PHẠM KHANG:bong::bong:

“CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG VẦN THƠ” CỦA MỘT TẤM LÒNG

Tôi rất vui khi được anh Thanh Cương tin tưởng nhờ viết đôi lời giới thiệu về tập thơ mới này của anh. Rất vui khi anh có tác phẩm mới ra mắt công chúng và bạn bè…vui hơn vì mối thâm tình giữa tôi và anh lại có dịp để gần gũi nhau hơn.

“Cuộc đời và những vần thơ” là tập thơ thứ 3 của anh Thanh Cương. Ở đó người ta dễ nhận ra một tâm hồn thơ đau đáu nhớ thương và hoài niệm về quê hương, con người và đất nước…

Hình ảnh người mẹ một nắng hai sương, tảo tần, lam lũ, thương con hết lòng luôn là hình ảnh gây hiệu ứng mạnh mẽ, ấn tượng trong thơ anh: Mẹ ngồi mái tóc trắng bay/ Da mồi, chai sạn những ngày gian lao/…Để cuối cùng hình tượng mẹ được nhân hóa lên thành biểu tượng hy sinh và biết ơn: Mẹ như ánh lửa đêm đông…/ Mẹ như nhật nguyệt sáng soi…òa lên trong một cảm thán sâu sắc của sự ghi nhận công ơn trời biển của mẹ: Mẹ là tất cả khắc vào tim con (Mẹ)…Đợi sương cõng nắng tình yêu ruộng đồng/…Hao gầy bóng mẹ miền quê tảo tần (Bóng mẹ trên đồng quê).

Viết được những câu thơ như thế về mẹ phải sâu nặng nhớ thương, tình yêu với mẹ và quê hương lắm…người hời hợt, nhạt lòng khó vươn tới được. Mộc mạc, nhưng là sự mộc mạc của lòng tốt, của trái tim trong sáng và lương thiện, một đứa con hiếu thảo, nhớ ơn…

Tiếp nối logic với hình tượng người mẹ là hình tượng quê hương đất nước luôn thắm đỏ, tươi rói niềm lạc quan tin tưởng, tình yêu vô bờ của tác giả đối với những miền quê, danh lam thắng cảnh, non nước mà anh đã từng đến, đi qua và cả những hồi ức thao thức khôn nguôi nơi tâm hồn…Chùm bài: Lung linh Hồ Gươm, Nhớ mùa xuân năm ấy, Cột cờ Lũng Cú, Rồng thiêng xứ Lạng, Chiều nơi biên giới, Anh đến Sa Pa, Mẫu Đơn, Tà Xùa, Đến sông Kỳ Cùng…Ta nhận ra đất nước, con người, trầm tích, lịch sử, phong tục, núi sông một dải trong thơ Thanh Cương thật đẹp, hữu tình và lãng mạn…

Cái bất tử làm nên hồn Việt trong thơ Thanh Cương đó là ý chí và niềm tin. Hai bài thơ Biển gọi và Cây bàng vuông có cái tinh thần ấy. Anh nhận ra lòng yêu nước không phải là thứ gì cao siêu phù phiếm mà nó được biểu hiện bình dị như chính cuộc sống này:

Nắng vàng hoe
Rót hương mật ngất ngây
Cây bàng vuông
Đêm về hoa nở trắng

Người lính và cây bàng vuông…Tình ấy hồn ấy đã hóa thành đất nước, bình dị và hiên ngang, khiêm nhường mà ý chí. Thơ như vậy là không sáo và ồn ào vậy.

Với thơ, tôi nghĩ, sẽ là thiết thực và không sa vào trống rỗng, đó là bám vào hiện thực mà viết. Phi hiện thực thơ sẽ trở nên èo uột, khó sống, hệt như là một thứ vô dụng của đời sống. Thơ Thanh Cương không sa vào lối viết này. Trong bài Theo mẹ xuống chợ, anh có cách tiếp cận hay khi cho con chữ lặn vào cái khuôn tình của đời sống, làm sinh động đời sống bằng những câu thơ như lời tâm sự của người dân bản: Hôm nay phiên chợ huyện/ Càng đi người càng đông/ Đi chợ như ngày lễ/ Ai cũng đẹp sắc màu…Đi chợ như ngày lễ…là cách nói hay, ấn tượng…Thơ như thế là khéo lắm, lại ân tình và đẹp lòng bao người nơi nhân gian.

Tôi cũng nhận ra Thanh Cương là người đa cảm. Anh có nhiều bài viết về bạn bè. Tình bạn trong thơ anh hiện lên thật tha thiết, nghĩa tình, trung hậu có thủy có chung rất cảm động: Tình bạn đẹp mãi, Bạn tôi, Gặp lại bạn xưa…là những bài thơ in đậm dấu ấn cái tình tha thiết ấy.

Thơ anh viết về tình yêu xem ra quá thật thà. Bởi thật thà nên ý và tình của thơ rất dễ được người đọc đồng cảm, sẻ chia, nâng niu, trân trọng. Phát lộ trong những bài thơ tình của tập này là những cảm xúc về quá khứ và kỷ niệm; ở đó nhân vật trữ tình thật đẹp, thật gần gũi thân thương: Canh thâu nghe động sau rèm/ Gió lay nhầm tưởng là em đợi chờ/ Bồi hồi xin viết vần thơ/ Gửi vào nỗi nhớ sẵn chờ em sang/ Duyên tình đã trót đa mang/ Trăm năm vẫn tưởng như đang hẹn hò/ Rằng đêm khi tỏ khi mờ/ Vẫn luôn bối rối, vẫn chờ đợi nhau…(Duyên trăm năm).

Trong một bài tình khác, bài Chờ em, lại có cái giọng mơ ảo, lối diễn đạt của thơ xưa nhưng thao thiết cái tình tưởng như không thể quên, không thể dối lòng: Người ơi còn bận nơi đâu/ Để hai ta mãi hai đầu nhớ thương/ Đêm đêm lòng đổ sầu vương/ Nhìn sao lấp lánh nhớ gương mặt người…Những câu đầu có thể không nhớ cũng được, nhưng câu cuối thì hay quá…cái lạ của thơ là thế…suy tưởng trong nhân hóa để tình và thơ bay lên đẹp đến lạ lùng.

Bài viết đã dài. Ý lời chưa cạn, nhưng xin dừng ở đây. Chúc mừng anh, chúc mừng tập thơ “Cuộc đời và những vần thơ” từ nay đã có thân phận của nó. Mong tập thơ để lại mến yêu nơi lòng người đọc và anh lại đi tiếp trên con đường thi ca với những cảm xúc, những thành tựu mới.
PK…

Ảnh



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả