Q.2/11: THỂ CHẤT VÀ TÁNH ĐỨC CỦA 5 HẠNG KHÁCH TRẦN.

Tại Ðền Thánh, đêm rằm tháng giêng năm Mậu Tý (dl. 24-02-1948)

 

Hôm nay, Bần Ðạo giảng về các hạng khách trần thể chất và tánh đức của họ, cốt yếu để dìu dắt cả thảy quan sát toàn thể Ðạo.

Ấy là phương hay để chúng ta có thể quan sát được mỗi hạng khách trần, trọng hệ nhứt là Thánh Thể của Ðức Chí Tôn tức nhiên là Hội Thánh. Vả chăng, chúng sanh nhứt là nhơn loại mỗi mỗi đều có đẳng cấp Thiêng Liêng tùy theo sự tiến hóa của chơn linh của họ, dầu tánh chất hay hình thể cũng tùy theo tiến hóa của chơn linh mà có riêng đặc tánh, riêng về hình thể của họ, chúng ta ngó thấy phương pháp của cổ nhân xem tướng người, đoán tánh chất, số mạng, cũng là nương theo đó.

Các hạng khách trần, Bần Ðạo duy nói về đẳng cấp và tấn hóa, nếu dám quả quyết, nói hẳn rằng: Mặt địa cầu nầy có 2.700 triệu người mà buổi nầy khuyết điểm bao nhiêu không biết, số ấy là trong thời thái bình. Trong 2.700 triệu nhơn sanh tức có 2.700 triệu tánh đức, chúng ta không thể gì đoán xét được, nhưng chúng ta có thể chia khách trần ra làm nhiều hạng:

·Một hạng trước là hạng trái chủ, nghĩa là hạng thiếu nợ, hạng thiếu nợ là gì? Là những người gây ra nhơn quả đã nhiều. Luật nhơn quả để họ vô hàng cùng khổ của các chơn linh.

·Hạng thứ nhì là hạng tác trái, nghĩa là người đã cho vay.

·Hạng thứ ba là hạng du học, là các chơn linh đến mặt địa cầu tìm phương pháp đặng học hỏi, vì họ thiếu thốn, đến đặng thâu đoạt cái phần thiếu kia cho hay biết nhiều thêm đặng tấn hóa về chơn linh.

·Hạng thứ tư là hạng ta bà du hí, du thựcđến chơi rồi về, mà cái hạng ấy ít lắm, nếu có đi nữa thì phần nhiều chết yểu hết.

·Còn một hạng nữa là hạng Thiên mạng, hạng Thiên mạng là hạng chơn linh cao cấp tức nhiên đã đạt phẩm vị cao trọng, vâng mạng đến thi hành lịnh của Ngọc Hư Cung hay của Lôi Âm Tự.

Bây giờ Bần Ðạo mới chỉ rõ hạng trái chủ là hạng thiếu nợ. Bần Ðạo quả quyết rằng, nếu ngó thấy họ ta đoán được ngay. Cái thói nghèo hèn cùng khổ dầu đến đâu cũng ra nghèo hèn, rán làm sang bao nhiêu cũng lộ cái nghèo hèn ấy, vì tánh đức họ hiện ra hình trạng xấu xa cho đến cách ăn mặc cũng vậy; họ sợ thiếu nợ nhưng hại thay họ đã lo đêm lo ngày, chạy tảo chạy tần, lo sống đủ mọi phương diện, nhưng chẳng phút nào họ được an hưởng tinh thần và tưởng tượng rằng mình có hạnh phúc. Có khi người trái chủ đó ấy đầu kiếp một lượt thì họ có phương thế làm đặng trả, là may duyên cho họ lắm; nếu rủi người chủ trái không đến thì họ phải đầu kiếp mãi tìm cho đặng người chủ nợ ấy, làm tôi mọi cho họ đặng trả nợ, ấy là một phương pháp mà các chơn linh hãi hùng sợ sệt hơn hết. Tánh đức của họ là thường lo cho mình được lợi mà thôi, nhưng không biết chừng nào đủ, đến đỗi trong ý muốn làm có của cho lung, cho nhiều để dành ngừa đó đặng có phương thế trả nợ, sợ một điều là buổi muốn trả mà không trả nổi. Tâm linh họ giục thúc như vậy. Họ hà tiện lắm, nhiều khi gặp được tình liên hữu với chơn linh nào mà họ gọi là chủ trái đến, lạ lùng thay, đối với cả toàn thiên hạ không thương yêu ai, mà nếu họ gặp người chủ trái ấy giục họ thương yêu, kính mến, chìu chuộng, bao nhiêu của cũng đem dưng hết cho người ấy. Có nhiều khi không có của họ đem cả thân sanh họ đặng đền trả nữa. Hạng thiếu nợ có tánh đức đặc biệt nhỏ nhen, chắt mót, không tưởng đến ai khác hơn mình, duy người chủ trái đến thì toàn cả cơ nghiệp đều để lại cho người đó, dầu muốn dầu không, hay là không hay biết cũng do tay người đó phá hoại hết sự nghiệp. Họ phát hiện ra có tánh chất buồn bực quạu quọ, không yên tâm, cứ lo lắng bậy bạ nhứt là hình ảnh của họ cùng khổ, bịnh hoạn luôn và thường chịu phận đê hèn. Ðó là hạng có quả kiếp.

Còn hạng chủ nợ có tánh cách đặc biệt là không biết lo gì hết, lơ lơ lửng lửng, ngày chí tối không biết đợi ai trả nợ, mà chắc mình có món nợ chúng sẽ trả, không lo gì cho họ cả, thả lình bình du hí du thực, không biết gì ráo cứ ngơ ngơ ngửng ngửng, không động tới ai, mà cũng không làm nên gì cho ai; mà khi nào chúng ta thuyết đạo với họ thì họ biết xu hướng, chịu nghe tưởng cái huyền linh nầy sẽ giúp mình đắc lợi gì. Họ đi chùa, đi miễu cốt cầu danh, nghe nơi nào linh hiển, đem nhang đèn tới cầu tài cầu lợi cho mình. Hình ảnh của họ, gương mặt bơ bơ mà lúc nào cũng tự tôn tự đại, mình là chủ nợ dầu nợ nhiều hay nợ ít cũng là nhà giàu rồi, và đặc sắc điều nầy là không sợ hao tài. Tánh chất sợ tội, sợ quả báo mà không biết trọng mình, thoạt nghe đó, tin tưởng đó, nhưng không phải tin tưởng đạo đức mà chỉ tin nơi huyền linh đặng cầu khẩn mà thôi lại có tánh chất ngớ ngẩn, trong mình không có tiền thì thôi,  

Bây giờ nói đến hạng du học, hạng du học bình thường cái gì cũng muốn biết, ham đọc sách vở kinh luật nhưng chỉ đọc qua loa rồi bỏ, ưa kiếm hiểu, ưa tọc mạch hơn ai hết, cái gì cũng muốn hiểu, cái gì cũng muốn biết, có khi nào họ mơ màng thì họ cũng muốn bỏ. Hạng du học thì nhiều mà lạ lùng thay, phần nhiều không tín ngưỡng, học cao đến đâu nếu đem đạo đức tinh thần mà nói, họ không biết gì hết, cứ cái chơn lý họ tìm mãi mà thôi, chính mình họ, họ cũng chẳng biết họ là ai, nhưng cũng là hạng tự tôn tự đại lắm, họ quyết đoán trong óc họ rằng không ai hơn họ được, cho là mình khôn hơn thiên hạ nên làm cao cách hơn ai. Gương mặt lúc nào đi cũng ngước lên người ta gọi là mấy cậu "trịch bồ lương" mà thứ đó lại nhiều hơn hết.

Hạng ta bà, nếu có thì chúng ta thấy liền, không động tới ai, không nói tới ai, cái sống, cái chết của họ cũng không cần biết, họ thường ở theo các chùa hoặc lên núi, một cõi một mình, chịu thanh tịnh mà thôi, còn đi chơi tìm lên non núi. Ta thấy trong các chùa chiền, họ bơ vơ dộng chuông, gõ mõ rồi nam mô lên, nam mô xuống. Hạng ta bà du hí nầy sống trên cõi trần nếu không vừa bụng thì thối lui về tức là chết.

Bây giờ các bạn muốn nghe hơn hết là hạng Thiên mạng. Hạng Thiên mạng, là hạng người không biết tầm lấy cho mình, chỉ lấy của mình lo cho thiên hạ, không biết tôn trọng hình hài của mình, chỉ tôn trọng thiên hạ, bởi vì hạng Thiên mạng cốt yếu tìm cả năng lực chỉ đạo cho thiên hạ làm môi giới tinh thần, ấy là một phương pháp giải cứu cho đời và bảo trọng nuôi nấng thiên hạ đó. Tánh chất như Lục Tổ bất động, bất trần, bất cấu, bất nhiễm. Có nhiều khi họ đến mà chưa có phận sự thì họ ngơ ngơ ngửng ngửng như khùng như điên. Ấy là khi chưa đắc thế, thiên hạ kêu là ba trợn ba nháng đó; một khi mà họ đắc thế rồi, quyết cứu độ thiên hạ thay thế cho Thiêng Liêng, vâng mạng lịnh Ðức Chí Tôn đến làm bạn với người đặng truyền Ðạo, thâu con cái của Chí Tôn về một mối. Phần đó ta có thể xem xét được trong Thánh Thể của Ðức Chí Tôn.

Mấy em nếu có gặp người khùng khùng điên điên phải quyết đoán là họ còn đợi thời và họ chưa tới thời đó mà thôi./-




Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả