Lã Mộng Thường
[Tiểu Sử | Thi Hữu | Nhắn Tin]


- Thế sao họ còn sợ sai?

- Thì bất cứ ai nói không giống điều họ quan niệm hoặc chống nghịch lại, đều bị họ cho là sai bởi không kết án người ta sai, tất nhiên chấp nhận mình sai trong khi mình phải tin mà.

- Anh nói gì kỳ, mình phải tin điều hội thánh dạy, chẳng lẽ hội thánh dạy sai?

- Thưa cha, Thanh nói với cha Hải, nếu con dùng câu Phúc Âm thì sẽ vấp phạm như cha, mà coi chừng còn tệ hơn. Thật là có lý khi giáo hội đặt ra luật độc thân cho các linh mục.

- Sao anh không đi tu làm linh mục cho biết. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Hơn nữa, cái gì cũng có giá phải trả của nó, nên chớ thấy đỏ tưởng chín.

Chị Thanh không hiểu hai người nói gì nhưng trong lòng cứ ấm ức về câu cha Hải nói khiến chị không sao hiểu nổi, “Sợ sai vì chưa bao giờ sai.”

- Thưa cha, chị Thanh lên tiếng, cha làm ơn giải thích cho con tại sao lại sợ sai vì chưa bao giờ sai.

- Anh Thanh đã nói mà chị không để ý. Chị phải tin theo một điều gì thì chị không bao giờ sai; chỉ khi nào chị suy nghĩ, rồi quyết định để hành động, biến suy nghĩ, quyết định thành hiện thực; hiện thực đó mới có thể được cho rằng đúng hay sai theo tùy nhãn quan của từng người. Đàng này thì chị phải tin, và đã phải tin thì sẽ không sai, dẫu cho điều mà chị phải tin thế nào chăng nữa; sai, đúng không dính dáng gì tới chị. Thế nên những người tin theo những gì người khác dạy dỗ, họ sẽ không bao giờ sai lầm vì điều đó không phải là sản phẩm, hay quan niệm, hoặc nghiệm chứng, thực chứng của họ, mà của người khác. Họ có thể bị sai lầm chỉ khi nào họ tự suy tư hoặc thực hiện một việc gì. Thế nên, khi thấy điều gì khác hoặc đối nghịch lại điều họ tin theo, mà điều khác này lại có lý lẽ không giống như họ đã phải tin thì chắc chắn e ngại họ đã tin lầm nên sợ.

- Thưa cha, chẳng lẽ hội thánh không biết?

- Hội thánh là gì nếu không là dân Chúa. Chẳng hạn nhận thức của anh Tình, tôi nghĩ rằng các đấng, các bậc trong hội thánh đã biết từ khuya nhưng không dám nói, như tôi chẳng hạn. Giả sử thay vì anh Tình nói mà tôi nói câu đó, có phải là mọi người sẽ kết án tôi lạc đạo không, dù họ chưa kịp suy nghĩ hay suy nghiệm. Và rồi sao, một đồn mười, mười đồn trăm để rồi đến tai giám mục rằng tôi không tin sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi bí tích thánh thể. Tôi phải bảo vệ cái nồi cơm của tôi chứ nếu cứ coi linh mục như một nghề, nhưng mà anh Tình nói thì không sao. Như vậy, dẫu đấng làm thày có biết nhưng dân Chúa chưa thể chấp nhận được thì cũng đành chịu trận.

- Chị có bao giờ nghe câu nói, “Ông cha là đức chúa trời  ngôi thứ tư?” rồi lại cũng có câu khác, “Mỗi cha một lý đoán.” Nói gì chăng nữa, “Chúng khẩu đồng từ, nhà sư cũng chết.”

- Sao cha không nói cho người ta biết?

- Nói làm sao đây nếu họ không có tai để nghe; nếu họ không suy nghĩ. Tôi thử hỏi chị, chị biết câu tục ngữ, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng,” hoặc, “Liệu bò mà đo chuồng,” chị hiểu hai câu này nói gì chứ? Chúng có nói gì về ăn, về cái nồi, về cách ngồi, và hướng nào, cũng như về con bò, hoặc cái chuồng bò không? Phúc Âm cũng được viết như thế, viết một đàng, ý một nẻo. Đồng ý rằng người ta đa số tìm hiểu Phúc Âm theo nghĩa từ chương nhưng không phải là không có những người nghiệm chứng Phúc Âm; thế sao vẫn chưa có sách vở nào được viết giải thích Phúc Âm theo chiều hướng nghiệm chứng! Đã một thời gian mấy năm, tôi cứ hậm hực với chính mình vì càng cố gắng giải thích, càng bị dân Công giáo đấu nặng nề hơn, dến nỗi tôi đặt câu hỏi, “Tại sao đức Giêsu nhập thể rao giảng Tin Mừng Nước Trời đã hơn kém hai ngàn năm, mà cho tới giờ, dân Chúa vẫn chưa được nhận biết Tin Mừng theo Phúc Âm là gì.” Anh chị có biết câu trả lời sẽ thế nào không?

Vợ chồng Thanh im lặng. Cha Hải cũng không nói năng thêm vì cũng đã gần về tới nhà. Lúc mở cửa xe bước ra, Thanh hỏi cha Hải,

- Câu trả lời cha nghiệm mất mấy năm?

- Làm gì mà lâu thế, một tuần thôi, và đó là, “Việc của Thiên Chúa, hãy để Ngài làm, ngu xuẩn.”

Thanh cười lớn, phục ông cha này ngay thẳng, không nhân nhượng ngay cả chính mình.

- Cảm ơn cha, câu trả lời giúp con học được bài học căn bản nghiệm chứng.

- Anh nói thế nào?

- Con cứ thắc mắc tại sao cha lại đi vào nghiệm chứng Phúc Âm vì trong cuộc đời con chỉ thấy những linh mục giảng Lời Chúa theo nghĩa từ chương để rồi phát sinh kết quả bài giảng này đối nghịch bài giảng khác. Hình như các ngài phần nào khinh giáo dân, cho rằng họ ngu hết nên muốn nói sao thì nói; coi chừng chưa nói đã vội quên là đàng khác. Đời thuở nào hôm chủ nhật có bài Phúc Âm người Samaritanô tốt lành, ngài lên tiếng kết án vị tư tế và người luật sĩ mà quên rằng chính mình là vị tư tế đang hành lễ. Rõ ràng bài Phúc Âm lên án những lề luật ngăn cản người ta thực hiện sự tốt lành, lại cứ cho là yêu thương. Hoặc nơi bài Phúc Âm mười người phong hủi, cứ đè chín người Do Thái mà la lối rằng không biết ơn. Con nghĩ, hình như thần học kinh viện chỉ giảng dạy Lời Chúa theo nghĩa từ chương phải không cha?

- Cho đến nay, Kytô giáo và tất cả những giáo phái của nó cũng chỉ nhận biết Phúc Âm theo nghĩa từ chương mà thôi. Riêng một số nhà tạm gọi là cảm nghiệm, nếu tôi không lầm, thì họ học hỏi một nhánh nào đó nơi đạo học Đông Phương rồi viết để lại ít sách được gọi cảm nghiệm về mầu nhiệm trong đạo Công giáo hoặc, về sự khổ nạn của Chúa Giêsu, hoặc nhận thức về sự hiện hữu con người trước mặt Chúa mà không dám nói gốc gác nhờ đâu họ có thể cảm nghiệm được như thế. Tôi chỉ biết rõ một điều, đó là trường thần học nơi tôi theo học không có bất cứ lớp nào dạy về nghề lãnh đạo và cũng không dạy về nghiệm chứng tâm linh. Có lẽ đây là nguyên nhân phát sinh câu nói, “Mỗi cha một lý đoán.”

- Cha có nghĩ rằng đã đến thời điểm nhận thức tâm linh nơi con người bắt đầu phát triển?

- Bất cứ lúc nào cũng là thời điểm bắt đầu nếu người ta nhận chân được nỗi khát vọng bẩm sinh nơi mình. Thử lược sơ qua diễn tiến của một số đạo học Đông Phương, phải biết bao lâu từ thời khởi thủy con người trên trái đất mà Ấn học, Phật học, Lão học, Kinh Thánh  mới ra đời; thế sao đã có lắm người la lên rằng thời này là thời mạt pháp. Dĩ nhiên không thể nào có một pháp chung cho hết mọi người dù chỉ trong cùng một tông phái; vì ai chứng người nấy biết. Tôi nghĩ, có thể là pháp mạt; bởi người ta muốn dạy thằng yếu đánh vật mà quên rằng, chân thành năng nổ nhưng thiếu hiểu biết chỉ là phường phá hoại. Đồng ý rằng, nơi cương vị một linh mục, giảng dạy không phải là chuyện chơi. Cho dù ngày nay internet trở thành những thư viện sống động cho con người học hỏi, nhưng sách  đạo học mà chỉ đọc lướt qua trên net thì lấy gì để nghiệm chứng. Sách đạo học không phải là những tài liệu để lấy bằng cấp học thức. Giảng Phúc Âm mà cứ lên net kiếm những bài giảng đã được viết sẵn từ những năm trước, gom góp và điều chỉnh sơ sơ theo nghĩa từ chương, hoặc bàn về luân lý hữu vi, hay khuynh hướng thế tục, thì muôn đời con dân Chúa cũng không thể bước vào hành trình nghiệm chứng Phúc Âm. Chẳng lạ gì, đã những hai ngàn năm mà Phúc Âm vẫn cứ như huyền thoại.

- Mời cha và anh vô dùng trà. Chị Thanh mở cửa bước ra lên tiếng. Anh Thanh, anh đã soạn nhạc cho em thâu thử CD chưa, một tuần rồi đó, và cha sắp về tới nơi.

- Thâu CD sao dính dáng đến ngày tôi về.

- Con muốn mở tiệc tiễn chân cảm ơn cha.

- Vậy chừng nào đi câu, giữa tháng 11 rồi.

- Thứ năm 14 âm lịch, thứ sáu 15, có lẽ đi câu thứ bảy cho các cháu đi theo. Mời cha, Thanh đưa tay hướng phía cửa.

 
Vừa vào tới cửa, bố Thanh đang ngồi nơi bàn ăn, như có ý đợi, vội đứng dậy,

- Cha về muộn thế, tội cho thân lão mà cũng chẳng được yên.

- Ông nói gì, thích nữa ấy chứ. Không ngờ đến tuổi này rồi mà còn cơ hội nói chuyện với mấy anh em về Phúc Âm thì còn gì sung sướng cho bằng. Không ngờ Thánh Thần làm việc quá khác thường.

- Cha muốn nói sao, bố Thanh hỏi.

- Những anh em ở đây chỉ tạm được gọi là có học, nhưng đầu óc được mở rộng có thể nói vô giới hạn; nên nói chuyện về Phúc Âm với họ cũng khám phá thêm được nhiều điều bổ ích mà nếu cả như sự hiểu biết giới hạn của tôi sẽ chẳng bao giờ dám nghĩ tới.

- Cha nói sao, chưyện gì mà không dám nghĩ tới?

- Gần cuối buổi hội thảo, sau khi bàn về Thiên Chúa chính là Quyền Lực Hiện Hữu nơi mọi vật, mọi loài, từ vô hình cho tới hữu hình, anh Tình nêu lên sự thể hiện hữu của bánh và rượu rồi kết luận không cần phải tin sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu ngự nơi tấm bánh và rượu sau khi truyền phép. Anh ta lý luận rằng nơi tấm bánh và rượu, Thiên Chúa đã sẵn sàng hiện diện, hiện hữu trước khi truyền phép vì nếu không tất nhiên không có bánh và rượu. Như thế đâu cần phải tin vì đó là thực thể, sự thể hiện diện của Thiên Chúa hay của Quyền Lực Hiện Hữu. Điều mà tôi thấy lạ lùng đó là, ít nhất chính anh ta đã thức ngộ được Thiên Chúa là gì. Nhận thức của anh Tình khiến hầu hết mọi người rúng động vì một phần nào phá tan thói quen tin tưởng không vấn nạn.

- Thưa cha, cha nói thế con mới dám xin thưa, sở dĩ con không tham gia những buổi hội thảo ngoại trừ ở nhà con cũng chỉ vì e ngại lỡ mình thực tâm nói lên những suy tư của mình đôi khi lại trở thành cớ cho người khác vấp phạm; vì con biết, mấy anh em ấy được cái rất chân thành, nhưng khi có đôi chén bia rượu vào rồi thì niềm hăng say có thể trở thành phóng túng nhiều lúc coi trời bằng vung. Cả đời con hành nghề biển rả nhưng con giao tiếp khá nhiều, cũng có thể nói là phận số con nó thế, không tin cũng không được. Thế nên con có cơ hội gặp một số người mặc dầu công việc và hình dáng bên ngoài họ rất thường, nhưng ý tưởng và nhận định của họ về cuộc sống cũng như tinh thần tương đối khá rộng mở. Người theo đạo này, kẻ theo đạo nọ mà rốt cuộc họ có cùng một nhận thức về thân phận và vị thế của con người nơi cuộc sống. Cũng nhiều khi nói truyện với họ về tôn giáo, sao con thấy họ nói rành mạch và có thể minh chứng lý do họ tin tưởng; đôi khi họ kể lại những dữ kiện đã xảy đến nơi kinh nghiệm sống của họ để chứng minh. Có điều, con thấy hình như các tôn giáo đều có điểm chung là phần tâm linh thì quá ư hời hợt mà đa số thì chỉ là những điều luật luân lý được dùng như một khí cụ răn đe, dọa nạt. Nghe người ta nói rồi tự so sánh với đức tin của mình, đã nhiều lần con ao ước được có cơ hội hay cách nào đó tìm hiểu thêm nhưng khổ nỗi, con tuy thông minh nhưng vốn học hành con quá ít, hay nói cho đúng, kể như không có nên đầu óc cứ luẩn quẩn. Đẫu thế, nhiều lần đi lễ về, con cứ hậm hực với chính mình vì không biết cách nào để giải quyết nỗi ưu uất tâm tư. Con dùng tiếng ưu uất tâm tư nơi trường hợp này mới đúng; đó là thấy cha giảng lần này bỗng đối nghịch với lần trước. Chẳng lẽ Lời Chúa tự đối nghịch thì sao lại gọi là Lời Chúa. Tiện nhà có cuốn Kinh Thánh, con cứ đọc hết lượt lại bắt lượt. Nơi phần Cựu ước, con không hiểu sao lại có những đoạn kể tội ông này, ông kia mà lại được gọi là Lời Chúa. Riêng phần Phúc Âm, nếu con không lầm thì dùng câu truyện của Chúa Giêsu mà nói về chuyện nào đó chứ nếu áp dụng Phúc Âm theo nghĩa đen thì không thể được. Hơn nữa, con cũng thấy chẳng ai áp dụng Phúc Âm trong cuộc sống. Lắm lúc con phải nực cười vì nhận xét của mình. Chẳng hạn, nếu áp dụng câu Phúc Âm, “Nếu mắt ngươi làm có cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng chúng đi,” thì giáo hội Công giáo nhà mình chỉ gồm có những kẻ không mù thì chột. Cha thử tưởng tượng coi, vô một cái nhà thờ mà nguyên những người không chột thì mù phải rỡ rẫm lung tung có đáng tức cười không! Thế mà các cha cứ giảng Phúc Âm theo nghĩa đen; không biết Chúa nghĩ gì.

 

Cha Hải phá lên cười vì hình ảnh được bố Thanh nêu lên. Vợ chồng Thanh không ngờ ông cụ cũng để ý về tôn giáo đã từ lâu mà chưa bao giờ thấy cụ nói năng chi; dù đôi khi gặp những người mang tôn giáo ra mổ xẻ, ông cụ thường tránh, không lên tiếng phụ họa, hoặc chống đối.

- Có thể rằng ông vì bị ảnh hưởng bởi những kiểu cách đe dọa theo luân lý thế tục thành ra e ngại suy nghĩ sai lầm chăng.

- Thưa cha, là con nhà có đạo, đâu ai dám khinh thường sự giảng dạy của các cha; các cha là đại diện Chúa Kitô; đặc biệt khi dâng thánh lễ, lời các cha giảng chính là lời Chúa dẫn dắt dân Ngài sao con dám khinh thường. Thế nhưng lời giảng đối nghịch nhau khiến con bối rối không biết phải làm sao. Có đời thuở nào, hôm nay ngài giảng về lòng Chúa thương xót vô bờ bến, cho dù người mẹ có thể bỏ rơi con mình rứt ruột ra thì Chúa cũng không bao giờ từ bỏ chúng ta; thế mà ngày mai lại lên án mấy kẻ giầu có khó vào nước thiên đàng. Con đọc Phúc Âm thấy rằng nếu không có những người giầu có theo Chúa và giúp đỡ Chúa Giêsu thì lấy gì cho Ngài ăn mà đi rao giảng. Con nghĩ, dẫu thánh Giu se làm thợ mộc mà Chúa có làm thợ đâu; cũng không thấy nói Chúa buôn bán kiếm tiền sinh sống cũng như làm ruộng rẫy hay biển rả chi hết, thế mà cứ lên án kẻ giầu có. Thưa cha, không có tiền lấy chi đóng góp cho nhà thờ, hay các cha có quyền năng làm phép lạ biến giấy thành tiền, thưa cha.

- Ông nói đúng nhưng đúng trật; các cha chỉ có khả năng làm phép lạ dùng tiền mua giấy thôi, không phải biến giấy thành tiền đâu; chỉ có các ông có quyền năng làm phép lạ biến cá thành tiền hoặc nói cho đúng, biến công sức và kinh nghiệm của mình thành tiền mà thôi.

- Con nghĩ, có lẽ các cha được tòa giám mục trả lương, không phải làm lụng kiếm tiền nên không hiểu được những khó khăn mưu sinh do đó đôi khi lời giảng không hợp thực tế chăng.

- Ông nói gì, tiền đâu tòa giám mục trả cho các cha; tòa giám mục phải nhờ sự đóng góp của giáo dân thì lấy tiền đâu mà trả. Chính các ông trả lương cho các cha. Ông đã thấy Phúc Âm nói về chuyện gì đó khác với nghĩa đen mà lại sợ sai thì kể cũng lạ.

- Thưa cha, con đâu được ăn học nên chắc chắn nếu suy nghĩ về Phúc Âm sẽ bị sai lầm.

- Vậy ông có đánh cá sai lầm không? Ông chịu khó làm lụng, tính toán để sao cho cuộc sống khấm khá, thoải mái hơn, nuôi dạy con cái, giúp chúng học hành cho có cuộc đời tốt hơn sau này, có sai lầm không? Những chuyện khó khăn như thế, tất nhiên, không thể không gặp những sai lầm nhưng ông đã thực hiện được thì sao có thể sai lầm khi suy nghĩ về Phúc Âm. Mà suy nghĩ sai có chết ai đâu; vì nếu biết là sai, mình suy nghĩ lại; bởi đâu ai có thể biết mình suy nghĩ gì. Coi chừng suy nghĩ sai mới có thể giúp mình suy nghĩ đúng, và như vậy nhờ suy nghĩ sai mình mới có thể nhận ra điều đúng, vì không nhận ra sai  lầm, tất nhiên không thể nào nhận ra điều đúng. Có câu nói rằng, người không bao giờ sai lầm thì sai lầm cả đời.

- Ủa, cha nói hay quá, thế sao các cha đều giảng rằng chúng ta phải tin với giáo hội, thưa cha.

- Ông có biết giáo hội là ai không?

- Thì tất nhiên là các đấng, các bậc trong hội thánh.

- Bộ ông không phải là thánh sao?

- Cha nói gì? Con mà là thánh thì thế gian này sẽ không có hỏa ngục.

- Bất cứ ai được sinh ra cũng đều là thánh vì Thiên Chúa là Đấng Thánh mà mọi sự mọi vật chính là hiện thể của Thiên Chúa dưới những dạng thức khác nhau. Gốc gác, bản thể của mọi sự đều thánh thiện; bởi chúng từ sự thánh thiện của Thiên Chúa mới có sự hiện hữu. Vấn đề chỉ là chúng ta có nhận ra sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi mình hay không. Chính vì không nhận ra sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi mình nên chúng ta đã chạy theo những ý muốn thế tục được gọi là tội lỗi; bởi tội lỗi chính là những gì ngăn cản hoặc phương hại đến sự nhận thức thánh thiện nơi mình. Sự nhận thức này đâu cần phải có bằng cấp học hành, đâu cần phải là ông nọ, bà kia; vì sự thánh thiện đã sẵn nơi mình, mình được sinh ra bởi sự thánh thiện này nhưng mình đã không biết.

- Vậy thưa cha, mình không sinh ra trong tội à?

- Thế theo ông tội là gì?

- Thưa cha, theo con thì bất cứ điều gì khiến lương tâm áy náy đều đưọc coi là lỗi lầm.

- Thế sao có thể nói được sinh ra trong tội. Câu này ở trong Thánh Vịnh ngụ ý nói lên tâm tình, mình không là gì trước mặt Chúa, khi nhận thức được vinh quang cao cả của Ngài chứ không phải thực thể sự việc. Lần tới, tôi sẽ hội thảo với mấy anh em về đức tin, nếu có thể, mời ông dự thính. Tôi nghĩ, ông sẽ gặp lắm ngạc nhiên. Tuy nhiên, coi chừng những gì mình xưa nay cho là đúng lại đành chấp nhận chối bỏ để phải nhận thức ngược lại. Cha Hải miệng thì nói thế nhưng trong lòng lại nghĩ, tội lỗi đâu phải đơn giản tùy theo lương tâm; bởi mỗi người một lương tâm khác nhau, lại có những lương tâm lệch lạc hoặc không được giáo dục, chả thế mà phải có những luật lệ hầu tránh những phiền hà nơi liên hệ cuộc sống. Nhưng, chẳng nên nói chi bởi với đầu óc đơn sơ nơi tuổi xế bóng, có phân tích, giải nghĩa chỉ khiến tâm hồn thêm bối rối, phiền hà đến tuổi già. Quay qua, ngài nói,

- Chị Thanh định thâu CD phải không, tôi đề nghị chị hát nhỏ như lúc chị hát một mình khi đang làm việc gì. Nghe nói thì dễ nhưng nếu không để ý, coi chừng bể CD. Có lẽ lúc nào thâu CD, nếu tôi còn ở đây, chị cho tôi biết. Giờ muộn rồi, chúng ta đi nghỉ thôi.

- Vâng, con xin cảm ơn cha, con sẽ nói cho cha biết ngay khi anh Thanh sắp xếp thời giờ. Kính chúc cha ngủ ngon.

 
0 – 0 – 0

 
4 giờ sáng thứ tư, Tình và Sỹ lái xe mãi tới đường 26 mua được con heo rừng cỡ 20 ký  vừa mới sập bẫy. Hai tướng đem về nhà Tình nuôi mấy ngày và sáng thứ bẩy hè nhau làm thịt.

- Mấy cái giò heo rừng mà giả cầy, ăn hết biết, Sỹ lên giọng bợm nhậu khi cả hai đang lui cui cạo lông.

- Ông dội nước sôi vào lỗ tai để tôi dùng cán dao giộng cho sạch lông phía trong, Tình nói.

Con heo cạo lông sạch sẽ trông ngon thật là ngon được đặt nằm ngửa nơi ba tấm gỗ kê trên hai chiếc chân ngựa các xa nồi nước sắp sôi chuẩn bị luộc lòng chừng 20 bộ. Tay trái Tình cầm con dao nhọn cắm hờ giữa ngực heo, tay phải cầm con dao khác chặt xuống dọc theo má dao đang được cắm hờ làm chuẩn, đoạn nhẹ nhàng kéo dọc xuống giữa hai đùi sau trong khi Sỹ đã lanh lẹ banh hai chân cho Tình khoét hậu môn và kéo bộ ruột già sang một bên bỏ vô chiếc thau nhôm đã để sẵn. Nhẹ nhàng, Tình lách dao dọc phần sụn nơi ức, cắt ngang cổ họng và kéo chùm phổi, tim, gan, kèm theo bộ lòng ruột, bỏ nơi chiếc chậu khác, không quên bóc túi mật quăng vô đám lông vừa được thu gọn. Khi hai người khiêng heo tới lò hơi đốt để thui cho săn da thì chị Tình đã bỏ bộ lòng chay vô nồi luộc và đang dùng dao nhọn chích nửa phần đầu đắng ruột non, phần còn lại làm dồi thay vì ruột già.

- Ngoài món lòng heo, giả cầy, ông định làm thêm món gì nữa, Sỹ hỏi.

- Sườn nướng và cháo lòng, luộc thêm ít bún để ăn với giả cầy.

- Có con gà nào nơi tủ đá không?

- Gà để làm gì?

- Luộc lấy nước pha vào nước luộc lòng để nấu cháo.

- Có chứ, bà ấy đã bỏ ra ngoài từ tối qua, Yên chí đi, mọi phép bí tích đều đầy đủ, chỉ thiếu xỉn.

 
* * *

 
Trời tháng 11 tối sớm nên mọi người đồng ý ăn lúc 5 gìờ 30 chiều.

- Hôm nay tôi mời thêm ông Thịnh, ba của anh Thanh tham dự cùng chúng ta, và tối nay cũng là buổi tối cuối cùng tôi gặp anh em; có thể tuần tới tôi trở lại Phila. Nào chúng ta cùng nâng ly.

- Thưa cha, rồi chừng nào cha trở lại?

- Có thể khi tôi bán xong mấy miếng đất để có tiền mua căn nhà nhỏ ở đây hoặc cũng có thể sẽ chẳng bao giờ.

- Sao cha lại nói sẽ chẳng bao giờ!

- Ai mà dám nói trước ngày mai. Mình có cuộc đời nhưng không có bất cứ quyền hành gì trên cuộc đời của mình; do đó sao có thể nói ngày mai ra thế nào, phương chi một vài năm trong tương lai.

- Thưa cha, đất đai thì để công ty địa ốc bán, khi được giá thì ký giấy tờ, đâu có gì phải lo lắng. Sỹ nói.

- Rồi sao!

- Cha rời về đây cho ấm áp lại có khí hậu trong sạch ven biển.

- Rồi sao!

Thế là Sỹ ngớ ra, chẳng hiểu ngài muốn nói gì. Mọi người bất chợt thinh lặng nhìn về phía cha Hải bởi nghe thấy ngài hỏi luôn hai lần, “Rồi sao.”

- Thì cha không vướng mắc gì nên muốn đi đâu vào lúc nào mà chẳng được.

- Đúng là thiền sư tối dạ.

- Sao ông cứ nhè tớ mà công kích vậy?

- Bộ sợ không ai biết mình là nhân vật quan trọng à, dám đề nghị láo lếu.

- Chi mà láo lếu! Nhà Thanh, nhà tớ, thiếu gì chỗ ở, và nếu cùng lắm thì vô nhà hưu dưỡng, chưa chết thằng tây nào mà.

- Chưa chết thằng tây nào chứ thằng ta thì không biết mình nói gì. Thử hỏi ông, chưa bán được đất, lấy chi mua nhà. Đâu phải phi lý mà có câu “Sống một nhà, chết một mồ.” Sao ông không đi ở nhờ, hay vô “housing,” để tiền nhậu cho sướng mà lại phải có nhà riêng? Mình không ở trong hoàn cảnh người khác thì chỉ nên im lặng, bởi nếu đã thực hiện được điều mình nghĩ thì đã chẳng đề nghị cho bất cứ ai.

- Các chú định khởi xướng đề tài mới hay sao? Có lẽ hai chú đã nghiệm chứng được câu hỏi “Nếu Chúa hiện diện nơi mình, khi mình phạm tội, Chúa có phạm tội với mình không?” Nếu đã nghiệm chứng dược thì chia sẻ, còn không thì bàn bạc, mắc mớ gì gây thêm cuộc cờ mới. Ông Thung lên tiếng.

- Chúa không thể phạm tội được vì Chúa đến để cứu chuộc những người tội lỗi. Ông trùm Hiểu hỏi.

- Giết người là một trọng tội và bất cứ tôn giáo nào cũng lên án; ngay cả luật đời cũng trừng phạt mà Chúa có tha cho ai đâu. Nói cách khác, Chúa bắt hết mọi người đều phải chết, dù chết cách nào cũng là phải chết thì ông trùm nói sao đây? Tình, chủ nhà, đáp lại ông trùm Hiểu.

- Sự chết là chuyện bình thường vì ai cũng phải chết sao lại đổ cho Chúa!

- Thiên Chúa là sự sống mà chết là mất đi sự sống vậy chẳng lẽ Chúa ở nơi mình, khi mình chết thì Chúa cũng chết à? Chị Tình bạo dạn lên tiếng.

- Ăn rồi cũng chết, mà không ăn rồi cũng chết vậy thì ăn để mà chết sao? Phủ thêm vô, cớ sao mọi người thấy ăn uống là điều cần thiết để sống mà lại cũng lên án ăn uống quá độ.

- Nguời ta không lên án ăn uống đâu, chỉ lên án ăn nhậu mà thôi. Thanh giải thích.

- Người ta là ai nếu không phải là những kẻ lên án những gì họ thích thú trong lòng. Ôi!

- Chỉ đâu mà buộc ngang trời; tay nào bưng kín miệng người trần gian.” Đến ngay đức Giêsu còn bị cho rằng thích ăn uống, đàn đúm với những kẻ tội lỗi thì để ý làm chi đến những lời bình phẩm cho thêm mệt. Bá tiếp lời.

- Thế không cảm ơn họ sao? Sỹ hỏi.

- Có chứ, chính lối sống ý thức của mình là lời cảm ơn đến họ tuyệt vời nhất. Thanh nói.

- Cũng khiến họ khó chịu nhất, Tình thêm.

- Mấy cái ông này, vợ Sỹ lên tiếng, chị Tình hỏi Chúa có chết với mình không mà cứ nói hươu, nói vượn.

- Ai bảo Chúa chết. Thiên Chúa ngự trị nơi mình. Chúa ở cùng anh chị em, các cha thường công bố như thế. Phao lô cũng đoan quyết, “Thân xác anh em là đền thờ của Thiên Chúa thì linh hồn mình là “Thượng Đế nội tại” làm sao có thể chết. Bởi vậy, chúng ta thường nói linh hồn ra khỏi xác. Thanh luận lý.

- Nói rằng Thiên Chúa ở nơi mình thì ước muốn, ý nghĩ, tham vọng đều phát xuất tự linh hồn, tự Thiên Chúa nội tại. Phúc Âm có nói về phạm tội ngoại tình trong lòng, vậy tức là Chúa phạm tội ngoại tình à? Tình chọc thêm.

- Thưa cha, Sỹ lớn tiếng, Phúc Âm nói như thế, nghĩa là thế nào? Cả tuần nay, con ôn lại giáo lý; thưa Đức Chúa Trời là đấng vô thủy, vô chung, phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi; mà Phúc Âm lại nói tội ngoại tình trong lòng tức là cái linh hồn chúng con phạm tội; vậy chẳng lẽ Chúa cũng phạm tội? Ối giời ơi, cả tuần mất ăn, mất ngủ chỉ vì câu hỏi của cha; hèn chi quần áo càng ngày càng thêm rộng rãi.

- Đúng đấy, ông mắt ăn, mất ngủ, nên hai cái mắt cá chúng thức chong chong thành ra cứ ồn ào như sấm động đàng tây giật sang đàng đông, may mà chưa bay mất nóc nhà. Vợ Sỹ giải thích.

- Bu mày không biết, đấy là tớ hành thiền để nghiệm chứng khi mình phạm tội Chúa có phạm với mình không. Nâng mình lên chín tầng trời để nghiệm chứng thì sấm chớp phải rối loạn chứ. Công việc nâng bản lai diện mục hòa nhập với Tào là chuyện kinh thiên, thảm địa để tiến tới huyền đồng, đâu phải là chuyện chơi. Bu mày có đường lối của bu mày, tớ có pháp của tớ, chớ khá coi thường.

- Ông nghiện bia, nghiện rượu chứ nghiệm trứng, nghiệm con chi, lại còn nói hành thiền với tỏi thiền nghe mà ngứa cả tai.

- Tớ mà biết lập gia đình phiền hà đến việc tu tỉnh, thiền niệm thì ngày xưa tớ đi tu quách. Làm cha, ngủ một mình trong nhà xứ rộng mênh mông, có ngáy sập nhà, tan cửa cũng không bị phiền hà đến ai. Ôi sung sướng nhất là độc thân.

- Anh Sỹ nói sung sướng cái gì? Cha Hải nhẹ nhàng hỏi.

- Thưa cha, đi tu làm linh mục đâu phải đêm khuya canh thức khi vợ đẻ, con đau, rồi nào “biêu bọng,” nào xâm mi xâm miệng, nào con cái đùm đề rối tung lên. Sỹ tửng tửng nói.

- Vậy sao chú mày lúc sướng sướng không la lên cho mọi người biết mà khi khổ khổ lại ồn ào điếc cả tai người ta, quả là bất công. Phủ lên tiếng chọc Sỹ.

- Ông không thấy trên net có chị kia phải đi tù mất 24 tiếng, và xin lỗi hàng xóm vì la lối quá bạo khi sướng sướng sao. Bộ ông muốn tôi đi tù ư? Tớ đâu có dại.

- Mấy cái ông ma này, cứ nói tào lao thiên tướng. Vợ Sỹ la.

- Đấy, bu mày không tào lao thì có giỏi trả lời Chúa có phạm tội hay không cho mọi người nghe. Chả biết người nào muốn tào lao mà không được. Chúa mà không phạm tội thì sao có tội ngoại tình trong lòng! Chả lẽ cái xác làm theo lệnh của cái hồn mà cái hồn không liên hệ. Đấy, tào lao! Đã lười nghiệm chứng mà khi người ta “Nghiệm xét mọi sự” lại cho là tào lao. Rõ thật, đàn bà không bao giờ sai!

- Sao ông nói dai, nói dài, nói dại thế. Muốn biết Chúa có phạm tội hay không thì mắc mớ gì đến nghiệm chứng, lại còn hành thiền với tỏi thiền. Cứ hỏi thẳng Ngài có hơn không! Bá lên tiếng chọc Sỹ.

- Hỏi sao mà hỏi, Chúa không có cái miệng!

- Vậy Chúa phạm hay không phạm nào mắc mớ chi đến mình.

- Ơ, tớ nghiệm chứng mà. Thưa cha, chuyện phiền hà này do lỗi nơi cha mà ra.

- Sao lại dám lộng ngôn như thế! Bá nói, cha uống bia ông có say không? Thiên hạ đa sự, người ngu tự quấy nhiễu mà nên.

- Chú mày nói thế thì tất cả những người nghiệm chứng, hành thiền, thức ngộ đều ngu hết à?

- Ai vừa nói họ ngu? Muốn nghiệm, muốn thiền thì phải biết im cái mỏ lại.

- Thưa cha, Sỹ vớt vát, linh hồn không chết được vì là Thiên Chúa nội tại vậy chẳng lẽ phải luân hồi.

- Luân hồi là học thuyết phát xuất từ Ấn học đâu dính dáng chi đến phạm tội. Tuy nhiên thường bị dùng như lý thuyết luân lý hữu vi đe dọa, hầu giúp con người sống tốt lành hơn. Ngược lại, nếu đã nói đến nghiệp và duyên thì mắc mớ chi đến luân hồi. Chuyện gì cũng phải có lý của nó, và câu hỏi được đặt ra đó là nguyên nhân nào tạo nên điều được gọi là duyên! Tôi nghĩ, anh em đã biết chủ thuyết luân hồi nên không muốn nói thêm.

- Thưa cha, Chúa đâu thể phạm tội được mà cha đặt ra câu hỏi như thế?

- Tôi đâu tự nhiên đặt ra câu hỏi như thế. Vậy anh em đã nhận thức được Tin Mừng theo Phúc Âm chưa?

- Thưa cha, đó là Thiên Chúa ở cũng chúng ta. Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mọi người, mọi loài, mọi vật.

- Vậy khi anh phạm tội, Chúa có phạm tội với anh không? Nếu anh không nghiệm chứng đuợc thì nghiệm chứng Tin Mừng của anh cần được đặt vấn đề lại cho đến tận cùng. Chị Tình, chị đã rõ thế nào là tư tưởng, ý kiến không đúng, không sai chưa?

- Thưa cha, con đã hiểu. Nếu như vậy, thưa cha, con cũng cần phải xét lại vấn đề tội là gì!

- Thưa cha, Thanh lên tiếng, đề án cha nêu lên không phải là vấn đề Chúa phạm tội hay không mà là tội lỗi là gì. Xin cảm ơn chị Tình đã vô tình nhắc tới tội lỗi.

 

Mấy lời nói của Thanh như tiếng sét đánh thẳng nơi tâm não mỗi người khiến ai nấy chừng như giật mình, chợt nhận ra họ bị câu hỏi choán hết tâm tư; nói cách khác, tâm tư họ bị trói buộc nơi nghĩa từ chương của câu hỏi thế nên bị dồn vào ngõ cụt không đường giải thoát.

- Anh em đã nghiệm chứng được điều kiện tâm trí để nghiệm chứng chưa?

- Thưa cha, hơi hơi.

- Muốn nghiệm chứng công án “Khi mình phạm tội, Chúa có phạm với mình không,” chúng ta lại cần phải nghiệm chứng về sự thể được gọi là “Tội lỗi.” Khi anh em nghiệm chứng được tội lỗi là gì, sẽ biết Chúa phạm hay không, nhưng tôi biết chắc, anh em sẽ không nói ra được.

- Thành quả tối cao của Tin Mừng Nước Trời chính là đức tin. Đã ai nghiệm chứng được đức tin qua Phúc Âm chưa, làm ơn giơ tay cho mọi người biết.

- Thưa cha, ông trùm Hiểu lên tiếng, đức tin là tin Thiên Chúa, tin Chúa Giêsu, tin các điều hội thánh dạy thì làm gì mà phải nghiệm chứng nữa thưa cha.

- Thưa ông trùm, Phúc Âm ghi rõ, đức tin con chữa con, đức tin con cứu con, "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,’ nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc. 17:6). Vậy điều mà ông trùm gọi là đức tin có thể làm được như Phúc Âm nói không? Bá hỏi.

- Vậy chú Bá không tin các điều hội thánh dạy à?

- Thưa ông, chúng tôi đang nói đến đức tin theo Phúc Âm. Hội thánh có bổn phận rao giảng Phúc Âm chứ không có quyền viết Phúc Âm. Hội thánh chỉ là tôi tớ cho Phúc Âm chứ không là chủ của Phúc Âm. Ông tin hội thánh thì đó là chuyện của ông, chúng tôi không nói đến đức tin theo hội thánh. Chúng tôi chỉ muốn nói đến đức tin theo Phúc Âm. Nếu ông biết, xin trình bày hoặc minh chứng. Nếu ông có đức tin bằng hạt cải thì ông hãy minh chứng bằng cách bảo cái gì di chuyển. Nếu ông dùng đức tin mà bảo bất cứ gì di chuyển mà nó không di chuyển thì ông không có đức tin bằng hạt cải; nghĩa là ông không có đức tin.

- Thưa cha, chỉ có một Chúa và một đức tin thế mà sao bây giờ lại có đức tin theo Phúc Âm? Ông trùm Hiểu hỏi.

- Ông nói đúng. Chỉ có một Chúa và một đức tin theo Phúc Âm mà thôi, rồi tùy theo các giáo phái, người ta đặt thêm ra đức tin Thệ Phản, đức tin Tin Lành, đức tin Anh giáo v.v…

- Thưa cha, vậy đức tin Công giáo là đức tin gì?

- Đức tin Công giáo là đức tin Công giáo, không phải đức tin Tin Lành hay Anh giáo hay thứ nào khác. Phủ nói như không nói.

- Thưa cha, vậy đức tin Công giáo cũng không phải là đức tin nơi Phúc Âm?

- Đức tin Công giáo cũng phát xuất từ Phúc Âm nhưng có lẽ nó to hơn hạt cải nên không khiến cây dâu mọc dưới biển được. Sỹ chen vô lên tiếng.

- Ông trùm, cha Hải ngắt lời Sỹ, tôi đã minh xác rõ ràng, tôi về đây để thách đố anh em nghiệm chứng Phúc Âm chứ không nói chuyện về tôn giáo dẫu tôi là linh mục Công giáo. Tôi cũng đã giải thích rằng, gốc gác của Kytô giáo là Phúc Âm, và Kytô giáo bao gồm nhiều giáo phái chẳng hạn Anh giáo, Chính Thống giáo, Thệ Phản, Tin Lành, Công giáo v.v… Vì thế tôi không muốn nói về bất cứ một giáo phái nào. Cũng như qua Phúc Âm, chúng ta nghiệm chứng được Tin Mừng Nước Trời chính là Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mỗi người, nhưng nhận biết hay không tùy thuộc người đó nghiệm chứng Phúc Âm hay không. Từ nhận thức Tin Mừng, chúng ta phải đối diện với vấn nạn, “Chúa ở nơi mình, vậy khi mình phạm tội Chúa có phạm tội với mình hay không?” và anh Thanh nêu lên nhận thức; nếu muốn trả lời vấn nạn này thì cần phải nghiệm chứng “Tội là gì?” Tôi để anh em tự nghiệm chứng về tội lỗi nên không nêu lên bất cứ vấn đề liên hệ cũng như nhận định nào về tội lỗi và chuyển sang phần đức tin theo Phúc Âm. Riêng ông trùm, ông muốn biết đức tin Công giáo có lẽ nên hỏi linh mục chịu trách nhiệm nơi cộng đồng. Cả đời ông theo đạo Công giáo mà không biết đức tin Công giáo là gì có lẽ ông nên để ý tìm hiểu thêm về đức tin Công giáo. Ở đây, chúng tôi đang đặt vấn đề về một đức tin mang đầy quyền lực mà Chúa Giêsu phán, “Đức tin con chữa con, đức tin con cứu con.” (Mt. 9:22; Lc. 17:19). Nơi Phúc Âm Gioan, Ngài còn đoan chắc, “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa” (Gioan 14:17). Phúc Âm nói về một đức tin, lòng tin mang đầy quyền lực chứ không chỉ nói suông tin vào Thiên Chúa. Chúng ta cần nghiệm chứng về đức tin, lòng tin này.

- Lần trước tôi đề nghị anh em đọc Phúc Âm để tìm hiểu xem Phúc Âm nói gì về đức tin; ai có thể nêu lên một vài câu Phúc Âm nói về đức tin, làm ơn cho biết.

- Thưa cha, Thanh lên tiếng, con có ghi lại những câu có chứa hai chữ đức tin mà theo bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn, dòng Chúa Cứu Thế, thì ngài gọi là lòng tin. Nơi bản dịch 1994 của mười bốn dịch giả Kinh Thánh cũng đưọc gợi là lòng tin. Hơn nữa, đôi khi Phúc Âm chỉ dùng một chữ “Tin” cũng mang ý nghĩa lòng tin. Con đọc lên để mọi người so sánh. Cũng có những câu giống nhau nơi bốn Phúc Âm, con chỉ ghi một lần cho tiện phân định.

"Ông đã tin sao thì hãy được như vậy" (Mt. 8:13).

"Này con, hãy vững lòng, lòng tin của con đã cứu chữa con" (Mt. 9:22; Mc. 5:34; Lc. 8:48).

"Này bà, lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!" (Mt. 15:28).

"Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì các ngươi có bảo núi này: Hãy bỏ đây qua đó, nó cũng sẽ chuyển qua, và các ngươi sẽ không bất lực trước một điều gì" (Mt. 17:20; Mc. 11:22).

"Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi có lòng tin và không nghi ngại, thì các ngươi không chỉ làm được điều xảy ra cho cây vả, mà cho dù các ngươi có bảo núi này 'xê đi mà nhào xuống biển' thì sự cũng sẽ xảy ra. Và mọi điều các ngươi lấy lòng tin mà cầu nguyện kêu xin, các ngươi sẽ được" (Mt. 21:21-22; Lc. 17:6).

"Đừng sợ, hãy tin mà thôi" (Mc. 5:36; Lc. 8:50).

"Hãy đi! Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi" (Mc. 10:52; Lc. 7:49).

"Bởi thế, Ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được, và các ngươi sẽ thấy thành sự" (Mc. 11:24).

"Sao! Nếu có thể!... Mọi sự đều là có thể cho người tin!" (Mc. 9:23).

"Hãy chỗi dậy mà đi về; lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi" (Lc. 17:19).

"Tuy vậy, Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên đất nữa không?" (Luca 18:8b).

"Ngươi hãy được thấy, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi" (Lc. 18:42).

"Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: kẻ nghe lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta thì có sự sống đời đời, và khỏi đến tòa phán xét, nhưng đã ngang qua sự chết mà vào sự sống. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Giờ sẽ đến - và là ngay bây giờ - các kẻ chết sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ sống" (Gioan 5:24-25).

"Phục sinh và sự sống chính là Ta. Ai tin vào Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống; và mọi kẻ đang sống tin vào ta sẽ không phải chết bao giờ" (Gioan 11:25-26).

"Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (Gioan 14:12).

- Thưa cha, thưa mọi người, Thanh nói tiếp, so sánh và suy nghĩ đối chiếu những câu Phúc Âm này, con thấy hình như Phúc Âm nói về một thực thể được gọi là tin hay lòng tin sẵn có nơi mọi người chứ không phải là hồng ân được ban riêng cho bất cứ ai. Chẳng hạn nơi câu, "Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi có lòng tin và không nghi ngại, thì các ngươi không chỉ làm được điều xảy ra cho cây vả, mà cho dù các ngươi có bảo núi này 'xê đi mà nhào xuống biển' thì sự cũng sẽ xảy ra. Và mọi điều các ngươi lấy lòng tin mà cầu nguyện kêu xin, các ngươi sẽ được" (Mt. 21:21-22; Lc. 17:6). Con nghĩ, Phúc Âm dùng ngôn từ “Các ngươi” có nghĩa bất cứ ai. Có điều, con vẫn còn chưa thông suốt ý nghĩa câu, "Tuy vậy, Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên đất nữa không?" (Luca 18:8b). Câu này làm phiền con quá chừng.

- Anh muốn giăng bẫy tôi đó phải không? Giải thích thì dễ thôi, không đáng một xu nhưng sẽ giết chết năng lực nghiệm chứng nơi quý anh chị. Hãy để tôi học theo tổ Huy Sơn vì tôn trọng quý anh chị. Cùng lắm tôi chỉ có thể nêu thêm những vấn nạn khiến đầu óc quý anh chị phát khởi nhận thức. Tôi cũng muốn nói lắm chứ nhưng chỉ mang tai hại, nói cho đúng, chỉ ngăn cản hành trình thức ngộ của mọi người.

- Thưa cha, ông trùm Canh lên tiếng, cha giải thích sẽ giúp chúng con hiểu biết hơn về Phúc Âm đó là điều tốt và lợi ích cho chúng con.

- Tôi nói ngoài lề một chút, mọi người đừng để tâm. Đó là, dân Chúa thật tốt lành và khát khao thỏa mãn lòng thao thức bẩm sinh, nói cách khác, lòng khát vọng Tin Mừng thường được mệnh danh qua ngôn từ đức tin, và họ biểu hiện lòng khát vọng này bằng cả cuộc sống qua ý nghĩ, nghi thức thờ phượng, hành động đóng góp hay làm việc thiện, nhưng vẫn cứ cảm thấy thiếu thốn vì không cảm nhận được, không thực hiện được, hay không sử dụng được thực thể được gọi là đức tin. Đọc Phúc Âm mà không cách nào áp dụng vào cuộc sống bởi hiểu theo nghĩa từ chương; vì cố áp dụng câu này nơi cuộc đời thì chống ngược lại câu kia khiến nản lòng; thế nên, Lời Chúa để Chúa nghe. Còn gì đau lòng hơn khi nỗi e sợ không biết mình sẽ ra sao sau khi chết. Còn gì khổ tâm hơn khi miệng nói tin vào Chúa mà không biết mình tin thế nào, không cảm nhận được lòng tin của mình. Tôi khuyên mọi người, hãy cho mình cơ hội; hãy suy nghiệm bất cứ câu Phúc Âm nào cho đến tận cùng, một năm không được thì hai năm, hay mười năm, hay cả đời. Lời Chúa là lời hằng sống phải áp dụng được một cách hợp lý, hợp tình, và hợp với chính mình mọi nơi, mọi lúc. Từ đó chúng ta sẽ biết mình thế nào, sau khi chết sẽ ra sao. Tôi có thể nói như thế này, không nhận biết Tin Mừng Nước Trời, đời mình kể như xong. Tuy nhiên, thì cứ coi như lối nào cũng kể như xong, thế nên, thử nghiệm chứng, kết quả chỉ có hơn chứ không có kém. Đời mình đã kể như xong thì còn gì tệ hơn nữa mà e sợ! Ai nghĩ sao thì nghĩ. Chúng ta trở lại phần đức tin.

- Thưa cha, ít nhất con nghe cha nói hai lần, Thanh lên tiếng, cao điểm của Phúc Âm là đức tin trong khi mục đích cuộc đời cúa Chúa Giêsu chính là rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Thưa cha, vậy đức tin có liên hệ gì với Tin Mừng. Thú thật với cha, lần đầu tiên trong cuộc đời con được nghe và nhận biết Tin Mừng Nước Trời là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Xưa nay, tin mừng này thường được hiểu chỉ về Chúa Giêsu xuống thế làm người. Nếu con nói có gì không phải, xin cha bỏ quá cho chứ thực ra, biết thì biết vậy nhưng con chưa thực sự nghiệm chứng được. Nói cho đúng, cứ mỗi khi nghe nơi radio lúc  đang lái xe, những nhà truyền giáo nơi các đài phát thanh oang oang công bố Chúa xuống thế chuộc tội cho anh, cho tôi, cho mọi người, con cảm thấy có gì trục trặc sao ấy, nhưng nói ra không được và cũng thật khó chấp nhận; nên đã nhiều lần con tự hỏi chẳng lẽ mình tin sai. Tại sao bao nhiêu người từ xưa đến nay chấp nhận mà con cứ thấy không ổn nơi tâm tư. Con luôn lo sợ mình rối nhưng cũng chẳng hiểu tại sao lại cảm thấy tồn tại sự lo sợ viễn vông này trong lòng. Những sách vở con đã đọc, trên internet, chưa thấy ai nhận thức Tin Mừng như thế.

- Hãy bình tâm, trả lời câu hỏi của tôi. Vậy điểm chính yếu của Cựu Ước là gì?

- Thưa cha đó là Thiên Chúa hiện diện và hoạt động nơi dân Ngài.

- Và các đạo học Đông Phương nói gì?

- Thưa cha, Thanh trả lời, dù với những danh hiệu khác nhau nhưng tất cả đều minh xác có một Quyền Lực Tối Thượng đang hoạt động nơi mọi sự.

- Thế nên nếu mệnh danh Quyền Lực Tối Thượng là Thiên Chúa thì sao?

- Thiên Chúa đang hoạt động nơi tạo vật. Đúng rồi, thưa cha, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúa ở cùng anh chị em.

- Anh đã hiểu tại sao ông Tài giúp anh em đã bàn luận về đạo học Đông Phương. Xét về đường hướng tâm linh, nơi hành trình thức ngộ, tất cả mọi sự đều là phương tiện cho con người thức ngộ dẫu người đó nhận biết hay không. Nếu nói theo Phúc Âm, chính Thiên Chúa dẫn dắt từng người chúng ta nhận biết Ngài. Nói theo nhận thức Đông Phương thì cuộc đời sẽ dẫn dắt một người đi đúng con đường, hành trình người ấy phải đi. Nếu tôi không lầm thì mọi người đều quá quen với câu, “Thuận theo ý trời.” Có câu nói, “Cầu mong không bằng gặp may; gặp may không bằng tốt số;  tốt số không bằng ý trời.” Nơi trường hợp này, Phúc Âm có câu, “Hai con chim sẻ không bằng một xu mà Thiên Chúa còn lo cho chúng; các ngươi không hơn con chim sẻ sao; quân yếu tin” (Mt. 10:29). Tôi đã giải thích mấy lần; coi chừng anh chị em đã nghe đến nhàm tai mà không để ý. Phúc Âm nói riêng, cả cuốn Kinh Thánh được viết nơi vùng Trung Đông nhưng được khai triển bên Tây Phương theo nghĩa từ chương. Đã có ai nghe thấy câu, “Lửa thì không nóng nhưng tại mình cảm thấy nó nóng” được ghi nơi cuốn sách Nam Hoa Kinh chưa?

- Dạ rồi, Sỹ nói.

- Câu ấy nói gì vậy?

- Thưa cha, bác Tài nhắc lại nhưng không chịu giải thích thì chúng con cũng bù trớt.

- Tại sao lại đợi giải thích?

- Vậy câu phong dao, “Liệu cơm gắp mắm; liệu bò đo chuồng” nói về việc gì?

- Thưa cha, liệu mà ăn ở, Phủ giải nghĩa.

- Thế nó có nói gì đến con bò hoặc cái chuồng, hoặc cơm và mắm không?

- Thưa không.

- Ai có thể dịch chính xác câu, “Liệu bò đo chuồng” sang tiếng Mỹ?

- Con chẳng đáng Chúa ngự vào vợ con, Sỹ bất chợt nói không đâu vào đâu.

- Anh Sỹ, anh muốn nói gì?

- Thưa cha, con vừa dịch câu tiếng Anh sang tiếng Việt ạ. Câu hỏi của cha không nêu rõ dịch theo ý hay dịch theo từ chương nên không thể trả lời được.

- Bản dịch Kinh Thánh cũng thế, bởi được dịch theo nghĩa từ chương nên cần phải được nghiệm chứng. Gốc tâm linh của Kinh Thánh ở Đông Phương nên được viết theo lối ám định Đông Phương, nhưng lại được dịch và quảng diễn theo nghĩa từ chương của Tây Phương thì cũng chẳng khác gì dịch theo từ chương câu, “Liệu cơm gắp mắm; liệu bò đo chuồng.” Phúc Âm chỉ nói về hành trình tâm linh, giúp chúng ta nghiệm chứng để nhận thức về thực thể chính mình. Đạo học Đông Phương chỉ dẫn những phương pháp cá biệt được gọi chung là “Pháp” nếu nói theo nhà Phật, hầu giúp con người nhận thức; trong khi Phúc Âm chỉ rõ mình như thế nào, mình thực sự là gì. Nói theo lục tổ Huệ Năng đó là bản lai diện mục, hoặc theo Thích Ca thì đó là Phật, nhưng chúng ta chưa nhận biết; chẳng khác gì anh Thanh ví chúng ta như bé em một hoặc hai tuổi. Bây giờ có lẽ anh em đã hiểu tại sao Thích Ca nói, “Ta là phật đã thành, các ngươi là phật chưa thành.” Mỗi người được sinh ra với quyền lực hiện hữu, quyền lực sự sống, nhưng đã không để ý. Thế nên Phúc Âm nói kẻ nào tin vào đức Giêsu có nghĩa kẻ nào nghiệm chứng Phúc Âm và chứng thực được quyền lực hiện hữu, quyền lực sự sống là chính Thiên Chúa nơi mình, sẽ thực hiện được những sự thể như Ngài.

- Nếu tôi không lầm thì lúc này, anh Thanh nhận thức được tại sao thánh Phao lô nói, ”Tôi sống nhưng không phải tôi mà là đức Kitô sống trong tôi.” Dĩ nhiên, Phao lô cũng đã phải trãi qua con đường hẹp, nhận thức về chính mình, “Những điều tôi muốn, tôi đã không làm mà lại làm những điều tôi không muốn.”

- Thưa cha, con hiểu, Thanh trả lời.

- Như vậy anh em đã hiểu quyền lực đức tin ở đâu ra chưa?

- Thưa cha, ông trùm Liệu lên tiếng, đức tin là một hồng ân, Chúa ban cho nên có quyền lực cúa Chúa.

- Ông đã quên rằng ai cũng được sinh ra với quyền lực hiện hữu, quyền lực sự sống sao! Mà quyền lực hiện hữu, quyền lực sự sống là chính Thiên Chúa; nên được nói, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nói cách khác, mọi sự, mọi vật chính là hiện thể của Thiên Chúa dưới những dạng thức khác nhau. Thực thể này không phải chỉ nghe để hiểu mà cần được nghiệm chứng. Chúng ta đã thực chứng được con mắt, cặp tai, bộ óc, môi miệng, ngay cả cuộc đời của mỗi người đều là phương tiện cho linh hồn, Thiên Chúa nội tại, quyền lực hiện hữu, quyền lực sự sống hoạt động; vậy chúng ta là gì, thế nào; linh hồn là gì, thế nào, chúng ta cần để tâm thực chứng..

- Thưa cha, nói như thế, Thanh phát biểu, đức tin là quyền lực của Chúa nơi mỗi người?

- Chứ vậy anh muốn nói đức tin là gì? Và gốc gác từ đâu Phúc Âm nói “Đức tin chữa, đức tin cứu?”

- Thưa cha như vậy nói rằng Chúa chữa, Chúa cứu cũng đồng một nghĩa, Phủ lên tiếng.

- Anh Thanh nói đúng, đức tin chính là quyền lục của Thiên Chúa, quyền lực hiện hữu, quyền lực sự sống nơi mỗi người.

- Thưa cha, vậy không phải Chúa ban cho à? Ông trùm Lực lên tiếng.

- Ai vừa nói nơi ông?

- Thưa cha con.

- Cái miệng ông nói hay cái tay ông nói?

- Thưa cha,

- Thưa bẩm gì nữa ông, cái hồn của ông dùng miệng ông nói; Thiên Chúa nơi ông nói mà cũng không chịu biết. Cha bảo cần phải nghiệm chứng, thực chứng mà còn hỏi, Bá lên tiếng.

- Ông không sợ phạm thượng sao dám nói thế.

- Vậy nói rằng “Thiên Chúa ở cùng anh chị em cũng phạm thượng ư?” Bá hoạch lại.

- Thôi đi chú Bá, ông Thung lên tiếng. Chú không nhớ câu, “Người nói không biết, kẻ biết không nói” sao? Chẳng còn bao nhiêu giờ nữa, mời cha nói tiếp.

- Tôi chỉ có thể tóm tắt, đức tin theo Phúc Âm là chính quyền lực của Thiên Chúa, quyền lực hiện hữu nơi mỗi người. Nói rằng đức tin là quyền lực sự sống cũng đúng nhưng hơi thiếu sót. Ai nghĩ sao thì nghĩ, nghiệm sao thì nghiệm. Đây là ý nghĩa cũng như sự thể mà đạo học Đông Phương gọi là “Vạn Vật Đồng Nhất Thể.” Nơi Duy Thức học, nhà Phật nói rằng mọi sự, mọi vật là hiện thể của Chân Như. Nơi Ấn học, mọi sự, mọi việc đều là hành động của Brahma. Lão học thì Tào như nước ở khắp nơi, mọi vật. Kytô gìáo lại nói chỉ một Chúa, một đức tin, và Phúc Âm nói về hành trình nhận thức Tin Mừng Nước Trời, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Cha Hải kết luận thật đột ngột khiến mọi người chưng hửng và những cái mỏ im như ngậm hạt thị. Một sự im lặng lạ lùng bao trùm cả đám. Hơn kém nửa phút sau, Phủ chợt lên tiếng,

- Thưa cha, nếu Nước Trời là chính Thiên Chúa nơi mình sao Phúc Âm lại khuyên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa?

- Tìm ở đâu, tìm ở nơi mình không là nghiệm chứng hay thực chứng thì là gì? Thế mà cũng hỏi, Bá trả lời.

- Thưa cha, Phủ lên tiếng tiếp, nếu Nước Trời là chính Thiên Chúa đã và đang hiện diện nơi mỗi người mà còn tìm kiếm thì người Do Thái và các môn đồ, tông đồ của đức Giêsu ngày xưa mù hết hoặc thông manh vì nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu sao?

- Họ cũng như chúng ta thôi! Đã bao lần nghe Phúc Âm sao chúng ta vẫn không nhận biết! Đức Giêsu rao giảng về Tin Mừng thì người ta rao giảng về đức Giêsu bởi coi thường câu, “Ngón tay ta chỉ mặt trăng nhưng ngón tay ta không phải là mặt trăng” của Thích Ca. Có lẽ bây giờ anh em đã nhận thức được ý nghĩa thâm trầm của câu nói đơn sơ dường như vô nghĩa và đã hơn kém hai ngàn năm bị coi thường chưa?

- Rồi, rồi, cảm ơn cha nhắc đến câu nói thoạt nghe như ngờ nghệch của Thích Ca. Con đã hiểu tại sao lại có câu, “Đừng bảo Như Lai độ chúng sinh, vì không có chúng sinh cho Như Lai độ.” Phủ nói. Hèn chi người ta cứ rao truyền Chúa Giêsu đến chuộc tội cho thiên hạ trong khi lại cố gắng sống tốt lành thánh thiện.

- Không cố gắng sống tốt lành, thánh thiện thì chỉ còn nước ăn cơm nguội, ngủ nhà ngoài. Sỹ chọc Phủ.

- Chẳng biết ai tốt lành đến chảy cả nước miếng mà không dám ngọ ngoạy. Nói người chẳng nghĩ đến thân. Phủ đáp trả.

- Nói sao thì nói, miễn có thì thôi; đàng này có tiếng mà không có miếng mới nuối tiếc. Có tật giật mình, Tiên nhào vô.

- Mấy cái ông này, hở ra một tí đã vội tào lao thiên tướng. Coi chừng, lúc ăn được thì không có mà ăn, đến khi có mà ăn lại không ăn được mới khốn khổ, nuối tiếc với tiếc nuối. Vợ Sỹ nhăn mấy người đàn ông. Cha đang nói về đức tin thì chẳng thèm nghe; bia rượu vào rồi, ăn nói lung tung.

- Có đâu mà ăn, sao lại bảo rằng không ăn được. Sỹ nói.

- Thôi đi ông ơi; cứ làm như sợ cái miệng ăn da non.

- Thì tôi nói cho hả hơi bia chứ cứ ngồi im người ta nghĩ mình là hiền nhân thì sao! Bu mày nên nhớ, có câu khôn ngoan nói rằng “Hiền giả hóa ngu.” Bộ bu mày muốn tôi ngu muội hay sao!

- Tôi nghĩ, chúng ta nên ngưng ở đây. Thứ năm tôi trở lại Philadelphia, nếu mấy anh em Công giáo muốn hỏi về tôn giáo thì tối thứ hai mình sẽ gặp nhau tại nhà anh Thanh. Bây giờ, có ai còn ý kiến gì không?

- Thưa cha, Thanh giơ tay, con xin hỏi về mấy câu Phúc Âm. Trước hết là câu, “Phỏng khi Con Người trở lại có còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không.” Thưa cha, nếu như vậy thì người ta, nói cách khác, tức là mọi người, cho đến ngày ấy, vẫn không nghiệm chứng để nhận biết đức tin, lòng tin? Thưa cha, nếu theo nghĩa từ chương, thì câu này đặt vấn đề chỉ giới hạn đối với những người thuộc về Kytô giáo. Tuy nhiên, biết bao người từ xưa đến nay không thuộc về Kytô giáo, hay Thiên Chúa giáo, hoặc có những người không bao giờ được nghe biết về Thiên Chúa giáo, nhưng họ nhận biết đức tin, lòng tin qua những danh hiệu khác thì sao. Chẳng hạn nơi đạo học Đông Phương, họ đã nhận biết vạn vật đồng nhất thể từ ngàn xưa thì chẳng lẽ các đạo học và các tôn giáo đều từ từ bị mai một theo thời gian.

- Anh quên rằng chân lý chỉ có một dẫu được bày tỏ hay quan niệm nhiều kiểu cách khác nhau; chẳng hạn, linh hồn còn được gọi là atman, tự tánh, tính, tâm phật, tâm chân như, thượng đế nội tại v. v… Đàng khác, Phúc Âm, Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh, kinh Kim Cang, kinh Đại Niết Bàn, kinh Viên Giác, Pháp Bảo Đàn kinh v. v… đâu phải chỉ được viết cho những giáo phái khác nhau hoặc một khối người riêng biệt mà cho mọi người. Tất cả chỉ là sản phẩm hay thành quả nghiệm chứng, thực chứng, hành trình nhận thức tâm linh tùy thời, tùy nơi chốn, và tùy văn hóa. Nói cách khác, tất cả các kinh đều một cách nào đó chỉ dẫn hành trình tâm tưởng cần thiết để nghiệm chứng, để kiến tính, để nhận thức Tin Mừng Nước Trời, để thức ngộ.

- Nếu có thể nghiên cứu về lịch sử các tôn giáo cổ, chúng ta thấy, theo thời gian đã biết bao tôn giáo biến mất và đồng thời cũng nhiều tôn giáo phát sinh. Có điều chúng ta nên để ý suy ngẫm, chỉ có một định luật bất biến chính là định luật biến đổi, biến chuyển. Tất cả mọi sự đang biến chuyển từng giây, từng phút, lớn lao vô giới hạn như vũ trụ cho đến nhỏ như từng tế bào, hoặc phân tử, hay nguyên tử mà mắt chúng ta không thể nhìn thấy được, cũng như ý nghĩ, ước muốn con người, không sự gì ngưng nghỉ, không biến chuyển; đến ngay sự chết của mỗi người cũng nằm trong định luật bất biến này. Nhìn vào thực tại ngắn hạn của một đời người, dài lắm cũng chỉ trăm năm, chúng ta đã chứng kiến biết bao đổi thay, thì điều được gọi chung là niềm tin cũng thay đổi, biến chuyển tùy thuộc nhận thức của con người, của nhân loại, phương chi tôn giáo. Bởi đó, tôn giáo mất đi có thể vì không phù hợp với niềm tin do nhận thức thay đổi nơi con người chăng. Tôi không nhớ đọc đâu đó có bài viết của một mục sư Methodist với nhan đề, “Thay Đổi hay Chết.” Trở lại với câu hỏi của anh, chúng ta thường đọc hoặc nghe có những vị nơi nhà Phật than lên “Thời mạt pháp” thì cũng chẳng lạ gì. Dĩ nhiên, ngữ bất tận ngôn và ngôn bất tận ý. Đã một thời gian tôi suy tư, đặt rất nhiều giả thuyết để nhận thức về câu Phúc Âm anh hỏi. Cuối cùng, tôi chỉ có thể nghĩ rằng, coi chừng bản dịch bị giới hạn ngôn từ chăng. Rất tiếc tôi không nghiên cứu về ngôn ngữ Hy Lạp và cũng không tìm tòi xem có học giả nào nghiên cứu về sự minh xác của bản dịch về câu này. Có thể rằng một ngày nào đó câu này sẽ mai một giống như câu anh Bá hay chọc chạch về kinh Ngày Chủ Nhật, “Ai chẳng thông công cùng hội thánh ẩy thì chẳng được rỗi linh hồn.” Đàng khác, chúng ta có thể nghiệm chứng rõ ràng câu, “Gia tài của ngươi ở đâu, thì lòng dạ ngươi cũng ở đó.” Để tâm nhìn lại lòng mình, chúng ta nhận thức được hình như ngôn từ được dịch là “Gia tài” hơn kém hai ngàn năm trước có nghĩa ước muốn, ý định. Anh hiểu tôi muốn nói gì, và dẫu có nói đến sáng mai thì cũng chẳng nói được gì. Bởi đó, câu trả lời cho anh chính xác nhất lại là không nên trả lời, hoặc trả lời như không trả lời.

- Thưa cha, nếu như vậy thì Phúc Âm cũng có nhiều câu hay vấn đề không phù hợp với thực tại mà còn đối nghịch lẫn nhau. Phủ hỏi.

- Anh cố ý làm khó tôi phải không? Nói chơi vậy thôi, tôi hiểu nỗi lòng khát vọng của anh em đặc biệt là lòng dạ của anh đối với Phúc Âm. Thứ nhất như tôi vừa nhắc đến, ngữ bất tận ngôn, và ngôn bất tận ý. Không thế mà câu nói ngang ngửa nơi Lão học, “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” có thể đứng vững mấy ngàn năm rồi trong cõi đạo học Đông Phương. Và có lẽ cũng bởi vì như nhà Phật hay nói thời mạt pháp; mà câu nói thoạt nghe như ngu ngơ, “Ngón tay ta chỉ mặt trăng nhưng ngón tay ta không phải mặt trăng” lại mang tính chất thâm trầm; mà phải những người dám cười cợt về những bất thường nơi tâm tính của chính họ mới có thể chân thành nhận biết. Tôi không thực sự biết hoặc hiểu, ít nhất theo nghĩa từ chương, bản chính cúa Phúc Âm được viết thế nào, nhưng đành phải cúi đầu chấp nhận và thậm phục những lối nói ngang ngang ngửa ngửa hữu vi nơi Phúc Âm. Chính những điểm này đã khiến tâm trí tôi quay mòng mòng, bắt tôi phải mở rộng lòng trực diện tâm hồn con người “Muốn làm thánh lại biến thành thú” của tôi. Có thể nói, Phúc Âm quay tôi như quay dế, dồn tôi vào tận cùng góc tối tâm linh. Bí quá, tôi liều mình nhảy rào, nghe theo ông Tài, bạn tôi đây, đọc về đạo học Đông Phương. Anh em biết không, muốn nghiệm về đạo học Đông Phương, một quy luật ắt có và đủ phải luôn luôn tuân thủ, và đó là vất hết, bỏ hết những kiến thức, kinh nghiệm cá nhân, quan niệm cũng như nhận định riêng tư để đối diện với từng câu nói, từng công án ngang như cua, nghịch thường với bất cứ suy tư, nhận định hay kinh nghiệm nào. Thí dụ, đã anh em nào ngộ được câu nói của Huệ Thi, “Lửa thì không nóng, nhưng tại mình cảm thấy nó nóng” nơi cuốn Trang Tử và Nam Hoa Kinh chưa? Nó không nghịch thường và ngang như cua thì chúng ta chẳng cần nghiệm chứng. Bởi thế, Phúc Âm được ráp nối bằng những công án và dụ ngôn để chúng ta nghiệm chứng. Dù rằng có những ngôn từ của ngày xưa chẳng hạn “Bì cũ” trong câu, “Rượu mới không đổ vào bì cũ,” ngày nay không ai dùng “bì cũ” nữa nên tưởng là viết lầm, và có bản dịch thành bình cũ, lại càng sai lầm hơn. Nhưng, như thế mới kích thích được những tâm hồn khát vọng tâm linh. Nói theo kiểu người “Theo đạo,” coi chừng những điều ngang ngang, ngửa ngửa đó lại là do ý của Thánh Thần chăng. Nói như vậy, ngày nào nhận thức của con người không thể chấp nhận được Phúc Âm nữa thì câu anh Thanh hỏi lúc trước sẽ trở thành hiện thực.

- Thưa cha, ông trùm Canh lên tiếng, cha có nói đến Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời thì người ta rao giảng về Chúa Giêsu, nghĩa là thế nào, thưa cha.

- Bởi không biết Tin Mừng là gì; bởi theo tôn giáo chứ không nghiệm chứng Phúc Âm; bởie sợ sai lầm hoặc sợ bị kết án vì nói không giống người khác, và có thể cũng bởi phải cố bám lấy cái vị thế của tổ chức để hy vọng được cả đàng nọ lẫn đàng kia, cũng có thể bởi bị mặc cảm không hiểu biết gì về tâm linh do lười suy nghĩ nên cố bám lấy tổ chức cho có vẻ bình thường tin tưởng, nói cách khác là “Có đức tin” dẫu không biết đức tin là gì. Cũng có thể bởi không biết chính mình là ai, nhưng e sợ sẽ bị trầm luân sau khi chết, cũng có thể e sợ mất gốc vì muốn nghiệm chứng phải buông bỏ hết quan niệm, học thức, kiến thức, đặc biệt mất gốc do quan niệm của tôn giáo được rao giảng.

- Thưa cha, sao cha nghĩ ra được lắm thứ nguyên nhân không rao giảng Tin Mừng vậy cha? Thanh hỏi.

- Khi nào anh ngộ được câu, “Cái bóng của Thượng Đế là quỷ vương,”hoặc câu Đức Giê-su nói với các môn đệ, "Thầy đã thấy Sa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống,” (Lc. 10:18), anh sẽ nghĩ ra được.

- Thưa cha, lý do gì cha nói, có thể một trong những con đường ngắn nhất để tiến tới thánh đức là sống trụy lạc (ĐBCT; tr. 46)? Con định lên tiếng nhờ cha giải thích lúc đó nhưng cứ chờ xem cha có nói thêm gì không nên bỏ qua. Thanh hỏi tiếp.

Cha Hải nhìn Thanh, không vội trả lời đoạn nhẹ nhàng hỏi,

- Anh đã đọc cuốn truyện Đôi Bạn Chân Tình chưa? Cuốn truyện này được viết bởi Hermann Hesse do Vũ Đình Lưu dịch, và nếu tôi nhớ không lầm thì bản tiếng Việt được in bỏi nhà xuất bản Ca Dao tại Sài Gòn vào năm 1969. Đại khái nói về mối thâm tình của hai nhân vật, một là bề trên của một nhà dòng, và người khác là một danh gia điêu khắc. Nếu đặt mình nơi quan điểm nhận thức đạo học Đông Phương, mới thấy được sự thâm trầm của tác giả. Sở dĩ tôi chỉ nhắc đến thoáng qua một câu một cách bất ngờ mục đích kích thích nhận thức mọi người. Tôi đã nghĩ có lẽ nhóm họp sẽ bùng nổ lớn nhưng mãi tới lúc này anh mới đặt vấn đề; kể ra ông bạn tôi không tiếc lời khen nhóm anh chị em cũng đúng.

- Câu trả lời đơn giản chỉ là kiếm cuốn truyện đó mà đọc dẫu biết rằng kiến thức cũng như học thức hoàn toàn khác biệt với sự thức ngộ. Thêm vào đó, nếu người đọc thực sự đối diện và chấp nhận chính mình để nhận biết mình là ai đồng thời nhận thức được tội lỗi là gì, cũng như cắn rứt lương tâm con người ra sao, mới hy vọng chấp nhận được thực trạng nghịch thường nơi hành trình tâm linh. Câu truyện không gì đặc sắc cho lắm nhưng đối với người có tâm thức chân thành nếu đã mở rộng tâm hồn nhận thức được ý định của tác giả, chắc sẽ bị người đời cho là có tư tưởng hoang đàng. Nói cho đúng, chưa thực sự thấy mình là kẻ đốn mạt, khốn nạn, chưa thể biết mình là ai, chưa thể kiến tính, chưa ngộ được Tin Mừng Nước Trời. Bởi vì Thiên Chúa, Thượng Đế ở cùng chúng ta, nơi mỗi người, nên còn thấy mình là một thứ gì, tâm thức vẫn còn trầm luân nơi điều mà Phúc Âm gọi là “Ý tưởng loài người, Satan,” và vẫn chưa nhận chân được vị thế cao trọng của con người, cũng như chưa thể hiểu thấu câu nói của Pascal, “Con người không phải là thánh, chẳng phải là thú, nhưng đáng thương thay, kẻ muốn thành thánh lại biến thành thú;” và hơn nữa, cũng chẳng thể nào thưởng thức thâm trầm câu nói của Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang), như anh đã nhắc đến, “Bên Tây Phương không có đủ nhà tù để nhốt những người điên; ngược lại bên Đông Phương chúng tôi, có được người điên nào thì lại được vô cùng kính trọng và sùng bái, chẳng hạn Thích Ca, Jesus, Lão Tử.”

- Cha nói chưa thực sự nhận ra mình là kẻ đốn mạt, khốn nạn, chưa thể biết mình là ai. Vậy thưa cha, nếu chưa nhận biết mình đốn mạt, khốn nạn, thì chẳng lẽ phải thực hiện chuyện đốn mạt để nhận biết sao?

- Giỏi, tôi đã phải tốn hai năm để nghiệm chứng con người mình đốn mạt, khốn nạn thế nào; mà mới chỉ nghe thoáng qua, anh đã bắt được tâm điểm nơi hành trình thức ngộ. Sự đốn mạt, khốn nạn nơi hành trình nhận thức là tất cả những gì ngăn cản mình nghiệm chứng, hoặc làm cớ cho mình sai lầm. Đây là lý do tại sao Lão học đề nghị bớt; Phúc Âm nói móc mắt, chặt tay; đây cũng là tội độc nhất, tội vô minh. Bất cứ gì ngăn cản hoặc làm phiền hành trình thức ngộ đều đốn mạt, đều khốn nạn. Thử hỏi, còn gì khốn nạn hơn là cầm giữ chính mình luẩn quẩn trong vòng ngu muội; thế nên, nó còn được gọi là tội phạm đến Thánh Thần. Tôi nghĩ, không nên nói gì nữa; sự hiểu biết do chỉ muốn được giải thích chưa chắc giúp mà coi chừng lại ngăn cản hành trình thức ngộ. Cầu chúc anh chị em một đêm an bình. Riêng bố Sỹ, nếu sợ ngáy bay nóc nhà thì ra ngoài sân mà thiền…; tuy thế, coi chừng lại làm kẻ khác phiền hơn… Có điều… Cha Hải chợt ngưng nói khiến mọi người chú ý để tâm chờ đợi, nhưng cả phút sau, vẫn thấy ngài im lặng, dường như đang thầm tính toán điều gì. Sỹ nhà con nhịn không nổi lên tiếng,

- Thưa cha,

- Anh muốn biết tại sao tôi chợt ngưng không nói tiếp phải không?

- Dạ, thưa cha…,

- Ngay từ trước khi về đây, tôi đã tự nhủ sẽ không nhắc đến, tới lúc này nhân nhắc lại tội phạm đến Thánh Thần tôi suýt buột miệng nói ra, nhưng anh đã đặt vấn đề tại sao tôi ngưng ngang chừng khi đang nói; thôi thì cứ coi như thêm một cơ hội để chúng ta nghiệm chứng; đó là hiện tượng lên đồng; anh chị em có thể lên youtube xem và tự đặt lại vấn đề về đức tin và niềm tin tưởng nơi mình.

- Thưa cha, đó là những chuyện do ma quỷ bày ra sao cha khuyến khích chúng con xem làm gì cho mất đức tin. Ông trùm Lực nói.

- Ông trùm nói lạ, Bá lên tiếng, có đức tin đâu mà mất!

- Sao ông nói tôi không có đức tin?

- Có hay không thì ông tự biết; tôi chỉ muốn nói không biết đức tin là gì thì có cũng như không, phương chi lo sợ mất đức tin.

- Trên youtube, những hình ảnh lên đồng đâu nói về đức tin, ông trùm nhận định.

- Thế ra ông trùm đã coi lên đồng rồi à, hèn chi mất đức tin là phải. Bá giáng thêm một đòn.

- Làm sao có thể mất đức tin! Vấn đề chỉ là nhận biết đức tin hay không vì đức tin chính là quyền lực sự sống, sự hiện hữu nơi mình. Tình lên tiếng. Sợ mất đức tin, tất nhiên ông trùm chưa biết đức tin là gì!

- Thánh Phao Lô khuyến khích chúng ta, “Nghiệm xét mọi sự;” đồng thời như anh em đã biết, tất cả đều là phương tiện cho mình nghiệm chứng. Sự việc, sự thể là chính nó, mình nhận thức thế nào, thăng tiến ra sao tùy mình. Anh em quên câu nói của lục tổ Huệ Năng rồi sao, “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm.” Cha Hải nhẹ nhàng nhắc nhở.

- Thưa cha, con thấy có điều lạ; đó là nơi youtube, các mục lên đồng sao không thấy nhắc nhở gì đến các tôn giáo. Nếu con không lầm thì hình như con coi cỡ ba bốn chục trường hợp gì đó, chỉ có một lần hồn nhập cô đồng nhắc tới hai tiếng Thiên Chúa giáo và Phật giáo mà thôi. Tất cả các hồn nhập đồng chỉ nói về sống sao cho có đức độ và thờ cúng ông bà, tổ tiên. Thanh nói.

- Cũng có mấy trường hợp hồn nhập đồng nhắc tới việc đi bán cau hoặc làm gì đó giống như những công việc làm ở nhân gian. Bá nói thêm.

- Anh em có thấy điều gì đặc biệt nơi những sự kiện nhập đồng không?

- Thưa cha, các hồn nhập ăn tục, nói phét như người thường. Ông trùm Lực lên tiếng.

- Thưa cha, Thanh giơ tay nói, coi những video hồn nhập đồng, điều con để ý nhất là chúng minh chứng xác thực có sự sống đời sau. Đồng thời chúng cũng minh chứng lời Phúc Âm, “Những gì các ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc.” Thực ra, nếu hiểu nước Thiên Chúa, hoặc thiên đàng theo nghĩa hữu vi, thế tục, con thấy có gì đó không chỉnh. Nhưng nơi những video đồng bóng này, con hiểu được những gì mình theo đuổi trong cuộc sống, khi thân xác mình qua đi thì linh hồn vẫn tiếp tục theo đuổi những ước mơ ấy. Như vậy, chính sự lên đồng này nói lên quyền lực của ý định, ước muốn ảnh hưởng đến cuộc sống đời sau của một người.

- Sở dĩ tôi nhắc đến những video lên đồng nơi youtube chỉ với mục đích để anh em nhận chân được chúng ta có sự sống đời sau; vì xưa nay tôi thường bị nghe, chẳng hạn, phải tin có sự sống đời sau. Và nếu đã có sự sống đời sau, tất nhiên linh hồn có sự sống tiếp tục sau khi thân xác qua đi. Thêm nữa, sự sống đời sau của linh hồn tiếp tục thế nào, chúng ta cần tìm hiểu thâm sâu hơn. Đàng khác, ngôn từ được dùng nơi Phúc Âm ở mực độ nào đó khác với ngôn từ dùng nơi đạo học Đông Phương; chúng ta nên để tâm tìm hiểu. Sự thật hiển nhiên mọi người đều nhận thấy, không một tôn giáo nào chứng minh có linh hồn mà có chăng chỉ chấp nhận có linh hồn, và cuộc sống linh hồn thế nào, tôn giáo không bao giờ nói tới mà chỉ có nơi đạo học. Trong khi đạo học lại chẳng bao giờ dùng ngôn từ linh hồn mà dùng những danh hiệu khác chẳng hạn Atman, bản lai diện mục, tâm, tâm phật, tâm chân như, hoặc ngắn gọn một tiếng “Hồn.” Xét thế, còn rất nhiều vấn đề liên hệ tới ngôn từ hoặc ý ám định Phúc Âm nói tới mang ý nghĩa rất xác thực với đạo học Đông Phương mà chúng ta do nhãn quan phân biệt, nếu không muốn nói là hạn hẹp, không dám mở rộng tâm hồn để nhận thức. Tôi nghĩ, như vậy đã quá đủ đối với những ai thực tâm muốn nhận thức về thực thể con người của mình.

- Thưa cha, Bá lên tiếng, nếu có sự sống đời sau thì thuyết nhân duyên nhà Phật sao có thể đứng vững; vì hồn có cuộc sống vĩnh cửu, đâu lệ thuộc khi duyên hợp hay tan; vì hồn không thể phát sinh từ vật chất, và xác dù đối nghịch nhưng hợp nhất với hồn. Chẳng lẽ thuyết nhân duyên chỉ áp dụng cho môi trường hữu vi, vật chất. Và như vậy, tư tưởng, ý định, ước muốn cũng không lệ thuộc hoàn cảnh, thời gian, hay điều kiện sống của con người. Điều này phi lý, ai cũng nhận biết nên không cần luận bàn.

- Anh hỏi tôi thì tôi hỏi ai! Thuyết Nhân Duyên nhà Phật bao gồm 12 nhân duyên cấu tạo thành con người và vạn vật. Nhà Phật chỉ nói tới Tâm Chân Như được gọi là tâm Phật hay Tính như trong yếu chỉ của lục tổ Huệ Năng, “Kiến tính thành phật” chứ không nói tới linh hồn khác biệt và kết hợp làm một với thân xác. Riêng về sự hiểu biết, nhận thức được coi là một phần trong yếu tố di truyền, Nhà Phật còn có thuyết tâm A Lại Da chất chứa toàn bộ tri thức v.v… Những vấn đề này thuộc về Duy Thức học nhà Phật, ai muốn tìm hiểu thâm sâu hơn nên tự kiếm sách vở mà đọc. Các anh chị có nhớ tổ Huy Sơn hỏi Hương Nham câu gì không, “Lúc cha mẹ chưa sinh ta ra, vậy thử nói một câu xem sao!” Có thể so sánh “Cái Tâm” nơi Phật học với linh hồn nhưng nhà Phật chỉ nói tới danh hiệu Tâm làm một với tâm Chân Như chứ không phân biệt tâm hay tính của một người với tâm Chân Như. Đến đây, chúng ta tạm ngưng. Xin chào anh chị em nếu chúng ta không còn dịp gặp lại.

 

 

lã mộng thường



Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả