Tình Ca Giáo Viên Miền Núi 39

:::: Chương XXXIX:::


Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Đi đường rừng một mình, trời nắng còn đỡ, chứ đi dưới cơn mưa thật là rầu rĩ. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ lung tung đủ mọi thứ chuyện không biết làm cách nào để giúp dân làng mau bình phục, chuyện vệ sinh căn bản bảo vệ sức khoẻ của đồng bào. Rời căn cứ chú Minh chừng 20 phút, vừa xuống khỏi con dốc tới vùng tương đối bằng phẳng cỏ còn xanh vì có con suối nhỏ chạy dọc dưới chân đồi, thì tôi giật mình thấy một đàn trâu rừng đang nhẩn nha gặm cỏ cách đó không xa. Trâu rừng thường đi từng đàn cả mấy chục con, có khi cả trăm con, đây là lần thứ ba tôi gặp đàn trâu rừng. Lần thứ nhất khi tôi đi lên B 12 vùng Đức Cơ - Pleime, lần đó trâu ở phía xa, lần thứ hai trâu chạy ầm ầm đất rung chuyển, tôi và mấy người Thượng phải vội vã leo lên cây chưa biết chuyện gì xảy ra thì bất ngờ một bầy trâu có đến cả trăm con chạy dồn về phía tây có thể đạp chúng tôi tan thây nát thịt nếu chúng tôi không kịp leo lên cao. Tôi nghe nói thịt trâu dai nhanh nhách, nhưng bắn được một con trâu rừng là một dịp lễ lớn cho dân làng vì họ cho rằng đó là tặng phẩm của Giàng (Yang = Trời). Làng nào bắn được trâu rừng thì làng đó coi như được một ân xá, một đại xá có thể chuyển nghèo thành giàu, chuyển bệnh thành khoẻ trong năm đó. Tôi tuy không phải là người Thượng, nhưng làng Tung Breng đã xem tôi như người làng, nếu tôi bắn được một con trâu, không chừng vì lòng tin của họ biết đâu chừng họ mau khoẻ. Niềm tin mạnh hơn liều thuốc! Tôi mừng rỡ vòng ngược trở lại báo chú Minh và bộ đội.

--Kìa sao cháu trở lại?
--Cháu gặp một đàn trâu rừng dưới thung lũng, trở lại báo cho các chú xem các chú có muốn săn trâu rừng không?

Một anh bộ đội trẻ xen vào:

--Trâu rừng hở? Được lắm, chuyến này có thịt tươi ăn rồi! Ăn rau cải thiện mãi ngán ơi là ngán!

Chú Minh hỏi:

-- Đàn trâu bao nhiêu con, và liệu còn đó khi mình đến không?
-- Nhiều lắm, trời mưa, chúng lo ăn đâu để ý đâu! Bắn vài con là dư ăn rồi! Cháu xí một con đó!

Chú Minh cười:
-- Biết bắn không mà xí phần rồi?
-- Chú cho cháu mượn một khẩu AK hay một khẩu CKC là biết ngay!
-- Cháu biết dùng súng AR-15 không?
-- Hồi nhỏ cháu có tập bắn ít lần với các anh lính đóng đồn ở gần nhà cháu. Cháu đi gánh nước cho họ để được tập bắn chơi thôi!
-- Cháu thật thà quá! Được, chú có khẩu AR-15 và ít băng đạn trong kia, nếu cháu bắn được trâu, súng đó là của cháu!
-- Thôi cháu mượn lần này thôi! Giữ súng có ngày cháu bị tù!
-- Tù gì, giao cho cháu súng, chú phải cấp giấy phép chứ!
-- Cháu có phải bộ đội đâu!
-- Thằng này lôi thôi quá, chắc gì đã bắn được con gì nào! Coi như cá cuộc, nếu bắn được trâu, súng này của cháu, nếu không trúng, kiếm cho các chú một ghè rượu!

Tôi cao hứng giơ tay ra bắt tay:
-- Chú nói đó nha! Chứ cháu không phải là người đòi giữ súng đó!

Chú Minh giao súng cho tôi, chỉ cho tôi cách nạp đạn vào, lên đạn, cách bắn liên thanh, cách bắn từng phát một. Tôi thử một hồi, tập nhắm mà không bắn. Giả như chú Minh giao AK hay CKC cho tôi, tôi chắc chắn sẽ bắn được trâu thôi vì tôi đã mượn du kích Thượng súng CKC và AK để đi săn , còn súng AR-15 của lính Việt Nam Cộng Hoà và lính Mỹ thời xưa, tôi chỉ tập bắn chơi lúc còn nhỏ nên không mấy tự tin. Kệ thôi, tôi đâu cần súng, và một ghè rượu đâu có khó gì, ba ghè còn chưa lo, huống chi có một ghè! Tôi nhủ thầm, tôi phải ráng bắn trúng một con cho dân làng, rồi nhờ các chú bộ đội khiêng về làng cho tôi, rồi tôi tặng ba ghè rượu chứ không phải một hay hai ghè! Cho các chú bộ đội một ngày say bí tỉ với dân làng, rồi rinh thêm ba ghè nữa về căn cứ, gắn chặt thêm tình quân dân thì còn gì hơn nữa. Tôi đang mơ màng như cô gái đội rổ trứng ra chợ thì chú Minh lên tiếng:

-- Việc gì mà thừ người ra vậy?

Tôi vá vấp:

-- Cháu đang suy nghĩ nếu cháu bắn được một con trâu và các chú cũng bắn được vài con nữa, cháu tính xin các chú khiêng con trâu cháu bắn vào làng Tung Breng được không?

Tôi kể cho chú Minh và bộ đội điều mê tín dị đoan của người Thượng về việc săn bắn trâu rừng, các chú bộ đội vỗ vai:

-- Nếu bắn được một con, thì bọn này giữ hết, hai con thì một con phần chú mày! Anh em bộ đội sẵn sàng khiêng vào làng, chú mày phải kiếm ít vò rượu đó!
-- Khỏi phải hỏi mà, cháu dư sức lo chuyện đó!

Mọi người đã sửa soạn xong, bọc vải nhựa trước họng súng, để tránh cho nước khỏi vàọ Cả căn cứ đòi đi, vì không ai chịu ở lại canh. Cuối cùng chú Minh viết giấy gập tư bỏ vào mũ cho mọi người bốc. Mười chú bộ đội được đi cùng với tôi nữa là mười một, chú y sĩ cũng bốc trúng. Chú Minh không bốc và cũng không đi dù chú rất muốn. Nhưng chú phải làm gương tốt nên cười nói với một người:

-- Đi cho đông, mà về không có con trâu nào, ngày mai Quang phải đem rượu vào đây đó!

-- Cháu về tới làng là đưa rượu sang cho các chú liền! Giá mà chú y sĩ vào làng cùng cháu chữa bệnh, cháu đem cả ba vò rượu vào đã các chú!

Chú y sĩ cao hứng vì cuộc đi săn kỳ thú:
-- Được, được trâu hay không được trâu, sau khi đi săn về, chú cháu cùng vào làng.

Tôi mừng thầm trong bụng, cám ơn Trời, cám ơn Giàng đã cho tôi gặp đàn trâu, thế là tôi không phải qua làng Ea Blang tìm thầy Nhân để nhờ thầy về huyện xin y tá lên đây, vừa xa xôi, vừa hiểm trở, không biết có ai hăng hái lên không. Tôi nhìn chú y sĩ cảm động nói:

-- Cám ơn chú thật nhiều. Dân làng Tung Breng không quên ơn các chú đâu!
-- Thôi đi đi, kẻo trâu đi mất!

Chúng tôi đi nhanh, khi xuống dưới triền đồi thì chậm lại. Tôi khều tay chú y sĩ chỉ xuống thung lũng:

-- Kia kìa, các chú thấy không? Trâu rừng đó!
-- Mẹ kiếp, trâu đông thế này, nó mà chạy về phiá mình sừng nó húc cũng phanh thây!

Chú y sĩ ra lệnh cho mọi người dừng lại để có một chương trình hành động. Trời mưa như thế này thì không sợ lộ, nhưng một khi bắn thì phải bắn đồng loạt chứ không thì bầy trâu sẽ chạy mất. Tôi nhìn đồng hồ rồi hỏi:

-- Các chú có đồng hồ hết phải không?

Cả đám lắc đầu, kể cả chú y sĩ tên Dũng lúc đi đường vui vẻ tự giới thiệu! Thế này thì thật khổ, chúng tôi không thể tụ lại cùng một chỗ vì phải tìm vị trí thuận tiện để bắn, chú Dũng nói:

-- Bây giờ mọi người đếm từ một tới một ngàn, tới 1001 là nổ súng!

Chúng tôi chia tay để tìm vị trí dễ dàng bắn. Chú Dũng đi với tôi cùng một anh bộ đội trẻ. Anh vừa đi vừa đếm. Chúng tôi rạp người luồn đi dọc theo con suối để tránh khỏi bị phát giác. Khi chỉ còn cách đàn trâu một quãng thì anh bộ đội trẻ đếm tới 500. Chú Dũng nói:

-- Vừa tầm bắn rồi đó! Tìm chỗ thuận tiện bắn là vừa.

Tôi chỉ con trâu nhỏ đứng gần nhất:
-- Cháu chọn con trâu nhỏ gần nhất kia! Chú Dũng và anh chọn mỗi người một con khác nhé!

Chú Dũng nói:

-- Tớ chọn con trâu sừng dài phiá bên phải!

Anh bộ đội đang đếm tới số 775, chỉ con trâu phía trái. Tôi gật đầu:

-- Vầy nhé, vì mình ở gần nhau khi đếm tới 998 thì anh giơ tay lên, rồi mình đếm nhẩm 1, 2, 3 là bắn nhé!

Ba người chúng tôi mỗi người núp mỗi gốc cây ở gần nhau, nên có thể nhìn thấy nhau một cách dễ dàng, tôi hy vọng các nhóm kia cũng đã sẵn sàng trong tư thế bắn, vì nhóm tôi đã chuẩn bị sẵn.

Tôi ngồi trong tư thế bắn, thầm thì cầu nguyện xin Trời cho tôi bắn trúng con trâu rừng. Tôi nhắm thẳng vào đầu con trâu, hy vọng trúng đạn là trâu sẽ qụy ngay. Mọi sự đã sẵn sàng chỉ cần bóp cò súng. Tôi liếc mắt và lắng nghe tiếng đếm nho nhỏ của anh bộ đội trẻ.

Tôi nhẩm theo:

-- 995, 996, 997 ...

Tôi liếc thấy anh giơ cao tay lên, tôi nhắm lại đích ngay đầu con trâu trong lẩm nhẩm đếm một hai ba. Tay tôi giữ chặt súng, ngón tay trỏ bóp cò:

-- Đoàng.

Tôi không nghe tiếng súng của ai cả, con trâu của tôi lảo đảo chạy, tôi nhắm thêm một lần nữa, bấm cò liên tiếp hai lần, vì sợ trâu chạy mất:

-- Đoàng, đoàng.

Tôi chỉ thấy con trâu của tôi ngã xuống trong khi cả bầy trâu giật mình chạy về phía Tây trong cơn mưa.

Lúc này tôi mới ngẩng lên nhìn chú Dũng và anh bộ đội, thấy cả hai đều cười mãn nguyện trong khi tiếng la ó của các chú bộ đội khác át cả tiếng mưa.

-- Các đdồng chí bắn sớm quá!

Chú Tiến cười ha hả dưới mưa:

-- Bắn được ba con rồi còn gì! Khiêng về một con còn chưa nổi, mỗi thằng chúng bay đòi bắn mỗi thằng một con, thì thịt thối cũng chưa đưa về hết!

Cả bọn mười một người gặp nhau chỗ ba con trâu nằm, máu đỏ hoà với nước mưa, con trâu nào cũng chết ngay khi bị đạn vào đầu, nên cũng không tội nghiệp lắm. Con trâu của tôi bị trúng viên đạn đầu tiên ngay vào chỗ hiểm, tôi không cần phải bồi thêm hai viên nữa trúng trên vai. Hai con trâu kia cũng bị trúng mấy viên đạn, thì ra cả chú Dũng cũng như anh bộ đội trẻ cũng lo sợ như tôi, bồi thêm mấy phát cho chắc ăn.

Tám anh kia, dù chưa kịp bắn, nhưng cũng cười hả dạ, chỉ có một hai anh cằn nhằn, nói:

-- Thủ phó chơi ăn gian quá, làm gì đếm tới 1000! Bọn này mới đếm tới 900 thì đã nghe súng nổ rồi! Không thể nào mà đếm nhanh thế được. Một người còn sai chứ 8 người sai coi bộ vô lý quá!

Tôi nhìn anh bộ đội trẻ dò hỏi, vì thực tình tôi không để ý mãi cho tới khi tới lúc đếm tới 900 tôi mới để ý thôi, chẳng lẽ chúng tôi ăn gian. Anh bộ đội quay nhìn chú Dũng! Chú Dũng cười nói:

-- Lũ bay tinh thật! Tao bảo thằng Hùng đếm nhảy 100 con số đó! Tao sợ bọn bay nổ súng trước bọn tao đó mà. Thôi bỏ qua đi, được cả ba con trâu rồi còn đòi gì nữa. Mà cách nào đưa ba con về đây, con nào con nấy to kềnh thế này? Các đồng chí bỏ qua cho tớ lần này!

Trời mưa mãi, ba con trâu to kềnh càng, nhìn trâu nghĩ tới đoạn đường leo dốc mà bắt ngán! Tôi đề nghị:

-- Vài chú về báo cho căn cứ biê't, đem dao tới đây mổ trâu, rồi mỗi người đem về một ít là xong. Riêng con trâu cháu bắn, chắc không cần nhờ các chú khiêng vào làng vì các chú lo cho hai con trâu này đủ mệt rồi! Cháu sang làng Ea Blang đề nghị dân làng ra xẻ trâu, một nửa đem về cho họ, còn một nửa họ đưa sang làng Tung Breng! Các chú thấy được không?

Chú Dũng, y sĩ, nói:

-- Đề nghị tốt! Nhất trí! Nhưng đừng quên mấy ghè rượu nhé!

Tôi bật cười thành tiếng:

-- Chú cũng đừng quên đi vào làng xem bệnh tình của dân làng với cháu đó!

Tôi giao khẩu súng AR-15 lại cho chú Dũng nói chú giữ dùm vì tôi không tiện mang súng vào làng Ea Blang. Tôi dẫn theo ba anh bộ đội trẻ để xin làng Ea Blang cho ít ghè rượu thay vì làng Tung Breng người bệnh không biết có rượu sẵn không. Cũng may mà hôm ấy trời mưa nên dân làng Ea Blang không ai đi làm, tôi gặp thôn trưởng trình bày đề nghị của tôi. Ông thôn trưởng cười vui, nói ông thầy hay thật, bắn được trâu chia cho đồng bào. Tôi nói con trâu to lắm làng phải đi ra đó cắt thịt, một nửa cho thanh niên đưa qua làng Tung Breng vì làng đó bị bệnh, cho làng đó nguyên cái đầu, và cái đuôi để cúng Giàng, còn thân mình thì chia đôi. Ông thôn trưởng vỗ vai tôi nói:

-- Được mà, dân làng này có cái thịt để uống rượu ngày mưa là vui rồi!
-- Phải nướng, nấu kỹ đó, tôi không muốn ai bị đau cái bụng đâu nhé!
-- Đừng có lo, con Jrai khoẻ mà!
-- Khoẻ cũng phải cẩn thận, bộ dân làng Tung Breng không phải con Jrai à, sao mà họ bệnh hết vậy?
-- Tại họ không cúng Giàng đó! Mấy hôm trước họ lấy được xác một con nai to trong rừng, đã chết mấy ngày rồi, nên không cúng Giàng nên bị Giàng phạt!
-- Sao ông biết?
-- Cháu tôi có cái chồng bên đó mà!

Tình cờ tôi biết được nguyên nhân bệnh của dân làng Tung Breng, họ ăn trúng thực chứ không phải dịch tả. Có lẽ con nai mắc bệnh chết chương rồi mà ăn không nấu kỹ nên bị té re tống tàng thôi. Khổ cái là giáo viên của tôi sao cũng bị. Dù sao tôi cũng bớt lo phần nào. Có trâu để cúng Giàng tạ tội, có người đem thịt trâu tới đãi tiệc chắc là mọi người sẽ phấn chấn và khoẻ mạnh trở lại mau chóng hơn. Tôi hỏi mua vài ghè rượu cần cho bộ đội, ông xã trưởng nói:

-- Không được, ông thầy cho dân làng trâu, dân làng cho ông thầy rượu.

Ông bảo dân làng đưa ra ba ghè rượu, bỏ vào gùi, rồi nói:

-- Rượu này cho ông thầy và bộ đội!

Giao ba chiếc gùi có ba ghè rượu cho bộ đội đeo, tôi dẫn dân làng cầm theo dao, gùi để xẻ thịt trâu. Lúc gặp chú Dũng tôi nói:

-- Dân làng cho các chú 3 ghè rượu, cháu đề nghị chú cho họ hai cái đầu và hai cái đuôi trâu, các chú cũng chẳng làm gì với các thứ đó, để họ cúng Giàng, được không?

-- Được mà, lấy mấy thứ đó làm gì cho mệt!

Tôi quay ra nói với ông thôn trưởng và dân làng bằng tiếng Jrai:

-- Bộ đội cám ơn lòng tốt của dân làng đã cho rượu, bộ đội muốn cho dân làng hai cái đầu và đuôi của hai con trâu nằm kia để cúng Giàng đó!

Ông thôn trưởng lại gần chú Dũng, cười vui:

-- Bộ đội tốt! Bộ đội tốt! Ngày mai tới uống rượu với dân làng!

Mọi người đang vui vẻ xúm vào xẻ thịt trâu thì chú Minh và cả căn cứ cũng xuống. Thấy ba con trâu to và ba ghè rượu trên lưng ba chú bộ đội, chú Minh cười thật lớn nói với tôi:

-- Cái thằng này thật hên! Đã trúng mối trâu, lại được rượu! Cháu Quang may mắn thật! Đi đâu cũng được dân làng cho cái này cái nọ Khẩu súng chú đưa cho cháu hồi trưa, cháu giữ luôn đi! Chút nữa về căn cứ chú làm giấy tờ cho.

Có súng để đi săn thì thật vui, nhưng giao súng ống một cách dễ dàng như vậy tôi phát sợ, không chừng là cạm bẫy bắt tôi vào tù thì khổ: tôi từ chối:

-- Thôi cháu mượn súng xài lúc cần thôi, cháu không lấy đâu! Việc bắn trâu xong rồi, cháu cần gì nữa! Coi chừng người ta tưởng cháu là phản động thì tiêu đời nhà ma!

-- Cháu khéo lo! Chú nói được là được mà! Chút nữa về căn cứ chú giải thích kỹ càng cho! Dân làng tốt với cháu vậy mà không lẽ chú thua sao?

Tôi không nói gìthêm cầm tay chú Minh tới xem dân làng họ xẻ trâu, cắt thịt một cách nhanh chóng. Tôi nói:

-- Đồng bào giỏi quá, cắt nhanh như cắt luá! Đồng bào cắt luôn hai con trâu kia giùm bộ đội đi, trông họ kìa chưa cắt được gì cả!

Mưa vẫn tiếp tục, mỗi nhát dao làm máu hoà với nước chảy loang. Tôi chạy tới chú Dũng:

-- Chút nữa chú cháu mình mang thịt về căn cứ trước rồi cháu dẫn chú sang làng Tung Breng nha!

-- Ừ, chưa bao giờ thấy vui như hôm nay! Chú đi với cháu một lần vào làng xem sao!

Tôi mừng lắm vì thấy nhiều chuyện xảy ra trong đời một cách thật tình cờ làm biến chuyển con người và cuộc sống. Mới sáng nay chú Dũng nhất định không đi đâu cả, tôi đã nảy ra dự định nhờ thầy Nhân về huyện tìm y tá hay bác sĩ lên đây, rồi chỉ vì nhìn thấy đàn trâu mà mọi chuyện gần như đâu vào đấy, tôi biết được nguyên nhân đau bụng của dân làng, thuyết phục được chú Dũng vào làng khám bệnh, lại còn được giao súng nữa. Có nên nhận khẩu súng đó không, tôi băn khoăn suy nghĩ! Hãy để nghe chú Minh giải thích khi về căn cứ đã, dù sao mình cũng chẳng mất mát gì! Điều mừng là dân làng không phải bị bệnh dịch tả, lại có thịt trâu tươi, có đầu và đuôi trâu để cúng Giàng, và nối kết được tình thân giữa dân hai làng với nhau, giữa dân làng và bộ đội.


Nguyên Đỗ

(Còn tiếp)








Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả