TUỆ MỸ

BÌNH BÀI THƠ "NGỰC NÚI" CỦA LÊ VĂN HIẾU

( rút từ tập " Cứ Thế Mà Lớn Lên ) NXB HNV 2016 )

**

NGỰC NÚI

*
Trên đôi mắt cãi vã
Và gió chiều
Ta chợt thấy đôi vú héo
Treo.

Treo đàn con đen đúa
Nhuộm sắc mặt trời
Ngực vú cao hơn ngực núi
Treo.

Treo đôi môi nhúp nhép
Mũm mĩm cười
Treo cái no cái đói
Mạch ngầm-suối reo

Treo khẽ nồng men lá
Treo vạm vỡ trần
Treo cánh cung-sợi ná
Treo căng

Trái tim ta căng cao rồi đó
Trên miệng trẻ con cười
Trên mắt trẻ con thiu thiu ngủ
Như là chiêm bao

Ta hít sâu men lá
Hít sâu hơi thở rừng
Cái Bụng ta no đầy Rượu và Sữa
Cứ căng tròn đôi vú héo, đến chon von

(Lê Văn Hiếu)

Lời bình của Tuệ Mỹ:

Nhiều tác phẩm văn học viết về miền cao thường gây cho người đọc sự choán ngợp bởi cái hùng vĩ của núi rừng cao nguyên , bởi cái rộn ràng của tiếng chiêng cồng hay bập bùng ngọn lửa...Riêng Lê Văn Hiếu thì khác.Viết về cao nguyên, ngòi bút của anh lại hướng về con người. Nên ngay từ khi mới bước vào không gian thơ của "Ngực núi", người đọc bất ngờ, thảng thốt khi bắt gặp hình ảnh "đôi vú héo" của người mẹ cao nguyên. Mang con theo bên mình khi lao động trên nương rẫy là đặc điểm rất riêng của người mẹ miền cao. Người đọc đã từng gặp họ qua trang thơ của Tố Hữu " Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô" hoặc qua "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm. Cũng viết về họ nhưng Lê Văn Hiếu không nói đến "lưng mẹ", "địu con" mà là "ngực vú", tức là nói về lúc mẹ cho con bú. Người mẹ miền cao cho con bú trong thơ Lê Văn Hiếu có gì đặc biệt ? "Đôi vú héo/ Treo". Không phải bầu vú tròn căng sữa mà là vú "héo" lại "treo". Từ "treo" đơn độc nằm trên một dòng thơ đã khắc nổi tư thế mẹ cho con bú (đứng hoặc đi). Ở tư thế đó, đôi vú mẹ thòng xuống tóp teo trông đến tội nghiệp. Càng thương hơn khi tác giả đặt mẹ vào thời điểm trời chiều lộng gió "gió chiều". Phải chăng đây là lúc mẹ đã khép lại một ngày vất vả đi tìm kiếm cái ăn , cơ thể mẹ đã rã rời.
Mẹ là vậy còn con của mẹ thì sao :
-Treo đàn con đen đúa
Nhuộm sắc mặt trời
-Treo đôi môi nhúp nhép
Vú mẹ "treo" thì con cũng phải "treo" thì mới bú được. Thật khác với cảnh tượng người mẹ miền xuôi cho con bú qua trang thơ Mai Văn Phấn "Chiều nay em cho con bú (...)Căn phòng mình chẳng còn những bức tường bao quanh và không gian thành thời gian thánh thiện, khi anh mải mê nhìn vầng ngực em dâng đầy như biển cứ thu mình vào miệng con be bé xinh xinh". Cũng cùng thời điểm buổi chiều nhưng chiều trong thơ Lê Văn Hiếu dữ dội và đìu hiu chứ không thơ mộng như trong thơ Mai văn Phấn. Không gian mẹ cho con bú trong thơ Lê Văn Hiếu là mênh mông núi đồi lộng gió chứ không phải " Căn phòng" "Không gian thành thời gian thánh thiện" .Vú mẹ "héo" chứ nào phải "dâng đầy như biển". Và đứa con phải "treo" trên ngực mẹ chứ không nằm trong vòng tay mẹ ấp ôm . Hình ảnh mẹ cho con bú dù xuất hiện trong khung cảnh nào cũng là hình ảnh đẹp về tình mẫu tử thiêng liêng. Vì đó là lúc mẹ cho con sự sống bằng nguồn sữa từ cơ thể mình. Nhưng nhìn"đôi vú héo /Treo" ai mà không động lòng trắc ẩn.Và vì thế ý nghĩa thiêng liêng càng đậm hơn. Có lẽ từ ý nghĩa đó mà tác giả có cái nhìn :
Ngực vú cao hơn ngực núi
Câu thơ trên đã gợi nhớ đến câu thơ này của Nguyễn Khoa Điềm "Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ". Cũng là so sánh nhưng so sánh của Nguyễn Khoa Điềm là so sánh thuận lý trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên nhằm làm nổi bật sự vất vả, khó nhọc của người mẹ phải tỉa bắp trên mênh mông lưng núi. Còn so sánh của Lê Văn Hiếu thì ngược lại. Tuy nghịch lý với thực tế nhưng lại thuận lý với trái tim thi sĩ. Trong cảm quan của nhà thơ, có lẽ tầm cao của "ngực vú" được đo bằng giá trị của sự sống khởi nguyên (Vú mẹ cho con sự sống thuở con lọt lòng). Một kết quả tốt đẹp chẳng phải bắt nguồn từ một khởi nguyên tốt đẹp? "Ngực núi", hình ảnh biểu trưng cho làng bản, quê hương được hình thành chẳng phải từ bàn tay của những con người từng được "treo" trên ngực mẹ thưở ẩu thơ?
Từ hình ảnh vú mẹ "treo", đàn con "treo", Ta lại liên tưởng đến những điều sâu xa hơn :
-Treo cái no, cái đói
-Treo khẽ nồng men lá
Treo vạm vỡ trần
Treo cánh cung- sợi ná
Có lẽ trong suy nghĩ của nhà thơ, đời sống cao nguyên từ vật chất đến tinh thần đều có liên quan đến "ngực vú". Từ "cái no cái đói" đến hơi thở của quê hương "men lá"; từ sức vóc và sự trưởng thành của con người "vạm vỡ trần" đến những phương tiện săn tìm sự sống "cánh cung-sợi ná" đều có khởi nguyên từ "ngực vú". Từ "Treo" được sử dụng ở bốn khổ thơ đầu đã tạo nên một trường liên tưởng độc đáo.
Cảm xúc về "ngực vú" như lan tỏa rồi dồn tụ ở :
Trái tim ta, căng cao rồi đó
Trên miệng trẻ con cười
Trên mắt trẻ con thiu thiu ngủ
Như chiêm bao
Nếu ở khổ thơ đầu "Ta chợt thấy đôi vú héo" thì đến đây "Trái tim ta căng cao". Quả là đúng với quy trình từ Ánh mắt đến Trái tim, từ Nhận thức đến Tình cảm. Từ chỗ "thấy" đôi vú héo treo, "thấy" đàn con treo nên "Trái tim ta căng cao" cảm xúc. Tim ta chất chứa bao nỗi niềm: thương cảm cho đời sống đói nghèo, chông chênh của đồng bào miền núi, thương cảm cho các mẹ, các chị nơi rẻo cao phải lặn lội gieo neo nơi đầu suối, cuối rừng để tìm kiếm cái sinh tồn. Nhưng trên cùng là niềm tự hào về cội nguồn của sự sống. Chẳng phải "ngực vú" kia là nguồn sống của đàn con, những chủ nhân tương lai của đất nước? Nếu không có "ngực vú" thì làm sao " miệng trẻ con cười", "mắt trẻ con thiu thiu ngủ". Sự sống thực sự bừng trỗi dậy từ miệng trẻ cười, mắt trẻ ngủ. Và cứ thế, sự sống được tiếp nối, nòi giống được truyền đời. Mà có con người thì mới có đất nước. Nhà thơ Hải Kỳ cũng suy nghĩ như thế " Đất nước/ Sinh ra từ ngực đàn bà". Điều đó cũng đã lý giải vì sao hình tượng trung tâm của bài thơ là "Ngực vú" mà tiêu đề bài thơ lại là "Ngực núi".
Vì nhận thức như thế nên Ta rất vui. Tâm hồn Ta như cất cánh đắm mình vào thiên nhiên núi rừng để " hít sâu men lá/ Hít sâu hơi thở rừng". Ta như hóa thân thành đứa con đã từng "treo", từng lớn lên từ "đôi vú héo":
Cái Bụng ta no đầy Rượu và Sữa
Cứ căng tròn đôi vú héo, đến chon von
Hết "căng cao" rồi đến "căng tròn", quả là cảm xúc của Ta đã dâng đến tận cùng. Kỳ diệu thay, "đôi vú héo" mà nuôi được cả đàn con khôn lớn trưởng thành. "Héo" mà làm sinh sôi, tươi tốt cả làng bản, quê hương. Hình ảnh "đôi vú héo" đã mang một ý nghĩa khái quát về sự hy sinh lặng thầm của mẹ ta và về cội nguồn của sự sống. Vậy nên trong cảm xúc "căng tròn" đó không thể không dào lên một sự hàm ơn và cảm kích đối với người đã cho ta sự sống, đối với cái khởi nguồn cho sự sinh sôi. Ngẫm ra điều kỳ diệu từ "đôi vú héo", tâm hồn ta lúc này như đang bay, đang say. Bụng Ta chẳng những no đầy "Sữa" mà còn no đầy cả "Rượu" nữa. Ta mở toang lồng ngực để "hít sâu" cái "men" của lá, cái "hơi thở" của rừng. Ta muốn nhựa sống cao nguyên chảy tràn trong từng đường gân, mạch máu, ngấm vào từng hơi thở, nhịp tim Ta. Có thể nói cả đất trời cao nguyên lúc này đã hóa thành men rượu say. Cái men say đó đã được ủ từ "đôi vú héo" .Nó lan tỏa, chắp cánh cho hồn thơ Ta thăng hoa đến tận "chon von". Có lạ không, chỉ là khách thôi mà sao Ta lại nặng lòng với mảnh đất đầy nắng, đầy gió này đến thế? Chỉ là người dưng thôi mà sao Ta lại yêu cái rẻo cao này bằng tình yêu máu thịt? Và "đôi vú héo" kia sao cứ mãi là niềm thao thiết lòng Ta?
Viết về đề tài đã cũ nhưng qua "Ngực núi", Lê Văn Hiếu có cách thể hiện mới và sáng tạo. Theo dòng cảm xúc của thi sĩ, hình tượng thơ "đôi vú héo" chuyển động trong bài thơ rất hợp lý. Mở đầu và kết thúc bài thơ đều xuất hiện hình ảnh này, nó không chỉ nâng cảm xúc nhà thơ lên trọn vẹn mà còn làm nổi bật chủ đề bài thơ. Ngôn ngữ thơ không dễ dãi, sáo mòn cũng không mỹ từ bóng bẩy mà rất mộc mạc nhưng mang nhiều tầng nghĩa sâu sắc lại giàu sức gợi. Không vần vè cũng không trầm bổng du dương nhưng bài thơ đã gây ấn tượng về giọng điệu nhiều cung bậc. Bốn khổ thơ đầu mang giọng điệu trầm tĩnh. Có lẽ lúc này Ta đang suy ngẫm khi nhìn thấy "đôi vú héo/Treo". Nhưng sang hai khổ thơ cuối giọng thơ trở nên sôi nổi say mê. Vì đó là lúc Ta đã ngẫm ra điều kỳ diệu từ "đôi vú héo". Và say mê, tự hào vẫn là âm hưởng chủ đạo toàn bài thơ. Tất cả những thủ pháp đó đã tạo được hiệu ứng thẩm mỹ đối với người đọc.
Thơ Lê Văn Hiếu không phải thuộc dạng "siêu thơ" nhưng để gõ cửa bước vào ngôi-nhà-thơ của anh thì thật không phải dễ. Bài thơ "Ngực núi" đã ghi dấu ấn về một hồn thơ dồi dào nội lực và một phong cách thơ rất Lê Văn Hiếu.


TUỆ MỸ
Quy Nhơn, 17/6/2017

 



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả