NHÀ VĂN HOÀNG THI ANH VIẾT VỀ PHẠM KHANG:bong::bong: 
QUÊ HƯƠNG CỦA PHẠM KHANG TRONG “NHỮNG GIAI ĐIỆU CỦA THỜI KHẮC”

                                Ảnh động
Phạm Khang là tác giả quen thuộc với bạn đọc thơ cả nước trong nhiều năm qua. Anh đã xuất bản chín tập thơ, ba cuốn tiểu thuyết và một tập bút ký với nhiều giải thưởng văn học. Tập thơ “Những giai điệu của thời khắc” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành là tập thơ thứ tám của anh.
Bạn văn chương và bạn đọc yêu thơ cho rằng, tập thơ này anh đã gửi gắm nhiều trăn trở, tâm sự về nhân tình thế thái. Tuy nhiên, có một miền quê Việt hiện lên trong tập thơ này như một bức tranh cổ kính. Bức tranh ấy là niềm tự hào, là cái mỏ neo, là cái nôi cho anh hoài niệm, khắc khoải, gửi gắm niềm yêu và biết bao trân quý.

Chúng ta hãy tới thăm miền quê ấy qua bài “Động thức mùa”, anh viết:
“Sáng mai cựa gà cong tiếng gáy Hừng đông lên sóng vỗ phía trời xa Liềm hái khua vang nơi chái nhà của mẹ Con mực lon ton đầu sân cuối ngõ Lá nứt cành, hương rạ ngái mùi thơm” và “Mùa hạ cháy bãi trên ta tắm Em giặt áo lụa hồng thêu bông hoa nhẹ dạ Nuôi má thắm răng ngà cơm khoai độn sắn Mơn mởn xinh như hồn đất quê hương Câu hát ghẹo một đời ta nhớ mãi Cháy bên lòng những bước xa quê”. Với ngôn ngữ dung dị hàm chứa một mối tình sâu nặng với ngôi làng, mái nhà với hình ảnh mẹ và “em” ngập tràn lên từng dòng thơ, đủ cho chúng ta biết anh yêu quê nhường nào. Những kỷ niệm hiện lên như những sợi chỉ ngũ sắc thêu nên bức tranh quê an bình và hạnh phúc, cho dù ngày ấy:“… Thương chạn bát một thời hom hem mùa đói Tường đất cắm cọc tre sứt méo nồi niêu Cái chĩnh gạo rỗng không hơ hớ Khóc cho người đứt bữa cầm hơi”.

Có người nói thơ Phạm Khang còn là “bảo tàng nông thôn”, cũng có ý đúng bởi cái gã lãng du với mái tóc dài, nước da trắng, bảnh trai họ Phạm ấy có ai ngờ lại sinh ra từ vùng quê “Nhớ những lúc lụt nghiêng đồng, bát cơm muối trắng Cha mẹ thương nhau mười mấy mụn con Trầu vẫn thắm nghĩa làng, nghĩa nước Ta lớn lên bên ruộng lúa ao bèo”.
Ngôn ngữ hình ảnh là một thế mạnh trong thơ Phạm Khang, đặc biệt khi anh viết về quê hương. Bên cạnh hình ảnh người mẹ, người cha, mái nhà, cánh đồng, cây đa, bến nước, còn có “em” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thơ anh. Suy cho cùng, Phạm Khang cũng như đa phần thi sĩ khác, luôn tôn vinh người phụ nữ như “một nửa thế giới”, đồng thời đặt họ vào vị trí đối tượng thẩm mỹ để tham chiếu tâm hồn và nhịp đập trái tim mình cho dù thời gian, thế cuộc, dòng đời biết bao thăng trầm biến đổi, nhưng hồi ức và tình yêu, về “em” không thay đổi bao giờ.

Trong bài “Ngày anh trở lại” tác giả viết: “Ngày em đi chân trời ráng đỏ cánh cò no lả tìm về ao làng chân ai khuya sóng vắt ngang sông cầu khỉ gió lay em có biết lòng anh đau đứt ruột tình ta lìa đoạn khúc luân hồi…”. Có vẻ như đọc bài thơ này, bạn đọc nữ tin rằng người nam nhi khi đã yêu người ta sẽ nhớ mãi về tình yêu đó: “Thế mà đã hai mươi năm anh tìm lại bến sông, con đò nơi ngày xưa ta yêu nhau mẹ thương tình anh khóc nhòe vạt áo …  cột chạt con đò nỗi nhớ loang buồn trôi bến sông…!”.
Cuộc sống vốn không dừng lại, nó sẽ cuốn trôi bao số phận con người. Trong dòng hải lưu hung hãn, cuồn cuộn thi nhau trôi với thời gian vô tận ấy, con người phải làm vô vàn công việc và rất nhiều thời khắc phải hiến dâng sự sống để đón nhận cái chết lưu danh thiên cổ, bảo vệ từng tấc đất mẹ Việt Nam, cho quê hương vẹn nguyên hình hài. Trong đó có cả tình yêu đầu đời của một gã trai từng được quê nghèo nuôi lớn lên bằng củ khoai, rễ sắn.

Anh ta từng rời xa quê đến sống nhiều nơi, cả ở đất trời Âu xa xôi. Tuy nhiên, cái không gian lúa nước đã mọc rễ trong tâm hồn anh ta và cũng nhờ mái rạ, sân đình, cây đa, bến nước, mẹ, cha và “em” mà anh ta thành thi sĩ. Những chùm rễ ấy đêm đêm lùa ngọn nhớ sục sạo khắp tâm hồn, đường gân, thớ thịt, khiến anh ta luôn rơi vào trạng thái cô đơn, thiếu đói, khát khao, ao ước giữa một cuộc sống no đủ vật chất hôm nay.
Trong bài “Những tiếng dội” đã rũ bỏ vẻ ngoài “lạnh lẽo, bất cần, kiêu hãnh” của thi sĩ, để bộc lộ một cõi lòng đớn đau khi chủ thể đánh mất tình yêu đích thực của mình vì trăm ngàn lý do khác nhau, và cuối cùng tìm mãi trong bộn bề chữ nghĩa bóng bẩy, vặn vẹo thể loại thơ mới, bạn đọc cũng chạm tới được một miền nước mắt chân thành và ghi lại dấu ấn sâu đậm: “… Thảng thốt đêm không ngủ ta lạc vào miên man hoài niệm quá khứ cắn xé tấm thân nát nhàu nếu khóc to được chắc là ta đã được giải thoát.. Ta cố chạy trốn cảm giác cô đơn trốn vết thương kỷ niệm một bến sông xưa ai giặt áo …những đêm giao tình nụ hôn mằn mặn em là mùa không tuổi hạnh phúc tưởng cầm tay một đời…”. Như vậy, cho chúng ta thấy vật chất, tiện ích phục vụ thân xác, lý trí, niềm kiêu hãnh của cuộc sống hiện đại sẽ cung ứng tràn ngập mặt đất này. Tuy nhiên, tận trong sâu thẳm tâm hồn, đôi khi con người hiện đại lại rơi vào nỗi hoảng sợ vu vơ, tựa như cơn ác mộng di tản của người Xi-ry hiện nguyên trong thời gian này, lũ lụt, động đất, sóng thần, tiềm ẩn nguy cơ bom hạt nhân, khủng bố ở đâu đó trên trái đất vốn luôn khát vọng bình yên…

Tâm hồn Phạm Khang như một tiếng chèo mềm mại bị nhạc rốc tấn công, lấn lướt, biết rằng phải dấn thân đến giai tầng này nhưng những tâm hồn thi sĩ như anh ta lại thấy lo sợ cho chốn quê – cái bảo tàng muôn vàn dấu yêu ấy có cả mối tình má lúm đồng tiền, hoa mướp cầu ao anh ta gìn giữ như con ngươi mình, anh ta nhớ nhung, khắc khoải đêm ngày lại đang có nguy cơ đổi khác.
Trong bài “Mùa vẫn đợi tình” anh viết: “ Ta đón đợi cơn buồn mùa thu trôi nhanh qua cửa vẫn biết dòng đời chóng mặt chốn nhà quê đói rét nhớ làm chi… em trốn tìm anh sau phố bụi bỡn cợt đèn mờ xanh đỏ em đổi lòng sau những xấp đô la…”. “Em” của thi sĩ thì như vậy, còn làng thì sao? Trong bài “Siêu thị về làng” anh viết: “… Siêu thị về làng được bữa hàng giá rẻ hạ giá một trăm phần trăm … sữa rởm chết người trẻ con bị đầu độc thạch phiến đồ chơi già trẻ một phen hú vía…”. Tuy nhiên, đời sống nông thôn mới đang đem đến cho quê hương một cuộc sống mới đầy hương sắc: “… Nông thôn mới máy cày thay trâu cánh cò bay phởn phơ mùa nặng hạt tiễn đưa phận buồn tiễn đưa ngày đói… vàng chim cu gáy gật gù gọi nhau trên cây gạo sau nhà…”.

Yêu là vậy! Là thương nhớ cồn cào, là lo âu khắc khoải. Thi sĩ không biết làm gì hơn lúc này để bảo vệ quê hương, chỉ biết chong đèn thao thức cùng con chữ sao cho thành vần điệu, để chia sẻ với mọi người về một làng quê thiêng liêng, cao quý đang có nguy cơ bị thương mại hóa, nơi có ông bà, cha mẹ, đặc biệt có một mối tình đích thực có tên gọi là “em” đã vuột khỏi cuộc đời thi sĩ, để lại biết bao tiếc nuối dằn vặt trong lòng. Có lẽ đây cũng là điều tác giả muốn gửi gắm bạn đọc một thông điệp: Quê hương luôn là máu thịt, là chỗ dựa tinh thần duy nhất của chúng ta, cho dù cuộc sống có đổi thay muôn vẻ thì quê hương vẫn là ngôi đền thiêng liêng ta nguyện chở che, bảo vệ với lòng yêu kính, tôn thờ và nhớ thương da diết.
Hoàng Thi Anh
                                       Ảnh động

                 Ảnh
                                      
               
               Ảnh
                Ảnh động



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả