Nguyễn Thành Nhân
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


Mùa xưa(5)

ghi chép 3


Trường trước kia nguyên là một khu lưu xá thuộc nhà thờ Fatima, Bình Triệu. Tổng cộng chỉ có ba hội trường A, B, C dành cho việc lên lớp giảng dạy và học tập, còn lại là các phòng có diện tích không đáng kể dùng làm chỗ ở cho các giáo viên và sinh viên nội trú. Sau này, lúc tụi Nguyên đã sắp ra trường, trường được xây dựng thêm một dãy lầu, mở rộng được hơn một tí diện tích, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, vì con số sinh viên những khóa sau tăng lên rất nhiều, gấp ba gấp bốn giai đoạn trước. Vì diện tích nhỏ xíu, nơi ở xen lẫn nơi dạy như vậy, nên đã xảy ra nhiều chuyện rất buồn cười...

Đôi khi, bọn sinh viên lười lĩnh như Thảo, Hoài giặt đồ chưa khô kịp, cứ nằm ễnh trên giường, nướng qua nướng lại mà cũng nghe được tiếng giảng bài từ Hội trường A...Đôi khi, đang giữa tiết học, một đứa nào đó chợt nghe kiến bò nhộn nhịp trong bụng. Nó liền từ từ dịch chuyển vị trí về phía cửa, canh lúc thầy cô quay sang chỗ khác để chuồn ra, về phòng lục niêu cơm nguội ra vét sạch, rồi lại mon men xuống, lẩn vào, ngồi học tiếp, trông có vẻ ta đây vô cùng đàng hoàng nghiêm túc...Lại đôi khi, cả lớp đang yên ắng, lơ mơ thả hồn theo "lời ru buồn nghe mênh mang mênh mang" của thầy Phan, bỗng từ bên trên đầu có tiếng dạo đàn guitar phím lõm lưng tưng. Rồi một giọng tenor vừa chói lói, vừa ồm ồm cất lên một câu vọng cổ ; khi giọng ca bất hủ xuống xề, bất giác mọi người đưa hai bàn tay lên, định vỗ một tràng hoan hô lốp đốp, nhưng vội hết hồn rụt ngay lại, giấu xuống hộc bàn, vì sực nhớ mình đang ngồi trong lớp... Rồi có đôi khi khác, cô giáo đang nghiêm trang truyền đạt cho học trò những tri thức cao siêu, chợt một con bé khoảng năm sáu tuổi, ì ạch bế một con bé khác khoảng tám chín tháng tuổi gì đó hiên ngang đi vào giảng đường, mếu ma mếu máo : " Mẹ ơi! Em bé ị ra rồi ! Mẹ về thay tã cho em !"... Chưa kể đến những tai nạn bất ngờ do bọn con trai hoặc con gái tính tình cẩu thả gây nên, mà người lãnh đủ lại là các bậc thầy cô khả kính : Một vài thầy cô được phân phối phòng ở tầng trệt, nên bắt buộc phải thường xuyên đi lại qua vùng "góc chết "- một khoảng đường hẹp không tới hai mét chiều ngang nằm trong phạm vi mấy mét tính từ góc vuông giao tiếp giữa hai dãy nhà. Bọn con nhà vô lương tâm này cứ thoải mái đứng từ tầng một hoặc tầng hai đổ ào xuống dưới, khi thì nước vo gạo, khi thì nước rửa chén, rửa niêu... đôi khi, không biết chừng, còn nguy hiểm hơn, là nước xả đồ "ấn-đơ-que " (!) bất kể bên dưới là mái đầu xanh rì của lứa tuổi hai mươi, hay là mái đầu lấm chấm muối tiêu của các vị thầy cô già cả !

Trường cách không xa con sông Saigon, ở khúc nó uốn éo chảy qua chiếc cầu Bình Lợi. Nên chi biết bao cuộc tình của bao thế hệ sinh viên đã hoặc đang bắt đầu, kéo dài và chấm dứt đều không khỏi có chút gì đó, không ít thì nhiều gắn liền với dòng sông, với chiếc cầu đầy "tai tiếng" .

Cầu Bình Lợi dĩ nhiên khác xa với cầu trên sông Drina, nhưng về mặt các truyền thuyết liên quan đến các vụ tự tử thì xem ra nó cũng không thua sút lắm. Rất tiếc Việt Nam ta chưa thấy xuất hiện một văn tài tương tự như Ivo Andritch để viết một cuốn tiểu thuyết tầm cỡ về chiếc cầu Bình Lợi ! Nói nghe kinh khủng vậy, nhưng đối với sinh viên trường, chiếc cầu là nơi có nhiều kỷ niệm. Những buổi chiều mùa hạ, khi trời nóng hừng hực, oi bức không chịu nổi, các cô các cậu lững thững đi ra bờ sông, ở phía sau trường, hoặc đi xa hơn,lên trên chiếc cầu, để hưởng chút gió sông dịu mát. Biết bao nhiêu lời tán tỉnh ngọt ngào, lời trả đũa chua cay, lời giận hờn trách móc nỉ non, lời tỏ tình run run thỏ thẻ, lời thề thốt nghe chắc ăn như đinh đóng gỗ lim...đã được gió sông hứng vào lòng của nó, và dĩ nhiên, cũng đã theo gió cuốn đi.

Tuy nhiên, đối với Nguyên, cầu Bình Lợi chỉ là một chướng ngại vật không hơn không kém. Dạo ấy, đi xe qua cầu thật là khổ sở, vì lối dành cho xe cộ chỉ vừa đủ để hai xe gắn máy lách nhau một cách rất ư chật vật. Chiếc cầu làm anh bị trễ giờ liên tục. Anh ghét nó. Anh chỉ yêu cái bến sông con thơ mộng của mình.

Bến nằm ở phía sau lưng trường. Muốn đi vào nó phải đi qua Trung tâm cai nghiện Bình Triệu, qua một chiếc cầu xi-măng nho nhỏ bắc qua một con lạch con con, qua một nghĩa trang công giáo nên thơ đầy những cây hoa sứ trắng tỏa hương thơm ngát. Gọi là bến sông cho oai, thật ra, đó chỉ là một lối nhỏ dẫn tới bờ sông, nằm giữa hai bên là hai hàng cây thùy dương xanh ngắt, trồng làm hàng rào cho các căn nhà vườn ở đó. Ngay sát bờ sông có một đám cỏ dày; bên dưới bờ đất cao, khoảng ba bốn mét tính từ bờ lại có một lớp đất sỏi cứng, rất tiện khi tắm xong lên bờ, chân không bị lấm bùn bê bết. Nguyên yêu cái bến sông ngay từ khi anh mới biết nó lần đầu, nhưng sau này anh còn yêu nó nhiều hơn nữa. Đã có những buổi chiều anh ngồi ở đây, hồi hộp chờ mong trông thấy Quyên Chi. Đã có nhiều buổi chiều sau khi vùng vẫy, lăn lộn mệt nhoài trong làn nước, anh lên bờ ngồi một mình nhìn hoàng hôn buông xuống, nhìn mặt trời vàng rực từ từ khuất sau những rặng cây bên bờ đối diện, nhìn những giề lục bình bông tím trôi lừ đừ mà không biết về đâu.

Dạo đó tháng Năm. Trời nóng hanh hao. Một hôm Hoài khều khều Nguyên :

- Chiều nay đi ra bờ sông không ?
- Làm chi vậy, mày muốn tắm sông à, lạ nhỉ ? - Nguyên ngạc nhiên, anh biết Hoài không thích tắm sông lắm.

Hoài lắc đầu :

- Để cho mày gặp Chi.

Nguyên càng ngạc nhiên hơn :

- Gặp Chi ? Cô nàng cũng ra đó hay sao ?
- Mày không biết gì hết. Mấy bữa nay nước yếu, không đủ nước tắm, mà trời lại nóng nực nữa. Tụi nó kéo ra sông tắm cho đã rồi mới về tắm sơ lại. Hôm qua tao cũng ra sông tắm, gặp Chi. Chi mặc cái áo ngắn tay tím, cái quần soóc. Trông cặp đùi thon thon trắng muốt của cô ta thật là dễ thành tội phạm quá chừng ! Không chừng mày mà gặp Chi ở đó hôm qua thì đã làm được mấy bài thơ rồi !
- Ồ, vậy sao - Nguyên lẩm bẩm, rồi lại hỏi Hoài - Chi bơi giỏi không?
- Cũng tàm tạm, cỡ tao thôi.
- Ừ được rồi, chiều nay tao sẽ ra đó.

Buồn thay, chiều hôm đó Chi không ra sông tắm, và cả những chiều tiếp theo cũng vậy. Nhưng kể từ đó cái bến sông con đã trở thành một cái gì đó rất thân quen, gần gũi với Nguyên. Nó trở thành một người bạn của anh. Anh nghĩ - Mày đã từng quyện vào lòng mình thân hình trong trắng của Chi. Mày là nơi cô đã để lại những dấu chân trần mềm mại-trên đám cỏ xanh này, trên lớp sỏi cát này. Trong những vòm lá xanh kia, tiếng cười trong vắt hồn nhiên của Chi đã bay lên, tản mát quyện vào cùng gió nắng...Nghĩa là, mày đã trở thành kỷ niệm...Gặp lại mày,tao gặp lại những hình ảnh với tao vô cùng thân thiết...

. . . Ta ngồi trên gió nghìn năm
Nghe dòng sông thở xa xăm thoảng buồn
Sóng ve vuốt bóng cành dương
Thì thào hát khúc hoang đường mộng xưa.
Em đi trên phím lòng ta
Sầu âm đồng vọng xác xơ nỗi niềm
Chiều gieo tịch mịch bên sông
Ta nghe . .. chiếc lá rơi thầm xuống vai.
Ta nghe ... một tiếng thở dài.
Dòng sông vọng mãi âm hoài niệm xưa.
Nhạt nhòa trong mắt mờ xa
Khói mây ẩn hiện dáng hoa em về
Ta thành tượng đá u mê.
Thời gian từng giọt chảy về mù khơi. .. .


Bến sông con đã bị người ta đối xử một cách tàn ác, bất công. Nó trở thành một chỗ đổ rác công cộng. Lần trở về thăm lại nó sau này, anh đứng ngơ ngác nhìn người bạn của mình bị chôn vùi dưới những lớp rác rưởi mà muốn rơi nước mắt. Tất nhiên là anh không khóc được. Nhưng cổ họng anh đắng nghét, nghẹn ngào. Ôi ! Những dòng sông tuổi thơ, những dòng sông tình yêu, những dòng sông một thời luyến nhớ...! Tất cả đã trôi qua, đi mãi, biền biệt không về...

(còn tiếp)


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả