PHẠM KHANG
CÀN CÓ THÁI ĐỘ CẨN TRỌNG VÀ KHOA HỌC TRONG CÁC ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI CHỮ QUỐC NGỮ...
Ảnh động
Cần nhận rõ rằng, chữ viết tiếng Việt dùng bộ chữ cái La-tinh (Latin), là bộ chữ nằm trong tốp phổ biến nhất thế giới xét về địa bàn, số người và số quốc gia sử dụng. Ở Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Timor Leste dùng bộ chữ cái La-tinh. .
Kể từ khi ra đời vào đầu thế kỷ XVII, chữ quốc ngữ, sử dụng bộ chữ cái La-tinh có thêm các dấu phụ, do các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha và Pháp tạo ra đã định hình như ngày nay.
Nó được viết hầu như giống với cách viết trong Tự điển Việt - La tinh (1838), do giám mục Jean-Louis Taberd biên soạn lại, dựa theo bản thảo năm 1773 của Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc).
Dĩ nhiên, do mục đích ban đầu để cho người phương Tây ghi lại lời nói tiếng Việt và dễ học tiếng Việt, nó có những bất hợp lý tồn tại cho đến ngày nay, dù đã được chỉnh sửa nhiều lần.
Trước hết phải nhớ rằng chữ Quốc ngữ ra đời là nhằm mục đích để giúp các giáo sĩ ghi chép tiếng nói để truyền đạo. Sau khi xâm lược nước ta, chính quyền Pháp đã nhận thấy chữ Quốc ngữ dễ học hơn chữ Hán và chữ Nôm Việt (các hệ chữ có trước khi có chữ Quốc ngữ ở Việt Nam) rất nhiều, có thể giúp chính quyền thực dân và dân bản xứ dễ giao tiếp với nhau hơn, nên khuyến khích dạy và học chữ này.
Năm 1878, có một nghị định về việc chuẩn bị điều kiện để dùng chữ này làm chữ viết chính thức ghi tiếng Việt. Năm 1910, có Thông tri của Thống sứ Bắc Kỳ về việc dùng chữ Quốc ngữ trong các công văn, giấy tờ hành chính và sổ sinh tử giá thú. Buổi đầu các nhà nho Việt Nam rất phản đối chữ Quốc ngữ, nhưng rồi sau chính họ nhận thức được vai trò của chữ Quốc ngữ trong nâng cao dân trí và canh tân đất nước, bắt đầu hô hào học và phổ biến chữ Quốc ngữ trong phong trào Đông kinh nghĩa thục.
Sau Cách mạng tháng Tám, chữ Quốc ngữ đã trở thành chữ viết chính thức duy nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
GS.TS Nguyễn Văn Lợi, nhà nghiên cứu có uy tín về ngôn ngữ học cho rằng: Đề xuất về thay đổi chữ Quốc ngữ của PGS Bùi Hiền không dựa trên những cơ sở khoa học. Cũng theo ông thì căn nguyên thiếu cơ sở khoa học của PGS. Bùi Hiền thể hiện ở các điểm chính sau đây:
Thứ nhất, lí do để ông đòi cải tiến chữ Quốc ngữ là: 1- Một số trường hợp chữ QN không đảm bảo nguyên tắc “một âm vị ghi bằng 1 kí tự và ngược lại”. Đây là lí do để ông đề nghị bỏ cách ghi phân biệt C, K, QU; phân biệt NG/NGH, G/GH.. Thật ra từ lâu, nhiều người đã nhận ra sự bất hợp lí trên của chữ Quốc ngữ (làm khó cho trẻ em học viết tiếng Việt). Trong hội nghị Cải tiến chữ Quốc ngữ(năm 1960) ở Miền Bắc, nhiều người đề nghị cải tiến các trường hợp trên. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, trước khi đi đến cải tiến các trường hợp, này cần tính đến mặt tâm lí, lịch sử, văn hóa.
Thứ hai, ông Bùi Hiền đưa ra đòi thống nhất cách ghi X/S, CH/TR, D/R/GI. Theo ông, trong cách phát âm tiếng Hà Nội, không có sự phân biệt trên. Tiếng Việt gồm các thổ ngữ, phương ngữ khác nhau. Mối thổ ngữ, phương ngữ có cách phát âm riêng. Hiện nay, ở nước ta, trong nhà trường, trên truyền thông, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, chưa có quy định chuẩn về phát âm (chính âm) mà chỉ có quy định chuẩn về cách viết (chính tả). (Riêng trường hợp nói lẫn lộn l/n bị xã hội “đánh dấu”, coi là “không chuẩn mực). Một trong những ưu điểm của chữ Quốc ngữ là, ngày từ đầu, cách đây 4 thế kỉ, chữ viết này đã “tổng hợp được những đặc điểm của các phương ngữ lớn (ghi được 6 thanh của tiếng Bắc Bộ, đồng thời phản ánh được sự phong phú, đa dạng của phương về phụ âm của phương ngữ Bắc Trung Bộ, Nam Bộ). Hiện nay, ngoài tiếng Hà Nội, nhiều thổ ngữ, phương ngữ khác vẫn giữ lại cách phát âm phân biệt các trường hợp trên. Cần có một vài giải thích thêm về trường hợp phụ âm d trong chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ sử dụng 2 con chữ D và Đ để ghi 2 phụ âm khác nhau. Ở thế kỉ 17, phụ âm D có cách phát âm khá gần với cách phát âm phụ âmD trong các tiếng châu Âu. Do vậy, các cố đạo dùng con chữ D (tương tự ngôn ngữ châu Âu) để ghi phụ âm này. Còn con chữ Đ để khi ghi phụ âm có cách phát âm xa lạ đối với người châu Âu. Họ sáng tạo cách ghi Đ. Ngày nay, trong tiếng Bắc Bộ, phụ âm D đã chuyên sang cách phát âm là Z. Tuy nhiên ở thổ ngữ Phục Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), thổ ngữ Cương Gián (huyện Nghi Xuân, xã Đức An, Đức Thọ, Hà Tĩnh), thổ ngữ Bắc Trạch (Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn còn giữ cách phát âm như thế kỉ 17 của D. Nếu chữ Dthay bằng Z như đề xuất của PGS Bùi Hiền, thì không phản ánh được một hiện tượng lịch sử của tiếng Việt. (Nói thêm, người Anh, Pháp rất quan tâm tính lịch sử trong chữ viết nên cách phát âm đã thay đổi, nhưng chữ viết vẫn giữ lại). Hơn nữa, cách viết D bằng Z không phù hợp với các thổ ngữ còn phân biệt 2 phụ âm này. Cũng như vậy, cách viết không phân biệt S/X, CH / TR, R/D/GI là làm nghèo đi tính đa dạng về mặt thổ ngữ, phương ngữ tiếng Việt vốn là một ưu thế của chữ Quốc ngữ. Tất nhiên, đề xuất viết không phân biệt X /S, CH/TR, D/R/GI, chắc chắn là điều khó chấp nhận của đối với người nói các thổ ngữ, phương ngữ không phải Hà Nội.
Thứ ba ông Bùi Hiền đưa ra liên quan đến các kí tự gồm nhiều con chữ, theo ông cần cải tiến để viết cho đơn giản, tiết kiệm thời gian (thao tác viết, đánh máy), không gian (con chữ chiếm giấy). Quả là chữ Quốc ngữ cũng như nhiều chữ viết trên thế giới, có nhiều kí tự gồm 2, 3 con chữ. Viết (đánh máy) những kí tự này mất nhiều thao tác (thời gian) và chiếm nhiều chỗ (không gian). Chữ viết là kí hiệu (được tiếp thu bằng thị giác) ghi các âm, thanh (phụ âm, nguyên âm, thanh điệu vốn được tiếp thu bằng tai). Là kí hiệu, mỗi kí tự do con người quy ước.
Tuy nhiên, sự quy ước không thể tùy tiện. Hệ thống âm vị mang tính hệ thống chặt chẽ. Từ trong bụng mẹ, đứa trẻ đã học nghe các âm thanh của tiếng mẹ đẻ. Khi ra đời, kĩ năng nghe-nói dần hoàn thiện. Về mặt tâm lí ngôn ngữ, một cách vô thức, trẻ em học nghe-nói thông qua tính hệ thống của hệ thống âm thanh. Chữ viết để phản ánh hệ thông âm thanh cũng phải mang tính hệ thống. Có như vậy, người học (dù là trẻ em hay người lớn) mới dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ cách viết cách đọc từng âm vị, âm tiết, từ ngữ. Do vậy, việc lụa chọn các kí tự, quy định về cách viết (chính tả) không thể tùy tiện.
Tiêu chuẩn này được đảm bảo khá tốt ở chữ Quốc ngữ. Có thể nói, những người làm chữ Quốc ngữ có những sáng tạo trong việc dùng các con chữ và dấu phụ để ghi các âm (phụ âm, nguyên âm), đặc biệt trong việc dùng các dấu thanh (dấu giọng) để ghi thanh điệu. Việc lựa chọn kí tự này hay khác đều có lí do, mang tính hệ thống, tạo thuận lợi cho việc học, tiếp nhận.
Những đề xuất của PGS Bùi Hiền như dùng Q thay cho NG, W thay cho TH phá vỡ tính hệ thống của hệ thống kí tự chữ Quốc ngữ. Đúng như PGS Hoàng Dũng, trong các chữ viết dựa trên hệ chữ La Tinh, không có chữ viết nào có cách dùng kí tự tùy tiện như vậy.
Việc thay kí tự NH băng N’ cũng thiếu cơ sở. Về phát âm, NH là phụ âm vang, mũi, cùng nhóm với các phụ âm M, N,NG. Thay NH bằng N’, cũng như thay NG bằng Q phá vỡ tính hệ thống, người học khó tiếp thu (học đọc/viết). Hơn nữa, trong chữ Quốc ngữ dấu phụ (tương tự dấu phẩy treo trong N’ chỉ dùng để ghi thanh điệu và một số nguyên âm, còn NH là phụ âm. Về mặt hình chữ (graphic), N’ rất khó tiếp nhận bằng thị giác, dễ lẫn sang các kí hiệu phụ ghi thanh điệu. Ngoài ra, việc dùng N’ thay NH không giúp tiết kiệm. Khi viết N’ vẫn phải nhấc bút 2 lần, khi đánh máy vẫn phải gõ 2 nhịp (Đấy là chưa kể, viết 2 con chữ liền nhau, nhanh hơn viết với dấu phụ N’). NH chiếm không gian lớn hơn theo chiều ngang, còn N’ chiếm không gian lớn hơn theo chiều cao. Với kí tự N’, nhìn một văn bản (viết, in) sẽ rối, thiếu thẩm mĩ.
Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia (khẳng định trong Hiến pháp 2013), ngôn ngữ chính thức, tiếng phổ thông của mọi công dân ở các vùng miền thuộc 54 tộc người ở nước ta. Làm cho tiếng Việt luôn giữ được bản sắc của mình, đồng thời phát triển hòa nhập trong thế giới thời đại công nghệ 4.0 là trách nhiệm và quyền lợi của mọi người. Mỗi cá nhân, tập thể có thể đề xuất những cải tiến chữ Quốc ngữ. Tất nhiên các đề xuất sẽ được xã hội chấp nhận, nếu đề xuất đó có cơ sở khoa học và thực tiễn.

PK...


Ảnh


Ảnh động


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả