Thanh Trác Nguyễn Văn
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]






THANH TRẮC NGUYỄN VĂN VÀ NHỮNG NỖI ĐAU CỦA BI KỊCH

Thế là tập thơ thứ năm của Thanh Trắc Nguyễn Văn đã ra đời (Giọt lệ trăng – NXB Văn Nghệ 2010). Đọc tập thơ mới này người đọc sẽ gặp được rất nhiều những cái mới. Cái mới thứ nhất là ngoài những bài thơ còn có bốn bài bình thơ rất sắc sảo của Huỳnh Ngọc, Lê Bá Duy và Lê Bích Ly. Ấn tượng nhất đối với tôi chính là bài bình bài thơ Nửa đời của nhà thơ Lê Bá Duy, bài bình bài thơ Ngôi nhà màu trắng hoa lê của tác giả Lê Bích Ly. Lời bình của Lê Bá Duy mềm mại nhưng là “mềm” của loại “lạt mềm buộc chặt”. Còn lời bình của Lê Bích Ly thì ngược lại, sắc cạnh đến lạ lùng cứ như một lưỡi dao phẫu thuật, mổ xẻ tâm lý con người đến mức độ thật tinh tế.





Cái mới thứ hai là đọc xuyên suốt 48 bài thơ trong tập thơ Giọt lệ trăng chúng ta dễ dàng bắt gặp những nỗi đau mà chúng ta vẫn thường nghe trên báo đài, nhưng do quá vô tình, quá bận rộn chúng ta chỉ loáng thoáng nghe qua rồi “quên” mất.

Có nỗi đau rất đời thường. Người chồng rất thương yêu vợ. Anh ta sẵn sàng leo tường vào nhà người khác hái trộm hoa tặng vợ, sẵn sàng bơi theo dòng nước lũ liều mình cứu vợ. Nhưng anh ta lại có một cái tật là chỉ thích “biểu hiện bằng hành động” chứ không thích nói! Bi kịch là đến cuối cuộc đời cái chết của bà lão thật vô cùng đau đớn:

Phút lâm chung
Bà lão hỏi chồng:
- Ông có yêu tôi không?
Ông lão gục đầu
Khóc
Bà lão chết
Mắt vẫn không nhắm...
(Ngụ ngôn tình yêu)

Có nỗi đau là một lời cảnh báo cho xã hội. Những người nông dân bán đất để đổi đời đã phải trả một cái giá rất đắt. Cả gia đình của của họ từ ông, cha đến mẹ đều mắc một chứng trầm cảm rất nặng nề: “… ngơ ngác ậm ừ/ Nhìn nhà máy cứ từ từ mọc lên”. Cái đau đớn của những người nông dân bán đất đã được Thanh Trắc Nguyễn Văn miêu tả rất ngắn gọn nhưng cũng thật chính xác:

Làng tôi giờ đã hết quê
Quán bia với quán cà phê chen đầy
Ngả nghiêng kẻ tỉnh người say
Ôm nhau gục nhớ đường cày ngày xưa.
(Làng tôi đất bán sạch rồi)

Nhưng đỉnh điểm của bi kịch không chỉ dừng lại ở đó. Nó mở rộng ra một tương lai toàn cảnh không mấy sáng sủa:

Bàng hoàng nắng quái chiều hôm
Làng giờ hóa phố cọng rơm chẳng còn…
(Làng tôi đất bán sạch rồi)

Làng mới hóa phố thôi mà một cọng rơm cũng tìm không ra. Hỏi sau này sẽ còn có ai chịu trồng trọt để sản xuất lúa gạo cho đất nước nữa?

Có nỗi đau là nỗi đau của những nàng Kiều ở đầu thế kỷ 21. Do nhà nghèo, gia đình gặp quá nhiều khó khăn về sinh kế, một cô gái xinh đẹp phải nhắm mắt lấy chồng Đài Loan. Không may nơi xứ người cô bị bán vào động quỷ. Để phản kháng số phận cô quyết định tự ải (thắt cổ). Cái chết đầy bi kịch của cô đã được câu thơ nâng một lên tầm cao mới:

Hỡi tú bà, lũ ma cô ác độc
Tao đi đây vứt xác dưới bùn lầy
Hồn gái Việt sẽ xuôi về đất Việt
Sen dẫu gãy lìa vẫn ngát hương bay...
(Tự ải)

Cũng có nỗi đau là sự đổ vỡ của một gia đình lúc đầu đầy hạnh phúc. Bài thơ “Ngôi nhà màu trắng hoa lê” cứ như là một cuốn phim, một câu chuyện cổ tích mang đầy tính nhân văn hiện đại. Người chồng do thất bại trong công việc làm ăn nên cố tìm lối thoát bằng cách nhờ Chúa Quỷ giúp đỡ. Và bi kịch bắt đầu khi người chồng do “dám uống rượu” với Chúa Quỷ nên đã tự lột xác từ người dần dần hóa thành quỷ:

Đêm đêm
Ngồi cùng Chúa Quỷ…
Nhặt kim cương
Đếm vàng thỏi
Nuốt rượu ma
Tán chuyện quỷ
Ma quỷ chưa hóa người
Người đã thành ma quỷ
Cũng ti tiện
Cũng nhỏ nhen
Cũng hận ghen
Cũng ích kỷ...
Quỷ có gương mặt người
Hay người có trái tim quỷ?
(Ngôi nhà màu trắng hoa lê)

Đỉnh điểm cuối cùng của bi kịch là người chồng đã nhẫn tâm hành hạ người vợ anh ta vô cùng yêu quý đến ngất đi. Và cũng chính anh ta tự tay châm lửa đốt luôn ngôi nhà hạnh phúc của mình, ngôi nhà mà chính anh ta đã tốn bao công lao tự tay gầy dựng nên.

Thơ phải gắn liền với hiện thực cuộc sống. Thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn cũng vậy, bài thơ “Thơ viết ở bờ sông Thị Vãi” của anh gắn liền với nỗi đau của một con sông đã bị bức tử ở tỉnh Đồng Nai. Bằng những câu thơ tả thực, Thanh Trắc Nguyễn Văn đã vẽ nên một bức tranh đau xót khiến người đọc phải ít nhiều suy nghĩ:

Dòng sông bây giờ thăm thẳm một màu đêm
Đâu những cánh diều giấy nhấp nhô trời quá khứ?
Mặt nước sông hằn lên nét cười quỷ dữ
Bao xác cá phơi đầy trên xác cỏ bầm đen…

Thương những con thuyền rách nát hom hem
Lăn giọt nước mắt xuống dòng sông hôi thối
(Thơ viết ở bờ sông Thị Vãi)

Bi kịch ở cuối bài thơ có phải là do chúng ta còn quá hời hợt không dám chịu cùng nhau đấu tranh cho một lẽ phải, cùng nhau chống lại những tiêu cực vẫn còn tồn tại khá nhiều trong xã hội:

Quê mình nghèo sao bóng tối cứ vây quanh?
Bát cơm của mẹ cũng đơm đầy hạt sạn
Bão lại thổi
Xổ tung những chùm mây tóc xám
Hạt mưa lạnh cuối chiều
Hay giọt lệ của trăng?
(Thơ viết ở bờ sông Thị Vãi)

Điểm xuyết vào những bi kịch trong tập thơ Giọt lệ trăng là những bài thơ tình cùng những câu thơ tình rất đẹp, rất lãng mạng:

Nụ cười em rải sông sâu
Trăm năm tôi vớt
Vẫn màu nhớ nhung …
(Tạm biệt Phong Nha)

Ly cà phê đắng quá
May, có ánh mắt em ngọt lành!

Nơi tình yêu đã bỏ đi: tất cả hoa hồng đều hóa đá
Khi tình yêu trở lại: tất cả đá lại hóa hoa hồng!

Chuyện tình dưới cây ngọc lan
Trang nhật ký ngàn năm còn thơm mãi …

Yêu mà khinh khi: tình yêu của quỷ
Không yêu mà vẫn được nhớ: hạnh phúc của thiên thần!
(Thơ tình hai câu)

Van em đừng qua cổng
Tóc mềm đừng thả hương
Ta va vào vấp ngã
Ngàn năm sẽ nhớ thương!

Van em đừng qua cổng
Đung đưa một tiếng cười
Ta sợ chòng chành đắm
Bởi cánh môi hồng tươi!

Van em đừng qua cổng
Hát vu vơ nhạc buồn
Ta dại khờ đâu biết
Nước mắt tròn hay vuông?
(Van em đừng qua cổng)

Em đi thả tím nụ cười
Câu thơ tôi thả tím trời hoàng hôn!
(Áo dài em tím hoa cà)

Có những bài thơ tình tuy là dành cho những người có thu nhập thấp nhưng vẫn thấm đẫm tính nhân văn của một trái tim chung thủy (Tình anh xe ôm, Tình khờ, Tình hẹn).

Trong những bài thơ tình trong tập thơ tôi thích nhất là bài Biệt khúc và bài Liêu trai. Thơ tuy nói về người vô hình nhưng rất thật. Tuy thật mà ảo, tuy ảo mà thật:

Lênh đênh địa ngục thiên đường
Em đi thả lại sợi hương giọt tình
Giơ tay níu cõi vô hình
Tay ta bỗng nắm tay mình
Tìm em...
(Liêu trai)

Nhìn chung tập thơ Giọt lệ trăng là một bước tiến đáng kể trên con đường đi tìm nghệ thuật thơ ca của Thanh Trắc Nguyễn Văn. Cái khuyết điểm của tập thơ là trong đó vẫn còn ít nhiều bài thơ buồn, một vài câu thơ vẫn còn cũ chưa mới.

(Trang web văn học Nhà Văn tpHCM ngày 17.12.2010)


Kim Như






Ghi chú: ảnh minh họa sưu tầm từ internet


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả