Nguyễn Thành Nhân
[ Thi Hữu | Nhắn Tin]


Mùa xưa(9)


ghi chép 7


Nguyên không tin vào sự tồn tại của những đấng thiêng liêng, siêu hình như Chúa, Phật. Anh chỉ tin ở sự tồn tại của những vị này như là những bậc vĩ nhân, những bậc hiền minh, có trí tuệ cao siêu, và nhất là có một tình thương bao la, cao cả đối với toàn thể mọi kiếp người. Anh nghĩ, họ cũng chỉ là những con người, dù là những con người siêu việt. Họ đã sinh ra, và cũng đã chết đi. Họ để lại cho đời sau những mẫu mực sáng ngời về giới hạn tối đa mà con người đạt đến, nhưng cũng chỉ như vậy mà thôi. Niềm tin vào những bậc hiền nhân như vậy vỗ về an ủi con người, giúp họ vượt qua những khổ đau, sợ hãi khi đối diện với những nhọc nhằn, bất hạnh dẫy đầy trong cuộc sống. Nó nối kết con người lại, tạo nên một mối giao cảm bất khả phô diễn thành lời, cứu vớt con người khỏi nỗi cô độc lẻ loi cứ mãi ám ảnh trong tâm linh, tiềm thức.

Anh còn biết có một niềm tin khác. Niềm tin vào một cái gì đó thật là lớn lao, huyền bí, không thể diễn đạt bằng một danh từ cụ thể, cũng không thể biết đích xác được nó đến từ lúc nào, chỉ có thể nhận thức được về nó khi nó đột nhiên xuất hiện.

Đó là khi anh đứng một mình giữa hùng vĩ núi ngàn, nghe thấy tiếng thác gầm rú miên man, nghe tiếng gió gào rít man dại trong những vòm lá xanh xanh thăm thẳm ; Hoặc trong canh khuya tĩnh mịch, cũng một mình giữa muôn trùng quạnh vắng, chỉ có những tiếng lao xao chợt đến chợt đi của muôn côn trùng kêu réo, những âm thanh rì rầm bất tận của cỏ cây đâm chồi nảy lộc...Khi ấy, anh nhận ra con người thật là nhỏ nhoi biết bao nhiêu, mỏng manh dễ vỡ biết bao nhiêu, mà cũng chính là một cái gì không thể bị diệt vong. Con người giữa bao la thiên nhiên, giữa chập chùng ngàn sao, giữa mênh mông vô bờ đại dương sóng vỗ...là Con Người đúng nghĩa. Càng gần với tự nhiên, con người càng gần với bản thể của mình - Tự do; Bất khuất. Nếp sống văn minh ngày nay, với mọi tiện nghi, và mọi nhu cầu - ngày càng trở nên xa xỉ, thừa mứa, phí hoài - đã nô lệ hoá con người, giam lỏng con người trong cái nhà ngục vô hình của nó...

Quan niệm và niềm tin mang tính tôn giáo đó của Nguyên không có liên hệ gì với những thứ dị đoan, mê tín, nên anh đã bật cười khi nghe Hoài bảo :

- Hoa hồng trắng ngoài những cái mày nói, còn có một ý nghĩa tượng trưng khác, đó là thứ hoa dành cho những người mất mẹ, mày có biết không ? Mày vẽ thế này giống như vẽ một con nhỏ vừa mất mẹ vậy. Lỡ nhỏ Chi mà tin dị đoan thì có phải phiền không !

Hoài nói câu này lúc hắn đang xem tấm tranh vẽ Quyên Chi vào cái hôm Nguyên mang nó đến trường. Hắn nhăn nhăn nhó nhó nói thêm :

- Sao mày không vẽ quách một bông hồng đỏ thắm, vừa đẹp, vừa đúng chóc tâm sự của mày. Vẽ chi bông màu trắng nhìn thấy thê lương quá. Tao ghét màu trắng quá đi, cái màu tang tóc, lạnh lùng vậy không biết tại sao mày thích.

Nguyên cười xòa, bảo Hoài :

- Thôi đi, tao thấy mày mới là -dại mê tín dị đoan đó. Chuyện hồng đỏ hồng trắng cài áo mùa lễ Vu Lan thì có liên quan gì đến chuyện tình yêu chứ. Tao chỉ muốn thể hiện một tình cảm thiết tha nhưng hoàn toàn không vị kỷ, chỉ vậy thôi...

Vâng, chỉ vậy thôi !... Nguyên đâu có ngờ, không thể nào ngờ sự đời lại lắm ngẫu nhiên, trùng hợp - những ngẫu nhiên trùng hợp theo chiều hướng xấu, theo chiều hướng ngược lại với mơ ước, suy nghĩ giản đơn. Chúng chợt ập về, như mặt biển một chiều gió dữ, với những đợt sóng tiếp nhau, lượn sóng sau còn hung hãn hơn, bạo liệt hơn lượn trước. Có phải vì vậy không, có phải nó đã trở thành một qui luật của cuộc đời không, mà từ xưa người ta đã đúc kết thành một câu ngạn ngữ : " Phúc bất trùng lai,hoạ vô đơn chí " ? Nhưng cuối cùng, chung qui lại, Nguyên chỉ thấy mình là -dáng trách. Anh còn biết trách ai khác nữa. Trời già cay nghiệt ư ? Với anh đấng Trời huyền hoặc kia không tồn tại. Số phận trớ trêu, định mệnh an bày ư ? - Anh cũng không tin vào chúng. Vậy thì vì cái gì, đâu là duyên cớ, là nhân không lành để anh gặt được quả đắng hôm nay ? Anh chỉ biết trách thân, thấy chán ghét anh quá, thấy hận anh quá, nhưng anh cuối cùng lại xót thương anh vô bờ bến, mà nào có ích gì đâu...

Những chuyện bất ngờ xảy ra vào cái đêm ngày chín Tháng Một đó, làm anh vốn đã muốn lánh xa, muốn cố quên Chi đi càng thêm xa cô. Tự dưng anh có cảm giác cô sợ hãi mình, chán ghét mình, coi mình như một con người càn quấy, lưu manh. Cô né tránh anh, và anh cũng né tránh cô, còn cố tình hơn. Đêm đó, anh đã vào tìm cô không gặp, đã đấm vỡ một mảnh kính cửa lớp, rồi cuối cùng xen vào một câu chuyện không đâu để nhận lấy một cú đấm từ một người chẳng có chút ân oán quan hệ gì trước đó. Dù sao anh cũng còn có một niềm an ủi, anh cố dựa vào nó để tự an ủi chính mình, là câu chuyện đã không đi quá xa, không dẫn tới một kết thúc tệ hại hơn, ác nghiệt hơn, có máu đổ và tù tội.

...Lúc ấy, khi anh đang nói hay đang cự cãi gì đó với đám kia, thì một tay cùng khoá với đám sinh viên kia, cũng là cùng khoá với Chi từ ngoài bước vào và vội xen vào cuộc, y hệt anh trước đó. Hắn chưa hiểu mô tê gì, nhưng hắn cũng đã nóng máu lên vì rượu .Thế là hắn tương ngay một cú vào đúng con mắt phải, hạ "knock out" anh. Khi khỏi cơn choáng váng, Nguyên cũng điên tiết lên, quyết lòng trả đũa, nhưng tụi bạn ôm anh lại lôi lên phòng. Rồi thấy anh run lên vì giận, tụi nó lại ba bốn đứa đè sấp anh xuống, kéo áo lên cạo gió, bảo là anh trúng gió nặng rồi !

Sau đó, anh cũng vờ làm tỉnh, thoát khỏi tụi nó. Anh đi xuống với ý định tìm gặp, sống mái với cái gã đã tặng mình một món quà bất ngờ vô cùng hậu hĩ đó ! Nhưng anh thật ngỡ ngàng khi hắn ta nói lời xin lỗi. Cơn giận đang bừng cháy bỗng tắt ngấm ngay. Anh ta học cùng lớp với Chi, anh ta sắp ra trường, và anh ta cũng đã lý giải vì có hơi men và sự hồ đồ nóng nảy. Vậy thì anh còn có lý do gì để trả thù, rửa hận ? Lúc đó, rượu đã bốc hơi đi hết, anh chỉ còn cảm thấy vô cùng mỏi mệt, rã rời và chìm trong một nỗi buồn thênh thang tịch mịch. Anh chỉ muốn rời khỏi ngôi trường này, muốn đi một mình trong màn đêm để nghe nỗi buồn gậm nhấm mình như một con chuột tinh ranh kiên nhẫn đã rình rập từ lâu chờ cơ hội, và bây giờ đang háo hức thỏa thuê gậm nhấm một chiếc giày .

Rồi đến cái ngày hôm đó. Buổi chiều, anh từ quán Ca Dao chầm chậm đạp xe về nhà. Khi đi ngang qua trường, anh giật mình khi trông thấy Chi đang đứng giữa một vòng quanh các bạn. Dường như cô đã khóc nhiều trước đó, đôi mắt cô đỏ hoe, sưng húp. Mái tóc dài rối xõa xổ tung. Cô không nhìn thấy anh, vì đang thờ thẫn như kẻ mất hồn. Anh nhìn cô vừa bàng hoàng, vừa thấy xót xa vô cùng, lại vừa sợ hãi. Linh cảm mách bảo anh cô đã gặp một biến cố gì đó thật là nghiêm trọng. Anh muốn quăng chiếc xe đi, chạy ào đến bên cô, hỏi han cô, vỗ về cô, làm bất cứ điều gì khiến cho cô vơi bớt niềm đau đớn. Nhưng lòng anh nghĩ vậy, mà chân anh cứ vô hồn thẫn thờ đạp qua cổng trường. Anh ngập ngừng muốn quay trở lại, nhưng ngoái nhìn, đôi mắt anh bắt gặp những người bạn cô đang đứng lao xao. Anh cắn răng quay đi, cố ghì đôi chân chợt mềm nhũn không còn sức lực xuống bàn đạp. Trong đầu anh muôn vàn câu hỏi quay cuồng. Rồi anh chợt trông thấy Chi. Một người đàn ông chạy Honda chở cô lướt nhanh qua, chỉ thấy dáng quen thuộc và mái tóc của Chi chấp chới trong cơn gió.

Sáng hôm sau , anh vừa ngừng xe trước cổng trường, Thảo đã chạy tới, hớt ha hớt hải nói với anh :

- Anh Nguyên ơi ! Mẹ chị Chi mất rồi. Người nhà chỉ vừa lên báo tin hôm qua...

Anh gật đầu không nói. Anh cũng đã phần nào đoán được. Chỉ có cái chết của một người thân mới làm Chi vô cùng buồn đau như vậy. Anh bước vào lớp như một kẻ mất hồn.

Mẹ Chi đã mất ! Câu nói vớ vẩn của Hoài hôm nọ bỗng trở thành sự thật. Đoá hoa trắng nào dành cho tình yêu vô vọng, đoá hoa trắng nào như một lời nguyền cay độc đã cướp mất mẹ em, cướp đi mãi mãi , Chi ơi ! Anh không cố ý ! Anh thật là ngu ngốc, thật là -diên khùng ! Tại sao lại là bông hồng trắng chứ ! Tại sao không là bông hồng đỏ thắm ? Anh yêu em ! Anh yêu em thiết tha, mãnh liệt , anh yêu em hơn bất cứ thứ gì trên cõi đời này, trừ một người, là mẹ của anh. Vậy thì tại sao là bông hồng trắng ? Làm sao để thời gian quay ngược lại, trôi về quá khứ, để anh có thể làm lại từ đầu, để anh nói lên lời yêu thương giờ đây nặng trĩu chìm xuống đáy tim như một con thuyền chết đắm...

Dạo đó, Nguyên không còn thiết gì việc học. Anh ngồi lì suốt ngày trong quán, mặt mày lạnh như tiền, chẳng muốn nói năng. Anh đi vẩn vơ ra bến sông con. Anh đi thờ thẫn ra khu vườn tràm, nơi có lần Chi đã ra mắc võng học bài những buổi trưa hè. Đi đến đâu, bóng dáng Chi cũng chập chờn gợi nhớ gợi thương.

Mặc cảm của một người phạm tội như một ngọn núi âm u phủ bóng xuống lòng Nguyên. Anh mong mình có đủ can đảm để tới gặp Chi, nói với Chi những lời ăn năn, những lời chia sẻ. Nỗi đau này là nỗi đau chung, mà Nguyên gánh chịu nó một cách câm lặng không phương giải tỏ. Nhiều lần, anh bước những bước chân cương quyết hướng tới cửa phòng Chi. Nhưng rồi chúng trở thành bất trị, rồi chúng phản kháng lại anh, mang anh rời xa nơi ấy. Mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày đau đớn, khắc khoải, trằn trọc bất an. Lời buồn của một kẻ ăn năn không bao giờ còn có dịp thốt lên với Chi được nữa...

(còn tiếp)


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả