KHÔNG CÓ BA VỊ CHƯỞNG PHÁP ĐIỀU HÀNH

-------------------------------


Không có ba vị Chưởng Pháp điều hành thì Pháp loạn là lẽ đương nhiên. Quan tài quay đầu vô hay quay đầu ra – Rượu rót 3 phân hay rót 8 phân chỉ là Thể Pháp – Ai tranh cải là thất pháp, là sai – Xin đọc bài sau đây sẽ rõ Tà ma khảo ngay khi Khai Đạo mà an tâm hành đạo.


Chưởng Pháp

掌法

A: Legist-Cardinal, Censor-Cardinal.

P: Cardinal-Légiste, Cardinal-Censeur.

Chưởng: Trông coi các việc, chức giữ. Pháp: pháp luật.

Chưởng pháp là nắm giữ và trông coi về pháp luật.

Trong Ðạo Cao Ðài, Chưởng Pháp là một phẩm Chức sắc rất cao trọng nơi CTÐ, đứng kế dưới Giáo Tông, có nhiệm vụ đặc biệt chưởng quản về Pháp luật trong Ðạo.

Chưởng Pháp đối phẩm với Thượng Phẩm và Thượng Sanh HTÐ, và đối phẩm Nhơn Tiên nơi BQÐ.

(Quyền hành và Ðạo phục của Chưởng Pháp, xin xem trong Pháp Chánh Truyền Chú Giải, ở đây khỏi lập lại.)

Ðạo phục của ba vị Chưởng Pháp có điểm đặc biệt là Thượng Chưởng Pháp mặc áo màu trắng (thay vì màu xanh của phái Thượng), còn hai vị Chưởng Pháp kia thì màu áo theo sắc phái của mình.

Trong quyển "Chánh Trị Ðạo" của Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa, có giải thích việc nầy, chép ra sau đây:

"Chưởng Pháp(Cardinal-Censeur):

Ba vị Chưởng Pháp là người có phận sự đặc biệt của HTÐ mà phẩm vị lại ở bên CTÐ. Ấy là Thánh ý của Ðức Chí Tôn muốn CTÐ phải có HTÐ chăm nom gìn giữ làm thế nào cho nền Chơn giáo của Ðức Chí Tôn không qui phàm, nhờ vậy mà Chánh Trị Ðạo không tự tung tự tác, tự do canh cải mà làm mất nét đạo đức, để xứng đáng là một nền Chánh Trị của Trời tại thế có sự công bằng hy hữu vậy.

Tại sao Thượng Chưởng Pháp mặc áo trắng?

- Thượng Chưởng Pháp có quyền thay thế cho Giáo Tông khi vắng mặt (pour remplacer le Pape par intérim).

Ðạo phục của Ðức Giáo Tông màu trắng, màu nguồn gốc của Ðạo. Ðạo không màu sắc hay tượng trưng bằng một màu rất trong sạch là trắng, là màu vô tội, trắng có thể biến ra các màu vàng, xanh, đỏ, v.v....Trở lại màu trắng tức là qui hồi căn bổn vậy."

Các vị Chưởng Pháp đầu tiên:

Thái Chưởng Pháp: Hòa Thượng Như Nhãn

Thượng Chưởng Pháp: Lão Sư Nguyễn Văn Tương

Ngọc Chưởng Pháp: Thái Lão Sư Trần Văn Thụ

Ngọc Chưởng Pháp: Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang

Sau đây là tiểu sử vắn tắt của quí vị Chưởng Pháp trên:

1. Thái Chưởng Pháp:
Hòa Thượng Như Nhãn (1864-1939)

Hòa Thượng Như Nhãn, thế danh là Nguyễn Văn Tường, sanh năm 1864, con của ông Nguyễn Văn Bầu và bà Ðoàn Diệu Hoa, quê quán ở Ðức Hòa (Long An), đi tu từ năm 17 tuổi, qui y với Hòa Thượng Thích Trí Lượng (Minh Ðạt) trụ trì ở chùa Thiền Lâm Cổ Tự (xóm Chùa, tỉnh Tây Ninh), thọ Pháp danh là Thích Từ Phong.

Nguyên vào năm Mậu Tý (1888), tại vùng Phú Lâm Chợ Lớn, (đường Bà Kế, khu vực Chợ Gạo, nay là Bến Phú Lâm, Quận 6), bà Hồ Thị Lộc có xây một ngôi chùa lớn, đặt tên là Chùa Giác Hải, bà giao cho ông Thủ Tọa Nguyễn Minh Sự coi sóc. Ông Sự mất năm 1908.

Sư Thích Từ Phong về đây kế nghiệp, trụ trì Chùa Giác Hải. Năm 1912, Ngài Thích Từ Phong giữ chức Yết Ma và năm 1924, Ngài được phong chức Hòa Thượng, nên các Phật tử tại vùng nầy thường gọi Ngài là Hòa Thượng Giác Hải.

Trong lúc trụ trì ở chùa Giác Hải, Hòa Thượng Giác Hải có quyên góp tiền bạc trong bổn đạo để mua đất và lập một cảnh chùa tại vùng Gò Kén, Tây Ninh, lấy tên là Từ Lâm Tự (sau đổi lại là Thiền Lâm Tự). Chùa được xây dựng trên một khu đất gò rộng 4 mẫu, dựa quốc lộ Sài Gòn Tây Ninh, cách quốc lộ khoảng 200 mét và cách thị xã Tây Ninh chừng 5 cây số, phía trước cất chùa, phía sau làm nghĩa địa.

Trong số bổn đạo đóng góp tiền mua đất và xây chùa Từ Lâm ở Gò Kén, ông bà Huyện Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh đóng góp tiền bạc nhiều hơn cả. Chùa mới vừa xây dựng xong phần chánh, chưa trang trí, chưa làm đường lớn từ quốc lộ vào chùa. Lúc đó là vào năm 1925.

Vào giữa năm Bính Dần (1926), ông bà Nguyễn Ngọc Thơ được Ðức Chí Tôn thâu làm môn đệ, nhập vào Ðạo Cao Ðài. Hai ông bà cũng muốn Ðức Chí Tôn thâu phục Hòa Thượng Như Nhãn, nên ông bà thuyết phục Hòa Thượng đến dự một đàn cơ cầu Ðức Chí Tôn tại nhà Ngài Nguyễn Ngọc Thơ ở Tân Ðịnh. Ðức Chí Tôn giáng cơ thâu phục được Hòa Thượng Như Nhãn.

Giữa tháng 7 năm Bính Dần (1926), Hòa Thượng Như Nhãn được Ðức Chí Tôn thâu làm môn đệ.

Sau đó, do sự yêu cầu của ông bà Thơ, Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm (Gò Kén) cho Ðạo Cao Ðài dùng làm Thánh Thất tổ chức Lễ Khai Ðạo.

(Có lẽ trong thời gian xây dựng chùa Từ Lâm ở Gò Kén, Hòa thượng Giác Hải lấy hiệu là Như Nhãn).

Ngày 29-7-Bính Dần (dl 5-9-1926), Hòa Thượng Như Nhãn được Ðức Chí Tôn giáng cơ ân phong là: Quảng Pháp Thiền Sư Thích Ðạo Chuyển Luật Lịnh Diêu Ðạo Sĩ: Chưởng Pháp phái Thái.

Ngày 15-10-Bính Dần (dl 11-11-1926), Ðại Lễ Khai Ðạo Cao Ðài được tổ chức long trọng tại Thánh Thất Từ Lâm Tự (Gò Kén, Tây Ninh), có hằng vạn tín đồ Cao Ðài dự lễ, số quan khách người đời đến dự rất đông.

Ðêm 14 rạng 15 tháng 10 âl, tổ chức đàn cơ trong Thánh Thất, Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt trấn pháp sót một cửa, nên thừa dịp này, quỉ nhập vào đàn, một con quỉ nhập vào ông Lê Thế Vĩnh xưng là Tề Thiên Ðại Thánh, một con quỉ khác nhập vào cô Vương Thanh Chi xưng là Lê Sơn Thánh Mẫu, nói năng búa xua rồi nắm tay nhau nhảy múa, khiến cho nhiều người mới vào Ðạo Cao Ðài mất đức tin.

Hòa Thượng Như Nhãn cũng bị mất đức tin. Mặc khác, số đệ tử của Hòa Thượng Như Nhãn yêu cầu Ngài thôi Ðạo Cao Ðài và đòi chùa lại. Hòa Thượng Như Nhãn nghe theo và quyết định đòi chùa Từ Lâm, không hiến cho Ðạo Cao Ðài nữa, hẹn trong 3 tháng Ðạo Cao Ðài phải dời đi.

Ngày 19-11-Bính Dần, Hòa Thượng Như Nhãn bị thiêng liêng phạt làm cho đau nặng.

Ngày 01-12-Bính Dần, Ðức Chí Tôn giáng cơ quở phái Thái và Hòa Thượng Như Nhãn, tỏ ý muốn phế bỏ phái Thái. Ðức Phổ Hiền Bồ Tát cầu xin Chí Tôn tha thứ phái Thái và đừng bỏ phái Thái (phái Phật).

Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ trục xuất Hòa Thượng Như Nhãn ra khỏi Ðạo Cao Ðài.

Tháng 2 năm Ðinh Mão, Ðức Lý Giáo Tông quyết định trả chùa Từ Lâm cho Hòa Thượng Như Nhãn, và chỉ dẫn Hội Thánh tìm mua được 96 mẫu đất tại làng Long Thành (Tây Ninh) để dời các cơ sở của Ðạo về nơi đây, lập thành Tòa Thánh Trung ương của Ðạo Cao Ðài.

Hòa Thượng Như Nhãn qui liễu vào ngày 5-12-Mậu Dần (dl 24-1-1939) hưởng thọ 75 tuổi. Tháp của Ngài được xây ngay trước chùa Từ Lâm Tự (nay là Thiền Lâm Tự) Gò Kén.

Trên bia mộ có đề chữ Hán, dịch ra như sau đây:

·Ngài là Ðại Lão Hòa Thượng Thiền Tông Lâm Tế đời thứ 39.

·Ngày sanh: 15-3-Giáp Tý (1864).

·Ngày chết: 5-12-Mậu Dần (1939), thọ 75 tuổi.

Tháp của Hòa Thượng Như Nhãn xây ở chính giữa, hai tháp hai bên là của hai vị: - Hoà Thượng Minh Ðạt, thầy của Ngài Như Nhãn, - Hòa Thượng Hồng Tằng, học trò của Ngài Như Nhãn.

2. Thượng Chưởng Pháp:
Lão Sư Nguyễn Văn Tương (1879-1926)

Ngài Nguyễn Văn Tương sanh năm Kỷ Mão (1879) tại làng Hữu Ðạo, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, con của ông Nguyễn Văn Tỵ và bà Cao Thị Huề.

Nhờ có học thức, Ngài được cử làm Hương Bộ trong làng, nên người ta gọi Ngài là ông Bộ Tương.

Khoảng năm 30 tuổi, Ngài Nguyễn Văn Tương tu theo Ðạo Minh Sư, thọ giáo với Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang.

Ngài Nguyễn Văn Tương theo Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang về hành đạo nơi chùa Linh Quang Tự ở làng Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, Gia Ðịnh. Ngài tu đến bậc Lão Sư.

Ngài Nguyễn Văn Tương được Ðức Chí Tôn thâu làm môn đệ trước Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang. Do đó, Ngài Tương cùng với đệ tử của Ngài là Nguyễn Văn Kinh xin với Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang lập đàn cơ tại Linh Quang Tự Gò Vấp để Ðức Chí Tôn độ Thái Lão Sư, và được kết quả tốt đẹp.

Trong Phổ Cáo Chúng Sanh có ghi một đoạn như sau:

"Có hai Ðạo hữu: Tương, Kinh, vẫn trước khi nhập môn thì đã thọ nghĩa thầy trò cùng vị lão thành pháp danh là Ðạo Quang nơi chùa Minh Ðường (Hạnh Thông Tây).

Nhằm ngày 21 tháng 8 năm Bính Dần, Ngọc Hoàng Thượng Ðế giáng cơ tại chùa ấy dạy việc, luôn dịp có để lời rằng: ' Tương, Kinh, hai con phải lạy Ðạo Quang trước mặt Thầy, rồi từ đây gọi là Anh mà thôi, còn Thầy duy có một Thầy."

Ngày 24-7-Bính Dần (dl 31-8-1926), Ðức Chí Tôn ân phong cho Ngài Nguyễn Văn Tương là: Thuyết Pháp Ðạo Sư Chưởng Quản Oai Linh Ðạo Sĩ: Chưởng Pháp phái Thượng.

Ngài Nguyễn Văn Tương có người vợ là Bà Võ Thị Tước (1880-1947) và con gái thứ hai là Nguyễn Thị Quyền (1900-1987), cũng đều tùng giáo Cao Ðài. Trong kỳ phong Thánh Nữ phái lần đầu tiên vào ngày 14-1-Ðinh Mão (dl 15-2-1927), Ðức Chí Tôn ân phong:

·Bà Võ Thị Tước: Lễ Sanh.

·Cô Nguyễn Thị Quyền: Giáo Hữu.

(Trích trong Ðạo Sử Q.2 của Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu, tr.218)

Ngày 5-11-Bính Dần (dl 11-12-1926), Ngài Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương thọ bệnh và đăng Tiên, chỉ hưởng được 48 tuổi tại tư gia ở làng Hữu Ðạo.

Các Chức sắc cao cấp của Ðạo Cao Ðài đến làm lễ tang cho Ngài rất long trọng. Lúc đó, mới khai đạo được khoảng 20 ngày, còn tạm tại Chùa Gò Kén, nên thi hài được an táng nơi quê nhà là làng Hữu Ðạo (gần Chợ Thuộc Nhiêu) quận Cai Lậy, Mỹ Tho.

Sau những năm chiến tranh, ngôi mộ của Ngài hoàn toàn bị hư hại. Năm 1997, nhân dịp Thanh Minh, một vài vị Ðạo tâm tìm tòi biết được vị trí ngôi mộ của Ngài, nên kết hợp với người cháu nội của Ngài là ông Nguyễn Văn Bá, xây dựng lại trên nền mộ cũ một cái tháp nhỏ cao 3 thước 6 tấc.

(Chúng ta lưu ý trong các Chức sắc cao cấp của Ðạo Cao Ðài thuở đầu tiên có 2 vị tên TƯƠNG: - một là Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương, - hai là Thượng Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương, sau được thăng phẩm Quyền Thượng Ðầu Sư, và sau đó tách khỏi Hội Thánh TTTN để lập ra Ban Chỉnh Ðạo ở Bến Tre và trở thành Giáo Tông chi phái Bến Tre. Xem tiểu sử của Ngài Ðầu Sư Nguyễn Ngọc Tương nơi chữ: Chi phái, vần Ch).

Ngay sau khi Ngài Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương đăng Tiên, ngày 7-11-Bính Dần, Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy hai Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt:

"Thầy, các con.

Trung, Lịch! Hai con phải dụng Ðại lễ mà an táng cho Tương nghe. Thầy ngặt một lẽ chẳng thế nào đem Tương vào Tam thập lục Thiên, phải để nó đợi nơi Ðông Ðại Bộ Châu mà chờ Tòa Tam Giáo phát lạc.

Thầy có để lời cho Thái Bạch Kim Tinh cầu rỗi, nhưng Người giận Tương không công quả, dâng Bộ Công Thiên thơ ra trống trải lắm, tại nơi Tòa mới cãi chối nỗi gì. Người nhứt định không dự đến. Các con nghe à!

Vậy trong hịch văn Sớ tấu, các con phải thượng nơi Tòa Tam Giáo mà cầu rỗi cho nó thiệt hết lòng, rồi Thầy sẽ rỗi cho nó. Các con hiểu.

Lịch bạch Thầy về sự Ðại lễ . . . . . . .

- Không con! . . . Ðại lễ là làm theo một lễ với sự an táng bậc Thái Lão nghe! . . . ." (trích trong Ðạo Sử II tr. 86)

Ngay Tết Ðinh Mão, ngày 1-1-Ðinh Mão (dl 1-2-1927), Ngài Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương giáng cơ:

Thượng Chưởng Pháp TƯƠNG

"Hỷ chư Ðạo hữu, chư Ðạo muội.

Mừng ... Mừng ... Mừng ... Vui ... Vui ... Vui ...

Ðại phước cho cả nhơn sanh, đại hạnh cho Ðịa cầu 68 nầy! Em còn phải công quả phổ độ mới vào đặng Tam thập lục Thiên, nhờ Ðại Từ Phụ cứu độ Em, khuyên nhủ cùng chư Huynh khá coi Thiên vị mình là trọng, vì là của quí báu vô giá, còn sụt sè đường Ðạo, xin nhớ lấy danh Em cự chống cùng tà ma quỉ mị cám dỗ.

Tương đây, công cán chẳng chi mà còn đặng địa vị nầy, huống lựa là mấy anh độ rỗi toàn cả Cửu nhị Nguyên nhơn thì phẩm cựu sẽ đặng trổi thêm thế nào! Xét lấy đủ vui lòng hành đạo."(TNHT. I. tr 92).

3. Ngọc Chưởng Pháp:
Thái Lão Sư Trần Văn Thụ (1857-1927)

Ngài Trần Văn Thụ sanh năm Ðinh Tỵ (1857), tại làng Ðức Hưng, tổng Dương Hòa Hạ, tỉnh Gia Ðịnh.

Thuở nhỏ Ngài học chữ Nho, lớn lên làm nghề dạy học.

Năm Ðinh Mùi (1907), Ngài đến chùa Vĩnh Nguyên Tự tại làng Long An, quận Cần Giuộc, thọ giáo với Thái Lão Sư Lê Ðạo Long, thế danh là Lê Văn Tiểng (1843-1913) để học Ðạo Minh Sư. Ngài được Sư phụ Lê Ðạo Long thâu nhận và ban cho pháp danh là Trần Ðạo Minh. Ngài là đệ tử lớn nhứt trong các đệ tử của Thái Lão Sư Lê Ðạo Long nơi Vĩnh Nguyên Tự.

Ðến năm Bính Dần (1926), tức là sau khi Thái Lão Sư Lê Ðạo Long liễu đạo 12 năm, Thái Lão Sư giáng cơ cho biết là Ngài đã đắc quả Như Ý Ðạo Thoàn Chơn Nhơn, và khuyên các đệ tử nay tùng giáo theo Ðức Cao Ðài Ngọc Ðế.

Các đệ tử vâng theo lời Ngài, và do đó, Vĩnh Nguyên Tự trở thành cơ quan của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ thuở đầu tiên và sau nầy trở thành Thánh Thất của Ðạo Cao Ðài gọi là Thánh Thất Vĩnh Nguyên Tự.

Ngài Trần Ðạo Minh lúc đó đã tu lên đến bực Thái Lão Sư, và con trai Ngài Lê Ðạo Long là Lê Văn Lịch tu tới bực Dẫn Ân, đạo hiệu Lê Xương Tịnh, cùng các đệ tử khác tại Vĩnh Nguyên Tự, đều vâng lịnh Ðức Như Ý Ðạo Thoàn Chơn Nhơn, tùng giáo Ðấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

- Ngài Trần Văn Thụ (pháp danh Trần Ðạo Minh) được Ðức Chí Tôn giáng cơ ân phong là: Nho Tông Chưởng Giáo Tuyên Ðạo Thiền Sư Ðại Ðức Ðại Hòa Ðạo Sĩ: Chưởng Pháp phái Ngọc, trong đàn cơ tại Vĩnh Nguyên Tự đêm mùng 10-9-Bính Dần (dl 16-10-1926).

- Ngài Lê Văn Lịch được Ðức Chí Tôn ân phong là Ðầu Sư phái Ngọc, Thánh danh là Ngọc Lịch Nguyệt, cùng một lượt với Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt, trong cuộc Thiên phong đầu tiên tại nhà Ngài Lê Văn Trung ở Chợ Lớn, vào đêm 12-3-Bính Dần (dl 23-4-1926).

Ở đây có sự liên hệ gia đình: con gái của Ngài Trần Văn Thụ, quí danh Trần Thị Khá, được gả cho Ngài Lê Văn Lịch.

Kể từ khi Ngài Trần Văn Thụ thọ phong Ngọc Chưởng Pháp, Ngài vâng lịnh Ðức Chí Tôn, cùng với các vị Chức sắc Thiên phong khác lo đi hành đạo, phổ độ nhơn sanh.

Khi làm lễ Khai Ðạo tại Thánh Thất tạm ở Chùa Từ Lâm Tự (Gò Kén, Tây Ninh), ngày 15-10-Bính Dần (1926) thì Ngài Ngọc Chưởng Pháp thường xuyên hành đạo tại đó, để cùng quí Chức sắc cao cấp khác soạn thảo Tân Luật theo lịnh dạy của Ðức Chí Tôn.

Qua năm sau, tức là năm Ðinh Mão (1927), Ngài Ngọc Chưởng Pháp lâm bịnh, Ngài trở về nhà an dưỡng tại làng Trường Bình, quận Cần Giuộc, sau đó Ngài đăng Tiên vào ngày 14-5-Ðinh Mão (dl 13-6-1927), hưởng thọ 71 tuổi.

Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt, Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt, Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh, Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh, Phối Sư Thái Ca Thanh, cùng nhiều Chức sắc khác đến thọ tang và phúng điếu.

Bởi cơ Ðạo còn sơ khai, đang tạm ở Từ Lâm Tự, nên gia đình Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ đưa linh cữu của Ngài an táng nơi quê nhà ở làng Thới Hiệp, cạnh ngôi chùa cũ của Ngài, nay là Ấp 1 Xã Hiệp Phước, quận Nhà Bè.

Năm 1996 (Bính Tý), Ban Cai Quản Thánh Thất Vĩnh Nguyên Tự đã lấy cốt của Ngài Ngọc Chưởng Pháp đem cải táng về đất phía sau Vĩnh Nguyên Tự, nằm cạnh ngôi mộ của Ngài Thái Lão Sư Lê Ðạo Long.

Di ảnh của Ngài Ngọc Chưởng Pháp được thờ nơi Hậu Ðiện Vĩnh Nguyên Tự, cùng với di ảnh của Ðức Như Ý Ðạo Thoàn Chơn Nhơn và của Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt.

Ðức Ngọc Chưởng Pháp thường giáng cơ dạy đạo tại Vĩnh Nguyên Tự, xưng hiệu là: Thiết Quang Chơn Nhơn.

Trong quyển sách ÐẠO NGUYÊN CHÁNH NGHĨA do Vĩnh Nguyên Tự in năm 1939, có in hình Ðức Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ, đề là:

Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ

Ngọc Chưởng Pháp Trần Ðạo Minh

Thiết Quang Chơn Nhơn, Ngọc chiếu.

với hai câu liễn đặt ở hai bên ảnh là:

CHƯỞNG khai Nho phái Tam Kỳ Ðạo,

PHÁP hóa Thiền Tông Tứ giáo truyền.

4. Ngọc Chưởng Pháp:
Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang (1870-1946)

Ngài Trần Ðạo Quang, thế danh là Trần Văn Quang (có tài liệu chép là Trần Thanh Nhàn) sanh ngày 10-11-Canh Ngọ (dl 31-12-1870) tại Ban Dầy, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho.

Ngài là con trai duy nhứt của ông Trần Chí Hiếu và bà Dương Mỹ Hậu. Hai ông bà làm nghề nông và tu theo đạo Minh Sư, tông Phổ Tế.

Ngài có lòng mộ đạo từ nhỏ. Năm 12 tuổi, Ngài noi theo cha mẹ, tu theo đạo Minh Sư. Năm 16 tuổi, Ngài bắt đầu ăn chay trường. Thái Lão Sư Trần Ðạo Cửu nhận làm thầy đứng ra khai thị cho Ngài.

Năm 21 tuổi, Ngài xuất gia tu hành, bắt đầu tu Nhứt Thừa: Nhứt bộ rồi Nhị bộ và Tam bộ, sau tiến lên tu Nhị Thừa qua bốn bậc: Thiên Ân, Chứng Ân, Dẫn Ân, Bảo Ân; rồi Ngài tiếp tục tu lên Tam Thừa, qua hai bậc:

·Ðảnh Hàng: lấy đạo hiệu Trần Vận Quang.

·Thập Ðịa là Thái Lão Sư: lấy đạo hiệu là Trần Ðạo Quang. Năm nầy Ngài được 45 tuổi.

Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang, được sự tín nhiệm của 12 vị Lão Sư Tông Phổ Tế đạo Minh Sư ở Việt Nam, nên Ngài về trụ trì chùa Linh Quang Tự là Tổ đình của Tông Phổ Tế ở VN.

Tổ Sư của Tông Phổ Tế đạo Minh Sư bên Tàu là Thái Lão Sư Trần Ðạo Khánh dự định phong cho Ngài Trần Ðạo Quang làm "Việt Nam Ðệ Nhứt Tổ" của Tông Phổ Tế đạo Minh Sư ở Việt Nam. (Tài liệu của Huệ Nhẫn)

Trong lúc đó thì Lão Sư Nguyễn Văn Tương và Nguyễn Văn Kinh đã được Ðức Chí Tôn độ theo Ðạo Cao Ðài, nên hai Ngài xin lập đàn cơ tại Linh Quang Tự để Ðức Chí Tôn độ Ngài Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang luôn thể, và Ngài Trần Ðạo Quang được Ðức Chí Tôn độ nên bằng lòng qui hiệp vào Ðạo Cao Ðài.

Khi Ngài Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương đăng Tiên tại làng Hữu Ðạo quận Cai Lậy thì khoảng hơn một tháng sau, Ðức Chí Tôn phong Ngài Trần Ðạo Quang làm Quyền Thượng Chưởng Pháp ngày 12-12-Bính Dần (dl 15-1-1927). (Theo Ðạo Sử của Bà NÐS Hương Hiếu Q.2 trang 172 và 192)

Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ đăng Tiên ngày 14-5-Ðinh Mão, thì sau đó ít lâu, Ðức Chí Tôn ân phong Ngài Trần Ðạo Quang làm Ngọc Chưởng Pháp chánh vị.

Trong cơ Ðạo phân chia Chi phái, năm 1931 Phối Sư Thái Ca Thanh rút khỏi TTTN về Mỹ Tho lập phái Minh Chơn Lý, Ngài Ngọc Chưởng Pháp hợp tác với Minh Chơn Lý, sau đó thấy ông Ca và ông Phùng sửa đổi hết cách thờ phượng, nên Ngài rút khỏi Minh Chơn Lý, xuống Bạc Liêu hợp với ông Cao Triều Phát mở ra phái Minh Chơn Ðạo năm 1935.

Năm 1937, Ngài Ngọc Chưởng ra hành đạo ở Ðà Nẵng. Lúc đi ra Trung, Ngài Ngọc Chưởng Pháp không có giấy thuế thân, nên Ngài lấy giấy thuế thân của người trong làng tên là Hà Văn Thuần để xin làm căn cước thì mới được phép ra Trung. Cho nên khi hành đạo ở Ðà Nẵng, Ngài lấy tên là Hà Văn Thuần. Ngài ủng hộ bổn đạo nơi đây xây dựng được Thánh Thất Trung Thành, để làm cơ sở hoạt động của Cơ Quan Truyền Giáo Trung Việt.

Ngày 17-2-Bính Tuất (dl 20-3-1946), Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Ðạo Quang đăng Tiên tại chùa Linh Quang Tự ở Gò Vấp, Gia Ðịnh, hưởng thọ 77 tuổi.

Thi hài của Ngài được an táng tại nghĩa trang Minh Sư gần Linh Quang Tự. Sau nầy, do nhu cầu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhứt, Linh Quang Tự và nghĩa trang đều bị giải tỏa, bổn đạo cải táng Ngài về phần đất ở phía sau Thánh Tịnh Minh Kiến Ðài vào ngày 15-8-Kỷ Mùi (1956) thuộc xã Thông Tây Hội, cũng thuộc quận Gò Vấp.

Hết




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả