Kiếp Ve Sầu

Nhà thơ Pháp La Fontaine khi viết chuyện ngụ ngôn (fable), thường mượn đặc tính của các loài động vật tiêu biểu để ví von, so sánh mà răn đời, châm biếm một cách dí dỏm. Trong chuyện "Con Ve Và Con Kiến", ông có phác họa một bức tranh nói lên sự khác biệt giữa hai loài côn trùng: con ve thì là anh chàng ca sĩ, cả ngày chỉ biết hát xướng, trong lúc con kiến thì lúc nào cũng lo phòng xa, tích trữ lương thực cho mùa đông. Tôi chỉ nhớ có đoạn đầu do dịch giả Nguyễn văn Vĩnh chuyển ngữ:

Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Ðến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con...

Có ông họa sĩ thấy ra sự ích kỷ, bo bo chỉ lo của cải của loài kiến nên vẽ một bức tranh đáp lời ông La Fontaine; mô tả trong lúc lũ lụt cuốn trôi đàn kiến và tất cả của cải dành dụm, chính con ve đã cứu con kiến bằng cách rung cây làm rụng lá cho kiến đeo khỏi bị chết đuối, mặc dầu trước đây kiến đã từ chối một mảnh bánh vụn cho ve.
Ðó là bài học tương thân tương trợ, ông La Fontaine chỉ thấy có một chiều nên mới có sự ngộ nhận trên. Thực tế có lẽ thời ông La Fontaine, môn động vật học chưa phát triển tinh vi như ngày nay, nhờ những dụng cụ khoa học, máy quay phim li ti có thể chụp hình một con ve còn ở trong trạng thái nhọng dưới mặt đất hoặc sự sinh hoạt của một tổ kiến cắt ngang (cross section) như chúng ta đã được mục kích trong các phim Discovery của National Geographic hay Walt Disney.
Trong bài này tôi muốn biện hộ cho con ve và thành kiến xướng ca vô loại mà nhất là các xã hội Á đông từng mắc phải.
Con ve (cigale, cicada) là một sinh vật đáng thương vì cuộc đời ngắn ngủi của nó, có phải vì thế mà tiếng kêu của nó não nùng ?
Ve sống dưới mặt đất từ 13 đến 17 năm tùy theo loại giống, loại 13 năm có tên là Magicicada cicadidea, loại 17 năm có tên là Hemiptera cicadidea, tùy theo chu kỳ, địa lý, nhiễm thể, khí hậu, nguồn thực phẩm, môi sinh, chất bổ hút từ rễ cây (roots) và các tế bào cây (mô xylem), đến lúc trưởng thành ve chui lên khỏi mặt đất và chỉ sống được độ 1, 2 ngày, sau khi lột xác. Ở Côte d' Ivoire, Phi Châu có 3 giống ve: Magicicada septendecim, Magicicada cassinii và Magicicada septendecula, và một giống mới khám phá Tamaraicella; ở Nga sô thì có giống Tibicen duryi cicada; ở Ðức thì có ve màu xanh lục (Grunen Zikade); ở sa mạc miền Trung và Nam Arizona thì ve "Da đỏ" tên Diceroprocta apache cicada; ngoài ra còn vài giống ve lạ và hiếm như giống Tibicina garricola cicada chưa được biết đến nhiều tại miền Nam nước Pháp. Cuộc sống ngắn ngủi của các giống ve trên thật lạ lùng, nên Thượng đế đã ban một ân huệ lớn cho ve là giọng hát.
Con ve còn có vẻ trí thức, trầm tư giống một triết gia nên tiếng Hán Việt, ve còn có tên là Thiền. Ngày xưa khi nhà thơ Ðường, Lạc Tân Vương ngồi tù thấy con ve đậu trên chấn song nhà tù, đã tức cảnh làm bài thơ "Tại ngục vịnh thiền" rất sâu sắc.
Từ tên chàng nghệ sĩ được biến thành động từ, chắc vì chàng quá nổi tiếng trong vấn đề "Ve Gái". Nghĩ thật bất công tại sao phái đối lập (the opposite sex) làm công việc tương tự mà không ai bảo là nàng "Ve Trai"? Con ve thuộc dòng họ Aphids, nó là loại côn trùng có giọng kêu cao nhất, một trong bảy giống ve ở Úc châu có thể đạt được tới âm vực (pitch) 100 decibels, mặc dù nó chỉ dài có 2 inches. Các khoa học gia chưa thể hiểu tường tận tại sao nó có thể có giọng cao đặc biệt như thế. Con ve đực thường nhỏ con hơn con ve cái. Họ quan sát cơ phận hay dụng cụ phát âm của ve là các màng bịt trống hình vòm (dome) dọc theo thân mình của ve, gồm các bẹ sườn dàn dựng trên một bề mặt co dãn. Mỗi mặt trống đều được mắc vào bởi một bắp thịt cơ rất năng động. Sự co thắt của các bắp thịt trên làm chấn động mặt trống nên gây ra tiếng vang. Mặt trống co thắt luân phiên để đạt đến được các làn sóng cao tới 240 hertz. Chính từ các bẹ sườn cột thắt trên mặt trống căng thẳng là nguồn gốc phát xuất của âm thanh. Phần thân bụng của ve chứa các túi cộng hưởng (resonance) chiếm đến 70% của thân. Các túi cộng hưởng đó có nhiệm vụ khuếch đại âm thanh lên gấp 20 lần. Các nhà côn trùng học (entomologist) thì cho sự phát thanh đó dùng để làm rối loạn địch thủ hoặc giả để gọi đàn. Con ve cái có thể nghe được giọng kèn tiếng quyển đó để phân biệt các con ve đực. Có thể tiếng hát của ve là phương tiện truyền thông (communication) mà chỉ có chúng mới hiểu nhau mà thôi. Ve đẻ trứng trong các lớp vỏ cây, trứng nở thành nhọng lại chui xuống đất bắt đầu lại một chu kỳ 17 năm dài đăng đẳng đợi ngày thoát xác, hát xẩm không tiền, rao bán các ca khúc buồn cho đời. Nhìn một con ve đang lột xác, lúc đó mới thấy sự mầu nhiệm của hóa công, nó trở mình có vẻ thật là đau đớn vì lằn nứt trên lưng chảy nước nhờn, sau đó gió thổi khô và cánh mọc thật nhanh thấy rõ, tiến trình đó thật nhanh như để tranh thủ đời sống từng giây từng phút và như để tránh các loài côn trùng khác tấn công như ong, và loại chim đen cánh đỏ thích ăn thịt ve. Vỏ ve lột xác được người Trung hoa đi thu nhặt để làm thuốc trị các bịnh sốt, thuốc an thần (sedative), và chống sự co giật bắp thịt (anticonvulsive). Vào đầu thập niên 60, khi đứng ở cổng một ngôi nhà rất cổ ở Huế, tôi lượm được một con ve sầu, vừa cầm lên tay, nó kêu ré lên, rần một cái cả trăm con ve vừa kêu ran vừa đâm đầu nhào thẳng vô người tôi, tôi hốt hoảng quăng ngay con ve trên tay bỏ chạy vô nhàCó phải tiếng kêu đầu tiên là tiếng kêu cứu (stress call) và chúng đã đồng loạt ứng phó? Ve hút nhựa cây, nhất là cây thông (pine), cây bạch đàn (white birch) và các loài cỏ dại nên bài tiết rất nhiều, mỗi lần đi ngang qua một cây phượng đỏ lớn có nhiều ve, chúng ta tưởng như có những giọt mưa phùn rắc trên đầu trên tóc, dầu trời khô nắng, quang đãng; các nhà nghiên cứu cho rằng vì sinh sản vào mùa nóng ve được trang bị một hệ thống điều hòa nội nhiệt (endothermal) khá tinh vi bằng cách thoát nước, bốc hơi (evaporative cooling). Loài ve được gán một cái tên rất buồn là ve sầu, được đồng hóa với ca sĩ. Ngày nay tôi nghĩ nó nên được đồng hóa với nhạc sĩ và thi sĩ nữa, những người làm kiếp tằm nhả tơ để giới thưởng ngoạn giải trí, khiêu vũ, và tìm các cảm xúc lạ. Nếu ngày nay ông La Fontaine còn sống, hiểu được cuộc đời ngắn ngủi u buồn chắc ông đã không trách cứ ve. Nàng ca sĩ lại không được trời đãi, nên không được đôi cánh đầy màu sắc như loài bướm, mà chỉ có hai cánh mỏng trong vắt buồn hiu như cánh kiến. Cặp mắt của nàng càng sầu thảm hơn nữa. Ở Việt Nam còn một loại ve nhỏ bằng phân nửa ve thường, gọi là ve kim, có màu xanh nhánh rất đẹp. Còn một loại ve khổng lồ tôi đã nhìn thấy được ở miệt rừng tỉnh Phước Long gọi là ve chuông có giọng hát mà âm vực rất cao và có tiếng ngân dài văng vẳng như tiếng chuông ngân. Ve có công lớn trong văn chương Việt Nam. Hãy đọc các tác phẩm của Nhã Ca, Duyên Anh sẽ thấy họ nhắc đến nữ hoàng sầu muộn nhiều lần trong tác phẩm của họ. Thật không thể tưởng tượng nổi một mùa hè thiếu tiếng ve, vì ve rất thắm thiết với tuổi học trò, với màu phượng vĩ, với mối tình đầu...Với tiếng kêu gọi hè, ve báo hiệu cho đám học trò nhỏ những ngày rong chơi, tắm sông , bắt cá lia thia, trèo cây, đánh đáo, nhẩy dây, đánh trõng, bắn bi, bắt bướm, viết lưu bút ngày xanh, làm thơ áo trắng...Ve vô sự, có ích cho loài người từ vật chất lẫn tinh thần như vậy mà vẫn bị thành kiến là loài xướng ca vô loại. Nàng nghệ sĩ cô đơn với tiếng ca thiên phú đã ru đời có lẽ từ thời tạo thiên lập địa, chỉ để đánh đổi lấy một ngày ca hát để ca tụng mặt trời, tình yêu, hoa lá và cuộc sống phi lý. Còn các ve trình diễn (ca sĩ) thì thường được hưởng tất cả hào quang, danh vọng và thù lao hơn các ve sáng tác (nhạc sĩ, thi sĩ). Có bao giờ họ nghĩ là họ đã nổi tiếng nhờ vào tim óc của loài ve thầm lặng, với những bài thơ phổ nhạc bất hủ như Huy Cận với "Ngậm Ngùi" (Phạm Duy); Quang Dũng với "Ðôi Mắt Người Sơn Tây" (Ngô Thụy Miên); Hồ Dzếnh với "Chiều" (Dương thiệu Tước); Phạm Thiên Thư với "Lên Non Tìm Ðộng Hoa Vàng, Ngày Xưa Hoàng Thị", người phổ Phạm Duy; Nguyên Sa với "A¨o Lụa Hà Ðông" (Ngô Thụy Miên), "Tháng Sáu Trời Mưa", "Tuổi Mười Ba" (Phạm Duy); Du Tử Lê với "Khúc Thụy Du" (Anh Bằng); Nguyễn Tất Nhiên với "Trúc Ðào" (Anh Bằng), "Thà Như Giọt Mưa", "Kìa Cô Em Bắc Kỳ Nho Nhỏ", "Hai Năm Tình Lận Ðận", "Em Hiền Như Ma Soeur","Vì Tôi Là Linh Mục" (Phạm Duy)... Ðồng hội đồng thuyền, nhưng các con ve trình diễn có khi nào chia xẻ được những mẩu bánh vụn cho các con ve thầm lặng không? Tôi rất kính trọng các ca sĩ mỗi lần được khán giả tán thưởng, đã biết quay lại nhường tràng pháo tay cho những người đệm nhạc.
Ở hải ngoại này tôi chỉ kính trọng những người làm CD, băng nhạc biết tri ân cho người viết nhạc và cả người viết lời mà đa số đã ăn cơm nhà, rút ruột nhả tơ, để lại tác phẩm cho người đời thưởng thức, và cho họ khai thác thương mại.
Nhứt nghệ tinh, nhất thân vinh, có lẽ ở Mỹ và các nước Tây phương, nghề hái ra bạc nhất là nghề ca hát, nếu hát hay và nổi danh.
Ðừng để quá trễ để những thiên tài thơ như một ve sầu Nguyễn Tất Nhiên phải đi đến việc tự hủy hoại đời mình trước cửa Thiền nơi thủ đô tị nạn; và một ve sầu Vi An, đã phải tự chấm dứt đời mình tại kinh đô ánh sáng Ðông Kinh, trên một căn gác trọ tối tăm, vì thiếu ăn, vì thiếu sưởi và vì thiếu ấm tình người, cùng các thi khách khác một đời ẩn dật, âm thầm sáng tác và âm thầm ra đi.
Công bình mà nói, chúng ta nên có lòng độ lượng với các ve trình diễn, vì họ hát cho đời mua vui trong một thoáng phù du nào đó, luật đào thải và sức tàn phá khủng khiếp của thời gian sẽ làm các giọng hát bị mai một, nhan sắc tàn phai, và mấy ai tránh khỏi bị rơi vào quên lãng trừ một vài trường hợp đặc biệt vượt thời gian. Trong lúc đó, những tác phẩm bất hủ của những thiên tài thi ca và âm nhạc vẫn đứng vững muôn đời trong lịch sử loài người và trong dòng thác văn học nghệ thuật.
Kẻ viết bài nầy bỏ ra gần 30 năm để sưu tập khúc thu ca "Les Feuilles Mortes" của thi sĩ Pháp Jacques Prévert do Joseph Kosma phổ nhạc, lời Anh của J. Mercer. Có nghe chỉ một tình khúc "Autumn Leaves" duy nhất này bằng lời Việt, Anh và Pháp, qua các giọng hát của các con ve sầu khắp thế giới, chúng ta mới thấy trân quý và mang ơn họ đã đem lại cho chúng ta những rung cảm vượt thời gian, tìm lại ký ức thân thương da diết, và tìm lại chính mình.
Từ giọng hát lãng mạn, xa xôi của các ve sầu Nat King Cole; Thái Thanh; Juliette Gréco, E¨dith Piaf, Yves Montand (Pháp), Lil France, Jonh Gary, Jim Reeves, đến các giọng hát ru vào hồn của một Nana Mouskouri (Mỹ gốc Hy lạp), Dalida (Pháp gốc Ai Cập), Barbra Streisand (Mỹ), Bạch Yến, Ngọc Lan, Khánh Hà, Julie và Jo Marcel, Sĩ Phú, Paul Anka (gốc Gia Nã Ðại), Pat Boone, Tuấn Ngọc, Như Mai, Lưu Hồng; với nghệ thuật hòa âm của Roger Williams, Richard Clayderman, Percy Faith, Paul Mauriat (Pháp), Mantovani, Lorn Leber, Tony Bennett... chúng ta mới hiểu ra là ngoài cơm áo ra chúng ta không thể sống mà thiếu nghệ thuật, trong đó có âm nhạc.
Ve lột xác mùa hè, vỏ ve bám vào các thân cây, đến khi gió thu chợt đến, cái kẽ nứt, chỗ ve lột xác chui ra, tác động như cái lưỡi gà trong ống sáo, trỗi lên một âm điệu buồn hồ như niềm nuối tiếc của ve cho cuộc sống quá ngắn ngủi. Hồn thi nhân trong ve còn được kéo dài qua tiếng than văng vẳng của xác ve, trong vắt như tiếng than thở não nuột, tuyệt vời "Since you went away, the days grows long, and soon I hear, old winter songs. But I missed you, most of all, my darling, when autumn leaves, start to fall..."
Tôi xin ghi lại bài thơ "Ve Sầu Thu Hát Cho Em" kèm theo bức ảnh tôi chụp con ve mà tôi để dành đợi sang thu có lá phong vàng; để ghi ơn những người bạn thơ vắn số, và các bạn ve sầu với giọng hát thơm mùi nắng hạ, thu vàng, đã để lại cho tôi những sợi tơ lãng đãng, một đời ngồi dệt thơ thương.

Prélude: Hạ qua thu về. Trong cánh rừng hoang, một chiếc lá vàng, trên cành thở than...chiếc lá cuối cùng, nhuốm màu thời gian...

Trên cây sầu đâu, một xác ve sầu, chứa một trời thơ, chứa một trời mơ...Xác ve văng vẳng, tình ca thơm nắng, một mùa thu trắng...

Ve sầu sống sót kêu vang
Mùa thu chợt đến rỡ ràng lá hoa
Con ve lãng tử quên nhà
Say màu lá úa, quên tà áo mơ
Cuối thu còn mỗi cành trơ
Ve sầu lột xác tiếng tơ vẳng buồn
Rồi thu, rồi lá, cũng buông
Xác ve ngân vẳng khơi nguồn thương ca.


Virginia, Mạnh Thu 1998


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả