Nhớ Lục Bình

(Thân ái gửi NTN,
... người tri kỹ ta chưa từng biết mặt
... nhưng tâm tư đã mặc khải tâm đầu...)


***


"... chợt thương con sáo bay xa bầy,
sương khói buồn để lại lòng ai
Con sáo sang sông,
sáo đã xổ lồng bay về Bạc Liêu...
(Điệu Buồn Phương Nam/VĐSB)


Anh là ai?
Thật ra tôi không biết rõ lắm!
...Chỉ mang máng trong đầu, vào một ngày hè oi bức, tôi cùng chị dâu đi thăm nuôi người anh đang trong Trại Cải Tạo Chi Lăng (trước kia là Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng hồi thời Đệ Nhị Cộng Hoà)!

Khi chiếc xe đò cũ rích như món đồ cổ, ì ạch cố leo cho đến đỉnh đồi thị trấn Tri Tôn, thì khói than đen xịt và nồng nặc lẫn mùi dầu cặn, đã bám đầy mặt mủi và quần áo của hơn bốn chục hành khách cố chen nhau chật cứng trong cái hộp sắt biết lăn này! Đang loay hoay chờ nhận hàng, tôi bổng nghe tiếng Chị Hai reo vui mừng cởi mở:

- Phải cô Tâm đó không? Cô còn nhớ em không?...

Tôi xoay lại cố nhìn người mà Chị hai tôi đang nhận diện...

Một người đàn bà tuổi chắc hơn ba mươi, da mặt dù có bị rạm nắng, nhưng vẫn không dấu được mầu trắng hồng phơn phớt của ngày xưa... Gương mặt trái xoan nhỏ, trí thức lồng trong đôi mắt buồn rũ như mùa thu!

- Xuân Hà đó phải không...? Trời ạ! ... Rồi hai người đàn bà đó đã ôm nhau khóc tức tửi ngay giửa thị trấn đông người ... Không biết là vì tha hương ngộ cố nhân! ... hay vì họ đang âm thầm bày tỏ một niềm ấm ức cay đắng như thế nào đó ... Tôi như sực nhớ chuyện mình phải làm... nên đã bỏ đi việc chú ý hai người đang tương ngộ ...

- Thế à! Chào cô Thu Tâm đi em! Cô là người dạy Việt Văn lúc chị còn ở Trung học đó! ... Còn đây là Thế... Em chồng của em đó, thưa Cô!

Nghe lời chị, tôi đã lễ phép cúi đầu chào người mà chị tôi đang gọi bằng Cô! Tôi cũng không quên xung phong xách hộ Cô Thu Tâm cái giỏ thăm nuôi!

Hai người đàn bà trên đường vô cổng trại đã hỏi han nhau rối rít. Và nhờ đó tôi mới biết được là cô cũng đi thăm nuôi chồng trong trại này! Rồi hai người ngậm ngùi nhắc lại kỹ niệm xa xưa như là tiếc nuối xót xa vô cùng! Tôi nhìn họ, dù chưa nhận thức ra điều người lớn đau thương, nhưng cũng thông cảm được một điều gì đó ... mơ hồ.

- Thôi đã gần tới trại rồi, mình đừng nhắc chuyện này nửa nha... để khi về mình tâm sự nhiều hơn!

- Dạ! Chị tôi trả lời.

Sau những đợt trình báo và kiểm soát thăm nuôi lằng nhằng, cả ba chúng tôi được đưa vào nhà chờ đợi. Giờ gặp mặt thăm nuôi rồi cũng đã đến. Hai người đàn ông rồi cũng xuất hiện!
Anh Quân gầy và ốm quá! Nó nhìn anh mà nước mắt xót xa rưng rưng!
Anh đó sao? Mới vài năm trước thôi, Thế đã vui mừng đón anh về phép thăm nhà trong bộ quân phục oai hùng của Sư Đoàn 5 đó mà! Mắt anh sáng trong và cương nghị! Tay anh rắn chắc bế Thể thảy tưng tưng để nghe em cười hăng hắc đó mà... Vậy mà giờ đây mắt anh lại rũ buồn u uất xa xăm... Dáng anh thật gầy ...hình như là héo úa... Da anh thật đen... hình như là cháy nắng nhọc nhằn.
Cả Thế và chị cùng nhìn anh trong giọt lệ rưng rưng... Mười lăm phút thăm nuôi qua nhanh lắm. Mọi người chỉ vừa đủ thời giờ hỏi han sơ sài, sau đó phải vội vàng trao túi quà thăm nuôi cùng vài lời dặn dò thương nhớ!

Đêm hôm đó khi về tới nhà, Cô Thu Tâm đã nhận lời chị tôi mời ở lại qua đêm tại nhà. Và cũng từ đó tôi mới bắt đầu biết về anh chị! Vợ là giáo sư Việt Văn, chồng là người Huế, trọ trẹ nói giọng Nam, tuy dạy Triết nhưng tâm hồn là người nghệ sĩ, cùng dạy chung một trường. Rồi anh bị gọi động viên cùng khoá với anh Hai. Để rồi từ trên đồi tăng Nhơn Phú, một đêm buồn ngồi chòi canh ôm súng gát, Võ Hợi đã nức nở nhớ thương người vợ trẻ vắng xa...

Ta ngồi đây trên đồi Tăng Nhơn Phú,
Chiều đong đưa tiếng đại pháo ru về
Mẹ hiền xa nơi phương trời
Người tình xa nơi phương người
Lòng lạnh giá những đêm mong chờ trăng sang...
(Hát Trên Đồi Tăng Nhơn Phú)



Thế là họ đã có một quan hệ hết sức là lạ lùng: Hai người đàn ông là bạn đồng ngũ, nhưng hai người bàn bà là tình thầy cô... Giờ lại mang chung một hoàn cảnh cách ly xa chồng.... Để rồi từ đó rở thành thân thiết hơn. Có phải anh đã linh cảm được những nổi ray rức chia xa như là một định mệnh đã mặc khải cho một tàn cuộc ngỡ ngàng như thế này hay không?

Về phương Nam lắng nghe cung đàn
thổn thức dưới ánh trăng mơ màng
Rồi theo sông Cữu Long nhung nhớ dâng tràn
Chợt thương con sáo bay xa bầy
sương khói buồn để lại lòng ai....
(Điệu Buồn Phương Nam)


Ba năm nhọc nhằn cải tạo của anh cũng đã qua, anh được trở về sum hợp cùng vợ để tiếp nối cuộc tình xa cách bấy lâu. Nhưng anh, người nghệ sĩ dù là thân người thật nhỏ nhắn, lại tiềm tàng một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa, vẫn không quên phím tơ và cung đàn:

Chàng nhạc sĩ không có cây đàn
còn đây bộ giây tơ cô đơn,
tiếng hát ấy đã phai theo thời giạn
Đàn có giây mới rung lên thành nhạc
Giây xa vắng, đàn ngân nga với ai?
(Đàn và Giây)


Anh chị Võ Hợi ơi, đã mười mấy năm hơn, anh em chúng tôi vẫn hằng mong gặp lại anh chị. Nhưng hai phương trời thì nghìn trùng cách xa, mà anh chị thì biền biệt vô tăm! ... Ngày anh em chúng tôi sắp rời xứ, tôi vẫn còn văng vẳng nghe tiếng đàn của anh lồng trong tiếng hát nghẹn ngào đưa tiễn:

Giòng sông nào đưa nguời tình đi biền biệt
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ....
(Thu Hát Cho Người)


Để rồi ngày hôm nay, người bạn tri kỹ của Thế đã vô tình (?) nhắc lại lời nhạc của anh ...Để chúng tôi lại ngậm ngùi thương nhớ về anh chị?

Đàn thiên thu đứt giây tơ rồi,
theo sóng vàng cát lỡ sông bồi
Còn chi nữa biển dầu đã bao đổi dời
Về phương Nam, ngắm sông ngậm ngùi
Thương những đời như lục bình trôi!
(Điệu Buồn Phương Nam)


Anh Nhân ạ! Cám ơn anh đã cho chúng tôi cái cảm giác thân thương như là đang cùng tái ngộ người thân! Cám ơn nhiều! Cám ơn thâm tình của Anh đó!

Ngày lập đông '02


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả