PHÁP CHÁNH TRUYỀN

-------------------------


II. QUYỀN HÀNH CHƯỞNG PHÁP

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chưởng Pháp của ba Phái là: Đạo, Nho, Thích.

CHÚ GIẢI: Nghĩa là: mỗi Phái là một vị, mà ba Đạo vẫn khác nhau, nội dung, ngoại dung, đều khác hẳn luật lệ vốn không đồng, chỉ nhờ Tân Luật làm cơ qui nhứt, cho nên Thầy mới nói.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Pháp Luật Tam Giáo tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vẫn coi như một".

CHÚ GIẢI: Vì coi như một, nên Thầy mới đến cho nhơn loại lập Tân Luật , thế nào cho phù hạp với nhơn trí, hiệp tánh với nhơn tâm, chung chịu một Đạo Luật, có phương hành Đạo, chẳng nghịch với Thiên Điều, đặng lập vị mình dễ dàng, mới toàn câu phổ độ.

Buổi trướcthì Thiên Điều buộc nhơn loại phải nâng cao phẩm hạnh mình cho bằng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, đặng đoạt đức tánh mà lập vị mình, còn nay thì các Đấng ấy lại hạ mình, đến cùng nhơn loại đặng dìu cả chơn hồn lên tột phẩm vị Thiêng Liêng, đến ngang bực cùng Thầy. Buổi buộc thì khó, buổi mở thì dễ, ấy là lẽ tự nhiên; huống chi nhơn trí ngày nay đã qua khỏi Ngươn "Tấn Hóa"(1) thì đã tăng tiến lên địa vị tối cao; chủ nghĩa cựu luật của các Tôn Giáo không đủ sức kềm chế đức tin, mà hễ nhơn loại đã mất đức tin về đạo đức rồi, thì cơ tự diệt vốn còn, mà cơ tự diệt còn thì nhơn loại khó tránh khỏi cái nạn giết lẫn nhau cho đặng. Đời phải tùy Đạo mới còn, mà Đạo cũng phải tùy Đời mới vững, biết đâu Tân Luật ngày nay Thầy đã đến dạy chúng ta lập thành; trong thời gian tới nữa đây, nó sẽ phải thay đổi cho phù hạp với nhơn trí Đạo, Đời tương đắc. Mà dìu dắt cả nhơn sanh đời đời kiếp kiếp.

Thí dụ: Như có kẻ hỏi: "Sao Thầy không dùng Cựu Luật trong Tam Giáo đã có sẵn rồi, lại lập chi Tân Luật nữa, mà buộc nhơn sanh phải yểm cựu nghinh tân vậy?"

Ta lại đáp: "Chính Thầy đã giáng cơ nói: Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ; ấy vậy Cựu Luật thì Ngọc Hư Cung đã biếm bác, còn Cổ Pháp thì Lôi Âm Tự đã phá tiêu, vậy thì ngày nay Cựu Luật và Cổ Pháp chẳng còn ý vị chi hết. Những bực tu hành mà tưởng lầm phải tùng Cựu Luật hay là Cổ Pháp thì trái hẵn với Thiên  Điều của Đ.Đ.T.K.P.Đ. thể Thiên hành chánh.

Bởi cớ ấy nên CHÍ TÔN đã cấm ngũ chi phái Ngọc, dùng Cổ Luật mà mê hoặc nhơn sanh nữa.

Hễ tùng Cựu Luật tức phải tùng Thiên Điều, mà hễ tùng Thiên Điều thì khó lập vị cho mình đặng".

Xin xem tiếp đây, thì thấy rõ Thầy đã quyết định điều ấy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Vậy thì một thành ba, mà ba cũng như một.

CHÚ GIẢI: Ấy vậy Tân Luật đã gồm trọn Tam Giáo, tức là một thành ba, mà ba Cựu Luật của Tam Giáo hiệp nhau thì cũng như một, nghĩa là: "Tân Luật".

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành, hoặc là nơi Giáo Tông truyền xuống, hay là nơi Đầu Sư dâng lên.

CHÚ GIẢI: Nơi Cửu Trùng Đài, có Đức Giáo Tông là người thay mặt cho các Đấng Thiêng Liêng đặng hành hóa; Giáo Tông có quyền lập luật, ấy là quyền cao trọng của các Đấng Thiêng Liêng cùng CHÍ TÔN ban cho nắm giữ, và Đầu Sư là người thay mặt cho cả nhơn sanh, ấy là quyền cao trọng của nhơn sanh ban cho, hai đàng phải tương đắc mới bền vững cơ "Tạo Thế" Trời, người hiệp một.

Thường thấy Thiên Mạng hằng quá sức phàm thế còn phàm thế thì nghịch hẳn Thiên Mạng; biết đâu một ngày kia Giáo Tông không lập ra luật lệ quá sức người phàm làm đặng và Đầu Sư lại không xin một luật lệ quá phép Thiên Điều, thì hai đàng ắt phải nghịch lẫn nhau; nếu không có Chưởng Pháp đứng trung gian thế quyền Hiệp Thiên Đài nơi Cửu Trùng Đài mà điều độ cho êm đềm hòa nhã, thì nền Đạo phải chinh nghiêng sanh ra rối loạn, thượng hạ khắc nhau, phải mất trật tự mà gây nên đảng phái.

Ấy vậy Chưởng Pháp có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành. Luật lệ nào không có ba ấn Chưởng Pháp thị nhận và Hiệp Thiên  Đài phê chuẩn thì cả chư Tín Đồ của Thầy không tuân mạng. Hay!(2)

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Như hai đàng không thuận thì chúng nó phải dâng lên cho Hộ Pháp đến Hiệp Thiên Đài cầu Thầy giáng xuống mà sửa lại, hay là tùy ý mà lập luật lại.

CHÚ GIẢI: Một Đạo Luật nào của Giáo Tông truyền xuống mà nghịch với sự sanh hoạt của nhơn sanh, Đầu Sư đã định quyết không thể thi hành đặng, thì chính mình Đầu Sư phải đệ lên cho Chưởng Pháp mà cầu người sửa cải. Còn như Giáo Tông tiếp đặng một Đạo Luật nào của Đầu Sư dâng lên mà phạm phép Thiên Điều thì chính mình Giáo Tông cũng phải truyền xuống cho Chưởng Pháp xét nét, hai bên không đặng ỷ quyền bỏ luật, làm cho thất thể đôi đàng; phải phải phân phân, để cho Chưởng Pháp định liệu. Như quyết định mà hai đàng không thuận, thì người phải dâng lên cho Hộ Pháp đến Hiệp Thiên Đài cầu Thầy sửa lại, hay là Hộ Pháp luận ý đôi bên mà lập lại.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Vậy chúng nó có quyền xem xét kinh điển trước lúc phổ thông, như thảng có kinh luật làm cho hại phong hóa thì chúng nó phải trừ bỏ, chẳng cho xuất bản.

CHÚ GIẢI: Nói rằng có quyền xem xét kinh điển trước lúc phổ thông, thì tức phải kiểm duyệt các kinh điển ấy trước khi xuất bản; ấy vậy, tuy kiểm duyệt thì tự quyền Chưởng Pháp định đoạt, bất câu kinh sách nào mà làm cho hại phong hóa cùng là sái Đạo Luật thì Ngài có quyền trừ bỏ, không cho xuất bản, song trước khi thị nhận cho xuất bản, hay là không cho, thì buộc Chưởng Pháp phải đệ lên Hiệp Thiên Đài cầu xin phê chuẩn mới đặng.Chẳng phải nói các kinh điển của người trong Đạo làm ra mà thôi, dầu cho người Ngoại Giáolàm ra đi nữa, nếu có thương phong bại tục, thì buộc Hội Thánh phải vùa giúp Chưởng Pháp mà lo trừ diệt cho đặng;bởi vậy cho nên Thầy có nói câu nầy.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Buộc cả Tín Đồ phải vùa sức mà hành sự trước mặt luật Đời".

CHÚ GIẢI: Dầu cho luật lệ Đời mà làm cho thống khổ nhơn sanh thì Chưởng Pháp cũng liệu phương nài xin chế giảm. Cái quyền lực ấy phải nhờ nương Đạo quyền mới đủ mạnh, nghĩa là Đạo mạnh thì quyền người mới mạnh, mà Đạo mạnh thì mới mong tế độ nhơn sanh khỏi đường Đời thảm khổ; vì vậy mà Thầy lại buộc phải nói thêm câu sau này nữa:

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Thầy khuyên các con phải xúm nhau vùa giúp chúng nó".

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Mỗi Chưởng Pháp phải có ấn riêng.

CHÚ GIẢI:

·Thái Chưởng Pháp thì bình Bát Vu,

·Thượng Chưởng Pháp thì cây Phất Chủ,

·Ngọc Chưởng Pháp thì bộ Xuân Thu .

Hiệp một gọi là Cổ Pháp. Ba cái Cổ Pháp ấy vốn của Hộ Pháp hằng kỉnh trọng. Nơi mão Tiểu phục của Người phải có ba Cổ Pháp ấy .Còn nơi mão Đại phục của Đức Giáo Tông thì lại có ba Cổ Pháp khác nữa, nghĩa là:

1.Long Tu Phiến.

2.Thư Hùng Kiếm.

3.Phất Chủ.

Ấy là Cổ Pháp của Thượng Phẩm cùng Thượng Sanh.

PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Ba ấn phải có trên mỗi luật mới đặng thi hành.

CHÚ GIẢI: Bất câu luật lệ hay là kinh điển nào, dầu đã đặng hai vị Chưởng Pháp phê chuẩn rồi mà thiếu một, thì cũng không đặng phép ban hành; nghĩa là: trên Giáo Tông không đặng phép thị nhận; dưới Đầu Sư không đặng phép thi hành.

Cửu Trùng Đài vẫn là Chánh Trị, mà Chưởng Pháp lại thuộc về luật lệ, vậy thì Chưởng Pháp là người thay mặt Hiệp Thiên Đài nơi Cửu  Trùng Đài. Ấy là cơ Đạo cổ kim hi hữu.

 

(1)

·Thượng Ngươn là Ngươn Tạo Hóa; ấy là Ngươn Thánh Đức tức là Ngươn vô tội (Cycle de creation c'est a dire cycle de l'innocence).

·Trung Ngươn là Ngươn Tấn Hóa; ấy là Ngươn Tranh Đấu tức là Ngươn tự diệt (Cycle de progrès ou cycle de lutte et de destruction).

·Hạ Ngươn là Ngươn Bảo Tồn; ấy là Ngươn Tái Tạo, tức là Ngươn qui cổ (cycle de conservation ou cycle de reproduction et de rénovation).

(2)  Ấy là lời khen của Đức Lý Giáo Tông.



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả