NEWAGE, NHẠC CỦA THẾ Kỷ 21

Viết về một bộ môn nghệ thuật mới không có sử liệu là một sự liều lĩnh, liều lĩnh nhưng lý thú, vì một mình một chợ, nếu có sơ xuất hay thiếu sót thì cũng xin các bậc thức giả bổ túc để bài biên khảo này được hoàn hảo hơn.
Trong tất cả bảy bộ môn nghệ thuật : hội hoạ, điêu khắc, kịch nghệ, khiêu vũ, thi ca, âm nhạc, nhiếp ảnh và điện ảnh, theo một số tác giả, thì âm nhạc chưa bao giờ được coi là một nghệ thuật trước khi có nhạc Kỷ Nguyên Mới (New Age music). Nhận xét này sẽ gây nên một cuộc tranh cãi khá hào hứng và cũng khá gay go.
Công việc trước tiên là phải được chính danh, tức chúng ta phải định nghĩa cho đúng thế nào là nghệ thuật, và sau đó chúng ta thử tìm hiểu cội nguồn của nhạc New Age, và khía cạnh nghệ thuật của nó.
Nghệ thuật (Art - số ít), theo tự điển Oxford, là sản phẩm của những cái gì đẹp, khéo hay khả năng để làm ra cái đẹp, cái khéo. Ví dụ một phim nghệ thuật là sản phẩm được tạo ra dưới dạng thức phát biểu nghệ thuật khác với phim ảnh thuần một mục đích giải trí.
Còn nghệ thuật (Arts - số nhiều), được định nghĩa là các bộ môn như ngôn ngữ, văn học, sử học... mà trong số đó có sự cảm thông dự một phần lớn, đối nghịch với khoa học, cực dụng sự chính xác và tính toán.
Cái khó là nhạc New Age đã được công nhận là sản phẩm của một nghệ thuật lại chưa có trong tự điển văn học nghệ thuật. Khi nói đến New Age, đa số các độc giả sẽ mường tượng đến một bộ môn Tân triết học cũng mang tên New Age liên quan đến những vấn đề siên nhiêu (super-natural) như về thiền quán, soi kiếp cứu rỗi (enlightenment), trị bịnh theo đức tin (faith healing) của các giáo phái (cult) và đồng bóng (medium, psychic)...
New Age, bộ môn âm nhạc mới còn quá trẻ và sự thưởng ngoạn được dùng cả thính giác lẫn thị giác, lại được mệnh danh là nhạc của kỷ nguyên mới, có nghĩa là chúng ta cảm thấy được màu sắc của âm thanh (the color of music), bộ môn này còn được tặng thêm một mỹ danh nữa là nhạc của thế kỷ hai mươi mốt.
So với nhạc cổ điển Tây phương thường được phân chia ra làm bốn chuyển động (movements) về giai điệu từ chậm đến nhanh, và đòi hỏi cả một giàn nhạc giao hưởng đại hòa tấu.
Nhạc New Age không đòi hỏi số lượng nhạc sĩ và nhạc khí, đôi khi chỉ cần vài ba nhạc sĩ, và họ thường hợp tấu theo ứng tác (improvisation), với tất cả nhạc cụ sẵn có, đông cũng như tây, cổ cũng như kim.
Nhạc cổ điển có đôi khi dùng nhạc khí để tạo các âm thanh cần thiết để yểm trợ opéra chẳng hạn, nhưng chưa bao giờ dùng đến kỹ thuật tạo âm thanh đặc biệt (special effects). Nhạc New Age, ngoài việc sử dụng các nhạc cụ thông thường, họ còn dùng cả bất cứ vật gì có thể tạo nên những âm thanh bất thường (special effects) để được đồng bộ (synchronization) với tiếng sóng tiếng gió gầm thét, tiếng chim kêu vượn hú, tiếng lửa bập bùng, tiếng binh khí chạm nhau, tiếng mưa rơi thác đổ... mà các nhạc khí bình thường không thể nào tạo nên được...
Nhạc cổ điển có chiều rộng (panoramic, grandeur). Nhạc New Age nhắm vào chiều sâu nhiều hơn (depth, insight), nó thẩm thấu, nó len vào tận các sớ của tâm hồn. Người nhạc sĩ New Age khi viết về hòa âm họ thường chú trọng đến sự hòa điệu, ăn khớp với từng cử động của thiên nhiên, có lẽ vì thế, kỹ nghệ điện ảnh càng ngày càng mướn các nhạc sĩ New Age viết nhạc đệm cho phim ảnh của họ nhiều hơn, để thay thế cho nhạc đệm cổ điển.
Có một điều chắc chắn hơn cả, là nhạc New Age không có tham vọng thay thế hẳn nhạc cổ điển, vì đa số người thích nhạc New Age đều là những người đã từng say mê âm nhạc cổ điển, hai dòng nhạc cổ kim đó sẽ bổ túc cho nhau và làm giàu thêm cho những tâm hồn yêu nhạc.
Như trên, tác giả bài này có nói về sự khó khăn khi sưu tầm sử liệu về nhạc New Age. Sự kiện bất thường đó do một sự ly kỳ của lịch sử, mà lại là lịch sử điện ảnh.
Một bộ môn âm nhạc quá mới đến nỗi chưa có trong tự điển cũng dễ hiểu thôi, vì các nhà làm điện ảnh đều nhìn nhận nhạc New Age mới ra đời năm 1984, cùng một lúc với phim "Sargeant Pepper Lonely Heart's Band Club".
Lần thứ nhất, điện ảnh đã có công đua vào phim ảnh dòng nhạc gọi là bất qui tắc để hòa điệu với âm nhạc có cả người máy robot, với ban nhạc Rolling Stones, có cả "special effects" tiếng chuông nhà thờ hòa âm với nhạc đám tang với ban nhạc The Bee Gee chơi các bản nhạc của The Beatles
"Nowhere Man", "The Long and Winding Road", "Strawberry Field Forever"...
Giới điện ảnh đã thấy rõ sự thành công huyền diệu trong loại nhạc mới nầy. Liên tiếp các phim nổi tiếng ăn khách khác được tung ra với số thâu vượt bực như các phim "Odyssey 2001","The Black Hole","Quest of Fire","Stars War", "Return of the Jedi","The Empire Strikes Back", "Back to the Future"... Chỉ cần đọc tên cuốn phim chúng ta cũng có thể hiểu ngay tại sao giới chuyên môn gọi đó là nhạc New Age.
Nhưng thành công sáng giá nhất cho nhạc New Age phải kể là phim "The Silk Road" (phim tài liệu dài sáu tiếng, xin đừng lộn với phim cùng tên dài 2 tiếng chuyện dã sử kỳ tình bảo vệ kho kinh sách). Với phim này nổi bật lên một thiên tài nhạc New Age, Kitaro, mà tôi sẽ đi vào chi tiết sau. Với tài năng đó, đạo diển Oliver Stone mới đây đã mướn Kitaro viết hòa âm cho phim "Heaven and Earth", một phim về Việt Nam.
Hơn tất cả mọi khía cạnh đã được đề cập, nhạc New Age có ưu điểm đưa tâm hồn vào đến cả những nẻo hiểm hóc sâu thẳm nhất của con người. Cảm xúc siêu nhiên đã trở thành những thôi thúc cấp bách của những tâm hồn nhạy cảm đã nhàm chán với những âm điệu đã trở nên tầm thường, vì đã bình dân hóa qua thời gian. Ưu điểm cao hơn nữa, là với nhạc New Age, âm thanh được ướp tẩm màu sắc khiến sự rung cảm càng phong phú hơn, cộng thêm yếu tố ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ (five elements) tạo thành những tác động âm thanh kỳ thú, lạ tai, mới mẻ; có lẽ vì thế mà nhạc New Age rất thích hợp với loại vidéo nhạc cảnh như "Light of the Spirit" của Kitaro, "Private Music" của Patrick O'Hearn, "Moon's Shadow", "Shepherd's Moon", "Watermark"của Enja, "Dreams" của Akira Kurosawa...
Nhạc New Age, với khả năng phong phú, mỗi ngày một khám phá mới cùng với sự tiến bộ vượt bực trong ngành âm thanh điện tử. Những tên tuổi như Kitaro ở trời Ðông, Yanni ở trời Tây, cùng với Sojiro, Kuranesh, Enja, Lucia Hwong, Patrick O'Hearn, John Tesh và biết bao nhiêu thiên tài mới nữa sẽ cống hiến cho chúng ta những rung động tân kỳ trong sự cảm nhận màu sắc của âm thanh.
Cũng như máy VCR và High Definition TV được phát minh tại Mỹ nhưng hòan hảo và sản xuất hàng loạt trên đất Nhật và khắp địa cầu, nhạc New Age Xuất phát tại Mỹ lại được dân xứ Phù Tang làm nổi tiếng khắp thế giới nhờ một thiên tài âm nhạc : Kitaro.
Kitaro đã theo học nhạc ở Ðức quốc thời còn trẻ, anh chơi được gần hết các nhạc cụ kể cả các nhạc cụ cổ như dàn trống 300 tuổi và một nhạc cụ hiếm thấy 150 tuổi. Anh đã tổ chức cùng vài nhạc sĩ Mỹ làm một vòng trình diễn trên 26 thành phố lớn của nước Mỹ vào năm 1988. Trong vòng ba tuần lễ, ban nhạc của anh cùng với thông dịch viên đã đi 13,000 miles, ăn ngủ trên xe bus, tất cả vé đều bán sạch không cần cã quảng cáo, cuốn vidéo và CD "Light of The Spirit" mỗi thứ bán trên hai triệu bản. Kitaro còn là người có công lớn trong việc đưa tiếng trống cổ truyền, là quốc nhạc của Nhật, vào nhạc New Age, làm vang danh nước Nhật trên trường quốc tế.
Trở về Nhật cùng đi với các bạn nhạc sĩ Mỹ, Kitaro đã tổ chức một buổi hòa tấu dành riêng cho toàn các bà đang mang bầu với dụng ý dành riêng cho thế hệ tương lai của nước Nhật.
Gần 40 tuổi vẫn độc thân, Kitaro cất một căn nhà trên lưng chừng núi Phú Sỉ, với một bộ sưu tập nhạc khí cổ lạ lùng và 11 cái synthethiser-mixer tối tân, nhưng chỗ ở thật sự của anh là một cái lều kiểu mọi da đỏ (tepee), sưởi bằng đá hỏa diệm sơn lót dưới sàn gỗ được hâm nóng; chính trong cái chòi đó anh lắng nghe tiếng động của thiên nhiên để viết nhạc.
Nổi danh ngang với Kitaro của phương Ðông, bên trời Tây, Yanni đã làm thính giả say mê nhạc New Age với buổi trình diễn vô tiền khoáng hậu tại điện Parthenon, thành phố Athens, Hy lạp. Ðĩa nhạc và vidéo "Yanni Live at The Acropolis" vượt qua số triệu trong thời gian kỷ lục.
Vốn là một người Mỹ gốc Hy lạp, giấc mơ của Yanni đã thành sự thật, khi anh trở về Hy lạp với trên 200 chuyên viên điện tử, ánh sáng và âm thanh với đoàn quay phim 14 máy thâu dùng kỷ thuật digital 48 băng tần, mất hơn một năm rưỡi để hòan thành cả phần hình ảnh lẫn âm thanh.
Bản "One Man's Dream" (Giấc mơ của một đời người) là bản nhạc mà tôi cho là điển hình nhất của Yanni.
Cái gì làm nên một bộ môn âm nhạc mới thành công và phát triển quá nhanh như vậy? Một loại nhạc mới, chẳng những được chấp nhận và hoan nghênh đến nỗi tại bất cứ địa phương nào trên tất cả các thành phố lớn của Mỹ đều có một đài phát thanh chuyên trình diễn nhạc New Age.
Bức phá, xúc tích, phong phú và siêu nhiên. Kích thước của những xung động đã dàn trải qua bên kia biên giới của linh giác nhưng vẫn cân xứng trong sự quân bình (balance) và hoà điệu (harmony). Nhạc New Age đã đưa cảm xúc người thưởng ngoạn lên một trình độ tuyệt đỉnh của thăng hoa, hòa nhập với âm thanh lẫn màu sắc.
Âm sắc của thời gian, cùng những dấu yêu thời thượng, giao hưởng với huyền thoại, xen lẫn với những âm thanh đẹp như chuyện cổ tích, đã làm sống lại không gian của những giấc mơ thời huyền sử.
Nhà Vật Lý học ngồi xe lăn người Anh, Stephen Hawking, tác giả "Brief history of Time", "Hawking from the Big Bang to The Black Hole", và "Black Hole and The Baby Universe" đã dùng toán học tính ra the Black Hole mà ông gọi là không gian chiều thứ năm mà có vài tác giả dùng để chứng minh thuyết luân hồi (rebirth cycle, reincarnation).
Chúng ta tin rằng, vào thế kỷ thứ 21, âm nhạc, với đà tiến triển của kỹ thuật âm thanh digital, sẽ giúp các nhạc sĩ New Age đi xa hơn với vận tốc điện tử, sẽ thực sự cho chúng ta thấy màu sắc của âm nhạc, sau khi đưa âm thanh vượt thời gian, tức không gian chiều thứ tư, để bước vào không gian chiều thứ năm tức là cõi vô không gian, vô thời gian, nơi đó tất cả chúng ta đều biến thành Lưu Nguyễn, Từ Thức, hoặc Rip Van Winkle.


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả