PHẠM KHANG:bong::bong:

NGƯỜI THỔI HỒN CHO DI TÍCH VÀ DANH THĂNG

(Một vài ghi nhận khi đọc “Di tích-Danh thắng miền
Tây Thanh Hóa” của Phạm Tấn)

Phạm Tấn có bút danh Phạm Trường Xuân, tên thật là Phạm Văn Tấn, quê Thọ Xuân, học sử ở Đại học Tổng hợp Hà Nội khi đất nước đang còn chiến tranh chống Mỹ. Ông là người làm sử, viết sách chuyên nghiệp. Không như những kẻ mượn danh, núp danh, xào xáo, úm ba la để dọa người. Ông có tiếng là người cởi mở và có chính kiến khi đàm luận chuyện xưa chuyện nay. Người làm sử có đức tính ấy thì quý lắm. Ấu đó là tính cách của ông, một người lấy bầu bạn, lấy chữ nghĩa, lấy văn hóa làm nguồn vui, làm cảm hứng để đồng hành và để sống. Tên tuổi ông xuất hiện nhiều ở những bộ địa chí lớn từ tỉnh cho đến huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, ông thật sự xuất sắc với những công trình, những cuốn sách, những tham luận khoa học về văn hóa và di tích xứ Thanh. Bài viết này không có tham vọng nghiên cứu sâu một cách tổng thể sự nghiệp và những cống hiến của ông trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khảo cổ…mà chỉ đề cập tới một vài ghi nhận của chúng tôi nhân đọc cuốn “Di tích- danh thắng miền Tây Thanh Hóa” do Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành cuối năm 2013 của Phạm Tấn.

Tôi đọc cuốn sách của Phạm Tấn viết về di tích và danh thắng miền Tây Thanh Hóa theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Thanh Hóa vào một ngày mùa đông lạnh thấu xương. Càng đọc tôi càng thấy sự ấm áp và thân thiện mà cuốn sách mang lại. Tôi nhận ra và lắng nghe được cả tiếng thì thầm, tiếng gọi phấn khích của nó với một cảm giác ngày một thích thú xen lẫn sự ngạc nhiên, sự tò mò khi phiêu lưu cùng ông qua các bài viết. Tôi tự tin là mình sẽ không ngoa khi đặt tên cho bài viết nhỏ bé này về cuốn sách của Phạm Tấn là “Người thổi hồn cho di tích và danh thắng”.

Miền Tây Thanh Hóa là một vùng đất lớn, là phên dậu của xứ Thanh. Núi, rừng, sông, suối, bản làng, sắc áo của 7 anh em dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú…cùng với tiếng nói và tập tục văn hóa, bản sắc văn hóa, truyền thống yêu nước thương nòi, lịch sử dựng nước và giữ nước…đã tạo nên một vùng văn hóa phong phú, đặc sắc trong đa dạng. Xứ Thanh trong một cái nhìn tổng thể có cội rễ không thể tách rời máu thịt, thể phách với miền Tây Thanh Hóa.

Khi nhận viết các di tích lịch sử và danh thắng miền Tây Thanh Hóa để giới thiệu cho du lịch Tỉnh chắc chắn Phạm Tấn phải đối mặt với không ít thử thách về tư liệu và cách nhìn nhận, đánh giá xưa nay. Thế nhưng, ông đã vượt qua được thử thách ấy bằng chính bản lĩnh và sự cầu thị nghiêm túc của mình. Tôi biết để làm được điều ấy ông phải cống hiến và hy sinh rất nhiều. Như một kẻ ký họa mộng du với cách viết nhiều khi phảng phất phong tình, Phạm Tấn đã đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác cái diễm lệ nên thơ, hùng vĩ của những danh thắng trứ danh mà thiên nhiên ban tặng, những di tích lịch sử ôm chứa, vẫy gọi tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của nhân dân vùng cao Thanh Hóa.

Cuốn sách có hai phần giới thiệu về di tích và danh thắng xen kẽ nhau. Phần di tích phải kể đến các bài: Phố Cát, Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, Di tích Khằm Ban ở Hồi Xuân-Quan Hóa, Đền thờ bà chúa Trầm, Trịnh Vạn- căn cứ Cần Vương của Cầm Bá Thước, Lò cao kháng chiến Hải Vân, Chiến khu du kích Ngọc Trạo. Dễ nhận ra di tích lịch sử miền Tây Thanh Hóa không chỉ xuất hiện trong phạm vi của một huyện mà gần như được trải ra rộng khắp trên toàn cõi miền Tây Thanh Hóa. Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ để nói lên tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân các dân tộc vùng cao Thanh Hóa trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thiên tai dịch họa, cần cù trong lao động sản xuất để tồn tại và phát triển xây dựng quê hương, đất nước là rất đáng tự hào. Có thể khẳng định Phạm Tấn viết về các di tích lịch sử ở miền Tây Thanh Hóa với một tâm trạng rất hào hứng xen lẫn niềm tự hào của một người làm sử.

Tích xưa, người xưa, tinh thần xưa, khí phách xưa, chiến công xưa như hòa quyện vào nhau tạo nên bản hùng ca đa điệu, đa thanh, lưu dấu trên những trang vàng của lịch sử không thể nào quên của dân tộc: Lê Lai liều mình cứu chúa, tinh thần Cần Vương của Cầm Bá Thước, du kích Ngọc Trạo, lò cao kháng chiến Hải Vân là hình ảnh và tư liệu sống động cho ý chí quật cường, tinh thần bất khuất của nhân dân miền Tây Thanh Hóa trong lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam. “Lò cao kháng chiến Hải Vân” là bài viết rất cảm động, có tính giáo dục và thuyết phục cao về lòng yêu nước của quân dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lò cao luyện thép làm ta liên tưởng tới cái gì to lớn, hiện đại kiểu như vùng Rua của nước Đức, như khu gang thép Thái Nguyên, thế nhưng ở Như Xuân lại có hẳn một lò cao luyện gang thép hoàn chỉnh trong một cái hang núi.

Thật vĩ đại và sáng tạo. Sự sáng tạo và vĩ đại ấy đã tỏa sáng vào những thời khắc lâm nguy nhất, cấp thiết nhất của quân dân ta trong lịch sử. Tôi mạnh dạn kiến nghị Đảng và Nhà nước nên đưa bài viết này vào sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông giúp các em học sinh hiểu hơn về cha ông ta đã chế tạo gang thép để đánh thắng giặc Pháp ở Điện Biên Phủ như thế nào. Giáo sư, Tiến sĩ Bropsky, nhà khảo cổ học Nga phải thốt lên: “Thật là vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi!”.

Phần danh thắng rất phong phú, đa dạng. Hệt như một lãng tử, Phạm Tấn đã lưu lại bóng dáng của mình trên những vũ điệu của đá, của nhũ, của bầu vú thiên tạo trên các vòm hang, cửa động. Men theo và nương nhẹ gót chân nhỏ bé của mình trên lớp rêu phong u tịch, trầm tích của các hang động, suối sâu, rừng thẳm ông hình như nghe được tiếng gọi của đại ngàn, tiếng trò chuyện của quá khứ, của các tầng văn hóa hàng triệu năm nay hóa hồn vào thác Ma Hao, động Bo Cúng, hang Con Moong, thác Muốn, hang Ma, suối cá thần Cẩm Lương…những danh thắng làm nên vẻ đẹp hoành tráng có một không hai, đầy sức quyến rũ và thức tỉnh lòng người nơi miền Tây Thanh Hóa. Đó là những danh thắng đã hiện hình lên trọn vẹn, đầy sức sống với vẻ đẹp kỳ vĩ, nên thơ tới mức chỉ có tuyệt bút của trời đất may ra mới có thể chạm tới và miêu tả hết được cái đẹp, cái hồn, cái linh khí tưởng như là bất tận của nó.

Vẻ đẹp của nội dung cuốn sách này tự nó đã nói lên tất cả. Tôi muốn nói tới những phát hiện mới của Phạm Tấn trong bài viết này. Lâu nay người ta vẫn gọi Cửa Hà ở Cẩm Thủy là tên một cửa sông, đơn giản vì nó vốn là thế. Phạm Tấn phát hiện ra nó chính là cửa quan Hà Trường, một cửa quan thu thuế thuyền bè thời Nguyễn. Từ đó có tên Cửa Hà như ta vẫn thường quen gọi. Ông còn cho ta biết thêm chợ Phong ý - Cửa Hà có giao dịch thương mại quốc tế đầu tiên ở vùng cao Thanh Hóa; nơi buôn bán và giao thương hàng hóa của Ấn Độ, Mianma, Hoa kiều, Hồng Kông… của người Lào, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội. Khi viết về Phố Cát, Phạm Tấn đã rất có lý liên kết Phố Cát với Cúc Phương –Ninh Bình; một kết nối thiên nhiên, văn hóa, kinh tế, nhất là đối với liên kết kinh tế du lịch ngày nay. Với lối miêu tả trực diện vừa chân thực vừa uyển chuyển, kèm theo các minh họa, các dẫn chứng qua nghiên cứu và am hiểu của mình ông đã đem đến cho người đọc nhiều ngạc nhiên thú vị.

Trong nhiều bài viết về danh thắng, đặc biệt về các hang động, Phạm Tấn đã cho người ta thấy được sự am hiểu thấu đáo và vốn văn hóa của ông trên nhiều lĩnh vực: địa chất học, phong thủy học, khảo cổ học, dân tộc học, văn học dân gian, những huyền thoại truyền ngôn…Ông mô tả tầng địa chất làm nên thác Ma Hao như sau: “Những khối đá granit, riolit, porphirit, hoặc đá hoa và qurzit lộ thiên nhiều hình nhiều vẻ với đủ loại hình kỳ thú được xếp dăng hàng theo lòng sông, lòng suối và cả trên bờ: chỗ thì như đàn voi đi xuống núi, chỗ thì chồng xếp như hòn trống mái, chỗ thì như những quả trứng khổng lồ to nhỏ khác nhau; chỗ thì bằng phẳng, vuông vắn như tấm phản, chỗ lại cao thấp, lồi lõm như hòn non bộ v.v. (Trang 92, Sdd).

Té ra cái đẹp của thác Ma Hao không phải là cái đẹp èo uột, cái đẹp cửa sự tưởng tượng phi hiện thực, hư vô mà là cái đẹp ứa ra từ thiên nhiên, thai nghén từ thiên nhiên, cái đẹp của sự trường tồn mà chỉ tự nhiên, vũ trụ mới có để làm quà tặng con người trong quá trình tiến hóa của lịch sử.

Tôi thật tâm đắc và thích thú khi Phạm Tấn tô thêm vẻ đẹp của Cửa Hà qua việc ông bình bài thơ Đường luật của Tri huyện Vĩnh Lộc đề trên vách động Cửa Hà-Cẩm Thủy: “Và khi ngắm nhìn từ ngôi chùa cổ trên vách động, nhà thơ tưởng tượng mình như đang được thăm thú ngoạn cảnh trên cõi tiên để nghe tiếng tiêu thiều vi vu, tiếng đàn sáo theo dòng suối chảy và dõi nhìn quanh quất nơi sông xanh với núi cao vời vợi để nghe lòng nhẹ nhàng, khuây khỏa cõi bụi trần nơi dương thế…” (Trang 75, Sđ.d). Bình thơ của người xưa nhưng kỳ thực là mượn lời bình để tả, để khoác áo tình cho sông nước, núi non Cửa Hà đó thôi.

Trong cuốn sách này Phạm Tấn đã khéo léo, khéo léo một cách khoa học khi đưa những sự kiện lịch sử như khởi nghĩa Lam Sơn, vua Quang Trung, phong trào Cần Vương…cùng những chứng tích lịch sử, giai thoại lịch sử, giai thoại dân gian vào minh họa, thuyết minh cho vẻ đẹp, sự khác biệt đến mức độc đáo của từng di tích, danh thắng. Sự xuất hiện hàng loạt các tên tuổi lớn, các tao nhân mặc khách ở núi Nưa, Am Tiên, ở Phố Cát là ví dụ sống động cho thủ pháp viết danh thắng, di tích của Phạm Tấn. Am Tiên, núi Nưa sẽ kém đi phần linh diệu về cái đẹp bất tử của thiên nhiên, con người, trời đất nếu như vắng bóng những giai thoại, những truyền ngôn phảng phất sương khói của Thần đạo, của đạo Tiên. Ông Tu Nưa rất gần gũi trong bóng hình của của những lão nông xưa: “ Áo ta dệt bằng lá/ Giày ta kết bằng lan/ Của ta cây xanh che ánh sớm/ Ruộng ta lúa tốt gối thác tràn.”Hoặc những tập tục văn hóa, đặc biệt là văn hóa tang lễ được tác giả đề cập và miêu tả đậm đặc trong “Hang Ma ở Hồi Xuân-Quan Hóa”. Người ta đọc và nhận ra công lao của một công thần của nhà Lê trong kháng chiến chống quân Minh, một người có công lớn trong khai khẩn và giữ yên bờ cõi Đại Việt ở miền Tây Thanh Hóa qua di tích đền thờ Khằm Ban.

Di tích-Danh thắng miền Tây Thanh Hóa là một cuốn sách hay và rất cần cho bạn đọc, vì rằng cuốn sách sẽ cho chúng ta nhiều trải nghiệm và hiểu biết về đất và con người Thanh Hóa nói chung và miền Tây Thanh Hóa nói riêng để chúng ta thêm yêu, tự hào về mảnh đất này, đặc biệt là quảng bá về tiềm năng du lịch xứ Thanh trong hội nhập và phát triển đi lên cùng đất nước.

Tác giả cuốn sách cũng phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, bằng sự đoàn kết, thông minh, sáng tạo tất cả chúng hãy làm hết sức mình để bảo tồn và phát huy bền vững những giá trị di tích, danh thắng ở miền Tây Thanh Hóa hôm nay và mai sau. Không phải ngẫu nhiên mà ở từng di tích, danh thắng tác giả còn có nhiều đề xuất, kiến nghị hay để người quản lý và nhân dân phát huy hết giá trị tiềm năng trong phát triển du lịch, nâng cấp, sửa sang để các di tích, danh thắng thêm đẹp, thêm vững bền trước thiên nhiên, trước lịch sử. Với lối hành văn trong sáng, giản dị, không khoa trương, ồn ào, không sa vào lối diễn giải, trích dẫn, sao chép vô hồn, khô khan thiếu thuyết phục, Phạm Tấn đã cố gắng hết mình trong cái hữu hạn có thể gửi đến tất cả chúng ta một sản phẩm văn hóa giàu ý nghĩa.
PK…


Ảnh


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả