Tình Ca Giáo Viên Miền Núi - Chương XIV

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

XIV

Tôi lầm lũi đi trên đường mòn, gọi là đường mòn vì đã có người đi trước thôi, chứ lối đi chỉ đủ một người đi. Nếu hai người đi chung, thì một người phải đi đằng trước, một người đi đằng sau, chứ không thể đi song song được. Cỏ cao vượt cả đầu, giống cỏ này theo người Thượng họ kể, xuất hiện từ thời Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, nên họ đặt tên là cỏ Mỹ. Nó mọc nhanh, cao vượt cả đầu, trong vòng mấy tháng. Trong chiến tranh, du kích hay bộ đội không để ý, cứ tưởng ẩn núp trong những lùm cỏ này là an toàn thì lầm to. Đám cỏ này có thể che khuất bạn, tạo cho bạn một cảm giác an toàn sai lạc vì chúng là chất liệu dẫn lửa nhanh chóng một khi bom cháy (napalm) thả xuống hay những tay học lối hỏa công trong Tam quốc chí thì dẫu Tào Tháo có giỏi cũng chạy đàng trời.

Tôi rời đường mòn, rẽ xuống suối để đi tới thác nước, nơi giao điểm hẹn của tôi và các anh Trung, Tâm. Nắng chiều đã chênh chênh. Khi tôi tới lòng thung lũng, đi ngược lên tới thác nước thì bóng đã mờ vì cây cối trên cao che khuất, tạo một cảm giác gờn gợn trong tôi. Không biết các anh ấy ra sao? Có còn chờ tôi hay đã ra đi hay bị bắt rồi. Dù chỉ còn mười phút nữa là chúng tôi có thể gặp nhau, nhưng tôi thấy lòng hồi hộp chi lạ. Không biết có phải vì tôi đang làm một việc nguy hiểm cho nghề nghiệp hay đời sống bản thân của tôi không mà tim tôi tự nhiên đập thình thình hay vì linh tính báo trước cho tôi một điều gì sắp xảy ra.

Tôi hồi hộp quá. Thông thường, khi đi băng rừng lội suối một mình tôi không có cái cảm giác lạ này. Đã biết đây là lần đầu tôi làm một việc nguy hiểm, nhưng đây là một việc nguy hiểm có tính toán, với lòng trắc ẩn giữa con người với con người trong cảnh hoạn nạn, trước cảnh ngộ chung của đất nước. Tôi không thể bàng quan trước cảnh cần cứu mà không cứu. Tim tôi đập thình thịch. Nguy hiểm như rình mò đâu đây. Tôi nhìn quanh quất. Chẳng thấy bóng ai. Vẫn theo thói thận trọng có sẵn, tôi bỏ ba lô xuống, dấu trong bụi rậm, rồi ra cạnh suối, cởi quần áo để trên bờ, chỉ còn mỗi chiếc quần đùi, nhảy ào xuống suối.

Chỗ này, gần thác, suối mở rộng ra như một hồ con, nước không chảy xiết như phiá dưới khi giòng suối thu hẹp. Tôi định bơi nơi này năm mười phút rồi lặn xuống nước lại gần thác nước để vào điểm hẹn sau khi chắc chắn không có ai rình mò quanh đây. Tôi mà bị bắt quả tang với hai người vượt biên thì tiêu tùng chức vụ giáo viên chuyên trách, tiêu tùng tương lai, tiêu tùng hy vọng giấc mộng thi vào đại học để phục vụ quê hương sau này của tôi. Nếu bị bắt, không bị bắn cũng bị cầm tù.

Tôi đang bơi thì đột nhiên có tiếng người gọi lơ lớ tiếng Thượng:

-- Này anh kia, lên đây chúng tôi hỏị

Giật mình tôi ngẩng đầu nhìn lên bờ. Ba anh bộ đội đang cầm súng AK lăm le trên bờ. Thì ra linh tính tôi đã báo trước những điều bất ổn. Tôi hít một hơi dài rồi thong thả bơi, tim đập rối bời. Tôi cố điều hoà hơi thở khi bơi vào bờ. Rồi bình tĩnh đứng lên đi tới gần khi tới chỗ nước cạn:

-- Chào các anh, em tên Quang, không phải người Thượng. Em là giáo viên chuyên trách vùng này. Đi công tác mệt nên ghé xuống suối tắm một tí trước khi đi lên B 8.

-- Đồng chí có giấy tờ chứng minh gì không?

-- Dạ có, để em lấy cho các anh coi, trong túi quần của em kia kìa.

Tôi đang định cúi xuống rút giấy tờ trong túi thì bị một anh bộ đội chận lại.

-- Đứng yên, để tôi lấy.

Hai anh bộ đội kia đứng kè kè với hai khẩu AK. Trời phù hộ làm sao đó, lúc này tôi đã hoàn toàn bình tĩnh để đối phó với bất kỳ hiểm nguy nào. Cứ bình thường trong hoàn cảnh này tim tôi loạn xa, mặt chắc xám ngắt không còn giọt máu, nhưng lúc này tôi tự nhiên không còn mảy may lo sợ nào. Việc gì đến sẽ đến không thể hồi hộp lo sợ tạo cho người khác nghi ngờ mình được, phải tuỳ cơ ứng phó thôi. Tôi nhủ lòng.

Anh bộ đội cúi xuống rút trong túi quần chiếc ví da của tôi, rút ra giấy chứng minh nhân dân có hình đã làm sau khi miền Nam bị tiếp quản. Hình chụp mới một năm nên vẫn còn giống y chang. Anh đưa cho hai anh bộ đội kia xem giấy chứng minh nhân dân của tôi rồi coi tiếp tờ giấy chứng nhận là giáo viên trong huyện Chư Pah, cộng thêm giấy chứng nhận tôi là giáo viên chuyên trách trong các xã B 8, B 9, B 10, B 11 và B 12 trong huyện. Hai tấm bài sai màu vàng nhạt có dấu triện của phòng giáo dục huyện đang nằm ở B 9 với chữ ký của anh Trần Quang Nhật khi tôi về thị xã đã đi bọc nhựa cẩn thận bây giờ trở thành bùa hộ mạng của tôi.

Ba anh bộ đội gật gù hỏi chuyện, hỏi tôi đã đi công tác bao lâu, đã đi những nơi nào trong vùng này. Như trúng tủ, tôi thật thà nói hết. Tiếng Thượng bập bẹ thuở xưa của tôi giờ này như đã chuyên nghiệp có bao nhiêu tôi phăng phăng ra lác mắt ba anh bộ đội này. Tôi kể chuyện băng rừng vượt suối, đi từng làng tham quan và giảng dạy. Tôi hỏi:

-- Các anh có phải đóng ở B 11 không?

B 11 có một căn cứ bộ đội hồi tôi ở làng Tung Reng đã ghé qua, giúp dân Thượng buôn bán gà. Lúc đó tôi có quen Thượng Uý Minh là C trưởng ở đó. C có lẽ tương đương đại đội, C trưởng giống như đại đội trưởng.

-- Đồng chí biết căn cứ chúng tôi ở B 11?

-- Dạ em có tới căn cứ đó cách đây vài tháng trước. Có quen Thượng uý Minh là C trưởng ở đó!

Một anh bộ đội vỗ vai tôi:

-- Thế đồng chí là người nhà với bọn này rồi.

Tôi mừng rỡ hỏi:

-- Chú Minh bây giờ khoẻ mạnh không?

-- C trưởng ấy à, lúc nào đồng chí ấy chẳng khoẻ! Bọn tớ mới bổ xung, cho ít đồng chí về phục viên. C trưởng còn phải ở lại nên ông ấy bực mình lắm!

-- Thì trước sau gì chú ấy cũng được về phép mà! Bây giờ thời bình rồi chứ đâu còn chiến tranh nữa mà lo không có ngày về.

-- Chưa biết, đồng chí ạ Không chừng bọn mình phải vượt Cam-pu-chia! Tuần trước có một số đồng chí được lệnh đi tới bên giới Cam-pu-chia và Thái Lan để vẽ bản đồ chi đó. Nhà nước mình hoạch định kỹ lắm không biết bao giờ bọn mình mới được về Bắc lại.

-- Các anh về không được, thì gởi thơ về đưa gia đình sang đây. Trong Nam đất còn rộng. lại phì nhiêu, gia đình các anh vào đây vừa tiện vừa có dịp vươn lên đó.

-- Thì cũng nằm trong chương trình định cư của nhà nước. Đất trong đây màu mở mà chưa khai phá hết, uổng quá! Ngoài Bắc, cả tới nghĩa trang cũng trồng khoai, sắn ... Trong đây phí thật!

Chúng tôi chuyện trò vui vẻ ngay cạnh bờ suối hỏi tên tuổi từng người. Ba anh bộ đội Lý, Tiến, Công đều mới gia nhập bộ đội trong năm 1975 trước chiến dịch Hồ Chí Minh, chưa kịp vào Nam thì tin chiến thắng đã về tới Bắc nên các anh cũng được thơm lây chứ chưa hề nổ súng hay thấy chết chóc trong trận mạc lần nào nên tính tình cũng còn hiền hoà. Tôi tìm ra nguyên do các anh ấy vì sao đi tới đây. Họ đi săn nai rồi bị lạc. Tôi mừng thầm.

-- Đi săn nai mà các anh xuống suối này thì không xong rồi. Các anh phải đi về phiá B 8, đọc con suối Ea Rong, thoai thoải không thụp hẳn như ở đây! Đố nai nào xuống uống nước nổi ở đây.

Ba anh mừng rỡ ra mặt, hỏi kỹ tôi đường lối đi làm sao. Tôi chỉ nhưng họ cũng mù mờ. Tôi phân vân không biết có nên dẫn họ đi tới suối Ea Rong không, nếu đi thì có thể lấy thêm ít tin tức có lợi cho cuộc vượt biên của hai anh Trung và Tâm, và nếu đi thì có nên lấy ba lô đi theo không? Tôi quyết định:

-- Trời chiều rồi, để em đưa các anh tới suối Ea Rong nha!

Tôi đưa ba anh ấy đi mà không ngoái lại nhìn cái ba lô của tôi đang dấu kín trong bụi rậm tí nào. Tôi còn kịp giờ để trở lại. Từ chỗ này tới Ea Rong chừng nửa tiếng, nửa tiếng đi lại đây vẫn còn kịp chưa tối . Không chừng đêm nay tôi phải nằm ở lại đây, lại phải một đêm hồi hộp nữa. Đã phóng lao thì phải theo lao. Tôi hăng hái vui vẻ dẫn ba anh Lý, Tiến, và Công đi Ea Rong.

(Còn Tiếp)

Nguyên Đỗ



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả