PHẠM KHANG:bong::bong:

SỰ HIỆN DIỆN PHONG PHÚ VÀ ĐẶC SẮC 


CỦA VĂN HÓA CHĂM PA Ở THANH HÓA


Thanh Hóa là một miền đất mở, nơi được coi là hội tụ và giao lưu văn hóa với khu vực và quốc tế. Đồng hành cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, xứ Thanh xưa và nay luôn diễn ra giao lưu, hội nhập, tiếp biến và tái tạo văn hóa, tinh lọc thành giá trị, làm nên sắc thái văn hóa tỉnh Thanh, góp phần làm cho bản sắc dân tộc Việt Nam thêm phong phú, độc đáo trong đa dạng. Giao lưu và tiếp xúc của cư dân Việt cổ xứ Thanh với văn hóa khu vực, hải đảo và văn hóa Chăm Pa có từ rất sớm.

Người ta nhận thấy: Tương ứng với văn hóa Bắc Sơn – thời đại đồ đá mới ở phía Bắc Việt Nam, ở Thanh Hóa là văn hóa Đa Bút; Tương ứng với văn hóa Hạ Long (phía Bắc), Bàu Trò, Xóm Cồn (miền Trung) xứ Thanh có văn hóa Hoa Lộc, Gò Trũng. Thanh Hóa là nơi phát tích của nền văn hóa Đông Sơn, nhưng di chỉ văn hóa này chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn hóa sông biển tiền sử Việt Nam.

Qua những di chỉ khảo cổ học người ta thấy Thanh Hóa là một vùng đất cổ có cộng đồng cư dân thuộc văn hóa Đa Bút (núi), Hoa Lộc (biển), Đông Sơn (đồng bằng) từ vùng trước núi, tiến xuống đồng bằng và tràn ra các cồn cát ven biển để chiếm lĩnh biển khơi.

Nói tới văn hóa duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam phải nói tới người Chăm và văn hóa Chăm. Lịch sử dù có biến động, đổi thay thế nào thì người ta vẫn không thể phủ nhận sự tồn tại của vương quốc Chăm Pa từ thế kỷ II đến thế kỷ XV trên khu vực miền Trung Việt Nam, khu vực từ Đèo Ngang đến Đèo Cả - Đại Lãnh. Vương quốc Chăm Pa được phân bổ theo 4 vùng lớn ở các đồng bằng nhỏ ven biển: Aarravaty, Vijaya, Khautaara và Panduranga. Văn hóa Chăm Pa có cội nguồn nảy sinh từ văn hóa Sa Huỳnh. Người Chăm Pa là con cháu của người Sa Huỳnh cổ. Văn hóa Chăm Pa tiếp thu và ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.

Là vùng đất của “tam vương, nhị chúa” với các cuộc “Nam tiến” của Lê Hoàn (năm 982), Lê Thánh Tông (1471), Nguyễn Hoàng (1611), “Bắc tiến” với phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn của Tây Sơn (1788)…văn hóa Chăm duyên hải Nam Trung bộ luôn đồng hành với các vương triều này và lưu dấu ấn sâu đậm trên đất Thanh Hóa trên nhiều phương diện: trong đời sống, phương thức sản xuất và canh tác, giao lưu văn hóa tộc người, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 979, vua Chăm là Rameshvaravarman I đã cử hạm đội tấn công Hoa Lư (Ninh Bình) nhưng lại bị thất bại sau một trận bão. Năm 982, Lê Hoàn đã cử 3 sứ thần sang Indrapura, sau khi các sứ thần bị giam giữ, vua Lê Hoàn đã quyết định tấn công Chăm Pa. Trong cuộc chiến này Lê Hoàn “bắt sống được tướng sĩ không biết bao nhiêu mà kể” đưa về Đại Việt lập nên các làng tù binh người Chăm khai khẩn đất hoang. Cũng theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, đến thế kỷ XV vào năm 1471 sau bốn ngày giao tranh, vua Chăm là Trà Toàn bị bắt sống và được đưa về Thăng Long bằng thuyền. Trong đám tù binh ấy có ít nhất 30.000 bị bắt làm nô tỳ cho quân Đại Việt.

Trong cuốn “Vĩnh Lộc huyện phong thổ chí lược” của Bùi Dương Lịch thì Quận công Lê Thọ Vực người huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã đem tù binh Chiêm Thành về đây lập Sở Đồn điền và dựng nên nhiều làng xã mới quanh vùng. Chales Robequain trong cuốn “Tỉnh Thanh Hóa” xuất bản năm 2012 nhận định: “Rất nhiều vùng quần cư khác đã viện ra một ông tổ người Chăm đã từng giúp vua Lê Lợi đánh thắng quân Trung Hoa, và không rõ tên. Vào năm 1478, vua Lê Thánh Tông đã cho hậu duệ người ấy được phép khai khẩn trên nhiều điểm trong tỉnh, những đất đai sau này sẽ trở thành tài sản riêng của họ, coi như của kế thừa. Như vậy, đã lập nên 38 làng, giữa những làng khác trong huyện Nông Cống (Thanh Hóa): Đồng Lương, Thanh Ban (tổng Vạn Thiện), Lê Đông (tổng Hữu Định), Ngọc Uyên (tổng Cổ Định, tổng này có người Chăm tên là Đỗ Chế Mân, khi mất được chôn cất trong đất của chúa Ngọc Uyên), Đô Xá (tổng Đô Xá); trong phủ Quảng Hóa, Phú Sơn (tổng Cao Mật); trong huyện Yên Định, Đồng Tình (tổng Đa Lộc), Chú Lai và Mai Trang (tổng Đông Lý); trong huyện Hậu Lộc, Du Trường (tổng Du Trường); trong phủ Hoằng Hóa, Nghĩa Phú (tổng Dương Sơn); trong phủ Tĩnh Gia, Liên Hồ (tổng Liên Trì)…”

Những làng ở Thanh Hóa có binh lính người Chăm bị quan quân người Việt giam giữ làm nhiệm vụ khai khẩn đất hoang, sau đó họ được thành lập làng và trở thành cư dân của làng, được cấp đất làm ăn sinh sống ở miền duyên hải như: Đồn Điền (xã Quảng Thái), sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, lập làng vào năm 1473 do Lê Chính Đạo gốc Chăm được vua Lê Thánh Tông phong tước công; làng Xuân Phương (xã Quảng Châu), làng Du Vịnh (xã Quảng Vinh), làng Ngọc Giáp, Phú Xá, làng Đa Lộc…thuộc huyện Quảng Xương; vùng đồng bằng là làng Đại Khánh (huyện Thiệu Hóa), Bồ Lồ trang (xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn), làng Bồ Lô, làng Thiết Cương (huyện Triệu Sơn), làng Diên Hy (xã Định Hưng, huyện Yên Định)

Người Chăm có hai bộ tộc chính là bộ tộc Dừa (Narikelavamsa) và Cau (Kramukavamsa). Bộ tộc Dừa sinh sống ở Amaravati và Vijaya, bộ tộc Cau sinh sống ở Kauthara và Pandaranga. Ở Thanh Hóa không có nơi nào có nhiều dừa như huyện Hoằng Hóa, nhiều nhất phải kể tới xã Hoằng Lộc, cả làng là một màu xanh bát ngát của cây dừa. Sự thật thì cau, dừa không phải là giống cây bản địa của người Việt mà chúng có nguồn gốc của Mã Lai đảo. Liệu có phải chính người Chăm đã đem cây dừa đến đây trồng bên bờ sông Chu, sông Mã, tạo nên cảnh trí đặc biệt khác lạ của làng quê xứ Thanh so với phần còn lại của đồng bằng Bắc bộ và miền Bắc Việt Nam.

Trong khai thác ngầm nguồn nước, người Thanh Hóa nói riêng và người Việt nói chu chung đã học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm của người Chăm. Giếng Chăm ở Thanh Hóa là minh chứng hùng hồn về sự học hỏi này. Giếng Chăm có hai kiểu dáng: Miệng tròn đáy vuông và miệng vuông đáy vuông. Kiểu giếng “miệng vuông đáy vuông” là phố biến và nhiều hơn cả, đây là kiểu giếng rất đặc trưng không lẫn với các giếng của người Việt xứ Thanh. Kiểu giếng “miệng tròn đáy vuông” có ở làng Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung. Kiểu giếng “miệng vuông đáy vuông” có nhiều ở Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa… Với các giếng nước Chăm ở Thanh Hóa đã cho thấy rõ, chủ nhân của các giếng nước là người Chăm, và như vậy kinh nghiệm khai thác nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày và tưới tiêu cho nông nghiệp là nét nổi bật trong sự giao lưu văn hóa Thanh Hóa – Chăm Pa từ rất lâu trên xứ sở này.

Nếu kỹ thuật làm thuyền của người dân ven biển Thanh Hóa trước kia là những bè mảng thô sơ chỉ có thể đánh bắt cá gần bờ, thì người Chăm đã đem đến đây nghề đóng ghe bầu (thuyền mành); thuyền có tải trọng hàng chục tấn, giúp cho các thương nhân Ba Làng (huyện Tĩnh Gia), Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) …vươn ra biển lớn đem hải sản tới nhiều miền đất nước như Kinh Kỳ - Kẻ Chợ, Phố Hiến để bán đổi lấy vải vóc, lương thực.

Nghề làm gốm làng Vồm (làng Đại Khánh, xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa) vốn là nơi cư trú của các tù binh Chăm với kỹ thuật làm gốm không dùng bàn xoay, đốt bằng rơm, trấu. Thể hiện khiếu thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của nghệ nhân Việt – Chăm Pa.

Sử sách có nói năm 982, sau khi bình Chiêm, Lê Hoàn đã chiêu nạp tù binh Chăm, trong đó có nhiều nghệ nhân đục đá có tiếng. Làng Nhồi (trước đó có tên là An Hoạch) chính là nơi có nhiều nghệ nhân đục đá Chăm đến ở. Ảnh hưởng của nghệ thuật chạm khắc đá của người Chăm đã tạo nên thương hiệu độc đáo của nghề chế tác đá làng Nhồi, đưa làng Nhồi lên ngôi vị độc nhất vô nhị ở xứ Thanh trải qua hàng mấy trăm năm. Nhà nghiên cứu Lê Quốc Việt trong “Văn bia Thanh Hóa thời Lý Trần, Nxb Thanh Hóa, 2012” có nhận xét rất đáng chú ý: “Không rõ công trường An Hoạch có mặt thợ đá người Chăm Pa từ khi nào…Luận điểm về dòng họ Lỗi/ Lồi/ Nhồi ở An Hoạch có gốc từ Chăm Pa cơ chừng có lý khi đi sâu vào bóc lớp nền điêu khắc của Đại Việt trong mối tích hợp giữa tạo hình Đường Tống và kỹ thuật Chăm Pa, đặc biệt là khả năng thâm diễn phù điêu và tượng tròn. Nếu như vương quốc Chăm Pa được ví như là ngôi đền của điêu khắc, thì người dân Chăm Pa là hiện thân của những nghệ sĩ tài hoa. Họ trở thành tù binh của Đại Việt sau những lần vó ngựa Nam chinh, nhiều bí quyết xây dựng và kỹ thuật chạm khắc theo bước chân họ mà du nhập ra Bắc, theo đó mà kéo theo sự dịch chuyển phong cách thẩm mỹ của Đại Việt. Trong bối cảnh đó, An Hoạch vô hình chung trở thành công trường khổ sai tù đày những nghệ sĩ tài hoa.”

Bệ thờ Phật chùa Hoa Long ở làng Trung, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc cho thấy sự ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Chăm trong các biểu tượng Phật giáo ở Thanh Hóa đã đạt tới độ tinh xảo, tài hoa. Hình ảnh các thiếu nữ được tạc trên bệ thờ sôi động tràn đầy sức sống với bộ ngực căng tròn, bụng nở, bắp đùi thon thả, trang phục mỏng, mềm mại thả dài xuống gót chân, lượn lờ theo bước nhảy, hai chân khuỳnh ngang, một chân trụ vững, chân kia nhón gót như đang quay tròn theo nhịp quay của thân và tay. Bệ thờ Phật này cho thấy sự giao lưu, tiếp nhận của nghệ thuật Việt – Chăm Pa hòa quện vào nhau, tạo nên sức sống mới qua bàn tay tài hoa và khiếu thẩm mỹ, tư duy nghệ thuật của các nghệ nhân Việt – Chăm trên mảnh đất xứ Thanh.

Tôn giáo, tín ngưỡng Chăm Pa đã theo đường biển du nhập vào Thanh Hóa từ rất sớm. Tại đền Độc Cước ở Sầm Sơn có thờ vị thần một chân in đậm tục thờ vị tu sĩ Ny Kiều Đà, tức Đại Kỳ Na của vương quốc Chăm Pa với phép tu đứng một chân, xoay theo hướng mặt trời. Ngay cả kiến trúc đền Độc Cước cũng có sự tiếp thu cách xây đền tháp Chăm Pa.

Việc chôn cất người chết với hình thức địa táng “thượng sàng hạ mộ” và thi hài người chết quàn trong mộ đá rất hiếm gặp ở Bắc bộ. Ở Thanh Hóa ta bắt gặp hình thức an táng này tại làng Bột (huyện Hoằng Hóa). Thi hài không cải táng, kiêng đào mộ lên, trên đầu ngôi mộ đặt hai phiến đá.

Các trò diễn dân gian xứ Thanh mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa có thể kể như: trò Xuân Phả, trò Xiêm Thành (một cách gọi khác về Chiêm Thành). Trò Thiếp ở Đông Sơn với nhân vật thầy bèo chữa bệnh ma gà cho một đứa bé Xiêm, ngoài ra còn có các nhân vật đầy tớ, ông thầy…đều mang địa danh và ngôn ngữ đặc trưng của người Chăm. Múa chèo thuyền ở Viên Khê (Đông Sơn), Phúc Tiên (Hoằng Hóa), trò Thủy (Đông Sơn), chèo cạn – hát đưa linh đám tang ở Đồn Điền (Quảng Thái) cũng thể hiện đậm đặc dấu ấn văn hóa Chăm đối với sinh hoạt hội hè, lễ nghi ở Thanh Hóa.

Trong lịch sử quan hệ và bang giao giữa hai nước Đại Việt và Chăm Pa đã từng diễn ra sự kết hôn của cư dân hai nước. Vua Lê Thần Tông đã kết duyên với bà phi người Chăm, nay tượng bà vẫn được thờ với vua Lê Thần Tông và 4 bà phi ở di tích chùa Đại Bi, thành phố Thanh Hóa. Mối lương duyên ấy giữa quan quân Đại Việt với một số phụ nữ Chăm còn lưu dấu tại đền Ngốc Cùng, nơi có đông người Mường sinh sống ở Cẩm Thủy và Mỵ Ê công chúa, đền thờ ở làng Diên Hy (Yên Định)… phụng thờ các bà chúa người Chăm.

Qúa trình bảo vệ Đại Việt và mở mang bờ cõi, có nhiều vương triều là người Thanh Hóa (Dương Đình Nghệ, tiền Lê, Hồ Qúy Ly, hậu Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, nhà Nguyễn…), nhiều con em nơi đây đã theo các vị tướng lĩnh, vua quan của các triều đại phong kiến Việt Nam tiến hành cuộc “Nam tiến”, bởi vậy đã mang đến cho miền đất xứ Thanh sự giao thoa, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp với văn hóa Chăm Pa. Giao lưu, hội nhập văn hóa là quy luật tất yếu ở mọi thời đại, mọi quốc gia, mọi vùng lãnh thổ. Dấu ấn văn hóa Chăm qua trường kỳ lịch sử trên đất Thanh Hóa là ví dụ sinh động cho sự giao lưu và hội nhập văn hóa của hai vùng đất trọng yếu ngày nay của đất nước. Dấu ấn văn hóa Chăm được thể hiện khá đa dạng qua văn hóa tộc người, dân ca, dân vũ, trong tín ngưỡng, tôn giáo và nghệ thuật điêu khắc.

Trong quá trình giao lưu và hội nhập với bên ngoài (ở đây cụ thể là văn hóa Chăm) văn hóa Thanh Hóa vừa khẳng định được những giá trị trường tồn vốn có, lại vừa tiếp thu được những yếu tố tốt đẹp của văn hóa Chăm Pa, làm giàu thêm tinh thần và văn hóa xứ Thanh trong đặc thù Địa chính trị - Địa quân sự là phên dậu, là vùng đất mở của Đại Việt xưa kia và Việt Nam ngày nay.

PK...

.

Ảnh


Image and video hosting by TinyPic



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả