XUÂN LỘC (Nhà văn):bong::bong:

CẢM NHẬN NHÂN ĐỌC TẬP THƠ
“NHỮNG GIAI ĐIÊU CỦA THỜI KHẮC” CỦA NHÀ THƠ PHẠM KHANG

“Những giai điệu của thời khắc” là tập thơ thứ 8 của Phạm Khang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phát hành trên phạm vi cả nước cuối năm 2014. Tập thơ không mỏng, không dày, vẻn vẹn có 80 trang gói gọn 50 bài, nhưng tôi phải đọc một tuần mới gọi là tạm xong. Không phải do mắt kém mà tôi đọc chậm thế đâu. Tôi phải tập trung tâm trí và đôi mắt, cày đi bừa lại tới 4 lượt trên mảnh đất thơ mà Phạm Khang vừa khai phá.

Trước hết, khi cầm trên tay tập thơ tôi đã đọc được ý đồ của tác giả. Ngay ở bìa 1 và bìa 4 Phạm Khang lấy bức tranh siêu thực của Họa sĩ Lê Đình Qùy làm bìa. Lê Đình Qùy hay Lê Qùy thì chả ai còn lạ gì ông này. Anh là một nhà điêu khắc cự phách đối với người mộ điệu trong nước và quốc tế. Đây là một bức tranh người xem rất khó hiểu.Tất cả hình vuông, tròn, tam giác, sắc, nhọn với màu hồng, nâu, đen, trắng nằm ẩn dưới nét bút của họa sĩ. Với cái tên tranh Siêu thực cũng đủ gợi cho người xem tranh, đọc thơ bâng khuâng, tò mò, xen lẫn sự thích thú khi tìm hiểu thế nào là siêu thực.

“Những giai điệu của thời khắc” vào cuộc rất nhanh, gọn, không có lời bạt, lời tựa hay lời giới thiệu. Ở trang đầu tập thơ vẻn vẹn chỉ có mấy dòng Marai Sandor rất cô đọng: “Cảm xúc là một đội quân hung bạo, nó chống lại con người bằng các loại vũ khí, nó coi thường mọi quy tắc chơi, nó chỉ biết cào, cấu, cắn, xé. Có một cái gì đó kinh hãi và tuyệt vời trong sự nổi loạn của nó. Chừng nào con người còn sống chừng ấy còn đam mê.”

Sau đó Phạm Khang xung trận ngay. Con chữ đâu phải là động vật mà đói. Cái đói ở đây là thơ đói chữ, đau đời: “…Câu thơ ma ám /Lời văn vị lai/Trang viết đổ dài/ Song cửa nguồn cơn/ Thời sống ồn ào quá thể…(Sự đói lả của những con chữ)

Đọc “Những giai điệu của thời khắc” tôi choáng ngợp, xen lẫn sự kinh ngạc đầy hưng phấn về một thế giới mờ ảo, sinh nở, kết chạ, vừa rất thực, siêu siêu thực trong thơ Phạm Khang. Thời @ đã vẽ ra trong thơ anh những góc khuất, những nẻo đường, những cáo trạng lương tâm đau đớn; ở đó nhà thơ không thể dửng dưng và lảng tránh: “…Đường phố bụi mù/ xe pháo loang lổ thời trang/ tốc váy khoe hàng/Internet tranh nhau cập nhật/bảo mẫu bạo hành/ đánh trẻ như đánh tù bỏ trốn/ Vinasin nợ cao hơn núi Tản/ nữ sinh hành quyết lẫn nhau/sân trường biến thành sân giác đấu/ (Nhật ký một ngày nhẹ dạ) 

Những siêu thực đúng là: 
Nếu Tản Đà còn sống 
chắc thơ ông cũng toát mồ hôi…

Những siêu thực ấy không chỉ ở đâu đây, mà tác giả đã nhìn khá xa, khá rộng: 
“…Bán đảo Triều Tiên đấu pháo chết dân lành/ Xyri nổ bom liều chết/ 
thương thuyết Iran đi vào ngõ cụt/ chiến tranh chờ bên họng súng/ xuất khẩu văn minh/ rao giảng nhân quyền/ những ông nghị choảng nhau biêu đầu, biêu trán…/(Nhật ký một ngày nhẹ dạ) 
Và…
Máu áo
máu cơm 
máu chiến trường đồng đội 
máu của những cuộc tàn sát đua tranh chỗ ngồi cao thấp 
thời @ 
gmail một cái là xong 
là đi đứt phăng teo 
là lên ông xuống thằng trong chớp mắt
(Một phác thảo không đề)

Cả 50 bài thơ trong “Những giai điệu của thời khắc”, bài nào cũng thấm đẫm cái được - mất, hơn - thua, ân - oán, trả - vay…cái đẹp đến sáng láng của lòng tốt, của đức tin, về một xã hội công bằng, nhân ái. Đó có lẽ là cái được nhất, dễ thuyết phục ta nhất của tập thơ này. Viết được như thế tác giả phải dám sống, dám nói, dám viết. Người hèn e khó viết được những câu thơ, những bài thơ hừng hực tinh thần phê phán và tranh đấu cho sự phục sinh của cái thiện, cái đẹp của tâm hồn con người, cái bất tử của thiên nhiên, tạo hóa. Đương nhiên, ở đó, cái thế giới của Phạm Khang hoàn toàn không có chỗ cho sự giả dối, phi nhân tính. Và, Phạm Khang của chúng ta đã làm được. Mừng lắm thay! Vui lắm thay!

Đọc “Những giai điệu của thời khắc” ta nhận ra Phạm Khang như là người phu chữ làm cái thiên chức “vĩ đại” đó là giải phóng “sự áp bức” cho thơ. Không trói buộc cảm xúc, thơ để cho con chữ hồn nhiên, phóng túng, ngang tàng, tinh nghịch…vào những tứ thơ, đề thơ mà tác giả cần diễn đạt, cần trình diễn. Hầu hết các trang thơ Phạm Khang bắt người ta phải đọc một lèo, đọc đến nín thở. Tôi đọc thèm có cái chấm câu để xả hơi nghỉ, nhưng Khang không cho nghỉ. Thế mới ác chứ! Nhưng đấy là sự cao tay của Khang. Có lẽ, Phạm Khang bắt phải đọc hết mới được giải lao, suy ngẫm: “Sáng mai cựa gà cong tiếng gáy. Hừng đông lên sóng vỗ phía trời xa. Liềm hái khua vang nơi chái nhà của mẹ. Con mực lon ton đầu sân cuối ngõ. Lá nứt cành. Hương rạ ngái mùi thơm…”( Động thức mùa)

Hoặc:“…Một ngày mở ra bao ngày. Thời khắc khoác lên mũ miện. Đồng bóng khuôn mặt rửng mỡ. Ta bước lên sân khấu đời chưa ai kịp đặt tên. Giấu đi hồn quê nhếch nhác. Ta đồng dao sành điệu chốn thiên đường. Nơi người ta khóc hết nước mắt để mua danh. Ta thành kẻ thức thời giao mùa khốn khổ. Không biết giọt nắng bên thềm có vướng bụi của ta không? (Ký sự 3G)

Thơ Phạm Khang đa sắc, đa thanh trong muôn mặt của trạng huống, giai điệu, của chữ, cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Đó đích thực là thơ hiện đại mà lôi cuốn; ảo diệu và siêu thực hòa tấu trong nhau, gọi những thao thức khôn nguôi về phận người, phận đời trong cái chớp mắt dâu bể của cõi tục: “…Tin cập nhật/ giám đốc thụt két cơ quan/ chạy trốn sang Tàu noi gương Lê Chiêu Thống/ nháo nhác lũ đệ tử con ông cháu cha/ học thi xin điểm/ bằng giả vênh vang đô la/ thời @/người ta đi chợ mua bằng cấp/ mua chức /mua danh/ và mua cả thiên đường…”(Ký sự 3G)

Cái chất liệu siêu thực trong “Những giai điệu của thời khắc” không chỉ ở những bài triết lý về cuộc sống, mà cái siêu thực đó còn ở trong những bài thơ tình ướt át, đắm say đến thành thật: “…Nhưng mà/ anh của em ở đâu/ nụ hôn đầu nóng quá/ bầu ngực em nóng quá/ chỉ sợ anh quên đường về/ bỏ bùa mê thuốc lú/ tình em!”(Cơn tình)

Hay: “Lối nhạc/ trời ơi lối nhạc/ lẻ loi trong mưa ồn ả/ sao ta không quỳ xuống trước em/ trước vẻ đẹp hồn nhiên thánh thiện/ cứu vớt hồn ta ướt áo/ ngủ vùi nơi cánh tay xinh “ (Lối nhạc đêm).

Đọc hết 50 bài thơ trong “Những giai điệu của thời khắc” của nhà thơ Phạm Khang, tôi nhận ra mỗi bài đều có một tính cách riêng, phản ánh tính đa dạng của đời sống. Và đến lượt mình nhà thơ dù có muốn hay không muốn cũng không thể tự mình vắng mặt nơi đời sống ấy. Ở tập thơ này, có những ý tình sâu sắc, nhiều ẩn ý, rất mới, rất lạ…mà tôi không thể viết ra đây hết được.


Trong 50 bài, có rất nhiều bài tác giả nói về chuyện rượu; men rượu, rượu men, ao chum phò mã…nhưng lại rất tỉnh. Hình như Phạm Khang chuốc rượu cho thơ, hoặc giả anh uống rượu sau khi đã làm thơ chứ không phải uống rượu trước khi làm thơ: “Nhân sử tiểu” chứ không phải “Tửu sử nhân”. Thơ Phạm Khang là một tiếng nói mới của thơ Việt đương đại. Tôi tin anh sẽ còn bứt phá ngoạn mục hơn nữa trên những trang thơ nóng hổi tính hiện thực đa chiều của đời sống, và chúng ta chắc chắn sẽ nhận được từ thơ Phạm Khang sự bao dung, thân thiện của một tấm lòng, một nhân cách thơ có cá tính, được bạn đọc yêu mến, trân trọng.

Nhà văn Xuân Lộc


ẢnhẢnh




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả