“NGHỀ THƠ CŨNG LẮM CÔNG PHU” – MỘT CUỐN SÁCH HAY CỦA GIÁO SƯ VŨ NHẤT LÊ
Trên tay tôi là tập bản thảo đã dàn trang, được trình bày công phu,khoa học có độ dày tới 547 trang , khổ 14,5 x 20,5 của giáo sư Vũ Nhất Lê với tựa đề: NGHỀ THƠ CŨNG LẮM CÔNG PHU. Đây là tập sách tái bản lần thứ 2 có sửa chữa và bổ sung của ông, là công trình sưu tầm, nghiên cứu công phu về thơ truyền thống của ông. “Nghề thơ cũng lắm công phu” là một cuốn sách rất độc đáo. Sao lại bảo là độc đáo, vì rằng bạn đọc có cơ hội lần đầu tiếp cận với một công trình sưu tầm, biên soạn và lý giải rất công phu của Vũ Nhất Lê về vốn cổ thi truyền thống trong kho tàng thơ ca Việt Nam. 

Chúng ta cũng bắt gặp ở đây những khuôn mặt thi ca thiên tài, những kỳ nhân, những nhà văn hóa lớn, những tay thơ cự phách phong tình lưu danh muôn đời qua phần trích dẫn, minh họa cho “Nghề thơ cũng lắm công phu” của người làm sách. Đó mãi là nét đẹp văn hóa ngời sáng, là cái hay, cái đẹp bất tận của thi ca đối với đời sống, nhân tình thế thái cùng những cảm hứng thời đại của thi ca dân tộc.

Vậy thì cái gì làm nên sự hấp dẫn của cuốn sách này? Cái gì khiến ta đọc thấy say qua mỗi phân khúc của cuốn sách? Cái gì làm ta có luôn có cảm giác như gặp lại cố nhân, gặp lại tri kỷ qua mỗi trang của cuốn sách này? 

Đó có phải là tấm lòng tác giả và sự linh diệu của các dẫn chứng mà tôi xin mạnh dạn đánh giá là kỳ tài trong việc phân loại và dẫn giải các ví dụ tiêu biểu và điển hình cho mỗi mục đề…Chao ôi! Thế giới thơ tưởng như mênh mông lắm, phong phú như trời…hằng hà những viên ngọc thơ…chỉ cần không tỉnh táo, chỉ cần thiếu công tâm, chỉ cần sơ sẩy một chút là như lạc rừng mê, như thuyền chìm bể khổ…chưa nói là có thể tự chuốc lấy họa vào thân vì sự nông nổi của trí tuệ và hồn thơ cảm. Vũ Nhất Lê xuất sắc là thế…các dẫn chứng mà ông chọn đưa lên đây đều có cái lý khó cưỡng của nó, cái tình cái ý của thơ mang đậm hồn danh của các bậc thánh thơ, các bậc tài danh lừng lẫy, các tay chơi thơ đến độ tao nhã hào hoa khét tiếng…Ôi những Đặng Trần Côn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quạn, Nguyễn Khuyến…đến Trần Tế Xương, Tú Mỡ, Nguyễn Bính…và bao tài danh khác còn lưu lại dấu vết huy hoàng của cái tài cao chót vót, của cái chí thơ anh hùng mà tiêu biểu là Hồ Chí Minh qua phần thơ chữ Hán – lấy thơ làm cách mạng, dựng nên cơ đồ, dựng lên một nước Việt Nam của thời đại mới . Thật quý lắm thay! 

Tôi cũng nhận ra sự giao lưu của thơ là tự nhiên, nó không bị khiên cưỡng như các thiết chế chính trị. Thơ vốn không ưa sự độc tài và làm bá chủ thân xác và tâm hồn người khác. Trong cuốn sách này ta thấy thơ kết bạn với nhau một cách tự nguyện. Ai bảo thơ Khoán thủ chỉ có ở Trung Hoa xưa mới có, nó có cả ở nước Pháp qua bài thơ đề tặng Vua Louis XIV đấy thôi. 

Thơ không chỉ là nơi thể hiện tình cảm, tấm lòng, nghĩ suy về cuộc sống quanh ta, về thời thế, về cả cái ngoài ta…thơ còn là những chính kiến mang tính ngoại giao của các đế vương…Xướng họa của Càn Long – Quang Trung là hình ảnh tiêu biểu cho thể loại này. 

Còn nhiều điều muốn nói nữa ở đây. Bởi sự tận tụy của tác giả đối với cuốn sách là quá lớn. Bởi cái tình mà cuốn sách ôm chứa là quá lớn. Chỉ cầm chắc một điều rằng “Nghề thơ cũng lắm công phu” của Vũ Nhất Lê là một cuốn sách hay và rất bổ ích đối với bạn đọc. Xin có lời chúc mừng ông, chúc ông nhận được từ bạn bè nhiều hơn những lời khen từ cuốn sách này…
PK…



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả