Tình Trăng

(để hoài niệm những mùa trăng Việt nam, để tưởng niệm thành phố New York, giòng Hudson, tòa Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới)

****



Không rõ từ bao giờ trăng muà thu đã được các thi nhân cũng như mọi người thừa nhận là đẹp nhất, sáng nhất, trong các mùa trăng.

Vì vậy, trong Lòng Mẹ của Y Vân, trăng mùa thu được chọn làm biểu tượng của tình Mẹ. Tuy chỉ là một câu rất ngắn, nhưng rất đủ để bộc tả trọn vẹn tình thương con của mẹ đầy ăm ắp, sáng ngời, và trong khiết.

" Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu "

Phép so sánh thật tuyệt. Chỉ cần đọc lên, người ta có thể hình dung và thừa nhận nét đẹp của cả tình Mẹ lẫn trăng thu.

Hoặc trong câu ca dao mà tôi vẫn yêu.

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Lời thơ thật bình dị nhưng không kém tính trữ tình. Công việc đồng áng đã được ý thơ thăng hoa thành một bức tranh nhẹ nhàng, thanh bình trong một đêm trăng sáng.

Gió mát, trăng thanh, câu thơ, tiếng nhạc. Đó là cái thú vui của những tao nhân, thi sĩ, của những kẻ yêu đời sống bình lặng, chấp nhận để an vui. Riêng đối với tôi, tôi chỉ là một người yêu chuộng nghệ thuật và nét đẹp của thiên nhiên, mà Trăng chính là một trong những đam mê say sưa nhất.

Ở Sài gòn, vào những đêm rằm, tôi thường ôm cây đàn ngồi một mình trên sân thượng, ngắm trăng, ca hát và tận hưởng mùi hương Tràm tuyệt diệu. Cây tràm của cậu tôi trồng ngay trước sân nhà khi tôi mới năm sáu tuổi. Nhưng nó lại lớn nhanh và thường trổ ra những chùm hoa vàng óng, thơm ngát. Khi tôi vào trung học, Tràm đã cao vượt khỏi mái nhà. Cành lá xum xuê, tỏa bóng mát cho những trưa hè oi ả và đem lại những cảm giác êm ái cho tôi vào mỗi tối khi mà làn hương đó, theo gió tan vào từng hơi thở.

Khi bé, tôi ngắm trăng trong hồ cá trước sân nhà. Ngắm say sưa dù chưa có một khái niệm nào về trăng cả. Ở trăng, dường như có một sức hấp dẫn, lôi cuốn đến kỳ lạ. Còn nhớ, có lần, tôi đã " vớt " trăng từ trong hồ cá vào một cái thao nước nhỏ, rồi cười khoe với Mẹ

- Mẹ nhìn xem, con đang "ôm" trăng nè !

Mẹ tôi cười. Và nụ cười ấy cứ theo tôi mãi cho đến khi tôi đã lớn, đã biết rung động trước "sắc đẹp" bởi vì, với Trăng, tôi vẫn ăm ắp say mê, khiến cho mẹ tôi không khỏi không ngạc nhiên trêu chọc. Nhưng trăng ở Sài gòn vẫn không lôi cuốn tôi bằng trăng ở miền quê nội tại Vàm Cống.

Người anh họ của tôi có một căn nhà nằm ven con sông cạnh chợ Lắp vò. Nếu có dịp về thăm nội vào ngày rằm, dù rằng ngôi nhà đó bé nhỏ, nghèo túng hơn ngôi phố lầu của nội tôi nhiều, nhưng tôi vẫn nằng nặc đòi ra đó ở.

Tối đến. Khi trăng đã hoàn toàn ngự trị trên vòm trời đầy tinh tú, khi khuôn trăng đã khoả lộ thân thể ngọc ngà không còn che đấu, thì tôi lại mò ra sau nhà của người anh họ, đong đưa trên chiếc võng đan bằng dây ny lon, trút hết cảm xúc và linh hồn ra cùng cảnh vật

Mười lăm trăng tròn

Mười sáu tròn trăng

Ở quê nội, trăng mười sáu tròn, to và đẹp lạ lùng. Bao giờ cũng thế, tôi đều luôn có những cảm xúc khác nhau mỗi lúc ngắm trăng.

Ánh trăng lăn tăn trên sóng nước. Ánh trăng lao chao, trãi rộng ra khắp con sông mỗi khi có con đò khuya băng ngang đôi bờ. Tôi đã có dịp xuôi thuyền trên dòng sông ấy trong những đêm trăng sáng. Nhìn theo sóng nước, tôi cữ ngỡ đó là những đóm lân tinh lóng lánh huyề­n hoặc. Có lúc, nó lại làm cho tôi liên tưởng đến những vẩy bạc, lấp lánh trong đêm. Kỳ lạ thật. Tôi yêu thích chúng như một đứa trẻ vừa có được những món đồ chơi mà nó hằng mong đợi.

Bao giờ cũng thế, từ khi còn độ tuổi chín, mười, cho tới mười sáu, mười bảy, những hình ảnh tưởng tượng, so sánh đó luôn lôi cuốn tôi, để cho tôi luôn chồm người xuống mạn thuyền vớt lấy những "thỏi bạc" ấy. Đọc những bài thơ tuyệt tác về trăng của các thi sĩ lừng danh Trung Quốc như Đỗ Phủ, Lưu Linh, của những nhà thơ tài hoa Việt Nam như Hàn Mặc Tử, Nguyễ­n Bính, Xuân Diệu, tôi cũng muốn như họ, cũng muốn vui đùa, bỡn cợt, ôm ấp, thủ thỉ cùng trăng.

Mẹ tôi thì cứ trêu chọc:

- Nếu trên trăng mà có chị Hằng, thì chắc chắn chị Hằng sẽ bị con chọc đến chết mất.

Tôi nghĩ mà cười:

- Nếu trên cung Quảng đó mà quả thực có chị Hằng, thì chắc chắn chị Hằng đã là vợ của tôi rồi.

Bởi lẽ tôi đã không chỉ khuấy mặt nước, tưởng tượng như đang cù léc cho Trăng cười, mà có lúc tôi còn tắm cùng Trăng, chung một dòng sông, hoặc ngủ cùng trăng chung chiếc nệm hoa.

Những đêm rằm tại quê nội, Trăng đến với tôi dịu dàng, nhu mì như thôn nữ, nhưng không kém phần lôi cuốn, gợi cảm. Có lúc, ngồi trước hiên nhà, nghe tiếng ca cải lương xen lẫn trong tiếng gió rì rào qua ruộng lúa, xa xa, cuối tầm nhìn là bóng dáng của những rặng cây chạy dài, nhấp nhô tạo thành những hình dạng lạ lùng, tôi lại có cảm giác trăng chính là quê hương, là của riêng một Việt Nam với những hương cau thơm ngát, với những ánh sáng lập loè của những ngọn đèn dầu phát ra từ các ngôi nhà lá nghèo nàn, của những tiếng ậm ự quen thuộc của lũ trâu bò trong chuồng chờ sáng và với vài cánh vạc xoãy cánh ăn đêm. Cảnh vật thật thanh bình, dẫu rằng đời sống của người nông dân còn lắm khó khăn. Nhưng dường như khi đêm trăng sáng, những cánh đồng ruộng lúa thẳng tắp, những dãy cau chạy dài nơi chân trời, và con sông hiền hòa chảy qua thôn xóm cùng hợp nhau lại để vẽ nên một bức tranh về cuộc sống vốn mộc mạc và bình dị của người nông dân Việt Nam, những con người chỉ biết mạng sống gắn liền với đồng lúa, không đòi hỏi, mơ ước cao xa. Có lẽ vì thế, mà trong tôi, Trăng như hiện thân của quê hương như trăng đã từng được chọn làm biểu tượng của tình Mẹ

Từ sau ngày nội tôi qua đời, tôi ít có dịp về thăm quê hơn. Lúc đó, tôi đang theo cậu tôi là một nhiếp ảnh gia để học nghề. Dịp may ! Cậu tôi đi Đà Lạt vào lúc tôi đang nghỉ hè, cho nên tôi được phép theo cậu, và càng may mắn hơn, thời gian hai tuần lưu lại tại vùng núi đồi cao nguyên đó có một ngày rơi vào ngày 16 âm lịch, tức ngày trăng tròn trong tháng. Chính vì thế mà tôi lại có dịp thưởng trăng trong một khung cảnh khác.

Đà Lạt ! Vùng đồi núi cao nguyên mang sắc thái của miền khí hậu ôn đới với những rừng thông xanh lá trùng trùng điệp điệp, với cái lạnh vừa đủ để làn da của người con gái trắng hồng không cần mỹ phẩm. Thành phố Đà Lạt có núi đồi bao quanh, mà hầu hết lối kiến trúc tại thành phố này mang phong cách của Âu Châu. Xưa nay, hễ­ nói đến Đà Lạt, người ta nghĩ ngay đến đó là thành phố của hoa, của nơi du lịch lý tưởng và cũng là thiên đàng cho những kẻ đang yêu nhau. Bởi lẽ, Đà Lạt, với địa thế và khí hậu đặc biệt, đã trở thành mãnh vườn địa đàng với muôn sắc hoa và mang những nét lãng mạn, thơ mộng vô cùng.

Trăng ở nơi chốn đó mang một vẻ đẹp riêng. Có khi hoang dại như đôi mắt long lanh của người con gái miền thượng. Nhưng có lúc lại bàng bạc vẻ kiêu sa, hệt như một tiểu thư lầu son, gát tía trong lớp sương mù trắng mỏng khoác ngang tựa một voan lụa mềm.

Nếu như ở miền quê nội, đêm trăng sáng như là những ngày lễ hội thật vui, với những buổi cấy lúa đêm trăng, với những tiếng hò ngọt ngào trêu ghẹo, đối đáp giữa các trai gái làng, hoặc sự nhộn nhịp của những buổi có đoàn hát cải lương ghé về trình di­ễn, thì ở vùng núi đồi Đà Lạt này, cách vui trăng lại hoàn toàn khác.

Tôi còn nhớ đêm ấy trong khu vườn hoa lan của người bạn nằm ven ngọn đồi Cù, trông xuống hồ Xuân Hương, bên ấm trà thơm ngát, chúng tôi vừa nghe bình thơ vừa ngắm trăng. Cái cảm giác thật là khó di­ễn tả. Tôi như đang đứng trước một bức tranh theo lối thủy mặc của Trung Hoa, một bức tranh " rất sống ", " rất thần " mà tay vẽ Hóa Công đã tạo nên. Trí tưởng tượng của cậu tôi lại đi xa hơn, khi cậu cười và nói rằng:

- Hãy nhìn xem, đó là một người con gái đang xõa tóc nằm ngắm trăng sao

Nhìn theo tay cậu chỉ về dãy đồi trước mặt, tôi cũng gật gù tán đồng. Những đường cong uyển chuyển, nối tiếp giữa các con dốc hệt như thân thể của một người con gái đang nằm nghiêng, với suối tóc là một hàng thông chạy dài, và gương trăng đang treo chênh chếch bên mé sườn. Gợi cảm lạ

Những người bạn của cậu tôi đều là những kẻ mang tâm hồn nghệ sĩ, yêu văn thơ, thì làm sao lại không yêu những đêm trăng sáng như thế. Thủa còn học quốc sử lớp tiểu học, tôi có đọc qua về hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tôn. Lớn tí, tôi đọc Hàn Mặc Tử, và không bao giờ nghĩ rằng, tôi sẽ có cơ hội để thưởng trăng theo phong thái của những nhà thơ đó. Thế mà, cơ duyên đến thật không ngờ. Ngồi nghe các chú bác ngâm thơ và bình thơ, trên thì có trăng sáng, dưới thì có hương hoa lan thơm ngây ngất, tôi cứ ngỡ như mình thật sự đã bước sang một thế giới khác, thế giới của những tâm hồn đầy men say lãng mạn qua những vầng thơ tuyệt tác. Cảm xúc lâng lâng làm hồn tôi bay bổng, thoát dần ra khỏi những ưu tư, bận rộn trong cuộc sống hằng ngàỵ

Yêu Trăng, cho nên tôi luôn chờ Trăng để ngắm vào mỗi dịp rằm. Gia đình tôi theo Phật Giáo. Thỉnh thoảng, vào những ngày rằm lớn trong năm, tôi lại theo Mẹ đi chùa. Ở Sài gòn, chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa lớn nhất. Vào những ngày rằm tháng giêng, tháng bảy, hoặc tết trung thu, ngôi chùa này đón không biết bao nhiêu du khách, và tín đồ Phật giáo đến cúng kiến.

Tôi theo mẹ đi chùa, không phải để cúng bái như mẹ tôi, mà là để ngắm trăng. Cảnh trăng ở chùa luôn tạo cho tôi cảm giác nhẹ nhàng, thoát tục. Chùa Vĩnh Nghiêm với lối kiến trúc hài hòa giữa Á và Âu, đã là nơi ngắm trăng, thanh thản và tịnh tâm lý tưởng nhất cho tôi. Ở đó, bên cạnh những mái ngói vòm cong của tòa chánh điện, với những chạm trỗ hình bánh xe luân hồi, cụm mây hay thân rồng phượng thật tinh vi, còn có một ngôi bảo tháp bảy tầng uy nghi, cao vút. Tôi thích nhất là ngôi bảo tháp này. Nhất là lúc trăng rằm. Hai cá thể bảo tháp và trăng khi đặt gần nhau thì trở nên đẹp tuyệt.

Sau này, chùa Vĩnh Nghiêm trở thành một trong những tụ điểm du lịch của thành phố Sài gòn. Cái không khí trang nghiêm của chốn tu hành đã bị đồng tiền và xã hội làm nhơ bẩn. Từ giả ngôi chùa đó, hệt như một vết đau ai cắt trong lòng. và rồi, sân thượng ở nhà lại trở thành nơi chốn cho tôi cùng nàng Trăng đến cạnh bên nhau. Phải đợi mất vài năm sau đó, với Trăng, tôi mới tìm lại cảm xúc trong ngần, thoát tục, khi mà trong một dịp nghỉ hè, tôi theo Mẹ tôi ra ngoại ô thành phố nghỉ mát.

Phú Lâm. Miền đất của những vườn cây ăn trái, và hứa hẹn của những nhà máy, xí nghiệp sẽ mọc lên bao quanh thành phố. Nhưng ở Phú Lâm, tôi mê nhất chỉ là một khoảng đất khiêm tốn của một người bạn với toàn là sen và sen. Người bạn của mẹ tôi tại Phú Lâm chuyên trồng sen để lấy nhụy sen làm y dược, lấy hột sen làm mức, lấy sen ướp trà, lá sen gói cơm mùi vị ngọt và ngon. Tôi đến thăm bác ấy cũng vào một đêm trăng sáng. Trùng hợp hay hữu duyên ? Để cho tôi ngỡ ngàng, rung động khi chợt khám phá ra vẽ đẹp tuyệt vời của trăng và sen. Khác với trăng và dòng sông miền quê nội, khác với trăng và ngôi bảo tháp tại chùa Vĩnh nghiêm, và càng khác với trăng và tôi trên khoảng sân thượng tại nhà, trăng và sen đem đến cho tôi một cảm giác hoàn toàn mới, hoàn toàn thanh khiết, tịnh tâm.

Vì thế, tôi luôn mong đợi ngày rằm trong mỗi tháng, để được ngắm trăng tròn đầy đặn, để được lâng lâng cảm xúc có lúc thật con người, có lúc thật siêu thoát. Ngày rằm đối với tôi như là lời hẹn ước giữa trăng và tôi. Bởi khi ấy, trăng đến với tôi nguyên vẹn hình hài. Trăng đến với tôi bằng những ánh vàng huyền nhiệm. Có lúc như người tình. Có khi như tu sĩ.

Tháng sáu, 1988 tôi rời Sài gòn xuống Phú Quốc để chờ ngày vượt biển. Trăng lúc đó có lẽ buồn cho nên nụ trăng không tròn. Trăng không tỏa sáng. Tối. Ôm cây đàn guitar ngồi trên ghền đá cạnh hàng dừa chạy dài ven bãi biển, hầu như lúc nào tôi cũng hát:



- Bay đi cánh chim biển hiền lành

Chẳng còn giấc mơ nào, để giữ đôi chân em

Chẳng còn tiếng nói nào, để trách cứ em

Khi mặt trời đậu trên đôi cánh vỗ ......



Biển - Một tình yêu khác của tôi, cạnh trăng. Tôi không là người dân miền biển, nhưng tôi yêu biển không thua gì tôi đã yêu trăng. Lúc bé, nô đùa trong những con sóng vỗ bờ, hoặc xây những tòa lâu đài cát là thú vui của tôi về biển. Lớn tí, tôi lại thích tản bộ dọc theo bãi biển vào những sáng tinh mơ, hoặc những buổi chiều hoàng hôn rực rỡ. Tôi im lặng. Biển thì thầm. Tôi lắng nghe. Biển miệt mài hát, những lời hát ru triền miên, giàu tiết tấu. Khi đã là cậu học trò trung học, biển trở thành một phần của linh hồn tôi. Dù rằng tôi không ở gần biển, nhưng trong tôi, biển luôn chiếm một địa vị sâu kín nhất.

Chỉ đợi mãi đến khi tôi xuống Phú Quốc, tôi mới có dịp ngắm biển về đêm. Hàng dừa, biển, và trăng cả ba hợp nhau lại tạo thành một bức tranh sống động và huyền hoặc. Tôi nhớ câu thơ tuyệt vời của Hàn Mặc Tử

Trăng nằm xóng xoãi trên nhành liễ­u

Đợi gió đông về để lả lơi

Ở biển Phú Quốc không có liễ­u, chỉ có dừa. Những cây dừa chạy sát ven biển khi về đêm không khác gì tóc liễ­u bay trong gió và ánh trăng bàng bạc quả hệt như đang nằm xoãi người trên từng phiến lá. Nhưng vào khoảng thời gian ấy, tôi không thể rung động được như thi sĩ, vì cảm xúc của tôi là cảm xúc của một kẻ sắp rời bỏ quê hương xứ sở. Cho nên, hình ảnh đó chỉ vương đọng trong tôi với những nét buồn man mác.

Và Trăng đã theo tôi dọc dài trên đường vượt biển. Nằm cuộn mình trong tấm cao su thay cho chăn đắp, tôi nhìn trăng trên cao mà ứa nước mắt. Trăng gầy guộc, cong oằn,hệt như đang cuối đầu, gập mình che dấu nỗi buồn đang mang. Trăng thật gầy, có lẽ trăng mang nỗi buồn của người ở lại, hệt như vóc dáng của một quê hương mà tôi đang mất dần.

Một tuần lênh đênh trên biển, tôi không gặp trăng. Bão giông đã chôn vùi trăng trong lớp mây đen dày đặt. Chiếc ghe vào vùng biển lạ, tôi bắt đầu cảm thấy cô đơn.

Trại tị nạn. Đất Thái Lan. Hai mùa trung thu, trăng đến. Không thân thiện, không gần gũi. Không hiểu sao tôi không có được những cảm giác mà tôi vốn đã từng có. Nhìn trăng lồ lộ trên vòm trời, ánh vàng óng ả phủ xuống những dãi nhà lợp lá chạy dài tại trại tị nạn, tôi thấy trăng và tôi cách xa nhau quá. Trăng diêm dúa, đỏm dáng, có khi lả lơi, cợt nhã theo từng phiến gió. Riêng tôi, nằm dài trên chiếc phản tre chán chường dõi mắt nhìn trăng qua lớp rào kẽm gai, tôi tự ái, tôi phẫn uất với thân phận tù túng của một kẻ đi tìm tự dọ Tự dưng trong tôi, trăng trở nên xa lạ, như chưa hề quen, như không muốn quen. Tôi không còn cảm nhận những rung động mà tôi vốn đã từng có với trăng.

- Trăng ở đâu mà chả vậy ! Một người bạn đã nói thế

Nhưng với tôi, trăng đã đi liền với một Việt Nam mà tôi đã bỏ lại sau lưng. Trăng Việt Nam. Trăng quê hương Có lẽ tôi quả thật khó tính hoặc gàn rỡ với ý nghĩ đó. Nhưng dù sao, cảm xúc lạnh lùng kia vẫn là sự thực.

Có đêm, nằm trằn trọc trong gian nhà lá ọp ẹp của trại tị nạn, mắt mở thao tháo nhìn vầng trăng trên cao, tôi cố gắng đến bên trăng, cố gắng chấp nhận trăng để lại yêu trăng như tôi từng đã. Nhưng vẫn thật khó. Để rồi tôi chợt nhận ra nguồn gốc của cơn giận vô lý của mình khi chuổi suy tưởng cứ kéo dài cho đến gần sáng.

Tôi ghét chính quyền Thái. Tôi thù hận bọn cướp biển người xứ Thái. Tôi căm tức bọn lính Thái luôn hành hạ đồng bào tôi tại trại tị nạn. Những uất hờn đó đã làm cho tôi không thích những gì thuộc về đất Thái. Tội cho trăng. Trăng vô tội. Trăng đâu thuộc riêng của Thái Lan. Nhưng sự uất nghẽn đã làm lối suy nghĩ của tôi trở nên cực đoan: Trăng soi trên đất Thái, là trăng nơi đất Tháị

Một đêm, sau những mỏi mệt vì xung đột trong lòng qua những nỗi chán chường hiện thực, qua những tàn phai về tình người, qua những cuồng điên vì nhung nhớ, và bức xúc với ngày mai, tôi nặng nhọc chợp mắt. Và trăng đã đến, đến cùng với người con gái mà tôi đã yêu say đắm. Trong cái thế giới lung linh mờ ảo, cái thế giới của những người đã thuộc về tiềm thức, trăng hiện ra rực rỡ, thần kỳ. Khói sương mờ mong mỏng nhuộm ánh vàng lảng đảng, nhè nhẹ, giăng ngang, phủ xuống. Lặp lòe vài đóm sao thoắt ẩn, thoắt hiện trên nền trời tối đen tựa hồ như đóm mắt trộm nhìn. Trong màn đêm, trăng và sao đó, trong cái thế giới không thực, không hư đó, người con gái vẫn nhu mì qua nụ cười tuyệt đẹp. Tôi run rẩy trước vầng trăng sáng, và dường như nhịp tim ngừng ngang khi lại đối diện cùng nàng. Huyễ­n hoặc ! Có lẽ ! nhưng cảm xúc rất thực và càng choáng váng khi đó sẽ là lần cuối nàng đến cùng tôi từ một vùng đất khác, vùng đất mà tôi chỉ có thể ngụ lại vào một mai, khi hơi thở đã không còn căng đầy trong hai lá phổi con người.

Tôi bừng tỉnh khi trời chỉ vừa mờ sáng. Lớp mây xám mộng nước của vùng núi rừng biên giới Thái Lan xuống thật thấp, là đà qua ngọn cây. Mái nhà lá ướt đẫm sương khuya, và từ trên cao, trăng nhỏ bé đang lặn dần, tan biến. Người tôi vẫn còn cứng đờ, tê tái. Nỗi xúc động vẫn còn đầy căng trong thân thể. Thẩn thờ, thinh lặng, tôi ngồi yên, lắng nghe trong mình tiếng nứt vỡ của từng khối xúc cảm mà trước nay bị tôi dồn nhét vào những vỏ bọc của lạnh lùng. Áp suất tăng dần. Dung tích của cơ thể càng lúc càng không chịu nổi trước sức ép đó, và rồi, nó bùng ra, nó xối xả đổ tuôn ra ngoài qua đôi khóe mắt.

Tôi chợt hiểu. Sự lãnh cảm của tôi với trăng cũng chợt tan biến. Với tôi, trăng gần gủi hẳn. Vì trăng hồ như không là của Thái Lan mà trăng theo tôi từ đất mẹ Việt nam. Đến với trăng, hay trăng đến với tôi, là cùng nhau tìm đến một khoảng trời tha thiết đong đầy tình tự quê hương. Trăng là niềm nhớ của những kỷ niệm giữa tôi và người, giữa tôi và đời, và giữa tôi với những nơi chốn mà tôi đã đi qua. Trăng là sẻ chia, là an ủi, là cận kề, chân tình bên tôi trong hiện tại của nỗi cô đơn, chán chường.

Tám năm. Kể từ ngày tôi rời Việt Nam. Trăng đã theo tôi tám năm rồi qua cuộc đời lữ thứ.

Đêm nay, trăng to tròn, sáng tỏ. Nhìn qua thành phố New York từ bên này bờ Hudson, trong tôi là những xúc động chen lẫn giữa rất quen và rất lạ Bên kia dòng Hudson, thành phố New York, nơi được mệnh danh là "thủ đô của thế giới" sáng rực những ánh đèn màu sặc sỡ. Ánh điện phát ra từ những ngôi nhà cao ốc, dõi xuống dòng Hudson, lung linh, theo con sóng lăn tăn, và trăng hiện rõ. Một gương trăng to tròn, vàng óng treo cạnh bên tòa nhà Trung tâm mậu dịch thế giới
sững sừng cả trăm tầng lầu. Tôi ngây người chiêm ngưỡng một tác phẩm tuyệt vời, hài hòa giữa sự sáng tạo của con người và hóa công.

Tôi lại nhớ đến những mùa trăng đã qua. Trăng và cây tràm với mớ hoa vàng thơm ngát nơi sân thượng nhà tôi. Kỷ niệm của thủa ấu thơ nghịch ngợm bỡn trăng trong hồ nước, hoặc đáng nhớ như những đêm ôm đàn hát cho cô láng giềng cùng tên với trăng. Tôi lại nhớ những cụm lục bình lặng lờ trôi trên dòng sông vằng vặc trăng soi nơi miền quê nội. Và khi tâm trí đã tìm về tới bên dòng sông ấy, tôi sẽ nghe thật rõ tiếng mái chèo khua nước đêm khuya, tiếng ca cải lương ngọt ngào của cô thôn nữ tuổi tròn như trăng cùng những hương vị chân chất, đậm đà đồng nội. Mùi hương đó không giống như làn hương trầm thơm ngát của nghi ngút nhang đèn ở chùa Vĩnh Nghiêm, hay lâng lâng, siêu thoát của hồ sen tại Phú Lâm trong những đêm trăng sáng. Và tôi đã không quên ghé lại trong bờ tưởng nhớ, dáng ngọn đồi thoai thoải, rừng thông. Đà Lạt với vầng trăng huyền thoại và câu thơ bên ấm nước, bếp hồng.



Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng

ngọn gió nhà ai thấp thoáng bên đồi

tiếng móng ngựa gõ ròn trên dốc vắng

nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi



( Đà Lạt 1 lần trăng )

thơ Ng Duy



Tôi chợt nhận ra trăng vẫn rất đẹp khi mà trăng đứng cạnh những tòa nhà cao ốc biểu tượng của một xã hội phồn vinh. Nghệ thuật không chỉ đơn thuần là nét đẹp của thiên nhiên hay sự sáng tạo từ tâm hồn. Trong một khía cạnh của nghệ thuật, một khía cạnh không nhỏ, đó chính là
sự kết hợp hài hòa giữa những gì sẵn có của thiên nhiên và tác phẩm. Như cảnh tiết đêm nay chẳng hạn. Thành phố New York với muôn ngàn ánh đèn màu kia, tự mình nó, nó có thể nổi bật lên riêng một góc trời. Nhưng, nó sẽ trở nên khô khan, hệt như một hòn đảo với những chiếc hộp sắt đủ hình loại xếp cạnh bên nhau giăng hoa kết đèn mà thôi. Rất tuyệt khi trăng đến. Khung cảnh chợt trở nên thay đổi rất nhiều khi khuông vàng đó ngự tọa trên vòm trời. Thành phố New York dường như bừng sức sống. Không còn cứng ngắt, khô khan với những nét sổ đứng, sổ ngang của lối kiến trúc đồng bộ. Ngược lại, nếu như chỉ có duy nhất mặt trăng trên vòm trời tối đen đó. Nỗi cô quạnh sẽ d­ễ dàng xâm chiếm lòng người xem, và trăng không khác chi một vết tròn, tô vàng vô vị. Sự hài hòa này đã khiến cho tôi thích thú để rồi, tôi thầm mơ ước, sẽ có một ngày, từ bên Thủ Thiêm chẳng hạn, tôi sẽ nhìn sang thành phố Sài gòn trong một đêm trăng sáng, cũng với muôn ngàn ánh đèn sặc sỡ của những tòa nhà "chọc trời", soi rọi trên dòng Bến Nghé hiền hòa.

Trung thu. Trăng mùa thu sáng thật. Tôi lại nhớ bài thơ Trăng của Xuân Diệu



Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá

Ánh sáng tuôn đầy các lối đi

Tôi với người yêu qua nhè nhẹ

Im lìm không dám nói năng chi

( Trăng - Xuân Diệu )



Bâng quơ đọc lại bài thơ cũ, tôi chợt nhớ về người con gái ấy. Người con gái đã đến cùng tôi trong giấc mơ bàng bạc ánh trăng năm nào tại trại tị nạn. Tôi thinh lặng, để cho hồn mình trôi theo dòng xúc cảm. Trên chiếc thuyền dĩ vãng, tôi về băng qua dãy ngân hà, về ngược con trăng của một buổi tối nào bên nàng tuyệt diệu.

Trăng với cảnh đã hữu tình như thế, thì trăng với nàng càng say đắm biết bao. Phải, tôi đã có những đêm trăng sáng huyền thoại như vậy. Trăng đã như là một chứng nhân cho những đêm hò hẹn, cho những lúc tôi và người bên nhau cùng ngất ngây trong thế giới tình ái.

Tuy rằng ngắn ngủi, nhưng tất cả đã trở thành những kỷ niệm khó quên. Trong cuộc sống con người, có những khoảng thời gian không bao giờ phai nhạt. Có những đến, những đi, để lại trong lòng bao bức xúc mỗi lúc nhớ về. Và riêng tôi, Trăng và người con gái đó hệt như một đoạn truyện trong quyển sách cuộc đời. Vâng, một câu truyện đẹp như huyền sử

Trăng !

Cuộc đời của tôi đã có trăng đi cùng bên cạnh. Trăng là tri kỷ. Trăng là tình yêu. Trăng là quê hương. Trăng là tất cả.

Tám năm lưu lạc nơi xứ người. Thời gian có lẽ sẽ dài thêm hơn nữa. Nhưng một khi, tôi còn có trăng bên mình, một khi tôi còn nghị lực và linh hồn để sống tiếp.

Tôi không biết sẽ còn phải đợi đến bao lâu, tôi và trăng mới trở về bên dòng sông cũ. Một niềm mơ đơn sơ bé nhỏ, cùng với trăng viết tiếp những trang còn lại của cuộc đời mình.

Tôi sẽ chờ, và tôi tin, trăng cũng sẽ chờ


(1996)


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả