CHÍNH KHÍ CA 2 : ĐẶNG DUNG


===============
ĐẶNG DUNG



bài thơ CẢM HOÀI


===============

***Vài nét sơ lược về ĐẶNG DUNG và bài thơ CẢM HOÀI

ĐẶNG DUNG là một danh tướng nhà Hậu Trần ( 1407-1413 ).

Cha ông là Đặng Tất theo phò Giản Định Đế Trần Ngỗi (cũng gọi là Trần Quỹ) chống quân Minh có nhiều chiến công, nhưng bị gian thần sàm tấu, phải tội chết.

Đặng Dung nối chí cha theo phò Trùng Quang Đế Trần Quý Khoách (cũng gọi là Trần Quý Khoáng) tiếp tục sự nghiệp giành độc lập, chống lại quân Minh xâm lược …

Ông là một tướng tài, đánh tướng Minh Trương Phụ nhiều trận thất điên bát đảo. Về sau quân Hậu Trần thua trận, vua tôi đều bị bắt … Trương Phụ dùng thuyền áp giải ra Bắc. Trên đường đi, Đặng Dung đã tuẫn tiết

Tương truyền rằng CẢM HOÀI là bài thơ được Đặng Dung cảm tác trước giờ lâm tử.

Bài thơ này - với lời thơ khí khái, hào hùng, pha lẫn nét chua xót của một vị anh hùng lâm vào tuyệt lộ - đã để lại tiếng vang lớn trong lòng dân tộc . Đọc bài thơ ấy, không ít người đời sau đã phải sa nước mắt cảm thương

-------------------------------------------------

***Thơ Đặng Dung ( nguyên tác Hán văn )


1-CẢM HOÀI


Thế sự du du nại lão hà

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca

Thời lai đồ điếu thành công dị

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa

Trí chúa hữu hoài phù địa trục

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma


Đặng Dung


--------------------------------------


***Dịch nghĩa :


Sự đời trôi êm ả, đã sớm già rồi ư ?

Trời đất rộng bao la, nâng chén say mà hát

Thời cơ đến người tầm thường cũng dễ thành công

Vận số qua mất anh hùng cam nuốt hận

Giúp chúa, lòng những mong xoay chuyển trục trái đất

Gột giáp sông Ngân khó lòng mà đổi được ý trời

Thù nhà nợ nước chưa báo mà đầu đã bạc rồi

Biết bao độ mài gươm dưới bóng trăng soi


-HSN giới thiệu-

----------------------------------------

DỊCH THƠ


***Bản dịch của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :

CẢM HOÀI


Việc đời man mác tuổi già thôi

Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi

Gặp gỡ thời cơ may những kẻ

Tan tành sự thế luống cay ai

Phò vua bụng những mong xoay đất

Gột giáp sông kia khó vạch trời

Đầu bạc giang san thù chửa trả

Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi


Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ( 1938 )

----------------------------------------------


***Bản dịch của Phan Kế Bính :

CẢM HOÀI


Việc đời bối rối tuổi già vay

Trời đất vô cùng một cuộc say

Bần tiện gặp thời lên cũng dễ

Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay

Vai khiêng trái đất mong phò chúa

Gột giáp sông trời khó vạch mây

Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày


Phan Kế Bính

------------------------------------------------


***Bản dịch thoát của Hàn Sĩ Nguyên :

CẢM HOÀI 01


Sự đời trôi chảy, sớm già rồi

Trời đất vô cùng nhắp chẳng trôi

Hạ tiện gặp thời nên sự nghiệp

Anh hùng lỡ bước luống ngậm ngùi

Giúp vua dựng nước mong xoay đất

Gột giáp yên dân khó chuyển trời

Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Dưới trăng bao độ tuốt gươm mài


Hàn Sĩ Nguyên

----------------------------------------


***Bản dịch thoát 02 của Hàn Sĩ Nguyên :

CẢM HOÀI 02


Sự đời êm ả sớm già sao ?

Trời đất bao la chén dạt dào

Thời đến tầm thường nên sự nghiệp

Vận qua tráng sĩ luống nghẹn ngào

Bền lòng giúp chúa mong chuyển đất

Gột giáp sông Ngân thẹn trời cao

Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Mài gươm bao độ dưới trăng sao


Hàn Sĩ Nguyên

--------------------------------------


***Bài hoạ Nghịch Ngôn Thi của Hàn Sĩ Nguyên

KHÓC ĐẶNG DUNG

-Thượng hạ Nghịch họa-


Bao độ mài gươm bóng nguyệt mờ

Quốc thù chưa trả tóc phơ phơ

Tẩy binh giải giáp hằng ươm mộng

Cường lỗ hung tàn khó dệt mơ

Chí cả lòng son thua vận số

Hùng tài đại lược trách thời cơ

Bao la trời đất say mà hát

Tráng chí ngàn thu vọng tiếng thơ


Hàn Sĩ Nguyên ( 2001 )

-------------------------------------------

***MẠN ĐÀM về hai chữ KỶ ĐỘ

trong câu thơ kết, bài CẢM HOÀI của Đặng Dung


Trong bài thơ CẢM HOÀI, tương truyền là một bài thơ cảm tác trước giờ lâm tử, Đặng Dung, một vị đại tướng văn võ kiêm toàn, tổng chỉ huy quân Hậu Trần, đã ngậm ngùi mà viết rằng :


QUỐC THÙ VỊ BÁO ĐẦU TIÊN BẠCH

KỶ ĐỘ LONG TUYỀN ĐỚI NGUYỆT MA


Lời thơ thật cảm khái, chua xót pha lẫn hào hùng :


-"Thù nước chưa báo được, ma` đầu đã sớm bạc. Biết bao độ (kỷ độ) đội ánh trăng (đới nguyệt) mài (ma) thanh gươm báu Long Tuyền "


Hai chữ KỶ ĐỘ trong câu cuối cùng này, từ xưa đến nay nhiều danh sĩ, túc nho đều đồng thanh dịch là BAO ĐỘ, MẤY ĐỘ, BIẾT BAO ĐỘ, BIẾT BAO RÀY ...


Trong hai bài thơ dịch thoát ý Cảm Hoài 01 và Cảm Hoài 02 ở trên, HS~N thực sự cũng không dám ra ngoài khuôn khổ ấy, cũng hai lần sử dụng từ BAO ĐỘ


Tuy vậy, trong thâm tâm HSN vẫn không khỏi băn khoăn :

-" Có phải thực sự Đặng Dung viết 2 chữ KỶ ĐỘ với ý nghĩa là BAO ĐỘ hay không ??? "

Hay là trong hoàn cảnh bại tướng, thân mang xiềng xích, ông muốn nói :

-" BIẾT ĐẾN THUỞ NÀO lại được mài thanh gươm báu dưới ánh trăng (như xưa nữa) !!!"


Ý KỶ ĐỘ là " biết đến độ nào, biết đến thuở nào " này tương tự như chữ KỶ NIÊN trong câu BẠCH ĐẦU LÃNG LÝ KỶ NIÊN PHÙNG vậy : (Nhìn) sóng bạc ngàn trùng (mà lòng tự hỏi) biết đến năm nào mới được gặp lại (cố nhân)


Dù sao đi nữa ý nghĩ trên chỉ là một ý nghĩ, một cảm nghĩ nhất thời, thực sự HSN không dám đem ý kiến chủ quan của mình áp đặt cho tác giả


Có lẽ chỉ riêng Đặng Dung mới biết rõ ông muốn nói điều gì mà thôi ...


HSN

--------------------------------------------

***Ghi chú về một số điển tích trong bài thơ CẢM HOÀI

1-Đồ điếu :

-Đồ (=người mổ trâu bò, heo; người bán thịt), chỉ Phàn Khoái thời Tây Hán

-Điếu (=người câu cá), chỉ Hàn Tín cũng thời Tây Hán

Hai người này xuất thân tầm thường, nghèo hèn , đều trở thành khai quốc công thần của Hán Cao Tổ Lưu Bang

2-Tẩy binh : Rửa binh khí, rửa vũ khí, rửa áo giáp

Điển tích xuất xứ từ 2 câu thơ của Đỗ Phủ trong bài TẨY BINH MÃ


An đắc tráng sĩ vãn Ngân hà

Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng


Nghĩa :


Ước gì người tráng sĩ đến được sông Ngân hà

Rửa sạch giáp binh (áo giáp sắt và binh khí) để mãi mãi không phải dùng đến nữa


Ý hai chữ TẨY BINH muốn nói ước gì được giải giáp, không phải dùng đến vũ khí nữa , mong được thái bình

***Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà :

Muốn giải giáp, thôi chiến tranh , để lợi nước yên dân cũng chẳng có cách nào thôi được , vì quân giặc vẫn còn xâm chiếm, dày xéo nước nhà ...Ý nghĩa tương tự như CÂY MUỐN LẶNG, mà GIÓ CHẲNG NGỪNG vậy

3-Long Tuyền : Tên của một thanh gươm báu thời xưa

------------------------------------

***Một số chi tiết liên quan đến thân thế , tiểu sử ĐẶNG DUNG


-Quê quán : Ông người làng TẢ THIÊN LỘC , huyện PHỈ LỘC , tỉnh HÀ TĨNH

-Năm sinh : Không rõ

-Năm mất : Cuối năm 1413 hoặc đầu năm 1414

-Quan tước : Đồng bình chương sự : Trông coi việc quân, việc nước cùng với NGUYỄN CẢNH DỊ

-Sự nghiệp : Giúp vua Giản Định trong hai năm 1407-1408 , đánh bại tướnh Minh Mộc Thạnh trong trận BỒ CÔ; Phò vua Trùng Quang chống quân Minh từ năm 1408 đến năm 1413. Có lần suýt bắt sống tướng Minh Trương Phụ

-Tháng 11 năm Quý Tỵ 1413, vua tôi nhà Hậu Trần thua trận bị Trương Phụ bắt, giải về Yên Kinh

-Về trường hợp tử tiết :

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không có ghi chép nào về cái chết của ông

Ngô Thì Sĩ trong Việt Sử Tiêu Án chép rằng ông và Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ moi gan an sống

Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim : Vua Trùng Quang nhảy xuống biển tự tử, các tướng sĩ đều tử tiết cả ... Nhưng không nói rõ tử tiết như thế nào.

Theo truyền thuyết trong dân gian, khi bị Trương Phụ bắt giải về Yên Kinh bằng thuyền, vua tôi nhà Hậu Trần đã nhảy xuống biển tự tử ở địa phận Thanh Hóa


CẢM HOÀI là bài thơ duy nhất của Đặng Dung còn lưu lại đến nay, được chép nguyên bản bằng chữ Hán trong tác phẩm TOÀN VIỆT THI LỤC


Lý Tử Tấn có lời bình rằng : PHI HÀO KIỆT CHI SĨ BẤT NĂNG ...!!!

Nghĩa là : Nếu không phải là kẻ Sĩ hào kiệt, không thể làm nổi bài thơ như thế này !!!


Hiện nay , vẫn còn đền thờ cha con ông Đặng Tất, Đặng Dung ở CAN LỘC , HÀ TĨNH

---------------------

***Bài Thán :


ĐẶNG DUNG



Hậu Trần có Đặng Dung

Gương tiết nghĩa hiếu trung

Đau lòng cơn quốc phá

Ôm hận buổi gia vong


Phò vua qua nước lửa

Giúp nước chẳng nao lòng

Chí lớn mong sảm Phụ (*)

Tài cao mộng vẫy vùng


Tráng sĩ lâm tuyệt lộ

Thần oai vẫn ung dung

Cảm hoài lưu hậu thế

Rạng rỡ tiếng anh hùng


Hàn Sĩ Nguyên


(*) Sảm Phụ : Nuốt tươi Trương Phụ (tướng nhà Minh)

-----------------------------------------

***LƯU Ý :


Trong dân gian, một số người thường bị lẫn lộn giữa 2 nhân vật ĐẶNG DUNG và MẠC ĐĂNG DUNG. Xin nói thêm cho rõ :

1-ĐẶNG DUNG : người được đề cập đến ở đây là một dũng tướng, một bề tôi lương đống của nhà HẬU TRẦN , một bậc anh hùng dân tộc, tuy rằng sự nghiệp chống quân MINH không thành công, nhưng cả 2 cha con ông (Đặng gia phụ tử) đều lưu lại tiếng thơm cùng thanh sử

2-MẠC ĐĂNG DUNG : phản thần của nhà HẬU LÊ, cướp ngôi của vua LÊ, dựng nên nhà MẠC, khởi đầu những cuộc chinh chiến nồi da xáo thịt giữa "NAM BẮC TRIỀU" (Trịnh Mạc xung đột), tiếp theo là "TRỊNH NGUYỄN PHÂN TRANH" kéo dài hơn 200 năm, đến TÂY SƠN khởi nghĩa mới thống nhất được đất nước. Triều MẠC khởi đầu từ Mạc Đăng Dung là một trong số các triều đại tồi tệ trong lịch sử VN .


Hai nhân vật này khác nhau xa, xa lắm, chẳng khác nào "SAO TRÊN TRỜI" đem so với "CHÂN VỊT TRÊN MẶT BÙN" vậy !

----------------------------------------------

***Bài cảm thán của NguPhu


ĐẶNG TƯỚNG QUÂN CẢM THÁN



Được thời ngạo nghễ nướng sinh dân

Trương Phụ -Minh triều- tướng bất nhân

Móc ruột moi tim so Bạo Sở

Ăn gan uống máu sánh Kiêu Tần

Trời Nam sầu thảm sao Khuê lặn

Đất Việt bi thương ánh Đẩu phần

Can Lộc xót xa ngàn đợt sóng

Đặng Dung muôn thuở tiếng trung thần


NguPhu


===============
BỒ CÔ DI HẬN

===============


Năm 1407, Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân giúp vua Giản Định khởi nghĩa chống quân Minh , đánh thắng trận Nhật Lệ , khôi phục nhà Hậu Trần, chiếm giữ từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đến Tân Bình, Thuận Hóa. Tháng chạp năm 1408, quân Hậu Trần ra Bắc tiến đánh Trường An (Ninh Bình).

Vua Minh sai Mộc Thạnh cầm 4 vạn quân Vân Nam sang đánh dẹp. Quân hai bên giao chiến ở Bồ Cô (xã Hiếu Cổ, huyện Phong Doanh, trấn Ninh Bình). Phó tướng Lữ Nghị rơi đầu tại trận tiền, chủ tướng quân Vân Nam Mộc Thạnh thua tan tác, chạy trốn vào thành Cổ Lộng

Vua Giản Định toan tốc chiến tốc thắng đem quân ra Đông Đô (Thăng Long). Đặng Tất ngăn cản, ý muốn chờ hội quân các lộ về đủ rồi sẽ tiến đánh sau. Vì việc này mà vua tôi sinh ra bất hoà, Vua Giản Định nghe lời gièm pha, bắt Đặng Tất và Tham mưu Nguyễn Cảnh Chân đem giết đi. Từ đấy lòng người ly tán.

Vua Minh lại sai đại tướng Trương Phụ sang bình định An Nam

Con Đặng Tất là Đặng Dung cùng với con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị bỏ vua Giản Định theo phò Trùng Quang Đế Trần Quý Khoách tiếp tục sự nghiệp chống quân Minh

Trận Bồ Cô không chỉ là một thiên anh hùng ca mà còn là một mối thiên thu đại hận đối với hai nhà Đặng , Nguyễn vậy.

Người đời sau đọc đến đây thật khôn xiết nỗi ngậm ngùi !!!

---------------

BỒ CÔ DI HẬN

-Trắc Vận-


Mộc Thạnh bại quân Ninh Bình trấn

Đặng gia anh dũng Bồ Cô trận

Trường thương bảo kiếm đảo huyền cơ

Tráng mã cường binh thiên địa chấn

Nhất khắc sinh nghi lỗi quân thần

Tinh di đẩu chuyển anh hùng tận

Tâm thành phụ tử chiếu hãn thanh

Bồ Cô thử địa thiên thu hận


Hàn Sĩ Nguyên

9/2001

----------------------------------------


Nghĩa :


Mộc Thạnh thua trận ở trấn Ninh Bình

Nhà họ Đặng nức tiếng anh hùng qua trận Bồ Cô

Giáo dài gươm bén làm đảo lộn cỗ máy trời

Quân hay ngựa khỏe làm chấn động cả trời đất

Một phút vua nghi ngờ bầy tôi, khiến nên lỗi đạo

Tinh tú chuyển dời, anh hùng tận số

Lòng thành cả cha lẫn con sử sách mãi mãi rạng ngời

Bồ Cô đất ấy còn lưu lại mối hận ngàn thu

-------------------------------------------------

BỒ CÔ DI HẬN 2


Mộc Thạnh bại binh trấn Ninh Bình

Đặng gia anh dũng quỷ thần kinh

Đông dương tây kích chém Lữ Nghị

Trúc chẻ ngói tan đuổi Mã Anh

Một phút quân thần cam đoạn nghĩa

Hai vầng nhật nguyệt hóa u minh

Bồ Cô đất ấy ngàn thu hận

Phụ tử lòng son rạng sử xanh


Hàn Sĩ Nguyên

9/2001

--------------------------------

NGHĨA SĨ CA


Anh hùng vị nghĩa gánh giang san

Đạp tuyết dầm sương rảo thế gian

Bảo kiếm Long Tuyền rung nhật nguyệt

Nhục hình Phong Bá động trần hoàn

Tận trung báo quốc, đời khinh bạc

Thao lược kinh luân, lệ chứa chan

Lâm tử cảm hoài lưu hậu thế

Đặng Dung bất khuất chẳng thua Phàn


HÀN SĨ NGUYÊN


*Nhục hình PHONG BÁ : (Xử nhục hình tại Phong Ba Đình) Nguyên soái NHẠC PHI có công đánh đuổi quân KIM của Hoàn Nhan Ngột Truật, nhưng bị vua Tống nghe lời gian thần Tần Cối xử tội chết ở PHONG BA ĐÌNH.

Đặng Tất cũng rơi vào tình huống tương tự .


*Phàn : Phàn Khoái, dũng tướng của Lưu Bang, không khuất phục trước uy vũ của Tây Sở Bá Vương HẠNG VŨ.

Đặng Dung bại binh, bị giặc bắt . Trương Phụ hung tàn, bạo ngược quyết moi gan ăn sống, nhưng khi lâm tử Đặng Dung vẫn để lại bài thơ ý tứ khoáng đạt, ung dung, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

---------------------------------------------

BÁN DẠ ĐẶNG DUNG

PHÁ GIANG ĐẦU

TRUY SÁT TRƯƠNG PHỤ



Bán dạ phá giang đầu

Hoả phát soái kình lâu

Cổ độ tung hoành sáo

Tiễn xạ tam liên châu

Quân khí, thôn Ngưu Đẩu

Nộ lãng, Đông Bộ Đầu

Trương Phụ kinh hồn tẩu

Đặng Dung tráng chí lưu


ĐỔNG KỲ YÊN

-------------------------------


***Lược dịch :


NỬA ĐÊM ĐẶNG DUNG

PHÁ TRẠI GIẶC

ĐUỔI BẮT TRƯƠNG PHỤ


Nửa đêm phá doanh trại giặc đóng tại bến sông

Lửa cháy lầu chỉ huy trên soái thuyền tướng giặc

Về bến đò xưa tung hoành ngọn giáo

Tên bắn bằng nỏ liên hoàn 3 phát một

Khí thế quân sĩ bốc cao che mờ cả sao Ngưu sao Đẩu

Ngọn sóng cuồng nộ dậy lên ở bến Đông Bộ Đầu

Tướng giặc Trương Phụ chạy kinh hồn bạt vía

Chí khí người tráng sĩ Đặng Dung còn lưu lại mãi mãi cùng sử xanh.


***Ghi chú :

Đông Bộ Đầu : tên chỉ bến sông Hồng ven thành Thăng Long (thành Đông Quan, Đông Đô , nay là thành Hà Nội)


***Lưu ý : Trong bài thơ "Phá giang đầu" này, rất tiếc là đã có một chi tiết lịch sử không chính xác .

Về địa điểm, trận tập kích truy sát Trương Phụ không phải xảy ra ở Đông Bộ Đầu, mà là ở Hóa Châu. Hai tướng lãnh chỉ huy trận ấy là Đặng Dung và Nguyễn Suý.

Dẫu có khiếm khuyết ấy, tính hào hùng của bài thơ này vẫn không hề bị suy giảm vậy.



***Bài dịch thoát ý thơ ĐỔNG KỲ YÊN :

NỬA ĐÊM PHÁ TRẠI GIẶC


Nửa đêm xung trận phá giang đầu

Lửa đỏ lâu thuyền rực chiến bào

Bến cũ anh hùng vung ngọn giáo

Trường giang nghịch tặc khiếp liên châu

Ba quân khí thế mờ ngưu đẩu

Một ngọn sóng hờn lấp trăng sao

Trương Phụ hồn bay cam bại tẩu

Đặng Dung muôn thuở tiếng truyền lưu


HÀN SĨ NGUYÊN

----------------------------------------------


***Thêm một bài thơ về Đặng Dung của Đổng Kỳ Yên :

THẤT CAN


Hữu tâm hữu trí hữu can trường

Đặng gia phụ tử thị trung lương

Thất can lưu huyết anh hùng tận

Trung hiếu song toàn bách thế phương


ĐỔNG KỲ YÊN

-------------------------


***Dịch nghĩa : MẤT GAN


Có lòng [trung nghĩa], có trí tuệ, lại có cả [tinh thần] dũng cảm

Cha con nhà họ Đặng quả thật là những bậc tôi trung tướng giỏi

[Dẫu] gan mất, máu chảy, anh hùng tận số

[Tiếng tốt] trung hiếu vẹn toàn còn để lại danh thơm mãi đến muôn đời sau vậy


***Ghi chú :

Thất can : Tương truyền rằng khi bị Trương Phụ bắt, cả Đặng Dung lẫn Nguyễn Cảnh Dị đều bị giặc moi gan ăn sống !


***Bài cảm tác từ ý thơ của ĐỔNG KỲ YÊN :

MẤT GAN


Sa cơ đoản mạng vẫn anh hùng

Máu chảy đầu rơi vẹn hiếu trung

Gan mất, muôn thu danh chẳng mất

Hậu Trần vang vọng tiếng Đặng Dung


HÀN SĨ NGUYÊN

-Và đây chỉ là bài cảm tác, không phải là bài dịch-



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả