Buổi Nói Chuyện Về Âm Nhạc Của Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa Tại Melbourne

Vào ngày 28 tháng 9 năm 2003, tại Hội Quán The Sun ở East Brunswick, cộng đồng người Việt tự do tại tiểu bang Victoria đã hân hạnh đón tiếp Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa và phu nhân, chị Ngọc Hà, từ Hoa Kỳ đến viếng thăm Úc Châu. Chương trình này đã được nhóm thân hữu nhạc sĩ Lê Văn Khoa đứng ra tổ chức, với sự bảo trợ của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria, Tuần Báo Nhân Quyền, Thượng Nghị Sĩ Nguyễn Sang, Hội Cựu Sinh Viên Victoria, Hội Thơ Nhân Quyền, Hội Cao Niên Tị Nạn Đông Dương Victoria, Hội Giáo Chức Victoria, Hội Thân Hữu Miền Tây Melbourne, và Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn. Trong buổi họp mặt thân tình này, nhạc sĩ đã có dịp trình bày ba đề tài về âm nhạc: âm nhạc và đời sống, những suy nghĩ thầm kín của người nghệ sĩ sáng tác, và sự gặp gỡ giữa nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam vào thế giới âm nhạc tây phương.

Anh Hoàng Cao đã giới thiệu chương trình và mời ông Châu Xuân Hùng, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại tiểu bang Victoria lên có đôi lời với quan khách và khán thính giả. Ông Châu Xuân Hùng đã thay mặt cộng đồng xin được vinh hạnh chào đón nhạc sĩ và phu nhân đến Úc Châu. Theo ông, nhạc sĩ Lê Văn Khoa không những là một nhà soạn nhạc, một nhiếp ảnh gia Việt Nam nổi tiếng tại hải ngoại, ông còn được biết đến như một chiến sĩ văn hoá. Nhạc sĩ đã hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt gần 30 năm sống lưu vong tại Hoa Kỳ, trong một nỗ lực nhằm bảo tồn nền văn hoá Việt Nam, đặc biệt là ở lãnh vực âm nhạc và nhiếp ảnh. Người nhạc sĩ đa tài này đã là một trong những sáng lập viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tại Hoa Kỳ. Đây là một hội đoàn bất vụ lợi, được thành lập để phổ biến và phát huy nghệ thuật hợp xướng trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi đã thực hiện những chương trình nhạc với những bài hòa tấu hợp xướng mang đầy tính dân tộc và nhân bản. Ông Hùng hy vọng trong tương lai, cộng đồng người Việt tại hải ngoại không những có cơ hội bảo tồn nền văn hoá Việt Nam tại hải ngoại, mà còn có thể phát huy nền văn hóa này, đặc biệt là trong lãnh vực âm nhạc, mà cụ thể nhất là âm nhạc Việt Nam sẽ có dịp hoà nhập vào giòng âm nhạc tây phương. Ông Hùng sau đó đã nhường lời cho thượng nghị sĩ Nguyễn Sang, người đã mời nhạc sĩ Lê Văn Khoa qua Úc lần này.

Thượng nghị sĩ Nguyễn Sang cho biết ông đã có may mắn gặp gỡ nhạc sĩ Lê Văn Khoa tại California nhân chuyến đi thăm Hoa Kỳ của ông Sang cách đây hơn một năm. Nhân dịp này, ông Sang đã là một vị khách danh dự được dịp thưởng thức chương trình nhạc do nhạc sĩ Lê Văn Khoa thực hiện tại California. Ông Sang cho biết tuy không phải là người thuộc giới làm văn nghệ, nhưng với tư cách là một người thưởng thức nghệ thuật, ông đã rất ngạc nhiên và khâm phục về tính cách vĩ đại cũng như về giá trị nghệ thuật của buổi hoà nhạc này. Theo ông Sang, những người làm văn hoá Việt Nam đã rất cô đơn vì người Việt chúng ta thường có khuynh hướng đón nhận giòng nhạc tây phương đã có sẵn một cách dễ dàng, nhưng lại khá thờ ơ trước nền âm nhạc của chính dân tộc mình.

Ông Đinh Thế Dũng sau đó đã điều khiển chương trình. Ông cho biết cộng đồng người Việt tại Úc đã được một vinh dự lớn lao là đón tiếp nhạc sĩ Lê Văn Khoa và phu nhân đến Úc. Ông Dũng trình bày sơ lược về tiểu sử của nhạc sĩ. Ông đã biểu lộ một lòng đam mê và một khả năng thiên phú về âm nhạc khi còn rất bé tại Việt Nam. Ông đã được trao tặng một giải thưởng về nhiếp ảnh và một giải thưởng về âm nhạc của Hội Nghị Văn Chương Toàn Quốc năm 1967 và 1969. Biến cố tháng Tư đã khiến ông đã phải rời bỏ quê hương. Từ khi di chuyển về California sinh sống vào năm 1978, ông đã hoạt động không ngừng, và Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi đã được hình thành nhằm phát triển ngành hợp xướng và thực hiện những chương trình hoà nhạc hợp xướng. Những chương trình hoà nhạc có tầm vóc quy mô này đã quy tụ những nhạc sĩ và ca sĩ Việt Nam nổi tiếng tại hải ngoại, và đặc biệt là có sự đồng trình diễn của cả giới nghệ sĩ Hoa Kỳ nữa. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã sáng tác một tấu khúc giao hưởng có tựa đề “Việt Nam 1975” với tâm hồn của một người Việt tha hương, để ghi lại biến cố lịch sử đau thương này của đất nước.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, với một giọng miền Nam đầy lôi cuốn, đã trình bày về đề tài thứ nhất: Âm Nhạc Trong Đời Sống. Âm Nhạc Trong Đời Sống cũng là tên của một chương trình phát thanh do ông phụ trách trên Đài Little Sài Gòn. Theo ông, ba yếu tố trong âm nhạc là sáng tác, trình diễn, và thưởng thức, là ba yếu tố có liên hệ mật thiết với nhau và không thể tách rời nhau được. Chúng ta sẽ không có âm nhạc nếu thiếu một trong ba yếu tố này, và vì thế cả ba yếu tố này đều quan trọng như nhau. Theo ông, âm nhạc là một thứ ngôn ngữ quốc tế, nhưng âm nhạc không đến với mọi người một cách tự nhiên, mà như mọi thứ ngôn ngữ khác, để có thể hiểu và cảm thông với âm nhạc, ta cần học hỏi và trau dồi về thứ ngôn ngữ này. Chương trình phát thanh này đã được ông hướng dẫn để dần dà mọi người có thể hiểu được âm nhạc mà không cần phải dựa vào lời ca, để có thể đi xa hơn trong cái thế giới âm thanh tuyệt vời xẩy ra chung quanh ta hằng giờ hằng phút mà ta không ý thức được. Vì thời gian có hạn, ông chỉ nói sơ lược qua về lịch sử âm nhạc, dù theo truyền thuyết Hy Lạp, theo lịch sử Trung Hoa, hay nhìn dưới góc cạnh của tôn giáo, âm nhạc đã trở thành một phần trong đời sống chúng ta. Việc này đã dần dà được chứng minh một cách khoa học. Thí dụ điển hình nhất là một thai nhi, nếu được cho nghe một bài nhạc liên tục trong một thời gian ròng rã trước khi chào đời, thì khi chào đời được hai ngày, đứa trẻ này nhúc nhích như hưởng ứng bài nhạc này, khi bài nhạc được phát lại bằng cái loa cho bé nghe, nhưng đứa bé này lại không tỏ ra có phản ứng nào khi một dòng nhạc lạ cũng được phát qua loa cho bé nghe. Ở đất nước ta khi xưa, những nhà nông khi cầy cấy đã hò hát với nhau để quên đi những nỗi mệt nhọc khi làm việc, những người chèo thuyền cũng hát những bài hát chèo thuyền. Những bài hát trữ tình trên sông Venice cũng khiến những đôi tình nhân cảm thấy khung cảnh trở nên thơ mộng hơn. Thời gian sau này âm nhạc còn được dùng như một phương pháp để chữa trị bịnh. Nói chung âm nhạc đã ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta về nhiều lãnh vực khác nhau, ở những mức độ khác nhau.

Đề tài thứ nhì nhạc sĩ bàn về Những Ý Nghĩ Thầm Kín Của Người Nghệ Sĩ Sáng Tác. Theo nhạc sĩ, âm nhạc thuộc lãnh vực khoa học vì nó cần sự chính xác tinh vi đến mức tối đa. Thí dụ như bao nhiêu sự rung động của âm thanh trong một giây sẽ tạo ra loại âm thanh nào. Âm thanh này khi chạm vào tai người nghe, xuyên vào não, não phân tích để cho biết cảm xúc của ta khi nghe âm thanh đó. Âm nhạc cũng là một bộ môn nghệ thuật vì nó liên quan đến sự rung động của tâm hồn. Như những bộ môn nghệ thuật khác, mức độ cảm nhận hay thưởng thức của ta về âm nhạc thay đổi tuỳ theo từng người, và một phần tuỳ vào mức độ ta tiếp xúc với âm nhạc. Điều quan trọng là người nghệ sĩ, dù ở lãnh vực sáng tác nào, đôi khi cần phải có cái can đảm vượt thoát ra ngoài những tiêu chuẩn thường lệ, để tác phẩm của mình có thể chấp cánh bay cao theo sự rung động của con tim, đó là lúc tác phẩm nghệ thuật mang nét sáng tạo mới. Ông đưa ra một thí dụ khi ông viết hoà âm và cho dàn nhạc giao hưởng bản nhạc Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, trong một chương trình hoà nhạc vừa được trình diễn tại California, theo nhạc sĩ, ý nghĩ hiện ra trong đầu ông là trời phải tối trước khi sáng, vì thế để tạo sự tương phản rõ nét, ông đã cho những âm thanh từ âm u, đi lần đến những âm thanh dường như có tiếng giun dế kêu, những âm thanh này lần lần bừng lên, lớn dần ra, khi âm thanh rộ lên thì ta có thể cảm nhận ngay là cả bầu trời đang sáng rực lên, đó là lúc ban hợp ca bắt đầu hát “Đoàn người đi …” Nhạc sĩ tâm sự, ông đam mê cả âm nhạc lẫn nhiếp ảnh vì trong âm thanh có hình ảnh, và trong hình ảnh có âm thanh. Đôi khi ông phải dùng âm thanh để diễn tả một hình ảnh, như trong bài Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, những âm thanh được sử dụng có chủ đích khiến người nghe có thể liên tưởng đến hình ảnh cả một bầu trời đang tối, rồi từ từ sáng dần để cuối cùng vầng bình minh rạng chiếu khắp nơi.

Đề tài thứ ba nhạc sĩ bàn về Âm Nhạc Cổ Truyền Dân Tộc và Sự Hội Nhập Vào Nền Âm Nhạc Thế Giới. Trong đề tài này, ông nhắc đến ba tấu khúc giao hưởng có liên quan đến những biến cố lịch sử cận đại. Tấu khúc Tchaikovsky đã diễn tả lại cuộc chiến giữa quân Pháp và Nga, khi Napoléon đem quân sang xâm chiếm nước Nga, khiến Nga phải kêu gọi tiêu thổ, cuối cùng Pháp thua cuộc. Nhà nước Nga, nhân dịp muốn dựng lại ngôi nhà thờ tại Petersburg để đánh dấu việc ngôi nhà thờ đã bị quân Napoléon phá hủy trong cuộc chiến, đã giao phó Tchaikovsky sáng tác một tấu khúc về sự kiện lịch sử này. Việc Anh Quốc trả Hong Kong lại cho Trung Quốc cũng được ủy ban tổ chức lễ ủy thác một nhạc sĩ người Hoa sáng tác một tấu khúc giao hưởng hầu diễn tả lại nỗi vui mừng của người dân, trong buổi lễ trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc. Một CD sau đó đã được thực hiện, và có dùng âm thanh của cặp trống đồng vừa mới được khai quật lên ở Trung Quốc. Biến cố tháng Tư năm 1975 cũng là một biến cố lịch sử thế giới cận đại, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã sáng tác ra tấu khúc giao hưởng “Việt Nam 1975” khi nỗi hận và niềm xúc động chợt đến với ông. Đoạn kết của tấu khúc này diễn tả một ngày mai tràn đầy hy vọng cho một nước Việt Nam. Đó cũng là giấc mơ chung của người Việt chúng ta. Ông đã từng có ý định thực hiện một CD để ghi lại một giai đoạn lịch sử đen tối của đất nước, hầu nhắc nhở các em đừng bao giờ quên lý do tại sao thế hệ ông cha các em đã phải bỏ nước ra đi. CD này, nếu thực hiện được, sẽ nhắc nhở các cháu rằng vẫn có một quê hương đang chờ các em đó. Dù đã nhận được những đóng góp nhiệt tình của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, nhưng những công sức và tấm lòng không vẫn chưa đủ, ý định thực hiện CD này cuối cùng đã đành bỏ dở vì chi phí thực hiện CD quá cao tại Hoa Kỳ.

Sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, ông Nguyễn Sang, với tư cách là một thượng nghị sĩ đại diện cho cộng đồng người Việt tại Victoria, phối hợp cùng với Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria, đã vận động để nhạc sĩ Lê Văn Khoa có dịp tiếp xúc với Ban Quản Trị Dàn Nhạc Giao Hưởng Melbourne (Melbourne Symphony Orchestra), hầu nhạc sĩ có dịp giới thiệu những tác phẩm âm nhạc của mình. Cuộc vận động này đã thành công, nhạc sĩ đã đến Melbourne và đã có dịp tiếp xúc với Ban Quản Trị Dàn Nhạc Giao Hưởng Melbourne. Tấu khúc “Việt Nam 1975” đã được nhiều dàn nhạc lớn tại Hoa Kỳ trích diễn. Sau khi ông giám đốc Ban Quản Trị đọc nhạc bản những tác phẩm của nhạc sĩ, và xem những bài báo, hình ảnh mà giới truyền thông đã tường trình lại sau những buổi hoà nhạc, Ban Quản Trị Dàn Nhạc Giao Hưởng Melbourne đã đồng ý trên nguyên tắc là sẽ giúp nhạc sĩ Lê Văn Khoa thực hiện CD này, và đồng thời sẽ cho trình diễn một trích đoạn của tấu khúc này trong một chương trình hoà nhạc vĩ đại chào mừng Thế Vận Hội của Khối Thịnh Vượng Chung (Commonthwealth Games), sẽ được tổ chức vào Tháng Ba năm 2006. Nếu mọi việc xẩy ra như dự định, đây là lần đầu tiên tấu khúc này được trình diễn ngoài quốc gia Hoa Kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên cộng đồng người Việt tại Melbourne sẽ được thưởng thức một dàn đại hoà tấu nổi tiếng của Úc trình diễn giòng nhạc giao hưởng của một nhạc sĩ Việt Nam.

Trong phần giải đáp thắc mắc, một người bạn trẻ bày tỏ mối quan tâm của cô ta về tính ủy mị trong âm nhạc, đã nêu lên câu hỏi làm thế nào để có thể bảo tồn nền văn hoá Việt Nam trong bối cảnh âm nhạc như vậy. Câu trả lời của nhạc sĩ là giới trẻ nên đi tiên phong trong việc sáng tác những bài hát trong sáng, và hy vọng sẽ tạo nên một phong trào nhạc mới lành mạnh. Bầu không khí trở nên sôi động hơn khi một bác cao niên đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề tìm một con đường giải cứu quê hương, mà theo bác đề nghị, chúng ta hãy dấy động lên một chiến dịch “Quê Hương Yêu Dấy Hãy Vùng lên” qua âm nhạc.

Buổi nói chuyện của nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã diễn ra trong một bầu không khí thân mật và ấm cúng. Những anh chị trong Ban Tổ Chức đã lồng vào chương trình những tiết mục phụ diễn văn nghệ đặc sắc, ngay phần mở đầu là màn trình diễn nhạc tây phương của một ban nhạc địa phương Úc The Western Region, mà theo anh Hoàng Cao, để khi nghe giòng nhạc Việt Nam sau đó, ta có thể dễ so sánh giữa hai giòng nhạc hơn. Các ca sĩ tài tử như cô Phượng Oanh, một giáo chức, chị Vy Linh, đã lên giúp vui văn nghệ, với những chất giọng độc đáo không thua kém những ca sĩ nổi tiếng nào. Ca sĩ Vân Trung, một thời nổi tiếng với những bản nhạc trẻ trước năm 1975, cũng đã đóng góp tiếng hát của anh trong chương trình. Chương trình phụ diễn trở nên sống động hơn khi chị Ngọc Hà vô vài câu vọng cổ bằng tiếng Anh, và hát một bản nhạc Việt Nam bằng tiếng Pháp, và sau đó chị cùng cô Phượng Oanh bước lên sân khấu đồng ca bài Khúc Hát Thanh Xuân. Chị Ngọc Hà đã từng là học trò của cô Phượng Oanh dưới mái trường nữ trung học Lê Văn Duyệt trước 1975, và thầy trò đã có dịp gặp lại và cùng hát chung với nhau sau gần 30 năm xa cách, với những xúc động … Cuối chương trình chị Ngọc Hà, ông Nguyễn Xuân Định, và bác sĩ Lê Kim Thư đã cùng nhau trình bày bản Lý Qụa Kêu, khiến bầu không khí trở nên hào hứng hơn nữa. Người tham dự cũng được thưởng thức tài hoà âm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa qua bài Se Chỉ Luồn Kim và Hòn Vọng Phu (nghe từ máy CD), dù chất lượng âm thanh không được trung thực cho lắm, nhưng với những âm thanh khi hùng tráng, lúc êm dịu, đã để lại những ấn tượng sâu đậm nơi người nghe.

Âm nhạc Việt Nam hiện nay có một chỗ đứng khá khiêm nhường trong nền âm nhạc thế giới, dù trong cộng đồng chúng ta không thiếu những nhạc sĩ có khả năng trong lãnh vực sáng tác lẫn trong lãnh vực trình diễn nhạc tây phương. Riêng tại Úc châu phải kể đến nhạc sĩ Lê Tuấn Hùng, nghệ sĩ Đặng Kim Hiền, nhạc sĩ trẻ tuổi Nguyễn Anh Dũng (Melbourne), nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn (Sydney). Những nhạc cụ cổ truyền Việt Nam có khả năng diễn đạt và biểu hiện tư tưởng, tâm hồn người Việt ta một cách tuyệt vời. Một tác phẩm nghệ thuật về âm nhạc của đất nước ta cần mang tính chất dân tộc, và vì thế, việc sử dụng những nhạc khí dân tộc trong những tác phẩm này rất cần thiết. Ước mơ của nhạc sĩ không chỉ dừng lại ở đó, ông còn ấp ủ một hoài bão lớn lao hơn nữa về buổi trình diễn nhạc giao hưởng tại Thế Vận Hội này. Ông hy vọng sẽ mời một số nghệ sĩ Việt Nam hiện đang sống tại khắp nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Hoà Lan, Đức… cùng về Melbourne ở vùng Nam bán cầu thuộc lục địa Úc châu, để cùng trình diễn, cùng hát bài ca nối vòng tay lớn, với hy vọng một ngày mai tươi sáng cho quê hương. Đó cũng là ước mơ của những người Việt Nam. Trong tương lai, nhóm thân hữu Lê Văn Khoa dự định sẽ tổ chức những buổi hoà nhạc vào năm 2004, 2005, do nhạc sĩ Lê Văn Khoa điều khiển, để chuẩn bị cho buổi trình diễn trong dịp Thế Vận Hội. Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria dự định tổ chức một tuần lễ văn hoá Việt Nam, gồm chương trình hoà nhạc, và triễn lãm những tác phẩm nhiếp ảnh của nhạc sĩ Lê Văn Khoa và những nhiếp ảnh gia Việt Nam nổi tiếng khác, hiện đang cư ngụ tại Hoa Kỳ và Úc châu. Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria rất mong đồng bào hưởng ứng tích cực những chương trình này.

Chúng ta may mắn được hít thở bầu không khí tự do tại Úc châu, được có cơ hội làm quen với một nền văn hoá mới lạ. Chúng ta đã nhận được rất nhiều từ quốc gia này. Chúng ta đã được sống trong một xứ sở mà những giá trị dân chủ vẫn còn được khá tôn trọng. Đã đến lúc chúng ta đền đáp lại phần nào cho nước Úc, một món quà mang đầy tính văn hoá, nếu có thể được. Thử tưởng tượng sự kiện một nhạc sĩ Việt Nam điều khiển một dàn đại hoà tấu của Úc, với sự đồng trình diễn của những nhạc sĩ Việt Nam, sử dụng những nhạc khí cổ truyền của chúng ta, trong một chương trình hoà nhạc có tầm vóc quốc tế… (theo nhạc sĩ, giới truyền thông ở Hoa Kỳ đã dùng câu: “Nụ Hôn Văn Hoá Đã Nở” khi diễn tả lại sự kiện một dàn nhạc giao hưởng toàn những nhạc sĩ Hoa Kỳ trích diễn tấu khúc “Việt Nam 1975” của ông). Đây là một niềm hãnh diện lớn lao cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói riêng, và cho cả nền văn hoá Việt Nam nói chung. Chúng ta đã may mắn đạt được những bước đầu tiên đầy thuận lợi. Chúng ta vẫn rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa từ phía cộng đồng chúng ta, để Ban Quản Trị Dàn Nhạc Giao Hưởng Melbourne hiểu được rằng, ngoài giá trị về giáo dục và nghệ thuật, CD này rất quan trọng và cần thiết cho cộng đồng người Việt tị nạn tại Úc Châu. CD này, nếu thực hiện được, sẽ là một chứng minh hùng hồ rằng cộng đồng người Việt chúng ta đã thực sự trưởng thành, và có khả năng hội nhập vào xã hội tây phương trong cả lãnh vực văn hoá nữa, qua một tác phẩm âm nhạc có giá trị lại mang đầy tính dân tộc Việt Nam, góp một phần vào nền văn hoá chính mạch tại Úc, một đất nước yêu chuộng chính sách đa văn. CD này, nếu thực hiện được, ngoài giá trị về nghệ thuật, sẽ còn mang một ý nghĩa sâu xa về phương diện lịch sử. Hy vọng trong tương lai, cộng đồng chúng ta sẽ có dịp chính thức đón nhận một “chứng nhân” lịch sử cho cuộc di tản của hàng triệu người Việt Nam hiện đang sống rải rác tại khắp các nơi trên thế giới. Nhạc cổ truyền Việt Nam hy vọng sẽ vượt biên giới cố hữu của mình để thực sự giao du hoà nhập vào nền âm nhạc tây phương trên thế giới.

30-09-2003


Trang Chính
Văn | Thơ | Nhạc | Tác Giả