11.- Sự phản-khắc giữa Đạo và Đời 
Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh  

đêm 18 tháng 06 Năm Kỷ-Sửu

 

SỰ PHẢN-KHẮC GIỮA ÐẠO & ĐỜI

     Trước khi Bần-Đạo thuyết về Bí-Pháp chơn truyền của Đạo, Bần-Đạo đã kết luận cái phản khắc Đạo-Pháp, Thể-Pháp, tức nhiên sự phản khắc của Đời và Đạo. Sự phản khắc ấy do nơi Nguyên-khí mà ra, không phải vì Nguyên-khí trong Vạn-Linh mà thôi, Nguyên-khí của vạn loại nữa. Chính Nguyên-khí ấy trong mình của chúng ta đã chuyển xuất ra vậy.
     Bần-Đạo cần thuyết cái thi-hài này lấy triết-lý chớ không phải lấy bí-truyền mà luận, thì thi-hài chúng ta đã có nơi mặt địa-cầu này, do nơi nguyên-căn vật dục xuất hiện ra, tức nhiên trong Thất tình nó đi đến cái tình chót hết là tình quyết-định, tình duy chủ, cả mối tình kia thường phản-khắc nhau còn cái tình Dục cốt-yếu duy-chủ định hướng của nó mà thôi.
     
Chúng ta ngó thấy trong Vạn-Linh nó chia ra hai phần chơn hồn: Tiểu-Chơn-Hồn và Đại-Chơn-Hồn. Tiểu-Chơn-Hồn chia ra làm ba thuyết, mà Tối-Tiểu là Vật-Chất-Hồn, Thảo-Mộc-Hồn và Thú-Cầm-Hồn nó thuộc Tiểu-Hồn.
     
Nhơn-Hồn thì có thứ Tiểu và có Đại tức-nhiên tình dục định phận nó, muốn Tiểu thì Tiểu, muốn Đại thì Đại.
     Đại-Hồn là Thần, Thánh, Tiên, Phật bốn cái Đại-Hồn định Thiêng-Liêng vị cho cả Vạn-Linh. Chúng ta ngó thấy trong mình chúng ta có Thần, có Thú; vì cớ cho nên triết-lý Thất-Tình định duy-chủ, muốn làm Phật thì làm, muốn làm Thú thì làm, bởi nó định theo tình dục của nó. Bây giờ trong thân thể của chúng ta, trong nguyên-bổn của chúng ta, vẫn thường chiến đấu, Phật chiến đấu với thú, thú chiến đấu với Phật.
     Hai hình-trạng của Đời và Đạo, Đạo xu-hướng theo Phật, Đời xu hướng theo Thú. Hai tương-quan phản-khắc ngang nhau, vì cớ cho nên thuyết Duy-Tâm và Duy-Vật nó hay tương-đối với nhau. Tình-dục duy-bổn thì thấy trong mình nếu chúng ta muốn thành Phật thì chúng ta làm đặng, muốn đi theo Phật lập-vị mình thì trong Đại-Hồn giúp ta làm đặng. Hay là tình dục ấy muốn đi theo đám Tiểu-Hồn, vì ảnh hưởng trong cá nhân ta mà ảnh hưởng ấy chẳng phải của chúng ta mà thôi. ! Chúng ta ngó thấy trong Vạn-Linh nó có hai con đường đi đặc biệt, không thế gì chối cãi được, thành thử cái phản-khắc tương liên của Đời và Đạo nó đi từ trong cá-nhân của chúng ta mà ra cho tới xã-hội nhơn-quần. Nhân-loại phản-khắc ấy không thể gì tưởng được. Từ thử tới giờ lập-vị Phật như Đức-Phật Thích-Ca cũng chưa giải quyết được; Đức-Chí-Tôn đến kỳ này chúng ta thử hỏi giải quyết hay không ? Cũng phải giải quyết chớ, Ổng đến vạch ra lẽ Phật với Thú ấy để chán chường trước mắt. Con cái của Ổng, Ổng biểu lấy trí khôn-ngoan, lấy huệ khiếu của mình làm môi giới, tùng theo Nguơn Linh làm căn-bản.
     Định Phật, muốn Phật, sẵn được Phật; muốn thú được thú, Ông chỉ hai con đường rõ rệt để cho con cái của Ổng quyết-định cho mình. Sự tương-tranh tương-đấu bây giờ trong các xã-hội nhơn-quần trong mặt địa-cầu này, đương nhiên bây giờ cũng tấn tuồng ấy làm hình trạng của nó ra lớn vĩ-đại, chúng ta không để ý mà thôi. Muốn tìm tàng chơn-lý thì rõ-rệt không có gì lạ lùng hết.
     May sao, giờ phút này nhơn-loại đương bị trong thảm cảnh khốn-khổ không biết chừng nào; thảm cảnh ấy xô đến cảnh diệt vong của họ nữa mà chưa giải quyết được, vì cả tinh thần bên Phật yếu ớt bên Thú đương tráng kiện, hùng hổ dữ tợn, mà bên Phật thì yếu ớt quá. Đạo Phật truyền tại mặt địa-cầu này đương nhiên bây giờ vô giá trị; mà hể Đạo hết quyền tức nhiên con vật kia không có kỷ cương muốn chạy đâu thì chạy, muốn làm gì thì làm; muốn làm ngần nào thì đặng ngần ấy; nếu không duy chủ đặng nó, tánh đức không mực thước, không chuẩn thằng, không biết định phận mình thì sẽ xô đẩy đến cảnh diệt vong chớ không có gì lạ hết.
     Bởi vậy cho nên Đức-Chí-Tôn đến kêu gọi cả toàn nhơn-loại chỉ con đường diệt vong trước mắt, khôn thì dừng bước lại để biết lấy phận mình đứng mực nào, rồi mình mới phân định được. Bí-Pháp chơn-truyền Bần-Đạo thuyết không gì khác hơn là chỉ đường, biết giá trị mỗi cá nhân, mình biết mình. Nếu vị Hoàng Tử con của Ông Vua kia lên ngôi Cửu-ngũ trị vì thiên hạ mà không biết giá trị tương lai làm Chúa thì tưởng lại họ như kẻ thường dân hèn-hạ, họ tập thành theo tánh đĩ thõa, điếm-đàng buông lung, thì chẳng khi nào làm Vị Đế Vương xứng đáng đặng. Mình phải biết địa vị mình thế nào, rồi mới thi-hành theo khuôn-luật định của mình, Bí-Pháp chơn truyền là vậy.
     
Ngày giờ nào cả con cái Đức-Chí-Tôn biết đoạt Pháp, biết mình, biết định phận cho mình, biết ngôi vị của mình, biết giá trị của mình là giờ ấy trật tự an ninh trong cửa Thiêng-Liêng Hằng-Sống Đức-Chí-Tôn để tại mặt thế này, tức nhiên trong cửa Đạo đây mới thiệt giá trị.

     Giờ phút này ngó thấy tấn tuồng hỗn độn, con người họ tưởng Đạo Cao-Đài như Thầy Chùa, Thầy Pháp, Bóng-Chàng, nói cái nào cũng được, vì cớ mới có Đảng-Phái dám cả gan bày ra Tả-Đạo Bàn-Môn… Nếu biết đâu dám làm, vì họ lầm tướng diện của họ cho nên ngày nay mới có cái cảnh tương tàn đánh sát họ kia kìa,bằng đi tới nữa thì không còn chơn tướng nào tồn-tại được.
Ấy vậy, Bần-Đạo đã nói rõ, bây giờ có một điều trọng yếu không lẽ trong cái Bí-Pháp chơn-truyền nói cho mấy người nghe mà thôi, mấy người được đặc ân gì mà hưởng riêng như vậy.
     Kể từ đây đến sau, họa may Bần-Đạo có thuyết, là thuyết trong ngày Sóc-Vọng mà thôi, hễ đi cúng nhiều thì nói, bằng không thì thôi. Còn nữa, nếu con cái Đức-Chí-Tôn còn làm biếng đi cúng nữa thì vô nhà tịnh rồi sẽ hay chớ không thuyết nưã.



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả