Cuộc thiết chiến > 15-16-17-18-19


15.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 19 tháng 11 năm Mậu Tý (19-12-1948)

BÍ PHÁP VỊ THA DIỆT KỶ
TỨC LÀ DĨ CÔNG DIỆT TƯ


Đêm nay Bần-Đạo giảng tiếp: Trường thiệt-chiến nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về huyền-vi bí-mật của các cơ-quan hiệp nhứt là về triết-lý: "Vị tha diệt kỷ" tức là "Dĩ công diệt tư", ấy là Bí-Pháp. Nếu có thể thật-hành tại mặt địa-cầu này, đặng cứu vãn cả cơ-quan tương khắc, tương đối, đem nhơn-loại ra khỏi vòng tương-tàn, tương-sát lẫn nhau. 

Vả chăng, trên Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, các Đấng lấy thuyết dục-tấn làm căn-bản, dầu cho về mặt triết-lý cũng ở trong tay các Đấng mà có tự do tín-ngưỡng, các Đấng chịu ảnh-hưởng của Nho-Giáo, nêu lên lẽ công bỏ điều tư. Ngoài ra có tín-ngưỡng mới rõ danh-vị của huyền-vi thưởng phạt, và toàn cả quyền năng hữu-hình và vô-hình của Đức Chí-Tôn là Đấng Chủ-Tể muôn loài.
Nhưng hại thay!Trong triết-lý của Nho-Tông tín ngưỡng lấy tinh-thần của nhơn-loại mà chịu cái ảnh-hưởng ấy thôi, ấy là phương-pháp trong sự tự-do tư-tưởng và tự-do tín-ngưỡng của nhơn-loại, mà nhơn-loại chịu ảnh-hưởng ấy chưa đoạt được quyền vi-chủ ấy, nên giữa Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa phản đối nói rằng: Chúng tôi thấy tại mặt thế cả vạn loại bảo-thủ sanh mạng có nhiều lẽ bất công trước mắt, trường đời hổn loạn, mạnh được yếu thua, ngu bị tàn hại, trí được cường-liệt. Dầu cho nhơn-loại cũng vậy, chúng tôi thấy trước mắt đương nhiên mặt địa-cầu này, tấn tuồng tiếp diễn mãi thế, không buổi nào dứt đặng. Bực Đại-Giác của nhơn loại kiếm phương thuốc dung hòa, các cơ-quan tuồng đời đã xô đuổi nhơn-loại đi trên con đường diệt vong. Buổi tương-lai đây, hỏi nếu có một quyền năng vô-hình định vận, định căn cho toàn nhơn-loại, quyền năng đó có đủ năng-lực để bảo vệ họ và ngăn cản không để cho sự bất công tiếp diễn nữa không? 

Tưởng nếu chúng ta bị vấn nạn như vậy, chắc khó giải quyết lắm, may thay, nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa các Đấng Trọn-Lành chưa chịu thua họ, các Đấng ấy trả lời:
"Cũng bởi nguyên căn dĩ tư diệt công, dĩ kỷ diệt tha", tấn tuồng tiếp diễn giờ phút nào thì luật tương đối định mạng vận cả sanh-hoạt của vạn-loại vẫn còn đến giờ phút ấy. Giờ nào mà nhơn-loại biết dĩ công diệt tư, dĩ tha diệt kỷ, giờ ấy là giờ giải thoát cho nhơn-loại chớ có gì đâu. 

Chúng ta nhìn thấy trường đời, có khác chi nơi cửa Thiêng-Liêng kia lạ một điều là: Những cơ-quan của tinh-thần vật loại tạo thành tướng đều là "Dĩ kỷ vị tư", mà hễ dĩ kỷ vị tư tức có tương tranh tương đối, mà có tương tranh ắt có tương tàn tương diệt chớ có gì lạ đâu. 

Các vật loại đã chịu mặt luật Thiên-Nhiên, luật ấy định quyền dĩ công diệt tư, dầu cho xã-hội nhơn quần đến gia-đình cũng vậy.
Trong gia-đình toàn con cái lấy gia-đình làm chủ-nghĩa, mà họ lấy tư-kỷ thì gia-đình ấy náo loạn, tàn mạt. Trong một quốc-gia xã-hội, dân phải vị quốc (tức là vì nước) mình thì quốc-gia mới cường liệt, còn dân vị-kỷ chỉ biết hạnh-phúc cá nhân, không biết hy-sinh cho quốc-vận, thì nước nhà loạn lạc, xã-hội vạn quốc đương nhiên chỉ biết làm cho nước mình cường liệt, chỉ lo cho nước mình cao sang hơn các nước khác, chẳng qua vì vị-tư, vị-kỷ của họ mà ra. Nước này muốn đặt mình cho cao sang hơn nước kia, tức có phản đối có phấn đấu, mà hễ phấn đấu thì nhơn-loại tương tàn tương-sát nhau. Điều ấy không lạ, luật thiên-nhiên dục-tấn, họ dục-tấn đặng chi? Đặng đưa họ đến con đường hiệp nhứt tức là đường vị-tha bất vị-kỷ. Hại thay nhơn-loại chưa có tinh-thần đó, điều nào vị-kỷ đáng lẽ họ không gọi là công-lý hay gọi là chơn chánh đối với kẻ khác, họ để giá trị ấy là đê hèn, thô bỉ, lạc hậu, là lẽ bất công thì thế nào thế-gian này không đào độn loạn-ly cho được? 

Các bạn có giấu-diếm được không? Mời các bạn ra khỏi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa xem xuống thế-gian coi thế-gian đào tạo từ thử, coi tình trạng biến hóa của nó đặng quyết định do quyền-năng thế nào? Đứng trước cửa Diêu-Trì-Cung dưới cây phướn chiêu-hồn của Đức Diêu-Trì, ta dòm thấy một bản-đồ dường như trải ngửa cho chúng ta xem, thấy một khu đất de ra đại-hải, đất ấy một phần bưng lầy nho nhỏ, một phần trên gò nỗng, chỗ khuyết chỗ đầy, chỗ lưng chỗ vơi dơ dáy là bùn để giá bán ba trăm quan. Mảnh đất ấy là thành Nữu-Ước (New York) tình cảnh đìu-hiu để giá bán chỉ có 300 quan mà thôi.Rồi chúng ta thấy hình nó biến tướng ra sao? Nó thành Châu-thành nho nhỏ, vừa như Châu-thành vừa như cửa biển, các con buôn đến buôn bán. Kế thấy biến tướng ra một Châu-thành lớn, thiên hạ lên xuống nhứt là bán vàng, xem ra tình-trạng kha khá rồi, biến nữa, thấy Châu-thành lớn lao, thiên-hạ náo nhiệt, đó là đến thế-kỷ La Fayette, lúc ấy thiên-hạ nơi thành Nữu-Ước tìm phương giải thoát nạn đô-hộ của Anh, biến nữa thì thấy lầu đài chớn-chở, cửa biển thuyền bè tấp nập, thiên-hạ đô hội, nhà thì cất 100 từng, lầu các nguy-nga không còn tình trạng như trước kia. Những nơi bùn lầy thành ra một cửa biển lớn lao vô cùng tận, giàu sang vô đối. Nếu chúng ta tưởng tượng, tại có những cái tư-kỷ ban sơ mà thành Nữu-Ước có được cảnh trạng bây giờ, hỏi nhơn-loại muốn bảo thủ cái nào, muốn bảo thủ mảnh đất bùn lầy hay là cảnh đài các hiển nhiên đây? 

Các Đấng ấy nói: Chưa hết, sẽ còn thay đổi nữa, chẳng phải thành phố Nữu-Ước thôi, mà cả hoàn-cầu đến hạn định của mình đều phải đổi nữa. 

Các bạn Việt-Nam, cho các bạn thấy bản-đồ thành Sài-Gòn, dòm thấy trên bản-đồ do con sông lớn hai bên bần mọc li-bì, kế đó con sông nhỏ, sơ-rơ mấy nhà thuyền chài. Bến-Nghé là đó, bùn lầy dơ bẩn hai bên sông lớn chảy dài vô trong ruộng đầy-đặn, đưng cỏ mọc. Thỉnh-thoảng thấy biến tướng ra hai bên sông bớt bần, thiên-hạ chen nhau cất nhà, gọi là nhà sàn, đầy dẫy thuyền bè tới lui buôn bán. Biến nữa, thấy dựa bờ sông có người xúm-xít cất nhà, nhóm thành làng lớn, nhà cửa thuyền bè đặt nghẹt. Biến nữa thấy ruộng khô, nhà đắp nền đất, nhà ngói, nhà tranh nhiều. Biến nữa thấy hai bên bờ sông nhỏ, bây giờ là đường Charner, thiên-hạ ở coi náo nhiệt, lao-xao lố-xố. Biến nữa, con sông đó đâu mất, hai bên bờ sông lớn không còn nhà sàn như trước nữa, lại có tàu khói ra vô tấp nập, thiên-hạ buôn bán. Biến nữa thấy Châu-thành buôn bán sầm uất. Biến nữa thấy lầu đài, nhà thờ nhà nước. Rồi biến nữa ta thấy Châu-thành đương nhiên bây giờ. 

Các Đấng hỏi: Chúng ta muốn bảo thủ thành Sài-Gòn như trước, còn ruộng đất bùn lầy, hay muốn bảo thủ phong cảnh ngày nay? Lại nói: Chưa hết đâu còn thay đổi nữa.

Bây giờ có người nhứt định nói hiện giờ có Đạo Cao-Đài chờ coi đặng làm bằng chứng. Tìm tòi thấy Đền-Thánh chúng ta đây, bản-đồ có rừng, cây, cọp, beo, khỉ đủ thứ thú dữ ở. Rồi thấy biến ra vài ba cái nhà tranh cất leo-teo trong rừng. Biến nữa, thấy phát ra một khoảnh trong cất Đền-Thờ, với vài ba cái nhà lá làm trú phòng. Rồi biến ra chòi cất cùng hết, mỗi nơi mỗi cái chòi xen lẫn nhau trong rừng có vùng đắp đất. Biến nữa thấy thiên hạ vô Đền-Thờ coi được sạch-sẽ, vẻ-vang. Thấy làm gì mấy ông lớn vô rồi ba người ở ngoài cửa mắng nhiếc chưởi bới. Biến nữa thấy thiên-hạ người nghèo khó tấp nập ra vô, đốn cây, ban gò mối, làm cho đất bằng phẳng. Biến nữa thấy chất đá ngói cất Đền-Thờ lợp ngói, biến nữa sập cái Đền-Thờ đó xuống có Đền-Thờ khác thiên-hạ đang làm, tức là Đền-Thờ đương nhiên dinh-thự mọc lên cùng khắp. 

Hỏi Đạo Cao-Đài muốn có bảo thủ khu rừng hoang vu hay là bảo thủ Đền-Thánh hiện giờ, hay là muốn giữ để làm tư-kỷ cho mình chăng?

Các Đấng ấy nói các sự biến-tướng là gì lẽ công hết thảy, dầu cho thành Sài-Gòn hay thành Nữu-Ước đều biến-tướng theo lẽ công không vì tư được, nhà ta cất giờ phút này, bất quá là mở phần tựu hình đặng cốt yếu trong sự thống-nhứt vì công, không vị-tư vị-kỷ được. 

Ấy vậy, ta thấy hữu-hình hiện giờ, cái bí-mật huyền-vi Thiêng-Liêng trên con đường trải qua từ Bát-Quái-Đài đến đây thấy thế nào? Thấy có những cây, khi đi ngang qua các Đền Đài phải biết rằng, có bàn tay của mấy người tượng nắn ra các cái đó, các vật chung quanh mỗi người nhìn thấy trên con đường trải qua ấy, cũng chính tay mỗi đứa mình đào tạo thành ra một vật chung, nó là công không phải tư,
cho đến Đức Phật Mẫu mà các người đến kiến định, nhìn nhận là Mẹ sanh của mình tại thế, chính Phật-Mẫu tượng hình cho chúng mình. Phật-Mẫu cũng là công, không phải tư được, còn Chí Tôn mà ta sẽ gặp tới đây ta sẽ thấy Chí-Tôn là cha của mỗi đứa mình, thấy Ông định nhập vào cho công và hết còn là tư. Về huyền-bí Thiêng-Liêng, nắm cái Càn-Khôn lập quyền-năng vững chãi do nơi cơ-quan vị-công bất vị-tư. 

Thế-gian này, ngày giờ nào nhơn-loại lấy của mình làm công, không lấy một mảnh đất nào làm tư nữa, thì ngày giờ ấy thiên-hạ mới hạnh-phúc./.

--------------------

16.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 22 tháng 11 năm Mậu Tý (22-12-1948)

LUẬT THƯƠNG YÊU, QUYỀN CÔNG CHÁNH
DÌU DẮT CON NGƯỜI ĐI ĐẾN THỐNG NHẤT TÍN NGƯỠNG


Hôm nay chúng ta đã đến tại nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa đặng quan-sát kiếm tìm cả sự thiệt-chiến coi có cái chi phản-khắc với chúng ta không? 

Từ hôm trước đến nay Bần-Đạo đã thuyết-minh những điều vấn nạn của các Chơn Linh siêu thoát. Nhưng vì thiếu đạo-đức tinh-thần, kiếm đủ triết-lý đặng chối tội, chúng ta đã thấy các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa kia chưa để cho họ đặng thắng đó vậy. 

Đêm nay chúng ta tưởng mình lên tại chót Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, kỳ này là kỳ trọng yếu hơn hết. Bởi vì họ vấn nạn về quyền-năng tín-ngưỡng. 

Luật Thương-Yêu Công-Bình của các vị Giáo-Chủ đã để tại mặt thế-gian này, vấn nạn kịch liệt lắm, chúng ta để ý, hạng nhứt là Chư Chức-Sắc Thiên-Phong Nam Nữ nên cần để ý cho lắm. 

Bần-Đạo thuyết đêm nay là đêm trọng yếu hơn hết, họ vấn nạn về tín-ngưỡng. 

Kỳ trước Bần-Đạo giảng về chỗ có nhiều Tôn-Giáo làm cho nhơn-tâm bất nhứt, ngày hôm nay họ công-kích về luật điều, họ hỏi:
"Nếu như Đạo-Giáo có một khuôn khổ hữu hình, tức nhiên là phải chiếu theo khuôn-khổ của Thiên-Điều mà tại sao lại các vị Giáo-Chủ lập giáo bất đồng với nhau? Vị này nói vầy, vị kia nói khác, tức nhiên phản-khắc với nhau, biểu sao nhơn-loại không chia rẽ? Biểu sao không thống-nhứt? 

Các vị Giáo-Chủ quan-sát lại coi những Đạo-Pháp, Đạo-Luật của mấy vị Giáo-Chủ ấy, vẫn là phương-pháp khắc bạc với nhau, phản đối với nhau, không đồng tâm không đồng đức, nhứt là không đồng tánh về tư-tưởng, đạo-đức, tinh-thần, biểu sao nhơn-sanh không chia rẽ, nếu chia rẽ tức nhiên loạn-lạc. 

Đời lúc nào cũng phản khắc loạn-lạc, chia rẽ. Thì các Đấng Trọn-Lành nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa họ chỉ ngồi họ cười. Họ nói: Luật hữu-hình bất công của các chủng-tộc nơi mặt địa-cầu này, là tại nhiều tâm-lý, nhiều tâm-đức, nhiều tinh-thần, đừng có nói là một nòi giống, một quốc-gia, hay vạn-quốc, tánh-đức nhơn-loại bất đồng thay, chẳng khác nào các vị buộc vị Phật (Sĩ-Đạt-Ta) lập giáo nơi Ấn-Độ là Phật-Giáo ngày nay, mà Ngài đồng tâm đồng tánh với người khác giống được. Ngài vẫn làm chủ tâm-lý của loài người do tại đâu? Do mặt Luật Bác-Ái và Công-Bình, những phương-pháp của các vị Giáo-Chủ, dầu cho luật-pháp đã lập nền Tôn-Giáo bất điều hòa với nhau nhưng đó cũng mở đường chỉ nẻo cho nhơn-loại đi đến con đường của Đạo-Giáo, tức là tín-ngưỡng thờ Người và thờ Trời. Còn về luật-pháp của mình, Đức Phật Thích-Ca có nói nếu như Ngài không Bác-Ái không Công-Bình, thì Đạo-Giáo của Ngài không Bác-Ái Công-Bình đặng, lập đạo từ trước đến giờ. Hỏi Đấng ấy lập giáo của họ trên nền tảng nào? Có phải là Bác-Ái và Công-Bình chăng? 

Nếu không phải Bác-Ái và Công-Bình thì chưa có tìm một triết-lý cao siêu, để vào tâm-lý tinh-thần nhơn-loại mặt thế này. Chúng ta đã ngó thấy của ấy là Nhân đó vậy.

Nhưng trái ngược lại, họ còn giành phần họ đánh ép mình, nếu chúng sanh không có tinh-thần với họ và nếu không có công-bình, tâm-lý, tinh-thần và không lòng thương yêu đầy dẫy, chưa đồng tâm tánh trí não, thì các Ngài chưa hạ mình xuống đặng nâng đỡ tinh thần loài người dường ấy. 

Đức Lão-Tử thấy thiên-hạ không biết nhìn phẩm-vị của mình, không biết chơn-tướng của mình để nơi nào mà định vị cho mình. Trái ngược lại, Ngài sanh ra tại đất Trung-Hoa, buổi tâm-lý nhơn sanh điêu tàn, họ không biết phẩm-giá con người là gì? Đến đổi tâm-lý loài người buổi ấy cũng xáo trộn, không còn chơn-phẩm của người. Họ không biết tự tôn họ, họ chưa biết phẩm-vị họ, thì họ chưa tin thiên-hạ, tức nhiên là thú-chất vật loại, nếu không phải có bác-ái từ-bi thức tỉnh nhơn-loại buổi ấy, thì họ chưa biết phẩm-vị tối cao tối trọng của họ. Họ không còn làm con vật nữa! Nếu chẳng Bác-Ái Công-Bình chưa hề khi nào lập nên nền Tôn-Giáo như thế đặng. 

Đến ngày nay nước Tàu còn lưu lại, Ngài nói chẳng phải nói Á-Đông mà thôi đến Âu châu cũng vậy. Ngài nói cái triết-lý Đạo cao siêu chơn thật, người ta theo không biết bao nhiêu. Nói về chơn thật thì chúng ta bảo vệ tinh-thần mà thôi. Các Ngài tìm thấy, các Ngài ngó lụng lại, các Ngài thấy tinh-thần mà thôi, dầu luật-pháp Tôn-Giáo cũng do Bác-Ái Công Bình mà lập thành, những phương-pháp họ tạo ra cho có hình-tướng cốt yếu dìu dắt tinh thần nhơn-loại, đi đến mức cao thượng là Bác-Ái Công-Bình. Bác-Ái Công-Bình ấy là Đạo Nhơn-Luân đó vậy. Nho-Giáo, Đức Khổng-Phu-Tử lập tại Trung-Hoa vì Ngài thấy nhơn luân buổi nọ điên đảo điêu tàn nên mới lập ra Nho-Giáo để bảo vệ Nhơn-Luân. 

Cũng vậy nữa
, Lão-Tử, Ngài thấy nhơn-phẩm suy đồi không còn giá-trị tâm-lý, nhơn sanh buổi ấy mất hẳn giá-trị của nhơn-loại, nên Ngài hạ mình xuống đặng định Luật- Pháp, trụ cái Đạo Nhơn-Luân làm căn bản, hễ biết trọng mình, biết địa-vị mình, tức nhiên Thiên-Đạo, biết Thiên-Đạo tức nhiên biết Thiên-Điều, biết Thiên-Điều tức nhiên biết Đức Chí-Tôn, tạo Đạo, mình phải giữ Đạo. Ngài không lẽ lấy danh tánh của Đức Chí-Tôn làm của tư được. 

Ngài nói, đệ nhứt Đạo, tối cao tối trọng, đặng chỉ mặt Luật Bác-Ái và Pháp Công-Chánh. Đã định cái sống trong Càn-Khôn Vũ-Trụ thì phải định cái sống cho loài người, định cái sống cho toàn cả chủng-tộc cho toàn mặt địa-cầu này. 

Luật-Pháp của Ngài nó đã trái hẳn phong-hóa mặt địa-cầu, nói về tinh-thần đạo-đức của Tôn-Giáo nó là mô giới, cho nên ngày giờ này cả vạn-quốc đều để tâm tìm kiếm Luật Pháp ấy. 

Vì cớ cho nên Đạo Cao-Đài Đức Chí-Tôn có tiên-tri rằng: "Đạo Cao-Đài tức nhiên là một cây cờ báo hiệu cho Vạn-Quốc toàn-cầu hay trước là: Thời kỳ Nho-Tông chuyển thế đã đến".

Đạo Đức Chúa Jésus-Christ tức nhiên là Công-Giáo, nếu Người không có Bác-Ái thì chưa đem xác thịt của mình làm con vật đặng tế Đức Chí-Tôn. Ngài cầu xin tha thứ tội tình cho nhơn-loại, Người ấy là Người đáng để lòng thương yêu, nếu đem ra làm kiểu mẫu cho nhơn-loại bắt chước thì Tôn-Giáo Gia-Tô đã đoạt được bao nhiêu tinh-thần thương yêu nơi mặt địa-cầu này vậy. 

Nếu các Ngài còn chối cãi thì tôi nói rằng: "Dầu cho muôn đường ngàn nẻo thì các Ngài cũng phải chọn một, các Ngài chối không chịu dìu-dẫn tâm-lý loài người đi trong con đường tín-ngưỡng và dìu-dắt tinh-thần loài người trong Luật Yêu-Thương và Pháp Công-Chánh, các Ngài chỉ đem mấy bản hồ-sơ ra để trước mắt Tòa Tam-Giáo mà cầu rỗi lấy mình, tôi dám chắc các Ngài không phương thế gì chối tội đặng. Dầu cượng lý bao nhiêu cũng không chối đặng, các Ngài chối tội xin có bằng cớ dĩ nhiên rằng: 

Đạo Cao-Đài xuất hiện, Đức Chí-Tôn đến mở Đạo 24 năm trường, Ngài đến ký một bản Hòa-Ước Thứ Ba với Nhơn-Loại, vì bản Hòa-Ước Thứ Hai nhơn-loại đã phản bội, không giữ sự tín-ngưỡng của mình vì cớ cho nên thất Đạo, nhơn-loại đi trên con đường diệt vong tương-tranh tự-diệt nhau. Vì lòng bác-ái từ-bi cho nên Đức Chí-Tôn Ngài đến, Ngài ký tờ "Hòa-Ước Thứ Ba" này nữa, để nơi mặt Luật-Điều cho chúng ta. 

Các Đấng Thiêng-Liêng chỉ ngay Đạo Cao-Đài mà tín-ngưỡng và từ-bi cho y theo chủ pháp của mình "Dieu et Humanité" nên Trời và Người về mặt Luật Bác-Ái, về mặt Pháp Công-Bình, ngoài ra dầu Luật-Pháp muôn hình ngàn tướng cũng vẫn trong Luật Bác-Ái và Công-Bình mà thôi. 

Hội-Thánh Cao-Đài cũng vẫn do mặt luật vô-hình tối cao là mặt Luật Bác-Ái và Công-Bình, dẫn họ đến cảnh vô-hình tối cao tối trọng, cũng do Luật-Pháp của Đạo Cao-Đài.

Ngoài ra Luật Công-Bình Bác Ái tất cả còn lại là phương-pháp mà thôi. 

Kỳ tới Bần-Đạo giảng cái quyền-năng là cái hiệu-nghiệm của Luật Bác-Ái và Công-Bình./.

----------------

17.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 26 tháng 11 năm Mậu Tý (26-12-1948)

QUYỀN NĂNG CỦA LUẬT THƯƠNG YÊU, PHÁP
CÔNG CHÁNH VÀ HÒA ƯỚC CỦA CHÍ TÔN VỚI LÒAI NGƯỜI


Kỳ trước Bần-Đạo thuyết cuộc thiệt-chiến tại Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa về mặt luật các nền Tôn-Giáo để, có thuyết sơ cái Luật và Pháp của Đức Chí-Tôn đã dành cho Thánh-Thể của Ngài thi-hành Đệ-Tam Hòa-Ước của Ngài. 

Bần-Đạo hứa sẽ thuyết-minh cái quyền-năng của Luật Thương-Yêu và Pháp Công-Chánh. Bần-Đạo đã nói sơ qua cái luật quyền-năng của Đức Chí-Tôn đã nói buổi nọ, buổi ấy luật hình của Đức Chí-Tôn cho nhơn-loại chưa có ký tờ Hòa-Ước, Đức Chưởng-Đạo đã có tả sơ qua cho chúng ta hiểu Đức Chí-Tôn buộc Thánh-Thể của Ngài và toàn nhơn-loại tùng một khuôn Luật Thương-Yêu và Bí-Pháp Công-Chánh. Khi đó Bần-Đạo hỏi Ngài: Thầy là Thầy, Cha là Cha cả thảy sao Ngài lại xưng bằng Thầy, thì Đức Chưởng-Đạo nói: Cha thì đáng Cha, Thầy thì đáng Thầy, nói đến Bần-Đạo sẽ giảng sơ qua bài thi: "Luật Thương-Yêu Quyền là Công-Chánh". 

Gần thiện-lương xa lánh phàm-tâm, 
Làm cha nuôi sống âm thầm; 
Làm Thầy lại nhượng phẩm Thần, ngôi Thiên. 

Tức Ngài cho hiểu Đệ-Tam Hòa-Ước với Đức Chí-Tôn, Ngài sẽ buộc nhơn- loại nhứt là Thánh-Thể của Ngài thi hành Luật Thương-Yêu và Quyền Công-Chánh.


Bây giờ Bần-Đạo thuyết về cái năng-lực của Luật Thương-Yêu của Quyền Công Chánh, chúng ta đã thấy hiện-tượng trước mặt chúng ta cả cơ-quan tạo đoan hữu- hình. Chúng ta chẳng cần tìm sâu-xa mà hiểu là do nơi Luật Thương-Yêu mà sản-xuất, vật gì, con gì, nó cũng có tình ân-ái của nó, thoảng như nó không có tình-cảm ân-ái của nó, thì nó không sanh-sản con cái được, con người không có tình thương với nhau, ân-tình với nhau nên chồng, nên vợ. Nếu không như vậy chắc là chưa có con nối dòng, truyền tử, lưu tôn cho loài người đặng.

Từ tạo Thiên lập Địa đến giờ, Luật Thương-Yêu dầu vạn-vật cũng thế, người cũng thế, Luật Thương-Yêu muốn đủ cao trọng hơn nữa, cao sang hơn nữa, thì luật định luật nơi Ngọc-Hư-Cung và Tây-Phương Cực-Lạc, tức Cực-Lạc Thế-Giái. Nếu nói thiệt đủ tinh thần mặt Luật Thương-Yêu ấy, trừ lại cơ-quan Tạo-Đoan, cả vạn-vật trong Càn-Khôn Vũ-Trụ này là Cung Diêu-Trì tức nhiên là Cung Đức Phật-Mẫu đó vậy. 

Nói thật nếu Đức Chí-Tôn Ngài không có những tình-ái, không phân ra đệ-nhị xác thân, Ngài là bạn, Ngài là cơ hữu-vi Tạo-Đoan Càn-Khôn Vũ-Trụ đương nhiên bây giờ, cũng như ta nếu chúng ta sợ cái cơ-quan Tạo-Đoan ấy, tức nhiên tạo đời của mình.
Nếu bên Nam, bên Nữ, sợ vợ, sợ chồng thì đâu có tạo ra đời của mình, phải có tình ái nồng-nàn, nó mới nên chồng vợ. Không phải vợ chồng thương nhau mà thôi, nó còn xô đẩy cao xa hơn nữa. Nếu chúng ta biết lương-tâm , nòi giống, quốc-gia, chủng-tộc tức nhiên chúng ta tạo đời, không phải thương chồng vợ mà thôi, Luật Thương-Yêu ấy nó còn cao xa hơn nữa! 

Bởi vậy cho nên Khổng Phu-Tử lập Giáo, Đạo Nho-Tông của Ngài chú trọng nhứt là Ngài lấy nhơn-luân làm căn bản, chặt-chịa mạnh-mẽ chắc-chắn lắm vì cớ cho nên Đạo Nho-Tông của Ngài để lại hơn hai ngàn năm vẫn còn nguyên-lực của nó, đương nhiên bây giờ nó còn đủ sức chuyển-thế đặng nó làm căn-bản mạnh-mẽ chắc-chắn. Căn-bản nhơn-luân chỉ sản-xuất nơi tình-ái mà ra, ấy
Luật Thương-Yêu Đức Chí-Tôn buộc phải theo, theo mới được, ký Hòa-Ước với Ngài, phải thi-hành cái luật ấy

Tờ Hòa-Ước này, ký với Ngài phải cho có hiệu-nghiệm. Ngài buộc ký với Ngài, thi-hành theo luật, cho chúng ta khỏi phải bội ước với Ngài, đã hai kỳ ký Hòa-Ước với Ngài, đều hai kỳ bội ước.
Nếu chúng ta xét đoán hai kỳ trước, Ngài có buộc luật ấy hay chăng? Sao không có, có chớ! Mà tại Ngài không nói với nhơn-loại, không nói tức không buộc, không buộc thì không làm, đã có định-luật mà không có buộc, không buộc thì không đặng.

Kỳ này Đức Chí-Tôn không nói, mà Đức Chí-Tôn buộc, lại buộc phải thi-hành quyền Công-Chánh, chúng ta không cần tìm Trời - Đất chi cả, cơ-quan dưới thế, nếu không có mặt công-bình về tâm-lý, không có mực thước công-lý tại mặt thế này, thì Bần-Đạo dám chắc rằng: Cả cơ-quan hiển nhiên bây giờ không còn tồn tại được. 

Có một điều khuyết-điểm chúng ta ngó thấy, một trường hỗn loạn, tương-tàn tương-sát với nhau, vì muốn thi hành mặt công-lý, tức nhiên lấy cân công-chánh làm mô giới cả cơ quan trị thế. Nhơn-loại loạn lạc tức nhiên mặt luật công-bình chúng ta đã ngó thấy, quả nhiên không thể chối cải cái gì được.
Công-chánh là nơi miệng lưỡi loài người, tức nhiên vạn-quốc đương dùng bây giờ là một phương-pháp để lường gạt tâm-lý nhơn-loại

Mặt cân công-bình thiên-hạ gọi là công-lý mà thế-gian này chưa có công-lý, mạnh thì công-lý của họ khác, giàu thì công-lý của họ khác, sang thì công-lý của họ khác, vinh hiển thì công-lý của họ khác, nghèo thì công-lý của họ khác.

Cái công-lý của nhơn-loại bây giờ là công-lý giả, vì bởi công-lý giả ấy, cho nên mới có trường hỗn loạn, tương-tàn tương-sát với nhau, phải họ đem công-lý về mặt tinh-thần quả quyết, đặng cân phân cùng các chủng-tộc nơi mặt địa-cầu này, nếu cân công-chánh ấy thiệt tướng của nó, thì thiên-hạ không có tương-tàn tương-sát với nhau, ngày nay máu sông xương núi, họ dùng lời dùng tiền, thực hiện công-chánh đặng lòe-loẹt nghĩa lý công chánh của họ, con người chưa có đoạt đặng công-chánh thật sự vì cớ con người chưa có mặt luật Công-Bình Bác-Ái dưới thế-gian này.
Bởi cớ cho nên Đức Chí-Tôn buộc cả con cái của Ngài nhứt là Thánh-Thể của Ngài thi-hành cho được thiệt tướng. 

Bởi vậy có câu Thánh-Ngôn của Ngài nói: "Ngày giờ nào các con dòm thấy
một lẽ bất công nào nơi mặt thế-gian này thì ngày giờ ấy chưa thành Đạo"./.

----------------------

18.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 8 tháng 12 năm Mậu Tý (6-01-1948)

HẠNH PHÚC CHƠN THẬT CỦA CON NGƯỜI

Hôm nay Bần-Đạo giảng tiếp cái hạnh-phúc chơn thật của loài người do nơi đâu mà có? Bần-Đạo đã tả do cuộc thiệt-chiến nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa, các Đấng Chơn-Linh cao siêu về trí-thức tinh-thần thiếu đạo-đức họ phản đối, họ cho rằng: Duy có bực chơn-linh cao trọng, đủ tinh-thần, đủ quyền-năng, đủ phương-pháp mới ngó ngay "Tứ-Diệu-Đề" tức nhiên là điều khổ của kiếp sanh đặng lập vị mình. Phần nhiều các chơn-linh khác không thể gì đảm đương quyết thắng "Tứ-Diệu-Đề" ấy đặng, tìm phương thế đặng giải khổ. Mà biết không giải khổ đặng, hơn nữa vì quá khổ, họ tìm mảy may hạnh-phúc, họ phải tìm lấy hạnh-phúc đặng giải khổ, duy có phương thế là tìm lấy hạnh-phúc trong phương tối khổ vì cớ mà tạo ra oan-nghiệt tội tình, quả kiếp là do nơi đó. Bần-Đạo nói vì cớ ấy cho nên rủ nhau tìm coi cái hạnh-phúc chơn thật của kiếp sanh con người do nơi đâu mà có? 

Bần-Đạo cũng luôn dịp để toàn-thể Thánh-Thể của Ngài toàn cả con cái của Đức Chí-Tôn lấy trí-thức kiếm hiểu coi nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa các Đấng Trọn-Lành trả lời với họ thế nào? Bần-Đạo thuyết đêm nay hơi lâu một chút phải rán ngồi chờ để tâm mà nghe. 

Bao giờ cũng vậy muốn thuyết cái chơn-lý, lấy cái Thể Pháp mà nhứt là dùng cái Thể-Pháp ngắn-ngủi khó lòng lắm, nhứt là phải thúc lại trong thời gian ngắn-ngủi này, vì thấy mỗi khi cúng rồi cả thảy đều mỏi-mệt, nên Bần-Đạo không muốn để cho Hiền-Hữu, Hiền-Tỷ, Hiền-Muội, Hiền Huynh, Hiền Đệ mệt mỏi như thế. Khó lắm không phải dễ, thuyết-pháp không phải dễ, dễ chăng là mấy bà lên nói hai ba câu rồi xuống kết cuộc của mấy bà là vậy thôi; thế nên hôm nay tóm-tắt như vậy thôi, cũng như có vị Giáo-Sư lên đài đứng sợ hãi quá, không phải dễ, chưa có ngày giờ tìm-tàng
. Mỗi khi Bần-Đạo thuyết, Bần-Đạo để riêng một chỗ trống để cho tinh-thần toàn-thể con cái của Đức Chí-Tôn kiếm hiểu châm thêm cho được cao siêu, chúng ta có thể tìm-tàng được. 

Bần-Đạo cố đưa chìa khóa cho cả thảy nắm trong tay, đặng mở ra hầu dìu dắt cả thảy đi cho trọn vẹn trong khối Linh-Đài của Đức Chí-Tôn. 

Ấy vậy chúng ta kiếm hiểu hạnh-phúc chơn thật của con người, tức nhiên của kiếp sanh, do nơi đâu mà có? 

Bần-Đạo thường khuyên nhủ muốn kiếm một sự thật của một chơn-lý, hay một triết-lý vô-hình vô-cảnh khó lắm, chúng ta phải thấu đáo cho tận cùng, duy chúng ta tìm-tàng dễ-dàng là chúng ta chỉ tìm nơi cái Linh-Đài, lấy cái nhỏ mà tìm cái lớn. 

Thoảng chúng ta muốn tìm phương-pháp giải quyết cái thống-khổ đương nhiên nơi mặt địa-cầu này, họ đương đi trong cảnh vô-hình để họ tìm hạnh-phúc cho nhơn-loại.

Ôi! Biết bao nhiêu cái mưu chước đặng tìm hạnh-phúc, mà tội nghiệp thay cho nhơn-loại họ cũng tìm, họ đương khao-khát cái hạnh-phúc thương yêu đặng để sống. Ai đề xướng ra tạo hạnh-phúc cho họ thì họ theo, họ chỉ theo Hitler vì họ tưởng Hitler tạo hạnh-phúc cho họ đặng. Như dân Ý theo Moussolini họ cũng tưởng tạo hạnh-phúc cho họ được mà thôi. 

Đương giờ phút này các chủng-tộc nơi mặt địa-cầu này, giờ phút này thiên-hạ đương bị lòe-loẹt vì hạnh-phúc ấy làm cho tinh-thần loài người đương hoang mang bất nhứt, cũng vì khao khát hạnh-phúc mà thiên-hạ bị lường gạt tinh-thần. 

Chúng ta suy gẫm kiếm hạnh-phúc của loài người do nơi đâu mà có? 

Bần-Đạo để cho cả thảy đều suy gẫm tìm kiếm. Bần-Đạo nói trắng ra thì chúng ta tự nghĩ mỗi anh em, mỗi người đều tự kiếm lấy mình, kiếm nơi mình, coi hạnh-phúc mình ở chỗ nào, kiếp sống chúng ta từ thuở lọt lòng, hạnh-phúc ở đâu, tìm thử coi? Chúng ta không thấy gì hết, chúng ta duy có biết đau khổ mà thôi. Bởi cớ cho nên, Bần-Đạo khuyên cả toàn-thể nhìn ngay "Tứ-Diệu-Đề" của Đức Phật Thích-Ca là đúng, mà sự phản-kháng của các Chơn-linh nơi Cung Hiệp-Thiên Hành-Hóa không phải là qua lẽ đó được. 

Chúng ta biết, kiếp sanh ta khổ, kiếp sanh ta từ buổi lọt lòng Nam-Nữ cũng vậy, phải tìm coi hạnh-phúc do nơi đâu mà có. 

Bần-Đạo dùng phép hồi-quang phản-chiếu xem kiếp sống của Bần-Đạo, chịu thống khổ bao nhiêu, và được bao nhiêu hạnh-phúc chơn thật. Bần-Đạo phải đi từ chỗ nào? Bần-Đạo ngó thấy Bần-Đạo sanh ra gặp nhà nhân-từ đạo-đức, ông thân Bần-Đạo làm một vị quan của đời Pháp (lúc ấy, Bần-Đạo mới có bốn tuổi) chức tước ấy cũng khá, có dư dã, dư ăn, đủ mặc, nếu ăn hối-lộ có thể làm giàu được, nhưng ông thân của Bần-Đạo đạo-đức lắm, người dĩ-đức vi-trọng. Ông thường thấy sự bất công thì ông phản đối lắm, nhứt là trường hợp bị áp-bức nòi giống của đám dân nghèo. Đem tinh-thần ra cứu đời như thế nên đứng không bền-bỉ, vì vẫn bênh vực những kẻ yếu hèn, kẻ cô đơn, phản đối kịch-liệt với cái oai-quyền đặc-biệt của thiên-hạ. Thiên-hạ ghét những người phản đối với họ, nên họ đuổi mình, ra về với Bà Mẹ lo tảo lo tần mua bán nuôi sống. Bần-Đạo thứ tám còn con em thứ chín nữa ở với nhau như bầy con ở trong cái ổ nghèo ổ rách như vậy, mấy anh mấy chị họ lớn hơn họ lập nên danh kẻ có chồng người có vợ, chỉ có mình Bần-Đạo ở với Cha-Mẹ mà thôi. Bần-Đạo là con chót, con áp út phải ở trong gia-đình đó, ngay buổi ấy tưởng mình vô phước, mà ngó lại ngay buổi ấy Bần-Đạo chưa biết gì hết chỉ có biết thương nhau mà thôi. Thương cha có công sanh dưỡng và chơn chánh, thương mẹ bảo trọng gia-đình lo tảo lo tần nuôi con, thương anh em trong gia-đình, duy có biết thương mà lo học, sợ không học Ông Bà buồn rầu. Nói con không học Cậu, Mợ buồn lắm, vì thương yêu quyết chí học, học là tánh-đức của thiên-nhiên, thương nhiều quá, thương trong gia-đình hơn ai hết, anh em cũng vậy, hạng nhứt là trong nhà bất hòa, là điều khổ hơn hết. Anh Chị bất hòa Bần-Đạo theo năn-nỉ, khóc lóc giải hòa, ngó lại hồi lúc đó đến bây giờ thì lúc đó hạnh-phúc nhiều hơn hết, chỉ có biết thương yêu mà thôi. 

Đến chừng lập được thân danh ra đứng đợt với đời, kiếp sống từ đó xét lấy mình thời buổi ấy đã tính trong óc Cha đã chết hồi 12 tuổi chỉ ở với Mẹ, thương Mẹ sợ Mẹ chết nữa không biết ở với ai? Sợ quá chừng quá đổi khi nằm ngủ cũng sợ. 

Ở tỉnh Tây-Ninh này người ta thường chôn đám xác ban đêm, khi ngủ nghe họ hò giựt mình thức dậy mò kiếm Bà Già, Bà Già hay hỏi con làm gì vậy? Con nghe người ta đưa đám xác con sợ Mẹ chết quá. Cũng vì sự thương quá đỗi, chừng được 17 tuổi quyết định ra làm việc để trả hiếu cho Mẹ. 

Bần-Đạo hiện tại ở Tây-Ninh thiên-hạ còn nhớ,buổi ấy không biết gì hết, duy có biết thương Mẹ mà thôi, thêm nữa mấy đứa em gái tới ngày giờ định gả lấy chồng chớ không còn ở chung nữa. Lúc ấy Bần-Đạo đã thi đậu, nếu ra làm việc với hãng buôn ăn lương lớn, mà sợ không biết nuôi Mẹ được không? Lại bị người anh rễ nói: Em làm việc hãng buôn ngoài không có danh-dự gì hết, nghe lời nên xin sở nhà nước, làm việc mỗi tháng lương 70, 80 đồng là nhiều lắm. Ăn xài hơn ai hết mà cũng dư một đôi chục bạc để nuôi Mẹ. Đến chừng lương còn hai chục đồng một tháng, chừng đó thiếu nợ lại còn thêm một bà vợ nữa, công việc bối-rối ra không biết bao nhiêu nữa, tới chừng đó không còn lo cho Mẹ được nữa. Còn lo gì nữa được, lúc đó khổ về xác mà tinh-thần cũng khổ nữa, không biết buổi nào quên được, mà trong gia-đình khi đó tạo hạnh-phúc được chưa? Chưa tạo hạnh-phúc được thì bà Mẹ đã chết! 

Năm Bần-Đạo được 22 tuổi, đau đớn biết bao nhiêu chỉ có biết một điều là lo lập thân danh đặng nuôi Mẹ, lập đặng thân danh để bảo trọng anh em. Đến chừng thành danh rồi khổ đáo để, Cha Mẹ đã khuất hết, dầu thương bao nhiêu cũng không còn, lại bị ác nữa là vợ con gia-đình sanh đẻ mãi, đâu có lo ngoài được nữa, khởi thống-khổ tâm hồn. Tới chừng cao sang sung-sướng ngó lụng lại không thấy Cha Mẹ, vì Cha Mẹ đã chết hết. Hai Đấng ấy đã chết hết thôi mình đeo theo anh em, em chết nữa, lần lượt bao nhiêu người thân-ái đều chết hết, bao nhiêu cái thương nồng-nàn chỉ để nơi một người Anh Rễ, thương hơn anh ruột nữa. Có một người em gái thứ chín, đó là người bạn thân mến trong kiếp sanh của Bần-Đạo mà đã qui liễu rồi. Tới chừng ấy tâm hồn ngơ-ngẫn, xác thịt bơ thờ, đi ra ngoài đồng ngó ngọn cỏ, con chim nó cũng nhắc, nghe tiếng hát của mấy em cấy lúa, nghe tiếng hò của người chèo ghe, cũng nhắc tới nỗi đau thương. Từ ngày ấy, không biết buổi nào được vui, chỉ muốn tu, muốn tìm cảnh tu, cho đến từng tuổi này đáo để tâm hồn quá lẽ. 

Nhờ Đức Chí-Tôn đem cây đuốc Huệ-Quang chiếu diệu tâm hồn này đặng gỡ mối đau khổ. Vì cớ cho nên Bần-Đạo theo, càng theo cái lý-tưởng càng để tâm hồn theo Ngài, rồi Ngài giao tình thương yêu nồng-nàn hơn muôn triệu lần của gia-đình nữa.

Hễ biết tu thì biết Đạo, hễ biết Đạo rồi thì biết dìu-dắt anh em chị em tình thương yêu nồng-nàn đáo để, thương hình-trạng của thiên-hạ muôn ngàn đau khổ. 

Bần-Đạo đã sống bao nhiêu năm khổ chỉ biết chung chịu điều thống khổ với nhau, mà mấy anh lớn, mấy chị lớn lần lượt họ đi về Đức Chí-Tôn hết, chỉ để một mình Bần-Đạo quằn-quại gánh vác hai vai, khổ anh khổ em, mà các bạn còn bơ-thờ chẳng biết đạo hạnh là gì hết, nỗi lo Đạo-nghiệp, nỗi lo dạy-dỗ mấy em, nỗi lo cho đám con trẻ, mà mấy kẻ không có tay giúp đỡ vì Đạo, binh vực cho Đạo, mà tình-trạng thể tánh còn thay đổi. 

Trái lại Bần-Đạo đem thân mình vô cửa Đạo đặng thoát ly thống-khổ cho tâm hồn, mà nó lại còn tăng thêm cái thống-khổ nữa. Hỏi cái thống-khổ của Bần-Đạo nơi đâu mà sản xuất, trong cảnh khổ ấy Bần-Đạo cũng có thể tìm hạnh-phúc đặng mà sống, nếu không có hạnh-phúc thì Bần-Đạo đã chết rồi, chết hồi thuở thiên-hạ cường quyền áp-bức đồ lưu nơi hải-ngoại, chết hồi buổi Đạo nguy biến suy vong, nếu không có hạnh-phúc tinh-thần an-ủi thì đâu có sống đến ngày nay. 

Có chớ, có hạnh-phúc an-ủi được tâm hồn của Bần-Đạo là khối thương yêu của Bần-Đạo, thương yêu con cái của Đức Chí-Tôn, của triệu tâm hồn ấy là hạnh-phúc chơn thật.

Bần-Đạo không kiếm mà thể xác đặng mạnh-mẽ, năng-lực nó làm cho Bần-Đạo sống, sống đặng quyết thắng cả cái thống-khổ là do hạnh-phúc thương yêu ấy. Bần-Đạo yêu thương chơn thật con cái của Ngài, rồi Bần-Đạo thấy cả thảy con cái của Ngài thương yêu Bần-Đạo lại một cách chơn thành. Hỏi trong buổi chưa thương họ còn có kẻ ganh hiền, ghét ngỏ, vì tinh-thần ganh tị của họ, nhờ sự thương yêu chơn thật của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn đem chứng cớ ra công-lý, làm cho toàn cả thiên-hạ ngó thấy khối thương yêu công-bình Thiêng Liêng hiện-tượng ra, đặng làm chứng cho Bần-Đạo, vì thương yêu nên mới tạo hạnh-phúc, vì thương yêu nên mới tạo ra tổ-nghiệp. Ngày giờ này cái hạnh-phúc thiệt tướng là bởi khối thương yêu vô tận đối với con cái của Đức Chí-Tôn, tức nhiên là trong đạo-đức đó vậy. Hạnh-phúc nó làm cho Bần-Đạo sống một cách mạnh mẽ, sống một cách oai quyền, cả thảy đoán xét lại, khi chúng ta tạo dựng được một cái đại-nghiệp, hay gầy dựng một công-nghiệp nào, mà đặng hưởng đặc-ân của nó, thì công-nghiệp ấy vẫn còn giá-trị. 

Còn chúng ta có thể tạo công-nghiệp cũng không phải là một thời gian, một thời gian không thể gì đặng. Nếu cả triệu con người tin tưởng đặng, dầu công-nghiệp ấy đem mạng sống của mình đặng ký thác cho nó đi nữa cũng phải làm. 

Giá-trị gì một mạng sanh, đem đổi hạnh-phúc cho cả triệu người mà sao không đổi, cái hạnh-phúc chơn thật. 

Bần-Đạo cho hay nếu Đạo Cao-Đài sẽ hưởng được cái hạnh-phúc vô ngàn của Đức Chí-Tôn ban bố ngày nay đã thiệt-tướng vì vinh-hạnh đó, Bần-Đạo đã lập được đại công đối với toàn cả con cái của Đức Chí-Tôn, Bần-Đạo đã lập được là nhờ cái quyền-năng vô đối của hạnh-phúc ấy. 

Kỳ tới Bần-Đạo sẽ giảng thêm năng-lực thương yêu và hạnh-phúc của loài người./.

----------------------------

19.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo Tại Đền Thánh
Đêm 15 tháng 12 năm Mậu Tý (13-01-1948)

ĐỨC CHÍ TÔN TẠO NỀN TÔN GIÁO CAO ĐÀI CỐT TẠO HẠNH PHÚC CHO NHƠN SANH VÀ THÁI BÌNH CHO ĐỊA CẦU 68

Kỳ thuyết-pháp trước Bần-Đạo đã để một dấu hỏi: Đạo Cao-Đài có thể đem hạnh phúc cho nhơn-loại, tạo hòa-bình làm cho đại-đồng thiên-hạ đặng chăng? 

Đã để dấu hỏi tức nhiên phải trả-lời. Chúng ta chẳng nên chỉ biết tin nơi Đức Chí-Tôn mà thôi, mà phải biết Ngài đến tạo nền Tôn-Giáo cốt yếu là đến ký tờ Hòa-Ước với nhơn sanh, tạo hạnh-phúc cho nhơn-sanh, và làm cho thiên-hạ hưởng đặng thái-bình nơi mặt địa cầu 68 này, tức nhiên chúng ta dám quả-quyết và để đức tin chắc-chắn rằng: thế nào cũng thành tựu, nhứt là có lời quyết đoán của Anh Cả Thiêng-Liêng của chúng ta là Đức Lý-Giáo-Tông đã nói: 
 
"Đức tin một khối tượng nên hình, 
Đã hiệp Vạn-Linh với Chí-Linh." 

Nghĩa là Đạo Cao-Đài đã thành, nhưng từ-từ đi lên cho đến cái địa cảnh vô đối của nó. 

Ta choán biết Chí-Tôn đến ký Hòa-Ước dưới thế gian này, chúng ta ngó thấy Hòa-Ước của nhơn-sanh nhứt là các liệt-cường ký với nhau khoản này, khoản nọ, khoản kia đủ thứ, ký không biết mấy khoản.

Với Đức Chí-Tôn chỉ có hai khoản mà thôi: 


1- Luật thương-yêu:Ngài định-luật cho chúng ta là thương-yêu, không phải thương yêu nhơn-loại mà thôi, mà phải thương-yêu cả toàn Vạn-Linh nữa. 

2- Quyền công-chánh:
Ngài chỉ định là quyền công-chánh. Từ thử, ta chưa ngó thấy Hòa-Ước nào mà đơn sơ như thế, mà nó oai quyền làm sao! Không thể gì thực hiện đặng! Dầu cho tận-thế loài người cũng không khi nào thực-hiện ra đặng! 

Chúng ta đã hiểu và tin rằng thế nào nó cũng thành, nhưng thời gian ta không biết định đoạt, ta chỉ lương-tri tức là lấy trí-tri để hiểu chơn-tướng của Đạo Cao-Đài, làm thế nào đem hạnh-phúc cho nhơn-loại hưởng được và tạo hòa-bình cho thiên-hạ cả Đại-Đồng Thế-Giới. 

Chúng ta duy lấy trí-tri tìm hiểu thôi, chúng ta thấy cái quyền-năng của Luật Thương-Yêu thế nào. Tấn tuồng hiển nhiên hiện từ khi có loài người đến giờ, nếu không có sức mạnh-mẽ vô biên của Luật Thương-Yêu ấy thì Đức Phật Thích-Ca chưa có lập giáo thành tướng được. 

Khi Ngài đến Ream luyện phép tuyệt-thực có bốn người theo Ngài, bốn người không phải theo Ngài làm Môn-Đệ mà theo coi Phật có đoạt Pháp đặng chăng? Đến chừng Ngài từ trên đảnh núi tuột xuống, Ngài ăn uống lại. Bốn người ấy đợi Ngài ở chân núi thấy như vậy cho rằng Ngài đã qui phàm rồi, không có đoạt Pháp chi hết, nên bốn người bỏ đi. 

Tới chừng Ngài đi thuyết-giáo Ngài tìm bốn người ấy, bốn người ấy biết Ngài chơn thật mới theo, trong bốn người chỉ có hai người trọng yếu hơn hết nhưng rồi đến cuối cùng chỉ còn có một người đoạt đặng Phật-Giáo mà thôi. 

Đạo Tiên, Lão-Tử có một người Môn Đệ và một đứa ở là Từ-Giáp biết Đạo của Ngài, duy có ông Doãn-Hỷ theo Đức Lão-Tử đoạt phép truyền giáo mà Đạo Tiên còn tồn tại đến ngày nay. 

Đạo Khổng-Tử, tuy vân, nó có Tam-Thập Lục-Thánh, Thất-Thập Nhị-Hiền, Tam Thiên Đồ-Đệ mà cả thảy Đức Khổng-Tử chưa chắc người nào đoạt đặng, duy có một người mà thôi, là Thầy Sâm, bằng cớ là buổi chung qui Ngài kêu Sâm nói: "Ngộ Đạo Nhứt Nhi Quán Chi", Đạo ta chỉ có một người biết mà thôi. 

Đức Chúa Jésus Christ có nửa người Môn-Đệ mà thôi, bởi Ông Pièrre chối Đạo 3 lần khi ăn năn khóc lóc với Bà Maria mà xưng tội mình. 

Mahomet có một người Môn-Đệ phụ nữ mà Đạo Hồi Hồi đã thành vậy. 

Chúng ta suy đoán chỉ có thương yêu, duy có một người thương, hoặc nửa người thương, mà các vị Giáo-Chủ đã lập thành Tôn-Giáo tại mặt thế này

Chúng ta xét lại thấy Đạo Cao-Đài còn hạnh-phúc hơn các nền Tôn-Giáo trước, nếu nhận quả quyết thì có ba người, mà ba người tức nhiên nhiều hơn thiên-hạ rồi. 

Cái thiệt-tướng của nền Tôn-Giáo Đức Chí-Tôn hiện-tượng do quyền-năng vô đối của Ngài mà đoạt được, trong đó các vị thừa mạng lịnh của Ngài đã vẽ nên hình, nắn nên tướng của nó. Bần-Đạo kiếu lỗi cùng con cái của Ngài, không phải tự-kiêu hay là tự-đắc chính tay Bần-Đạo có một phần khá lắm, vì cớ Bần-Đạo rủ chúng ta dùng phép hồi-quang phản-chiếu đặng định tướng diện của mình, cốt yếu là một phần-tử trong nền Tôn-Giáo, hễ mình coi chơn-tướng của mình, rồi tổng-số các chơn-tướng đó làm chơn-tướng của Đạo, Bần-Đạo thấy Đạo Cao-Đài nên hình đặng tức là thành tướng thương yêu vô tận vô biên. Nó nên hình có nét đẹp thiên-nhiên là nhờ vẽ với cây viết thương yêu mà viết nét Thiêng-Liêng cho Thánh-Thể của Ngài để theo nét thương yêu ấy đặng tạo nên hình-trạng thành tướng một khối thương yêu. 

Ta không có mơ vọng và không có lường gạt tâm-lý nhơn-sanh, trước mặt mỗi người đều thấy, hỏi do quyền năng nào tạo thành quyền-lực ngày nay. 

Quyền Đạo ngày nay do Luật Thương-Yêu mà thành tướng vậy, mà nếu do Luật Thương Yêu thành tướng thì không có quyền-năng nào tàn phá nó đặng, nó có sợ chăng là sợ luật thù hận. May thay cả lực-lượng thù hận cũng không xung đột được bởi có bàn tay Thiêng-Liêng gạt thù hận ra khỏi rồi. 

Nó nên hình bởi sự thương yêu, trưởng thành trong sự thương yêu, bởi hình chất của thương yêu, hễ càng ngày càng lớn lên càng tráng kiện, nó sẽ làm chúa cả thù hận không hề xâm lấn nó đặng. 

Nói quả quyết Bần-Đạo đã đánh tan thù hận ra, khi các đảng phái dùng quyền-lực đặng chiếm ngôi vị của Chí-Tôn để tại mặt thế-gian này. 

Bần-Đạo đã can đảm dùng quyền của Bần-Đạo đánh ngã hết đặng bảo trọng hình tướng Thiêng-Liêng của Đạo. Bần-Đạo lỗ vốn cũng nhiều, Bần-Đạo gánh lấy cả thù hận ấy, đặng bảo tồn hình-thể của Đức Chí-Tôn cho trọn thương yêu. 

Bần-Đạo dùng can đảm gánh cả thù hận của thiên-hạ mà bảo tồn khối thương yêu vô đối của Đức Chí-Tôn không cho hoen ố, nhơ bợn. 

Tại sao mà Bần-Đạo dám thí mình gánh vác thù hận đặng bảo trọng nó? Bởi biết nó là Chúa của hình ảnh, của quyền trị thế tương lai, nó là Thầy của thiên-hạ đặng trị thế, nếu không trọn vẹn nó lưu lại kiểu vở thô bỉ nhơ nhớp thì không thể vì làm Thầy thiên-hạ đặng. 

Các chi phái hồi đó dùng cường-quyền mà đoạt-vị. Bần-Đạo là Hộ-Pháp nắm giữ chơn truyền của Đức Chí-Tôn trong tay đây, mà để cho nó đoạt ngôi soán vị như các đời vua chúa từ trước lưu lại cho nền chơn-giáo của Chí-Tôn sao? 

May thay, quyền ấy không xung đột được với Thánh-Thể của Chí-Tôn, nó đã bại trận, bởi Thánh-Thể của Ngài có người cầm Luật-Pháp oai-nghiêm tức là cầm cây huệ kiếm trong tay đặng gìn-giữ nền Chơn-Giáo nên hình được, nó nên được tức nhiên nó tạo cho thiên-hạ được, nó tạo oai-quyền của nó thành tướng đặng, thì tạo quyền cho nhơn sanh tại mặt địa-cầu này về tương-lai đặng./.



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả