PHẠM KHANG:bong::bong:

THƠ KHÔNG TỰ GIẤU MÌNH TRONG TÂM THỨC ĐÃ ĐỊNH SẴN…
(Những tản mạn về Thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI)

Vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX, đổi mới như một làn gió mới đem đến cho thơ một sức sống mới. Gạt bỏ và từ chối lối điều hành xã hội, kinh tế theo cơ chế quan liêu, bao cấp đã tạo nên một môi trường sáng tác cởi mở hơn, mạnh dạn hơn đối với các nhà thơ. Xuất hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ đây mọi công dân nếu có tác phẩm đều có quyền xuất bản để công bố tác phẩm trước công chúng, không phải xếp hàng chờ đến lượt mình được in thơ như ở thời bao cấp. Hồi ấy nhà thơ nào có thơ in được lĩnh nhuận bút của nhà nước, nhưng nó cũng là hệ lụy của cơ chế xin cho, nhiều khi được xem như là đặc ân của cấp trên, của nhà xuất bản. Sang thế kỷ XXI, nước ta thụ hưởng rất nhiều từ những hội nhập, liên kết trong nước, quốc tế và khu vực. Như liên kết và hội nhập: WTO, ASEAN, APEC, tiểu vùng MÊKONG và sự bùng nổ của Intenets, sự ra đời các trang mạng, những Bloog cá nhân đã có những tác động mạnh mẽ tới tiến trình phát triển và hội nhập của thơ Việt Nam hiện đại.

Thế nhưng, người ta cũng nhận ra một sự thật là: Thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI chưa có nhiều thành tựu tương xứng, chưa có nhiều cây bút bứt phá nổi bật trên thi đàn. Nhìn chung còn hạn chế về thành tựu, thơ chưa phản ánh sinh động, kịp thời những đổi thay to lớn trong đời sống xã hội của quê hương đất nước, quan niệm sống của giới trẻ, sự phản kháng của những quan niệm cũ, lối suy nghĩ ngụy biện và thói bảo thủ cực đoan trước những giá trị mới của thời đại.

Thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI vẫn còn một số người viết để mà viết. Cảm xúc trống rỗng, tự yêu mình, bảo thủ đối với những cái mới, yêu thì khen hết lời, ghét thì chối bỏ. Đó là lối thơ dễ làm người đọc phản cảm, quay lưng lại với thơ. Lối thơ truyền thống vẫn là sân chơi chủ yếu của rất nhiều nhà thơ. Truyền thống là không nên bỏ, nhưng phải là thứ thơ truyền thống có hồn, tải được cái mới, cái bức xúc của thời cuộc, nhân tình chứ không phải là thứ thơ truyền thống dàn trải, vô thưởng vô phạt về nội dung và hình thức. Có rất nhiều nhà thơ hiện đang rơi vào tình trạng này. Thơ ngâm vịnh, thơ đề tặng, thơ đặt hàng…là những sản phẩm rất dễ phi thơ, rất dễ đánh chết một nhân cách thơ, một nền thơ.

Sự quan tâm của giới chức, Hội, Ban thơ nhiều lúc chưa kịp thời nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nhiệt tâm sáng tạo của các nhà thơ. Rất ít có những chuyên luận mang tính gợi mở, khoa học về diễn trình và thực trạng của thơ Việt hiện đại. Đôi lúc có bài đăng nhưng còn quá sơ lược, nghiêng nhiều về cảm nhận hơn là mang tính khoa học về thơ.

Điều đáng buồn là thơ của các nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, các hội viên thơ của các hội văn nghệ địa phương xuất bản lại rất ít. Việc phải bỏ tiền ra in thơ, in xong đem biếu, đem cho quả là chuyện không dễ dàng một chút nào đối với các nhà thơ của chúng ta.

Thơ của nhiều bản hội, làng xã, cơ quan xí nghiệp, thơ của người có tiền đem in đã làm cho giá trị của thơ phần nào đó bị hạ thấp. Nhiều khi trắng đen lẫn lộn, nạn đạo thơ xảy ra ngày một nhiều, khiến cho người đọc mất phương hướng, dẫn đến mất cảm tình với thơ, xem nhẹ thơ.

Lâu nay tôi vẫn cho rằng nhiệm vụ quan trọng của thơ cho dù đó là thơ cách tân, thơ hiện đại, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại…hay được gọi là gì đi chăng nữa thì nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là tạo ra một nhu cầu mới. Thơ mới hiện nay ở nước ta, đối chiếu với phương Tây là thơ hiện đại sau những năm 1930, hay hậu hiện đại sau những năm 1970. Như vậy là các nhà thơ Việt Nam dù thừa nhận hay chối bỏ cũng phải bằng lòng đứng chung vào dòng thơ hiện đại đúng với thời sống của nó.

Tôi không hoàn toàn đồng ý với một ý tưởng thống trị cho rằng thơ là cõi mơ hồ. Nói như thế là chỉ hiểu được một khía cạnh của vấn đề thơ hiện nay. Theo tôi, thời nào thơ cũng đều tấn công vào các giá trị đã xác lập, vào thói quen thẩm mỹ của công chúng thời ấy. Do đó các nhà thơ hiện nay phải học nhiều, có kiến thức về nhiều lĩnh vực: lịch sử, triết học, khảo cổ, luật học, vật lý, toán học, hóa học, y học, thiên văn học…v.v.

Nhà thơ không tự giấu mình trong một tâm thức đã định sẵn của thiên tài mà thay vào đó anh ta phải đi vào đời sống, gắn bó với đời sống, khổ đau và sung sướng cũng từ đời sống. Một đời sống có thật là cái nôi để các nhà thơ sáng tạo nên tác phẩm của mình. Khác với thơ cổ điển hay truyền thống, trong thơ hiện đại ý tưởng, trí tuệ không bao giờ đi một mình, bao giờ cũng đi kèm, hoặc thúc đẩy, hoặc bị lôi kéo, hay được trộn lẫn vào nhau, với những cảm xúc tương hợp.

Thơ mới ngày nay có cách nói thẳng thắn, có cái nhìn chính trực, rõ ràng đối với bản thân. Luôn gắn sự kiện phản ánh vào bản thân, xem bản thân cũng là người chịu trách nhiệm trước sự hài lòng hay không hài lòng của hiện thực đời sống. Vấn đề là cầu nối giữa thơ hiện đại với người đọc, hình như vẫn còn có sự bất đồng, tất nhiên điều đó rơi vào những người đọc có vốn văn hóa thấp. Bởi viết một bài thơ mới là cố gắng tạo ra một hình thức sống mới. Để có một nền thơ Việt Nam tương lai theo như mơ ước của chúng ta thì phải cần có ba yếu tố quyết định: Các nhà thơ mới, những người đọc mới, các nhà phê bình mới.

Trích tham luận tại Hội thảo thơ Việt đầu thế kỷ XXI
PK…

Ảnh



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả