TÌNH CA GIÁO VIÊN MIỀN NÚI *** CHƯƠNG XXXIV ***

:::: Chương XXXIV ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Tôi từ giã mọi người, rồi đi theo đường mòn dẫn lên B 12, đầu vẫn choáng váng vì chất rượu. Đi khỏi làng chừng 400 thước, có con đường dẫn xuống vọt nước của làng Ea Yut. Tiếng róc rách lẫn tiếng tè tè của mạch nước và vọt nước chảy nghe lôi cuốn vô cùng. Trời đã xâm xẩm tốii, tôi còn phải vừa đi vừa chạy cả bốn tiếng đồng hồ nữa mới tới vùng mà tôi ức đoán hai anh Trung và Tâm còn ẩn núp theo như hướng dẫn của tôi. Chắc cũng quá nửa đêm tôi mới theo kịp họ được. Sức quyến rũ của tiếng nước chảy làm tôi không thể cưỡng lại được. Phải đi xuống vọt nước, phải tắm một phen mới được! Tôi nhìn quanh không thấy ai, giờ này ai nấy cũng quây quần hát hò quanh ché rượu! Tôi quên cả tính mắc cở thường ngày, tuột hết quần áo kể cả quần đùi, đứng dưới vọt nước. Mát ơi là mát, sướng rên mé đìu hiu! Mạch nước cứu thoát cơn nóng nực, mạch nước giải thoát cơn say! Tôi thọc ngón tay vào cổ để ói ra hết những chất men tôi đã thấm. Vọt nước chảy đều xoá hết những dấu vết rượu và thịt gà tôi vừa mửa ra. Tôi có đủ sức để đi với sứ mệnh tự đặt cho mình, tôi không còn ngà ngà say nữa. Tôi đã đủ tỉnh để tính toán và suy nghĩ cẩn thận. Tắm một hồi thật đã, tôi miễn cưỡng mặc bộ đồ cũ vào, để dành bộ đồ chưa mặc trong ba lô. Tôi nhìn vọt nước một cách luyến tiếc như chưa đã thèm. Phải đi thôi cho kịp trước nửa đêm.

Tôi biết các anh bộ độ và du kích sẽ say bí tỉ đêm nay với đà uống liền tù tì của họ. Chắc ngày mai phải 10, 11 giờ họ mới thức được! Tôi tha hồ chạy, la lớn nếu cần vì theo lời anh Quốc, nhóm anh là nhóm biệt phái duy nhất đi săn lùng kẻ gian thôi. Tôi không còn phải lo âu, sợ hãi. Tôi không còn phải hát những bài ca cách mạng giữa rừng hoang. Tôi chợt có ý nghĩ hay mình cứ hát những bài ca sinh hoạt của miền Nam may ra những người vượt biên lạc đường có thể nghe và tìm cách liên lạc với tôi được. Như vậy sẽ chậm bước đi, nhưng ít ra tôi cũng đã cố gắng tìm cách cứu thoát họ. Tôi chỉ có thể trì hoãn du kích và bộ đội tới trưa mai là cùng. Nếu người vượt biên nghe tiếng tôi hát may ra họ có thể ra mặt để tôi dẫn đi tìm anh Trung và anh Tâm luôn.

Thế là tôi vừa đi vừa hát những bài ca vô thưởng vô phạt của miền Nam mà tôi đã từng hát những ngày còn đi học:

"Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Tiến lên đường cát trắng, trắng xoá ..."

Tiếng hát vang lên giữa rừng làm những con chim Ea Blang đầu có mào
lông màu trắng như những túm bông gòn giật mình bay lên và tôi cũng cảm thấy bớt cô độc. Núi rừng Trường Sơn đẹp thật, chim chóc muông thú, cỏ cây đều có sức quyến rũ lạ lùng. Càng đi vào sâu thì cây cối càng cao và to.

Không biết tôi đã hát bao nhiêu bài nhưng cổ thấy khô và chân cũng thấm mệt. Trời đã tối hẳn rồi. Tôi ngưng hát và ngồi ngay giữa đường mòn mở bi đông ra uống một ngụm nước chứ không uống nhiều. Uống nước nhiều mà chạy sẽ không nhanh và chóng mệt. Chỉ cần uống chút xíu cho bớt khô cổ là đủ rồi. Tiếng cú đêm kêu "tu hú" nghe buồn não ruột. Tôi lại đứng lên đi tiếp trong thinh lặng. Tôi nghe bước chân mình đi sột soạt. Ánh trăng non không đủ soi rõ đường mòn, nhưng tôi cũng không muốn dùng tới đèn pin, vì sợ hết pin bất chợt. Tôi chỉ xử dụng tới nó khi thật cần mà thôi.

Bỗng tôi nghe tiếng "cách" của một cành cây gẫy. Có lẽ là nai rừng đi trong khuya. Tôi dừng lại lắng nghe hình như có tiếng người rên gần đây. Tôi vội lấy đèn pin và lên tiếng vừa bằng tiếng Thượng vừa bằng tiếng Việt:

-- Ai đó? Tôi là giáo viên Quang!

Không có tiếng trả lời mà chỉ có tiếng vọng của câu tôi hỏi vang vang trong rừng khuya. Tôi đưa đèn pin rọi về phía có tiếng động. Có bóng đen nằm sấp như dáng người lẩn trốn mà chưa kịp. Tôi chuyển đèn pin qua tay trái, tay phải tôi rút lưỡi lê gắn trên phía trái ba lô để phòng hờ thú dữ. Chỉ có thể là con gì đó bị bẫy hoặc người vượt biên thôi. Tôi hỏi lại rõ ràng bằng tiếng Việt vì tôi biết chắc là không phải người Thượng, người Thượng nếu bị gì, họ sẽ rên la tự nhiên và lên tiếng khi có người hỏi.

-- Ai đó? Lên tiếng đi, tôi là giáo viên Quang đi công tác miền núi!

Tôi rọi đèn pin vào bóng đen nằm sấp. Đó là một cô gái nhìn tôi mặt xanh nhợt nhạt:

-- Anh người miền Nam?

Tôi trả lời và hỏi thẳng chứ không quanh co vì thời giờ gấp rút:

-- Vâng tôi người miền Nam, đi dạy vùng này! Chị là người vượt biên phải không?

Cô gái trả lời, giọng rặt miền Trung:

-- Dạ, tụi em định vượt biên mà không biết đường, bị đói mấy ngày, phải đào mì ăn.

-- Bao nhiêu người đi? Các người kia đâu rồi! Gọi họ ra ngay đi, tôi dẫn đi cho kịp. Du kích và bộ đội tìm các bạn cả ngày hôm nay, giờ họ đang nhậu nhẹt ở làng kia cách đây khoảng ba tiếng, tôi cần đi sâu về hướng Tây, tôi có thể dẫn các bạn đi một quãng an toàn.

Cô gái bò dậy:

-- Ui cha, chân em bị trặc!

Tôi cúi xuống, rọi đèn pin xuống bàn chân. Bàn chân trái cô gái bị trặc thật. Tôi nói:

-- Gọi các bạn chị ra đi! Còn chị ráng nhịn đau để tôi nắn khớp chân lại!

Tôi bỏ đèn pin sang một bên đưa hai bàn tay nắn khớp chân rồi tôi nói:

-- Chị gọi bạn chị ra đi!

Trong lúc chị để tâm gọi thì tôi giật bàn chân chị cho trở lại bình thường, khi chị la "Á" thì tôi đã sửa xong khớp chân chị rồi nhưng dù sao cũng không thể nào để chị đi bộ đêm nay được.

Hai anh bạn chị ta lù lù ra sau khi biết tôi không phải là công an hay bộ đội. Tôi nói thẳng:

-- Tôi đưa các bạn đi liền, nhưng chị này không thể đi được vì bàn chân vừa bị trặc. Tôi có chiếc võng, chúng ta phải thay phiên nhau khiêng chị đi thôi.

Tôi để họ lại đó, soi đèn pin đi tìm một thân cây thẳng, cứng có thể chịu đựng được sức nặng của cô gái. Tôi dùng lưỡi lê chặt xuống. Tiếng chặt vang trong rừng khuya. Tôi phải chặt gần sát đất rồi lấy đất bôi lên chỗ mới chặt cho ít ai để ý và với vội lá khô mục lấp lên. Tôi rút chiếc võng dù ra và cột vào thân câỵ

-- Chị lách người vào võng nhé!

Rồi tôi nói với hai anh bạn của cô gái:

-- Hai anh ghé vai khiêng thử đi!

Khi thấy võng vững tôi nói:

-- Đêm nay không có ai truy lùng, nên các bạn đi cùng tôi nhanh và liền đi. Nếu chần chờ có thể trễ.

Tôi tóm tắt cho họ biết tình hình ở làng Ea Yut và dự định của tôi. Các anh chị này cũng cùng tuổi tôi thôi, nên cũng dễ dàng nói chuyện. Hai người con trai là anh em họ tên Lê Bá Minh và Lê Hùng Cường, còn cô gái là bạn gái của anh Minh tên Hồng. Mấy người này chẳng có gì tuỳ thân cả, chỉ có mỗi một bộ quần áo mặc trên người. Đi vượt biên kiểu này thì chỉ có chết thôi!

Tôi hỏi vật dụng tuỳ thân đâu hết rồi, họ nói hôm qua thấy động họ bỏ mọi thứ trong bụi rậm gần con suối phía Tây Nam chạy lấy thân nên chẳng còn gì. Tôi đoán có lẽ là suối Ea Yut, dù gì cũng trễ rồi, không thể trở lại tìm đồ đạc của họ được, chỉ có nước đi tới mà thôi. Với khả năng cắm câu và kinh nghiệm của anh Tâm và Trung, may ra ba người này và hai anh có thể đùm bọc nhau được. Đi đông thì dễ bị lộ, nhưng tới nước này, tôi cũng phải liều đưa họ đi. Tôi tính thầm trong bụng, kế hoạch làm cho bộ đội và du kích say hôm nay tôi có thể xử dụng lại ở làng Tung Reng, là làng sát biên giới. Khi đãi rượu cho bà con say hết rồi tôi có thể dùng đò độc mộc cột bên bờ sông đưa anh Tâm, anh Trung, và các bạn mới này qua sông, chắc phải ba chuyến vì chiếc đò nhỏ không thể chứa sáu người cùng một lượt, cao nhất là ba hoặc bốn người. Tôi nguyện thầm xin Trời cho tôi tìm được anh Tâm và anh Trung đêm nay và dẫn họ tới chỗ an toàn dọc sông Krong Poco trước khi trời rạng sáng.

Nguyên Đỗ
(Còn tiếp)


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả