HỒI SINH - Ký Ức Ngày Thơ...

CHƯƠNG 2 : KÝ ỨC NGÀY THƠ




- Thế à! Sao rồi hả? Tao thấy mầy cứ chống cằm hoài vậy?

- Không sao mà!

- Mày có theo nổi chương trình học này không? Ðừng bỏ cuộc nghe chưa?

Thế im lặng thở dài…

Khó thật đó! Ngày rời quê hương, gia tài chữ nghĩa của nó chỉ được dăm ba chữ! Thời gian vào trường cùng thầy bạn không có bao nhiêu! Tuổi thơ của nó có lẽ đã lớn lên trong sự sai lầm nào đó, cho nên một hôm Mẹ đã rớt nước mắt cùng nó:

- Thế à! Hết niên học này, con và Lan không phải vào trường học đâu. Ở nhà phụ việc cho Mẹ. Ba con đã mất mấy năm qua, Mẹ cũng ráng gần đuối sức rồi. Vừa nuôi con và Bé Lan, vừa tiếp chị Hai con lo cho Quân còn đang kẹt trong trại cải tạo…Mẹ ngưng một chút, rồi ngậm ngùi nói tiếp… Giờ Mẹ đã già rồi, mắt Mẹ thì đã mờ hơn trước, con thương Mẹ thì ở nhà tiếp Mẹ nghe?

- Dạ!

- Ờ! Ban ngày con phụ việc cùng Mẹ. Tối về, Mẹ sẽ dạy cho con học thêm!

Vậy là từ đó, ban ngày nó chạy đôn chạy đáo, từ nhà máy xay lúa này cho tới nhà máy xay lúa khác, chực chờ người ta xay xong, chạy lại hỏi họ có bán tấm, cám hay là gạo gì không? Ðể rồi cám thì giao cho Mẹ nuôi heo, còn gạo và tấm, thì sáng sớm hôm sau, khi mặt trời còn say ngủ, nó đã cùng mấy đứa bạn trong xóm, gồng gánh ra chợ mà bán. Ðiều cay đắng nhất là cái nhà máy xay lúa đầu xóm đó, lẽ ra sau tiếp thu thì thuộc về gia đình Thế cai quản, nhưng tên quản lý vì là cán bộ nằm vùng, và Ba lúc đó phải đi học cải tạo, nên cái nhà máy đó cũng bỏ chủ mà theo tên cặp rằng của Ba, theo thời thế tôn vinh tên chủ mới. Giờ đây hắn lại vênh vênh cái mặt trông thật đáng ghét! Nó nhớ hoài, lần đầu tiên chở ba giạ lúa đi chà… Tên chủ mới này vẫn ngang nhiên xúc lên năm ký gạo trắng để trả thay cho tiền công xay lúa! Hắn nhất định không cho thiếu chịu! Ðã vậy, nó còn giả bộ nhân từ hỏi thăm: Cô giáo Lê vẫn khoẻ hả…? Thế đã nghiến răng thay lời cám ơn.

Rồi lại nhớ lần đầu tiên, khi nó vừa ra nghề, con Mỹ Hạnh đã nhìn nó mà cười chọc quê đến nguợng cả người:

- Tụi bây coi nè! Thằng Thế, thân thì còm nhom, mà gánh gạo thì như là ông cụ khòm lưng… Coi cái điệu nó gánh kìa … hihihi… khi ra tới chợ thì gạo chắc chỉ còn nửa thúng thôi đó! Gánh gì mà cứ như đang lắc cho gạo đỗ đó muh! Ðúng là công tử đó, nó làm sai nghề rùi!

Thế tức lắm, nhưng vì con Mỹ Hạnh đã nói đúng, nên nó đành phải im!
Vậy đó, không hiểu sao, con bé cứ tìm đủ mọi cách giúp nó, còn đến nhà rủ nó ra nhà máy mua gạo hằng ngày nửa cơ!... Ðể rồi tình bạn ngày càng gần gủi hơn… Thế đã dấu Mẹ chuyện Bé Hạnh cả ngày lo mua gạo dùm và để yên cho nó có thời giờ học bài do Mẹ ra, để tối về trình bài trả Mẹ … hummm … mới mười ba tuổi đầu mà Thế đã bắt đầu ma le rồi …

Thời gian này đối với Thế có lẽ là một ký ức tuổi thơ đẹp nhất!
Từ lúc mới bắt đầu làm quen với đám con gái bán gạo này, Thế hình như là ghét con Mỹ Hạnh này nhất đó! Con gái gì mà láo táo, cái miệng thì không biết có nín được năm phút hay không? Cả ngày cứ tìm cách soi mói Thế đến chừng như khó chịu! Nhưng rồi ngày qua ngày, nó thấy Mỹ Hạnh cũng có một chút gì hay hay. Nó đã bày cho Thế làm sao để mánh mung với cái đám chủ vựa, phải nhón chân như thế nào khi cân gạo hay tưới ướt gánh rau trước lúc bỏ mối cho họ! Hay là bày kế làm sao để gạt mấy tên cán bộ kiểm soát kinh tế của xã, thường hay rình rập bọn chúng như mèo rình chuột, để rồi tìm cách tịch thu mấy thúng gạo bán lậu của bọn chúng … rồi đem về nhà làm của riêng! Cuộc chạy đuổi rình bắt này đã diển ra hằng sáng sớm tinh sương…. Cho đến một lần vì bất cẩn, trong lúc gánh gạo băng đồng tránh trạm kiểm soát, Thế bị sụp lổ chân trâu trặc cổ chân. Nó đã cố gắng lắm, không cho bạn bè trong đám hay, nhưng rồi Mỹ Hạnh cũng đã phát giác ra và gọi đồng bạn ngừng lại giúp Thế:

- Cổ chưn mày sưng lớn lắm đó! Mà đường thì còn xa… Từ đây ra tới chợ còn gần hai cây số nửa đó… Thôi thì đưa gánh của mày lại cho tụi tau sớt nhau gánh dùm, khi ra tới chợ thì mày lấy lại nha!

Khuya đó nhờ có cây đòn gánh ở không, Thế đã dùng nó thay gậy mà chống đi … và khó khăn lắm nó mới cà nhắc đi theo cho kịp đám bạn! Nhìn Mỹ Hạnh gánh đôi thúng hàng đòng đưa thoăng thoắt nhịp nhàng trên vai, lại có thêm một mớ hàng của mình, Thế bổng thấy lòng rưng rưng xúc động! Sáng sớm hôm đó khi ra tới vựa, Hạnh đã thay Thế mà cân hàng. Nó ngồi nhìn con Bé làm việc gọn gàng và lanh lẹ mà thấy tội cho bạn mình! Đã vậy, sau đó vì thấy cổ chân Thế sưng to hơn, Mỹ Hạnh đã không ngần ngại tháo khăn che đầu mà băng chân cho Thế! Khi con bé vừa tháo khăn đội đầu ra, Thế bổng nhìn thấy hình như có một giòng sông đen huyền chảy xuống bờ vai thon của Mỹ Hạnh. Bây giờ nó mới thấy con bé xinh thật đó! Không hiểu vì cái công gánh dùm gánh gạo, hay vì cái khăn đội đầu … hay là … Thế bổng thấy lòng mình xao xuyến mơ màng…

- Tau băng đở cho mày thôi đó nha! Về nhà nhớ nói với Cô tìm thuốc trặt mà bó thêm. Chớ hong, là mày khỏi gánh gạo chạy chợ với tụi tao nửa đó!

Không biết Thế có nghe hay không, Mỹ Hạnh chợt ngẩng mặt nhìn Thế định nhắc nhở. Bắt gặp gương mặt cả ngố đang trố mắt nhìn mình, con bé thẹn thùng hồng lên cả hai má.

- Mày nhìn gì vậy? Có nghe tau nói hong?... Rồi Mỹ Hạnh cuối đầu nói lí nhí trong họng … Bộ hong từng thấy tao hay sao hả?

- …

- Có nghe tao nói hong?... Rùi cái khăn này nè…. Nhớ mà giặt trả tao nha? Mẹ Mới mua cho đó!

Bây giờ Thế như người say trả lời:

- Chiều về, mày có giặt đồ ở bên giếng nhà bác Năm không?

Con bé xí thật là dài…. Không!?


……….



- Hey! Mày lại suy nghỉ nửa rồi hả? Có nghe tau nói không?

- Dũng à! Mày để tao yên chút có được không hả?

- Ðược! Nhưng với điều kiện là mày phải trả lời câu hỏi của tao đó!

- Chữ thì tau hong sợ! Nhưng nhìn vào mấy cái Math, Chemistry thì tao đuối lắm đó!

- Hay là tau đi nói nói với thầy Hiệp An giúp mày nghe!

- Ðược hong! Tao chỉ sợ làm phiền Thầy An đó muh!

- Hum… Mày sợ thì để tao!

Thế là từ đó, hằng ngày sau giờ tan học, Thế ở lại trường tham gia After School Program để được học kèm thêm, do các thầy cô tình nguyện giúp đỡ. Thế thương thầy An lắm, thầy tuy nhỏ con, nhưng tinh thần và nhiệt huyết của thầy rất nhiều. Dù chỉ là teacher aid, nhưng thầy làm việc và giúp học sinh rất chăm! Thầy thường hay đến nhà cùng anh Quân trò chuyện và nhâm nhi vài lon bia lúc cuối tuần và bàn chuyện giúp Thế catch up trong việc học hành!

Năm học đầu tiên của Thế ở vùng đất mới rồi cũng qua đi dù thật là vất vả. Cầm cái report card cuối niên khóa, chỉ có english là được diểm C, còn mấy môn khác nếu không D thì E, tệ nhất là Math nó lãnh cái F thật là thảm thương! Vậy mà anh Quân và thầy Hiệp An vẫn cươì và khuyến khích nó:

- Năm đầu tiên em ráng được như vậy là giỏi lắm rồi… Không nên nãn chí!

Thế cũng đành cúi đầu im lặng! Bất mãn cho chính mình! … Mắc cở với thằng Dũng kìa!... Math của nó lúc nào cũng A cả… Có một lần thằng bạn Mỹ Ðen đã đùa với nó:

- Tau thấy dân VN tụi bây mới qua, đứa nào cũng giỏi toán, nhưng dỡ English… còn mày thì ngược lại… Thế là sao huh?

Lúc đó Thế đã nổi cáu trả lời:

- Ðây là chuyện của tao, mày không cần phải quan tâm đó muh!

Rồi mùa hè tha hương đầu tiên cũng đến! Nơi đây, sân trường không có hàng cây phượng vỹ rợp bóng như ở quê nhà! Nên nó không cảm thấy bâng khuâng trước lúc tạm biệt cùng thầy cô bạn hữu trong ba tháng hè oi bức sắp tới! … Có chăng chỉ là những giòng lưu bút vội vàng, những lời chúc hời hợt mùa hè vui vẻ. Và ở đây cũng không có những vạt áo dài trắng trinh nguyên, phất phới bay trong nắng hạ, quyện cùng tiếng ve sầu, ru buồn ngày học trò chia xa! Cuộc đời của Thế, một đoạn tuổi thơ bôn ba đã khô cằn nét hồn nhiên khi đón hạ, Xuân mấy mùa cũng tàn tạ qua nhanh!

Ban ngày, lúc thì nó giúp anh Quân vẽ bảng hiệu tại nhà, hoặc đôi khi lại theo anh vác cọ leo thang vẽ tại chổ. Thành phố cuối tuần nắng chan chan, người đi dạo phố sắm hàng cũng đã đổ mồ hôi rồi, nói chi kẻ đang đứng trên thang cao chót vót, mà đầu thì chỉ đội cái cap nhỏ cố che cả khung trời nắng cháy bao la!

Nhớ lại lúc đầu tiên cầm cọ, tay nó rung bắn lên như thằng lằn đứt đuôi, nó cố o miệng kéo nét thẳng theo lời anh Quân hướng dẩn, nhưng cuối cùng chỉ nhận được tiếng phì cười nhẫn nại của anh:

- Em vẽ đường thẳng, mà anh cứ tưởng em đang vẽ cái lưởi cưa đó!

- Thế chỉ đang học mà! Dzị chứ hồi anh mới bắt đầu vẽ, anh có nghề như bây giờ không hả?

Anh Quân chống chế:

- Nhưng không phải như là cái răng cưa lục của em đó!

- Anh chờ xem Thế nha!

Quả nhiên, sau ba tháng hè đó có lần anh Quân đã khen Thế một câu nghe thật là mát dạ:

- Công nhận bây giờ Thế vẽ cũng khá nhuyễn rồi đó! Em đã biết cách xữ dụng ngón út và cổ tay của mình rồi!

Thế cám ơn anh Quân mà trong lòng mừng vui lâng lâng khôn xiết! Ngày tháng ở đây trôi qua nhanh lắm! Thế không còn thì giờ ngồi tiếc thương quá vãng nhọc nhằn bất hạnh của mình nửa. Thế phải lao vào cuộc sống mới ở đây; một cuộc sống tuy có nhiều cơ hội, nhưng nếu không có ý chí và quyết tâm, thì cơ hội đó sẽ không trở về với mình nửa! Thế bắt đầu biết thương cây cọ và cũng biết nhớ mùi dầu sơn thơm phức! Anh Quân không còn một mình đi vẽ ngoài trời nữa, thỉnh thoảng Thế đã thay anh đi gặp khách để nhận mối vẽ và cũng một mình xách đồ nghề lúc thì kẽ chữ trên thành xe, khi thì vẽ lên cửa kiếng. Cái nghiệp bất đắc dĩ này đã đem lại một nguồn tài chính cũng khá cho gia đình, và giúp cho anh Quân có dư chút tiền gửi về biếu cho đứa em gái Út hãy còn ở quê nhà! Thứ Bảy tuần rồi, khi Thế về đến nhà thì trời đã chập choạng tối, tắm rửa vừa xong chưa kịp mang giày đi học lớp đêm, thì anh hai Quân đưa cho Thế lá thư của Bé Lan mà anh vừa mới nhận chiều nay:

- Em có bận không? … Nếu không thì đọc lá thư của Út Lan nè, nó có vài lời hỏi thăm em đó!

- Chắc là cần thêm tiền làm của hồi môn hả? Thế vừa mở thư vừa đùa cùng anh Hai.

- Em đọc xong thì sẽ rõ! Nhớ ăn no bụng trước khi đi học đó!

……..



Bạc Liêu, ngày… tháng... năm…

… … …
… còn phần Thế thương thì sao hả? lâu rồi Bé Lan không nhận được tin anh! Thế có giận bé không? Từ lúc hai anh đi rồi, nhất là sau ngày Mẹ qua đời cách nay ba năm, cô Tư đã kêu em về ở chung để phụ cô ấy bán cơm tấm buổi sáng ở gần trường xã. Em chỉ giúp cô dọn bán tới 7 giờ thôi, sau đó cô đã đuổi em về để chuẩn bị đi hoc rồi. Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ học, em thay chị Mai- con cô Tư- tiếp tục nghề cũ của Thế, sáng sớm tinh sương khi gà chưa kịp gáy, đã cùng bọn Mỹ Hạnh, Ngọc Lương gọi nhau ới ời chuẩn bị gánh gồng cùng nhau đi cho kịp chuyến chợ đầu ngày … Bây giờ em mới biết nghề gánh gạo của Út Thế ngày xưa như thế nào! Cũng may em là gái, nên việc học hỏi buôn gánh bán bưng không bỡ ngỡ lắm và không bị bạn bè chế nhạo như anh đã từng chịu đựng!

Chị Mỹ Hạnh vẫn thường nhắc nhở về Thế. Chúng em thân nhau như chị em môt nhà. Suốt quảng đường gánh gạo, chị huyên thuyên kể cho em nghe về những kỹ niệm giữa Thế và chị! Hình như chị đã thương anh từ dạo đó rồi, Thế ạ!...

Nhưng duyên phần của chị ấy với anh đã không bao giờ được dịp yêu nhau đâu… Vì còn chừng nửa năm nữa thôi, Mỹ Hạnh sẽ bị Bác Hai Thuận ép gã theo chồng rồi… Tuần trước khi chúng em xong buổi giao hàng, Hạnh đã dẫn em ra tiệm và cắt ngắn đi mái tóc đen huyền của mình rồi! Chị nói rằng sẽ gửi cho anh mái tóc này và anh sẽ nhớ chuyện hồi năm xưa.

Thế ơi… đừng buồn nghe anh… con gái quê của tụi em cho tới giờ phút này vẫn không có quyền chọn lựa theo đuổi ước mơ của mình đâu! Vừa thất học, vừa xấu xí… nếu chần chừ thì cả đời sẽ bị lỡ làng mà thôi…( Em có kèm theo thư này gói hàng có mái tóc của Mỹ Hạnh gửi cho Thế đó!)
… …

Út Lan của Thế!



Anh Quân không biết đã đứng bên cạnh Thế tự bao giờ, vỗ nhẹ vai anh như vỗ về và chìa gói quà hãy còn đang nằm im trong gói.

Mỹ Hạnh ơi!... Một đoạn tuổi thơ của chúng ta dù đã phải lớn lên trong những nỗi nhọc nhằn bon chen, vật vã với đời để tìm miếng cơm manh áo cho gia đinh.. và cho dù chúng mình không có được những kỹ niệm êm đềm cắp sách đến trường như bạn bè trang lứa... Nhưng những buổi trưa hè ngồi làm bài dưới gốc xoài cát bên cạnh nhà máy Thế Hưng, luôn luôn sẽ là hình ảnh đẹp tuyệt vời trong lòng Thế. Cũng như những vết trầy trụa hằn lên bắp chân trắng nõn nà của Hạnh, khi chúng mình băng bụi ô rô chạy trốn tụi kiểm soát kinh tế tài chánh, tìm đường tắt băng đồng gánh gạo ra chợ… sẽ mãi mãi là dấu vết không bao giờ nguôi trong lòng chúng ta… Thế cũng không quên đi được mùi thơm của hạt gạo trắng trong của quê nhà, để nhớ về em những ưu ái mà em đã ân cần chăm sóc cho anh và không cần đổi trao một lời hẹn hò nào cả! Thế cũng không bao giờ quên gói xôi nếp thơm ngạt ngào mùi quê hương mà Hạnh đã cẩn thận gói bằng lá chuối non xanh phớt với thịt gà ram mặn mà em đã dúi cho anh trong đêm tiễn biệt... Hình ảnh của người con gái tuổi mười ba đen tuyền từ tóc tới chân tiễn gia anh ngày viễn xứ… Em đứng đó, tóc em bay bay trong gió sớm còn ươn ướt sương đêm.. Em đứng đó, tay em vẫy mờ mờ thay lời vĩnh biệt. Đoạn tuổi thơ của Thế đã nợ em nhiều quá rồi. Chiếc khăn cà ma bó chân Thế tuy không đáng giá bao nhiêu, nhưng ân tình này cả đời Thế sẽ mãi mãi nợ em rồi!... Lại thêm kỹ vật nửa mái tóc huyền… anh sẽ làm sao đây? Thế đã ngẹn ngào! Dù không phải là nỗi niềm đau buốt thê lương… nhưng vẫn là xót xa thương tiếc… Thế sẽ chúc em được vuông tròn hạnh phúc!

Nhớ lắm người vạn dặm cách ngăn
Tình thơ chớm nở buổi nhọc nhằn
Thơm như mùi tấm còn thơm ngát
Cùng ngồi nhặt thóc dưới ánh trăng!

Anh nhớ ân tình đong gánh mơ
Cùng em chạy đạp bụi ô rô
Để nghe ran rát từng vết xước
Hằn lên dấu vết tuổi dại khờ!

Em ơi! ở cuối trời thương nhớ
Hãy nhặt dùm anh mảnh trăng mờ
Còn vương lây lất hàng dừa nước
Như mãi hồn quê trong mắt mơ…



(còn tiếp)


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả