NHÀ BÁO - NSNA TRẦN ĐÀM:bong::bong:

PHẠM KHANG VÀ TẬP THƠ NHỮNG GIAI ĐIỆU CỦA THỜI KHẮC

Nhà thơ Phạm Khang đã xuất bản cho riêng mình 8 tập thơ, 3 cuốn tiểu thuyết, nhiều truyện ngắn, bút ký. “Những giai điệu của thời khắc” là tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành gần đây. Tập thơ như một bức tranh trừu tượng, kén người xem, người đọc. Bạn đọc có khi phải đọc đi, đọc lại nhiều lần mới ngấm, mới cảm thụ được sự tung tăng của con chữ. Bức tranh ấy có những mảng màu lấp lánh mát tươi, nhưng cũng có những gam trầm đục se sắt:

Ai thả đồng dao
Đêm chung chăn gối
Trăng hờn trăng và gió đưa nôi...
... Chao ôi lòng ta hoang vắng
Nơi gót chân đêm lạc loài
Thi tứ một đời đa cảm
Con chữ rơi xác trắng chân trời.
(Sự đói lả của những con chữ)

Thơ Phạm Khang cứ tuồn tuột như những câu chuyện bình dị hàng ngày giữa đời thường. Cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ và ba lão già là những thân phận mà đọc lên ai cũng như thấy có mình trong đó:

Chỉ có sợi tóc bạc của ta đây là thật nhất
Nếm đủ cái chua chát của chân trời
Nơi lúc nào cũng là cái đích không thể đến được
Ta mắc nợ với thân xác ta lạc lõng
Trong đám thiêu thân của kiếp nạn áo cơm

Và:

Ảo mộng không ra cơm cháo
Cứ như cái cuốc, cái cày của ta có phải hơn không
Củ khoai hạt lúa ngươi tưởng chúng nó vô tri à
Không phải đâu, không phải đâu
Nó là hồn ta rong ruổi bên bờ ao ruộng lúa

Còn đối với nhà thơ thì sao?
Anh hùng học vấn thời nay
Chữ nghĩa bèo bọt lắm
Mặc xác thơ ngươi có nhiều ý tưởng
Khai sáng và cảm hóa
Những câu thơ điên dại thật lòng

Mạch thơ của tập “Những giai điệu của thời khắc” là dùng con chữ để triết lý cuộc sống, phơi bày những mảng tối của cuộc sống ra giữa thanh thiên bạch nhật. Có con chữ như một bông hoa đồng nội, có cụm từ như một mũi dao sắc lẹm cứa vào nỗi đau nhân thế:

Internet tranh nhau cập nhật
Bảo mẫu bạo hành
Đánh trẻ như đánh tù bỏ trốn
Vinasin nợ cao như núi Tản
Nữ sinh hành quyết lẫn nhau
Sân trường biến thành sân giác đấu

Cái thời khắc anh nhớ về đất mẹ, nhớ về thuở ấu thơ cũng viết theo mạch nguồn bút pháp ấy:
Ta về đây gặp ao làng im ắng
Chạm vào cái buổi ngây thơ
Quần cộc đầu trần vật nhau, đánh đáo
Những đồng xu leng keng trong túi rách
Bên mái đình rêu phong ẩm mốc
Bên gốc đa, ta hóa Cuội ghẹo làng

Chiều đông gió bấc
Bám vào váy mẹ lớn lên
Hiu hắt bàn chân lạc nguồn chớp bể

Phạm Khang viết về bọn trẻ bị bỏ rơi, về một sự xa ngã, về một ngày nhẹ dạ, về người hát rong, về những bạn rượu của đêm đông, về thời khắc định mệnh bi thảm của triều nhà Đình với Dương Văn Nga và những chú chuột đục khoét thời nay v.v... Anh cứ bộc bệch phơi ra những khoảng tối sáng nghiệt ngã cho ta cảm thụ, cảm nhận cái chua cay của nhân thế hơn là đón nhận cái đẹp. Trong tập cũng có một mảng thơ tình. Sự khát khao mong mỏi của tình yêu, sự đau đớn đến tận cùng cũng là tình yêu! Hình như cây bút này chưa mô tả một tình yêu nào trọn vẹn ấm êm.

Ta đọc ký sự 3G cũng thấy một bức tranh phác thảo muôn mặt đời thường, hổ lốn những thông tin, để rồi dừng lại ở một khổ thơ dài:
Triết lý văn chương bèo dạt mây trôi
Thơ phú luận bàn quanh vại bia quán cóc
Câu đục, câu trong ngổn ngang trần thế
Câu chửi thề khâm liệm xác ve
Gạ bán gạ mua chân trời vô định
Chữ rơi trên dấu chân người lênh đênh số phận
Heo mây ngăn ngắt, nỗi buồn đầy sông

Phạm Khang được đào tạo nhiều năm về văn học ở Liên Xô cũ. Có lẽ vì thế mà người ta nói thơ anh phảng phất chất tây, phảng phất PUSKIN, phảng phất A.N.Rađisep, không dễ đọc dễ hiểu như thơ lục bát, nhưng đã ngấm là say.

Không biết cây bút này sẽ tiến đến đâu nhưng qua 7 tập thơ và tập này nữa ta thấy sự sung mãn của bút lực, sự tìm tòi như người thợ khai thác các vỉa quặng để cho đời nhiều kim loại quý. Ta trân trọng lao động, nghệ thuật nghiêm túc của anh và mong mỏi được bạn đọc thẩm thấu./.
Tháng 3 năm 2017
Nhà báo - NSNA 
Trần Đàm

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, bộ vét
Trong hình ảnh có thể có: 2 người
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi
Trong hình ảnh có thể có: 3 người


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả