7.-Thể-pháp Thiên-Đạo của Cao-Đài-giáo là cứu khổ.
 Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh 
đêm 29 tháng 05 Năm Kỷ-Sửu.

 

THỂ-PHÁP THIÊN-ÐẠO CAO-ĐÀI GIÁO LÀ CỨU KHỔ

     Đêm nay Bần-Đạo thuyết Thể-Pháp Thiên-Đạo Cao-Đài. Kỳ trước Bần-Đạo và toàn con cái Đức-Chí-Tôn đã rủ nhau tự-soát cái kiếp sống của mình đặng thấu đáo hành- tàng cả chơn tướng của mình, phải thế nào đối với Càn-Khôn Vũ-Trụ, đối vơi kiếp sống.
     Tưởng cả mỗi người chúng ta đều có trí định cái nguyên do căn-bản của sự sống mình, cũng như Bần-Đạo đã tự soát nơi giảng đài này bữa hôm trước đó vậy.
     Chúng ta đã thấu đáo cả chơn truyền của Đức-Chí-Tôn các huyền vi bí-mật cơ tạo-đoan càn-khôn vũ trụ
, nó có ba điều trọng yếu là:
     1.- Cái kiếp sanh của ta theo như chơn truyền Đức-Chí-Tôn các chơn linh đến tại mặt thế này hay là các địa giới trong Càn-Khôn Vũ-Trụ,
cốt để trả quả kiếp của mình, hoặc mình đã tạo căn quả, vì trong con đường tấn hóa chơn-linh của mình không đủ mực thước để điều khiển khối nguơn-linh yếu ớt, không đủ quyền duy chủ mà phải phạm thêm tội tình oan-nghiệt.
     2.-
Đến đặng tìm tàng cái học lực của mình, học lực của mình là điều mình muốn biết cả kiếp căn của mình, nếu không biết cũng đeo đuổi theo tìm tàng theo cho biết cả cơ quan bí mật tạo đoan.
     3.-
Là nên lập vị cao thăng hơn nữatức-nhiên theo cơ Tạo-Đoan Càn-Khôn Vũ-Trụ về hữu-hình cốt yếu để giúp cho các chơn linh tấn-triển trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống.
     Bần-Đạo có cho toàn thể chúng ta thấy căn sống của mình chẳng phải nơi trái địa-cầu 68 này mà thôi, mà các mặt địa cầu khác trong Càn-Khôn Vũ-Trụ cũng đều một khuôn-luật ấy.
     Có nhiều trái địa-cầu tấn triển cao hơn khuôn -khổ kiếp sống của con người, có thể giảm bớt tội nhưng khuôn-luật vẫn một mà thôi không có chi sửa đổi.
     Chúng ta đã thấy mình sống, kiếp sống của mình như thế; Bần-Đạo đã cho toàn thể con cái của Đức-Chí-Tôn tự-soát mình lại không có hạnh-phúc chút nào hết. Thật sự ra đề mục chúng ta phải đi trong khóa học này của Đức-Chí-Tôn, đến đặng mở khoa mục cho nhơn loại buổi này. Hay là mỗi lần các Đấng chơn linh cao-siêu hơn nữa đến tạo Đạo, cốt yếu đến mở khoa mục cho các chơn linh thì khi chúng ta đã ngó thấy khóa này là khóa đầu tiên hết thảy trong đề mục.      

Khóa ấy riêng từ mức, mới khởi mức số một, chơn linh kia trong vật-loại dĩ-chí đến Phật vị; đề mục ấy chưa có vị Phật nào đoạt vị dầu cao siêu đi nữa cũng chưa giải-quyết được. Chính mình các vị trong các vị Chí-Linh Hằng Sống chỉ có một Đấng giải quyết đặng đề mục "khổ sanh" của chúng ta tấn-triển là duy có Đức-Chí-Tôn mà thôi. Ngoài ra nữa không có vị Phật nào giải quyết đặng.      

Đức Phật Thích-Ca lập vị cầm quyền chưởng giáo nơi Cực-Lạc Thế-Giái, chính mình Ngài đem thuyết Tứ-Khổ mà thôi, chính mình Ngài cũng không giải quyết được, chính mình Ngài không duy chủ cái khổ ấy đặng.
Ấy vậy, đề mục khổ là khổ Sanh, trước là khổ Sanh, rồi tới Lão, Bịnh, Tử.
Sanh trước là sanh sống, sống là khổ, hễ cái pháp luật nào làm giảm khổ của chúng sanh nó là chơn; cái pháp luật nào nó làm cho thống khổ chúng sanh là giả.
     Pháp-Luật Đạo-Giáo nào mà không hữu-ích gì cho cái khổ sanh của chúng ta thì không có giá trị gì hết.
     Chúng ta quan sát coi các nền Tôn-Giáo đã có phương giải-khổ cho chúng sanh hay chăng ?
     Tại sao chơn, tại sao giả,
chính mình Đức-Chí-Tôn và các Đấng Thiêng-Liêng cũng như chúng ta thấy các cơ-quan trong Càn-Khôn Vũ-Trụ cốt yếu là phải phụng sự cho nhơn-loại, cho Vạn Linh.
     
Trái lại họ không phụng-sự cho Vạn Vạn-Linh mà lợi dụng Vạn-Linh chớ không phải làm tôi tớ cho Vạn-Linh. Hễ lợi dụng là không phải phương-pháp giải-khổ tức nhiên là giả pháp.
     Quan sát lụng lại các nền Tôn-Giáo hết, chúng ta thấy không có phương-pháp để giải-khổ chúng sanh, bất quá là một lý -thuyết mơ-mộng mà thôi.
     Giải-khổ cái sống cái đã. 
     
Chúng ta thấy các nền Tôn-Giáo đương-nhiên bây giờ có nền Tôn-Giáo nào phụng-sự cho chúng sanh không ? Có nền Tôn-Giáo nào làm tôi-tớ cho chúng sanh đặng giải khổ cho chúng sanh hay chăng ? Quan sát coi. Chưa có !
     Chúng ta ngó thấy, chúng ta có một điều tức cười hơn hết là họ ngồi gõ mõ đánh chuông mà họ nói giải-khổ cho chúng sanh.
     Sanh trước cái đã, là mực thước đi từ khuôn-khổ của nó nếu nói phi lý không quan sát được, không thể công nhận được, nhưng đương nhiên chúng ta đã thấy gì ?
     Bần-Đạo đã thuyết kỳ rồi cái pháp-luật của Thiên-hạ là họ đã xu hướng theo " Tứ-diệu-đề" của Đức Phật Thích Ca; họ dong-rủi theo Tứ-Diệu-Đề để giải khổ cho chúng sanh là: Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Họ thi hành trong khuôn-khổ quyền pháp của họ mà thôi.
     
1/- Sanh, họ lập nhà Bảo-Sanh đặng giải khổ cho sự sống.
     2/- Lão, họ lập ra cơ-quan Dưỡng-Lão để nuôi kẻ già, kẻ yếu.
     3/- Bịnh, họ lập ra nhà thương khắp nơi cả thảy trên mặt địa-cầu này biết bao nhiêu nhà thương để chữa bịnh cho đời.
     4/- Tử, họ cũng làm Âm-công, cũng bố-thí, cũng làm phước vậy,
nhưng có một điều là họ bố thí chớ không phải phụng-sự. Họ lấy của người này đem cho người kia chớ không phải phụng sự cho nhơn-loại.
     Còn Đạo Cao-Đài Đức-Chí-Tôn đến biểu chúng ta làm gì ? Biểu chúng ta dùng cả xác thịt, trí-não, tâm-hồn, làm Thánh-Thể cho Ổng , làm đầy tớ cho cả con cái của Ổng, đó mới là thuyết giải khổ vậy.
     Chính mình Bần-Đạo cầm quyền Hội-Thánh đem vào khuôn-khổ luật-pháp ấy thế nào ?
     Buổi ban sơ Bần-Đạo lấy cả pháp-luật làm chuẩn thằng, chỉnh đốn cả cơ-quan chính-trị của đời là: Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Bần-Đạo lập nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà bảo sanh là cốt yếu chỉnh đốn thân sống trong khuôn-khổ mực thước, tức nhiên họ giúp cho nhau trong khuôn-khổ Đạo-Đức. Tức nhiên họ có cả cơ quan làm cho buổi thống khổ loạn-lạc phải tiêu hủy.
     Cơ-quan Đạo Cao-Đài cốt-yếu chỉnh đốn nhơn-quần xã-hội tăng-tiến trong khuôn-khổ nhơn-luân, nhơn đạo để trong tâm não họ đặng họ tương-trợ nhau họ xúm nhau trong một nhà để giúp nhau về mặt tinh thần.
     Bây giờ Bịnh, Tử cũng thế, về mặt xác thịt chuyển cả cơ-quan Thế-Đạo, cốt yếu để giải-khổ chúng sanh về sự sống đối với Sanh, Lão thì chúng ta đã lập thành đại gia-đình; như thân nầy khi già rồi còn em, còn bạn, còn con, còn cháu, một đại gia đình càng ngày càng lớn hơn nữa.
     
Giờ phút này có hai triệu người chứ không phải như trong buổi tạo Đạo; chúng ta dầu sống đi nữa cũng không phải cô độc mà khi chúng ta phụng sự trong Thánh-Thể Đức-Chí-Tôn tức nhiên phụng sự cho Ngài, tuổi già chớ tinh-thần không già, không buổi nào chúng ta già hơn Đức-Chí-Tôn, nhỏ làm tôi mọi cho nhỏ, lớn làm tôi mọi cho lớn, già làm tôi mọi cho già.
     Không buổi nào thấy cái già cái khổ cho chúng ta tức-nhiên giải-khổ rồi đó vậy.
     Sanh, Lão không phải khổ chúng ta, mà nó là một cơ-quan giúp cho đời được lịch duyệt. Bịnh, Tử không phải khổ của chúng ta, mà nó là cơ-quan giúp ta đoạt Thiêng-Liêng vị. Bịnh-Tử , bịnh chúng ta làm gì chúng ta bịnh, tại số chết của chúng ta, tại khối sanh quang của ta hết lực mà thôi.
     
Kiếp sanh này làm tôi cho người, dầu cho có bỏ xác hay chết là cùng.Mạng sống kiếp sanh của mình do quyền Đức-Chí-Tôn định liệu, thì sợ gì cái chết; trái ngược lại thiên hạ sợ chết là khổ mới chết, còn chúng ta không sợ chết vì chết là cơ-quan giải-thoát đó vậy.
     
Giờ phút này người tu là đem thân làm nô lệ cho nhơn-loại, rồi có vui sướng gì với kiếp sanh mà cần sống, giá trị cái sống của ta khác hẳn hơn thiên hạ tưởng-tượng, mà tưởng tượng cái chết của ta là buổi nghỉ-ngơi, buổi hết cực; cái chết ấy chẳng phải do mình mà do nơi Đức-Chí-Tôn định là tới buổi Đức-Chí-Tôn nói các con đã làm xong phận sự, Thầy cho con về.
     Giờ phút này chúng ta đương ở Đền-Thánh của Ngài đây, đương phụng sự cho Ngài đây, thì cái sống chết của chúng ta không còn giá trị gì đối với chúng ta nữa, và trong Tứ-Khổ không còn giá trị gì đối với chúng ta nữa: Ấy vậy, " Tứ-diệu-đề" tức nhiên bài học, bài thi, của đề mục khổ duy có Đạo Cao-Đài giải quyết nó, đánh mất nó, làm cho nó không còn giá trị chi nữa, tức-nhiên chính mình và toàn cả con cái của Đức-Chí-Tôn hay tương lai tôi nữa cũng vậy.
     
Chúng ta trọn hiến thân làm Thánh-Thể cho Ngài mà ta sống cho mình chớ không phải sống cho Ngài là không đúng; sống không phải sống cho mình mà chính là sống cho Ngài vì chính mình đem trọn cái sống ấy dưng nạp cho Ngài, mà tưởng tượng ta khổ thì tức nhiên Đức-Chí-Tôn khổ còn gì. Ổng không có khổ, mà lại sống vinh diệu quá, ta lại gặp thời kỳ này may duyên gặp được một cảnh sống lạ thường, sống về Thánh-chất, sống về Thiêng-Liêng, sống về Càn-Khôn Vũ-Trụ, sống về Trời Đất, sống dường ấy mà gọi là khổ sao đặng.
Ấy vậy, Chơn-Pháp thuộc về Thể-Pháp của Thiên-Đạo Cao-Đài ngày nay có lẽ phù hợp với tinh-thần nhơn-loại hơn các nền Tôn-Giáo khác; có lẽ, nhưng chúng ta đừng ỷ mình.
     Mỗi ngày thường tự hỏi mình coi làm vừa sức của ta chưa ? Làm vừa sức của Đức-Chí-Tôn biểu mình làm hay chưa ? Sống của mình có vừa với cái sống của Đức-Chí-Tôn hay chưa ? Nếu chúng ta đủ tinh-thần, đủ trí não và đủ năng lực để thay thế cái sống của Đức-Chí-Tôn thì " Tứ-diệu-đề" của Đức Phật Thích-Ca để tại mặt thế-gian này không có nghĩa-lý gì và giá trị gì đối với chúng ta hết.
     Thể-Pháp của Đạo Cao-Đài chủ về sống mà đánh tiêu cả sự khổ tức-nhiên đánh tiêu cả Thể-Pháp. Thể-Pháp đánh tiêu được thì sẽ đánh tiêu Bí-Pháp được.



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả