bà khen nó ngày đêm làm tôi nóng rang vì ghen ghét, điên máu vì giận dữ. Nhưng dĩ nhiên là tôi không biểu lộ ra ngoài cho nên nỗi đau khổ của tôi tăng lên mấy trăm lần, gậm nhấm dần mòn tâm thức tôi. Đến một hôm chịu hết nổi tôi mới gặn hỏi bố mẹ cho ra lẽ.

-"Sao bố mẹ thương nó hơn cả con?"
-"Bố mẹ mến Phi Lan vì con bé học giỏi nè, dễ thương nè, hiền lành nè, đảm đang nè, có trách nhiệm, còn rất hiếu thảo ..." Mẹ tôi vừa nói vừa đếm trên ngón taỵ

-"Nó mà như vậy chắc con là... con Bi." Tôi chống đối.

-"Ừ! Mày là con Bi chứ còn gì nữa!’ Bố nói, không cười. Tôi biết ông nghĩ gì. Hễ tôi làm biếng chút xíu là ví tôi với con chó già.

-"Chẳng qua nó chỉ là một cục băng đá đen thui dạy kèm cho con Vi thôi. Như vậy chẳng có gì là quan trọng cả mà nó cứ làm ngon, làm phách. Mười sáu tuổi, chưa có phải là người lớn đâụ Con đã mười tám mà chưa là người lớn đây nè!." Tôi kháng cự tới cùng.

-"Cái khác là chổ đó. Người ta nhỏ tuổi mà biết cách xử sự một cách đứng đắn và có trách nhiệm như người lớn còn con lớn rồi mà như đứa con nít. Thật không ra gì! Con mới là đứa đáng bị chỉ trích chứ không phải là Phi Lan. Tuổi tác không có làm một con người thành người lớn đâu con; chính cái tác phong mới là quan trọng, anh cả à!" Bố tôi lên tiếng, từng tiếng như đanh thép. Tôi ghét cái kiểu "dạy con" này nhất trên đời. Hỡ cái là đem tôi ra so sánh với người khác.

Có lẽ vì nó lúc nào cũng là thánh còn tôi là quỷ, và có lẽ Bố Mẹ tôi càng làm cho tôi thấy điều này nên tôi càng ghét nó gấp triệu triệu lần. Cuối năm, khi mọi người lo xí xóa nợ nần thì tôi lo... nung nấu nỗi căm hờn, trích giữ "năng lượng" chờ đến dịp trả thù. Hầu như lúc nào tôi nghĩ đến nó thì nỗi căm hờn cứ lớn dần. Nghĩ đến không giận sao được: tôi là con trai trưởng, là con trai trưởng, vậy mà từ khi nó đến dạy Tường Vi, nó đá tôi bay ra rìa. Bé Vi chẳng thèm chơi với tôi những lúc "chị Lan" đến.

Nghĩ tới đó tôi càng tức tối nhưng vì không còn cách nào trốn tránh trách nhiệm mẹ giao, nên tôi đã lò dò tới nhà nó với những bước đi nặng nề. Nhà nó là một căn nhà nhỏ ở cuối xóm thợ. Bố tôi nói gọi là xóm thợ vì các bác ở xóm này ai cũng làm thợ, làm công nhân ở xưởng nhôm. Đứng ở ngoài cửa, tôi chỉ thấy mấy cánh cửa sổ màu xanh vì hàng râm bụt che khuất. Chưa biết làm sao thì tôi nghe có tiếng chó sủa vang. Tôi hoảng hồn toan chạy. Ngay lúc đó, một con bé đi ra, lớn tiếng la con chó. Con bé khoảng mười tuổi, vừa đi vừa lắc lắc hai bím tóc, thỏ thẻ hỏi:

-"Anh làm gì đó?"

-"À, Tôi ... Ùm, anh tìm Nguyễn Hoàng Phi Lan." Tôi gọi cả tên họ nó ra luôn đấỵ Cho nó biết tôi "lợi hại" như thế nào.
-"Anh vào đây đi." Con bé líu ríu vô tư, không thèm để ý đến ý đồ của tôi, chỉ im lặng dẫn tôi vào bên trong. Đi bên con chó, tôi sợ đứng tim. Lỡ mà con chó ‘nghịch ngợm’ tưởng cái chân tôi là bữa ăn tối thì tôi có nước chết.

Bà giáo của em tôi ngồi trong phòng, quay lưng về phía tôi nên tôi phải hắng giọng lên tiếng:
-"Ê ... à... ùm, Mẹ bảo đem cái này lại ... gia đình ăn Tết cho vui. (Tôi không biết gọi nó là gì. Không thể nào gọi tên - - kẻ thù không đội trời chung mà!) Nói xong, tôi lại nhìn xuống chân, sợ chạm mặt Medusa của nó.

-"Anh nói là Phi Lan cảm ơn hai bác nhiều... Và Phi Lan cũng rất cảm ơn ...anh." Cái ngượng ngùng của nó thật hiền từ, thật dễ thương. Tôi nghe nó gọi tôi là anh tôi mát bụng lắm! Tôi khoái quá muốn quên hết những hận thù. Nhưng rồi tôi cũng nhanh chóng nhớ rằng nó chỉ hiền với tôi vì tôi đang cho đồ nó.

-"Anh ngồi chơi để Phi Lan pha nước." Nó nói rồi chỉ tôi cái ghế gỗ nhỏ, xong vụt đi ra sau.

Tôi thấy khó chịu bơỉ ngồi một mình trong căn nhà lạ, tôi rảo bước lại góc phòng nơi có kê cái bàn nhỏ. Tôi nhìn thấy quyển tập nó thường mang theo khi đi dạy Tường Vi. Quay lại chẳng thấy con bé tóc bím cũng như con chó, tôi mở ‘giáo án’ ra xem nó đầu độc em tôi những gì. Bất chợt, hình vẻ một cô gái đang vít nhánh lan rừng rơi xuống mặt bàn. Bên dưới bức hình là những dòng thơ nói lên vẻ đẹp của hoa lan. Hừm, thì ra cũng chỉ là một đứa con nít ranh. Mới chừng đó tuổi mà cũng đã có bạn trai. Tôi thầm nghĩ bố mẹ tôi đã lầm to rồi! Khuôn mặt lạnh lùng đạo mạo kia thật ra chỉ là một cái mặt nạ giả dối, là một đứa con gái tầm thường... theo trai. Tôi nhìn bức họa tức tốị Rồi tôi lại nghĩ đến cái thằng nhóc nào mà ngu si thương nó.

Có tiếng chân ai rất gần, và như kẻ ăn trộm, tôi vội vàng gấp quyển tập, nói khỏa lấp:
-"Phi Lan có mấy cuốn sách hay ghê!"

-"Sách của Ba. Đó là những đứa con tinh thần của ba và là món quà duy nhất ba tặng lại cho hai đứa con gái trước khi ông đi." Nó đưa tôi ly nước, lí nhí mời tôi uống. Không ngại gì, tôi làm ực một cái. Ngụm nước ấm nóng dễ chịu. Nó lại ngồi xuống ghế lúc nãy và mân mê mảnh vải xanh lơ. Tôi nhìn nó ngại ngùng, rồi lại nhìn quanh tìm chuyện nói để phá cái im lặng ngột ngạt:
-"Phi Lan cũng biết may à?"

-"Chút chút! Vả lại may áo cho Ngọc Lan thì chỉ áo quần bình thường, cho nhỏ mặc hằng ngày thôi!" Thấy tôi ngơ ngác, nó giải thích Ngọc Lan là em gái nó, là con bé tóc bím lúc nãy dẫn tôi vào.

-"Sao mẹ Phi Lan không mua đồ may sẵn cho nhanh?"

-"Mẹ Phi Lan không có ở với tụi này nữa. Bà nội có mua áo quần may sẵn đó chứ nhưng Phi Lan muốn may cho vui, mà Ngọc Lan nó cũng thích Phi Lan may cho nó. Nó bảo áo quần này độc nhất vô nhị" Phi Lan cười tươi thuật lại rằng lúc đầu, vì may không khá nên mấy bộ đồ có phần không cân nên nhỏ chọc vậỵ Câu chuyện khôi hài làm tôi cùng Phi Lan vui cười dễ chịu. Tôi thấy nó cười có duyên ghê vậy mà hằng ngày chẳng chịu cười với tôi một cái. Tôi định lên tiếng trách nó sao hằng ngày lạnh lùng, không nói chuyện với tôi bỗng nhớ lại cái hình cô gái với hoa lan và người bạn trai "nghệ sĩ" của nó nên thôi.Tôi hậm hực nghĩ nếu có người bạn trai cầm kỳ thi họa khá như vậy thì sức mấy Phi Lan để ý đến tôi làm gì.

-"Ba mẹ Phi Lan đặt tên con hay lắm." Tôi lại buông miệng nhận xét.

-"Ồ, Ba Phi Lan đấỵ Ông rất yêu hoa lan nên đã viết và vẽ nhiều về hoa lan. Yêu hoa lan đến nỗi có con cũng đặt tên theo hoa lan."

-"Vậy Phi Lan là lan gì Việt chưa có nghe qua!"

-"Ba bảo Phi Lan là lan rừng. Lan rừng thơm ngát và đã làm bạn với ông những ngày hành quân qua núi rừng. Ông bảo lan rừng là một loài hoa phi thường vì nó là hoa dại không kiêu sa như hoa hồng nhưng lại đẹp và thơm vô cùng. Có lẽ Ba cũng muốn cho con gái ông như thế, biết thân thế mình khiêm nhượng nhưng vẫn có thể giúp ích cho đời."

-"Anh Việt à, trong trại cải tạo chắc không có hoa lan đâu hả?" Phi Lan hỏi nhỏ. Tôi buồn nói đại, "chắc có đó chứ!"

Phi Lan nhỏ nhẹ kể về ba của nhỏ và đã đem những tấm họa hình của ba Phi Lan để lại cho tôi xem. Cả một tập hình về hoa lan kèm theo những vần thơ tương tự cái hình tôi đã trộm thấỵ Những bức hình rất đẹp với những đường nét thật thanh, điêu luyện. Phi Lan cho tôi xem hình và cũng cho tôi biết từ ngày Ba Phi Lan đi cải tạo thì kinh tế gia đình suy sụp hẳn đi, tiền chợ không đủ và những hoa lan dần dần biến mất. Mẹ có lẽ không thích nghi được với cuộc sống kham khổ nên đã tái giá và hai chị em Phi Lan về đây ở với bà nội. Lời nói của Phi Lan thu hút tôi và xóa đi cái dị nghị, hiểu lầm của tôi đối với nhỏ. Thì ra cái im lặng mà tôi cho là kênh kiệu, phách lối là cái bức tường che kín tâm sự riêng tư đau khổ của một cuộc sống cô đơn thiếu thốn mà những đứa vô tâm như tôi nào biết. Tôi không ngờ có những con người phải khổ quá. Với tuổi đời như Phi Lan thì phải được hồn nhiên cùng bạn bè vui hưởng cái tuổi thơ của mình chứ không gánh vác những phiền muộn của người lớn. Rồi tôi lại an ủi mình rằng có như vậy thì Phi Lan mới đi dạy kèm em tôi và tôi mới quen biết. Tôi định nói vậy với Phi Lan nhưng cổ họng lại nghèn nghẹn.

Mùa xuân đó là mùa xuân cuối cùng tôi còn có cô bạn nhỏ sống chung dưới một vòm trời. Năm đó tôi thi vào trường đại học Sư Phạm rồi cuốn gói ra Huế. Khi tôi học được ba năm thì Tường Vi có báo cho tôi biết là chị Phi Lan đã cùng gia đình xuất ngoại. Bao năm nay, tôi còn nhớ mãi ngôi nhà nhỏ bị trùm kín bởi hàng rào râm bụt mà trong đó tôi đã biết đến một ‘bông hoa phi thường.’


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả