TÌNH CA GIÁO VIÊN MIỀN NÚI *** CHƯƠNG XXV ***

:::: Chương XXV ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Tôi mỉm cười khi đọc đoạn nhật ký khi Nhung nhắc đến tôi lần đầu tiên khi tôi được bầu làm Trưởng Lớp, niên khoá 1975-1976, khóa học đầu tiên sau ngày đất nước đổi thay.



Hắn thân hình mảnh khảnh, dáng cao cao, có lẽ cao nhất lớp. Hắn có cái nhìn xa vời, nhưng khi hắn nhìn người nào đều khiến người ấy cảm thấy gần gũi, tin tưởng. Có lẽ vì vậy mà hắn được bầu làm trưởng lớp mặc dầu hắn là một học sinh mới hoàn toàn. Thông thường bạn bè thường bầu cho nhau, nhưng kỳ này, chẳng ai muốn làm, kể cả hắn. Có lẽ không ai muốn lãnh trách nhiệm vì tình hình biến chuyển của đất nước.

Sau khi được bầu làm trưởng lớp, hắn đứng lên ngỏ lời cám ơn mọi người đã bầu trưởng và phó trưởng lớp và đề nghị mọi người bầu thêm các trưởng ban khác mà hắn nghĩ sẽ tạo cơ hội mọi người hiểu biết, vui chơi và cộng tác với nhau hơn theo chủ tiêu vui chơi học hỏi và khoẻ để phụng sự.

Ban thể thao được trao cho Trần Văn Dung và Nguyễn Đức Bảo.
Ban báo chí được trao cho Nguyễn Văn Quảng và Nguyễn Thị Mỹ Ánh.
Ban văn nghệ: Nhung và Phạm Thị Thừa.

........................................................................



Tôi mỉm cười và nhớ lại những ngày đầu đi học với những ưu tư dưới chế độ mới. Anh Dung, chơi đá banh rất giỏi, học được nửa năm rồi nghỉ vì bị sốt rét cấp tính rồi tê liệt chân. Hôm tôi dẫn các bạn trong lớp tới thăm, chúng tôi đều khóc, tội nghiệp anh ấỵ Sau đó anh Bảo lên thế và chúng tôi bầu Phạm Công Minh vào chức phó trưởng Ban Thể Thao.

Biến thiên lịch sử đã thay đổi những dự định tương lai của biết bao nhiêu gia đình và học sinh. Cuộc sống là tranh đấu, thử thách, như tác phẩm Thép Đã Tôi Thế Đấy miêu tả. Con người nghị lực phải cố gắng vươn lên và góp sức cho đời. Tôi thích đọc những tác phẩm Học Làm Người của Nguyễn Hiến Lê , Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần dưới thời Việt Nam Cộng Hoà hơn là những tác phẩm cách mạng. Nhưng các tác phẩm cách mạng thì nhan nhãn trong các tiệm sách mà giá lại rẻ nên có dư chút tiền tôi đều mua để tìm hiểu thêm như lời thầy giáo hồi xưa nói với chúng tôi, "Để lại cho con cả gia tài không bằng để lại cho con một quyển sách tốt!"

Suốt thời gian làm lớp trưởng, tôi đã cố gắng thực thi những gì đã học hỏi từ tủ sách Học Làm Người hơn là giáo điều mù quáng với những khẩu hiệu cách mạng, không phải vì tôi là con cháu nguỵ quân nguỵ quyền mà vì nhận thức thông thường đã học hỏi và biết suy xét. Chiến tranh đã kết thúc rồi, chúng tôi dấn thân vào việc học tập và xây dựng xã hội mới. Làm việc gì cũng vậy, tôi nhận thấy cần phải biết suy xét, tư duy một cách khách quan không giáo điều mù quáng hay bè phái. Tôi đã cố gạt bỏ những thành kiến về cộng sản để chấp nhận cuộc sống mới dưới ánh mắt xót thương của cha anh. Họ đã chiến đấu ròng rã bao năm trời cho một lý tưởng cao vời mà cuối cùng lại phải thất bại. Âu cũng là vận nước. Có thăng có trầm, có thịnh có suy. Bố tôi thường bảo vậy.

Phải chăng đất nước hay con người phải xuống tận cùng vực thẳm để bắt đầu đi lên, mỗi bước tiến sẽ là một thành tựu đáng ghi nhớ. Thời gian ban đầu, tôi thấy cũng không đến nỗi, mọi sinh hoạt hằng ngày đã trở lại bình thường cho đến khi các nơi phát động kế hoạc đánh tư bản maị bản bằng cách đổi tiền giữa năm tôi học lớp 12. Tôi chẳng thấy ai là tư bản mại bản, tất cả đều là những người dân đã và đang cố sống với cuộc sống vất vả hiện tại. Việc đổi tiền đã gây khủng hoảng lớn trong thành phố chúng tôi. Chẳng ai còn thiết tha làm việc.

Tôi lái xe đạp chạy vòng vòng các trạm đổi tiền, để ghi nhận khuôn mặt thống khổ của từng người trước nỗi niềm đau chung. Tất cả dân miền Nam trở thành nạn nhân của sự chèn ép tinh vi của chế độ mới. Tiền bạc dành dụm của mọi người xưa nay đã phút chốc tiêu hao và niềm tin vào chế độ hậu chiến tranh cũng mất mát.

Thủy, bạn học cùng lớp tôi bấy giờ, là con một thương gia khá trong tỉnh gặp tôi ở trạm đổi tiền ngay ở phường Năm, hỏi tôi:

-- Anh Quang làm gì ở đây? Đổi tiền hở.?
-- Tiền đâu mà đổi! Mẹ Quang đang đứng xếp hàng chờ kia kìa! Quang chỉ muốn nhìn mọi người để ghi nhận rồi sau này có dịp sẽ viết lại nỗi đau chung của mọi người thôi.

Thuỷ lắc đầu hỏi tôi:
-- Anh làm giúp Thủy việc này được không?
-- Việc gì vậỷ
-- Anh theo Thuỷ về nhà lấy tiền đổi giùm gia đình Thủy vì họ giới hạn số tiền được phép đổi. Đổi được bao nhiêu cũng được. Không đổi thì số tiền ấy cũng không có giá trị gì.
-- Quang không biết mẹ Quang hiện có bao nhiêu, để Quang hỏi rồi giúp.
-- Đừng anh, anh cứ về nhà Thủy lấy tiền rồi đưa cho Bác, thiếu thừa tính sau, vì hỏi bây giờ bị nghi ngờ theo dõi đó.

Hôm đó Mẹ tôi giúp Thuỷ đổi được đâu 500 đồng tiền mới. Gia đình Thuỷ gởi Mẹ tôi một nửa, nhưng Mẹ tôi lắc đầu từ chối, nói giúp đỡ nhau là chuyện thường, đâu phải mua bán gì đâu. Ba má Thuỷ đành cầm số tiền cho lại và nói rằng:

-- Sau này có việc gì cần, ông bà cứ cho chúng tôi biết!

Bố Mẹ tôi đã già. Các người luôn luôn dạy anh em chúng tôi sống yêu người tích đức phụng sự tha nhân. Việc gì ở đời này cũng là tạm bợ, cũng qua đi với thời gian. Chỉ có những gì trường cửu trên trời mới đáng kể. Bài học cá nhân của gia đình tôi cơ ngơi đồ sộ ngoài Bắc phải bỏ để di cư vào Nam, xây dựng vườn tược đồn điền trù phú rồi cũng phải bỏ vì chiến tranh, rồi bây giờ ít mẫu rộng còn lại sát thị xã cũng phải đem vào hợp tác xã. Tiền bạc xưa nay của bố mẹ tôi là dựa vào vườn rau và vườn cây ăn trái. Khi dư giả thì lại đầu tư vào ruộng đất.

Giới thương nghiệp, nông nghiệp, quân nhân đều trở thành nạn nhân của sự thiếu suy xét lâu dài mà đáng ra sau chiến tranh sẽ là một lực lượng hùng hậu để dựng xây đất nước.

Tôi ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa. Trời đã xế chiều, trưa mai thầy Đoàn từ làng Kờ Mông sẽ trở vào, và cô Liễu, cô Mai sẽ trở lại nhiệm sở. Đã 5 ngày tôi xoay sở dạy ở làng thầy Đoàn, làng cô Mai, đi thăm anh Trung và anh Tâm mỗi ngày. Anh Tâm đã không còn sốt nữa, sức khoẻ đã hồi phục, và có thể ra đi được rồi. Trong 5 ngày anh Trung và tôi dùng câu cắm đã bắt được khá nhiều cá để tôi đem về làng luộc và xé ra nhỏ trộn với muối và rang khô để làm ruốc giúp các anh làm thức ăn đi đường. Chương trình huấn luyện các giáo viên Thượng cũng đã tạm xong. Khi người ta làm việc dưới áp lực của việc gì đó thường mau chóng hơn lúc lam` việc tà tà, không có thời gian nhất định.

Sáng nay tôi dạy ở làng thầy Đoàn, tôi đã từ giã mọi người. Buổi trưa tôi ra thác câu cá và thăm anh Trung và Tâm. Hai anh cũng nóng lòng ra đi, tôi đã đưa cho các anh hộp ruốc cá và hứa sẽ trở lại trưa mai để dẫn các anh đi lên biên giớị Cả mấy ngày qua tôi chỉ dẫn cặn kẽ đường đi nước bước' nên các anh cũng đã rành rẽ phần nào. Tối nay tôi sẽ dạy bình thường ở làng cô Mai, nhưng sáng mai tôi sẽ giã từ họ trong bữa học cuối cùng.

Gặp nhau giã biệt nhau trở thành thông lệ nhưng cũng xót xa trong lòng. Tôi yêu mến người dân, qúi trọng anh Trung và anh Tâm, dân làng tôi còn có dịp gặp lại, nhưng khi giã biệt hai anh ngày mai rồi chắc chúng tôi chẳng còn cơ hội nào để gặp nhau. Hai anh nhất định đi, chứ không chịu trở về. Anh Tâm khai thật với tôi là anh đã lấy một số tiền lớn ở cơ quan để mua ghe vượt biển ở Qui Nhơn nhưng bị lừa nên đành phải đi trốn bằng bất cứ giá nào, chứ không thể trở nào trở về được. Còn anh Trung thì tham gia vào một nhóm Phục Quốc giả do chính cộng sản thành lập để quy tụ những phần tử chống đối. Hôm công an truy lùng anh kịp thời trốn được nên bây giờ có trở về cũng chỉ ngồi tù.

Tôi lo sợ cho các anh nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Đã đến nước này, thì các anh nhắm mắt ra đi là phải. Tôi vẽ sơ đồ, chỉ cho các anh những tiếng Thượng cơ bản, để nếu cần các anh có thể giả làm Giáo Viên Miền Núi đi lên vùng biên giới để dạy. Tôi biết là tôi liều lĩnh lắm, nhưng giúp người thì trời sẽ giúp mình. Công việc xây dựng đất nước đâu phải độc quyền những người ở trong nước mà thôi, mà những người ngoài nước cũng đóng góp phần không kém quan trọng như dân tộc Do Thái.

Biết đâu một ngày nào đó, những người như anh Trung, anh Tâm sẽ là những Mạnh Thường Quân trợ lực việc xây dựng lại quê hương, biết đâu những người Thượng mà chúng tôi đang dạy sẽ trở thành lực lượng đấu tranh cho tự do no ấm thực sự.

Tôi mơ màng mơ tới một ngày đất nước thực sự thanh bình, thấy được mọi người đoàn kết thương yêu nhau, không có nhà tù, không có trại cải tạo, không còn phân biệt quốc gia hay cộng sản, mà chỉ biết rằng mọi người đều là con rồng cháu tiên, giòng dõi Lạc Việt cùng chung một bọc biết cùng nhau xây dựng một quê hương đẹp giàu....

Nguyên Đỗ
(Còn tiếp)







Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả