Phần 13 & 14

Ngày hôm sau Hương Tảo đi học luyện thi cả ngày đến chiều về thấy nhà đang sửa soạn giỏ xách, Tảo ngạc nhiên chưa kịp lên tiếng hỏi thì nghe mẹ nói:

- Con vào sắp xếp quần áo đi, ngày mai nhà đi Vũng Tàu nghỉ mát 1 tuần vì gia đình anh Tấn mời lên chơi tiện thể bàn về đám cưới chị Tần luôn.

Tảo ngập ngừng:

- Thì bố mẹ và chị Tần đi được rồi, con là nhỏ trong nhà không dám có ý kiến bàn bạc nên không nhất thiết phải đi chung.

Bố Tảo lắc đầu bảo:

- Con vừa ốm dậy cần phải đi nghỉ mát, ra nơi có gió biển thoáng khí cho khỏe lại. Cả nhà đi vắng con ở lại một mình không được đâu.

Tảo thấy mặt bố nghiêm lại biết khó mà cãi lại đành vào phòng xếp vài bộ quần áo cùng các thứ cần dùng mà lòng băn khoăn, nghĩ đến Phương và bức tranh vừa bắt đầu. Tảo cũng nhận thức được việc mình làm là quá sức táo bạo và không dám tưởng tượng đến phảu ứng của bố mẹ, nhất là của bố nếu chuyện này lộ ra. "Dù sao cũng phải cho Phương biết". Tảo ngồi vào bàn cơm tối mà ăn như nhai cát, nhệu nhạo cho xong một bát cơm, chợt nghe mẹ nói:

- Bố chở em đi chợ để mua vài món cần nhé.

Tảo mừng rỡ ra mặt làm chị Tần hỏi:

- Gì mà mặt Tảo chuyển từ chẳng quan tâm đến vui thế?

Tảo ấp úng chống chế

- Em chợt nhớ có con bạn thân dọn về Vũng Tàu vài năm trước, may ra thì em tìm được lại địa chỉ nó.

Tảo chờ bố mẹ ra khỏi nhà, lấy xe đi ngay mặc cho chị Tần gọi ơi ới từ trong bếp, chỉ cất tiếng nói vói lại:

- Em về ngay nha chị Tần.

Buổi tối gần như cả phố phường Sàigòn là một quán ăn, quán nhậu khổng lồ. Trên mọi con đường hàng quán tràn ra ngoài lề với cả trăm, cả ngàn món ăn. Ngay đầu ngõ nhà Tảo là một khu chuyên bán đồ nướng. Không phải chỉ thịt thà đủ loại trâu bò heo chó dê nai hay đồ biển, tôm cá nghêu sò mới nướng mà ngay cả rau cỏ cũng nướng tuốt. Dạo này dân nhậu bày thêm món như đậu bắp nướng hay rau muống nướng. Rau muống chọn loại cọng to, tuốt lá chỉ lấy phần cọng, đậu bắp lại ngược lại chọn thứ nhỏ thon dáng cho chín nhanh cộng với cà dái dê cắt khoanh, thế là thành một món khai vị thanh cảnh.

Bên vỉa hè một vài đứa con nít lo cho hơn hai chục cái lò than, đứa thì có cái quạt điện thổi than nóng đỏ, bay tứ tán, đứa ít đặc quyền hơn phải cầm các tấm bìa cứng từ các thùng carton quạt lấy quạt để. Bồi bài chạy tới chạy lui không ngớt để mang trả các lò than đã dùng và mang đi các lò mới nhóm đỏ hồng. Trông lũ trẻ mồ hôi nhễ nhại trước đám hoả lò mà thương, nghe nói chúng chỉ được trả lương chết đói hay nhiều khi chỉ được ăn và mang về đồ dư.

Lò than được mang lên trên mỗi bàn khách, rồi họ lừng khừng gắp từng trái đậu bắp, từng cọng rau muống sống và từng khoanh cà dái dê lên, canh lửa và lật cho đều tay để tránh cháy đen. Thức ăn rau cỏ chín tới được chấm vào nước chấm chủ yếu là chao pha ớt rồi là khề khà chén rượu. Các món rau cỏ chỉ để khai vị mở màn cho dân có tiền, các món chính sẽ là các món thịt cá đủ loại hay những con thú bình thường không thấy trên bàn ăn gia đình như nhím, kỳ nhông, rắn đủ loại đủ cỡ.

Tảo đi qua khu đồ nướng cả 5, 10 phút mà vẫn nghe mùi than khói hay mùi thịt nướng bám trên người. Đến nhà Phương bấm chuông mãi không thấy Phương ra, Tảo lấy chìa khóa Phương đưa mở cổng, mở cửa vào nhà. Quả thật là Phương đi vắng, Tảo sốt ruột đứng ngồi không yên vì không dám ở lâu sợ bố mẹ về không thấy.

Đi qua đi lại trong các phòng Tảo chợt nhìn thấy bức tranh Tảo mà Phương vừa bắt đầu; hôm trước Phương không muốn cho Tảo xem, nói khi nào xong Tảo mới xem được. Bức tranh nằm trên giá vẽ hững hờ, trên mặt có một tấm vải phủ lên, Tảo hồi hộp kéo tấm vải ra để xem, khi tấm vải theo đà tay kéo của Tảo thoát khỏi khung vẽ làm lộ bức tranh, Tảo chợt giật mình thét lên một tiếng, lùi lại chạm phải cái ghế suýt nữa ngã nhào. Định thần nhìn lại thì ra trên giá vẽ không phải là hình Tảo mà chính là Phương tự vẽ mình trong một hình ảnh thật khủng khiếp dù các nét trên mặt vẫn cho người quen nhận được ra Phương. Bức tranh có vẽ như đã hoàn thành. Nhưng khuôn mặt Phương mang đầy sự dằn vò nội tâm, sự khắc khoải và sợ hãi như kẻ đang trong cơn ác mộng trái hẳn với nét mặt ngoài đời, dù có chất chứa ưu tư nhưng vẫn thấy mềm mại. Tảo nhặt tấm vải lên, gần như nhắm mắt khi che bức tranh lạị Sau một lúc trấn tỉnh Tảo bước đến vách tường nơi có mấy bức vẽ xếp dựa và quay mặt vào tường. Sau hai tấm tĩnh vật là bức tranh Tảo, Tảo cầm lấy mang ra phía có đèn để xem và không ngăn được sự thích thú.

Bức tranh vẽ mới phác họa các đường nét nhẹ nhàng nhưng Tảo vẫn thấy mình trong đó với một tư thế thật đẹp mắt. Tảo tự hỏi không biết thật sự là thân hình mình đẹp như vậy không, hay là nhờ tài hoa và cái nhìn của Phương. Nhất là gương mặt dù chỉ mới chấm phá vẫn tỏa lên nét yêu kiều làm Tảo đôi khi không dám nhận là mình nữa. Hình ảnh chân dung của Phương lại hiện ra bên cạnh hình Tảo thật là tương phản như thiên đàng và địa ngục.

Tảo còn đang chìm đắm trong hai hình ảnh bỗng nhiên có chuông đồng hồ gõ, giật mình nhìn lại đã 10 giờ. Tảo hốt hoảng xếp lại các bức tranh theo đúng vị trí cũ. Nhìn đi nhìn lại xem có dấu vết gì không rồi bước ra phòng khách, viết vài dòng nhắn Phương tuần sau mới về lại Saigon. Khi Tảo mở cửa ra vô tình không biết một cơn gió lùa thổi tờ giấy nhắn tin rơi xuống sàn chui vào gầm tủ. Tảo lái xe về, dọc đường đầu óc vẫn ám ảnh về nét mặt vừa đáng sợ vừa đáng thương của Phương. Đến nhà may là sớm hơn bố mẹ một chốc, vừa đủ thì giờ năn nỉ chị Tần đừng nói lại. Rồi là cơn ngủ đầy mộng mị, đầy thảng thốt.

Con đường từ Saigon ra Vũng Tàu dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng cũng không kham nổi số lượng xe cộ đủ loại. Từ xe hàng, xe khách, xe nhà và mọi loại xe 2,3 bánh khác. Nhất là đoạn đầu xa lộ Saigon-Biên Hòa từ cầu Phan Thanh Giản đến cầu xa lộ Tân Cảng. Ngã tư Hàng Xanh là một điểm nóng, hàng hàng lớp lớp xe đan chặt vào nhau từ tờ mờ sáng đến khuya không lúc nào ngớt. Trước thập niên 70, qua khỏi cầu Phan Thanh Giản là đã thấy cảnh đồng quê, nhà cửa thưa thớt. Xa một chút có Đào Gia Trang năm giữa thiên nhiên, trên một gò đất cao xung quanh có những con lạch nhỏ, khi mùa mưa nước lũ dâng thành những dòng suối soi mòn đất đỏ.
Ngày nay hầu như suốt đến Long Bình, Long Thành nhà cửa, hàng quán mọc ra như nấm. Xe đò dành khách chạy bạt mạng, táp ào vào lề đường níu kéo khách đợi xe. Từng nhóm xe Honda của đám thanh niên dững mỡ cúi rạp người trên tay lái, xả hết tốc lực đua nhau với tiếng xe chát chúa ra từ ống khói đã tháo ống hãm thanh.. Tiếng là xa lộ nhưng dân chúng vẫn thản nhiên băng từ bên này đường sang bên kia. Nhiều khi là các bà buôn gánh bán bưng, vượt qua bề ngang xa lộ giữa dòng xe với đôi gánh trên vai và thái độ dửng dưng như thách đố tử thần.

Chiếc xe do Tấn, chồng chưa cưới của Ngọc Tần thuê đến đón gia đình Tảo chạy đến Ngã Tư Hàng Xanh thì kẹt lại cả hơn nửa giờ; có lẽ đang sửa đường hay có tai nạn phía trước. Máy xe cũ không chịu nổi tình trạng nổ máy đứng yên tại chỗ nên cạn nước làm nguội máy rồi bốc khói trắng mù mịt. Bác tài dậm chân than trời:

- Xe cháy máy rồi bà con ơi. Hết chạy nổi, thôi bà con xuống kiếm xe khác đi.

Thế là cả nhà lếch thếch mang hành lý đi tìm xe khác. Dưới cái nắng đổ lửa của Saigon và kẹt xe cứng đến hàng cây số thì tìm được ra một xe khác đi đúng nơi và còn trống 5,6 chỗ thật là điều khó nhọc. Sau nửa giờ Tấn thấy vợ mình và mọi người đã kiệt sức vì nắng và khói xe, nhất là của những chiếc xe vận tải chạy bằng diesel xịt khói đen trời, và thấy bên kia đường hướng vào Saigon xe cộ đi trôi chảy hơn nên đề nghị:

- Thôi mình về lại Saigon, ra bến Bạch Đằng đi tàu cánh ngầm đi. Có đắt thật đấy nhưng thoải mái hơn nhiều.

Mọi người mang túi xách cố len lỏi qua rừng xe chật như nêm, dân lái xe không những không nhường chỗ, nhiều người còn cố lấn lên bít luôn cả những khoảng cách với xe trước chỉ vừa đủ một người lách qua. Trong thế giới giao thông ở Saigon, một tấc đường lấn được là như cả một chiến thắng. Không hề có chuyện nhường nhau mà chỉ nhịn vì xe nó lớn hơn hay kẻ kia liều mạng hơn thôi. Người nào lái xe hơi mà lịch sự dừng lại cho một người phụ nữ qua đường thì lập tức nhận được những ánh nhìn khó chịu hay những câu chửi tục tằn, và đương nhiên là các xe phía sau sẽ qua mặt chiếc xe đang ngừng lại ngay. Trong trường hợp này nếu ngưỡi được nhường dám băng qua mà không coi chừng thì sẽ bị các xe khác vượt lên xơi tái lập tức vì chiếc xe dừng lại che mất. Một người bán hàng với đôi thúng trên chiếc đòn gánh từng tiết lộ bí quyết qua đường của họ là … cứ nhắm mắt mà qua, họ phải tránh mình thôi, tránh chứ không phải nhường, tránh vì sợ lôi thôi với công an khi có tai nạn. Điều quan trọng nhất là đừng đứng lại hay lùi về vì dân lái xe hay lạng vòng sau lưng người qua đường.

Gia đình Tảo đến được bến Bạch Đằng vừa kịp giờ lên tàu. Giá vé hơi nặng so với ngươi dân thường là 5USD một lần so với 2$ tiền xe đò. Chiếc tàu gia tốc này là do sáng kiến làm ăn của một nhóm sinh viên VN du học tại Liên Xô, thấy các con tàu khách trên sông Volga đưa người từ thành phố này qua thành phố khác. Khi chạy trên sông tàu được nâng lên chỉ chạm mặt nước ở hai cánh như loại Katamaran nên có tốc độ khá nhanh. Khi tàu chạy chậm hay đậu lại thì cả thân tàu hạ xuống không thấy hai cánh nên dân Saigon gọi là tàu cánh ngầm.

Tàu dời bến Bạch Đằng theo sông Saigon ra biển, 9/10 hành trình là trên sông, qua những vùng dừa nước mênh mông, nhưng đã thấy lác đác các biệt thự ven sông của các quan hay dân làm ăn. Họ có tiền nên mua đất ven sông xây nhà với tin hành lang là tương lại Saigon sẽ còn mở rộng và những khu đất khỉ ho cò gáy xưa và nay sẽ thành núi của. Tốc độ của tàu rất nhanh, các bụi dừa nước hai bên bờ vun vút ngược qua, mũi tàu xé những bè lục bình trôi lều bều trên sông, sóng đánh mạnh làm đám bè rạt ra hai bên. Gió sông lồng lộng làm dịu đi cái nóng. Trên tàu đa số là dân làm ăn và Việt Kiều đi chơi Vũng Tàu. Khoảng 1 tiếng tàu ra đến cửa sông, hai bên bờ bắt đầu tỏa rộng ra và rồi là biển. Con tàu bỏ lại sau lưng màu xanh đồng ruộng, dừa nước và màu nước sông đục vàng tiến vào vùng biển dần dần xanh biếc. Hôm nay biển lặng như bình thường vì biển động thì tàu cánh ngầm không ra khơi. Thêm 15 phút nữa là tàu cập bến Vũng Tàu. Quang cảnh cũng nhộn nhịp không kém bến Bạch Đằng mấy, cũng hàng quán mời chào, cũng từng dàn xe ôm đợi khách.

Cả nhà lên bến, Tấn chạy đi gọi một chiếc xe Lam đưa mọi người về nhà. Xe chạy qua nhiều thắng cảnh của Vũng Tàu và Tấn đóng vai hướng dẫn viên du lịch, chỉ cho gia đình Tảo xem Thích Ca Phật Đài, Tượng Chúa Jesus trên mỏm núi, đài Thiên Văn và dinh thự mới của Hội Đông Nhân Dân v.v. Bãi sau được tu sửa rất mới, con đường trải nhựa có dải dất trồng cây ở giữa ngăn hai chiều xe chạy riêng biệt, mỗi chiều có thể chạy được ba hàng xe.

Nhà Tấn có vườn rộng, đang mùa Na, các cây Na lùn chỉ khoảng bằng đầu người nhưng rất sai quả, oằn trên cành. Nhà Tấn chỉ còn hai mẹ con nên chị Tần dự định sau đám cưới sẽ dọn về đây ở tránh Saigon khói bụi. Tần đã theo Tấn về thăm mẹ chồng mấy lần nên đã thuộc đương đi nước bước, lo vào sau bếp nấu cơm chiều trong khi Tấn mang hành lý và và dọn phòng cho gia đình Tảo. Tuy là đã có đính hôn nhưng Tần vẫn giữ ý ngủ chung phòng với Tảo, còn bố mẹ ở một phòng.

Cơm nước xong Tấn rủ hai chị em đi bộ ra biển dạo chơi. Ba người đi chung một lát thì Tảo bất giác chậm bước để hai người yêu nhau đi chung, tay trong tay. Chân in dấu lên mặt cát phẳng lì, để rồi cơn sóng lên bờ lại xóa đi. Hai người thỉnh thoảng ngoái lại vẫy tay gọi Tảo nhưng Tảo chỉ lắc đầu khoát tay ra hiệu cho hai người cứ tự nhiên. Cảnh hoàng hôn trên biển thật đúng với lời thơ mà Tảo từng đọc

Biển hoàng hôn

Hải triều rút chậm ra khơi
Dã tràng còn mộng đổi đời hay không?
Gió lay từng ngọn cỏ bồng
Hải âu đảo cánh mấy vòng thênh thang
Biển êm,
lấp lánh ánh vàng
Buổi chiều về ngủ sau hàng phi lao
Phận người nhỏ bé làm sao
Dấu chân để lại chốn nào?
.... đã quên.


Nắng hoàng hôn nhạt dần, nhạt dần cho đến khi tắt hẳn và rồi là biển đêm êm dịu với tiếng sóng vỗ nhịp nhàng, như điệu ru đời. Khung trời đêm phía có trăng thì bàng bạc ảo huyền, phía không trăng đen thăm thẳm, lác đác sao, thỉnh thoảng lại có một ánh sao băng về cuối chân trời. Gương mặt Phương hiện về làm đầu óc Tảo bất yên. Nửa yêu thương nửa lo sợ một điều gì không rõ. Tảo chợt mơ hồ rằng mối tình của mình và Phương không biết có trọn vẹn không. “Anh có điều gì mà u uất quá vậy Phương của em, Có biết em đang nghĩ về anh, về mình không. Có đọc thư em nhắn chưa?”
Bất giác Tảo khẽ đọc tiếp một bài thơ khác về biển mà Tảo vẫn ưa thích:

Biển đêm

Biển đêm ru nhẹ lời ca
Rạt rào ngọn sóng vỗ qua đá ghềnh
Tình yêu của biển mông mênh
Như tình anh đó chỉ dành cho em
Sóng đùa nghịch gót chân mềm
Dã tràng xe cát từng viên no tròn
Ánh trăng bàng bạc đầu non
Một ngày qua hết vẫn còn mộng mơ
Bọt bèo thôi cũng phai mờ
Dấu chim gi đá có chờ được đâu
Biển đêm đen thẳm một màu
Bóng con thuyền cá bên cầu tịch liêu
Trăng vàng nghiêng ánh xiêu xiêu
Cát vàng yên ngủ trong điều trầm ngâm.


Lại một ngày qua trong băn khoăn bất tịnh.




Vùng Tối

Phần 15

Một tuần ở tại Vũng Tàu là một tuần lễ kéo dài vô tận đối với Hương Tảo. Nhà có đi đâu hay làm gì Tảo cũng chẳng quan tâm, chỉ có mặt hai bữa cơm cho nhà khỏi hỏi đến, còn phần lớn thời gian là nàng ra ngoài biển ngồi ngắm mặt nước mênh mông với bao băn khoăn phiền muộn vì không cách gì liên lạc được với Phương. Phương tình tình lập dị nên không gắn điện thoại cố định mà cũng chẳng có điện thoại cầm tay như một số người thời thượng bấy giờ. Cái điện thoại di động coi như biểu tượng của sự quan trọng cho cá nhân mình, đi đâu cũng muốn cho mọi người thấy. Ngồi trong quán ăn, chẳng có chuyện gì quan trọng cũng mang ra gọi và nói thật to rất là ngoạn mục. Một số còn mang đt cầm tay giả từ Hồng Kông, giống hệt như thật chỉ có điều không hoạt động được vì không có SIM card. Loại điện thoại này đúng ra cũng là đồ thật nhưng đã bị thải ra. Chính các tay ĐT giả lại làm trò gọi đi từ nơi công cộng hay để chuông tự động reo như có người gọi rồi móc ra nói chuyện một mình, tha hồ mà huyên hoang như:

- A lô ai đó ạ,... ồ chào Đại Tá,.... không ngờ Đại Tá gọi nhanh thế.... Việc đó xong ngay mà, Đại Tá cứ yên tâm... Trúng món này là 200 cây như không.

hay là:

- Tư đó hả, nói bà chủ chiều nay đi chơi lấy cái Camry đi thôi nghen... cái Mercedes phải để nhà tối nay đi đón ông Lãnh Sự đi Rex đó.

Thôi thì đủ trò ngoạn mục giữa công chúng. Các em bia ôm ngồi cạnh cứ ngẩn tò te ra mà nghe. Nhưng nến em nào đòi mượn máy gọi thì anh chàng bèn giả bộ móc phôn ra nghe thử rồi lắc đầu :

- Không có phủ sóng em ơi, chắc mai anh bỏ VinaMobile quá , nghe nói VinaPhone phục vụ tốt hơn. Em cảm phiền nghen.

Lâu thì lâu nhưng cuối cùng thì một tuần cũng phải qua. Hai bên gia đình đã định ngày lành tháng tốt có chị Tần vu quy vào khoảng 3 tháng nữa. Chiếc xe đò về Sàigon thả gia đình Tảo xuống góc đường gần nhà vào buổi trưa. Cả nhà ai cũng mệt vì đi xa nên ăn trái cây qua loa rồi đi ngủ cả. Tảo lấy xe chạy đến nhà Phương, ghé mắt qua cổng sắt thấy xe Phương dựng trong sân mừng rỡ vô cùng. Cả tuần nay không gặp nhau, niềm mong nhớ đã thành sự khát khao bờ môi ánh mắt. Tảo bấm chuông dứng đợi cả 10 phút vẫn không thấy Phương ra, bèn tự động mở cổng, mở cửa vào nhà. Quang cảnh trong phòng khách thật là bừa bộn và trong nhà vắng lặng lạ lùng.

- Anh ơi, Tảo đây, em đây!

vẫn im lìm không tiếng Phương đáp lại.

- Anh ơi anh, Tảo đây này anh!

Trong lòng Tảo nỗi lên một sự bất an, thấy cửa phòng ngủ mở hé, nàng đẩy vào, bật lên một tiếng kêu khi thấy Phương nằm sóng soài trên sàn. Tảo bất giác lùi lại một bước nhưng bớt sợ vì thấy Phương có cử động nhẹ và mùi hôi nồng nặc của bãi nôn. Đến gần Tảo thấy quần áo mặt mũi Phương bê bết chất nhờn nôn tháo, dính ra cả sàn nhà. Lại gần chút nữa thấy đúng là Phương say rượu nên bớt lo hơn, nhìn mặt mũi Phương bê bết chất bẩn mà ái ngại lắc đầu. Tảo kéo màn, mở toang cửa sổ cho ánh nắng và không khí tràn vào rồi đi lấy chậu lấy khăn dọn dẹp bãi nôn trên sàn nhà để lấy chỗ lại gần Phương. Vừa đặt cáI khăn ấm lên trán Phương thì nghe ọe một tiếng, cái chậu nhựa vừa kịp đưa vào miệng Phương là Phương nôn lấy nôn để Nhưng chỉ ra những chất nước nhờn chứ thức ăn chắc đã nôn ra trước đó cả rồi.

Tảo cởi áo Phương ra rồi lấy khăn lau cho sạch người Phương. Khó nhọc lắm mới dìu Phương lên giường đắp chăn mà Phương vẫn say như chết, không ý thức được cả sự có mặt của Tảo. Trong khi Tảo tiếp tục thu dọn và đặt nồi cháo đậu xanh thỉnh thoảng Phương vật vã trên giường, ú ớ gọi tên Tảo làm Tảo vừa cảm động vừa thương hại khi nhìn thấy vẻ mặt Phương giống như trong bức tranh hôm nọ.

Sự tò mò đốc thúc Tảo ra phòng vẽ xem có gì lạ không thì thấy bức tranh chân dung của Phương đã bị rạch nát, khung gỗ căng vải bị đập gãy làm Tảo run sợ trước sự bộc phát những cơn cuồng của Phương, không biết tranh vẽ Tảo ở đâu, có cùng số phận không. Ánh mắt Tảo quét ngang phòng tìm kiếm và thấy bên vách tường bức tranh của mình mà không ngăn được tiếng kêu ngạc nhiên.
Từ những phác họa phôi thai của lần trước bức tranh giờ đây đã hoàn tất phát ra một vẻ đẹp lạ thường. Tảo không biết về nghệ thuật hội họa cũng không phải vì chính mình là người trong tranh nên thấy đẹp mà thật sự bị thu hút bởi bức tranh. Chắc cả tuần nay Phương đã vẽ nàng theo ký ức. Điều làm cho Tảo băn khoăn là Phương vẽ mình buồn quá, có lẽ mới ngồi làm mẫu nên Tảo hay nghĩ ngợi e dè nhưng nét mặt ngườI con gái trong tranh lại mang niềm thương hận khó tả. Tảo rùng mình xua đuổi ý tưởng là người trong tranh sẽ chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống.

Chợt có tiếng động phía sau lưng, Tảo quay lại để thấy Phương lảo đảo bước ra, tựa vào khung cửa nhìn nàng, vẻ mặt vừa mừng vừa giân. Tảo đỡ lấy Phương, dìu ngồi vào ghế salon:

- Anh dậy rồi hở ? có mệt lắm không ? Để em pha nước chanh cho giải rượu nhé.

Phương nhìn nàng không nói làm Tảo băn khoăn:

- Anh lại uống nhiều quá, lỡ trúng gió khi say thì tội cho em.

- Cả tuần nay em và nhà đi đâu? Anh đến tìm em mỗi ngày không có, muốn điên lên được.

- Em và nhà đi Vũng Tàu, em có đến đây báo cho anh biết trước khi đi, anh không đọc giấy em nhắn hay sao ?

- Anh có thấy tờ giấy nào đâu.

- Lạ thật, em để ngay trên bàn phòng khách mà. Anh hốc hác quá đi thôi; em đi mà cũng nóng lòng về với anh lắm.

- Không lẽ chuột tha mất tờ giấy của em, nhưng em nói vậy thì anh tin em. Tảo biết không, nguyên một tuần anh chẳng làm gì được ngoài chuyện thương nhớ em...

- Và vẽ tiếp để hoàn tất bức tranh của em phải không ? Nó chắc là đã xong rồi anh nhỉ.

- Ừ năm ngày và năm đêm thương nhớ dồn vào bức tranh của em. Luôn luôn hình ảnh em ngập tràn tâm tưởng anh, thôi thúc anh để tràn ra ngọn bút.

- Anh vẽ đẹp quá, cám ơn anh. Chờ em tí nhé, em lấy nước chanh cho anh uống.

Tảo vào bên trong pha nước trong khi Phương ngồi bóp đầu vì men say vẫn còn làm tâm trí mù khơi. Ly nước chanh Tảo đưa đến, Phương khó nhọc lắm mới uống hết trong sự dỗ dành của Tảo.

- Anh này, sao anh lại hủy hoại chân dung của anh như thế ? Người ta nói vậy là vận xấu lắm đó.

- Anh không biết nữa, có lẽ lúc đó anh ghê sợ hay chán ngán mình đến cực điểm.

- Em sợ có lúc anh cũng hủy diệt bức tranh vẽ em.

Phương nhìn vào mắt Tảo như ăn mày niềm tin của Tảo

- Không bao giờ em ạ, anh sẽ giữ nó trọn đời, trân quý như bức tranh Bích Câu.

- Thế anh không cho em à ? - Tảo mỉm cười trêu Phương - nói thế chứ em chẳng dám mang về nhà đâu. Anh hứa với em là không bao giờ phá hủy hay đem bán hoặc cho người khác nhé.

- Anh hứa với em, xin em tin anh.

- Bây giờ anh ăn tí cháo đậu xanh không thôi nôn nhiều xót ruột lắm. Từ rày anh đừng uống nhiều nhé.

- Em về thì anh khỏe lại rồi, không có em anh buồn anh khổ quá nên mới say cho quên đi thôi.

Trò chuyện thêm một lát, Tảo ra về; Qua sự chăm sóc cho người yêu vừa rồi rất tự nhiên như theo bản năng làm vợ làm mẹ của người phụ nữ, Tảo bỗng cảm thấy mình trưởng thành ra hẳn, không còn là cô bé học trò nhỏ nhắn, khép nép khi học hát học đàn với Phương nữa.

- còn tiếp -

Phạm Doanh


 

Phần 16

Hoàng đến Berlin trong những ngày sôi động, hừng hực khí thế đấu tranh của nhân dân Đông Đức đòi tự do dân chủ dẫn đến việc phá bỏ bức tường. Một mặt là các cuộc biểu tình tuần hành rộng lớn và yêu cầu tự do đi lại của hàng chục ngàn người mỗi Thứ Tư với khẩu hiệu " Wir sind das Volk " (Chúng tôi là nhân dân) trong Đông Đức trước kia, về mặt khác là việc "bỏ trốn" (Republikflucht) liên tục của một số lớn người dân từ Đông Đức sang Tây Đức đi vòng qua nước ngoài như Hungary, Tiệp Khắc từ đầu tháng 11 hoặc qua các đại sứ quán Đức tại các thủ đô của các quốc gia ở Đông Âu (trong đó là các đại sứ quán tại Praha và Warszawa).

(Trich wikipedia)
Sau khi bản dự thảo cho Luật đi lại mới (Reisegesetz) được công bố vào ngày 6 tháng 11 vấp phải phản đối cực lực và lãnh đạo Tiệp Khắc bằng con đường ngoại giao ngày càng phản đối mạnh mẽ hơn việc công dân Đông Đức bỏ đi thông qua đất nước Tiệp Khắc, Bộ chính trị của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức quyết định thay đạo luật mới bằng một quy định về việc ra nước ngoài. Một bản dự thảo cho quyết định này, có thêm phần về việc xuất ngoại để thăm viếng, được Bộ chính trị xác nhận và chuyển tiếp đến Hội đồng Bộ trưởng. Tại đấy, theo như dự tính thì bản dự thảo trình Hội đồng Bộ trưởng cần được hoàn thành và thông qua ngay trong ngày để có thể được công bố bắt đầu từ lúc 4 giờ ngày hôm sau thông qua hãng thông tấn xã nhà nước ADN. Thế nhưng trong quy trình thông qua đã có ý kiến phản đối từ Bộ Tư pháp. Song song với việc này, bản dự thảo trình Hội đồng Bộ trưởng được đưa ra bàn thảo vào buổi chiều ngày hôm đó trong Ủy ban Trung ương Đảng và được sửa đổi nhỏ. Phiên bản này của dự thảo được Egon Krenz trao cho thành viên của Bộ Chính trị Günter Schabowski, người vắng mặt trong các cuộc họp trước đó của Bộ chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng, trước khi Schabowski tổ chức họp báo về kết quả của lần họp Ủy ban Trung ương Đảng[4][5].
Cuộc họp báo với Günter Schabowski trong Sở Báo chí/Trung tâm Báo chí Quốc tế trên đường Mohren (Mohrenstraße) số 38 tại Đông Berlin (hiện nay là một phần của Bộ Tư pháp Liên bang) được truyền hình trực tiếp và được nhiều người theo dõi, và chính là ngòi nổ mở cửa bức tường. Vào cuối cuộc họp báo vào lúc 18 giờ 57, gần như là việc phụ, Schabowski đọc từ tờ giấy được đưa cho ông bản dự thảo dành cho Hội đồng Bộ trưởng:
"Có thể làm đơn xin du lịch cá nhân ra nước ngoài mà không cần có điều kiện như lý do xuất ngoại hay quan hệ họ hàng. Giấy phép sẽ được cấp trong thời hạn ngắn. Các ban phòng có thẩm quyền về hộ chiếu và khai báo cư trú của các cơ quan Công an Nhân dân cấp huyện trong nước Đông Đức có thể nhanh chóng cấp giấy thông hành ra nước ngoài thường xuyên theo như chỉ thị. Có thể liên tục ra nước ngoài tại tất cả các cửa khẩu biên giới giữa nước Đông Đức và Tây Đức."
"Khi nào? Ngay lập tức?"

Một nhà báo, Peter Brinkmann phóng viên thường trực của báo Bild tại Đông Đức, hỏi.
Schabowski (lục lọi trong chồng giấy tờ của ông):
"Theo như tôi biết – thì ngay lập tức, không chậm trễ".
(Trích dẫn theo Hans-Hermann Hertle, Katrin Elsner trong quyển "Mein 9. November", Nhà xuất bản Nicolai, Berlin,1999)
Dựa trên thông tin từ các đài truyền thanh và truyền hình của Tây Đức và Tây Berlin dưới tựa đề được diễn giải một cách sai lầm là "Bức tường đã mở!" hằng ngàn người dân Đông Berlin đã kéo đến các cửa khẩu và yêu cầu mở cổng. Vào thời điểm này, không những lực lượng biên phòng mà ngay cả các đơn vị kiểm tra hộ chiếu chịu trách nhiệm về thủ tục thuộc Bộ An ninh Quốc gia cũng hoàn toàn không được thông báo gì về vấn đề này. Dưới áp lực của số đông quần chúng, ngay sau 23 giờ, cửa khẩu biên giới tại đường Bornholm (Bornholmer Straße) ở Berlin được mở đầu tiên mà không có lệnh hay chỉ đạo cụ thể, sau đấy là các cửa khẩu khác trong thành phố Berlin cũng như tại biên giới nội địa Đức. Ngay tối khuya đó, nhiều người đã theo dõi việc mở các cửa khẩu biên giới qua truyền hình và một phần đã bắt đầu ra đi. "Cơn bão" bắt đầu vào sáng ngày hôm sau, ngày 10 tháng 11 năm 1989, vì rất nhiều người vẫn còn đang ngủ khi biên giới được mở vào giữa đêm khuya. Ngày 22 tháng 12 năm 1989, toàn bộ những cổng ngăn cách giữa bức tường được chính thức mở cửa.
Công dân Đông Đức đã được người dân Tây Berlin đón chào nồng nhiệt. Phần lớn các quán bia gần bức tường tự phát cho uống bia không phải trả tiền và trên đại lộ Kurfürstendamm là hằng đoàn ô tô bóp còi diễn hành, những người hoàn toàn xa lạ ôm choàng lấy nhau. Khi có thông tin về việc bức tường được mở cửa, Quốc hội Liên bang đã tạm ngừng phiên họp về ngân sách quốc gia và các nghị sĩ đã tự phát hát quốc ca. Mỗi người dân Đông Đức được chính phủ CHLB Đức tặng 100 DM khi qua cổng (lúc đó trị giá trên thị trường chợ đen là 1000 tiền Đông Đức, gần bằng 1 tháng lương trung bình), gọi là "tiền chào mừng".
(Hết Trich wikipedia)

Hoàng cũng cùng đoàn người dân Tây Bá Linh tràn đến "Bức Tường Ô Nhục" để đập nó, một phần để họ bày tỏ niềm căm phẩn với bức tường đã chia cắt quốc gia và dân tộc Đức và đã làm chết mấy trăm người Đông Bá Linh vượt tường trốn sang Tây Bá Linh, một phần Hòang cũng mong mỏi đất nước mình cũng được thoát khỏi gông cùm Cộng Sản như thế . Mảnh tường Hoàng nhặt được chỉ bằng ¼ bàn tay vì Hòang không có dụng cụ nên chỉ leo lên mặt tường mà reo hò và gỡ mảnh beton từ chỗ đập của người khác, kỷ vật đó nhỏ nhoi nhưng mang nhiề ý nghĩa vẫn theo chân Hoàng cho đến ngày hôm nay.

Trạm kiểm soát lừng danh Check Point Charlie hôm ấy tràn ngập người qua lại, Hoàng bất giác cũng bước qua địa phận Đông Bá Linh vì không còn anh lính Đông Đức nào hỏi giấy tờ cả . Chuyện này khi trước là cả một vấn đề, du khách từ Tây Bá Linh trước kia phải xin Visa và phải đổi lấy tiền Mark của Đông Đức theo hối xuất cắt cổ cho mỗi ngày ở Đông Bá Linh. Đoàn người lũ lượt tiến về hướng Tây ngược chiều với Hoàng nhưng trong nềm vui mừng thoát ách Cộng Sản không ai để ý đến anh chàng này cả. Chợt một cô gái đâm sầm vào người Hoàng và ngã xuống mặt đường Hoàng vội vã nâng cô ta lên để thấy một gương mặt khả ái tuyệt vời nhưng hốt hoảng vô biên. Hoàng nghĩ là cô ta sợ hãi vì đụng mình nên trấn an "Are you okay?" Hoàng nói tiếng Anh vì chàng không biết cô ta người gì măc dù có nét Á Châu và chàng không nói được tiếng Đức trừ vài chữ như "Danke" (Cám ơn) "Bitte" (Xin vui lòng) hay "Entschuldigung" (Xin lỗi).

Thiếu nữ nhìn Hoàng hình như nhận ra Hòang là người Việt nên lắp bắp "Ông có phải là người Việt không?"
Hoàng vi vẻ trả lời: "Vâng tôi là người Việt như cô, Cô có làm sao không?"
Cô gái nói trong hoảng sợ "Xin ông cứu tôi với!"
-"Chuyện gì vậy cô?"
-"Cho em mượn áo ông một chốc".
Bây giờ Hoàng mới nhận thấy cô gái ăn mặc đẹp nhưng mong manh không có áo khoác ấm dù tiết tháng mười một trên miền Đông Bắc đã lạnh lẽo lắm rồi. Hoàng vội vàng cởi áo pardessus ra khoác lên người cô gái .
_ "Chết chửa, sao cô ra ngoài đường mà mong manh thế, cảm lạnh mất"
Cô gái lén nhìn về sau lưng mình rồi chợt dúi mặt vào vai Hoàng cùng lúc kéo cổ áo lên che mặt;
- "Xin ông ôm em đi, đi ... anh!"
Hoàng vừa ngơ ngác vừa bàng hòang không tin vào tai mình
- "ôm em đi, đi anh!"
Hoàng ôm thiếu nữ vào đôi tay mạnh mẽ, vừ lúc đó có 3 người có vẻ như người Việt Nam mặt mũi cô hồn rảo bước đi ngang, ngó nhìn Hòang và thiếu nữ đang ôm nhau với ánh mắt dò xét nhưng cho là một cặp tình nhân đang nồng nàn bên nhau nên tiếp tục đi, một tên trong bọn chửi thề
- "D.M. Con nhỏ mới đây mà đi đâu mất rồi"
tên khác tiếp lời
- "Nó không biết tiếng Đức, không có áo ngoài chắc không đi xa được đâu".

Thiếu nữ đợi cho 3 tên đi khuất mới rời khỏi vai Hoàng ma` run lập cập, không hiểu vì lạnh hay vì sợ hay vì cả hai, cô nói
- "xin .. lỗi đã .. làm phiền .. anh, cho em gửi lại áo và cám ơn anh."
- "Ấy chết, trời gần không độ lại có gió, cô phải mặc cho ấm chứ, tôi còn áo veston mà . Cô ở đâu để tôi gọi xe đưa cô về"
- "Em không có nhà và không thể về chỗ đang tạm trú được."
- "Chuyện gì thế cô, có phải vì bọn người lúc nãy không?"
- "Vậng họ là nhân viên Đại Sứ Quán đang tìm bắt em về đó."

Hoàng trả lời:
- Thật vậy sao? Thế thì mình phải đi nhanh lên kẻo bọn chúng quay lại .
Hoàng ngoắc một Taxi nói chạy về khách sạn o*? West Berlin nhưng người tài xế lắc dầu nói không qua bien giới được, sau khi Hoàng đưa tờ $50 dollar ra và nói "There is no prohibition to go to West Berlin anymore" thì anh chàng đáp:
- I'll take you to Check Point Charlie, then you can walk over to the West.
- OK, go ahead!

Trên xe cô gái đã thấy yên lòng nhưng vẫn run lập cập vì lạnh, ngồi thu mình trong cái áo của Hoàng, thỉnh thoảng lại nhìn ra ngoài. Chàng nhìn cô gái ái ngại:
- Tôi tên Hoàng, còn cô?
- Em tên Lệ Khanh
- Cô làm gì mà tòa đại sứ muốn bắt cô?
- Em trong đoàn văn công sang Đông Đức trình diễn, em lợi dụng lúc họ sơ hở trốn ra định sang Tây Bá Linh xin tỵ nạn nhưng không biết đường rồi họ phát giác nên đuổi theo, may nhờ gặp anh che chở cho.
- Thì ra cô mượn áo tôi để họ đừng nhìn ra phải không?
- Vâng, lúc nãy em đường đột quá, xin lỗi anh.
- Ồ có gì đâu mà cô cứ xin lỗi mãi
Hoàng nghĩ thầm "người đâu gặp gỡ làm chi?" nhưng không nói ra.

đến trạm kiểm Check Point Charlie thì xe ngừng lại, người tài xế nói:

- I have to let you off here else I'll get into trouble with the Vopo" (chú thích Vopo=Volkspolizei, Công An Nhân Dân Đông Đức)
Hoàng không hiểu nên hỏi lại:

- What do you mean with "Vopo"
- Vopo, polizei, police
- OK, I understand.

Hoàng mở cửa xe, bước xuống, vòng qua bên kia mở cửa đưa tay cho Lệ Khanh vịn mà ra khỏi xe trong lúc anh chàng tài xế vẫn thản nhiên ngồi bên tay lái mà chờ cho hai người xuống xe, khác hẳn thái độ lịch sự của taxi Tây Phương .

Hai người tiến về phía trạm kiểm soát nhưng Lệ Khanh ngần ngừ:
- Em không có một chút giấy tờ nào, Đại Sứ Quán giữ tất cả passports của mọi người trong đoàn. Bây giờ làm sao anh?
- Anh cũng không biết nữa, hay mình cứ làm liều vì lính Đông Đức không còn đứng gác và phía Tây Bá Linh lính Mỹ có vẽ cũng dễ dãi, có gì mình nói là quên passport.
- Hay mình đóng là vợ chồng nếu anh không ngại .
Hoàng nghĩ "Cô này chắc tuyệt vọng với chế độ Bắc Việt lắm nên bằng mọi cách để trốn đi"
- Được rồi mình sẽ tuỳ cơ ứng biến .

Lệ Khanh nhìn Hòang âu yếm khoác tay chàng như một người tình lâu năm làm Hoàng phân vân không hiểu mình may mắn như thế nào mà có trong tay một thiếu nữ xinh xắn, dễ thương như vậy .
Khi đi ngang người Quân Cảnh (MP) Mỹ Lệ Khanh càng đi sát vào người Hoàng hơn, mắt nhìn say đắm làm Hoàng cũng phải nhìn lại âu yếm cho trọn vẹn vai trò . Người MP thấy cảnh tự tình này mỉm cười và phất tay cho hai người cùng cả đoàn người Đông Đức tràn qua bước tường ô nhục .

Vừa qua đến lãnh thổ Tây Bá Linh bỗng nhiên Lệ Khanh như không còn sức đề kháng, bám vào tay Hoàng mà thân hình quỵ xuống, gương mặt tái xanh.

Hoàng cố giữ cho nàng đứng thẳng:
- Mình đang ở bên Tây Bá Linh rồi, cô không cần phải sợ nữa .

Lệ Khanh ngẩng đầu yếu ớt:
- Gần hai ngày rồi em chưa ăn gì cả, em đói và nhọc lắm.
- Ồ vậy tôi đưa cô đi ăn nhé, cô muốn ăn thức ăn Pháp, Đức hay Ý?
- Cám ơn anh, tùy anh thôi em khong biết thức nào ngon, vã lại chắc bây giờ cái gì cũng ngon với em cả. Mấy hôm Đại Sứ Quán cho đoàn văn công chúng em ăn tệ quá, ngày hôm trước lại đi trình diễn đến khuya, về đến Đại Sứ Quán quá giờ ăn nên nhịn luôn.
- Thôi mình đi rồi cô kể chuyện sau nhé

Hoàng giơ tay vẫy một Taxi, bảo đến Kurfuerstendam là nơi trung tâm Tây Bá Linh. Hoàng dìu Lệ Khanh xuống xe, định ghé vào tiệm ăn Pháp bỗng Lệ Khanh giữ tay Hoàng nói:
- Đằng kia có phải là tiệm Mắc Đô Nan không anh?
- Đúng rồi nhưng đó là fast food mà cô
Thấy Lệ Khanh tỏ vẻ không hiểu Hoàng giải thích tiếp
- fast food là thức ăn họ làm nhanh, gọn có thể cầm theo, tôi định đưa cô vào tiệm ăn Tây cho cô thử soupe hành tây chứ McDonald's tôi ăn bên Mỹ chán chê rồi .
Lệ Khanh ngần ngừ
- Thôi anh, em ăn mặc như thế này không tiện vào quán sang trọng; mình vào Mắc Đô Nan đi anh, vã lại ở bên nhà xem phim em vẫn mong có lúc được ăn Mắc Đô Nan để biết văn hoá ẩm thực Mỹ .
Hoàng nhìn lại Lệ Khanh trong chiếc áo bành tô rộng thùng thình của mình thấy Lệ Khanh có lý
- Chết chửa, tôi không để ý, thôi mình qua đó ăn đi chứ vào tiệm Tây này nhiều khi phải đợi cả tiếng mới có bàn rồi cả tiếng sau mới có ăn .
Lệ Khanh cười
- Hai tiếng nữa thì em xỉu trong tiệm mất thôi
Vào McDonald's chỉ 5 phút sau là Hoàng đã bưng ra 1 khay có hai Super combo gồm BigMac sandwich, khoai tây chiên French Fries và nước ngọt
- Ồ cái Wốp Bờ nhìn ngon quá
- không phải Whopper, Whopper là của Burger King
- Em lại nhớ lộn quảng cáo rồi.
Hoàng nhìn Lệ Khanh ngồi ăn ngon lành, thoáng chốc đã gần hết cái BigMac
- Thế ra anh ở bên Mỹ chú không phải ở Tây Đức hở .
- Vâng tôi ở Dallas, tiểu bang Texas, qua đây du lịch và thăm bạn bè .
- Thích quá nhỉ, người trong nước chúng em chỉ mơ đi Mỹ nhưng họ nói đùa với nhau là chúng mình chỉ được đi mưa mà chưa được đi Mỹ đành chờ rùa và ngựa vậy .
- tại sao lại chờ rùa và ngựa ?
Lệ Khanh vừa ăn vừa cười
- Anh không biết chứ trong nước hay nói lái lắm, rùa là Qui, ngựa là Mã, Qui Mã là qua Mỹ. Nói lái để tránh Công An, như Đại Thắng Lợi Bác Hồ lộng kiếng.
Hoàng nhăn mặt
- Thôi cô đừng mang bác Hồ ra
Lệ Khanh cười:
- Đại Thắng Lợi Bác Hồ lộng kiếng là Đợi thắng lại bác Hồ liệng cống đó anh

Hoàng từ lúc gặp Lệ Khanh nhận thấy thiếu nữ này dùng nhiều từ ngữ khác lạ như văn công, Đại Sứ Quán trong khi Hoàng có lẽ dùng Văn nghệ sĩ, Toà Đại Sứ bây giờ lại thêm nói lái nữa làm Hoàng nhớ 1 câu của người bạn, nổi hứng hỏi đùa
- vậy chưa được đi Mỹ cô có biết Có nhiều người Mỹ lai gốc Á hơn người Mã Lai gốc Ý không?
Lệ Khanh đang uống nước vội đặt ly Cola xuống bàn
- Anh làm em suýt tí nữa thì sặc, không ngờ anh cũng nói lái hay như thế, không những hay mà lại đúng sự thật nữa chứ, em phải ghi xuống không quên mất .
- Không phải của tôi mà của người bạn, à cô kể lại chuyện trốn khỏi đoàn văn nghệ hay khỏi Toà Đại Sứ như thế nào, mình ngồi đây một chốc cho bớt lạnh rôi mình đi tìm cho cô quần áo và đôi ủng mùa đông nữa .
Lệ Khanh xịu mặt, bàn tay che bàn tay dưới bàn dấu nét mờ nhạt của nhẫn cưói ghi trên da ngón tay áp út
- Anh cứ tôi cô như thế em không dám làm phiền anh nữa đâu .

Hoàng lúng túng:

- xin lỗi Khanh, vậy cho anh xưng là anh và gọi Lệ Khanh nhé

- Anh cứ gọi em là Khanh, Lệ Khanh là tên trên sân khấu của em.

- Khanh là diễn viên hở?

- Vâng, em đóng phim, kịch và là nghệ sĩ ưu tú.

Hoànng không nói nhưng nghĩ "Sao lại tự khen mình là nghệ sĩ ưu tú", mãi sau này Hoàng mới biết ra "Nghệ Sĩ Ưu Tú" là danh hiệu của nhà nước phong cho, xếp dưới danh hiệu "Nghệ Sĩ Nhân Dân" một bậc

Lệ Khanh không biết ý nghĩ của Hoàng nên tiếp:

- Đoàn văn công của em qua Bá Linh trình diễn cho đồng bào lao động Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng bộ môn kịch nghệ của em thì đi cả ban không được nên em đi để hát thôi chứ không đóng kịch.

- Ồ Khanh vừa là kịch sĩ vừa là ca sĩ. Nhưng gọi là Văn công nghe nó làm sao ấy, như là lao công.

- Em nghĩ là từ chữ "Công tác văn nghệ" mà ra

- Thế ra là Công tác văn nghệ, anh hiểu rồi, Công tác văn nghệ không gọi là công văn được vì công văn đã có nghĩa là văn bản công cộng, và cũng không gọi là công nghệ được nên đổi là Văn công, thật là dớ dẩn .

Khanh cười:

- Em không nghĩ ra như thế, chỉ nghe quen tai thôi. Nhưng có nhiều từ mà anh nghe chắc khó chịu lắm như Ngoan cố là dành cho học sinh ngoan ngoãn và cố gắng.

- Chao ơi thế Kontum và Pleiku nếu hợp lại thì gọi là gì?

Khnah buột miệng:

- Chắc là Kon ... (chợt biết Hoàng ghẹo) anh thật ma mãnh quá đi.

Hoàng mỉm cười:

- Lâu lắm rồi anh mới nghe lại chữ Ma mãnh, em chắc người Hà Nội.

- Vâng em chính người Hà Lội vì Hà Nội hễ mưa là xắn quần lội suốt

- Còn em trốn từ nơi trình diễn hay từ Toà Đại Sứ.

- Từ nơi trình diễn, chứ ở Đại Sứ Quán lúc nào cũng có người canh chừng, ngay trong phòng chúng em thay quần áo cũng có máy quay kiểm soát, làm chúng em thay quần áo phải nhờ nhau chăng vải che người đấy. Cổng sắt cao thì lúc nào cũng khóa và dĩ nhiên cũng có máy quay phim.

Hôm trước em đi hát, có gặp một người chị họ kể chuyện biến động ở Berlin và chị ấy nói sẽ tìm cách qua Tây đức theo đường Bá Linh, chứ không muốn tiếp túc làm lao động Xã Hội Chủ Nghĩa nữa.

- Lao  Động Xã Hội Chủ Nghĩa là gì anh không hiểu

- Là người từ Việtnam được đi làm việc tại các nước Xã Hội Chủ Nghĩa đó ạnh. Sau thống nhất thì đó là con đường duy nhất để đi nước ngoài hợp pháp. Muốn đi còn vất vả và tốn kém chạy chọt lắm, vậy mà khối người mong muốn được đi dù sang bên đây làm việc nạng lại còn bi bức hiếp bởi chủ và nhân viên Đại Sứ Quán

- Thế em đi thì gia đình ở Việtnam có hề gì không?

- Chắc cũng gặp chế độ khó khăn, nhưng thà như thế mà em ở lại nuớc ngoài kiếm đuợc tiền gửi về nuôi co .. ơ nuôi bà con, gia đình .

- Khanh định làm nghề gì để kiếm tiền ?

-Em chưa biết nữa, Việc lao động chân tay thì hơi khó với em . Nghe anh Bằng Kiều nói thì có thể em xin hát cho Thuý Nga Paris By Night, anh Bằng Kiều nói thu nhập mỗi lần đi hát Ở một thành phố đến cả 7,8 nghìn đô.

- Hoàng nghĩ thầm "Dân ca hát kiếm nhiều thế ư?" nhưng tế nhị không nói ra ngại làm mất hy vọng của Lệ Khanh.

- Anh mong Khanh cũng khá như Bằng Kiều .

Hoàng lặng ngắm Lệ Khanh với nét duyên dáng, nhí nhảnh hơi điệu bộ một chút nhưng bụng bảo dạ "Người ta là diễn viên đóng kịch, đóng phim mà".

Lệ Khanh kể tiếp:

- "Hôm qua trong buổi trình diễn, em hát xong vào hậu truờng để chờ lại đến phiên mình chọt thấy 3 người Công An có nhiệm vụ canh chừng chúng em đang lén nhìn các cô thay quần áo nên thả lỏng việc canh gác, em không kịp lấy thêm áo ngoài mà lách ra đường rồi chạy một mạch mà khôn biết là đang ở đâu đến lúc gặp anh. Đúng là ơn trên giúp em cho anh là thiên sứ gíang trần cứu em.

- Anh kông dám là  Thiên Sứ đâu, em người Công giáo hở ?

- Vâng, nhà em đạo gốc, tên thánh em là Teresa, còn anh đạo gì ?

- Tên thánh anh là Marcus hay Mark.

Hoàng từ ngày sang Mỹ lo làm ăn nên vẫn độc thân vì chưa cảm thấy đã gặp người hợp tính hợp tình với mình, ngày trước anh có say mê một người con gái nhưng sau đó cô ta bỏ anh đi theo một Bác Sĩ. Hoàng phải mất một khoảng thời gian để tìm lại quân bằng tâm trí, chàng đã làm một bài thơ về tâm trạng lúc đó của mình

Từ khi nhận lấy phần thua

Từ khi nhận lấy phần thua

Tôi vào chỗ khuất, tranh đua mặc đời

Bồng bềnh tâm khảm triền khơi

Bỗng nghe tiếng gọi à ơi ngọt lừ

Đâu là thật, đâu là hư

Nhớ lần tỉnh mộng đau nhừ xác thân

Đã quên cung cách ân cần

Quên lời nói ngọt quên phần đón đưa

Tôi quen bóng tối dư thừa

Cái lòng sợ nắng ngăn ngừa bước đi

Thật ra cũng chẳng còn gì

Để cho hay nhận,

thôi thì

lặng câm.




Hai người nói chuyện rỉ rả một lúc, Hoàng chợt nhớ ra:

- Ấy chết anh phải đưa Khanh đi quần áo mùa đông nữa chứ

Lệ Khanh chần chừ:

- Thú thật với anh em không có tiền trong người, khi đi chính phủ phát cho mỗi người trong đoàn $25 đô la một ngày, nhưng chuyển cho Sứ Quán phát từng ngày. Đó là tiêu chuẩn cao chứ các anh trong Sứ Quán nghe nói cũng chỉ được thế thôi. Vã lại việc ăn uống Sứ Quán trên nguyên tắc lo nên đa phần anh chi em nghệ sĩ để dành tiền mua quà hay mang về cho gia đình. Tiền của em mấy ngày nay gom góp lại để trong ví trong phòng thay quần áo lúc lén trốn đi không mang theo được. Phải nhờ cậy anh, em ngại quá

- Em đừng ngại khi nào đi hát được 7,8 nghìn đô la một tối thì trả lại anh cũng được.

- Thế thì cho em chịu nhé anh.

- Anh đùa thôi, bây giờ ta đi nha.

Hoàng đưa Lệ Khanh vào KaDeWe viết tắt của Kaufhaus des Westens, Trung tâm Thương mại Tây (Berlin). Tiệm Bách Hóa này có lịch sử gần 100 năm từ năm 1902, có lúc đã là Thương Xá lớn nhất Châu Ậu. Thời Đức Quốc Xã nắm quyền, chính sách dân tộc siêu đẳng (Master Race) và bài trừ dân Do Thái của Adolf Hitler đưa đến việc chủ nhân gốc Do Thái mặc dù đã sinh sống mấy đời trên nước vẫn bị ngược đãi và tịch thu tài sản. Hàng triệu người Do Thái bị đưa vào trại tập trung, bị cưỡng bức lao động và đưa vào lò sát sinh, giết bằng hơi độc Zyklon B. Đây là một mối nhục cho nhiều thế hệ người Đức cấp tiến.

KaDeWe đặc biệt có 1 Hành Lang Hàng Hiệu với các thưo8ng hiệu nổi danh nhất thế giới như Bulgari, Burberry, Cartier, Céline, Chanel, Chopard, Dior, Fendi, Gucci, Hermès, Miu Miu, Montblanc, Longchamp, Louis Vuitton, Prada, Rolex, Tiffany & Co., Tod's, Vertu, Wellendorff ,Yves Saint Laurent.

Lệ Khanh vào Thương Xá sang trọng mà ngẩn ngơ như Alice vào Cõi Nhiệm Mầu, lại vào dịp Giáng Sinh nên sự trang hoàng càng tráng lệ với cây thông cao đến 20m

giăng đầy đèn xanh đỏ cùng các quả cầu vàng bạc chiếu lung linh như ngàn sao. Hàng hóa tràn ngập, người mua sắm như thác.

Lê Khanh cứ xuýt xoa

- Ôi sao mà hoành tráng thế anh?

- Em muốn nói là hoàng tráng, huy hoàng tráng lệ phải không?

- Bây giờ trong nước gọi là hoành tráng đó anh.

Hoàng nghĩ "Khanh nói đa phần thay vì đa số, và hoành tráng thay vì hoàng tráng, mình lạc lỏng với tiếng Việt trong nước rồi"

- Em cần áo choàng đó, em lựa đi.

- Em thích cái áo lông thú như Lara mặc trong phim Dr. Zivago.

- Bây giờ ở Đức người yêu thú vật phải đối nên các cửa hàng không bán áo lông nữa Khanh ơi. Có lần một cô tài tử bị tạt sơn vào áo lông đó, nên người ta làm áo lông giả thay cho.

- Thôi áo giả ở Đông Đức nhiều người gạ bán cho em rồi mà em không mua.

Cuối cùng Lệ Khanh lựa được một áo Versace.

Đi qua một quầy bán mỹ phẩm, cô bán hàng mời Lệ Khanh lên ghế đế trang điểm và nói với Hoàng:

- Ihre Frau ist wunderschoen, ich wuerde mich freuen, sie noch schoener zu machen.

- Sorry, we don't speak German

- Your wife is very beautiful, I'd be glad to make her more gorgeous. You'll see.

- Thanks!

Lệ Khanh hỏi trong khi cô khuyến mãi thoa lên mặt kem làm sạch

- Cô ấy nói gì thế anh?

- Cô nói "Vợ ông đẹp tuyệt trần và cô sẽ rất vui làm cho em đẹp hơn"

- Em thích phần đầu hơn

- Vì nói em đẹp hở

- Không phải ...

- Chứ vì sao?

Hoàng nghĩ "Không lẽ Khanh thích câu Vợ ông đẹp tuyệt trần mà không phải vì đuợc khen đẹp".

Hoàng bồi hồi nhìn ngắm một dung nhan vốn đã đẹp rạng rỡ, nay dưới bàn tay khéo léo và mỹ phẩm cao cấp càng lúc càng đẹp hơn, gương mặt dược lau sạch bụi cả ngày ngoài đường rồi thoa phấn mịn màng, đôi môi biến đổi nét nhớt nhạt vì lạnh sang một màu hồng thăm và đôi mắt, lạy Chúa tôi, dôi mắt to lại càng to hơn với shadow màu xanh nhạt và làn mi dài ra với mascara đen nhánh. Đôi mắt nhìn Hoàng long lanh, vừa quyến rũ vừa pha nét cảm phục và biết ơn làm Hoàng xao xuyến, trong người như có nghìn bươm bướm bay lượn.

Tuy là trang điểm miễn phí nhưng nhìn thấy người đẹp đi với mình bị ngộ nhận là vợ vừa được tăng phần mỹ miều qua bàn tay chuyên nghiệp người đàn ông nào mà chẳng vui và tỏ ra hào phóng . Hoàng cũng không thoái khỏi điều này, đưa tặng cô bán hàng $20.

Lệ Khanh ngắm diện mạo mình trong gương cũng vui thích vô cùng, hai  người cám ơn cô bán hàng và tiết tục cuộc mua sắm. Lệ Khanh khoác chiếc áo Versace đẹp nhìn càng duyên dáng khoác tay Hoàng đi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác. Hoàng hơi ngạc nhiên tại sao Lệ Khanh ở Việt nam mà biết chọn toàn thương hiệu đắt tiền nổi tiếng thế giới, có lần Hoàng đề nghị một cái áo không có hiệu nổi tiếng thì Lệ Khanh chỉ xem lấy lệ để khỏi làm mất lòng Hoàng, nhưng Hoàng trong cái sung sướng và hãnh diện được người đẹp như hoa hậu, người mẩu hay tài tử trông cậy, khoác tay nên chẳng để ý đến giá tiền, cứa đưa thẻ Visa ra mà cà .

Ba tiếng sau hai người rời KaDeWe với một chục túi trên tay Hoàng chưa kể đồ mặc trên người của Lệ Khanh.


Trên Taxi Hoàng hỏi:

- Anh đặt phòng ớ hotel cho em rồi, mình về nghỉ đi. Hôm này đi cả ngày chắc em mệt lắm.

- Em ở một mình một phòng hở anh.

- Em đừng sợ, anh đăt phòng bên cạnh rồi.

- Em có anh bên cạnh nên chả thấy mệt hay sợ, làm anh tốn tiền em không biết lấy gì đền bù anh.

Hoàng cũng không nhớ là mình đã trả bao nhiêu tiền cho quầa áo Lệ Khanh nữa . Vào khách sạn hai người vào phòng riêng có cửa thông nhau. Hoàng vào phòng mà ngẩn ngơ như người đi lạc còn Lệ Khanh tắm xong ra mặc lại từng chiếc áo, cái quần mới mua trước tấm gương cao hai thước.

Hoàng lên giường thao thức mãi đến hai giờ sáng mới chợp mắt, bỗng nghe Lệ Khanh gõ cửa thông, Hoành hỏi qua cánh cửa

- Có gì vậy Khanh?

- Hoàng ơi em sợ, em sợ .. bóng tối

- Thì em bật đèn đầu giường

- Bật đèn thì em lại không ngủ được, Anh cho em sang, em nằm dưới sàn cũng được.

Hoàng mở cửa cho Lệ Khanh vào và nói

- Chết, sao lại để em nằm dưới sàn vậy, em nằm trên giường đi, để anh nằm dưới sàn cho.

Lệ Khanh trải cái chăn nàng mang theo

- Làm phiền anh quá

Mỗi người nằm một nơi nhưng người này lại đắp chăn người kia, mùi da thịt người lạ ngây ngất .

- còn tiếp -

Phạm Doanh




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả