TÌNH CA GIÁO VIÊN MIỀN NÚI *** CHƯƠNG XXIV ***

:::: Chương XXIV ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Ngoại trừ trục trặc chuyện riêng tôi với Du và thầy Phong, việc ghé lại làng Ea Blang coi như thành công mỹ mãn về mặt công tác. Tôi chẳng những thuyết phục được ba anh biết đọc viết chữ Jrai mà còn tìm được hai chị cũng rành không kém. Tôi lấy được đơn xin làm giáo viên và trình độ học vấn của từng người với lời giới thiệu của thôn trưởng đã làm du kích từ lâu năm nên an tâm là không có việc gì mà họ không thể làm giáo viên. Vấn đề bổ sung họ sau này mới đáng suy nghĩ. Tôi có ý định là đưa giáo viên nữ về ngay làng của họ, còn giáo viên nam có thể dạy các làng lân cận để họ có thể đi lại và làm việc cùng với gia đình nếu cần. Nghĩ vậy thôi chứ tôi không dám hứa với họ điều gì, vì "nhu cầu cách mạng văn hóa" là tuỳ cán bộ cấp trên xét định.

Ít nhất là họ biết tôi thẳng thắn với họ. Người Thượng ghét nhất là nói dối. Hứa với họ điều gì mà không làm thì sẽ thấy họ giận ra mặt. Tôi quen họ lâu rồi nên lúc cà rởn tôi cà rởn, còn lúc làm việc nói đâu phải ra đó, nếu không họ giận là tiêu đời công tác dân vận.

Sáng nay, tờ mờ sáng tôi vội vã cuốn võng và đồ đạc vào ba lô để đi tới làng Ea Rông thay cho anh Đoàn là giáo viên sẽ về làng Kờ Mông dạy thế cô Liễu 5 ngày. Tôi phải đi sớm để kịp ghé xuống thác đưa cho anh Trung và Tâm ít thuốc đã xin được ở bệnh xá huyện sáng qua trước khi tôi lên làng Kờ Mông báo tin cho cô Liễu. Mười viên thuốc trụ sinh Tétramycine và một lọ aspirin qúi hơn vàng lúc này.

Tôi thầm cám ơn cô y tá Thuận đã không hỏi han gì nhiều vì cô bận. Chỗ nào cũng vậy nếu quen biết trước và tin tưởng nhau thì cái gì cũng dễ dàng không bị hạch hỏi. Cụm phong lan tôi tặng cô Thuận dịp khánh thành bệnh xá huyện vẫn xanh tươi trước nhà, đã có những cọng hoa dài nhưng còn nhỏ, chắc chừng hai ba tuần nữa mới nở. Cụm hoa đó lúc tôi tặng màu tím đẹp vô cùng. Đời giáo viên miền núi nghèo nhưng quà tặng thiên nhiên thì không thiếu, chỉ cần chịu khó đi lên rừng một chút là có ngay.

Người Thượng chưa biết thưởng thức hoa lan hay các loại hoa. Họ rất thực tế, cái qúi của họ là ghè hoa đựng gạo hoặc ghè rượu, chiêng cồng hay vòng bằng đồng, dao, gùi ... Nói chung là đồ trang sức và vật dụng dùng hằng ngày. Hoa thì khi cần thì hái, chứ không có cắt về trồng tỉa.

Sau biến cố 1975 thật đúng là một cuộc đổi đời. Thanh niên thiếu nữ được đưa lên miền cao để làm những công tác mà không ai có thể ngờ được. Mỗi người ở một nơi, một nhiệm vụ. Con gái con trai gì cũng thế. Cô Thuận, y tá, làm việc một mình ở bệnh xá huyện; tỉnh thoảng mới có bác sĩ lên một lần. Cô Nha lo bán hàng thương nghiệp cũng thui thủi một mình. Hai cô đều trẻ nhưng hai người khác xa nhau lắm, cô Thuận thì cao to, cởi mở còn cô Nha thì nho nhỏ thì nhẹ nhàng kín đáo ít khi nói cười. Mỗi lần cô Nha cười trông rất ngộ vì cô má lúm đồng tiền và có một cái răng bọc vàng.

Ở giữa rừng hoang vu, ít có người Kinh qua lại, nên khi chúng tôi gặp nhau dễ làm quen và yêu mến nhau vô cùng. Chẳng thế mà thầy Hạ, một giáo viên Xoá Nạn Mù Chữ ở B 8, cuối tuần nào cũng ghé lại cửa hàng thương nghiệp để "cưa" cô Nha, nhưng mãi tới giờ cô Nha vẫn chưa đổ, chưa chịu thầy Hạ. Cô Nha hiền lành nhã nhặn nhưng có nét u hoài trong đôi mắt đen thăm thẳm của cô. Đám giáo viên con trai tụi tôi hay chọc thầy Hạ là cưa của anh không đủ sắc nên lo về mài dũa thêm. Ngoài thầy Hạ cũng còn có mấy thầy khác, nhưng thầy Hạ là bền bỉ nhất cũng chưa thành công. Tôi thì đơn sơ, chẳng nghĩ mông lung gì, ai cũng là bạn thôi, nên mọi người trai gái đều vui vẻ xem như anh em trong nhà.

Nhưng lá bùa may mắn của tôi đã bớt linh nghiệm rồi, mối liên hệ của tôi với Du đã trục trặc và với thầy Phong đã sứt mẻ phần nào. Tôi đã lỡ lời chạm tới tự ái của con trai vạch ra điểm yếu của thầy Phong, tự biến mình thành tình địch hay có thể là kẻ thù. Gây thù gây oán chỉ thêm khổ thân, tôi cũng bực mình lắm nhưng cũng đành. Tôi tự nhủ, "May mà gây oán với thầy Phong, chứ gây oán với người Thượng, họ bỏ bùa cho mà bỏ xác!"

Tôi chỉ kịp ghé xuống thăm anh Trung và Tâm một tí xíu trao thuốc cho anh Tâm, hẹn ngày hôm sau trở lại rồi phải đi ngay vì tôi muốn anh Đoàn chờ gặp cô Mai rồi đưa cô ra bến xe về thị xã. Tôi đã hứa với cô khoảng 3 tuần nữa cho cô về mà 3 tuần nữa tôi phải lo lớp huấn luyện giáo viên Thượng nên không thể thế cô được.

Tôi vừa trờ đến làng Ea Rông thì anh Đoàn cũng khăn gói quả mướp đeo ba lô rời nhà. Tôi chào anh Đoàn:

-- May quá còn gặp anh ở đây! Anh ở lại đây chừng một tiếng rưỡi nha! Quang qua bên làng Ea Rung gặp cô Mai cho cô về phép ít ngày. Cô Mai và anh đi chung nhau một đoạn đường cho vui.

Thực ra dù biết rừng cũng an toàn, nhưng tôi không muốn có việc gì bất trắc xảy ra với giáo viên của tôi, nhất là giáo viên nữ. Nếu không gặp anh Đoàn hôm nay thì tôi sẽ nhờ du kích làng đưa cô Mai ra trạm xe ngày hôm sau thôi chứ không dám để cô đi một mình.

Anh Đoàn hỏi:
-- Rồi ai dạy thế cô Mai?
-- Anh đừng lo, Quang sẽ dạy làng anh tối nay với sáng mai, rồi dạy làng cô Mai tối mai và sáng mốt rồi trở lại đây dạy tối mốt và sáng hôm sau ... Thế là chẳng làng nào hụt lớp nào.

Anh Đoàn cười:
-- Đoàn chịu Quang thôi. Linh động cách mạng hở?
-- Biết sao giờ, Quang hứa ba tuần nữa cho cô Mai về, mà bây giờ biết ba tuần nữa, Quang bận việc ở Phòng Giáo Dục thì sao đây? Thôi kệ, Quang lên đây rồi ráng còng lưng lo một công hai ba chuyện.

Tôi để anh Đoàn và ba-lô ở lại làng Ea Rông, chạy không cho mau. Tôi tưởng tượng mình là chàng Pheidippides chạy bộ đường dài từ thành phố Marathon về tới thành phố Athens để báo tin chiến thắng thời cổ Hy Lạp năm 490 trước Kỷ nguyên Thiên Chúa Giáo. Tôi vừa chạy vừa thở đều đều và chạy trên bóng râm đường mòn nên không đến nỗi mệt lắm khi tới làng Ea Rung. Cô Mai thấy mặt tôi cười hỏi, "Anh Quang mới đi uống rượu về hở? Sao mà mặt đỏ gay thế?"

Tôi cười giải thích qua loa, cô Mai mừng rỡ cám ơn rối rít. Đợi cô Mai sửa soạn ba lô đâu đó xong, tôi nói, "Mai để Quang đeo ba lô cho! Mai đi không, tới làng thầy Đoàn rồi Mai đeo ba lô rồi cùng về với thầy Đoàn!"

-- Anh Đoàn cũng về hở
-- Không, anh Đoàn sang làng Kờ Mông dạy thế cô Liễu, về gần cô Hạnh và bệnh xá để coi có thể điều trị bệnh suyễn của anh Đoàn không. May ra đi nhanh, Mai có thể về cùng với cô Liễu hôm nay đó!

Khỏi phải nói, cô Mai thu dọn một cách nhanh nhẹn. Được đi chung về thị xã với người quen thì còn gì bằng, nhất là hai cô lại cùng phường ở thị xã. Hai cô thể nào cũng có bao nhiêu chuyện để mà tâm sự. Con gái với nhau mà!

Chạy đi và trở về làng Ea Rông không đầy một tiếng. Anh Đoàn ngạc nhiên lắm, hỏi:

-- Bộ Quang có cánh bay hay sao mà lẹ vậỷ
-- Quang chạy bộ, và cô Mai cũng đi lẹ để kịp chuyến xe về thị xã hôm nay đó. May ra thì cùng về với cô Liễụ Anh và chị Hạnh đưa cô Mai ra bến xe giùm Quang nhé!

Tôi nháy mắt với anh:
-- Nói chị Hạnh báo cho dân làng biết là chị đưa anh ra bệnh xá rồi mai trở về nếu cần. Hụt một buổi tối cũng không sao! Quang chịu trách nhiệm cho!

Anh Đoàn nói:
-- Không sao, đưa cô Mai ra bến xe rồi Đoàn sẽ đưa Hạnh về lại làng ngay, rồi một mình Đoàn về làng Kờ Mông cũng được, Đoàn còn khoẻ mà.
-- Cám ơn anh! Cứ vậy đi, thôi anh và cô Mai đi liền đi cho kịp!

Chờ thầy Đoàn và cô Mai đi khuất rồi, tôi ra trường ngồi soạn giáo án cho chương trình huấn luyện giáo viên Thượng trong ba tuần nữa. Tôi sẽ dành ngày đầu nói sơ qua về công việc của các giáo viên mới rồi giao họ lại cho anh Nhật và bên Đảng ủy nói về đường lối chính trị. Từ ngày thứ hai trở đi cho tới ngày áp chót thì anh Ít và tôi sẽ phụ trách. Ngày cuối lại giao cho anh Nhật, Phòng Giáo Dục và Huyện Uỷ lo thủ tục hành chánh lương lậu và liên hoan mãn khoá. Cấp tốc trong 3 tuần, vậy là từ đây tới 6 tuần nữa tôi hoàn toàn bận bịu không thể tìm gặp Du hay Nhung.

Tôi ngồi viết lách quên cả thời gian cho tới khi tiếng ồn ào trong làng làm tôi ngẩng đầu lên. Mấy anh du kích đi săn vừa bắn được một con nai lớn. Họ nói với tôi:

-- Đạn của bộ đội mới cho hên quá!

Tôi bật cười:

-- Vậy là có lời rồi đó nhé! Có phần tôi không?
-- Có mà, tối nay, chúng tôi đưa cho thầy ở lớp học nha!
-- Được, được, cám ơn!

Tôi vui thấy họ vui, và chợt nhớ mình chưa ăn trưa, bụng cồn cào rồi! Tôi không thể chờ thịt nai để ăn tối. Tôi về nhà bắc nước thổi cơm và ăn với thịt bò kho với xả ớt cay thật cay mà Mẹ tôi đã bỏ vào lon sữa ghi gô (guigot). Tôi cảm thấy bớt bứt rứt là đã quên không chia sớt với anh Trung và Tâm lon thịt khô của mình. Tối nay tôi sẽ nấu cháo thịt nai rồi sáng sớm mai sau khi dạy học xong đưa xuống thác cho hai anh rồi sang làng Ea Rung dạy thế cô Mai.

Nguyên Đỗ





Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả