120 NĂM SAU NHÌN LẠI 

QUÝ MÙI 1883: VINH VÀ NHỤC !


SƠ LƯỢC TÌNH HÌNH PHÁP XÂM CHIẾM VN (từ năm 1858 đến năm 1882)


Năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha do Đề Đốc hải quân Pháp Rigault de Genouilly chỉ huy, đã gây hấn rồi đánh chiếm thành Gia Định, mở đầu cuộc xâm chiếm Đông Dương, thành lập Súy phủ Sài Gòn chuyên lo việc khai thác thuộc quốc, mở rộng vùng chiếm đóng.

Năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông : Biên Hoà, Gia Định, Định Tường. Năm 1867, chúng chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây : Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, hoàn tất việc biến Nam Kỳ lục tỉnh (miền Đông và Tây Nam Bộ ngày nay, từ ranh tỉnh Bình Thuận trải dài đến tận mũi Cà Mau) thành thuộc địa của Pháp.

Mưu đồ thôn tính Việt Nam sau đó liên tục được thực dân Pháp triển khai, Súy phủ Sài Gòn không ngừng tìm cách mở rộng lãnh địa bảo hộ ra miền Bắc.

Tháng 9 năm Quý Dậu (11/10/1873), Hải quân Đại uý Francis Garnier (Ngạc Nhi) đem binh thuyền ra Bắc, mượn cớ bênh vực thương nhân Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa), làm đủ cách khiêu khích, gây hấn với chính quyền Việt Nam.

Đây là một bản thông cáo của Garnier, được công bố ở Hà Nội ngày 18/11/1873, nói về việc khai thương sông Hồng Hà, với giọng điệu vô cùng xấc xược :

“Quan lớn (Le Grand Mandarin) Francis Garnier do quan Đề Đốc Toàn quyền Nam Kỳ thuộc Pháp phái ra Bắc Kỳ để thỏa thuận với nhà cầm quyền Việt Nam về việc khai thương xứ này; Nay quyết định để dân chúng biết :

1-Kể từ hôm nay, sông Hồng Hà mở cho người Pháp, người Tây Ban Nha và Trung Hoa vào buôn bán từ biển lên đến Vân Nam.

2-Những cửa biển mở cho thuyền ra vào buôn bán là cửa Hải Phòng, Thái Bình v.v..

3-Quan thuế tính 2% của giá hàng xuất cảng cũng như nhập cảng.

4-Thuế này khai nộp cho nhân viên ty quan thuế khi đưa hàng vào hay mang hàng ra

5-Hàng mang lên Vân Nam chỉ chịu có 1% thuế

6-Hàng của Sài Gòn đến Hà Nội hay của Hà Nội đến Sài Gòn chỉ chịu 0,5% thuế

7-Bản thuế lệ này nếu có sửa đổi sẽ báo trước 6 tháng.

8-Thương nhân Trung Hoa và ngoại quốc được nước Pháp bảo hộ sẽ không phải tùy thuộc nước Nam về bất cứ một phương diện nào.

9-Thương nhân các nước được quyền mua nhà, mua đất ở Hà Nội để ở.

10-Những sở thuế quan Việt Nam sẽ bãi bỏ

Thông cáo được công bố ra, người Việt Nam thảy đều sững sờ kinh ngạc, như vậy thì còn đâu là chủ quyền của nước Việt Nam, và Bắc Kỳ đã là thuộc quốc của Pháp rồi ư ? Không khí chiến tranh bao trùm khắp đất Bắc

Ngày 20/11/1873, Francis Garnier hạ lệnh cho 200 quân đánh thành Hà Nội. Chưa đầy một giờ chiến đấu, thành vỡ, 7000 quân Nam tan chạy, Tổng Đốc Hà thành Nguyễn Tri Phương bị thương và bị bắt, sau đó ông không cho băng bó vết thương, nhịn ăn mà chết, con là Phò mã Nguyễn Lâm cũng tử trận tại cửa Nam thành.

Một tháng sau, ngày 21/12/1873, Francis Garnier rơi vào ổ phục kích, thân sa vào hầm chông, rồi bị đâm chết trong trận Cầu Giấy. Ba tháng sau đó, ngày 15/3/1874, Philastre và Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường ký kết hoà ước Giáp Tuất, gồm 22 điều khoản với phần thua thiệt thuộc về Việt Nam, nhưng việc “thôn tính Bắc Kỳ” cũng phải tạm thời đình trệ trong suốt 8 năm sau đó.

PHÁP HẠ THÀNH HÀ NỘI LẦN THỨ HAI (1882) - HOÀNG DIỆU TỬ TIẾT

Đến tháng 2 năm Nhâm Ngọ (tháng 3/1882), thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Villers lại sai Hải quân đại tá Henry Rivière đem binh thuyền ra Bắc, bề ngoài viện cớ bảo vệ kiều dân Pháp, bênh vực quyền lợi thương nhân Pháp, và “dẹp loạn giùm” cho triều đình Huế, để âm thầm tìm cách gây chiến, đánh Bắc Hà lần thứ hai.

Ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (25/4/1882), chỉ với 600 quân, 7 khẩu đại bác và 3 chiếc tàu chiến, quân Pháp hạ thành Hà Nội sau ba giờ tấn công bằng đại pháo. Án sát Tôn Thất Bá bỏ thành chạy trốn. Các tướng như Đề Đốc Lê Văn Trinh, Lãnh binh Lê Trực, Lãnh binh Nguyễn Đình Đường đều phải thoái lui. Phó Lãnh binh Hồ Văn Phong hiệp lực cùng Tổng đốc Hoàng Diệu kháng cự mãnh liệt ở cửa Bắc

...”Nhờ có thang tre, nên cánh quân của Chanu đã vượt tường vào thành, đột phá tung thâm. Tiếng hô xung phong ầm ĩ. Quân hai bên hỗn chiến bằng súng, gươm, lưỡi lê, mã tấu... Tiếng đâm chém, tiếng kêu thét xen lẫn vào nhau nghe thật kinh hoàng

Quân Nam núng thế, vừa cầm cự vừa rút. Tổng Đốc Hoàng Diệu cưỡi voi, cũng rút lui về phiá Nam, và truyền lệnh :-“Ai muốn về kinh thì về,còn ai muốn đánh nữa thì lên Sơn Tây hợp với Hoàng Kế Viêm”.

Khi mọi người đã chạy gần hết, ông vào Hành cung lạy vọng về triều, cắt ngón tay lấy máu viết mấy lời di biểu để tạ tội với vua Tự Đức, rồi chạy ra thắt cổ tại một cành cây đại thụ ở trước Võ Miếu”

Sau khi Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn, Tán lý quân vụ Nguyễn Cao (Tán Cao) cũng tự móc ruột mà chết, không chịu đầu hàng.

Triều đình Huế, đứng đầu là vua Tự Đức, một mặt sai Nguyễn Chính, Bùi Ân Niên, Hoàng Kế Viêm chỉnh đốn quân mã, sẵn sàng giao chiến với quân Pháp, một mặt cho sứ thần sang Trung quốc cầu viện với Thanh triều, mặt khác sai Trần Đình Túc, Nguyễn Hữu Độ làm Khâm sai ra Hà Nội thương thuyết.

Henry Rivière thuận trả lại thành Hà Nội, nhưng yêu sách đòi 4 khoản :

-Nước Nam phải nhận cho nước Pháp bảo hộ
-Nhường thành phố Hà Nội cho nước Pháp
-Đặt sở thương chánh ở Bạch Hạc (Vĩnh Yên)
-Sửa lại việc thương chánh ở các nơi, giao quyền cho người Pháp cai quản.

Triều đình Huế bác bỏ các yêu sách ấy. Tháng 2 năm Quý Mùi (3/1883), sau khi được tăng viện thêm 750 quân, Rivière hạ lệnh đánh chiếm Hòn Gai (Quảng Ninh), chuẩn bị kế hoạch đánh lấn lên Sơn Tây, đồng thời đánh hạ thành Nam Định. Tổng đốc Nam Định Vũ Trọng Bình chạy trốn, Đề Đốc Lê Văn Điếm tử trận, Án Sát Hồ Bá Ôn bị thương.

TRẬN CẦU GIẤY NĂM QUÝ MÙI (1883)

Trong khi Rivière đem quân đi đánh chiếm Nam Định, quân ta đã tập trung lực lượng trên nhiều mặt, sẵn sàng đánh vào Hà Nội.

-Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc đóng ở Sơn Tây.
-Trương Quang Đản và Bùi Ân Niên tập trung quân ở Bắc Ninh.
-Lưu Đình Tú ở Thái Nguyên, Nguyễn Chánh ở Ninh Bình sẵn sàng trợ chiến

Quan Tiết chế Hoàng Kế Viêm sai quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc làm tiên phong đóng quân tại Cầu Giấy, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây), lại cho dán nhiều bích chương trong nội thành Hà Nội, cố ý khiêu khích, sỉ nhục, nhử Rivière ra đánh.

20giờ ngày 12 tháng 4 năm Quý Mùi (18/5/1883), Rivière ban hành “Lệnh hành quân Cầu Giấy”, chuẩn bị ngày hôm sau xuất quân.

5giờ 30 sáng ngày 13 tháng 4 năm Quý Mùi (19/5/1883), quân Pháp khai thành, tiến về phủ Hoài Đức. Henry Rivière đi xe ngựa đích thân chỉ huy “Đại quân” tiến lên theo đường đê Giảng Vũ, và con đường Liễu Giai-Cống Vị. Khi “Đại quân” đến Voi Phục, trước mặt là dốc Cầu Giấy, thì phát hiện có quân Cờ Đen ở phía bên kia sông Tô Lịch. Rivière ban lệnh tiếp tục tiến quân ...

Tiền quân Pháp vừa xuống đến chân cầu (Cầu Giấy) thì quân ta và quân Cờ Đen đồng loạt nổ súng. Các cánh quân mai phục ở Làng Giấy trên (bên phải cầu), làng Giấy dưới (bên trái cầu) và đền An Hoà (chính diện) thuộc làng Dịch Vọng Trung và Dịch Vọng Tiền nhất tề tấn công.

Rivière cho điều 3 khẩu đại pháo đến ngay dốc cầu, bắn phủ đầu dữ dội vào làng Dịch Vọng và đền An Hoà. Theo đúng kế hoạch “dụ địch”, quân ta và quân Cờ Đen giả cách thoái lui. Rivière trúng kế, tưởng rằng đã trấn áp được Nam quân, bèn ra lệnh cho quân Pháp ồ ạt tiến qua cầu Giấy, chia làm nhiều mũi xông thẳng vào các làng Giấy trên, Giấy dưới, Dịch Vọng để... truy kích.

Qua khỏi cầu Giấy khoảng 400m thì quân ta và quân Cờ Đen nhất loạt khai hỏa, tàn sát đám tiền quân của giặc. Quân Pháp bị đánh bất ngờ nên hàng ngũ rối loạn, hốt hoảng rút lui. Kèn lui quân của Pháp vừa nổi lên thì quân ta và quân Cờ Đen từ tứ phía phất cờ, thổi tù và, hò reo xông lên truy sát mãnh liệt. Cuộc chiến bằng dao lê và mã tấu kéo dài nhiều giờ.

Quân Pháp hoảng loạn rút chạy về phía Cầu Giấy. Henry Rivière rút cùng toán sau cùng, vừa hô “Cố lên các anh em ...” thì bị đạn bắn trúng tim, chết gục ngay tại lằn ranh giữa hai làng Dịch Vọng Trung và Dịch Vọng Tiền.

Sau đó, quân Cờ Đen chặt lấy đầu Rivière và chặt luôn cả hai cánh tay còn nằm trong hai ống tay áo có năm vạch vàng (quân phục sĩ quan cao cấp của Pháp) đem nộp cho Lưu Vĩnh Phúc. Thủ cấp Rivière, chỉ còn một con mắt, sau đó bị ướp muối, đem đi triển lãm ở nhiều thị trấn Bắc Hà.

Mộ của viên tướng này ngày sau được người Pháp lập ở làng Dịch Vọng Trung. Có lẽ đó chỉ là một ngôi mộ giả có tính lưu niệm mà thôi, còn cái xác không đầu của viên tướng ấy chắc hẳn là đã được mang về mẫu quốc chôn cất!

Trận thắng này đã gây chấn động dư luận, đặc biệt là dư luận nước Pháp . Trong lúc những thành lũy kiên cố như đại đồn Kỳ Hòa ở Gia Định bị giặc Pháp san phẳng, thành Vĩnh Long phải chịu nỗi nhục quy hàng, thành Hà Nội hai lần bị đánh phá tan tác thì một địa điểm nhỏ bé, hầu như vô danh, như Cầu Giấy ở Hoài Đức trong vòng mười năm lại hai lần ghi tên vào thanh sử: Giết chết tươi hai viên tướng tổng chỉ huy quân Pháp (Garnier và Rivière). Về tầm vóc, quy mô có khác nhau nhưng nếu xét về mặt “hai lần lập chiến công giết chết chủ soái quân giặc” thì Cầu Giấy chẳng kém gì những địa danh lừng lẫy như Bạch Đằng, và Chi Lăng vậy.

Người đời sau đọc đến chuyện Cầu Giấy đã có thơ rằng :

CẦU GIẤY OAI HÙNG

Chục vạn hùng binh trấn Bắc Thành
Chẳng bằng vài chục lũy tre xanh !
Ngọn cờ Tam Sắc máu loang lổ
Mũi giáo Hà Đông thép lạnh tanh
Tướng Pháp nghẹn ngào sa tử lộ
Quan Tây ôm hận gục trường đình
Một thời chiến tích lưu muôn thuở
Cầu Giấy oai hùng rạng sử xanh

Hàn Sĩ Nguyên

(Viết tặng người Hà Tây)

QUÝ MÙI 1883: HÒA ƯỚC HARMAND,
MỘT VẾT NHƠ TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM


Sau khi Rivière chết trận, lực lượng Pháp được tăng viện mạnh mẽ : Harmand lúc ấy đang làm Sứ thần ở Bangkok (Thái Lan) được cử trở lại Việt Nam giữ chức Tổng uỷ viên quân chính Bắc kỳ, Trung tướng Bouet làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Việt Nam, Phó Đề Đốc Courbet chỉ huy “Hạm đội Bắc kỳ” gồm 4 tàu khu trục và hai tàu phóng lôi, được tăng viện bằng hàng chục tàu chiến , pháo hạm, soái hạm từ Thiên Tân kéo sang. Bốn trung đoàn lính thuỷ đánh bộ (hơn 5.000 người) và nhiều chiến cụ, súng ống, đạn dược được cấp tốc đưa đến Việt Nam.

Quân Pháp tiến hành bình định vùng trung du, tiến chiếm Hải Dương và Quảng Yên. Cùng lúc đó, hạm đội Pháp tấn công Đà Nẵng, rồi đánh thẳng vào cửa Thuận An (Huế). Tình hình hết sức là nguy ngập.

Ngày 21/8/1883, quan thương bạc Nguyễn Trọng Hợp được cử ra cửa Thuận để xin đình chiến, có giám mục Gaspar làm thông ngôn. Cuộc đình chiến dự trù trong 48 giờ với điều kiện :

-Phải phá huỷ các cản, cừ ... trên sông Hương.
-Mang nộp những chiến hạm mà Pháp đã trao cho Việt Nam theo hoà ước 1874.
-Triều đình Huế phải cho triệt binh, phá huỷ hết đạn dược, lương thực trong 12 đồn binh từ cửa Thuận vào đến Huế.

Quan thương bạc Nguyễn Trọng Hợp chấp nhận ngay các điều kiện ấy. Hôm sau, ngày 22/8/1883, Harmand trao cho Nguyễn Trọng Hợp một bản tối hậu thư, quy kết cho Triều đình Huế các tội danh như sau :

-Triều đình Huế đã gây ra các cuộc nổi loạn liên miên ở Nam kỳ.
-Không phân định rõ ranh giới giữa đất thuộc Pháp (Nam Kỳ) và đất còn lại thuộc triều đình Huế.
-Làm ngưng trệ sự giao thông trên sông Hồng Hà.
-Câu kết, nuôi dưỡng quân Cờ Đen ở Bắc Kỳ.
-Nhục mạ kiều dân và lãnh sự Pháp tại Bắc kỳ.
-Cấu kết với nước Xiêm, nhất là với Thanh triều để làm hại quyền lợi của Pháp.

     Cuối thư, Pháp không quên hăm doạ triều đình Huế, lời lẽ ngạo mạn như sau : “Các ông chỉ có hai đường để quyết định : hòa hay chiến. Nếu các ông lựa chiến tranh thì chiến tranh sẽ đưa các ông đến chỗ đổ vỡ hoàn toàn. Còn các ông muốn hòa bình thì chúng tôi sẵn sàng nhượng bộ các ông, theo các điều khoản dưới đây, chúng tôi không muốn chiếm cứ nước các ông, nhưng các ông phải chấp nhận để cho chúng tôi bảo hộ. Cuộc bảo hộ này bảo đảm an ninh, hòa bình và thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam và sự kiện đó sẽ mang lại cái cơ may độc nhất để triều đình các ông có thể tồn tại được. Sau đây là các điều kiên chính yếu của chúng tôi:

-Nhượng Bình Thuận cho Nam Kỳ để trả nợ cũ.
-Kiều dân Pháp có quyền lưu trú trong bất kỳ thị trấn nào xét ra cần thiết.
-Người Pháp sẽ kiểm soát sở thương chánh và thu các khoản thuế ...”

Kèm theo tối hậu thư là bản dự thảo hòa ước gồm 27 điều khoản, Harmand lại hạn cho triều đình Huế phải phúc đáp trong vòng 24 giờ.

Vua Hiệp Hòa và quần thần vô cùng run sợ, vội vàng cử ông Trần Đình Túc làm chánh sứ toàn quyền, ra điều đình với Pháp suốt ngày 24/8/1883, qua ngày hôm sau 25/8/1883, bản hòa ước Quý Mùi, cũng được gọi là hòa ước Harmand được ký kết, với nội dung như sau :

HOÀ ƯỚC HARMAND 1883

1-Nước Nam nhận và chịu sự bảo hộ của nước Pháp ...
2-Tỉnh Bình-Thuận từ nay sát nhập vào Nam Kỳ thuộc Pháp.
3-Nước Pháp được quyền đóng quân ở dãy núi Đèo Ngang, từ nơi này ra đến Vũng Chùa; Quân đội Pháp cũng được đồn trú thường xuyên từ cửa Thuận An vào đến kinh thành Huế .......
4-Nam triều phải gọi hết quân đội đã đem ra Bắc kỳ về để thực hiện hòa bình.
5-Nam triều phải ra lệnh cho các quan lại ở Bắc kỳ trở lại nhiệm sở, bổ quan vào chỗ khuyết, tạm thời công nhận những sự bổ nhiệm của nhà cầm quyền Pháp sau khi hai bên đã thỏa hiệp.
6-Chính quyền Việt Nam, từ ranh giới tỉnh Bình Thuận đến ranh giới Bắc Kỳ, lấy Đèo Ngang làm giới hạn, sẽ tự cai trị lấy như cũ, không có sự kiểm soát của nước Pháp, ngoại trừ việc thương chánh, công chánh và đại để những việc cần chủ trương hợp nhất hoặc tư vấn của những kỹ thuật gia Âu Châu.
7-Trong giới hạn trên đây, Nam triều sẽ mở cửa cho người nước ngoài đến buôn bán ở các hải cảng Qui Nhơn, Đà Nẵng, Xuân Đài. Sau này, nếu cần sẽ mở thêm các thương cảng khác để có lợi cho cả hai nước, và cũng sẽ định ra giới hạn cho những đất nhượng cho người Pháp ở những cửa đã mở.
8-Nước Pháp có thể dựng một hải đăng ở mũi Varella hoặc ở mũi Paradan hay Poulo-Cécir tuỳ theo ý kiến của các sĩ quan và kỹ sư Pháp.
9-Hai chánh phủ Việt Pháp sẽ thỏa hiệp và chịu chung phí tổn sửa con đường lớn từ Hà Nội đến Sài Gòn, để cho các loại xe cộ đi lại được. Nước Pháp sẽ cấp các kỹ sư để làm cầu cống và các đường hầm để cho xe đi qua.
10-Trên đại lộ này, sẽ đặt một đường dây điện thoại do người Pháp khai trương. Một phần thuế sẽ giao cho chính phủ nước Nam do việc nhượng đất đai để làm các trạm.
11-Tại Huế sẽ có một Khâm sứ là đại diện chính phủ bảo hộ, hầu trông nom việc thi hành hiệp ước và giao dịch với Nam triều. Ông này thuộc vào hàng cao cấp dưới quyền Tổng uỷ viên công hoà Pháp quốc, ông sẽ không can thiệp vào việc nội bộ của triều đình Huế. Tổng uỷ viên Pháp chủ trương việc ngoại giao cho nước Nam và có thể giao toàn bộ uy quyền hoặc một phần uy quyền cho Khâm sứ Pháp ở Huế. Khâm sứ Pháp có quyền diện yết Hoàng Đế Việt Nam. Nếu có lý do chính đáng thì nhà vua không thể không tiếp kiến được.
12-Ở Bắc kỳ sẽ có một Trú sứ ở Hà Nội (sau này gọi là Thống sứ), một Trú sứ ở Hải Phòng và mỗi tỉnh ở miền duyên hải cũng như mỗi tỉnh lớn cũng sẽ có Trú sứ (sau này gọi là Công sứ). Về sau, nếu xét thấy cần, ở mỗi tỉnh nhỏ cũng sẽ đặt những quan chức Pháp khác, dưới quyền Trú sứ tỉnh lớn mà tỉnh nhỏ ấy phụ thuộc, theo khu vực hành chánh trong nước.
13-Các quan Trú sứ và phó Trú sứ sẽ có một số cộng sự viên cần thiết cho họ và một toán lính hoặc Pháp hoặc bản xứ để giữ gìn về mặt an ninh .
14-Các quan Trú sứ sẽ không dự vào chi tiết các việc nội bộ của các tỉnh nhưng có quyền kiểm soát quan Việt Nam các hạng và có thể thuyên chuyển những ai có thái độ hay hành động không tốt với các quan chức Pháp.
15-Các quan lại, các viên chức Pháp thuộc các sở như Buu Điện, Công Khố, Thương Chánh, Công Chánh, Học Chánh nếu cần giao dịch về công vụ với các nhà cầm quyền Việt Nam phải do các Trú sứ chuyển đạt.
16-Các quan Trú sứ có quyền xử các vụ kiện cáo về dân sự, về hình và hộ của người Âu Châu khi có tương tranh, cũng như người các nước Á Châu khác được hưởng sự bảo hộ của nước Pháp. Nếu họ muốn kháng án thì đệ đơn khiếu nại về Sài Gòn.
17-Ở các nơi quy tụ thành phố, các quan Trú sứ kiểm soát việc tuần phòng của quan Việt Nam và thành phố mở rộng ra tới đâu thì thì quyền kiểm soát sẽ nới ra tới đó.
18-Các Trú sứ, có Bố Chánh giúp việc để thông quy thuế khóa, săn sóc việc thu hoạch và sử dụng.
19-Việc thương chánh phải sắp đặt lại và hoàn toàn thuộc quyền quan cai trị Pháp. Nếu việc thương chánh do các sĩ quan quân đội ở Bắc kỳ ấn định phương pháp thì không được kêu nài gì hết.
20-Các công dân Pháp, hay những người có quốc tịch Pháp đều có quyền đi lại, cư trú và có tài sản trên đất nước của Hoàng đế nước Nam, những người ngoại quốc xin hưởng sự bảo hộ vĩnh viễn, hoặc tạm thời của người Pháp cũng được đãi ngộ như vậy.
21-Những người vì lý do khoa học hay lý do khác muốn du lịch trong nước Việt Nam chỉ được phép do Khâm sứ Pháp ở Huế, Thống đốc Nam Kỳ hay Tổng uỷ viên của chánh phủ Pháp ở Bắc Kỳ làm môi giới xin cho mà thôi, khi họ được giấy phép thì phải trình lên chính phủ Việt Nam kiểm nhận.
22-Nước Pháp sẽ lập các đồn binh dọc theo sông Hồng Hà trong suốt thời gian xét thấy cần có sự đề phòng cho việc lưu thông tự do trên con sông ấy. Nước Pháp cũng có thể lập các đồn lũy vĩnh viễn ở những nơi nào xét ra cần thiết.
23-Từ nay về sau, nước Pháp phải bảo đảm cho sự toàn vẹn của quốc gia Việt Nam, gìn giữ các xứ Việt Nam (Trung, Nam, Bắc) khỏi mọi cuộc xâm lăng bên ngoài và cách mạng bên trong. Nước Pháp tự đảm đương lấy việc đánh đuổi quân Cờ Đen và bảo vệ an ninh trên sông Hồng Hà. Hoàng đế Việt Nam tiếp tục cai trị nước Việt Nam như xưa, trừ những hạn chế do hiệp ước này nêu ra.
24-Nước Pháp chịu trách nhiệm cung cấp cho vua Việt Nam những huấn luyện viên, các kỹ sư, các nhà bác học, các sĩ quan v.v ... mà nhà vua sẽ cần đến.
25-Nước Pháp sẽ coi người Việt Nam ở khắp nơi như là những người được bảo hộ chân chính của mình.
26-Món nợ mà Việt Nam còn thiếu của Pháp được coi như đã thanh toán xong, vì Việt Nam đã nhượng Bình Thuận cho Pháp.
27-Sẽ có những cuộc thảo luận để luận giải về số tiền trích giao cho chính phủ Việt Nam trong số quan thuế và điện tín vv... bao gồm cả các loại thuế ở Bắc Kỳ, thuế về những cuộc chuyển mại độc quyền, thuế công kỹ nghệ sẽ cho phép thiết lập. Số tiền trích giao ở số thuế thu được không được dưới hai triệu quan. Đồng bạc (Piastre Mexicaine) và tiền tệ bằng bạc của xứ Nam Kỳ sẽ cùng tiền tệ của Việt Nam được cưỡng bách lưu hành đồng thời khắp nước.

Bản hòa ước được đem về cho Tổng Thống Pháp và Hoàng Đế Việt Nam chuẩn y rồi sẽ hỗ giao càng sớm càng hay.

***Ý kiến của người đời sau :

-“Thật là hết biết ! Còn đâu những vinh quang của dòng giống Lạc Hồng ?”

QUÝ MÙI 1883 :
MỘT NĂM ĐẦY BIẾN ĐỘNG Ở CHỐN CUNG ĐÌNH.
BỐN VỊ HOÀNG ĐẾ NỐI TIẾP NHAU BĂNG HÀ.


Trong lịch sử thăng trầm hơn bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam, có thể nói năm Quý Mùi 1883 là một trong số những năm đã xảy ra nhiều biến cố trọng đại nhất.

Nào là sự cố quân Pháp đánh Bắc Hà, hạ thành Hà Nội lần thứ hai, tổng đốc Hà thành Hoàng Diệu phải tự vẫn, chiến cuộc giữa quân Pháp dưới quyền Henry Rivière và quân Nam dưới quyền Hoàng Kế Viêm diễn ra sôi sục khắp các tỉnh trung du miền Bắc. Sau khi Henry Rivière bị giết, quân Pháp tăng viện phản công khắp nơi, binh thuyền tấn công như vũ bão vào cửa Thuận An (Kinh đô Huế). Vua quan nhà Nguyễn chẳng khác nào kiến bò trong chảo nóng.

Trong khi quốc thành đang phải trải qua cơn dầu sôi lửa bỏng, thì nơi cung đình thâm nghiêm, lại xảy ra sự kiện bốn vị Hoàng đế triều Nguyễn nối tiếp nhau băng hà.

Đầu tiên là vua Tự Đức, vị vua thứ tư triều Nguyễn, mất ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (7/1883), trị vì 36 năm, thọ 55 tuổi.

Con trưởng (cháu được nhận làm con nuôi) của vua Tự Đức là Thuỵ quận công Dục Đức nối ngôi làm vua được 3 ngày thì bị hai quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết phế truất, rồi bức tử.

Lạng quận công Hồng Dật, em vua Tự Đức, con thứ 22 của vua Thiệu Trị, được lập lên kế vị, niên hiệu Hiệp Hòa, trị vì được hơn 4 tháng, đến tháng 10 năm Quý Mùi (11/1883), thì cũng bị phế truất, phải uống thuốc độc mà chết

Ngày 7 tháng 10 năm Quý Mùi (11/1883), ông Dưỡng Thiện (Ưng Đăng), con thứ ba của vua Tự Đức, mới 15 tuổi được đưa lên kế vị. Đó là vua Kiến Phúc, vua này chỉ ngồi làm hư vị, quyền chính trong nước do hai quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, và Tôn Thất Thuyết nắm giữ.

Trước sau chỉ trong vòng bốn tháng, từ tháng 6 đến tháng 10 năm ấy, bốn Hoàng đế đã thay nhau ngự trị trên ngai !

Vua Kiến Phúc cũng chỉ trị vì được 6 tháng. Tháng 4 năm sau, năm Giáp Thân (5/1884), vua này cũng lại bị... ngộ thuốc (uống lầm thuốc) mà chết nốt. Tương truyền rằng Nguyễn Văn Tường vào “mò mẫm” nội cung, bị vua Kiến Phúc phát hiện. Vua quở mắng mấy câu, qua ngày hôm sau... thì vua chết bất minh. Mọi người đều cho rằng chính Nguyễn Văn Tường đã gây ra sự cố này.

Vua Hàm Nghi (Ưng Lịch) lúc ấy mới 12 tuổi nối ngôi làm Hoàng Đế.

Tóm lại, trong mười tháng trời đầy biến động ấy (từ tháng 6 năm Quý Mùi 1883 đến tháng 4 năm Giáp Thân 1884), 4 vị Hoàng Đế đã nối tiếp nhau băng hà, trong đó chỉ có vua Tự Đức là chết già, còn ba vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc đều bị các đại thần chuyên quyền bức tử cả!!!

HÀN SĨ NGUYÊN

Tổng hợp từ nhiều nguồn sử liệu.



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả