TÌNH CA GIÁO VIÊN MIỀN NÚI *** CHƯƠNG XXXI-XXXII ***

:::: Chương XXXI ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Thay vì ở lại giới thiệu thầy Tài với đồng bào, tôi nhờ thầy Đoàn tối hôm đó giới thiệu thầy Tài và từ giã đồng bàọ lấy cớ tôi qua thăm các thầy cô giáo khác trước khi phải bế quan tỏa cảng tại Phòng Giáo Dục cả hơn hai tuần lễ dài sắp tới. Thầy Đoàn mừng rỡ được về gần cô Hạnh cám ơn tôi rối rít nói rằng:

-- Quang đừng lo, Quang đã hết lòng vì bọn này, thì bọn này sẽ tận lực lo công tác mà!
-- Cứ vậy đi nha, rồi Quang sẽ cố gắng thay mọi người dạy để ai nấy đều có dịp nghỉ phép mà không bị bê trễ công tác. Anh Đoàn đi ngang Phòng Giáo Dục nhớ tìm gặp anh Nhật nói là Quang có chút thay đổi. Chắc phải sau ngày mốt Quang mới về Phòng Giáo Dục lại. Quang bây giờ đi một vòng tròn lên B 8, B 9, B 11, B 12 và B 10 rồi trở lại vì những tuần sắp tới Quang sẽ đóng đô tại Phòng, không đi thăm và động viên các giáo viên trong khu vực của Quang được.

Tôi quay về phía thầy Tài:

-- Còn anh Tài, cứ ráng dạy và hoà đồng như Quang đã nói với anh lúc đi đường. Có gì cứ hỏi thầy Đoàn, cô Mai, cô Hạnh hoặc Quang. Khoảng ba tuần nữa Quang trở lại.

Sau khi rời làng Ea Rong chỗ thầy Tài thay thế thầy Đoàn, tôi tạt ngang làng Ea Rung thăm cô Mai. Trên đường đi tới làng cô Mai, tôi phải hát vang mấy bài ca cách mạng quen thuộc như bài Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây. Cứ khúc nào rừng cây rậm rạp không thể nhìn thấy người là tôi hát vang lên. Chỗ nào cây cao, có thể nhìn xa dưới tàng cây thì tôi ngưng hát đi nhanh. Cô Mai ngạc nhiên lắm vì tôi mới gặp cô ít hôm trước khi cô lên dạy trở lại. Tôi cười giải thích:

-- Quang đưa thầy Tài lên thế thầy Đoàn. Thầy Đoàn về làng Kờ Mông. Cô Liễu xin đổi lên B 3, khu vực của thầy Phúc, có lẽ để gần thầy Lực.
-- Quang tính làm ông mai hở?
-- Ông mai gì, họ đã quen nhau và xin đổi chứ Quang có liên quan chi! Mà Mai muốn đổi đi đâu không, Quang xin làm ông mai chuyển Mai tới nơi Mai muốn.
-- Không, Mai ở đây vui rồi! Đồng bào ở đây họ qúi mến Mai và Mai cũng không nỡ đi, bỏ lại mấy em nhỏ đang chịu khó học.

Tôi nói sơ qua về tình hình xảy ra ở Ea Rong, nói bộ đội và du kích đang phối hợp truy lùng người lạ chi đó nên xin cô Mai đừng có đi lung tung trong rừng tìm mộc nhĩ hay hoa trái mà nguy tới tính mạng. Cô Mai trả lời:

-- Du kích làng Mai cũng đi sáng nay, họ nói họ sẽ đi kiếm kẻ gian đang lẩn quẩn khu vực này.

Cô Mai mời tôi ở lại, chờ cô nấu cơm chiều, tôi nói:
-- Quang phải lên các làng khác xem tình hình và động viên các giáo viên vì Quang sẽ bận mấy tuần lo vụ huấn luyện giáo viên Thượng để họ trợ lực mình sau này.
-- Vậy Quang ăn chè với Mai rồi hãy đi nha!
-- Mai lúc nào cũng nấu chè ha! Mai mốt Quang gọi Mai là cô Chè đó!
-- Quang mà gọi Mai là cô Chè, Mai nghỉ chơi Quang luôn!

Cô Mai và tôi ngồi xuống ăn mỗi người một chén chè đậu đen cô Mai đã nấu sáng nay. Chè nguội nên vị ngọt càng thấm. Tôi nhìn cô Mai tủm tỉm cười không nói chi, nhưng cô Mai bắt gặp ánh mắt tôi, hỏi:

-- Nhìn chi kỹ vậy?
-- Quang đang mường tượng ngày tụi mình mới lên huyện, đứa nào đứa nấy buồn hiu vì lạ nước lạ cái. Bây giờ tụi mình đã quen thuộc rồi, thấy buôn làng cũng như quê hương làng xã của mình. Mai có thấy vậy không?
-- Mai cũng cùng ý nghĩ như Quang, mình sống ở đâu quen đó! Mai mốt rời đây, Mai sẽ buồn lắm!
-- Mai có tính chuyển qua chuyên nghiệp không? Có dịp Quang sẽ nói với anh Nhật.

Cô Mai ngước nhìn tôi, nét mặt rạng rỡ:
-- Thật nha! Nếu được vậy còn gì tốt bằng, vì khi về thị xã Mai cũng không biết làm nghề gì nữa.
-- Được, Quang sẽ cố gắng. Bây giờ Quang phải đi đây, Mai ở lại công tác vui vẻ.
-- Còn Quang, đi đường cẩn thận nha!
-- Quang lúc nào cũng cẩn thận mà, còn giữ mình để ăn chè chứ!

Tôi kiểm soát lại đèn pin. Pin vẫn còn mạnh. Tôi xoáy mở đáy đèn pin, lấy ra mặt nhựa màu đỏ để lên mặt cho dễ dàng lấy khi cần. Tôi sẽ phải dùng đèn pin và tín hiệu Morse đêm nay may ra anh Tâm hay anh Trung có thể nhận ra. Tôi khoác ba lô lên vai, rồi chào cô Mai, xuống nhà sàn vừa đi vừa huýt sáo có vẻ rất tự nhiên dù trong lòng hồi hộp lạ. Tôi ước ao có một con chó làm bạn lúc này. Đi đường rừng lúc này tôi lo lo làm sao đó. Rủi bộ đội hay du kích bắn lầm một cái có chết không! Cái chết của tôi sẽ là một nhầm lẫn đáng tiếc, nhưng dù sao vẫn lãng xẹt! Việc giúp đỡ của tôi đối với anh Tâm và anh Trung kể ra cũng khá chu đáo rồi, việc gì không may xảy đến cho hai anh, cũng chỉ là số mệnh thôi! Không phải chính miệng hai anh đã nói ra đó sao?


:::: Chương XXXII:::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Anh Tâm và anh Trung không phải bà con ruột thịt gì của tôi và chúng tôi cũng quen chưa lâu, việc tôi liều lĩnh giúp trong lúc hoạn nạn kể ra cũng khá kỹ càng. Nếu hai anh có mệnh hệ gì, ai có thể trách tôi được. Tôi còn bao nhiêu người thân, còn bao nhiêu dự định chưa thực hiện ... Tôi vừa phân vân lưỡng lự vừa dấn bước đi nhanh trên đường mòn. Không thể thấy cái chết trước mắt mà không cứu, ngay cả là đối với một người lạ. Dù sao họ cũng là đồng hương của tôi. Dù sao họ cũng là bạn của bạn tôi. Mọi cuộc sống đều có mối tương quan với nhau, chuyện xảy ra cho anh Trung hay anh Tâm có thể là chuyện xảy ra cho tôi sau này. Tôi không thể thờ ơ trước hiểm nguy và cái chết của họ.

Tôi đã quyết định rồi, dù gì mình cũng phải cố gắng. Nếu lỡ hai anh bị bắt, tôi sẽ dùng tiền hai anh để lại để chuộc hai anh ra, nếu lỡ hai anh bị bắn chết thì tôi cũng không hối hận là đã liều mình đi tìm hai anh để dẫn hai anh tới vùng an toàn hơn. Nếu chuyện gì xảy ra ngoài tầm mắt của tôi, ngoài khả năng cứu người của tôi, thì đó là số mệnh. Tôi phải ráng, phải ráng đi nhanh, vượt du kích và bộ đội.

Cứ vừa đi vừa chạy trên đường mòn với chiếc ba lô kêu lộc cộc trên vai vì cà mên, đèn pin, và các thứ lỉnh kỉnh, tôi tới bìa làng Ea Yut khi trời ngã chiều. Ghé vào đây nghỉ, đồng thời lấy tin tức cái đã rồi hãy đi tiếp. Làng này là làng thầy Tường, người nhỏ bé hiền lành như con gái. Tôi chưa gặp thầy cả gần 2 tháng rồi. Tôi dự định gặp thầy một tí thôi rồi phải đi ngay, lấy cớ còn nhiều làng phải đi, mục đích là tôi phải kịp đi thêm ít nhất 4 tiếng nữa cho kịp các anh Trung và Tâm theo dự đóan của tôi. Họ đi chậm và lẩn trốn, còn tôi vừa đi vừa chạy và biết rành rọt đường xá nên có lẽ sẽ kịp thôi, nếu bộ đội và du kích xã không bắt các anh trước khi tôi kịp đến dẫn đường đi trốn.

Tới gần giữa làng tôi thấy nhiều người tụ tập trong lớp, có bóng quân phục xanh và nón cối của bộ đội. Tôi tiến lại định chào thì có tiếng quen quen:

-- Đồng chí Quang đây mà!

Tôi nhìn về phía người nói:
-- Trời anh Lý! Anh làm gì ở đây? Anh Công và anh Tiến đâu? Các anh lại đi săn chứ gì?
-- Bọn tớ đây này!

Tôi xoay người nhìn hai anh Công và anh Tiến lồm cồm ngồi dậy. Hai anh có lẽ mệt đã nằm dài trên ghế trong lớp. Tôi nói:
-- Trái đất tròn và nhỏ thật rồi! Em đang định lên B 11 vào gặp các anh thì lại gặp các anh ở đây! Ngọn gió nào đưa các anh tới đây và chú Minh khoẻ không?
-- Thủ trưởng khoẻ, bữa nọ làm một bữa nhậu ngon lành!

Tôi quay một vòng nhìn quanh thấy đủ 7 anh bộ đội như lời cô Hạnh nói và một số du kích. Có lẽ họ vào đây chờ ăn cơm chiều với đồng bào. Thế là may rồi, tôi đã bắt kịp được với bộ đội và du kích! Tôi phải khôn khéo dò hỏi xem tình hình mới được.

-- Thế hôm nay các anh tính săn nai nữa hở?

Các anh bộ đội đưa mắt nhìn nhau dò hỏi, anh Lý nói với một anh bộ đội, có lẽ là cấp chỉ huy của các anh:

-- Đồng chí Quang là giáo viên chuyên trách, hôm nọ đã hướng dẫn mấy anh em tụi này bắn nai đó!

Tôi tiến lại chào anh và đưa tay ra bắt:
-- Em tên Quang! Em vào đây thăm thầy Tường và lên B 11, B 12 và B 10 lấy tình hình cho Phòng Giáo Dục huyện.
-- Tôi tên Quốc! Đồng chí có gặp người lạ mặt trên đường đi không?
-- Dạ không ạ! Có chuyện gì thế?
-- Chúng tôi truy lùng địch. Đồng bào báo chiều qua, sáng nay chúng tôi đi kiếm, nhưng chưa gặp. Họ còn lòng vòng đâu đây thôi, vì dấu vết bỏ lại ở các khu rẫy Thượng còn mới!
-- Các anh đã truy lùng ở đâu rồi?
-- B 8 và B 9, chỗ nào cũng có dấu vết nhưng mà bọn mình tới trễ. Họ cứ lẩn quẩn chứ không có phương hướng nhất định nên tìm chưa ra. Phen này mà gặp, đếch cần bắt giữ làm gì, bắn bọn nó chết bỏ mẹ tụi nó ngay tại chỗ.

Tôi quay nhìn anh Lý, anh Tiến, và anh Công. Cả ba đều tránh cái nhìn của tôi. Ba anh đều hiền lành, nói chuyện dễ thương, nhưng giọng nói của anh Quốc tôi thấy có vẻ đanh sắt và thù hận nên tôi chưa dám đề nghị nếu bắt giam giữ thì hay hơn, may ra còn có tiền chuộc. Phải chờ cơ hội, lạng quang anh chỉ huy này nổi dóa thì chết tới nơi. Tôi nói:

-- Xin phép các anh nha! Em lên nhà thầy Tường có tí chuyện. Các anh đã gặp thầy Tường chưa?
-- Chưa, có thầy giáo ma nào đâu! Bọn này tới đây khoảng nửa giờ rồi mà có thầy bà nào ra chào đâu!
-- Có lẽ thầy Tường đang soạn bài dạy tối nay, vì ban ngày đồng bào đi làm hết, buổi sáng thì thầy dạy trẻ em nếu các em ở nhà! Thôi để em lên mời thầy Tường xuống giới thiệu cho các anh.

Tôi đi về nhà thầy Tường, leo lên cột thang, làm bằng một thân cây, đẽo từng bậc đi lên. Cửa nhà mở, tôi gọi lớn:

-- Thầy Tường, có ở nhà không? Quang đây!
-- Vào đi, anh Quang! Tường không khoẻ mấy nên nằm đây nghỉ.
-- Bị sốt rét hở?
-- Không, chỉ mệt mỏi thôi.
-- Trời, sao mắt trái thầy đỏ hoe thế nàỷ Khóc hay bị gì vậy|?
-- Khóc cái gì, tự nhiên nó đó cả tuần nay, xức thuốc gì cũng không xong. Thầy mo nói phải cúng Giàng!
-- Thầy tin có bùa ngải không vậy?
-- Có đó! Nếu vài ngày nữa không khỏi thì Tường cũng phải nhờ thầy mo cúng Giàng! Tường có mua mấy con gà để dành kìa!
-- Cúng thầy mo mà phải ba con gà sao?
-- Không, một con thôi! Nhưng Tường mua luôn ba con gà trống để nếu cần làm thịt đãi bạn bè!
-- Vậy Tường bán lại cho Quang 1 con nha! Luộc gà đãi mấy anh bộ đội đang ngồi ở lớp kìa!
-- Đãi mấy chả làm gì! Tốn của toi cơm thôi!
-- Kệ đi, Tường mua bao nhiêu để Quang gởi tiền lại.
-- Thôi khỏi, Quang bắt ra một con rồi làm thịt. Tiền bạc gì!
-- Không được để Quang trả lại đàng hoàng mà! Tường mua bao nhiêu vậỷ
-- Mười đồng ba con đó!

Tôi mở ba lô lấy ra 5 đồng, đưa cho Tường:
-- Tường cầm 5 đồng nha! Bây giờ Tường ra lớp, Quang giới thiệu Tường với các anh bộ đội.

Tường miễn cưỡng ra lớp, tôi đem con gà trống đưa cho anh Lý:
-- Thầy Tường ủng hộ chú gà này cho các anh làm thịt ăn chiều.
-- Mẹ nó, phải có chai ba xi đế thì đỡ quá, gà luộc nhắm rượu thì còn gì bằng.

Tôi gợi ý:
-- Rượu cần được không?
-- Không đế thì cần, đâu có kém gì?

Tôi hỏi du kích làng xem có ai có ghè rượu nào để bán cho mọi người cùng uống không. Một anh nói có với giá năm đồng, tôi không tiện lấy tiền trả sợ thầy Tường nghi ngờ sao tôi lại dư dật thế này, tôi quay hỏi thầy Tường:
-- Tường cho mượn lại 5 đồng nha!

Tường cười, rút trong túi đưa tôi đồng tiền tôi vừa đưa hồi nãy, giữ chưa được nóng túi quần.
-- Tiền thầy trả thầy!

Tôi đưa năm đồng cho anh du kích đi về nhà anh gần đó, khệ nệ đưa vò rượu ra, đổ nước lạnh vào, nói được nửa giờ nữa mới uống được. Tôi nhìn con gà anh Lý và anh Tiến đang nấu nước sôi để trụng và vặt lông, thấy hơi kỳ vì con gà chỉ đủ để đãi các anh bộ đội, lên tiếng hỏi:

-- Có ai có con gà nào lớn không? Tôi muốn mua thêm 1 con để đãi cho các anh du kích vì một con gà của thầy Tường chỉ đủ cho các anh bộ độị

Có hai anh du kích dưa tay lên:
-- Hai dền một con, thầy chịu không?
-- Được, bắt hai con đi, tôi trả cho các anh mỗi người hai đồng. Các anh làm hai con gà đó ăn chung với nhau và uống rượu cần chung với các anh bộ đội cho vui vẻ.

Tôi trở vào lục ba lô lấy ra bốn tờ một đồng, và một tờ năm đồng. Đưa cho hai anh du kích mỗi anh hai đồng, còn tờ năm đồng nhét vào túi thầy Tường, cười nói lại:
-- Tiền thầy trả thầy!

Cả đám lại được một phen cười hể hả. Tôi tính cho bà con uống say chiều nay để họ dừng lại đêm nay để tôi tiện việc tìm cách liên lạc với anh Trung và anh Tâm có lẽ chỉ cách xa tôi chừng 3, 4 tiếng đồng hồ. Du kích và bộ đội nghỉ chân đêm nay ở đây thì khoảng nửa đêm hay chừng một hai giờ sáng tôi sẽ đến vùng mà tôi dự đoán hai anh đã tới. Tôi dự định ăn uống một tí rồi đi ngay vì tôi phải đi tới làng kế bên trước khi trời tối. Tôi còn nhiều làng phải đi trong một khu vực rộng nên khối gì cách để nói.

Nguyên Đỗ
(Còn Tiếp)






Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả