Mùa Xuân lại về

Mùa Xuân lại về

Thành dặn dò bạn:
- Đây, tớ biệt phái chiếc Honda này cho cậu trong thời gian ở đây. Nhưng xin ông Việt kiều chạy cẩn thận dùm nhé, cái tính bạt mạng của ông anh, em biết rõ từ lâu. Chỉ sợ ông bị lôi thôi với tụi CA thì phiền phức lắm đấy. Thôi tôi đi làm đây.
Nói chưa dứt câu, Thành đã bước đến cửa, Hải nói với theo:
- Yên trí mà cậu cả, đây biết rồi.
Sau khi Thành ra khỏi nhà, Hải cũng sửa soạn, rồi phóng lên chiếc Honda, dạo qua một vòng phố xá, coi cho biết sự tình.
Hải lẩm bẩm: thành phố gì, trời mùa Xuân mà nóng như trong lò “gas” vậy. Nhưng sao trước mình không cảm thấy nóng như vậy nhỉ. Chắc là ở lâu quen đi chăng ?.
Lần này về thăm quê hương, chàng đến ở với Thành, người bạn thân giao, cùng lớp ngày xưa. “Thành gàn”, đó là cái tên mà chàng gán cho người bạn. Hắn gàn thật cơ, không chịu đi Mỹ, Thành nói là “Nếu chúng nó tử tế, thì đất nước mình đâu đến nỗi như bây giờ, tớ không thích sống chung với những người như vậy, đơn giản vậy thôi, mình sống chết với đất nước này vậy”.
Lắm lúc nghĩ lại, chàng thấy Thành có lý. Như chàng đấy, cả vợ con sang Mỹ, rồi ly dị, con cái thì đã lớn khôn, mỗi đứa mỗi phương, rốt cục chỉ còn mình chàng lui cui, sống thui thủi có một mình. Ở Mỹ, mà chàng chưa bao giờ thấy mùa Xuân thật sự đến với chàng.
Nói đúng ra thì nếu không đến ở với Thành thì chàng cũng chẳng biết ở với ai, vì ngoài Thành là người bạn thân nhất mà chàng còn liên lac được, từ ngày đi theo diện HO, thấm thoát mà đã hơn 10 năm rồi đấy.
Đang suy nghĩ thì chàng phải dừng xe lại vì đèn đỏ. Bỗng đâu một đứa bé bán vé số, chạy bổ đến đâm sầm vào chàng, làm chàng cũng té theo. Chàng vội đứng dậy, dựng xe, đến đỡ thằng bé rồi hỏi:
- Cháu có sao không ?.
Thằng bé hốt hoảng, nhìn quanh quất rồi nói với chàng:
- Mẹ cháu bán thuốc lá ở trước rạp hát Aùi Huê.
Rồi đứng dậy chạy mất. Tên CA xuất hiện ngay trước mặt chàng, hất mặt nói:
- Anh cho xem giấy tờ.
Thì ra thằng bé sợ CA bắt, nên ù té chạy. Hải móc giấy tờ đưa cho tên CA và phân bua:
- Thằng bé chạy đâm vào tôi đấy anh à, không biết nó có sao không ?.
Tên CA nói:
- À thì anh là Việt kiều hả, anh nói anh đụng ai vậy ?.
Hải phân bua:
- Tôi đâu có đụng nó, tôi dừng xe lại vì đèn đỏ. Nó chạy đến đâm nhào vào tôi đấy chứ.
- Được, mời anh theo tôi về đồn làm việc đã.
Hải đành líu ríu dắt xe theo tên CA đến đồn gần đó.
Sau khi yên vị, tên CA nói:
- Anh có biết anh là Việt kiều, chạy xe không bằng lái, lại đâm vào thằng bé như anh nói. Vừa phạm luật giao thông, vừa gây tai nạn, thế này là khổ anh rồi đấy.
- Nhưng…
- Không nhưng với nhị gì hết. Tôi biết thằng bé đó tên là Minh, bán vé số ở khu này, con của chị Loan đấy.
Ngừng một lát cho Hải thấm đòn , tên CA tiếp:
- Tôi thông cảm anh là Việt kiều, và không muốn làm phí thì giờ của anh, muốn giải quyết cho êm đẹp, anh chịu không ?
Hải đành xuống giọng:
- Thôi thì nhờ anh vậy.
- Được rồi, thế thì anh ký vào đây, đóng tiền phạt, và tiền thuốc men cho thằng bé, xem nào, tất cả là . . . $300 đô la, rồi anh có thể ra về ngay.
Hải biết ngay đây là một vụ tống tiền , nhưng không làm sao hơn, đành móc tiền đưa cho tên CA vậy.
- Xong rồi, anh có thể về, nhớ chạy cẩn thận nhé anh bạn.
Hải đứng dậy, dắt xe ra khỏi cổng rồi một mạch chạy thẳng về nhà, không dám la cà đâu nữu.
Bước vào nhà chàng gặp Thành, Thành hỏi:
- Sao cậu về sớm thế, không đi chơi đâu xa à ?.
Hải khỏa lấp:
- Nóng quá, về tắm rửa, nghỉ ngơi cho đỡ mệt.
- Thôi được, cậu nghỉ ngơi đi, lát nữa ăn cơm.
Sau bữa cơm, chàng xem vài tờ báo rồi đi ngủ sớm.
Nhưng mãi mà không ngủ được, chàng cứ suy nghĩ về thằng bé bán vé số, tội nghiệp, nó sợ tên CA nên ù té chạy, không biết nó có sao không ?. À mà nó nói mẹ nó bán thuốc lá ở rạp hát Aùi Huê. Hay mai mình ra đó kiếm mẹ nó hỏi thăm vậy.
Sáng sớm hôm sau, chàng tìm đến rap hát Aùi Huê, đứng bên kia đường quan sát chàng thấy có tới ba người bán thuốc lá đằng trước rạp.
Người thứ nhất là một ông già, thì chắc không phải là người chàng muốn tìm rồi. Người thứ hai là một cô gái còn trẻ, chắc cũng không phải nốt. Người thứ ba là một người đàn bà đứng tuổi, có lẽ là người này chăng. Bà ta ngồi trên chiếc ghế đẩu, sau quầy thuốc lá đang cắm cúi đan chiếc áo len.
Hải đánh bạo sang đường, tiến đến và nói:
- Chi bán cho tôi một bao thuốc ba số 5.
Người đàn bà ngừng đan, ngửng lên, lấy bao thuốc đưa cho chàng.
- Dạ đậy.
- Bao nhiêu đấy chị.
- Dạ 50.000 đồng.
Lúc này Hải mới có dịp quan sát kỹ bà ta, tuy lam lũ nhưng nét đẹp thời con gái vẫn chưa phai mờ hẳn, nhất là đôi mắt, chắc hẳn ngày xưa đẹp lắm.
Hải lấy tiền đưa cho bà bán thuốc rồi bỗng hỏi:
- Tôi muốn kiếm mẹ của cháu bé tên là. . ., à tên Minh.
Hải nhớ lại tên CA hôm qua nói thằng bé tên là Minh.
Bà bán thuốc nhìn chàng vài giây, rồi hỏi lại:
- Minh nào ông ?.
- Tôi cũng không rõ, chỉ biết cháu tên minh, bán vé số, và có người mẹ bán thuốc lá ở trước rạp hát Aùi Huê thôi.
Người đàn bà từ chối:
- Xin lỗi, tôi không biết.
Hải lưỡng lự một lúc rồi đành nói:
- Vậy thôi, cám ơn chị.
Hải chào bà bán thuốc rồi ra về.
Trên đường về, chàng cứ mãi suy nghĩ. Trong ba người bán thuốc thì chỉ có bà này là người đáng “nghi” nhất, mà bà ta lại bảo không biết, thế thì làm sao bây giờ đây ?.
Mà hình như mình đã gặp bà này ở đâu rồi thì phải, trông quen lắm, đôi mắt đó, không thể lầm lẫn được, nhất định là mình đã gặp rồi mà.
Cố moi óc mãi mà không ra, cuối cùng chàng đành phải gác mọi chuyện sang một bên vậy.
Mấy ngày sau suy nghĩ mãi, bỗng chàng nhớ lại. Tên CA nói bà ta tên Loan, không lẽ . . .thôi chết rồi, nếu đúng là Loan thật thì . . .Chàng không dám nghĩ tới nữa.
Thảo nào mà . . .đúng rồi, nàng thật sự là Loan.
Khúc phim dĩ vãng quay lại trong đầu chàng, như mới sảy ra hôm qua đây:
Loan là bạn học cùng trường với chàng, tuy Loan kém chàng 3 lớp, chàng đã thương yêu Loan, và cũng đã được Loan đáp lại. Tình cảm của Loan với chàng rất trong sáng và thắm thiết. Nhưng rồi biến cố Mậu Thân sảy đến, chàng vì lơ là với việc học hành, không trở thành ông Đốc, ông Kỹ được, nên vào Thủ Đức, “khoác chinh y theo nghiệp đao cung”. Vài năm sau đó thì Loan lấy chồng, một bác sĩ quân y, Loan thì rất nhiều người theo đuổi, vì nàng đẹp, mà lại rất ngoan, hiền. Sau đó thì chàng không biết gì nữa về Loan, vì mỗi người đã có một con đường riêng để đi . . .
Và bây giờ, Thượng đế ơi, ông oái oăm thật, sao lại cho tôi gặp Loan lại trong trường hợp này.
Sau nhiều ngày bị dằn vặt rất nhiều, cuối cùng Hải quyết định phải đi gặp Loan để, “lo cho thằng Minh”, con Loan.
Chàng vẫn đứng bên kia đường mà quan sát thật kỹ Loan, không thể nnhầm lẫn được, đúng là Loan rồi, đến gần giờ Loan về, chàng mạnh dạn tiến đến và mở lời:
- Chào Loan, vẫn mạnh chứ ?.
Người đàn bà ngừng đan, ngẩng lên ngạc nhiên:
- Ông. . .ông gọi tôi ư ?.
- Dạ đúng, bà có phải tên Loan không ?.
- Vâng, nhưng ông là ai ?.
Hải rạng rỡ:
- Ồ, thôi đúng rồi. Hải đây, Loan không nhận ra tôi ư ?.
- Ông . . . , à anh Hải, anh Hải thật đây ư ?
Loan ngập ngừng, rồi tiếp:
- Mà anh ở bên Mỹ cơ mà, sao. . .
Hải ngắt lời Loan:
- Đúng, anh ở Mỹ, về thăm quê hương. Mấy chục năm rồi mới gặp lại Loan đấy.
Trông Loan anh nhận ra ngay, tuy có hơi khác trước.
- Khác nhiều chứ anh, cuộc sống lam lũ, gìa đi nhiều. Thật ra nhiều lúc Loan đã quên hẳn Loan của ngày trước rồi.
Loan tiếp:
- Mà làm sao anh lại đến đây, có phải trước anh lại mua thuốc lá phải không ?.
- Đúng, Loan nhớ đúng rồi.
- Thật ra lúc đó Loan thấy ngờ ngợ là đã gặp anh ở đâu rồi, trông quen lắm. Nhưng không thể nhớ ra được, lại càng không thể nghĩ là anh.
- Loan bây giờ thế nào, anh ấy vẫn mạnh chứ, Loan được mấy cháu rồi ?.
Nghe hỏi, Loan bỗng chùng xuống, đăm chiêu . . .
Hải vội đánh trống lảng:
- Chắc Loan đến giờ dẹp hàng rồi hả ?. Để anh phụ một tay nhé.
- Dạ đúng, thôi mời anh về nhà nói chuyện tiếp.
Hải lăng xăng phụ Loan dọn đồ đạc lên xích lô, rồi chàng chạy Honda theo sau chiếc xích lô.
Đến trước một căn nhà lụp xụp, Hải phụ Loan đưa đồ đạc vào nhà.
Loan lên tiếng gọi:
- Mẹ ơi, con về rồi.
Có tiếng yếu ớt của một người lớn tuổi:
- Ừ, con xem làm gì ăn đi, mẹ mới nấu cơm xong.
- Đã bảo mẹ để đấy con làm cho mà, không mẹ lại mệt.
Quay sang Hải, Loan nói:
- Mẹ em đó, bà cụ yếu rồi, lại bệnh nữa, mà cứ thích làm thôi.
- Nhà không còn ai nữa sao Loan ?.
- Chỉ còn hai mẹ con Loan thôi anh à.
Hải ở lại ăn cơm với gia đình Loan, bà mẹ Loan yếu thật và hầu như không nhớ Hải là ai.
Qua câu truyện, Hải được biết Hùng, chồng Loan bi bệnh chết trong cải tạo, gia đình Loan bị đánh tư sản đợt đầu tiên, ít lâu sau Ba loan qua đời vì buồn phiền.
Điểm đáng chú ý ở đây là vợ chồng Loan chỉ có một đứa con trai, nhưng cũng đã qua đời vì bệnh hơn 4 năm nay, và tên cháu là Minh thật.
Bây giờ chỉ còn hai mẹ con lây lất, nương tựa nhau mà sống.
Nhiều Cơ hội Loan có thể bước thêm bước nữa, nhưng Loan đều từ chối, một phần vì mẹ già cần nàng, và phần chính yếu là nàng chưa thấy ai là người sẽ cùng nàng đi nốt quãng đời còn lại.
Bây giờ gặp lại Hải, Loan như thấy cuộc đời có ý nghĩa hẳn lên, nàng lại bắt đầu thoa một chút phấn hồng lên hai má, một chút son môi . . .
Còn Hải thì từ lúc gặp lại Loan, chàng cũng cảm thấy cuộc đời thật là đáng sống, không còn cái mặc cảm mình là một thứ dư thừa của cuộc sống, chàng lại còn có thể tự quyết định cho tương lai của chàng.
Tuy nhiên, cho đến bây giờ, chàng cũng vẫn chưa hé môi với bất cứ ai về sự việc thằng bé Minh , và chuyện lôi thôi với tên CA nọ, sự việc mà chàng vẫn không thể giải thích được nếu chàng kể cho một người khác nghe.
Tên CA đó, khi nói tên của bé Minh và Loan ra là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay “ai đó” sui khiến hắn nói ra.
Nhưng dù sao đi nữa thì đã từ lâu lắm Loan và Hải mới thấy thật sự mùa Xuân đã
lại đến với cuộc đời của họ.
Ngoài kia những gian hàng bánh mứt cũng đã được trưng bày nhan nhản khắp nơi.

Hoàng Thy
Ngày 12 tháng 12 năm 2002.


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả